Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ



Nghiệp và Quả Của Nghiệp

Soạn giả: Tỳ khưu Hộ Pháp


II. Pākadānapariyāyacatukka: 4 Loại Nghiệp Theo Tuần Tự Cho Quả Nhất Định

Phần 4 loại nghiệp phân loại theo phận sự xong, tiếp theo phần 4 loại nghiệp phân loại theo tuần tự cho quả nhất định trước sau như sau:

4 loại nghiệp ấy như thế nào?

1. Garukakamma: Nghiệp trọng yếu, loại nghiệp nặng là nghiệp nặng nhất có quyền ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau trước tiên, không có nghiệp nào có thể ngăn cản được.

Nếu không có nghiệp trọng yếu này, thì kế tiếp nghiệp cận tử (āsannakamma) cho quả tái sinh kiếp sau.

2. Āsannakamma: Loại nghiệp cận tử là nghiệp phát sinh lúc lâm chung. Nếu không có nghiệp trọng yếu, thì nghiệp cận tử này có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau.

Nếu không nghiệp trọng yếu nghiệp cận tử, thì kế tiếp nghiệp thường hành (āciṇṇakamma) cho quả tái sinh kiếp sau.

3. Āciṇṇakamma: Loại nghiệp thường hành là nghiệp thường được hành hằng ngày đêm đã trở thành thói quen. Nếu không có nghiệp trọng yếunghiệp cận tử, thì nghiệp thường hành này có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau.

Nếu không có cả 3 loại nghiệp trên (nghiệp trọng nhẹ, nghiệp cận tử và nghiệp thường hành), thì kế tiếp nghiệp loại thường (kaṭattākamma) cho quả tái sinh kiếp sau.

4. Kaṭattākamma: Loại nghiệp loại thường là nghiệp yếu hơn 3 loại nghiệp trên, nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hoặc nghiệp đã được tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau.

4 loại nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau theo tuần tự nhất định. Trong mỗi loại nghiệp, nghiệp nào có nhiều năng lực nhất, thì nghiệp ấy có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau.

Giải thích 4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả

1. Garukakamma: Nghiệp Trọng Yếu

Thế nào gọi là nghiệp trọng yếu?

Loại nghiệp nào có nhiều năng lực nhất, chắc chắn có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau kế tiếp, mà không có nghiệp nào có thể ngăn cản được, loại nghiệp ấy gọi là nghiệp trọng yếu; đó là tác ý tâm sở đồng sinh với tâm tham hợp với tà kiến trực tiếp tạo ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhikamma), tác ý tâm sở đồng sinh với tâm sân trực tiếp tạo 5 ác nghiệp vô gián (pañcānantariyakamma), và tác ý tâm sở đồng sinh với 5 sắc giới thiện tâm, 4 vô sắc giới thiện tâm. Các loại nghiệp này gọi là loại nghiệp nặng, nghiệp trọng yếu.

Nghiệp trọng yếu (garukakamma) có 2 loại:

1.1 Ác nghiệp trọng tội (akusala garukakamma) có 2 loại: Ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhikamma) và 5 ác nghiệp vô gián (pañcānantariyakamma) .

1.2 Thiện nghiệp trọng yếu (kusala garukakamma) có 2 loại: 4 vô sắc giới thiện nghiệp 5 sắc giới thiện nghiệp.

1.1 Ác Nghiệp Trọng Tội

Ác nghiệp trọng tội có 2 loại:

a- Ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhikamma).

b- 5 ác nghiệp vô gián (pañcānantariyakamma).

a) Ác nghiệp tà kiến cố định có 3 loại:

Natthikadiṭṭhi: Vô quả tà kiến.

Ahetukadiṭṭhi: Vô nhân tà kiến.

Akiriyādiṭṭhi: Vô hành tà kiến.

* Vô quả tà kiến nghĩa là tà kiến thấy sai, chấp lầm cho rằng: “Không có quả của ác nghiệp, không có quả của thiện nghiệp. Người đã có tác ý tạo ác nghiệp xong, rồi không có quả khổ của ác nghiệp, không cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Hoặc người đã có tác ý tạo thiện nghiệp xong, rồi cũng không có quả an lạc của thiện nghiệp, không cho quả tái sinh trong cõi thiện giới (cõi người, các cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới), chết rồi là hết, không tái sinh kiếp sau trong cõi nào cả”. Tà kiến này còn gọi là đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) chết rồi là hết, không có tái sinh kiếp sau trong cõi nào cả.

Người có vô quả tà kiến này là người phủ nhận quả của ác nghiệp, quả của thiện nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận nhân ác nghiệp, nhân thiện nghiệp.

* Vô nhân tà kiến nghĩa là tà kiến thấy sai, chấp lầm rằng: “Chúng sinh đang chịu mọi cảnh khổ, hoặc đang hưởng mọi sự an lạc. Đó là điều tự nhiên, không phải do từ nhân nào, duyên nào nghĩa là không do từ ác nghiệp hoặc thiện nghiệp nào cả”.

Người có vô nhân tà kiến này là người phủ nhận nhân là ác nghiệp, nhân là thiện nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận quả của ác nghiệp, quả của thiện nghiệp.

Vô hành tà kiến nghĩa là tà kiến thấy sai, chấp lầm rằng: “Mọi hành động ác do thân, khẩu, ý không tạo nên ác nghiệp; và mọi hành động thiện do thân, khẩu, ý cũng không tạo nên thiện nghiệp”.

Ví như tự mình sát sinh, hoặc sai khiến người khác sát sinh; tự mình trộm cắp, hoặc sai khiến người khác trộm cắp... đều không tạo nên ác nghiệp. Cũng như vậy, tự mình bố thí, giữ giới trong sạch, hành thiền... không tạo nên thiện nghiệp. Làm tội không có tội, làm phước không có phước.

Người có vô hành tà kiến này là người phủ nhận nhân là ác nghiệp, nhân là thiện nghiệp và phủ nhận quả của ác nghiệp, quả của thiện nghiệp.

Như vậy, vô nhân tà kiến, vô quả tà kiến, vô hành tà kiến gọi là ác nghiệp tà kiến cố định.

Người nào có ác nghiệp tà kiến cố định này, sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác nghiệp tà kiến cố định mới có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi, phải chịu khổ trong cõi địa ngục này suốt thời gian lâu dài trải qua vô số đại kiếp trái đất, khó thoát ra khỏi cõi địa ngục ấy.

