Trung Tâm Hộ Tông Trang Chủ



Nghiệp và Quả Của Nghiệp

Soạn giả: Tỳ khưu Hộ Pháp


PHẦN II
NGHIỆP VÀ QUẢ CỦA NGHIỆP
(KAMMA - KAMMAPHALA)

Chương V Hành Giới đã được trình bày xong trong Nền Tảng Phật Giáo quyển III Hành Giới, chương VI sẽ trình bày về nghiệp và quả của nghiệp.

Nghiệp và quả của nghiệp có 2 phần

Nghiệp dịch từ chữ Pāḷi “Kamma”.

Quả của nghiệp dịch từ chữ Pāḷi “Kammaphala”.

Nghiệp là gì?

Đức Phật dạy trong bài kinh Nibbedhikasutta:

Cetanā’haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā”.

(Này chư Tỳ khưu, sau khi đã có tác ý, rồi mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Do đó Như Lai dạy “Tác ý gọi là nghiệp).

Muốn tạo nghiệp nào, người ta có tác ý phát sinh trước, rồi mới tạo nghiệp ấy sau.

Như vậy tác ýnghiệp không đồng sinh với nhau, mà có liên quan trực tiếp với nhau:

- Tác ý phát sinh rồi tạo nghiệp bằng thân gọi là thân nghiệp (kāyakamma).

- Tác ý phát sinh rồi tạo nghiệp bằng khẩu gọi là khẩu nghiệp (vacīkamma).

-Tác ý phát sinh rồi tạo nghiệp bằng ý gọi là ý nghiệp (manokamma).

Do đó nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi 3 môn: Thân môn, khẩu môn, ý môn.

Tác ý (cetanā) đó là tác ý tâm sở (cetanācetasika) là 1 trong 52 tâm sở đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.

Tác ý gọi là nghiệp là mỗi khi tác ý tâm sở này đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm), và đồng sinh với 21 hoặc 37 thiện tâm, thì tác ý tâm sở ấy mới gọi là nghiệp.

- Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm) tạo nên 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

- Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm tạo nên 8 dục giới đại thiện nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

- Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 5 sắc giới thiện tâm tạo nên 5 sắc giới thiện nghiệp bằng ý.

- Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 4 vô sắc giới thiện tâm tạo nên 4 vô sắc giới thiện nghiệp bằng ý.

- Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 4 hoặc 20 Thánh Đạo Tâm tạo nên 4 hoặc 20 Siêu tam giới thiện nghiệp bằng ý.

Còn tác ý tâm sở đồng sinh với 36 hoặc 52 quả tâm, và 20 duy tác tâm, thì tác ý tâm sở ấy không gọi là nghiệp.

Quả của nghiệp như thế nào?

Đức Phật dạy:

“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃvā, tassa dāyādo bhavissāmi”

(Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp hoặc quả của ác nghiệp ấy).

12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) cho quả trong 2 thời kỳ:

- Cho quả trong thời kỳ tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

- Cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 11 cõi dục giới và một số cõi sắc giới.

8 dục giới đại thiện nghiệp cho quả trong 2 thời kỳ:

- Cho quả trong thời kỳ tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người 6 cõi trời dục giới.

- Cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 11 cõi dục giới, 15 cõi sắc giới (trừ cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên) tùy theo đối tượng và chúng sinh.

5 sắc giới thiện nghiệp cho quả trong 2 thời kỳ đối với hành giả.

- Cho quả trong thời kỳ tái sinh trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên, tùy theo quả của mỗi bậc thiền sắc giới thiện tâm.

- Cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên, tùy theo quả của mỗi bậc thiền sắc giới thiện tâm.

4 vô sắc giới thiện nghiệp cho quả trong 2 thời kỳ đối với hành giả.

- Cho quả trong thời kỳ tái sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên, tùy theo quả của mỗi bậc thiền vô sắc giới thiện tâm.

- Cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên, tùy theo quả của mỗi bậc thiền vô sắc giới thiện tâm.

4 hoặc 20 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 hoặc 20 Thánh Đạo Tâm không cho quả tái sinh kiếp sau, mà cho quả trong kiếp hiện tại, ngay sau khi chứng đắc Thánh Đạo Tâm nào liền cho quả là Thánh Quả Tâm tương ứng ấy, không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi Thánh Đạo Tâm nào diệt liền cho quả là Thánh Quả Tâm tương ứng ấy sinh sau 1 sát-na tâm trong cùng Thánh Đạo lộ trình tâm ấy.

4 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 Thánh Đạo Tâm không cho quả tái sinh kiếp sau, mà có khả năng đặc biệt hạn chế kiếp tái sinh của mỗi bậc Thánh Nhân như sau:

- Nhập Lưu Thánh Đạo thiện nghiệp của bậc Thánh Nhập Lưu chắc chắn vĩnh viễn không còn tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, mà chỉ còn tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới nhiều nhất 7 kiếp; trong kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập Lưu ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

- Nhất Lai Thánh Đạo thiện nghiệp của bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh một kiếp trong cõi thiện dục giới mà thôi; trong kiếp ấy bậc Thánh Nhất Lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

- Bất Lai Thánh Đạo thiện nghiệp của bậc Thánh Bất Lai chắc chắn vĩnh viễn không còn trở lại tái sinh trong cõi thiện dục giới, mà chỉ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi trời sắc giới phạm thiên; tại cõi trời sắc giới bậc Thánh Bất Lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

- Arahán Thánh Đạo thiện nghiệp của bậc Thánh Arahán chắc chắn ngay trong kiếp hiện tại đến khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Như vậy, nghiệp có 2 loại: Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) và thiện nghiệp.

- Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có 12 loại trong 12 bất thiện tâm:

8 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong 8 tâm tham.

2 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong 2 tâm sân.

2 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong 2 tâm si.

- Thiện nghiệp có 4 loại:

8 dục giới đại thiện nghiệp.

5 sắc giới thiện nghiệp.

4 vô sắc giới thiện nghiệp.

4 hoặc 20 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 hoặc 20 Thánh Đạo Tâm.

Tóm lại, nghiệp (kamma)quả của nghiệp (kamma-phala) là 2 vấn đề riêng biệt mà có liên quan theo định luật nhân và quả tương ứng.

- Nghiệp (kamma): Có 2 loại

Thiện nghiệp.

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

Thiện nghiệp và bất thiện nghiệp (ác nghiệp) là hoàn toàn do con người chủ động, con người có quyền lựa chọn theo ý riêng của mình, có thể tự hỏi rằng:

Thiện nghiệp này nên tạo hay không nên tạo?

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) này nên tạo hay không nên tạo?

Việc nên hoặc không nên tạo là hoàn toàn do chính ta có quyền lựa chọn.

Một khi ta đã có tác ý tạo nên thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào rồi thì nghiệp ấy là của riêng ta, không liên quan đến những người khác; nếu người khác có liên quan, thì chỉ có thể liên quan với quả của nghiệp mà thôi.

Như Đức Phật dạy:

- Này chư Tỳ khưu, bậc xuất gia hoặc người tại gia, người đàn ông hoặc người đàn bà nên thường suy xét rằng:

Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammapaṭisarano, yaṃ kammaṃ karissāmi kabyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi

(Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta; ta sẽ tạo nghiệp nào: ‘Thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp hoặc quả của ác nghiệp ấy).

- Quả của nghiệp (kammaphala): Có 2 loại

Quả của thiện nghiệp là quả an lạc, quả tốt,…

Quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) là quả khổ, quả xấu,…

An lạc hoặc khổquả của nghiệp, cho nên, con người hoàn toàn bị động phải chấp nhận quả của nghiệp, mà không có quyền phủ nhận, cũng không có quyền lựa chọn. Bởi vì, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp mà chính ta đã tạo trong những kiếp quá khứ, hoặc trong kiếp hiện tại.

Tất cả chúng sinh trong 31 cõi trong tam giới:

Dục giới có 11 cõi

Sắc giới có 16 cõi

Vô sắc giới có 4 cõi

Tất cả chúng sinh có 4 loài:

- Loài thai sinh là chúng sinh tái sinh trong thai của mẹ như loài người, loài gia súc: Trâu, bò, chó, mèo,…

- Loài noãn thai là chúng sinh trong trứng, rồi từ trứng nở ra con như: Con gà, con vịt, con chim,…

- Loài thấp sinh là chúng sinh tái sinh nơi ẩm thấp như dưới đất, trong vũng nước: Con giun, con sán, con dòi,…

Ba loài chúng sinh này sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu theo thời gian dần dần tăng trưởng lớn lên.

- Loài hóa sinh là chúng sinh hóa sinh ra có thân hình đầy đủ các bộ phận lớn nhỏ ngay tức khắc, mà không cần chờ đợi thời gian tăng trưởng. Đó là những hạng chúng sinh như sau:

Con người đầu tiên hóa sinh hiện ra trên trái đất (không có cha mẹ).

Chư thiên trong 6 cõi trời dục giới.

Chư Phạm thiên trong 16 cõi trời sắc giới.

Chư Phạm thiên trong 4 cõi trời vô sắc giới (Phạm thiên trong cõi trời vô sắc giới không có thân, chỉ có tâm mà thôi).

Chúng sinh trong các cõi địa ngục.

Chúng sinh là các hạng atula.

Chúng sinh là các hạng ngạ quỷ.

Tất cả các loài chúng sinh này đều thuộc về loài hóa sinh.

Trong tất cả 4 loài chúng sinh trong 31 cõi trong tam giới, thì con người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu này mà chúng ta đang sống có nhiều điểm đặc biệt mà các chúng sinh trong cõi khác không có như cõi người chúng ta.

Những điểm đặc biệt ấy là những điểm nào?

Tạo ác nghiệp cực ác

Nếu con người tạo ác nghiệp, thì có thể tạo ác nghiệp cực ác như:

Tạo ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhi-kamma) là tà kiến hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp, đó là ác nghiệp cực ác không có ác nghiệp nào ác hơn.

Tạo ác nghiệp vô gián trọng tội (anantariyakamma) là trọng tội giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật, chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng, đó là ác nghiệp vô gián cực ác. Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp vô gián trọng tội này cho quả tái sinh trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất.

Đó là 2 loại ác nghiệp cực ác mà chỉ có con người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu của chúng ta mới có thể tạo ác nghiệp cực ác này được. Ngoài ra, các chúng sinh trong các cõi khác không thể tạo ác nghiệp cực ác này được.

Tạo thiện nghiệp cực thiện

Nếu con người chúng ta là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác thì có khả năng tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp cực thiện để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị trong 10 (mười) ngàn thế giới chúng sinh.

Hoặc nếu con người chúng ta là Đức Bồ Tát Độc Giác thì có khả năng tạo đầy đủ 20 pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp cực thiện để trở thành Đức Phật Độc Giác (Đức Phật Độc Giác có nhiều Vị ).

Hoặc nếu con người chúng ta là Đức Bồ Tát Thanh Văn thì có khả năng tạo đầy đủ 10 pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp cực thiện để trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật (chỉ có 2 vị bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn).

Hoặc ...Bậc Thánh Đại Thanh Văn đệ tử v.v...

Đó là những thiện nghiệp cực thiện mà chỉ có con người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu của chúng ta mới có thể tạo được, những pháp hạnh ba-la-mật này là thiện nghiệp cực thiện.

Như vậy, con người có thể tạo ác nghiệp cực ác, sau khi chết chắc chắn ác nghiệp cực ác cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci chịu quả khổ thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất.

Và con người là chư Bồ Tát có thể tạo thiện nghiệp cực thiện đó là những pháp hạnh ba-la-mật để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, hoặc trở thành Đức Phật Độc Giác, hoặc trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác... Khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Mỗi chúng sinh trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, chắc chắn đã từng tạo và tích lũy các ác nghiệp lẫn các thiện nghiệp. Đối với những hạng chúng sinh trong các cõi địa ngục chỉ có ác nghiệp có cơ hội cho quả khổ mà thôi, còn những thiện nghiệp không có cơ hội cho quả an lạc v.v... Đối với những hàng chư thiên, Phạm thiên trong các cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới chỉ có thiện nghiệp cho quả an lạc mà thôi, còn những ác nghiệp không có cơ hội cho quả khổ.

Riêng loài người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu này, khi thì thiện nghiệp có cơ hội cho quả an lạc, khi thì ác nghiệp có cơ hội cho quả khổ. Quả an lạc hoặc quả khổ ấy là quả của thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của ta mà chính ta là người đã tạo, đã tích lũy từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ từ vô thủy, hoặc đã tạo ngay trong kiếp hiện tại này, chứ không phải của ai khác; chắc chắn các thiện nghiệp và các ác nghiệp ấy là của chính ta, thì chính ta là người thừa hưởng quả an lạc của các thiện nghiệp ấy và phải chịu quả khổ của các ác nghiệp ấy.

Người Phật tử phải nên có chánh kiến về nghiệp của mình (kamassakatā sammādiṭṭhi), có trí tuệ thấy đúng, hiểu đúng rằng: “Ta có nghiệp là của riêng, ta là người được thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp của ta và phải chịu quả khổ của ác nghiệp của ta. Cho nên nếu khi ta hưởng được mọi quả an lạc của thiện nghiệp thì ta hoan hỷ chấp nhận. Và nếu khi ta phải chịu mọi quả khổ của ác nghiệp thì ta cũng phải nên nhẫn nại chấp nhận. Bởi vì thiện nghiệp, ác nghiệp chỉ là của riêng ta mà thôi”.

Như vậy, người Phật tử có chánh kiến về nghiệp, là người biết sống công bình với chính mình; đồng thời biết sống, biết cư xử công bình với tất cả mọi người, mọi chúng sinh, không tự làm khổ mình, không làm khổ người.

Một số người nếu khi hưởng mọi quả an lạc của các thiện nghiệp thì hoan hỷ chấp nhận, nhưng nếu khi chịu mọi quả khổ của các ác nghiệp, thì không chịu chấp nhận, trách người khác, mà không chịu trách mình đã tạo ác nghiệp ấy. Số người ấy sống như vậy không công bình với chính họ, thì họ sống và cư xử cũng không công bình đối với tất cả mọi người, mọi chúng sinh khác. Số người ấy chỉ tự làm khổ mình, làm khổ người gấp bội mà thôi.

Phân Loại Về Nghiệp

Trong chương VI này sẽ trình bày về nghiệp và quả của nghiệp. Trong bộ Abhidhammasaṅgaha (Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa), Ngài Đại Trưởng Lão Anuruddha trình bày trong phần Kammacatukka, nghiệp được phân loại có 4 phần chính là:

I. Kiccacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo phận sự có 4 loại nghiệp.

II. Pākadānapariyāyacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp có 4 loại nghiệp.

III. Pākakālacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo thời gian cho quả của nghiệp có 4 loại nghiệp.

IV. Pākaṭṭhānacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo cảnh giới cho quả của nghiệp có 4 loại nghiệp.

Như vậy, 4 phần nghiệp gồm có 16 loại nghiệp, mỗi loại nghiệp có tên gọi như sau:

I. Phần nghiệp được phân loại theo phận sự (kiccacatukka): Có 4 loại nghiệp

Janakakamma: Nghiệp sinh quả trong thời kỳ tái sinh và sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

Upathambhakakamma: Nghiệp hỗ trợ cho nghiệp khác sinh quả.

Upapīḷakakamma: Nghiệp hãm hại nghiệp đối nghịch.

Upaghātakakamma: Nghiệp sát hại cắt đứt nghiệp khác.

II. Phần nghiệp được phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp (pākadānapariyāyacatukka): Có 4 loại nghiệp

Garukakamma: Nghiệp trọng yếu, ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau trước tiên.

Āsannakamma: Nghiệp cận tử, phát sinh lúc lâm chung.

Nếu không có nghiệp trọng yếu, thì nghiệp cận tử này cho quả tái sinh kiếp sau.

Āciṇṇakamma: Nghiệp thường hành hằng ngày đêm.

Nếu không có nghiệp trọng yếu và nghiệp cận tử, thì nghiệp thường hành này cho quả tái sinh kiếp sau.

Kaṭattakamma: Nghiệp loại thường, yếu hơn 3 loại nghiệp trên.

Nếu không có 3 loại nghiệp trên, thì nghiệp loại thường này cho quả tái sinh kiếp sau.

III. Phần nghiệp được phân loại theo thời gian cho quả của nghiệp (pākakālacatukka): Có 4 loại nghiệp

Diṭṭhadhammavedanīyakamma: Nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất)

Upapajjavedanīyakamma: Nghiệp cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ nhì)

Aparāpariyavedanīyakamma: Nghiệp cho quả trong những kiếp tiếp theo (kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót trước khi tịch diệt Niết Bàn).

Ahosikamma: Nghiệp vô hiệu quả (nghiệp không còn có hiệu lực cho quả của nghiệp ấy được nữa).

IV. Phần nghiệp được phân loại theo cảnh giới cho quả của nghiệp (pākaṭṭhānacatukka): Có 4 loại nghiệp

Akusalakamma: 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Kāmāvacarakusalakamma: 8 dục giới đại thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Cõi người, 6 cõi trời dục giới.

Rūpāvacarakusalakamma: 5 sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên.

Arūpavacarakusalakamma: 4 vô sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên.

Đó là 4 phần nghiệp mà mỗi phần có 4 loại thành 16 loại nghiệp.


PHẦN GIẢI THÍCH 16 LOẠI NGHIỆP

I. Kiccacatukka: 4 Nghiệp Phân Loại Theo Phận Sự

Nghiệp được phân loại theo phận sự, có 4 loại nghiệp:

1. Janakakamma: Nghiệp sinh quả là nghiệp có phận sự sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu cho đến lúc chết.

2. Upathambhakakamma: Nghiệp hỗ trợ là nghiệp có phận sự hỗ trợ cho nghiệp khác tái sinh, và hỗ trợ cho nghiệp khác hiện hữu.

3. Upapīḷakakamma: Nghiệp hãm hại là nghiệp có phận sự hãm hại nghiệp đối nghịch khác không cho sinh quả; khi nghiệp đối nghịch khác đã sinh quả rồi thì hãm hại tiềm năng cho quả.

4. Upaghātakakamma: Nghiệp sát hại là nghiệp có phận sự cắt đứt nghiệp khác không cho có cơ hội cho quả, hoặc cắt đứt một phần hoặc toàn phần quả của nghiệp khác.

Giải thích 4 nghiệp phân loại theo phận sự

1. Janakakamma: Nghiệp Sinh Quả

Thế nào gọi là nghiệp sinh quả?

Nghiệp nào có phận sự sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) cho đến trước khi chết, nghiệp ấy gọi là nghiệp sinh quả, đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp, tác ý tâm sở đồng sinh với 8 tâm tham + 2 tâm sân + 2 tâm si), 17 thiện nghiệp (tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm + 5 sắc giới thiện tâm + 4 vô sắc giới thiện tâm) trong tam giới.

* Nghiệp sinh quả ấy gồm có 4 loại nghiệp:

1. 1 12 bất thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ.

1. 2 8 dục giới đại thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ.

1. 3 5 sắc giới thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ.

1. 4 4 vô sắc giới thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ.

Giải thích 4 trường hợp:

1. 1 12 bất thiện nghiệp sinhquả trong 2 thời kỳ:

a) Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla):

12 bất thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm (ác tâm). Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, chỉ có bất thiện nghiệp trong 11 bất thiện tâm (ác tâm) (không có tâm si hợp với phóng tâm - Tác ý tâm sở đồng sinh với tâm si hợp với phóng tâm là bất thiện nghiệp không có năng lực cho quả trong thời kỳ tái sinh, nhưng bất thiện nghiệp này có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, nếu nó có cơ hội cho quả.) có khả năng sinh quả là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm (Vô nhân tâm là tâm không có nhân nào trong 6 nhân: Tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si. Bất thiện quả vô nhân tâm là tâm không có nhân thuộc quả bất thiện) làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

- Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sau làm chúng sinh trong cõi địa ngục, phần nhiều do năng lực của ác nghiệp trong tâm sân.

- Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh làm chúng sinh trong hàng atula, phần nhiều do năng lực của ác nghiệp trong tâm sân tâm si.

- Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh làm chúng sinh trong hàng ngạ quỷ, phần nhiều do năng lực của ác nghiệp trong tâm tham.

- Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau làm chúng sinh trong hạng súc sinh, phần nhiều do năng lực của ác nghiệp trong tâm si.

Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm, sau khi quả tâm ấy đã làm phận sự tái sinh (paṭisan-dhikicca) xong, rồi chính quả tâm ấy liền tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn duy trì kiếp chúng sinh ấy cho đến tận kiếp, hết tuổi thọ, rồi cuối cùng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp chúng sinh ấy.

b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla):

12 bất thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm. Trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, bất thiện nghiệp trong 12 bất thiện tâm có khả năng sinh quả là 7 bất thiện quả vô nhân tâm đó là 7 tâm không có nhân thuộc quả bất thiện.

7 bất thiện quả vô nhân tâm:

7 bất thiện quả vô nhân tâm phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu của chúng sinh ấy như sau:

- Nhãn thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần, hình dáng xấu, không đáng hài lòng.

- Nhĩ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần, âm thanh dở, không đáng hài lòng.

- Tỷ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm ngửi hương trần hôi, không đáng hài lòng.

- Thiệt thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nếm vị trần dở, không đáng hài lòng.

- Thân thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm xúc giác xúc trần thô, cứng, không đáng hài lòng.

- Tiếp nhận tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu, không đáng hài lòng.

- Suy xét tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu, không đáng hài lòng.

7 bất thiện quả vô nhân tâm này là quả của 12 bất thiện nghiệp có thể phát sinh trong 11 cõi dục giới và 1 số cõi sắc giới.

Mỗi bất thiện quả vô nhân tâm này phát sinh cần phải hội đủ nhân duyên, điều kiện của mỗi quả tâm này, còn tùy theo mỗi hạng chúng sinh trong mỗi cõi giới ấy.

Quả của 12 bất thiện nghiệp này là quả khổ được phát sinh đối với mỗi chúng sinh tùy theo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) mà họ đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong những kiếp quá khứ, trải qua từ nhiều đời nhiều kiếp.

Tất cả mọi cảnh khổ của chúng sinh trong cõi địa ngục, các hàng atula, các hàng ngạ quỷ, các loài súc sinh đều do quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) mà chính chúng đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong những kiếp quá khứ.

1.2 8 dục giới đại thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ:

a) Thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla):

8 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm sinh quả là 9 quả tâm đó là 8 dục giới đại quả tâm 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm. 9 quả tâm này làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) trong 7 cõi thiện dục giới: Cõi người 6 cõi trời dục giới như sau:

8 dục giới đại quả tâm có 2 loại tâm:

- 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ.

- 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ.

− Nếu 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh làm người thì người ấy là hạng người có tam nhân (tihetukapuggala) vô tham, vô sânvô si (trí tuệ); hoặc hóa sinh làm chư thiên thì vị chư thiên ấy là hạng chư thiên có tam nhân: Vô tham, vô sân và vô si, có nhiều oai lực, có hào quang sáng tỏa, có nhiều sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy.

− Nếu 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh làm người thì người ấy là hạng người có nhị nhân (dvihetukapuggala) chỉ có vô thamvô sân, không có vô si; hoặc hóa sinh làm chư thiên thì vị chư thiên ấy là hạng chư thiên có nhị nhân: Vô tham và vô sân, không có vô si, có ít oai lực, có ít hào quang sáng tỏa, có ít sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy.

Nếu suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh làm người thì người ấy là hạng người vô nhân (ahetukapuggala, là hạng người không có nhân nào trong 3 nhân: Vô tham, vô sân và vô si từ khi tái sinh đầu thai.), đó là hạng người đui mù, câm điếc, tật nguyền... từ khi đầu thai trong bụng mẹ; hoặc hóa sinh làm chư thiên thì vị chư thiên ấy thuộc hạng chư thiên vô nhân, không có nhân nào trong 3 nhân: Vô tham, vô sân và vô si, là hạng chư thiên đui mù, câm điếc, tật nguyền... từ khi hóa sinh đầu tiên.

Sau khi 1 trong 9 quả tâm (8 dục giới đại quả tâm + suy xét tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm) đã làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) xong, rồi chính 1 quả tâm ấy liền tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn duy trì kiếp chúng sinh ấy cho đến tận kiếp, hết tuổi thọ, rồi cuối cùng cũng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp chúng sinh ấy.

b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla):

8 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm. Trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm này có khả năng sinh quả là 16 quả tâm đó là 8 dục giới đại quả tâm8 thiện quả vô nhân tâm.

8 thiện quả vô nhân tâm:

8 thiện quả vô nhân tâm phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu của chúng sinh ấy:

- Nhãn thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần tốt, đẹp, đáng hài lòng.

- Nhĩ thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần hay, đáng hài lòng.

- Tỷ thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm ngửi hương trần thơm, đáng hài lòng.

- Thiệt thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm nếm vị trần ngon, đáng hài lòng.

- Thân thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm xúc giác xúc trần mềm mại, đáng hài lòng.

- Tiếp nhận tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt, đáng hài lòng.

- Suy xét tâm hợp với thọ hỷ thuộc thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt, đáng hài lòng.

- Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt, đáng hài lòng.

8 thiện quả vô nhân tâm này là quả của 8 dục giới đại thiện nghiệp có thể phát sinh trong 11 cõi dục giới và 15 cõi sắc giới (không có cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên). Mỗi thiện quả vô nhân tâm này phát sinh cần phải hội đủ nhân duyên, điều kiện của mỗi quả tâm này, còn tùy thuộc vào hạng chúng sinh trong cõi giới ấy.

Quả của 8 dục giới đại thiện nghiệp này là an lạc được phát sinh đối với mỗi chúng sinh tùy theo thiện nghiệp mà họ đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong kiếp quá khứ từ nhiều đời, nhiều kiếp.

Tất cả mọi sự an lạc của chúng sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người 6 cõi trời dục giới đều do quả của thiện nghiệp mà chính họ đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong những kiếp quá khứ.

1. 3 5 sắc giới thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ:

a) Thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla):

5 sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm. Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thiện nghiệp trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm này sinh quả là 5 bậc thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên.

Thiện nghiệp trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm sinh quả tương ứng với 5 bậc thiền sắc giới quả tâm. Trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm này, hành giả chứng đắc được bậc thiền sắc giới thiện tâm nào cao, thì bậc thiền cao ấy có quyền ưu tiên sinh quả là bậc thiền sắc giới quả tâm ấy làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) lên tầng trời sắc giới tương ứng với quả của bậc thiền ấy.

Ví dụ: Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đến đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi hành giả chết, thì chỉ có đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm mà thôi, làm phận sự tái sinh (hóa sinh) lên cõi trời sắc giới của đệ tứ thiền.

(sẽ trình bày rõ trong phần “Nghiệp phân loại theo cảnh giới cho quả”)

b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla):

Trong 5 bậc thiền sắc giới quả tâm, bậc thiền sắc giới quả tâm nào sau khi đã làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) xong, rồi bậc thiền sắc giới quả tâm ấy tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn duy trì kiếp Phạm thiên ấy cho đến lúc hết tuổi thọ tại tầng trời sắc giới ấy, rồi cuối cùng cũng chính bậc thiền sắc giới quả tâm ấy lại làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp Phạm thiên tại tầng trời sắc giới ấy.

1. 4 4 vô sắc giới thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ:

a) Thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla):

4 vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm. Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thiện nghiệp trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm này sinh quả là 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên.

Thiện nghiệp trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm sinh quả tương ứng với 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm. Trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm này, hành giả chứng đắc được bậc thiền vô sắc giới thiện tâm nào cao, thì bậc thiền cao ấy có quyền ưu tiên sinh quả là bậc thiền vô sắc giới quả tâm ấy làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) lên tầng trời vô sắc giới tương ứng với quả của bậc thiền ấy.

Ví dụ: Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đến đệ tam thiền vô sắc giới, vô sở hữu xứ thiền thiện tâm. Sau khi hành giả chết, thì chỉ có đệ tam thiền vô sắc giới, vô sở hữu xứ thiền thiện tâm sinh quả là đệ tam thiền vô sắc giới vô sở hữu xứ thiền quả tâm mà thôi, làm phận sự tái sinh (hóa sinh) lên tầng trời vô sắc giới gọi là Vô Sở Hữu Xứ Thiên.

(sẽ trình bày rõ trong phần “Nghiệp phân loại theo cảnh giới cho quả”)

b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla):

Trong 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm, bậc thiền vô sắc giới quả tâm nào sau khi đã làm phận sự tái sinh (paṭisandhi-kicca) xong, rồi bậc thiền vô sắc giới quả tâm ấy tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn duy trì kiếp Phạm thiên ấy cho đến lúc hết tuổi thọ tại tầng trời vô sắc giới ấy, rồi cuối cùng cũng chính bậc thiền vô sắc giới quả tâm ấy lại làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp Phạm thiên tại tầng trời vô sắc giới ấy.

Thời Kỳ Tử (Cuti) và Tái Sinh (Paṭisandhi)

Mỗi kiếp của chúng sinh bắt đầu từ tái sinh tâm (paṭi-sandhicitta) đó là quả tâm của thiện tâm nào hoặc bất thiện tâm nào làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) chỉ 1 sát-na tâm xong rồi diệt, rồi chính quả tâm ấy làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn kiếp sống của chúng sinh ấy đến hết tuổi thọ hoặc hết nghiệp hỗ trợ, rồi cũng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) cuối cùng của một kiếp chúng sinh.

Ví dụ: Chúng sinh ấy là loài người, người ấy trong lúc lâm chung (maraṇāsannakāla) có 1 trong 3 hiện tượng hiện ra: Nghiệp (kamma), hoặc hiện tượng của nghiệp (kamma-nimitta), hoặc cảnh tượng nơi sắp tái sinh (gatinimitta). Hiện tượng này là đối tượng của lộ trình tâm lúc lâm chung (maraṇāsannavīthicitta).

Đồ Biểu Ngũ Môn Cận Tử Lộ Trình Tâm

(Lộ trình tâm lúc lâm chung theo 5 giác quan:

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân)

Ngũ môn cận tử lộ trình tâm khi chết và tái sinh kiếp sau:

1. Bhavaṅgacitta: Tâm hộ kiếp viết tắt (bha)

2. Atītabhavaṅgacitta: Tâm hộ kiếp quá khứ vt (ati)

3. Bhavaṅgacalana: Tâm hộ kiếp rung động vt (na)

4. Bhavaṅgupaccheda: Tâm hộ kiếp bị cắt vt (da)

5. Pañcadvāravajjanacitta: Ngũ môn hướng tâm vt (pañ)

6. Pañcaviññāṇacitta: Ngũ thức tâm:

(nhãn thức tâm, nhĩ thức

tâm, tỷ thức tâm, thiệt thức

tâm, thân thức tâm) vt (viñ)

7. Sampaticchanacitta: Tâm tiếp nhận vt (sam)

8. Santīraṇacitta: Suy xét tâm vt (san)

9. Voṭṭhabbanacitta: Tâm quyết định vt (vot)

10. Javanacitta: Tâm tác hành vt (ja)

11. Tadārammaṇacitta: Tâm tiếp đối tượng vt (ta)

12. Cuticitta: Tâm tử (kiếp hiện tại) vt (cu)

13. Paṭisandhicitta: Tâm tái sinh (kiếp sau) vt (paṭi)

14. Bhavaṅgacitta: Tâm hộ kiếp vt (bha)

Đồ Biểu Ý Môn Cận Tử Lộ Trình Tâm

(Những chữ viết tắt giống đồ biểu ngũ môn cận tử lộ trình tâm, chỉ còn Manodvārāvajjanacitta: Ý môn hướng tâm, viết tắt (ma)).

Kiếp hiện tại tử - kiếp sau sinh không có khoảng cách thời gian chờ đợi

Qua cận tử lộ trình tâm (maraṇāsannavīthicitta) đối với tất cả chúng sinh, đến khi cuticitta: Tâm tử diệt (chết), liền tiếp theo sau paṭisandhicitta: Tâm tái sinh sinh, không có khoảng cách thời gian chờ đợi.

Cuticitta: Tâm tử (chết) là quả tâm cuối cùng của mỗi kiếp chúng sinh diệt, ở đây có nghĩa là tử (chết), chấm dứt kiếp hiện tại của một chúng sinh nói chung.

Paṭisandhicitta: Tâm tái sinhquả tâm đầu tiên của mỗi kiếp chúng sinh sinh, ở đây có nghĩa là sự bắt đầu một kiếp hiện tại của mỗi chúng sinh nói chung.

Tâm tái sinh là quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau của tất cả chúng sinh, gồm có 19 quả tâm:

* 19 quả tâm làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca)

- 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm là quả tâm của 11 bất thiện tâm (không có tâm si hợp với phóng tâm), làm phận sự tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

- 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm là quả tâm của 8 dục giới đại thiện tâm ít năng lực làm phận sự tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người một số cõi trời dục giới thuộc hạng chúng sinh vô nhân như đui mù, câm điếc, tật nguyền từ khi tái sinh.

- 8 dục giới đại quả tâm là quả tâm của 8 dục giới đại thiện tâm nhiều năng lực, làm phận sự tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người 6 cõi trời dục giới, thuộc hạng chúng sinh tam nhân nhị nhân.

- 5 sắc giới quả tâm là quả tâm của 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, làm phận sự tái sinh (hóa sinh) làm Phạm thiên trong 15 cõi trời sắc giới.

- 4 vô sắc giới quả tâm là quả tâm của 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm, làm phận sự tái sinh (hóa sinh) làm Phạm thiên trong 4 cõi trời vô sắc giới.

* 19 quả tâm làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca)

Trong 19 quả tâm này, sau khi quả tâm nào đã làm xong phận sự tái sinh xong, rồi chính quả tâm ấy lại tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) hộ trì, giữ gìn, duy trì kiếp chúng sinh ấy cho đến hết tuổi thọ của chúng sinh ấy tại nơi cõi giới ấy.

* 19 quả tâm làm phận sự tử (cutikicca) (chết)

Trong 19 quả tâm này, sau khi quả tâm nào đã làm xong phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) xong, rồi chính quả tâm ấy lại tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn, duy trì kiếp chúng sinh ấy cho đến hết tuổi thọ của chúng sinh tại nơi cõi giới ấy, và cuối cùng cũng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp của chúng sinh tại nơi cõi giới ấy.