2 Hạng Người Có Tà Kiến Cố Định

1- Hạng người có tà kiến cố định sống biết tuân thủ theo pháp luật nhà nước. Tuy họ không tin nghiệp và quả của nghiệp, song họ biết sợ vi phạm pháp luật, cho nên, họ có thể hành động mọi việc ác mà không phạm pháp. Ví như: Họ xin phép nhà nước mở lò giết gia súc, giết gia cầm để bán thịt; xin phép làm xưởng đúc súng, đúc đạn để giết người, v.v...

2- Những hạng người có tà kiến cố định sống phạm pháp như lập bè, lập đảng đi cướp của giết người; chúng có thể hành động bất cứ mọi việc ác mà không biết sợ tội lỗi.

2 hạng người này có tà kiến cố định không tin nghiệp và quả của nghiệp, cho nên họ thường hành việc ác hơn là việc thiện. Khi họ đã tạo nên bất thiện nghiệp (ác nghiệp) dù tội nặng đến đâu đi nữa, họ cũng không bao giờ biết ăn năn hối lỗi, không từ bỏ điều ác, không làm điều thiện; không từ bỏ điều tà, không làm điều chánh....

Do đó, ác nghiệp tà kiến cố định là trọng tội, không có tội lỗi nào sánh được.

b) 5 ác nghiệp vô gián là:

- Ác nghiệp giết cha.

- Ác nghiệp giết mẹ.

- Ác nghiệp giết bậc Thánh Arahán.

- Ác nghiệp làm bầm máu bàn chân của Đức Phật.

 - Ác nghiệp chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng.

5 ác nghiệp này gọi là ác nghiệp vô gián, bởi vì người nào tạo 1 trong 5 ác nghiệp này, sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác nghiệp này mới có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi; không có nghiệp nào khác có thể ngăn cản được. Nghĩa là kiếp hiện tại chết, ác nghiệp này liền sinh quả tái sinh kiếp kế tiếp ngay, không có gián đoạn. Do đó, ác nghiệp này gọi là ác nghiệp vô gián.

Tính Chất Của 5 Ác Nghiệp Vô Gián

Giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật, chia rẽ Tỳ khưu Tăng đó là ác nghiệp vô gián. Người phạm 1 trong 5 ác nghiệp vô gián này, sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác nghiệp vô gián ấy có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi. Do đó ác nghiệp này, gọi là ác nghiệp vô gián (pañcānantariyakamma).

Người phạm ác nghiệp vô gián không hẳn là người có tà kiến cố định, mà chỉ là người hành động do năng lực của tâm sân, chắc chắn có tâm si trong khi hành ác nghiệp vô gián ấy.

Vốn không phải là người có ác nghiệp tà kiến cố định, cho nên, sau khi đã phạm ác nghiệp vô gián xong, rồi người ấy biết ăn năn hối lỗi, biết sám hối tội lỗi của mình đã phạm, từ đó, người ấy từ bỏ mọi ác nghiệp, cố gắng tạo một số thiện nghiệp, nhưng chỉ có thể tạo được dục giới đại thiện nghiệp mà thôi, chắc chắn không thể tạo được sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp, Siêu tam giới thiện nghiệp, không thể chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào cả. Bởi vì, ác nghiệp vô gián có khả năng đặc biệt ngăn cản mọi thiện nghiệp ấy. Sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác nghiệp vô gián có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi.

Trường hợp sau khi tạo ác nghiệp vô gián, người ấy đã phát sinh thiện tâm biết ăn năn hối lỗi, biết sám hối tội lỗi của mình, đã từ bỏ mọi ác nghiệp, cố gắng tạo những dục giới đại thiện nghiệp. Tuy không thể tránh khỏi tái sinh trong cõi đại địa ngục, do bởi ác nghiệp vô gián, nhưng đến khi mãn hạn quả của ác nghiệp vô gián ấy, được thoát ra khỏi cõi địa ngục, do nhờ thiện nghiệp cho quả tái sinh trở lại làm người, người ấy có thể tạo được mọi thiện nghiệp mà không có nghiệp nào ngăn cản được nữa.

* Như trường hợp Tỳ khưu Devadatta đã từng tạo ác nghiệp vô gián, đó là ác nghiệp chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng ác nghiệp làm bầm máu bàn chân của Đức Phật.

Khi bị lâm bệnh nặng, trước lúc chết Tỳ khưu Devadatta nằm trên giường, bảo nhóm đệ tử khiêng Tỳ khưu đến ngôi chùa Jetavana để hầu đảnh lễ sám hối Đức Phật, và kính xin nương nhờ nơi Đức Phật.

Đến gần ngôi chùa Jetavana, nhóm đệ tử đặt cái giường xuống nghỉ cạnh cái hồ để tắm rửa Tỳ khưu Devadatta cho sạch sẽ trước khi đến hầu đảnh lễ Đức Phật.

Tỳ khưu Devadatta vừa bước xuống giường, đôi bàn chân vừa chạm mặt đất, ngay khi ấy mặt đất nứt ra làm đôi, rồi hút Tỳ khưu Devadatta vào trong lòng đất. Tỳ khưu Devadatta liền chắp hai tay đưa lên quá đầu xin sám hối Đức Thế Tôn, và kính xin nương nhờ nơi Đức Thế Tôn. Sau khi Tỳ khưu Devadatta chết, chính ác nghiệp vô gián chia rẽ Tỳ khưu Tăng ấy có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu hành hạ thiêu đốt suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất.

Đức Phật thọ ký xác định thời gian rằng: “Từ kiếp trái đất này rồi trải qua 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, hậu kiếp của Tỳ khưu Devadatta sẽ trở thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu Đức Phật Độc Giác Aṭṭhissara”.

* Trường hợp Đức vua Ajātasattu đã nghe lời khuyên dụ của Tỳ khưu Devadatta, Đức vua đã giết Phụ hoàng Bimbisāra. Khi nghe tin Tỳ khưu Devadatta bị hút sâu vào trong lòng đất, Đức vua Ajātasattu phát sinh tâm hoảng sợ, biết ăn năn hối lỗi.