Như vậy, mỗi chúng sinh bắt đầu với một quả tâm nào làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) chỉ có 1 sát-na tâm sinh bắt đầu kiếp hiện tại rồi diệt, tiếp theo cũng quả tâm ấy làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn, duy trì kiếp hiện tại theo tuổi thọ hoặc theo nghiệp hỗ trợ của chúng sinh ấy cho đến hết tuổi thọ, rồi cuối cùng của kiếp hiện tại cũng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp hiện tại của một chúng sinh.

Mỗi kiếp chúng sinh chỉ có 1 quả tâm làm phận sự tái sinh, rồi làm phận sự hộ kiếp và cuối cùng phận sự tử cùng trong một kiếp mà thôi.

Nếu mỗi chúng sinh đã trải qua vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, từ kiếp này đến kiếp khác, thì chắc chắn tâm tử của kiếp này khác với tâm tái sinh của kiếp khác. Bởi vì do thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) khác nhau, nên cho quả tâm khác nhau.

Theo cận tử lộ trình tâm của mỗi kiếp chúng sinh, thì thấy rõ rằng: “Kiếp này chết rồi liền tái sinh kiếp khác không có khoảng cách thời gian chờ đợi ”.

Ví dụ 1: Ông A là người phạm giới, không có giới, thường tạo ác nghiệp. Đến lúc lâm chung, hiện tượng của ác nghiệp phát sinh làm cho tâm của ông A bị ô nhiễm. Sau khi ông A chết, nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả thì liền tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới như sinh làm loài ngạ quỷ, không có khoảng cách thời gian chờ đợi.

Như vậy, sau khi ông A chết, chính ác nghiệp của ông A cho quả tái sinh kiếp sau làm loài ngạ quỷ; không phải ông A chết, rồi đi tái sinh làm loài ngạ quỷ.

Ví dụ 2: Ông B là người cận sự nam đã thọ phép quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới… có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, giữ gìn giới của mình trong sạch và trọn vẹn, tin nghiệp và quả của nghiệp. Đến lúc lâm chung, hiện tượng của thiện nghiệp phát sinh làm cho tâm của ông hoan hỷ trong thiện nghiệp ấy. Cho nên, sau khi ông B chết, thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Hoá sinh làm vị thiên nam trong cõi trời dục giới, có lâu đài nguy nga, có hào quang sáng ngời v.v…, không có khoảng cách thời gian chờ đợi.

Như vậy, sau khi ông B chết, chính thiện nghiệp của ông B cho quả tái sinh kiếp sau làm vị thiên nam; không phải ông B chết, rồi đi tái sinh làm vị thiên nam.

Thực ra, trong vòng tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh trong ba giới bốn loài, từ kiếp này sang kiếp khác có quan hệ liên đới với nhau bằng thiện nghiệp, ác nghiệp của mỗi chúng sinh ấy; tất cả mọi thiện nghiệp, ác nghiệp dù nhẹ dù nặng cũng được tích lũy đầy đủ ở trong tâm, mà tâm thì luôn luôn sinh rồi diệt liên tục không ngừng, từ kiếp này sang kiếp khác trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Thật vậy, Chư Đức Bồ Tát có nguyện vọng muốn trở thành bậc Thánh Thanh Văn Giác hạng thường, hoặc trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn Giác, hoặc trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác, hoặc trở thành Đức Phật Độc Giác, hoặc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác; tất cả Chư Đức Bồ Tát ấy đều cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo các pháp hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn, thì mới mong thành tựu được như ý nguyện của mình.

Ví như:

* Đức Bồ Tát Thanh Văn Giác hạng thường cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt khoảng thời gian dưới 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tích lũy 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đến khi 10 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ và trọn vẹn, Đức Bồ Tát Thanh Văn sinh ra gặp thời kỳ Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, hoặc được nghe giáo pháp của Đức Phật, Đức Bồ Tát Thanh Văn Giác ấy có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán được thành tựu đúng theo nguyện vọng của Ngài.

Cũng tương tự như vậy:

* Đức Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt khoảng thời gian tròn đủ 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tích lũy 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đến khi 10 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ và trọn vẹn, Đức Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác ấy trực tiếp đến hầu Đức Phật Chánh Đẳng Giác, lắng nghe chánh pháp liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán và được Đức Phật tuyên dương là bậc Thánh Đại Thanh Văn đúng theo nguyện vọng của Ngài từ trước.

* Đức Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt khoảng thời gian 1 a-tăng-kỳ và đủ 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tích lũy 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đến khi 10 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ và trọn vẹn, Đức Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác ấy chắc chắn trực tiếp đến hầu Đức Phật Chánh Đẳng Giác, lắng nghe chánh pháp liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán và được Đức Phật tuyên dương là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác đúng theo nguyện vọng của Ngài từ trước.

Mỗi Đức Phật chỉ có 2 Vị Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử.

* Đức Bồ Tát Độc Giác cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 20 pháp hạnh ba-la-mật: 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung suốt khoảng thời gian 2 a-tăng-kỳ và đủ 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tích lũy 20 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đến khi 20 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ trọn vẹn, Đức Bồ Tát Độc Giác sinh ra trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian. Đức Bồ Tát Độc Giác đi xuất gia, không có thầy chỉ giáo, tự mình có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán đồng thời là Đức Phật Độc Giác, đúng theo nguyện vọng của Ngài từ trước.

Đức Phật Độc Giác có thể có nhiều Vị cùng xuất hiện trên thế gian.

* Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ ưu việt (hơn đức tin và tinh tấn) như Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama của chúng ta, cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 30 pháp hạnh ba-la-mật: 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thượng trải qua 3 thời kỳ.

- Thời kỳ đầu: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác suốt 7 a-tăng-kỳ tạo các pháp hạnh ba-la-mật.

- Thời kỳ giữa: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác phát nguyện ra bằng lời nói để cho chúng sinh nghe hiểu rõ ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Ngài suốt 9 a-tăng-kỳ tạo các pháp hạnh ba-la-mật.

- Thời kỳ cuối: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác được Đức Phật Chánh Đẳng Giác thọ ký xác định thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Trong suốt khoảng thời gian này, Đức Bồ Tát đã trải qua vô số kiếp tích lũy 30 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đến khi 30 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ trọn vẹn, vào thời kỳ tuổi thọ của con người ở khoảng 100 năm, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác sinh ra tại cõi người, Ngài đi xuất gia không có thầy chỉ giáo, tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên độc nhất vô nhị trên toàn cõi thế giới chúng sinh. Ngài là Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama thuyết pháp tế độ chúng sinh cùng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán y theo Ngài.

Chư Đức Bồ Tát (Bodhisatta) là những chúng sinh có trí tuệ, có mục đích cứu cánh cuối cùng. Khi Đức Bồ Tát chưa đạt đến mục đích cứu cánh cuối cùng, thì quý Ngài vẫn còn phải tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Mỗi kiếp của quý Ngài cố gắng tinh tấn tạo các pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp được tích lũy từ kiếp này sang kiếp khác, cho đến khi được đầy đủ trọn vẹn các pháp hạnh ba-la-mật, để đạt đến mục đích cứu cánh cuối cùng là Niết Bàn giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Mỗi chúng sinh khác không phải là Đức Bồ Tát, cũng không có mục đích cứu cánh cuối cùng là Niết Bàn, thì sự tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài từ vô thủy cho đến vô chung. Trong mỗi kiếp đã tạo các thiện nghiệp, các ác nghiệp rồi lại tích lũy các thiện nghiệp, các ác nghiệp ấy, và quả của các thiện nghiệp, quả của các ác nghiệp, kéo dài tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài đến vô chung.

Trong vô số kiếp tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh từ kiếp này sang kiếp khác chỉ có quan hệ liên đới với nhau bằng thiện nghiệp, ác nghiệp mà thôi, hoàn toàn không liên quan đến thân xác.

* Tử sinh luân hồi

Tử là chết, kiếp hiện tại diệt, sinh tái sinh, kiếp sau sinh; hay kiếp trước diệt, kiếp sau sinh liền với nhau không có khoảng cách thời gian chờ đợi và cứ tiếp tục như vậy gọi là tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

* Ba Giới: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới.

– Dục giới có 11 cõi

– Sắc giới có 16 cõi

– Vô sắc giới có 4 cõi

Tam giới gồm có 31 cõi là nơi tạm trú của chúng sinh.

11 Cõi Dục Giới

* 4 cõi ác giới:

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có 12 loại, chỉ có 11 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) (không có ác nghiệp trong tâm si hợp với phóng tâm) có khả năng sinh quả tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới mà thôi. Đó là:

- Cõi địa ngục có tuổi thọ không nhất định.

- Cõi atula có tuổi thọ không nhất định.

- Cõi ngạ quỷ có tuổi thọ không nhất định.

- Cõi súc sinh có tuổi thọ không nhất định.

* 7 cõi thiện dục giới:

Dục giới đại thiện nghiệp có 8 loại có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục giới, tùy theo năng lực của thiện nghiệp ấy, 7 cõi thiện dục giới đó là:

- Cõi người có tuổi thọ không nhất định.

- Cõi trời Tứ Đại Thiên Vương có tuổi thọ 500 tuổi trời, bằng 9 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 50 năm cõi người).

- Cõi trời Tam Thập Tam Thiên có tuổi thọ 1.000 tuổi trời, bằng 36 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 100 năm cõi người).

- Cõi trời Dạ Ma Thiên có tuổi thọ 2.000 tuổi trời, bằng 144 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 200 năm cõi người).

- Cõi trời Đấu Xuất Đà Thiên có tuổi thọ 4.000 tuổi trời, bằng 576 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 400 năm cõi người).

- Cõi trời Hóa Lạc Thiên có tuổi thọ 8.000 tuổi trời, bằng 2.304 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 800 năm cõi người).

- Cõi trời Tha Hóa Tự Tại Thiên có tuổi thọ 16.000 tuổi trời, bằng 9.216 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 1.600 năm cõi người)

16 Cõi Sắc Giới Phạm thiên

Sắc giới thiện nghiệp có 5 loại trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm. Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thiện nghiệp trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là 4 bậc thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong 15 cõi sắc giới phạm thiên như sau:

* 3 cõi đệ nhất thiền sắc giới:

Thiện nghiệp trong đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau vào 1 trong 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền. 3 cõi đệ nhất thiền sắc giới phạm thiên là:

- Cõi Phạm Chúng Thiên có tuổi thọ 1/3 a-tăng-kỳ kiếp trụ.

- Cõi Phạm Phụ Thiên có tuổi thọ 1/2 a-tăng-kỳ kiếp trụ.

- Cõi Đại Phạm thiên có tuổi thọ 1 a-tăng-kỳ kiếp trụ.

* 3 cõi đệ nhị thiền sắc giới:

Thiện nghiệp trong đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm và đệ tam thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ nhị thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau vào 1 trong 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền. 3 cõi sắc giới phạm thiên đó là:

- Cõi Thiểu Quang Thiên có tuổi thọ 2 đại kiếp.

- Cõi Vô Lượng Quang Thiên có tuổi thọ 4 đại kiếp.

- Cõi Quang Âm Thiên có tuổi thọ 8 đại kiếp.

* 3 cõi đệ tam thiền sắc giới:

Thiện nghiệp trong đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ tam thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau vào 1 trong 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền. 3 cõi sắc giới phạm thiên là:

- Cõi Thiểu Tịnh Thiên có tuổi thọ 16 đại kiếp.

- Cõi Vô Lượng Tịnh Thiên có tuổi thọ 32 đại kiếp.

- Cõi Biến Tịnh Thiên có tuổi thọ 64 đại kiếp.

* 7 cõi đệ tứ thiền sắc giới:

Thiện nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau vào 1 trong 6 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền và hành giả. 7 cõi sắc giới phạm thiên là:

- Cõi Quảng Quả Thiên có tuổi thọ 500 đại kiếp.

- Riêng cõi Vô Tưởng Thiên có tuổi thọ cũng 500 đại kiếp, mà được tái sinh lên cõi trời sắc giới này không phải do đệ tứ thiền sắc giới quả tâm, mà tái sinh bằng nhóm sắc pháp gọi là jīvitanavakakalāpa.

- Cõi Phước Sinh Thiên có 5 cõi dành riêng cho bậc Thánh Bất Lai chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm, làm phận sự tái sinh trong 5 cõi Phước Sinh Thiên:

+ Cõi Vô Phiền Thiên có tuổi thọ 1.000 đại kiếp.

+ Cõi Vô Nhiệt Thiên có tuổi thọ 2.000 đại kiếp.

+ Cõi Thiện Hiện Thiên có tuổi thọ 4.000 đại kiếp.

+ Cõi Thiện Kiến Thiên có tuổi thọ 8.000 đại kiếp.

+ Cõi Sắc Cứu Cánh Thiên có tuổi thọ 16.000 đại kiếp.

4 Cõi Vô Sắc Giới Phạm Thiên

Vô sắc giới thiện nghiệp có 4 loại trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm. Thiện nghiệp trong mỗi bậc thiền vô sắc giới thiện tâm sinh quả là mỗi bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau trong mỗi cõi vô sắc giới riêng biệt. 4 cõi vô sắc giới phạm thiên là:

- Thiện nghiệp trong đệ nhất thiền vô sắc giới thiện tâm gọi là không vô biên xứ thiền thiện tâm sinh quả là không vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi Không Vô Biên Xứ Thiên có tuổi thọ 20.000 đại kiếp.

- Thiện nghiệp trong đệ nhị thiền vô sắc giới thiện tâm gọi là thức vô biên xứ thiền thiện tâm sinh quả là thức vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi Thức Vô Biên Xứ Thiên có tuổi thọ 40.000 đại kiếp.

- Thiện nghiệp trong đệ tam thiền vô sắc giới thiện tâm gọi là vô sở hữu xứ thiền thiện tâm sinh quả là vô sở hữu xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi Vô Sở Hữu Xứ Thiên có tuổi thọ 60.000 đại kiếp.

- Thiện nghiệp trong đệ tứ thiền vô sắc giới thiện tâm gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm sinh quả là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên có tuổi thọ 84.000 đại kiếp lâu dài nhất trong tam giới.

Tam giới gồm có 31 cõi.

1 tiểu thế giới gồm có 31.000 cõi.

1 trung thế giới gồm có 31 triệu cõi.

1 đại thế giới có 31.000 tỷ cõi.

* Bốn Loài: Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh.

Loài thai sinh là chúng sinh tái sinh trong thai của mẹ như loài người, loài gia súc: Trâu, bò, chó, mèo,…

Loài noãn thai là chúng sinh trong trứng rồi từ trứng nở ra con như: Gà, vịt, chim,…

Loài thấp sinh là chúng sinh sinh nơi ẩm thấp, dưới đất, vũng nước như: Giun, sán, dòi,…

Ba loài chúng sinh này sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu rồi theo thời gian dần dần tăng trưởng lớn lên.

Loài hóa sinh là chúng sinh hóa ra thân hình có đầy đủ các bộ phận ngay tức khắc, mà không chờ đợi thời gian tăng trưởng như:

+ Con người đầu tiên hiện ra trên trái đất (không có cha mẹ).

+ Chư thiên trong 6 cõi trời dục giới.

+ Chư Phạm thiên trong 16 cõi trời sắc giới và 4 cõi trời vô sắc giới.

+ Chúng sinh trong các cõi địa ngục.

+ Chúng sinh là loài atula.

+ Chúng sinh là loài ngạ quỷ.

Tất cả các loài chúng sinh này đều thuộc loài hóa sinh.

Chúng sinh hễ còn có vô minh như người mù, có tham ái như những sợi dây cột siết vào cổ, thì nghiệp như người dẫn dắt mới có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong ba giới bốn loài.

Chúng sinh sinh làm loài nào, trong cõi nào, hoàn toàn chỉ tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của chúng sinh ấy mà thôi.

* Chúng sinh ngay sau khi chết, nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội sinh quả thì liền tái sinh trong cõi ác giới như địa ngục, hoặc atula, hoặc ngạ quỷ, hoặc súc sinh, tùy theo năng lực của ác nghiệp và quả của ác nghiệp, không có thời gian khoảng cách chờ đợi.

* Chúng sinh ngay sau khi chết, nếu thiện nghiệp có cơ hội sinh quả, thì liền tái sinh trong cõi thiện dục giới như cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới, hoặc 16 cõi trời sắc giới, hoặc 4 cõi trời vô sắc giới, tùy theo năng lực của thiện nghiệp và quả của thiện nghiệp, không có thời gian khoảng cách chờ đợi.

Đối với những chúng sinh là những hạng phàm nhân trong ba giới bốn loài, vẫn còn nguyên tham ái chưa diệt đoạn tuyệt được, thì tử sinh luân hồi vô số kiếp từ vô thủy không sao kể được và còn tiếp tục tử sinh luân hồi đến vô chung, tùy theo nghiệp của mình đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong những kiếp quá khứ, sinh quả tái sinh kiếp sau.