Đức vua ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi xin sám hối nơi Đức Thế Tôn về tội giết Vua cha của mình. Đức Thế Tôn chứng minh lời sám hối của Đức vua xong, Ngài thuyết pháp tế độ Đức vua. Nếu Đức vua Ajātasattu không phạm ác nghiệp vô gián giết cha, thì ngay tại nơi ấy, Đức vua có thể chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Nhưng Đức vua đã phạm ác nghiệp vô gián giết cha, cho nên không thể chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Đức vua kính xin thọ phép quy y Tam Bảo trở thành người cận sự nam trong giáo pháp của Đức Phật.

Từ đó về sau, Đức vua Ajātasattu có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, hết lòng phụng sự cúng dường Tam Bảo.

Thật vậy, Đức vua Ajātasattu đã hộ độ 500 vị Thánh Arahán có Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa chủ trì trong kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải lần thứ nhất tại động Satta-paṇṇi gần kinh thành Rājagaha, sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn khoảng 3 tháng 4 ngày, suốt 7 tháng mới hoàn thành trọn bộ Tam Tạng và Chú giải.

Đức vua Ajātasattu có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, hộ độ chư Tỳ khưu Tăng cho đến trọn đời. Sau khi Đức vua Ajātasattu băng hà, lẽ ra ác nghiệp vô gián (giết cha) cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ do bị thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất, nhưng Đức vua đã biết ăn năn hối lỗi, ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin sám hối những tội lỗi của mình; đặc biệt kính xin thọ phép quy y Tam Bảo. Từ đó về sau, Đức vua có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tạo mọi phước thiện hộ trì Tam Bảo cho đến trọn đời. Chính nhờ mọi thiện nghiệp ấy làm giảm bớt tiềm năng cho quả tái sinh của ác nghiệp vô gián (giết cha), thay vì phải tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, thì tái sinh kiếp kế tiếp trong địa ngục nhỏ nồi đồng sôi Lohakumbhī, chịu khổ trong địa ngục nhỏ nồi đồng sôi suốt 60.000 năm.

Đức Phật dạy rằng:

Sau khi Đức vua Ajātasattu băng hà, ác nghiệp vô gián (giết cha) cho quả tái sinh trong địa ngục nồi đồng sôi từ miệng nồi chìm xuống đến đáy nồi suốt 30.000 năm, rồi từ đáy nồi nổi lên đến miệng nồi suốt 30.000 năm, mới mãn quả của ác nghiệp vô gián ấy. Do nhờ thiện nghiệp cho quả tái sinh trở lại làm người, hậu kiếp của Đức vua Ajātasattu xuất gia sẽ trở thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu: Đức Phật Độc Giác Vijitāvī”.

Như vậy, ác nghiệp vô gián tuy là trọng tội chắc chắn sẽ cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, mà không có nghiệp nào có khả năng ngăn cản được, nhưng còn có thời gian mãn hạn quả của ác nghiệp vô gián ấy, rồi thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm người, mọi thiện nghiệp lại có thể phát triển không có gì làm trở ngại.

Còn ác nghiệp tà kiến cố định cũng chắc chắn sẽ cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, nhưng khó có thời gian mãn hạn quả của ác nghiệp tà kiến cố định ấy.

Do đó, ác nghiệp tà kiến cố định nặng hơn 5 ác nghiệp vô gián.

Thật vậy, trường hợp tiền kiếp của Ngài Đại đức Mahā-moggallāna là người con trai duy nhất chí hiếu đối với cha mẹ bị mù đôi mắt. Hằng ngày, sáng sớm người con lo cơm nước cho cha mẹ ăn, giặt giũ quần áo,... xong mọi công việc trong nhà, rồi mới đi ra ngoài lo công việc đồng áng. Chiều về, người con lo tắm rửa cho cha mẹ,... Cha mẹ thấy con vất vả như vậy, nên muốn tìm cho con một người vợ để lo giúp đỡ công việc trong nhà, nhưng người con trai một mực từ chối. Cha mẹ cứ khuyên dạy như vậy nhiều lần, nếu không vâng lời cha mẹ, thì sợ cha mẹ sẽ buồn, cho nên bất đắc dĩ, người con phải chịu lấy vợ cho cha mẹ vui. Người vợ lo phục vụ cho cha mẹ chồng được một thời gian ngắn, sau đó, nàng bịa đặt chuyện nói xấu cha mẹ chồng.

Người vợ than vãn với người chồng rằng:

- Em chịu đựng không nổi với cha mẹ anh. Em không thể sống chung cùng với cha mẹ của anh được nữa....

Mặc dù người chồng khuyên lơn, năn nỉ vợ, nhưng người vợ vẫn khăng khăng cự tuyệt không chịu sống chung với cha mẹ của mình. Đế chiều theo ý vợ, người con thưa với cha mẹ rằng:

- Thưa cha mẹ, từ lâu rồi, cha mẹ chưa đi thăm người bà con ở xóm bên kia, xin cha mẹ lên ngồi trên chiếc xe bò, con sẽ đưa cha mẹ đến thăm người bà con ấy.

Hai ông bà mù tin lời của người con lên xe, người con đưa cha mẹ đến khu rừng, rồi thưa với cha mẹ rằng:

- Thưa cha mẹ, khoảng khu rừng này thường có nhiều bọn cướp đón đường cướp của giết người, xin cha mẹ ngồi trên xe để con xuống đi thăm dò đường.

Người con xuống xe, một lát sau quay trở lại giả làm bọn cướp đến đánh đập cha mẹ già mù đến chết, rồi bỏ xác ở trong rừng.

Người con phạm ác nghiệp vô gián giết cha, giết mẹ. Sau khi người con chết, ác nghiệp vô gián giết cha, giết mẹ ấy cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci chịu khổ bị thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất trong địa ngục ấy.

Đến thời gian mãn quả của ác nghiệp vô gián ấy, do nhờ thiện nghiệp đã được tạo trong những kiếp quá khứ cho quả tái sinh trở lại làm người. Người ấy đã tạo mọi thiện nghiệp nhất là 10 pháp hạnh ba-la-mật, cho nên hậu kiếp của người con trai giết cha, giết mẹ trong kiếp quá khứ ấy, nay là tu sĩ ngoại đạo Kolita, sau đó xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, có tên gọi theo dòng dõi là Ngài Đại đức Mahāmoggallāna. Ngài thực hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích, đặc biệt chứng đắc Lục thông. Đức Phật tuyên dương: “Ngài Đại đức Mahāmoggallāna là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn của Đức Phật xuất sắc nhất về thần thông trong hàng Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật”.

Nhận xét về tích Tỳ khưu Devadatta và tích Đức vua Ajātasattu

Tỳ khưu Devadatta và Đức vua Ajātasattu đều đã tạo ác nghiệp vô gián giống nhau, nhưng sau khi mỗi người chết, do nhân nào mà ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh kiếp kế tiếp nhưng trong cõi địa ngục khác nhau?

* Tỳ khưu Devadatta

Tỳ khưu Devadatta đã tạo 2 ác nghiệp vô gián: Ác nghiệp vô gián chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng ác nghiệp vô gián làm bầm máu bàn chân của Đức Phật. Đó là 2 loại ác nghiệp vô gián nặng thứ nhất và thứ nhì. Đến khi bị lâm bệnh nặng gần chết, Tỳ khưu Devadatta mới biết ăn năn hối lỗi, muốn đến hầu Đức Thế Tôn, thành tâm sám hối tội lỗi của mình trước khi chết.

Tỳ khưu Devadatta nằm trên chiếc giường, nhờ nhóm đệ tử khiêng đến ngôi chùa Jetavana. Nhóm đệ tử đặt chiếc giường xuống gần hồ nước để tắm rửa Tỳ khưu Devadatta cho sạch sẽ trước khi vào hầu Đức Thế Tôn. Tỳ khưu Devadatta vừa đặt hai bàn chân xuống mặt đất, thì mặt đất nứt ra làm 2 phun ngọn lửa lên hút Tỳ khưu Devadatta vào trong lòng đất. Khi ấy, Tỳ khưu Devadatta còn kịp thốt lên một bài kệ rằng:

Imehi aṭṭhīhi tamaggapuggalaṃ,

Devātidevaṃ naradammasārathiṃ.

Samantacakkhuṃ satapuññalakkhanaṃ,

Pāṇehi Buddhaṃ saraṇaṃ upemi

Phút cuối cùng con hết lòng thành kính,

Xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật,

Là Bậc Vô Thượng nhất trong nhân loại,

Bậc Phạm thiên cao nhất trong Phạm thiên,

Bậc Vô Thượng giáo hóa mọi chúng sinh,

Bậc có tuệ nhãn toàn tri tuyệt vời,

Bậc có đầy đủ hằng trăm phước tướng.

Con thành kính cúng dường bằng sinh mạng,

Bằng bộ xương gầy còn lại của con.

Thốt xong bài kệ tán dương Đức Phật với tấm lòng tôn kính sâu sắc và xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật xong, cùng lúc ấy Tỳ khưu Devadatta bị hút sâu vào lòng đất.

Do nhờ thiện tâm trong sạch xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật trong lúc lâm chung ấy, tuy ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci chịu khổ suốt thời gian lâu 100 ngàn đại kiếp trái đất, nhưng sau khi mãn hạn quả của ác nghiệp vô gián ấy; trong thời vị lai, nhờ thiện nghiệp ba-la-mật đã từng tích lũy trải qua 2 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trong những kiếp quá khứ sẽ làm phận sự tái sinh làm người, sẽ chứng đắc thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu là Đức Phật Độc Giác Aṭṭhissara rồi tịch diệt Niết Bàn (Đức Phật Gotama thọ ký).

* Đức vua Ajātasattu

Trong 5 ác nghiệp vô gián, Đức vua Ajātasattu đã tạo ác nghiệp vô gián giết Phụ hoàng (Đức vua Bimbisāra là bậc Thánh Nhập Lưu), đó là ác nghiệp vô gián nặng thứ năm.

Khi nghe tin Tỳ khưu Devadatta bị đất hút chết, Đức vua Ajātasattu kinh hãi vô cùng, biết ăn năn hối lỗi, ngự đến hầu đảnh lễ Đức Phật, xin thành tâm sám hối những tội lỗi lớn lao của mình. Đức Phật chứng minh, rồi Ngài thuyết pháp tế độ Đức vua Ajātasattu. Nhưng vì ác nghiệp vô gián ngăn cản, nên Đức vua không thể chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, mà chỉ phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, Đức vua xin thọ phép quy y Tam Bảo trở thành người cận sự nam trong giáo pháp của Đức Phật, phụng sự hộ trì Tam Bảo cho đến trọn đời.

Đức vua Ajātasattu đã hộ độ 500 vị Thánh Arahán trong kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải lần thứ nhất, sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, do Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa chủ trì, tại động Sattapaṇṇi gần kinh thành Rājagaha xứ Magadha, suốt 7 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam Tạng và Chú giải. Đó là phần phước thiện thanh cao của Đức vua.

Đức vua Ajātasattu là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, hết lòng phụng sự hộ độ Tam Bảo cho đến trọn đời. Sau khi Đức vua Ajātasattu băng hà, đáng lẽ ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, nhưng nhờ thiện nghiệp làm giảm bớt tiềm năng cho quả của ác nghiệp vô gián ấy, nên cho quả tái sinh trong cõi địa ngục có tên là Lohakumbhī (địa ngục nồi đồng sôi), phải chịu quả khổ trong khoảng thời gian 60.000 năm. Sau khi mãn quả của ác nghiệp vô gián ấy, do nhờ thiện nghiệp ba-la-mật đã tích lũy từ vô số kiếp quá khứ, cho quả tái sinh lại làm người. Hậu kiếp của Đức vua Ajātasattu sẽ xuất gia, trở thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu là Đức Phật Độc Giác Vijitāvī rồi tịch diệt Niết Bàn.

Như vậy, Tỳ khưu DevadattaĐức vua Ajātasattu cùng tạo ác nghiệp vô gián, nhưng tính chất ác nghiệp vô gián của mỗi người khác nhau, và thời gian biết ăn năn hối lỗi, sám hối tội lỗi khác nhau, cho nên ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi địa ngục khác nhau.

Điều chúng ta nên suy ngẫm về Tỳ khưu Devadatta và Đức vua Ajātasattu, hai vị vốn là người đã từng tích lũy 20 pháp hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp quá khứ. Ngay kiếp hiện tại, từ khi tái sinh Tỳ khưu Devadatta là hạng người có tam nhân (vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ)), bởi vì Tỳ khưu Devadatta đã chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, (bậc thiền vô sắc), chứng đắc thần thông.