Đối với ba bậc Thánh hữu học là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai và bậc Thánh Bất Lai, quý Ngài đã diệt đoạn tuyệt được một phần tham ái, còn lại một phần, nên vẫn còn tử sinh luân hồi, nhưng số kiếp tái sinh được hạn chế còn lại như sau:

− Chư bậc Thánh Nhập Lưu còn phải tử sinh luân hồi trong cõi thiện dục giới từ 1 kiếp cho đến nhiều nhất là 7 kiếp, rồi chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

− Chư bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh một kiếp nữa, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

− Chư bậc Thánh Bất Lai không còn trở lại cõi dục giới mà chỉ tái sinh lên cõi trời sắc giới phạm thiên, rồi sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời sắc giới ấy, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

− Chư bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt mọi tham ái không còn dư sót, cho nên, ngay trong kiếp hiện tại đến khi hết tuổi thọ đồng thời quý Ngài tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sinh kiếp sau nữa là do không còn tham ái, chứ không phải do không còn nghiệp.

Khi bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, đồng thời tất cả thiện nghiệp và bất thiện nghiệp (ác nghiệp), đã từng được tích lũy trong vô số kiếp từ vô thủy cho đến trước khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, tất cả mọi nghiệp ấy đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), không còn có khả năng sinh quả tái sinh kiếp sau nữa.

Những Trường Hợp Tử (Cuti) và Tái Sinh (Paṭisandhi)

Vấn: Một chúng sinh đầu thai trong tử cung của mẹ (là người hoặc loài gia súc, gia cầm), nếu chúng sinh ấy bị chết trong bụng mẹ do bởi một nguyên nhân nào đó, thì nghiệp nào sinh quả tái sinh kiếp sau?

Đáp: Chúng sinh bị chết trong tử cung của mẹ (là người hoặc loài gia súc, gia cầm) nghĩa là trong kiếp hiện tại, chúng sinh ấy chưa tạo nghiệp. Như vậy, sau khi chúng sinh ấy chết, thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ sinh quả là quả tâm làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau.

- Nếu dục giới thiện nghiệp nào trong dục giới đại thiện tâm làm phận sự sinh quả là dục giới đại quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh làm người trong cõi người, hoặc sinh làm chư thiên trong 6 cõi trời dục giới, tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy, mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ.

- Nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào trong bất thiện tâm làm phận sự sinh quả là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, hoặc loài atula, hoặc loài ngạ quỷ, hoặc loài súc sinh, tùy theo năng lực quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy, mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ.

Vấn: Chúng sinh vừa mới sinh ra đời trong thời gian ngắn ngủi rồi chết, thì nghiệp nào sinh quả tái sinh kiếp sau?

Đáp: Chúng sinh vừa mới sinh ra đời trong thời gian ngắn ngủi rồi chết, trong kiếp hiện tại chúng sinh ấy chưa tạo nghiệp, sau khi chúng sinh ấy chết, bất thiện nghiệp hoặc thiện nghiệp mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

Nếu thiện nghiệp nào trong dục giới đại thiện tâm làm phận sự sinh quả là dục giới đại quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh làm người trong cõi người hoặc làm chư thiên trong 6 cõi trời dục giới, thuộc loài chúng sinh nào hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực quả của thiện nghiệp ấy, mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ.

- Nếu bất thiện nghiệp nào trong bất thiện tâm làm phận sự sinh quả là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh làm loài chúng sinh trong cõi địa ngục, hoặc làm loài atula, hoặc loài ngạ quỷ, hoặc loài súc sinh, thuộc loài chúng sinh nào hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực quả của bất thiện nghiệp ấy, mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ.

Vấn: Chư thiên trong cõi trời dục giới, sau khi chết từ cõi trời ấy rồi sẽ tái sinh kiếp sau như thế nào?

Đáp: Chư thiên tái sinh trong 6 cõi trời dục giới do quả của dục giới đại thiện nghiệp. Chư thiên trong mỗi tầng trời có tuổi thọ khác nhau như sau:

- Chư thiên trong tầng trời Tứ Đại Thiên Vương có tuổi thọ 500 tuổi trời, bằng 9 triệu năm cõi người.

- Chư thiên trong tầng trời Tam Thập Tam Thiên có tuổi thọ 1.000 tuổi trời, bằng 36 triệu năm cõi người.

- Chư thiên trong tầng trời Dạ Ma Thiên có tuổi thọ 2.000 tuổi trời, bằng 144 triệu năm cõi người.

- Chư thiên trong tầng trời Đấu Xuất Đà Thiên có tuổi thọ 4.000 tuổi trời, bằng 576 triệu năm cõi người.

- Chư thiên trong tầng trời Hoá Lạc Thiên có tuổi thọ 8.000 tuổi trời, bằng 2.304 triệu năm cõi người.

- Chư thiên trong tầng trời Tha Hoá Tự Tại Thiên có tuổi thọ 16.000 tuổi trời, bằng 9.216 triệu năm cõi người.

Đến khi hết tuổi thọ, chư thiên trong mỗi tầng trời đều phải chết từ bỏ cõi trời ấy. Sau khi chết chư thiên ấy:

- Nếu thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ hoặc kiếp hiện tại còn có nhiều năng lực có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh trở lại tầng trời cũ, hoặc tầng trời cao hơn tầng trời cũ, hoặc tầng trời thấp hơn tầng trời cũ, hoặc tái sinh xuống cõi người, tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp của vị chư thiên ấy.

- Nếu thiện nghiệp không có cơ hội sinh quả, mà ác nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

Vấn: Chư Phạm thiên trong các tầng trời sắc giới, hoặc tầng trời vô sắc giới, khi hết tuổi thọ tại cõi trời sắc giới, vô sắc giới rồi thì tái sinh kiếp sau như thế nào?

Đáp: Chư Phạm thiên sinh trong 16 cõi trời sắc giới, hoặc 4 cõi trời vô sắc giới do quả của sắc giới thiện nghiệp, quả của vô sắc giới thiện nghiệp, tùy theo bậc thiền sở đắc của mỗi vị Phạm thiên.

Trong 15 tầng trời cõi sắc giới (trừ tầng Vô Tưởng Thiên) từ thấp đến cao tột đỉnh, chư Phạm thiên ở trong mỗi tầng trời sắc giới có tuổi thọ mà thời gian kể bằng đại kiếp trái đất (không thể đếm bằng số) lâu dài khác nhau theo mỗi tầng trời sắc giới ấy. Nhưng đến khi vị Phạm thiên ấy hết tuổi thọ (chết) trong cõi trời sắc giới ấy, phải tái sinh kiếp sau như sau:

- Nếu vị Phạm thiên nào trong cõi trời sắc giới ấy hưởng quả của bậc thiền cũ (kiếp trước), đồng thời thực hành thiền định chứng đắc được bậc thiền mới (trong kiếp hiện tại) ngang bằng, hoặc thấp, hoặc cao hơn bậc thiền cũ, thì sau khi vị Phạm thiên ấy chết tại cõi trời sắc giới ấy, bậc thiền mới là thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi trời sắc giới cũ, hoặc cõi trời sắc giới thấp hơn, hoặc cõi trời sắc giới cao hơn (cõi trời cũ) tùy theo quả của bậc thiền sở đắc của vị Phạm thiên ấy.

- Nếu vị Phạm thiên nào trong cõi sắc giới ấy chỉ hưởng quả của bậc thiền cũ (kiếp trước) mà không thực hành thiền định, không chứng đắc bậc thiền nào, thì sau khi vị Phạm thiên ấy chết, dục giới đại thiện nghiệp nào trong những kiếp quá khứ làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới : Cõi người hoặc cõi trời dục giới.

* Trong cõi trời Vô Tưởng Thiên, vị Phạm thiên tái sinh lên cõi trời sắc giới này do năng lực của đệ tứ thiền thiện nghiệp cho quả là nhóm 9 sắc pháp có sắc mạng chủ là chính (jīvitanavakakalāpa) làm phận sự tái sinh trong cõi Vô Tưởng Thiên này. Do đó, chư Phạm thiên trong cõi trời vô tưởng này không có tâm mà chỉ có thânsắc pháp (sắc uẩn) mà thôi. Chư Phạm thiên cõi vô tưởng này có 3 oai nghi: Một số trong oai nghi ngồi, một số trong oai nghi nằm, một số trong oai nghi đứng, có tuổi thọ suốt 500 đại kiếp trái đất. Nhưng đến khi vị Phạm thiên cõi vô tưởng (không tâm) này hết tuổi thọ (chết), sau khi chết, dục giới đại thiện nghiệp đã từng tạo trong kiếp quá khứ kể từ kiếp thứ 3 trở về trước làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người và 6 cõi trời dục giới).

* Trong 4 cõi trời vô sắc, chư Phạm thiên ở trong 4 cõi trời vô sắc giới này, chỉ có 4 danh uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn) mà thôi, không có sắc uẩn (không có thân). Đó là quả của 4 bậc thiền vô sắc là vô sắc giới thiện nghiệp.

Chư Phạm thiên ở trong 4 cõi trời vô sắc từ thấp cho đến cao tột đỉnh có tuổi thọ, thời gian kể bằng đại kiếp trái đất (không thể đếm bằng số) lâu dài khác nhau tùy theo mỗi tầng trời. Nhưng đến khi vị Phạm thiên ấy hết tuổi thọ (chết) trong cõi trời ấy, phải tái sinh kiếp sau như sau:

Vị Phạm thiên ở cõi Không Vô Biên Xứ Thiên, cõi Thức Vô Biên Xứ Thiên và cõi Vô Sở Hữu Xứ Thiên hưởng quả của bậc thiền cũ (kiếp trước) đồng thời thực hành thiền định có khả năng chứng đắc bậc thiền mới (kiếp hiện tại) ngang bằng với bậc thiền cũ hoặc cao hơn bậc thiền cũ, mà không thể chứng đắc bậc thiền thấp hơn bậc thiền cũ (vì không có đối tượng thiền định). Sau khi vị Phạm thiên ấy chết, bậc thiền vô sắc ấy là vô sắc giới thiện nghiệp làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau trong tầng trời vô sắc cũ hoặc tầng trời vô sắc cao hơn (không thể trong tầng trời thấp hơn tầng trời cũ).

Vị Phạm thiên ở trong cõi trời vô sắc cao tột đỉnh là tầng trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên có tuổi thọ 84.000 đại kiếp trái đất, lâu dài nhất. Nhưng đến khi hết tuổi thọ (chết) cũng phải tái sinh kiếp sau.

Nếu vị Phạm thiên đang hưởng quả trong cõi trời này, có khả năng thực hành thiền định, thì chỉ có thể chứng đắc bậc thiền ngang bằng với bậc thiền cũ (bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền) mà thôi, không thể chứng đắc bậc thiền thấp hơn, còn bậc thiền cao hơn bậc thiền cũ thì không có, bởi vì, bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền là bậc thiền tột đỉnh trong tam giới. Khi vị Phạm thiên ấy hết tuổi thọ, sau khi chết, thì chỉ có bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền làm phận sự sinh quả tái sinh trở lại tầng trời vô sắc cũ tột đỉnh ấy mà thôi.

Nếu vị Phạm thiên trong cõi vô sắc giới này chỉ hưởng quả của bậc thiền vô sắc cũ (kiếp trước) mà không thực hành thiền định, không chứng đắc bậc thiền nào; sau khi vị Phạm thiên ấy chết, thì dục giới đại thiện nghiệp mà vị Phạm thiên ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ làm phận sự sinh quả tái sinh xuống cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

Tóm lại, tất cả mọi chúng sinh nói chung (chỉ trừ bậc Thánh Arahán) và mỗi cá nhân chúng sinh nói riêng, trong vòng tử sinh luân hồi (vòng luẩn quẩn) sinh rồi tử, tử rồi lại tái sinh do bởi nghiệp và quả của nghiệp chi phối trong ba giới bốn loài. Điều đáng kinh sợ nhất là trong vòng tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh còn có vô minh như người mù và tham ái như sợi dây cột siết cổ, nghiệp như người dẫn dắt luẩn quẩn trong ba giới bốn loài, chắc chắn khó tránh khỏi 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Mỗi khi ác nghiệp sinh quả tái sinh vào cõi ác giới nào rồi, thì cũng khó thoát ra khỏi. Nếu có chúng sinh thoát ra khỏi cõi ác giới, thì cũng chỉ có một số ít không đáng kể mà thôi.

Đức Phật lấy ví dụ:

“Ngài lấy một ít hạt cát đặt trên đầu móng tay mà dạy với đại ý rằng: Chúng sinh từ cõi địa ngục, cõi atula, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh được thoát ra khỏi cõi ấy, nhờ thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau trở lại làm người, hoặc làm chư thiên trong cõi trời chỉ có số ít như số hạt cát mà Đức Phật đặt trên đầu móng tay mà thôi. Còn các chúng sinh tử sinh luân hồi luẩn quẩn trong 4 cõi ác giới như số hạt cát trên mặt đất này”.

Điều này đối với mỗi người phàm nhân chúng ta là điều thật đáng kinh sợ!

Thật vậy, nếu kiếp nào chúng ta cũng được sinh làm người, là người xinh đẹp, giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng… thì có gì phải đáng sợ! Nhưng tất cả những điều tốt lành ấy đâu có phải do ta muốn là được. Sự thật hoàn toàn đều do thiện nghiệp và quả của thiện nghiệp là chính, còn năng lực của con người chỉ là phụ mà thôi.

Trong vòng tử sinh luân hồi từ kiếp vô thủy cho đến nay, mỗi chúng sinh đều đã từng tạo vô số thiện nghiệp và vô số bất thiện nghiệp (ác nghiệp). Khi thì thiện nghiệp có cơ hội sinh quả của nó, cũng có khi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) sinh quả của nó, mà mỗi chúng sinh không có quyền lựa chọn được quả tốt của thiện nghiệp; cũng không có quyền phủ nhận quả xấu của bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

Thực ra, mỗi người trong chúng ta chỉ có quyền chọn lựa tạo thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) mà thôi. Nhưng một khi đã tạo thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) rồi, thì chỉ còn phải chấp nhận quả của thiện nghiệp hoặc quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy mà thôi.

Mỗi thiện nghiệp nào, mỗi bất thiện nghiệp nào nếu có cơ hội thì nó có khả năng sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla). Bởi vì, nghiệp ấy là của ta và quả của nghiệp ấy cũng là của ta.

2. Upathambhakakamma: Nghiệp Hỗ Trợ

Thế nào gọi là nghiệp hỗ trợ?

Nghiệp nào mà hỗ trợ cho nghiệp khác chưa có cơ hội sinh quả, thì có cơ hội được sinh quả; hoặc hỗ trợ cho nghiệp khác khi đã có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của nghiệp ấy được phát triển đầy đủ; và hỗ trợ cho ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp ấy; nghiệp ấy gọi là nghiệp hỗ trợ, đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) và 8 dục giới đại thiện nghiệp.

* Nghiệp hỗ trợ có 3 phận sự:

2. 1 Nghiệp hỗ trợ phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào chưa có cơ hội sinh quả, thì nghiệp hỗ trợ này giúp cho nghiệp ấy có cơ hội sinh quả.

2. 2 Nghiệp hỗ trợ có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào đã có cơ hội sinh quả rồi, thì nghiệp hỗ trợ này giúp cho quả của nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

2. 3 Nghiệp hỗ trợ có phận sự hỗ trợ cho quả của nghiệp khác đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp ấy.

2.1 Giải thích 3 trường hợp:

Nghiệp hỗ trợ có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hoặc trong kiếp hiện tại chưa có cơ hội sinh quả, thì nghiệp hỗ trợ này giúp cho nghiệp ấy có cơ hội sinh quả trong 2 thời kỳ:

– Thời kỳ lúc lâm chung.

– Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu cho đến trước lúc chết.

Nghiệp hỗ trợ đó là thiện nghiệp, bất thiện nghiệp có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ hoặc trong kiếp hiện tại chưa có cơ hội sinh quả, thì nghiệp hỗ trợ giúp cho nghiệp ấy có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, có 8 trường hợp là:

1- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

2- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

3- Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới.

4- Bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

5- Thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

6- Thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

7- Bất thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

8- Bất thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

Để giúp hiểu rõ trường hợp thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung hỗ trợ cho thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc trong kiếp hiện tại, có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, Đức Phật dạy như sau:

Citte saṅkiliṭṭhe duggatiṃ paṭikaṅkhā…

Citte asaṅkiliṭṭhe sugatiṃ paṭikaṅkhā…

(Lúc lâm chung tâm bị ô nhiễm,

thì bị tái sinh trong cõi ác giới.

Lúc lâm chung tâm không bị ô nhiễm,

thì được tái sinh trong cõi thiện dục giới).

Bởi vậy cho nên, trong lúc lâm chung, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não hoặc tâm không bị ô nhiễm do bởi phiền não, thiện tâm trong sạch thanh tịnh đóng vai trò chính yếu hỗ trợ cho nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau.

Giải thích 8 trường hợp:

1- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới như thế nào?

Ví dụ: Ông A là một cận sự nam, nhưng ông tạo thiện nghiệp thì ít, mà tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) thì nhiều, ông là người giữ gìn giới không được trong sạch và trọn vẹn. Cho nên, đến lúc lâm chung, phiền não phát sinh trong tâm của ông, làm cho tâm của ông bị ô nhiễm, phát sinh tâm kinh hãi. Nếu ông chết trong lúc ấy thì chắc chắn ác nghiệp sẽ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

Khi ấy, bên cạnh ông, một người thân có trí tuệ cứu giúp ông A được thoát ra khỏi đối tượng của ác nghiệp, thay thế bằng đối tượng của thiện nghiệp, bằng cách kính thỉnh Ngài Đại đức đến hướng dẫn ông A thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, thỉnh chư Tỳ khưu tụng kinh Paritta (những bài kinh An Lành), thuyết pháp nhắc nhở, khuyên dạy ông A niệm Ân đức Phật,… Ông A phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có giới trong sạch.