Đức vua Ajātasattu vốn là hạng người có tam nhân (vô tham, vô sân, vô si (trí tuệ)) có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Nhân trong kiếp hiện tại, nhưng cũng không chứng đắc thành bậc Thánh Nhân, bởi vì Đức vua đã tạo ác nghiệp vô gián làm ngăn cản Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.

Những người vốn có trí tuệ như vậy, nhưng họ vẫn bị phiền não chi phối, sai khiến tạo ác nghiệp như vậy.

Tỳ khưu Devadatta và Đức vua Ajātasattu sau khi chết, ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi địa ngục. Trong thời gian này, tuy họ vẫn còn phải chịu quả khổ trong cõi địa ngục, nhưng họ đã được Đức Phật thọ ký xác định thời gian còn lại hậu kiếp của họ trong kiếp vị lai, sẽ trở thành Đức Phật Độc Giác rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Đó là điều chắc chắn.

Còn những hạng phàm nhân như mỗi người trong chúng ta, trong vòng tử sinh luân hồi từ vô thủy không biết, và kiếp cuối cùng cũng chưa biết được.

Vậy có ai dám chắc rằng: “Mình sẽ là người không có ác nghiệp tà kiến cố định, hoặc không tạo ác nghiệp vô gián trong những kiếp vị lai hay không???

Đó là điều nên suy ngẫm!

Vấn: Nếu một người có ác nghiệp tà kiến cố định và đã tạo đủ 5 ác nghiệp vô gián, thì ác nghiệp nào sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci?

Đáp: Nếu một người có ác nghiệp tà kiến cố định và đã tạo đủ 5 ác nghiệp vô gián, thì chỉ có ác nghiệp tà kiến cố định mới có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi. Bởi vì, ác nghiệp tà kiến cố định nặng hơn 5 ác nghiệp vô gián. Tuy 5 ác nghiệp vô gián không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, nhưng 5 ác nghiệp vô gián trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp tà kiến cố định nặng thêm gấp bội phần.

Vấn: Nếu một người đã phạm đủ 5 ác nghiệp vô gián, thì ác nghiệp nào sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci?

Đáp: Nếu một người đã phạm đủ 5 ác nghiệp vô gián, thì chắc chắn ác nghiệp chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci. Còn lại 4 ác nghiệp vô gián trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng càng nặng thêm.

* Trường hợp phạm 4 ác nghiệp vô gián: Làm bầm máu bàn chân của Đức Phật, giết bậc Thánh Arahán, giết mẹ, giết cha, thì chắc chắn ác nghiệp làm bầm máu bàn chân của Đức Phật sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci. Còn lại 3 ác nghiệp vô gián trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp làm bầm máu bàn chân của Đức Phật càng nặng thêm.

* Trường hợp phạm 3 ác nghiệp vô gián: Giết bậc Thánh Arahán, giết mẹ, giết cha, thì chắc chắn ác nghiệp giết bậc Thánh Arahán sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci. Còn lại 2 ác nghiệp vô gián trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp giết bậc Thánh Arahán càng nặng thêm.

* Trường hợp phạm 2 ác nghiệp vô gián: Giết mẹ, giết cha.

- Nếu người mẹ có giới đức, còn người cha không có giới đức, thì chắc chắn ác nghiệp giết mẹ sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci. Còn ác nghiệp vô gián giết cha trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp giết mẹ càng nặng thêm.

- Nếu người cha có giới đức, còn người mẹ không có giới đức, thì chắc chắn ác nghiệp giết cha sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci. Còn ác nghiệp vô gián giết mẹ trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp giết cha càng nặng thêm.

- Nếu cả người cha lẫn người mẹ đều có giới đức, hoặc cả người cha lẫn người mẹ đều không có giới đức, thì ác nghiệp vô gián giết mẹ sẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci. Còn ác nghiệp vô gián giết cha trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho quả của ác nghiệp giết mẹ càng nặng thêm.

Vấn: Tại sao ác nghiệp tà kiến cố định có tội nặng hơn 5 ác nghiệp vô gián?

Đáp: Ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhikamma) có tội nặng hơn 5 ác nghiệp vô gián (pañcānantariya-kamma) là vì người có tà kiến cố định là người hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp. Họ không tin rằng:

* Những thiện nghiệp có khả năng cho quả an lạc trong kiếp hiện tại và nếu có cơ hội thì thiện nghiệp sẽ cho quả tái sinh những kiếp sau trong các cõi thiện dục giới: Cõi người, các cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới. Nếu Siêu tam giới thiện nghiệp đó là 4 Thánh Đạo thì cho 4 Thánh Quả tương ứng không có thời gian ngăn khoảng cách, cùng trong Thánh Quả lộ trình tâm (Maggavīthicitta).

* Những bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả khổ trong kiếp hiện tại và nếu có cơ hội thì bất thiện nghiệp sẽ cho quả tái sinh những kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

Do không tin nghiệp và quả của nghiệp, nên họ có thể làm mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp). Khi đã tạo ác nghiệp xong, họ không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi, không biết ăn năn sám hối tội lỗi của mình. Cho nên, họ vẫn tiếp tục tạo mọi ác nghiệp. Còn người đã tạo ác nghiệp vô gián do năng lực phiền não, về sau họ biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, biết ăn năn sám hối tội lỗi của mình. Bởi vì, họ có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, nên họ cố gắng tạo mọi dục giới đại thiện nghiệp cho đến hết tuổi thọ. Người ấy sau khi chết, tuy ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục, nhưng nhờ thiện nghiệp kìm hãm, làm suy giảm tiềm năng cho quả của ác nghiệp ấy.

1.2 Thiện Nghiệp Trọng Yếu

Thiện nghiệp trọng yếu có 2 loại:

a- Sắc giới thiện nghiệp có 5 loại.

b- Vô sắc giới thiện nghiệp có 4 loại.

b) Sắc giới thiện nghiệp

Sắc giới thiện nghiệp có 5 loại, đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 sắc giới thiện tâm, mà 5 sắc giới thiện tâm đó là 5 bậc thiền hữu sắc.

* 5 bậc thiền hữu sắc

Đệ nhất thiền hữu sắc có 5 chi thiền là hướng tâm, quan sát, hỷ, lạc định.

Đệ nhị thiền hữu sắc do nhờ diệt được chi thiền hướng tâm, còn lại 4 chi thiền là quan sát, hỷ, lạc định.

Đệ tam thiền hữu sắc do nhờ diệt được chi thiền quan sát, còn lại 3 chi thiền là hỷ, lạc định.

Đệ tứ thiền hữu sắc do nhờ diệt được chi thiền hỷ, còn lại 2 chi thiền là lạc định.

Đệ ngũ thiền hữu sắc do nhờ thay đổi chi thiền lạc bằng chi thiền xả, nên cũng có 2 chi thiền là xả định.

Đó là 5 bậc thiền hữu sắc đối với hành giả thuộc hạng mandapuggala có trí tuệ trung bình. Đối với hành giả thuộc hạng tikkhapuggala có trí tuệ sắc bén, nhanh nhẹn, thiền hữu sắc chỉ có 4 bậc như sau:

* 4 bậc thiền hữu sắc

1. Đệ nhất thiền hữu sắc có 5 chi thiền là hướng tâm, quan sát, hỷ, lạc định.

2. Đệ nhị thiền hữu sắc do nhờ diệt được 2 chi thiền hướng tâm quan sát cùng một lúc, còn lại 3 chi thiền là hỷ, lạc định.

3. Đệ tam thiền hữu sắc do nhờ diệt được chi thiền hỷ, còn lại 2 chi thiền là lạc định.

4. Đệ tứ thiền hữu sắc do nhờ thay đổi chi thiền lạc bằng chi thiền xả, nên cũng có 2 chi thiền là xả định.

Thiền hữu sắc tính theo 5 bậc thiền hoặc tính theo 4 bậc thiền khác nhau ở đệ nhị thiền hữu sắc như sau:

- Đối với hành giả có trí tuệ bậc trung (mandapuggala), thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc có 5 chi thiền là hướng tâm, quan sát, hỷ, lạc định.

Hành giả tiếp tục phát triển thiền định, do nhờ diệt được chi thiền hướng tâm, nên chứng đắc đến đệ nhị thiền hữu sắc, còn 4 chi thiền là quan sát, hỷ, lạc định…

- Đối với hành giả có trí tuệ bậc thượng (tikkhapuggala), thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc có 5 chi thiền là hướng tâm, quan sát, hỷ, lạc định giống như hành giả có trí tuệ bậc trung. Nhưng hành giả tiếp tục thiền định, do nhờ diệt được 2 chi thiền hướng tâm quan sát cùng một lúc, nên chứng đắc đệ nhị thiền hữu sắc, còn lại 3 chi thiền là hỷ, lạcđịnh

Do đó, thiền hữu sắc tính 5 bậc thiền hữu sắc hoặc tính 4 bậc thiền hữu sắc như vậy.

* Quả của 5 hoặc 4 sắc giới thiện nghiệp:

5 bậc thiền hữu sắc thiện tâm đó là 5 sắc giới thiện tâm có quả là 5 sắc giới quả tâm.

Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền hữu sắc thiện tâm, từ đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm; và có khả năng giữ gìn và duy trì đủ 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy cho đến lúc lâm chung. Sau khi hành giả chết, thì chỉ có đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới đệ tứ thiền, có 7 cõi, tùy theo hạng người và tùy theo năng lực của đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm ấy như sau:

- Nếu hành giả là hạng phàm nhân, bậc Thánh Nhập Lưu và bậc Thánh Nhất Lai, thì đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên, có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất.

- Nếu hành giả là hạng phàm nhân, khi chứng đắc đến đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm do năng lực tâm nhàm chán danh uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn); sau khi hành giả chết, thì đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm không làm phận sự cho quả tái sinh kiếp kế tiếp mà sắc pháp gọi là jīvitanavakakalāpa (nhóm sắc pháp có sắc mạng chủ là thứ 9) làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới Vô Tưởng Thiên. Vị Phạm thiên này chỉ có nhất uẩnsắc uẩn mà thôi, không có 4 danh uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn), có tuổi thọ cũng 500 đại kiếp trái đất.

- Nếu hành giả là bậc Thánh Bất Lai chứng đắc các bậc thiền hữu sắc thiện tâm, từ đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm; thì chỉ có đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên, có 5 cõi tùy theo năng lực của 5 pháp chủ (tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ) từ thấp đến cao như sau:

Tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi Vô Phiền Thiên do năng lực của tín pháp chủ, có tuổi thọ 1.000 đại kiếp.

Tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi Vô Nhiệt Thiên do năng lực của tấn pháp chủ, có tuổi thọ 2.000 đại kiếp.

Tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi Thiện Hiện Thiên do năng lực của niệm pháp chủ, có tuổi thọ 4.000 đại kiếp.

Tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi Thiện Kiến Thiên do năng lực của định pháp chủ, có tuổi thọ 8.000 đại kiếp.

Tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi Sắc Cứu Cánh Thiên do năng lực của tuệ pháp chủ, có tuổi thọ 16.000 đại kiếp.

Như vậy nếu hành giả chứng đắc đủ 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, sau khi hành giả chết, chỉ có đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm cao nhất làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp 1 trong 7 cõi mà thôi. Còn lại 4 bậc thiền sắc giới thiện tâm bậc thấp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền hữu sắc thiện tâm từ đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm cho đến đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm, sau khi hành giả chết, thì chỉ có đệ tứ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới đệ tam thiền, có 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền ấy như sau:

Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Thiểu Tịnh Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc hạ, có tuổi thọ 16 đại kiếp.

Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Vô Lượng Tịnh Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc trung, có tuổi thọ 32 đại kiếp.

Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Biến Tịnh Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc thượng, có tuổi thọ 64 đại kiếp.

Còn lại 3 bậc thiền hữu sắc bậc thấp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền hữu sắc thiện tâm từ đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm, đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm cho đến đệ tam thiền sắc giới thiện tâm, sau khi hành giả chết, thì đệ nhị thiền sắc giới quả tâmđệ tam thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới đệ nhị thiền có 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền ấy như sau:

Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Thiểu Quang Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc hạ, có tuổi thọ 2 đại kiếp.

Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Vô Lượng Quang Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc trung, có tuổi thọ 4 đại kiếp.

Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Quang Âm Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc thượng, có tuổi thọ 8 đại kiếp.