Nhờ vậy, đối tượng của ác nghiệp biến mất, tâm không còn bị ô nhiễm, đồng thời đối tượng của thiện nghiệp hiện ra, thiện tâm phát sinh, thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung này hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới, làm người trong cõi người, hoặc làm chư thiên trong cõi trời dục giới tùy theo thiện nghiệp sinh quả.

Đó là thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

2- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới như thế nào?

Ví dụ: Ông B là một cận sự nam, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có giới trong sạch, thường làm mọi phước thiện như bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng… Nhưng ông B không thường thực hành thiền định, không thực hành thiền tuệ; không theo học môn Vi Diệu Pháp; không hiểu rõ các pháp là vô ngã (không phải là ta, không phải của ta); không hiểu biết rõ về pháp tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh v.v… Khi bị lâm bệnh nặng trầm trọng, không thể sống được nữa, ông B phát sinh tâm sợ chết, phải từ bỏ vợ con, nhà cửa, của cải, tài sản v.v…, do đó làm cho tâm của ông B bị ô nhiễm bởi phiền não, đối tượng của ác nghiệp hiện ra. Ông B phát sinh tâm kinh hãi. Nếu ông B chết trong lúc ấy, thì khó tránh khỏi bất thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

Khi ấy, bên cạnh ông B, một người thân có trí tuệ hiểu biết giáo pháp của Đức Phật, nhắc nhở hướng dẫn ông B thọ phép quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới; khuyên ông B nhớ lại những phước thiện mà ông đã từng tạo trong kiếp hiện tại này. Ông B phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có giới trong sạch, niệm tưởng lại những phước thiện của mình.

Do đó, sau khi ông B chết, nhờ thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại này có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới, sinh làm người trong cõi người hoặc sinh làm chư thiên trong cõi trời dục giới.

Đó là thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

3- Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới như thế nào?

Ví dụ: Ông C là người cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, giữ gìn giới trong sạch, thường làm mọi phước thiện như bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng v.v… Nhưng không thường thực hành thiền định, không thực hành thiền tuệ; không theo học môn Vi Diệu Pháp, không hiểu rõ các pháp là vô ngã (không phải ta, không phải của ta); không hiểu biết về pháp tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh…

Khi bị lâm bệnh nặng trầm trọng, không thể sống được nữa, ông C phát sinh tâm sợ chết, phải từ bỏ vợ con, của cải, tài sản,… làm cho tâm của ông C bị ô nhiễm bởi phiền não; đối tượng của ác nghiệp hiện rõ, ông C phát sinh tâm kinh hãi.

Khi ấy bên cạnh ông C, có người thân không có trí tuệ, không hiểu biết giáo pháp của Đức Phật, không biết cách cứu giúp ông C, không nhắc nhở, không khuyên bảo ông niệm tưởng lại mọi phước thiện mà ông C đã tạo trong kiếp hiện tại này.

Bởi vậy cho nên, sau khi ông C chết, bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp mà ông đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

4- Bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới như thế nào?

Ví dụ: Khi còn trẻ, ông D là người không có giới, thường tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say… Ông D sống bằng nghề giết các loài gia súc, gia cầm để bán thịt. Đến khi tuổi già sức yếu, thường hay bệnh hoạn ốm đau, ông D mới biết ăn năn hối lỗi, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, nên ông D quyết định xuất gia trở thành Tỳ khưu trong Phật giáo.

Về sau, Tỳ khưu D bị lâm bệnh nặng trầm trọng nằm trên giường, những cảnh tượng giết các loài gia súc, gia cầm khi còn trẻ hiện ra trong tâm của Tỳ khưu D, làm cho tâm của Tỳ khưu D bị ô nhiễm do bởi phiền não. Tỳ khưu D phát sinh tâm kinh hãi, bất thiện nghiệp phát sinh, tâm bị ô nhiễm, đau khổ cho đến chết. Sau khi Tỳ khưu D chết, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) phát sinh lúc lâm chung, hỗ trợ bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

5- Thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới như thế nào?

Ví dụ: Ông Đ là người tà kiến, thấy sai hiểu lầm, không tin tội, không tin phước, không tin có địa ngục, không tin có các cõi trời... Ông cho rằng: “Làm tội không bị tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục, làm phước cũng không được tái sinh kiếp sau lên cõi trời…”

Cho nên, hàng ngày ông sinh sống bằng tà nghiệp, giết gia cầm để bán thịt. Công việc làm ăn không được thuận lợi.

Về sau, ông Đ đến giúp việc trong một gia đình giàu sang, theo truyền thống Phật giáo. Hằng ngày, ông Đ thức dậy sớm lo sửa soạn các món vật thực sẵn sàng, mang theo cùng với người chủ đến chùa để cúng dường tới chư Đại đức Tỳ khưu Tăng.

Vào những ngày giới uposathasīla hằng tháng, ông Đ cũng đi theo người chủ đến chùa. Tại nơi chánh điện người chủ ngồi xin thọ phép quy y Tam Bảo và bát giới uposathasīla xong, ngồi lắng nghe Ngài Đại đức Pháp sư thuyết pháp. Ông Đ ngồi chờ đợi người chủ nghe pháp xong trở về nhà. Cho nên, dù muốn dù không, ông Đ cũng ngồi lặng lẽ nghe hết thời pháp.

Hằng ngày, làm những công việc như vậy, dần dần về sau ông Đ đã có chánh kiến, rồi từ bỏ tà kiến, phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, rồi giữ gìn giới được trong sạch và trọn vẹn.

Khi ông Đ bị lâm bệnh trầm trọng, vốn đời sống độc thân, nên không lưu luyến đến ai; do không có của cải, nên không luyến tiếc đến của cải; do nhờ sống gần gũi với những người có chánh kiến trong Phật giáo, nên từ bỏ được tà kiến, trở thành người có chánh kiến, thấy đúng hiểu đúng nghiệp là của riêng mình, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có giới trong sạch và trọn vẹn.

Do đó, sau khi ông Đ chết, thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi trời dục giới tầng cao.

Đó là thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

6- Thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới như thế nào?

Ví dụ: Ông E đã từng xuất gia trở thành Tỳ khưu trong Phật giáo. Trong suốt thời gian xuất gia, Tỳ khưu E là người có giới hạnh trong sạch, theo học pháp học Phật giáo, và theo thực hành pháp hành thiền định mà chưa chứng đắc đến bậc thiền nào và thực hành thiền tuệ cũng chưa chứng đắc đến trí tuệ thiền tuệ nào.

Về sau, vị Tỳ khưu E xả giới Tỳ khưu, hoàn tục trở lại gia đình, trở thành một cận sự nam. Hằng ngày, ông E theo cha đi làm nghề đánh cá để nuôi sống gia đình. Tuy ông E biết rằng: “Đó là cách sống tà mạng, nhưng không còn biết làm nghề nào khác”. Vì vậy, ông E cố gắng tinh tấn mỗi ngày làm mọi phước thiện, như bố thí, cúng dường vật thực đến chư Tỳ khưu đi khất thực. Vào những ngày bát giới uposathasīla hằng tháng, ông E cố gắng đi đến chùa xin thọ phép quy y Tam Bảo và bát giới uposathasīla trong ngày hôm ấy.

Đến lúc lâm chung, tâm của ông E không bị ô nhiễm bởi phiền não, tâm vẫn bình tĩnh sáng suốt. Cho nên, sau khi ông E chết, thiện nghiệp phát sinh bình thường trong cuộc đời người tại gia, hỗ trợ cho thiện nghiệp mà ông đã từng tạo khi ông còn là vị Tỳ khưu trước kia cũng trong kiếp hiện tại này có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau làm chư thiên trong cõi trời dục giới tầng cao.

Đó là thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng tạo cũng trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi thiện dục giới.

7- Bất thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới như thế nào?

Ví dụ: Cậu G được sinh trong một gia đình có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, giữ gìn mọi truyền thống trong Phật giáo. Cho nên, khi còn nhỏ, cậu G thường theo cha mẹ đến chùa làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tỳ khưu Tăng. Vào những ngày bát giới uposathasīla hằng tháng, cậu G cũng đi theo cha mẹ đến chùa xin thọ phép quy y Tam Bảo và bát giới uposathasīla, nghe pháp v.v…

Đến lúc trưởng thành, cậu G lập gia đình và có đông con. Cha mẹ của ông G lần lượt qua đời, nên ông không còn nương nhờ vào cha mẹ được nữa. Hằng ngày, ông G tự mình cố gắng làm việc vất vả để nuôi sống gia đình (vợ và các con). Cho nên, cơ hội tạo mọi phước thiện càng ngày càng giảm dần, bởi gánh nặng gia đình càng ngày càng thêm. Ông G không có cơ hội làm mọi phước thiện như trước nữa, giữ gìn giới không được trong sạch và trọn vẹn, nhưng chưa đến nỗi tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nặng. Đến lúc lâm chung, tâm bị mê muội. Do đó, sau khi ông G chết, bất thiện nghiệp bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

Đó là bất thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

8- Bất thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới như thế nào?

Ví dụ: Cậu H vốn là một đứa trẻ khó dạy, hư đốn, thích gần gũi thân cận với bạn ác, thích làm việc ác như uống rượu, hút thuốc lá, chơi cờ bạc…, y ăn cắp tiền của cha mẹ để ăn chơi lêu lổng. Cha mẹ dạy y không được, nên gởi y vào chùa, nhờ quý Ngài Đại đức, chư Tỳ khưu dạy dỗ y nên người.

Quý Ngài Đại đức dạy dỗ cậu H với tâm từ, tâm bi, cậu H dần dần trở nên thuần tính, biết vâng lời quý Ngài Đại đức, chư Tỳ khưu.

Qua một thời gian, quý Ngài cho phép cậu H được xuất gia trở thành Sadi, Sadi H cố gắng tinh tấn theo học pháp học Phật giáo, và thực hành pháp hành Phật giáo có phần tiến bộ. Do đó, quý Ngài cho làm lễ thọ Tỳ khưu nâng đỡ Sadi H lên trở thành Tỳ khưu.

Tỳ khưu H sống gần gũi thân cận với quý Ngài Đại đức, biết vâng lời dạy dỗ của quý Ngài, cho nên Tỳ khưu H có được một ít kiến thức trong Phật giáo. Nhưng Tỳ khưu H lại thích giao du với một số người tại gia, bạn bè cũ, rồi từ đó đức tin càng ngày càng suy giảm, tâm không còn hoan hỷ thực hành phạm hạnh của bậc xuất gia như trước nữa, mà muốn hoàn tục trở lại làm người tại gia. Do đó, Tỳ khưu H giữ gìn giới của mình không còn được trong sạch, cho nên tâm cảm thấy nóng nảy.

Trong khi chờ đợi bạn bè tìm giúp một việc làm, để có thể làm ăn sinh sống, sau khi hoàn tục, nhưng chưa thực hiện được ý định hoàn tục, thì Tỳ khưu H bị lâm bệnh nặng rồi chết đột ngột. Sau khi Tỳ khưu H chết, bất thiện nghiệp bình thường của Tỳ khưu H, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp mà Tỳ khưu H đã từng tạo trước khi xuất gia trở thành Tỳ khưu có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

Đó là bất thiện nghiệp phát sinh bình thường trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, trong cõi ác giới.

2.2. Nghiệp hỗ trợ có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào đã có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của nghiệp ấy được phát triển đầy đủ, có 10 trường hợp như sau:

1- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

2- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

3- Bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

4- Bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

5- Thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại (pavattikāla(1)), hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

6- Thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

7- Bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

8- Bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

9- Thiện nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

10- Bất thiện nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

Giải thích 10 trường hợp:

1- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng được tạo trong kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Ông A vốn là người hiền lương, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, thường tránh xa mọi tội ác, làm ăn sinh sống lương thiện. Gia đình của ông nghèo, hằng ngày ông phải vất vả làm mọi công việc để nuôi sống gia đình. Cho nên, ông không có khả năng làm phước bố thí lớn lao. Bởi vì, còn bận lo công việc làm ăn, nên ông ít có cơ hội nghe pháp, xem kinh, đọc sách,... Nhưng do nhờ sống lương thiện, cho nên lúc lâm chung tâm của ông được trong sạch, bình tĩnh, sáng suốt.

Sau khi ông A chết, thiện nghiệp làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau làm người trong một gia đình giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, hoặc tái sinh làm vị thiên nam ở địa vị cao quý trong cõi trời ấy.

Đó là thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp mà ông A đã từng tạo trong những kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

2- Thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Ông B là người cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn; thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng. Ông B thường làm phước thiện bố thí đến người khác, cung kính lắng nghe chánh pháp; đôi khi ông cũng thực hành thiền định, nhưng chưa chứng đắc bậc thiền nào, cũng thực hành thiền tuệ, nhưng cũng chưa chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào. Cho nên, lúc lâm chung tâm của ông được trong sạch, bình tĩnh, sáng suốt.

Sau khi ông B chết, thiện nghiệp làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau làm người trong gia đình giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, hoặc tái sinh làm vị thiên nam ở địa vị cao quý trong cõi trời ấy.

Đó là thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho thiện nghiệp mà ông B đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, thì giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

3- Bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Ông C vốn là người keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản của mình. Ông rất cần cù làm việc để kiếm cho được nhiều vàng bạc của cải, nên không quan tâm đến việc làm phước bố thí tiếp độ người khác, nhưng ông không làm những việc ác do thân, khẩu và ý. Đến lúc lâm chung, ông sợ chết phải bỏ hết của cải tài sản mà ông đã dành dụm, cho nên, tâm của ông bị ô nhiễm.

Sau khi ông C chết, bất thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu khổ lâu dài.

Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp mà ông đã từng tạo trong những kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

4- Bất thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Ông D vốn là người có tà kiến, không tin nghiệp và quả của nghiệp. Ông thấy sai hiểu lầm rằng: “Làm phước không có phước, làm tội cũng không có tội, không có cõi địa ngục, cũng không có cõi trời nào…” Do đó, ông không chịu lắng nghe lời dạy của các bậc thiện trí. Đến lúc lâm chung, tâm của ông bị ô nhiễm, mê muội.

Sau khi ông D chết, bất thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục chịu khổ lâu dài.

Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, hỗ trợ cho bất thiện nghiệp mà ông đã tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

5- Thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavattikāla), hỗ trợ cho thiện nghiệp đã từng tạo trong kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Cậu bé Đ được sinh trong gia đình theo truyền thống Phật giáo. Khi cậu bé mới được 2 - 3 tuổi, cha mẹ dạy cậu biết đảnh lễ Đức Phật. Khi cha mẹ dắt cậu lên chùa, cậu biết vào chánh điện đảnh lễ Đức Phật; gặp chư Đại đức, Tỳ khưu, Sadi cậu đều đảnh lễ quý Ngài; biết dâng cúng dường vật thực đến chư Đại đức Tỳ khưu, Sadi, rồi đảnh lễ quý Ngài.

Cậu bé Đ chết lúc 4 tuổi, sau khi chết, thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh lên cõi trời dục giới tầng cao, ở địa vị cao quý, được hưởng mọi sự an lạc cao quý đặc biệt trong cõi trời ấy.

Đó là thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavat-tikāla), hỗ trợ cho thiện nghiệp mà cậu bé Đ đã từng tạo trong những kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ (còn cậu bé Đ chết lúc 4 tuổi là do nghiệp khác).

6- Thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavattikāla), hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Cậu E là con của gia đình theo Phật giáo, cha mẹ của cậu đều là người trí thức, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, hiểu biết sâu sắc trong Phật giáo. Cho nên, khi cậu E còn nhỏ, cha mẹ đã dạy cậu biết thọ phép quy y Tam Bảo, biết giữ gìn ngũ giới hằng ngày, biết thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng. Cậu biết phân biệt thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp). Khi lớn lên, cậu E có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, giữ gìn ngũ giới trong sạch, thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, thích làm phước bố thí đến những người nghèo khổ. Cậu thường đến chùa nghe pháp, ham học pháp học Phật giáo, ham hành pháp hành thiền định, nhưng chưa chứng đắc được bậc thiền nào, và ham hành pháp hành thiền tuệ, nhưng chưa chứng đạt đến bậc Thánh.

Sau khi cậu E chết, thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau làm người trong gia đình phú hộ, khi sinh ra đời, hậu kiếp của cậu E được mọi người trong gia đình đều thương yêu quý mến nhất, cậu hưởng mọi sự thuận lợi, sự an lạc trong cuộc đời của cậu.

Đó là thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pava-ttikāla), hỗ trợ cho thiện nghiệp mà cậu E đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

7- Bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavatti-kāla), hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Cậu G là con của một gia đình giàu có, nhưng không có đức tin nơi Tam Bảo, cho nên, từ nhỏ đến lớn, cậu không được nghe chánh pháp, không có đức tin nơi Tam Bảo, không giữ giới, không hiểu biết về thiện nghiệp, ác nghiệp… Cậu là đứa con được cha mẹ nuông chiều, nên cậu G chỉ biết ăn chơi lêu lổng, nhưng chưa đến mức tạo bất thiện nghiệp nặng.

Sau khi cậu G chết, bất thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục, chịu bao nhiêu nỗi khổ.

Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavattikāla), hỗ trợ cho bất thiện nghiệp mà cậu G đã từng tạo trong những kiếp quá khứ đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

8- Bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavatti-kāla), hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Ông H là người có tà kiến, không tin nghiệp và quả của nghiệp, không tin rằng: làm phước thì được phước, làm tội thì có tội. Ông tự cho rằng: “Chết là hết”.

Sau khi ông H chết, bất thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái kiếp sau sinh trong cõi địa ngục, phải chịu bao nhiêu nỗi khổ trong cõi địa ngục.

Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện hữu (pavattikāla), hỗ trợ cho bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

9- Thiện nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Ông I là người đã từng tích lũy các pháp hạnh ba-la-mật từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ và đã từng có lời phát nguyện kiếp sau được xuất gia. Kiếp hiện tại, ông I sinh ra đời gặp Phật giáo, lắng nghe pháp sư thuyết pháp, ông liền phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, rồi tư duy rằng: “Đời sống người tại gia bị nhiều ràng buộc, khó thực hành phạm hạnh cho được trong sạch thanh tịnh. Điều tốt nhất ta nên từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành Tỳ khưu trong Phật giáo”. Sau khi đã nhận thức đúng đắn, ông liền thực hiện theo ý nghĩ của mình. Ông I đã xuất gia trở thành Tỳ khưu. Tỳ khưu I cố gắng tinh tấn theo học pháp học Phật giáo và theo thực hành pháp hành Phật giáo. Tỳ khưu I thực hành pháp hành thiền định, nhưng chưa chứng đắc các bậc thiền nào, và thực hành thiền tuệ, chưa chứng đắc bậc Thánh nào. Vị Tỳ khưu I trở thành một vị pháp sư có tài thuyết pháp tế độ nhiều người.

Sau khi vị Tỳ khưu I chết, thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau làm vị thiên nam cao quý trong tầng trời cao cõi dục giới, được hưởng mọi sự an lạc đặc biệt trong tầng trời ấy.

Đó là thiện nghiệp đã từng tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

* Như trường hợp chư Bồ Tát đã từng tích lũy các pháp hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp trong quá khứ, hỗ trợ cho mỗi kiếp hiện tại càng cao thượng hơn, nghĩa là kiếp hiện tại cao thượng hơn kiếp quá khứ.

* Như Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama, kiếp Đức Bồ Tát Đức vua Vessantara tạo pháp hạnh bố thí ba-la-mật, như bố thí voi báu, bố thí Hoàng tử Jālī, bố thí Công chúa Kaṇhājinā và bố thí chánh cung Hoàng hậu Maddī…

Sau khi Đức vua băng hà, thiện nghiệp làm phận sự sinh quả tái sinh làm vị thiên nam cao thượng nhất trong tầng trời Tusita (Đấu Xuất Đà Thiên), cõi trời thứ tư trong 6 tầng trời dục giới.

Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu tiền kiếp của Đức Phật Gotama, sau khi chết từ cõi trời Tusita, thiện nghiệp sinh quả tái sinh đầu thai vào lòng mẫu thân Mahāmayādevi - chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Suddhodana kinh thành Kapila-vatthu. Đúng 10 tháng sau, vào ngày rằm tháng tư (âm lịch) Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đản sinh ra đời, kiếp chót có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc Đại nhân và 80 tướng tốt phụ.

Đó là quả của thiện nghiệp cũng là quả của 30 pháp hạnh ba-la-mật mà Đức Bồ Tát đã tích lũy từ vô số kiếp trong quá khứ. Chính thiện nghiệp 30 pháp hạnh ba-la-mật đã từng được tích lũy từ vô số kiếp trong quá khứ ấy hỗ trợ cho kiếp hiện tại Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật Gotama.

10- Bất thiện nghiệp đã được tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho những bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ như thế nào?

Ví dụ: Ông K là người ác, không có giới, tạo mọi ác nghiệp như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say…

Sau khi ông K chết, bất thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh trong cõi đại địa ngục, phải chịu bị hành hạ cực hình nặng nề, khổ thân, khổ tâm lâu dài trong cõi địa ngục.

Đó là bất thiện nghiệp đã tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho những bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại đang có cơ hội sinh quả rồi, lại giúp cho quả của bất thiện nghiệp ấy được phát triển đầy đủ.

2.3 Nghiệp hỗ trợ có phận sự hỗ trợ cho quả của nghiệp khác đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp ấy, có 7 trường hợp:

1- Thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

2- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển đầy đủ và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

3- Bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

4- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

5- Thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

6- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

7- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

Giải thích 7 trường hợp:

- Trường hợp thứ nhất đến trường hợp thứ tư, giải thích theo Chú giải và bộ Phụ chú giải.

- Trường hợp thứ 5 đến trường hợp thứ 7, giải thích theo bộ Paramatthadīpanīṭīka và bộ Bhāsāṭīkā.

1- Thiện nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

Đức Bồ Tát Siddhattha kiếp chót đản sinh ra đời, kim thân của Ngài có đầy đủ 32 tướng tốt của Bậc Đại nhân, và 80 tướng tốt phụ; khi nhãn thức tâm thấy sắc trần, khi nhĩ thức tâm nghe thanh trần, khi tỷ thức tâm ngửi hương trần, khi thiệt thức tâm nếm vị trần, khi thân thức tâm xúc giác xúc trần phần nhiều bằng thiện quả vô nhân tâm phát sinh biết các đối tượng đáng hài lòng…

Đó là thiện nghiệp đã từng được tích lũy trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

2- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

Trong thời kỳ Đức Phật Gotama của chúng ta, gia đình ông Puṇṇa nghèo khổ, làm ruộng thuê của ông phú hộ Sumana, toàn thể mọi người trong gia đình đều có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo:

Ngài Đại đức Sāriputta nhập diệt thọ tưởng suốt 7 ngày đêm. Sáng hôm ấy, sau khi xả diệt thọ tưởng, Ngài Đại đức Sāriputta đi khất thực, khi đi ngang qua nơi ông Puṇṇa đang cày ruộng, ông Puṇṇa đón rước đảnh lễ Ngài và dâng cây tăm xỉa răng và nước uống. Ngài Đại đức nhận xong, đi theo đường hướng về nhà ông Puṇṇa, gặp vợ ông Puṇṇa đang đem cơm cho chồng. Bà đảnh lễ Ngài Đại đức xong bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Đại đức, kính xin Ngài từ bi tế độ thọ nhận phần vật thực của phận nghèo khó của gia đình con.

Ngài Đại đức từ bi tế độ thọ nhận tất cả phần vật thực. Bà vô cùng hoan hỷ trở về nhà, nấu phần cơm khác đem cho chồng.

Ông Puṇṇa thả bò đi ăn cỏ, ông ngồi dưới bóng cây chờ đợi vợ, tuy đói bụng, nhưng tâm vô cùng hoan hỷ niệm tưởng đến phước thiện bố thí tăm xỉa răng và nước uống đến Ngài Đại đức Sāriputta.

Ông nhìn thấy vợ từ xa đến trễ hơn mọi ngày, nhưng bà có vẻ khác thường. Chắc chắn bà đang hoan hỷ một điều gì đó.

Vừa mới đến nơi, bà liền thưa với chồng rằng:

- Hôm nay, xin anh hãy hoan hỷ thật nhiều! Sáng nay, khi em đem cơm cho anh, giữa đường gặp Ngài Đại đức Sāriputta đang đi khất thực, em phát sinh đức tin trong sạch đem phần cơm của anh để bát cúng dường đến ngài Đại đức. Ngài không chê vật thực nghèo khó của chúng ta, mà thọ nhận phần vật thực ấy.

Xin anh nên hoan hỷ phần phước thiện bố thí này!

Ông Puṇṇa phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ và ông cũng nói cho bà biết rằng:

- Chính sáng nay, anh cũng làm phước bố thí tăm xỉa răng và nước uống đến Ngài Đại đức Sāriputta.

Khi hai vợ chồng ông Puṇṇa đang phát sinh thiện tâm hoan hỷ phước thiện bố thí, ông nhìn xuống thửa ruộng, đất vừa mới cày đã hóa thành vàng ròng sáng chói. Ông không tin vào mắt mình, ông xuống thửa ruộng lấy lên một thỏi vàng ròng và đưa cho vợ xem.

Đúng là vàng thật! Ông Puṇṇa đem thỏi vàng ấy đến xin yết kiến Đức vua, xin Đức vua truyền lệnh đem 1000 chiếc xe khuân tất cả số vàng về cất trong kho báu của Đức vua.

Thực ra, số vàng to lớn ấy không phải là của Đức vua, mà là của ông bà Puṇṇa. Số vàng to lớn ấy là quả báu của phước thiện bố thí, mà ông bà Puṇṇa đã dâng cúng dường đến Ngài Đại đức Sāriputta ngày hôm ấy.

Thật vậy, lính trong triều đình đem 1000 chiếc xe đến thửa ruộng, để thu nhặt những thỏi vàng của Đức vua, thì những thỏi vàng ấy trở lại thành cục đất như cũ.

Lính về tâu lên Đức vua rõ sự việc. Đức vua truyền lệnh rằng:

- Các người hãy nghĩ rằng: “Vàng của ông bà Puṇṇa”.

Họ vâng lệnh Đức vua. Thật đúng vậy, lần này họ khuân toàn bộ số vàng ấy đem về chất giữa sân rồng thành một đống vàng cao 180 gang tay.

Do đó, Đức vua tấn phong ông Puṇṇa là “đại phú hộ”.

Sau khi trở thành đại phú hộ Puṇṇa, gia đình ông càng có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tăng có Đức Phật chủ trì suốt 7 ngày. Đến ngày thứ 7 Đức Phật thuyết pháp tế độ gia đình ông Puṇṇa. Toàn gia đình ông đại phú hộ Puṇṇa: Ông, bà cô con gái Uttarā đều chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Đó là thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

3- Bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

Chúng sinh trong địa ngục luôn luôn bị hành hạ chịu bao nỗi thống khổ cùng cực, tử rồi lại tái sinh cứ tiếp diễn như vậy trong cõi địa ngục trải qua nhiều đại kiếp trái đất.

Chúng sinh loài ngạ quỷ chịu cảnh đói khát khổ đau trải qua thời gian lâu dài hằng bao nhiêu kiếp trái đất vẫn chưa thoát khỏi.

Loài súc sinh như những con chó bị bệnh ghẻ ngứa khó chịu, nó cứ chạy chỗ này đến chỗ khác, chạy đến nơi nào cũng bị người ta xua đuổi, nó bị đói khát, thân mình ốm gầy… Thế mà chúng vẫn kéo dài sinh mạng qua nhiều tháng v.v…

Đó là bất thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

4- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

Một số loài súc sinh như con cọp, con beo, con thằn lằn, con mèo… là quả của bất thiện nghiệp, chúng nó sống bằng cách bắt sống các con vật khác làm vật thực để duy trì tồn tại trong kiếp sống hiện tại.

– Hoặc có một số người mang chứng bệnh nan y là quả phát sinh từ bất thiện nghiệp. Nhưng số người ấy không biết giữ gìn sức khoẻ, mà hằng ngày họ hút thuốc lá, uống rượu… làm cho chứng bệnh ngày càng phát triển, sự khổ thân càng ngày càng tăng thêm.

Đó là bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

5- Thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

Loài gia súc như con chó quả của bất thiện nghiệp. Nhưng có một số con chó được người chủ chăm nom săn sóc nuôi dưỡng rất tử tế. Thậm chí, hằng ngày chúng nó có người lo phục vụ: Nào tắm rửa, nào lau mình, nào làm vệ sinh chỗ ở...; về mùa lạnh, chúng nó được mặc đồ ấm; khi chúng nó bị bệnh có bác sĩ thú y chăm lo chữa trị. Chúng nó được người chủ hết mực thương yêu, cho nên đời sống của chúng rất đầy đủ.

Đó là thiện nghiệp đã được tạo trong những kiếp quá khứ, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

6- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

Loài súc sinh như một số con chó rất tinh khôn, biết nghe lời người chủ dạy như: Bảo chúng ngồi đưa 2 chân trước lên chắp lại cúi xuống lạy; sai chúng ngậm tiền chạy mua tờ báo; loại chó cảnh sát biết ngửi mùi tìm kẻ gian, nhận ra kẻ gian,… những con chó ấy được người chủ thương yêu, chăm nom nuôi nấng chúng rất tử tế, cho nên đời sống của chúng được an lạc.

– Hoặc những con chim sáo, con chim vẹt mà người chủ có thể dạy chúng nói được tiếng người như: Chào hỏi khách đến, biết tụng bài kinh ngắn,… làm cho người nghe vui tai, nên chúng được người trong gia đình thương yêu, được nuôi nấng tử tế.

Đó là thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của bất thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

7- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại như thế nào?

Một số người làm nghề bán vũ khí giết người, buôn bán rượu và các chất say; buôn bán ma tuý, heroin; làm nghề đánh cá; làm nghề giết gia súc, giết gia cầm, giết trâu, bò, gà, vịt,… để bán thịt; trộm cắp, hối lộ phi pháp v.v… số người ấy sống bằng tà nghiệp, tà mạng, tạo bất thiện nghiệp, hỗ trợ cho họ có nhiều tiền của, giàu có, đời sống đầy đủ sung túc trong kiếp hiện tại.

Đó là bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

Tóm lại: Cõi người này, trong thời kỳ thiện pháp tăng trưởng, thì mọi thiện nghiệp tăng trưởng (bất thiện nghiệp không tăng trưởng), hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

Và trong thời kỳ bất thiện pháp (ác pháp) tăng trưởng, thì mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) tăng trưởng (thiện nghiệp không tăng trưởng) hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp đó là ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì tồn tại trong kiếp hiện tại.

3. Upapīḷakakamma: Nghiệp Hãm Hại

Thế nào gọi là nghiệp hãm hại?

Nghiệp nào hãm hại nghiệp đối nghịch và hãm hại ngũ uẩn, quả của nghiệp đối nghịch, nghiệp ấy gọi là nghiệp hãm hại, đó là 12 bất thiện nghiệp8 dục giới đại thiện nghiệp.

* Nghiệp hãm hại có 3 phận sự:

3.1 Nghiệp hãm hại có phận sự ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội sinh quả của nó.

3.2 Nghiệp hãm hại có phận sự kìm hãm nghiệp đối nghịch đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả.

3.3 Nghiệp hãm hại có phận sự làm biến đổi ngũ uẩn, quả của nghiệp đối nghịch ấy.

Mỗi phận sự như thế nào?

3.1 Nghiệp hãm hại có phận sự ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội sinh quả của nó, có 2 trường hợp:

a- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hãm hại, ngăn cản bất thiện nghiệp không cho có cơ hội sinh quả của nó.

b- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hảm hại, ngăn cản thiện nghiệp không cho có cơ hội sinh quả của nó.

Giải thích 2 trường hợp:

a) Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hãm hại, ngăn cản bất thiện nghiệp không cho có cơ hội sinh quả của nó như thế nào?

Ví dụ: Khi chưa gặp được bậc thiện trí, ông A thường thân cận, gần gũi với các người ác, bắt chước theo các người ác, nên ông đã tạo mọi ác nghiệp như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say…

Về sau, ông A gặp được bậc thiện trí, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, đã phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo. Ông A xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, ông biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, tin nghiệp và quả của nghiệp. Cho nên ông A có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, và giữ gìn ngũ giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, cố gắng tạo mọi thiện nghiệp như bố thí, giữ giới, thực hành thiền định nhưng chưa chứng đắc bậc thiền nào; thực hành thiền tuệ mà chưa chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào, vẫn còn là hạng phàm nhân. Đến lúc lâm chung ông A nằm bình tĩnh, tâm trí sáng suốt, hoan hỷ với những thiện nghiệp của mình đã tạo.

Sau khi ông A chết, thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau làm vị thiên nam trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

Đó là thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hãm hại, ngăn cản những bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đã được tạo trong thời gian trước, không có cơ hội sinh quả của nó.

b) Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hãm hại, ngăn cản thiện nghiệp không cho có cơ hội sinh quả của nó như thế nào?

Ví dụ: Cậu B là người được sinh trưởng trong gia đình theo truyền thống Phật giáo. Khi còn nhỏ ở nhà, cậu được cha mẹ dạy dỗ biết tụng kinh lễ bái Tam Bảo; lúc đến chùa, cha mẹ dạy cậu biết đảnh lễ Phật, biết đảnh lễ chư Tỳ khưu Tăng, biết dâng những thứ vật dụng... đến chư Tỳ khưu, Sadi.

Khi lớn lên được 10 tuổi, cha mẹ chấp thuận cho phép cậu xuất gia trở thành Sadi, ở trong chùa theo học pháp học. Đến khi vị Sadi B tròn 20 tuổi, chư Tỳ khưu Tăng cho phép làm lễ nâng vị Sadi B trở thành Tỳ khưu. Tỳ khưu B cố gắng tinh tấn ham học pháp học, ham hành pháp hành: Giới-định-tuệ, nên mọi thiện pháp được phát triển.

Về sau, Tỳ khưu B có đức tin càng ngày càng giảm dần, nên không còn muốn ham học pháp học và không còn muốn ham hành pháp hành như trước nữa. Do đó, Tỳ khưu B xin xả giới Tỳ khưu hoàn tục, xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới trở về nhà, trở thành người cận sự nam sống tại gia.