Còn đệ nhất thiền hữu sắc trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm, sau khi hành giả chết, đệ nhất thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời sắc giới đệ nhất thiền có 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền ấy như sau:

Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Phạm Chúng Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc hạ, có tuổi thọ 1/3 a-tăng-kỳ kiếp trụ trái đất.

Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Phạm Phụ Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc trung, có tuổi thọ 1/2 a-tăng-kỳ kiếp trụ trái đất.

Tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng Đại Phạm Thiên do năng lực 5 pháp chủ bậc thượng, có tuổi thọ 1 a-tăng-kỳ kiếp trụ trái đất.

b) Vô sắc giới thiện nghiệp

Vô sắc giới thiện nghiệp có 4 loại, đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 vô sắc giới thiện tâm, mà 4 vô sắc giới thiện tâm là 4 bậc thiền vô sắc:

Trường hợp hành giả thực hành thiền định, sau khi đã chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc xong, rồi tiếp tục thực hành thiền định có khả năng chứng đắc 4 bậc thiền vô sắc tuần tự như sau:

Đệ nhất thiền vô sắc thiện tâm, gọi là không vô biên xứ thiền thiện tâm có 2 chi thiền: Xả định.

Đệ nhị thiền vô sắc thiện tâm, gọi là thức vô biên xứ thiền thiện tâm có 2 chi thiền: Xả định.

Đệ tam thiền vô sắc thiện tâm, gọi là vô sở hữu xứ thiền thiện tâm có 2 chi thiền: Xả định.

Đệ tứ thiền vô sắc thiện tâm, gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm có 2 chi thiền: Xả định.

4 bậc thiền vô sắc thiện tâm này đều có 2 chi thiền xả định giống nhau, nhưng đối tượng của mỗi bậc thiền là hoàn toàn khác nhau.

* Quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp:

Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền vô sắc thiện tâm từ không vô biên xứ thiền thiện tâm cho đến phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm, sau khi hành giả chết, thì chỉ có phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên tột đỉnh, có tuổi thọ lâu dài nhất trong tam giới 84.000 (tám mươi bốn ngàn) đại kiếp trái đất.

Còn lại 3 vô sắc giới thiện nghiệp bậc thấp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền vô sắc thiện tâm từ không vô biên xứ thiền thiện tâm cho đến vô sở hữu xứ thiền thiện tâm, sau khi hành giả chết, thì chỉ có vô sở hữu xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời Vô Sở Hữu Xứ Thiên, có tuổi thọ 60.000 (sáu mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

Còn lại 2 vô sắc giới thiện nghiệp bậc thấp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền vô sắc thiện tâm từ không vô biên xứ thiền thiện tâm cho đến thức vô biên xứ thiền thiện tâm, sau khi hành giả chết, thì chỉ có thức vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời Thức Vô Biên Xứ Thiên, có tuổi thọ 40.000 (bốn mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

Còn lại không vô biên xứ thiền thiện nghiệp trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

Nếu hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc không vô biên xứ thiền thiện tâm, sau khi hành giả chết, thì không vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời Không Vô Biên Xứ Thiên, có tuổi thọ 20.000 (hai mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

Sự khác biệt giữa Ác Nghiệp Trọng Tội với Thiện Nghiệp Trọng Yếu

* Ác nghiệp trọng tội có 2 loại: Ác nghiệp tà kiến cố định ác nghiệp vô gián. Trong 2 loại ác nghiệp trọng tội này, nếu người nào đã tạo 1 hay nhiều ác nghiệp trọng tội này, sau khi người ấy chết, thì chỉ có ác nghiệp trọng tội nặng nhất cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi.

Ác nghiệp trọng tội còn lại trở thành ác nghiệp hỗ trợ (upathambhakakamma) giúp cho quả của ác nghiệp trọng tội càng nặng thêm nữa.

* Thiện nghiệp trọng yếu có 2 loại: 5 sắc giới thiện nghiệp 4 vô sắc giới thiện nghiệp. Trong 2 loại thiện nghiệp trọng yếu này, nếu hành giả nào có khả năng chứng đắc nhiều bậc thiền, sau khi hành giả chết, thì chỉ có thiện nghiệp trọng yếu cao nhất cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong tầng trời phạm thiên cõi sắc giới hoặc cõi vô sắc giới, tương ứng với bậc thiền sở đắc của hành giả mà thôi.

Thiện nghiệp trọng yếu (các bậc thiền bậc thấp) còn lại trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

Đó là sự khác biệt giữa ác nghiệp trọng tội và thiện nghiệp trọng yếu.

Trong 4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả nhất định, nếu không có loại nghiệp trọng yếu (garukakamma), thì loại nghiệp cận tử (āsannakamma) có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

2. Āsannakamma: Nghiệp Cận Tử

Thế nào gọi là nghiệp cận tử?

Nghiệp nào phát sinh lúc gần lâm chung, nghiệp ấy gọi là nghiệp cận tử (āsannakamma) đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) và 8 dục giới đại thiện nghiệp.

* Nghiệp cận tử có 2 loại:

2.1 Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cận tử (akusala āsanna-kamma) đó là 12 bất thiện nghiệp.

2.2 Thiện nghiệp cận tử (kusala āsannakamma) đó là 8 dục giới đại thiện nghiệp.

2.1 Nghiệp cận tử phát sinh lúc gần lâm chung, có 2 trường hợp:

a) Trường hợp thứ nhất: Thiện nghiệp, ác nghiệp tưởng nhớ trong lúc lâm chung

Āsanne anussaritaṃ āsannaṃ: Thiện nghiệp nào hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào mà người bệnh tưởng nhớ trong lúc lâm chung, sau đó không lâu người ấy chết, thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), tùy theo quả của nghiệp ấy.

* Tưởng nhớ đến thiện nghiệp lúc lâm chung:

Một người đã từng tạo thiện nghiệp nào đó trong kiếp hiện tại đã từ lâu không còn nhớ nữa, nhưng đến lúc lâm chung, tự mình hồi tưởng đến phước thiện ấy, hoặc có người thân bên cạnh nhắc nhở để nhớ đến phước thiện ấy. Phước thiện ấy gọi là thiện nghiệp được hồi tưởng lại lúc lâm chung. Sau đó người bệnh ấy chết, chính thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người hoặc cõi trời dục giới) hưởng mọi sự an lạc trong cõi ấy cho đến hết tuổi thọ.