Cận sự nam B có vợ và có nhiều con, khi cha mẹ đã qua đời, gia đình cận sự nam B không còn nhờ cậy cha mẹ được nữa. Gia đình lâm vào cảnh nghèo khổ, túng thiếu, cận sự nam B phải làm lụng vất vả suốt ngày đêm, để nuôi vợ và các con. Do làm nghề giết hại gia súc, gia cầm bán thịt… cho nên, cận sự nam B giữ gìn giới của mình không còn trong sạch như trước. Tuy làm bằng tà nghiệp, sống bằng tà mạng, nhưng gia đình cận sự nam B vẫn nghèo khổ, thiếu thốn. Đến lúc sắp lâm chung, cận sự nam B cảm thấy khổ thân, khổ tâm vô cùng, tâm bị ô nhiễm.

Sau khi cận sự nam B chết, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới.

Đó là bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện tại, trong thời gian sau, hãm hại, ngăn cản thiện nghiệp đã được tạo kiếp hiện tại trong thời gian trước không cho có cơ hội cho quả của nó.

3. 2 Nghiệp hãm hại có phận sự kìm hãm nghiệp đối nghịch đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả, có 2 trường hợp:

a- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm bất thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của bất thiện nghiệp ấy.

b- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy.

Giải thích 2 trường hợp:

a) Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm bất thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của bất thiện nghiệp ấy như thế nào?

Ví dụ: Đức vua Ajātasattu vốn là một người có đầy đủ thiện nghiệp ba-la-mật có thể trở thành bậc Thánh ngay trong kiếp hiện tại. Nhưng Đức vua gần gũi thân cận với Tỳ khưu Devadatta, nghe lời khuyến dụ của Tỳ khưu Devadatta, giết cha là Đức thái thượng hoàng Bimbisāra, Đức vua Ajātasattu phạm trọng tội giết cha thuộc vào 1 trong 5 ác nghiệp vô gián, chắc chắn sẽ sinh quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci chịu khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài nhiều kiếp trái đất. Nhưng Đức vua Ajātasattu biết ăn năn hối lỗi về trọng tội giết Phụ vương của mình, ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin sám hối tội lỗi của mình. Đức Thế Tôn chứng minh lời sám hối của Đức vua, rồi thuyết pháp tế độ Đức vua. Khi ấy, nếu Đức vua không phạm trọng tội giết cha, thì ngay sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, Đức vua sẽ trở thành bậc Thánh Nhập Lưu tại nơi ấy. Nhưng vì phạm trọng tội giết cha, nên Đức vua không thể trở thành bậc Thánh Nhân, Đức vua chỉ có đức tin nơi Tam Bảo, xin thọ phép quy y Tam Bảo, hết lòng tận tâm lo phục vụ Tam Bảo.

Đức vua là người hộ độ 500 vị Thánh Arahán trong kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải lần thứ nhất, sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn được 3 tháng 4 ngày, do Ngài Đại trưởng lão Mahākassapa chủ trì, tại động Sattapaṇṇi gần kinh thành Rājagaha xứ Magadha, thời gian suốt 7 tháng mới hoàn thành trọn bộ Tam Tạng Pāḷi và Chú giải.

Như vậy, trong kiếp hiện tại Đức vua Ajātasattu đã tạo thiện nghiệp lớn lao trong thời kỳ sau khi đã phạm trọng tội giết cha thuộc vào 1 trong 5 ác nghiệp vô gián. Cho nên, đáng lẽ sau khi Đức vua Ajātasattu chết, ác nghiệp vô gián ấy chắc chắn sinh quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ bị thiêu đốt suốt thời gian lâu dài hằng nhiều kiếp trái đất. Nhưng nhờ thiện nghiệp lớn lao mà Đức vua Ajātasattu đã tạo suốt thời gian sau cho đến trọn đời, kìm hãm bất thiện nghiệp giết cha, thay vì sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci chịu khổ suốt thời gian lâu dài hằng nhiều kiếp trái đất; thì tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục nhỏ Lohakumbhī (nồi đồng sôi) suốt thời gian 60.000 năm mới mãn quả ác nghiệp ấy.

Hậu kiếp của Đức vua Ajātasattu sau khi thoát ra khỏi địa ngục Lohakumbhī, rồi nhờ thiện nghiệp làm phận sự sinh quả tái sinh trở lại làm người trong thời kỳ không có Phật giáo trên thế gian, hậu thân của Đức vua Ajātasattu xuất gia sẽ trở thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu “Đức Phật Độc Giác Vijitāvī” rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đó là thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có phận sự kìm hãm bất thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của bất thiện nghiệp ấy.

b) Bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy như thế nào?

Ví dụ: Một thí chủ là người cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp đứng ra tổ chức buổi lễ làm phước cúng dường đến chư Đại đức Tăng rất đông. Thật ra, thí chủ này đã có tác ý thiện tâm hoan hỷ từ trước, nên đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ vật dụng. Đến ngày lễ chính thức tại ngôi chùa mọi người tụ hội đông đủ, chư Đại đức Tăng khách cũng được thỉnh mời đến. Toàn thể chư Đại đức Tăng và khách đều tập trung tại chánh điện. Buổi lễ làm phước bố thí cúng dường được cử hành rất long trọng. Riêng người thí chủ chính có điều không hài lòng trong buổi lễ ấy; tuy vậy, người thí chủ chính vẫn tự tay dâng cúng dường đến chư Đại đức Tăng một cách cung kính bình thường, nhưng tâm không được hoan hỷ bởi do có điều không hài lòng trong buổi lễ ấy. Còn phần đông mọi người đều phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ trong buổi lễ làm phước thiện cúng dường lớn lao ấy.

Như vậy, khi thí chủ tạo thiện nghiệp bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tăng, và bất thiện nghiệp phát sinh vì không hài lòng trong buổi lễ lẫn lộn. Do đó, làm cho thiện nghiệp bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tăng không hoàn toàn trong sạch. Cho nên, bất thiện nghiệp ấy kìm hãm thiện nghiệp bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tăng, làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp bố thí ấy.

Thật vậy, sau khi người thí chủ ấy chết, nếu thiện nghiệp bố thí ấy có cơ hội sinh quả tái sinh làm người đáng lẽ có tam nhân (vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ)), thì chỉ có nhị nhân (vô tham và vô sân) mà thôi. Bởi vì, bất thiện nghiệp được phát sinh kìm hãm thiện nghiệp, làm suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy.

Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy.

3. 3 Nghiệp hãm hại có phận sự làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp đối nghịch ấy, có 2 trường hợp:

a- Thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp.

b- Bất thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

Giải thích 2 trường hợp:

a) Thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp ấy như thế nào?

Ví dụ: Một người nghèo khổ, thường hay bệnh hoạn ốm đau, chịu bao nhiêu nỗi khổ thiếu thốn những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống... đó là quả của bất thiện nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ, hoặc trong kiếp hiện tại này. Hằng ngày, người ấy sống bằng nghề lượm đồ phế thải, không có nơi nương tựa.

Một hôm, một người thiện trí có tâm bi cứu khổ, gặp người ấy đang lâm bệnh, nằm một nơi không có người săn sóc. Người thiện trí gọi xe đưa bệnh nhân ấy đi bệnh xá để chữa trị, ít hôm sau người ấy được khỏi bệnh. Người thiện trí nghĩ rằng: “Nếu ta đem người ấy về ở trong nhà, thì người ấy chỉ giảm bớt được phần khổ thân mà thôi; nếu ta gửi người ấy vào ở trong chùa, thì người ấy không những chỉ giảm được phần khổ thân, mà còn giảm được phần khổ tâm nữa”.

Nghĩ xong, người thiện trí dẫn người ấy đem gửi vị Đại đức trụ trì một ngôi chùa, nhờ Ngài tế độ người nghèo khổ ấy. Từ đó, người ấy có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, rồi phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin thọ phép quy y Tam Bảo trở thành người cận sự nam trong Phật giáo, thọ trì bát giới uposathasīla để thích ứng với đời sống ở trong chùa.

Hằng ngày, người cận sự nam ấy biết lo công việc lau chùi, quét dọn sạch sẽ trong và xung quanh chánh điện, nơi cội Đại Bồ Đề, chăm sóc cây cảnh trong chùa... tạo cho cảnh quang ngôi chùa sạch đẹp.

Người cận sự nam ấy là người dễ dạy, hằng ngày, biết tụng kinh, thực hành thiền định niệm Ân đức Phật...; biết cung kính hộ độ từ Ngài Đại Trưởng Lão cho đến vị Tỳ khưu, Sadi nhỏ, cho nên, người cận sự nam được quý Ngài thương yêu quý mến. Người ấy còn tận tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện, tiện nghi, phụ giúp những người cận sự nam, cận sự nữ đến chùa dâng hoa lễ Phật, làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Đại đức, Tỳ khưu, Sadi, cho nên, người cận sự nam ấy cũng được những người cận sự nam, cận sự nữ khác thương yêu quý mến.

Từ khi người ấy ở trong chùa đời sống vật chất và tinh thần được thoải mái, cho nên người ấy không còn bệnh hoạn ốm đau như trước nữa. Bây giờ, người ấy là người cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có giới hạnh, có sức khỏe tốt, mỗi ngày, mọi thiện pháp tăng trưởng; nhất là người cận sự nam ấy được phần đông chư Đại đức, Tỳ khưu, Sadi, và cận sự nam, cận sự nữ thương yêu quý mến giúp đỡ.

Đó là thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp.

b) Bất thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp như thế nào?

Ví dụ: Trong đời này, một người có thân thể khỏe mạnh, tâm trí sáng suốt, có một cuộc sống giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, có đầy đủ về mọi phương diện, cuộc sống được an lành hạnh phúc..., đó là quả của thiện nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc trong những kiếp hiện tại. Nhưng về sau, người ấy bị lâm bệnh nan y (bệnh ung thư, hoặc bị bệnh bại liệt toàn thân, hoặc bị tai biến mạch máu não, hoặc bị tai nạn gây thương tật suốt đời...), hoặc gặp cơn tai biến tan gia bại sản, mất chức mất quyền v.v.. Những điều bất hạnh xảy ra trong đời sống của người ấy đều là quả của bất thiện nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc kiếp hiện tại này.

Hoặc một đứa trẻ được tái sinh làm người đó là quả của thiện nghiệp. Nhưng khi sinh ra đời, đứa trẻ bị mù, bị câm điếc... đó là quả của bất thiện nghiệp kìm hãm tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy.

Đó là bất thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

4. Upaghātakakamma: Nghiệp Sát Hại

Thế nào gọi là nghiệp sát hại?

Nghiệp nào có phận sự sát hại, cắt đứt nghiệp khác, và sát hại cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, nghiệp ấy gọi là nghiệp sát hại, đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp - là tâm sở tác ý đồng sinh trong 8 tâm tham, trong 2 tâm sân và trong 2 tâm si), 21 thiện nghiệp (tâm sở tác ý đồng sinh trong 8 dục giới đại thiện tâm, 5 sắc giới thiện tâm, 4 vô sắc giới thiện tâm và 4 Siêu tam giới thiện tâm (4 Thánh Đạo Tâm).

*Sự khác biệt giữa nghiệp hãm hại và nghiệp sát hại

Nghiệp hãm hại là nghiệp có phận sự hãm hại, ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội sinh quả, hoặc khi đã có cơ hội sinh quả rồi thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả hoặc làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp đối nghịch ấy.

Nghiệp sát hại là nghiệp có phận sự cắt đứt nghiệp nào rồi, thì nghiệp ấy vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa, hoặc cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh mạng của chúng sinh ấy.

* Nghiệp sát hại có 2 phận sự:

4. 1 Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

4. 2 Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh mạng của chúng sinh ấy.

4. 1 Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa, có 3 trường hợp:

a- Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt bất thiện nghiệp khác.

b- Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác.

c- Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác.

Giải thích 3 trường hợp:

a) Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt bất thiện nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa như thế nào?

Trước khi chưa chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, Ngài Đại đức Aṅgulimāla là kẻ cướp sát nhân đã từng giết chết hơn 1.000 người. Như vậy, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) sát sinh của Ngài khó tránh khỏi sinh quả tái sinh trong cõi địa ngục. Khi Đức Thế Tôn ngự đến tế độ và cho phép Ngài xuất gia trở thành Tỳ khưu. Tỳ khưu Aṅgulimāla thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng. Đến khi hết tuổi thọ, Ngài đã tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Cho nên, tất cả mọi bất thiện nghiệpthiện nghiệp mà Ngài đã tạo trong vô số kiếp quá khứ từ vô thủy cho đến kiếp hiện tại trước khi trở thành bậc Thánh Arahán, đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

Đó là Siêu tam giới thiện nghiệp có phận sự cắt đứt bất thiện nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

b) Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa như thế nào?

Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc tột đỉnh của sắc giới. Nếu hành giả có khả năng giữ gìn 5 bậc thiền hữu sắc ấy cho đến chết, thì sau khi hành giả chết, chắc chắn đệ ngũ thiền hữu sắc đó là đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh lên tầng trời sắc giới tột đỉnh.

– Nếu hành giả là hạng phàm nhân, thì đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới phạm thiên cõi Quảng Quả Thiên (hoặc Vô Tưởng Thiên), có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất.

– Nếu hành giả là bậc Thánh Bất Lai, thì đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh 1 trong 5 cõi Tịnh Cư Thiên có tuổi thọ từ 1000 đại kiếp trái đất đến 16.000 đại kiếp trái đất, tùy theo mỗi tầng trời thấp cao.

Còn 4 bậc thiền hữu sắc bậc thấp đó là 4 sắc giới thiện nghiệp từ đệ nhất thiền sắc giới thiện nghiệp cho đến đệ tứ thiền sắc giới thiện nghiệp bị cắt đứt bởi đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp.

Cho nên, đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt 4 bậc thiền sắc giới thiện nghiệp bậc thấp vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

Hoặc hành giả thực hành thiền định sau khi đã chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc, rồi tiếp tục thực hành thiền định có khả năng chứng đắc 4 bậc thiền vô sắc.

Sau khi hành giả chết, chỉ có bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời vô sắc giới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên mà thôi, còn lại 5 bậc thiền hữu sắc 3 bậc thiền vô sắc bậc thấp đều bị cắt đứt vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

Đó là thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

c) Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác không còn có cơ hội sinh quả được nữa như thế nào?

Người nào đã tạo dục giới đại thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp (5 bậc thiền hữu sắc) vô sắc giới thiện nghiệp (4 bậc thiền vô sắc). Về sau, người ấy bị phạm trọng tội thuộc vào 1 trong 5 ác nghiệp vô gián (pañcānantariya-kamma)giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật và chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng. Sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác nghiệp vô gián này có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi, chịu khổ do bị thiêu đốt trong cõi đại địa ngục suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều kiếp trái đất. Còn các thiện nghiệp khác đều bị cắt đứt không có cơ hội sinh quả.

Đó là bất thiện nghiệp (ác nghiệp) sát hại có phận sự cắt đứt mọi thiện nghiệp khác không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

4. 2 Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh mạng của chúng sinh ấy, có 4 trường hợp:

a- Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp.

b- Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp khác.

c- Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

d- Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp khác.

Giải thích 4 trường hợp:

a) Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp như thế nào?

Ví dụ: Trường hợp nhóm ngạ quỷ đã từng là thân quyến của Đức vua Bimbisāra từ thời Đức Phật Phussa, thời gian cách Đức Phật Gotama 92 đại kiếp trái đất, trải qua 6 Đức Phật.

Tiền kiếp của chúng trong thời kỳ Đức Phật Phussa, đã tạo ác nghiệp trộm cắp vật thực của chư Đại đức Tăng, tự mình ăn và cho con cái ăn. Sau khi họ chết, ác nghiệp trộm cắp ấy có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục, từ cõi địa ngục lớn đến cõi địa ngục nhỏ, chịu quả khổ trải qua thời gian lâu dài nhiều đại kiếp trái đất. Đến lúc mãn quả của ác nghiệp trong cõi địa ngục nhỏ, song ác nghiệp ấy vẫn còn năng lực sinh quả tái sinh làm kiếp ngạ quỷ chịu cảnh đói khát khổ cực.

Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, nhóm ngạ quỷ đến hầu đảnh lễ Đức Phật, bèn bạch rằng:

Kính bạch Đức Thế Tôn, đến khi nào mới có thân quyến làm phước bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho loài ngạ quỷ chúng con, để cho chúng con được thoát khỏi cảnh khổ đói khát, được an lạc? Bạch Ngài.

Đức Phật Kassapa dạy rằng:

Này các ngạ quỷ, bây giờ các con chưa có được gì đâu! Các con ráng chờ đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian. Khi ấy sẽ có Đức vua Bimbisāra đã từng là thân quyến của các con cách đây 92 đại kiếp trái đất. Đức vua Bimbisāra sẽ làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật Gotama cùng chư Đại đức Tăng, rồi sẽ hồi hướng phần phước thiện ấy cho các con.

Nghe lời thọ ký của Đức Phật Kassapa, nhóm ngạ quỷ vô cùng hoan hỷ chờ đợi, mong ngóng, từ thời Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, trải qua một thời kỳ lâu dài chờ đợi.

Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, Đức vua Bimbisāra ngự tại kinh thành Rājagaha trị vì xứ Magadha. Đức Phật Gotama cùng chư Tỳ khưu Tăng ngự đến kinh thành Rājagaha, thuyết pháp tế độ Đức vua cùng các quan trong triều và dân chúng trong kinh thành. Sau khi lắng nghe chánh pháp, Đức vua đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, phần đông các quan và dân chúng cũng chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Đức vua Bimbisāra có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xây dựng ngôi chùa Veḷuvana xong, làm lễ dâng cúng dường đến chư Đại đức Tăng có Đức Phật chủ trì. Khi ấy, Đức vua quên hồi hướng phần phước thiện đến cho nhóm ngạ quỷ.

Nhóm ngạ quỷ vô cùng thất vọng, đêm đến chúng hiện đến cung điện của Đức vua kêu la, khóc than thảm thiết phát ra những âm thanh đáng kinh sợ.

Sáng ngày hôm sau, Đức vua ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bèn bạch hỏi do nhân nào có âm thanh đáng kinh sợ như vậy.

Đức Thế Tôn dạy:

- “Này Đại vương, Đại vương không nên kinh sợ! Đó là tiếng kêu la than khóc của nhóm ngạ quỷ. Nhóm ngạ quỷ này đã từng là thân quyến của Đại vương trong kiếp quá khứ, chúng trông ngóng từ lâu, với hy vọng Đại vương làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho chúng, để chúng thoát khỏi cảnh khổ kiếp ngạ quỷ. Nhưng Đại vương làm phước thiện bố thí xong, không hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho chúng. Do đó, chúng thất vọng hiện đến kêu la than khóc như vậy”.

Lắng nghe Đức Thế Tôn dạy như vậy, Đức vua Bimbisāra bèn bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, ngày mai, con xin kính thỉnh Đức Thế Tôn cùng chư Đại đức Tăng ngự đến cung điện của con, để con làm phước thiện cúng dường một lần nữa. Lần này, con sẽ hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho nhóm ngạ quỷ thân quyến của con.

Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng.

Đức vua Bimbisāra đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi xin phép trở về cung điện.

Sáng hôm sau, Đức Thế Tôn cùng chư Đại đức Tăng ngự đến cung điện của Đức vua Bimbisāra. Chính Đức vua tự tay dâng cúng dường vật thực đến Đức Thế Tôn cùng chư Đại đức Tăng.

Đức Thế Tôn thuyết bài kinh Tirokuḍḍapetavatthu tế độ nhóm ngạ quỷ, đồng thời Đức vua Bimbisāra hồi hướng phần phước thiện ấy đến nhóm ngạ quỷ thân quyến. Nhóm ngạ quỷ phát sinh thiện tâm hoan hỷ thọ hưởng phần phước thiện ấy. Ngay khi ấy, tất cả nhóm ngạ quỷ đều thoát khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát, nhờ thiện nghiệp ấy sinh quả tái sinh làm chư thiên trên cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

Đó là thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp.

Chúng ta được sinh làm người mới có được cơ hội tốt làm phước thiện bố thí, còn các chúng sinh khác khó có cơ hội làm phước thiện bố thí như chúng ta. Cho nên, nếu chúng ta gặp được dịp may, có cơ hội tốt làm phước bố thí những nhu cầu gì đến cho người khác, thì chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội tốt ấy. Chúng ta nên nghĩ rằng: “Những vật nào mà ta đem ra làm phước thiện bố thí, những vật ấy mới thật sự trở thành phước thiện của ta. Những vật khác còn lại thuộc về của chung, thì không chắc là của riêng ta”.

Khi ta đã làm phước thiện bố thí, không những ta được phước thiện mà ta còn có thể hồi hướng đến cho thân bằng quyến thuộc và tất cả chúng sinh khác đã quá vãng, họ cũng có thể thọ nhận được phần phước thiện ấy, rồi thoát khỏi cảnh khổ, đồng thời được hưởng sự an lạc lâu dài, như tái sinh làm người hoặc làm chư thiên trong cõi trời dục giới. Thật là hạnh phúc biết dường nào!

Vì vậy, sau khi đã làm phước thiện nào rồi, chúng ta nên hồi hướng đến thân quyến của chúng ta bằng câu Pāḷi và tiếng Việt như sau:

Idaṃ no ñātinaṃ hotu,

Sukhitā hontu ñātayo”.

Chúng con xin thành tâm hồi hướng,

Trọn phần phước thiện thanh cao này,

Đến các thân quyến của chúng con,

Kể từ vô lượng kiếp quá khứ,

Mãi cho đến kiếp hiện tại này.

Cầu xin tất cả mọi thân quyến,

Hoan hỷ thọ nhận phước thiện này,

Để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ,

Hưởng được sự an lạc lâu dài.

Hoặc hồi hướng đến tất cả chúng sinh như sau:

“Imaṃ puññabhāgaṃ sabbasattānaṃ dema,

sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu”.

Chúng con xin thành tâm hồi hướng,

Trọn phần phước thiện thanh cao này,

Đến tất cả chúng sinh muôn loài,

Trong ba giới bốn loài cả thảy.

Cầu xin quý vị đều hoan hỷ,

Thọ nhận phước thiện thanh cao này,

Để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ,

Hưởng được sự an lạc lâu dài.

Chúng sinh nào phát sinh thiện tâm hoan hỷ phần phước thiện thanh cao ấy, nếu chúng sinh ấy đang ở trong cõi khổ, thì sẽ được giải thoát khỏi cõi khổ ngay tức thì; nếu chúng sinh ấy đang ở trong cõi an lạc, thì sự an lạc càng được tăng trưởng. Đó là điều hạnh phúc cao thượng biết dường nào!

b) Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp khác như thế nào?

Ví dụ: Người tại gia là cận sự nam hoặc cận sự nữ thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng. Sau đó, nếu bậc Thánh Arahán vẫn sống tại gia, thì bậc Thánh Arahán ấy chắc chắn sẽ tịch diệt Niết Bàn ngay trong ngày hôm ấy, không thể duy trì sinh mạng sang ngày hôm sau được. Bởi vì, Ân đức cao thượng của bậc Thánh Arahán, phạm hạnh cao thượng của bậc Thánh Arahán không thích hợp với đời sống của người tại gia. Cho nên, bậc Thánh Arahán ấy phải tịch diệt Niết Bàn ngay ngày hôm ấy.

* Trong thời kỳ Đức Phật còn trên thế gian, trường hợp Đức vua Suddhodana (Phụ hoàng của Đức Phật) sau khi đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn ngay ngày hôm ấy.

* Trường hợp vị quan đại cận thần Santati trong triều đình của Đức vua Pasenadi Kosala, sau khi đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi đảnh lễ xin phép Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn ngay ngày hôm ấy.

Đối với người tại gia, Arahán Thánh Đạo là Siêu tam giới thiện nghiệp có phận sự cắt đứt ngũ uẩn là quả của thiện nghiệp khác, gọi là Ngũ Uẩn Niết Bàn ngay trong ngày hôm ấy, không thể duy trì sinh mạng sang ngày hôm sau.

Như vậy, người tại gia sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, nếu bậc Thánh Arahán ấy cần duy trì sinh mạng cho đến hết tuổi thọ, thì bậc Thánh Arahán ấy phải xuất gia trở thành Tỳ khưu.

* Nhưng trường hợp đặc biệt trong thời kỳ Đức Phật còn trên thế gian, trường hợp bà Khemā - chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Bimbisāra, sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, Đức vua Bimbisāra chấp thuận để cho bà được xuất gia. Bà Khemā được xuất gia trở thành Tỳ khưu ni, về sau Đức Phật tuyên dương Đại đức Tỳ khưu ni Khemā là bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn xuất sắc nhất về trí tuệ trong hàng nữ Thanh Văn đệ tử của Đức Phật.

Đó là thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

c) Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp như thế nào?

Con người sinh ra đời, có ngũ uẩn tốt đẹp, thân thể khoẻ mạnh, có đầy đủ ngũ quan tốt (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân)… Đó là quả của thiện nghiệp trong kiếp quá khứ. Người ấy tòng quân đi chiến đấu, giữa trận địa, hai bên giao chiến với nhau, người ấy chẳng may bị thương nặng gẫy chân, và các vết thương khác quá nặng nên bị tử trận (chết do bất thiện nghiệp trong kiếp hiện tại).

Hoặc trường hợp người bị tai nạn làm cho gẫy chân hoặc gẫy tay, hoặc bị mù mắt, bị điếc gây thương tích trọn đời hoặc bị thương nặng rồi tử vong, hoặc bị lâm bệnh nặng gây ra bệnh mất trí cuồng điên cho đến chết (chết do bất thiện nghiệp trong kiếp quá khứ).

Đó là bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

d) Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp khác như thế nào?

e) Tất cả mọi loài súc sinh sinh ra trên trái đất này đều là quả của bất thiện nghiệp trong kiếp quá khứ. Nhưng có một số loài súc sinh gặp nhau cắn xé lẫn nhau, gây thương tích cho nhau, thậm chí còn cắn chết rồi ăn thịt nữa. (chết do bất thiện nghiệp trong kiếp hiện tại).

Hoặc trường hợp, một số loài súc sinh bị tai nạn gây ra thương tích trọn đời, hoặc bị thương nặng rồi tử vong (chết do bất thiện nghiệp trong kiếp quá khứ).

Đó là bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp khác.

Nghiệp Sát Hại Cắt Đứt Ngũ Uẩn

Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác có 3 trường hợp đặc biệt:

a- Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy không sinh quả tái sinh kiếp sau và cũng không cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

b- Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

c- Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

Giải thích 3 trường hợp:

a) Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy không sinh quả tái sinh kiếp sau, và cũng không cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau như thế nào?

– Trường hợp hành giả thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán xong, đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Arahán Thánh Đạo là Siêu tam giới thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn và đồng thời Ngũ uẩn Niết Bàn gọi là Jīvitasanrasīsi: Chứng đắc Arahán Thánh Quả xong, đồng thời Ngũ uẩn Niết Bàn ngay khi ấy.

– Hoặc trường hợp Ngài Đại đức Mahāmoggallāna, Ngài bị bọn cướp đánh đập tan xương nát thịt đến gần chết. Chúng tưởng Ngài đã chết rồi, nên đem thi thể của Ngài bỏ vào bụi cây, rồi bỏ đi khỏi nơi ấy.

Ngài Đại đức Mahāmoggallāna dùng thần thông kết nối xương thịt lại, rồi bay đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin phép tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Tiền kiếp của Ngài Đại đức Mahāmogallāna đã từng tạo bất thiện nghiệp đánh đập cha mẹ Ngài đến chết trong kiếp quá khứ. Nay bất thiện nghiệp ấy trở thành bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn và đồng thời ngũ uẩn Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Đó là nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy không sinh quả tái sinh kiếp sau, và cũng không cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau. (trường hợp bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn gọi là Ngũ uẩn Niết Bàn).

b) Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy lại giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau như thế nào?

– Trường hợp chúng sinh trong cõi địa ngục, bất thiện nghiệp sát hại nào có phận sự cắt đứt ngũ uẩn của chúng sinh trong cõi địa ngục xong, rồi chính bất thiện nghiệp ấy lại giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau cũng trong cõi địa ngục ấy. Bởi vì, chúng sinh trong cõi địa ngục thuộc về loài hóa sinh, cho nên khi chúng sinh ấy bị hành hạ đến chết, rồi lại hóa sinh trở lại, cứ tiếp tục tử rồi sinh, sinh rồi tử trong cõi địa ngục cho đến khi mãn quả của bất thiện nghiệp ấy mới thoát ra khỏi địa ngục, rồi được tái sinh trong cõi khác tùy theo nghiệp của chúng sinh ấy.

Đó là bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp khác, rồi chính bất thiện nghiệp ấy lại giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

– Trường hợp chư thiên trong cõi trời dục giới cũng thuộc về loài hóa sinh, đến khi hết tuổi thọ của cõi trời dục giới ấy, nếu thiện nghiệp ấy còn có nhiều năng lực, thì thiện nghiệp ấy lại có cơ hội sinh quả tái sinh trở lại cõi trời cũ, hoặc cõi trời thấp hơn, hoặc cõi trời cao hơn cõi trời cũ, tùy theo năng lực của thiện nghiệp ấy.

– Hoặc trường hợp ông phú hộ Anāthapiṇdika là bậc Thánh Nhập Lưu. Sau khi ông chết, thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh lên cõi trời Tusita (Đấu Xuất Đà Thiên) có tuổi thọ 4.000 (bốn ngàn) năm trời (bằng 576 triệu năm cõi người).

Khi hết tuổi thọ ở cõi trời Tusita, sau khi vị thiên nam Anāthapiṇdika chết, chính thiện nghiệp ấy giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau lên cõi trời cao Nimmānaratī có tuổi thọ 8.000 (tám ngàn) năm trời (bằng 2.304 triệu năm cõi người).

Khi hết tuổi thọ ở cõi trời Nimmānaratī, sau khi vị thiên nam Anāthapiṇdika chết, chính thiện nghiệp ấy giành cơ hội sinh tái sinh kiếp sau lên cõi trời cao Paranimmitavasavatti có tuổi thọ 16.000 (mười sáu ngàn) năm trời (bằng 9.216 triệu năm cõi người).

Khi hết tuổi thọ ở cõi trời Paranimmitavasavatti, sau khi vị thiên nam Anāthapiṇdika chết, sắc giới thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau lên cõi trời sắc giới phạm thiên. Và cứ như vậy, từ cõi trời sắc giới tầng thấp cho đến tầng cao tột đỉnh của cõi trời sắc giới là cõi Akaniṭṭhā có tuổi thọ 16.000 đại kiếp trái đất. Vị Phạm thiên Anāthapiṇdika sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời ấy, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

– Tương tự như ông phú hộ Anāthapiṇdika, có bà đại thí chủ Visākhā Mahā upāsikā là bậc Thánh Nhập Lưu. Sau khi bà chết tại cõi trời thấp, thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau lên các cõi trời dục giới và các cõi trời sắc giới tột đỉnh, sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời ấy, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Đó là trường hợp đặc biệt của ông phú hộ Anāthapiṇḍika và bà đại thí chủ Visākhā Mahā upasikā đã từng phát nguyện.

Đó là thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, rồi chính thiện nghiệp ấy lại giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

c) Nghiệp sát hại có phận sự cắt dứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp khác xong, rồi cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau như thế nào?

Trong thời quá khứ, tiền kiếp của Đức vua Bimbisāra đã từng mang dép đi vào trong khuôn viên xung quanh ngôi Bảo Tháp hoặc khuôn viên xung quanh cội Đại Bồ Đề. Nay kiếp hiện tại được sinh làm Đức vua Bimbisāra là quả của thiện nghiệp. Nhưng do năng lực của bất thiện nghiệp mang dép đi vào khuôn viên xung quanh ngôi Bảo Tháp, cội Đại Bồ Đề sinh quả, khiến cho Đức vua Ajātasattu truyền lệnh cho người thợ cạo lấy dao rạch hai bàn chân, thoa dầu, hơ lửa hai bàn chân làm cho Đức vua Bimbisāra băng hà. Nhưng sau khi Đức vua băng hà, do thiện nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi trời Tứ Đại Thiên Vương.

Đó là bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn là quả của thiện nghiệp xong, rồi cho thiện nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

Tóm lược 4 loại nghiệp phân loại theo phận sự

1- Nghiệp sinh quả (janakakamma) gồm có thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có phận sự sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) cho đến cuối cùng của kiếp ấy. Như vậy, nghiệp sinh quả là nghiệp cho quả từ đầu đến cuối cùng của một kiếp chúng sinh.

2- Nghiệp hỗ trợ (upathambhakakamma) gồm có thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào chưa có cơ hội sinh quả, giúp cho nghiệp ấy có cơ hội sinh quả; nếu nghiệp nào đã có cơ hội sinh quả rồi, thì nghiệp hỗ trợ này hỗ trợ cho nghiệp ấy được phát triển đầy đủ. Nghiệp hỗ trợ giúp cho ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì để tồn tại theo tuổi thọ của kiếp chúng sinh ấy.

3- Nghiệp hãm hại (upapīḷakakamma) gồm có thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có phận sự hãm hại nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội sinh quả; hoặc làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của nghiệp đối nghịch khác; hoặc làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp đối nghịch khác.

4- Nghiệp sát hại (upaghāṭakakamma) gồm có thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có phận sự sát hại nghiệp khác vĩnh viễn không có cơ hội sinh quả; hoặc sát hại một phần ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp; hoặc sát hại toàn phần ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác (sát hại sinh mạng).

Tất cả mọi chúng sinh nói chung, con người nói riêng đều phải chịu sự chi phối của nghiệp sinh quả trong thời kỳ tái sinh, bắt đầu một kiếp hiện tại, rồi còn phải chịu ảnh hưởng quả của nghiệp trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) cho đến lúc chết. Do đó, kiếp hiện tại là một phần quả của các thiện nghiệp và ác nghiệp trong những kiếp quá khứ, và cũng có một phần quả của các thiện nghiệp và ác nghiệp trong kiếp hiện tại.


(1) Pavattikāla:Thời kỳ sau khi đã tái sinh cho đến trước lúc chết, đó là kiếp sống hiện tại.

Tiếp theo


[Ðầu trang][Trở về trang Mục lục][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2008