Ví dụ:

Ông A đã từng cùng chung với các thí chủ khác làm phước thiện lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng tại một ngôi chùa. Thời gian đã trải qua nhiều năm, ông A không còn nhớ đến phước thiện lễ dâng y kathina ấy nữa.

Nghe tin ông A đang lâm bệnh nặng trầm trọng, ông B vốn là người bạn thân thiết đến thăm ông A. cũng là người đã cùng chung với ông A làm phước thiện lễ dâng y kathina năm xưa. Nhân dịp này, ông B nhắc lại cho ông A nhớ lại phước thiện lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng năm xưa tại ngôi chùa ấy.

Lắng nghe ông B nhắc đến phước thiện ấy, ông A liền phát sinh thiện tâm hồi tưởng lại phước thiện của buổi lễ dâng y kathina ấy, nên phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ trong phước thiện ấy. Sau đó không lâu ông A từ trần. Sau khi chết, chính thiện nghiệp mà ông A hồi tưởng lại lúc lâm chung ấy có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.

Đó là tưởng nhớ thiện nghiệp lúc lâm chung.

* Tưởng nhớ đến ác nghiệp lúc lâm chung:

Ví dụ: Vị Tỳ khưu trẻ trong thời kỳ Đức Phật Kassapa, một hôm đi thuyền trên dòng sông Gangā, nước chảy xiết, vị Tỳ khưu trẻ nắm lấy lá sả làm đứt lá sả bên bờ sông (nếu phạm giới thì chỉ phạm giới nhẹ thôi). Sau đó vị Tỳ khưu trẻ không có cơ hội gặp một vị Tỳ khưu khác để sám hối āpatti. Về sau, vị Tỳ khưu trẻ không còn nhớ đến việc làm đứt lá sả ấy nữa.

Suốt cuộc đời xuất gia hành phạm hạnh của vị Tỳ khưu ấy, thời gian trải qua 20.000 (hai mươi ngàn) năm, trong thời kỳ Đức Phật Kassapa. Đến lúc lâm chung, hiện tượng hình ảnh lá sả hiện ra trong tâm, vị Tỳ khưu hồi tưởng lại thời kỳ quá khứ xa xưa ấy đã từng làm đứt lá sả mà chưa có cơ hội sám hối āpatti. Ngay lúc đó, muốn sám hối āpatti ấy, nhưng không có vị Tỳ khưu nào tại đó. Cho nên vị Tỳ khưu ăn năn về lỗi của mình, tự cho mình giới không trong sạch. Do đó, sau khi tịch, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh làm Long vương có tên là Erakapattanāgarājā: Long vương Erakapatta (lá sả), từ thời kỳ Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, vẫn chưa thoát khỏi kiếp Long vương.

Đó là tưởng nhớ ác nghiệp lúc lâm chung.

b) Trường hợp thứ nhì: Thiện nghiệp, ác nghiệp được tạo trong lúc lâm chung

Āsanne kataṃ āsannaṃ: Thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào mà người bệnh tạo trong lúc lâm chung, thì thiện nghiệp hoặc ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, tùy theo quả của nghiệp ấy.

* Thiện nghiệp được tạo trong lúc lâm chung:

Ví dụ:

Tích sư phụ của Ngài Đại đức Soṇa

Ngài Đại đức Soṇa ở tại ngôi chùa Acelavihāra dưới chân núi Soṇagiri. Thân phụ của Ngài hành nghề săn bắn thú rừng để nuôi mạng. Ngài đã khuyên thân phụ từ bỏ nghề săn bắn thú rừng, rồi hành nghề lương thiện khác nuôi mạng, nhưng thân phụ của Ngài đã quen với nghề này vả lại không biết nghề khác, cho nên ông vẫn tiếp tục hành nghề ấy. Đến lúc tuổi già sức yếu, thân phụ của Ngài không thể hành nghề săn bắn thú rừng được nữa. Ngài Đại đức Soṇa khuyên thân phụ xuất gia trở thành Tỳ khưu. Sau khi trở thành Tỳ khưu, sư phụ của Ngài vì tuổi già sức yếu, khi thực hành thiền định, hoặc thực hành thiền tuệ, tâm vẫn chưa được ổn định.

Khi bị lâm bệnh nặng trầm trọng, trước lúc lâm chung, sư phụ của Ngài thấy những hiện tượng ác nghiệp sát sinh trong thời quá khứ hiện ra trong tâm, làm cho sư phụ của Ngài kinh hoảng kêu la, nhờ Ngài Đại đức Soṇa xua đuổi.

Ngài Đại đức Soṇa nghĩ rằng: “Nếu sư phụ tịch (chết) trong lúc này, chắc chắn ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì khó tránh khỏi tái sinh trong cõi địa ngục, ta phải tìm cách hóa giải đối tượng xấu của ác nghiệp ấy”.

Ngài Đại đức Soṇa bảo vị Sadi đem lại cho Ngài một ít cành hoa, và nhờ người khiêng chiếc gường sư phụ của Ngài nằm đem lên đặt trên nền ngôi Bảo Tháp, rồi Ngài trao những cành hoa để cho sư phụ cúng dường đến ngôi Bảo Tháp, và xin sư phụ đem hết lòng thành kính bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, đây là những cành hoa, lễ vật mọn của con, con đem hết lòng thành kính dâng lên Đức Thế Tôn.

Xin sư phụ phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn, nơi Đức Pháp và nơi Đức Tăng, Tam Bảo.

Sư phụ đã làm theo sự hướng dẫn của Ngài. Thật phi thường! Ngay khi ấy, đối tượng xấu của ác nghiệp kia biến mất, thay bằng đối tượng những cảnh đẹp ở trên cõi trời, lâu đài nguy nga, những thiên nữ hiện ra hầu hạ sư phụ của Ngài.

Sư phụ của Ngài cảm thấy vô cùng hoan hỷ thốt lên rằng:

- Các cô thiên nữ đã đến rồi!

Nghe vậy, Ngài Đại đức Soṇa nghĩ rằng: “Cõi trời dục giới đã hiện ra với sư phụ rồi”.

Sau khi sư phụ của Ngài tịch, nhờ thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh làm vị thiên nam trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ ở nơi ấy.

Đó là thiện nghiệp được tạo lúc lâm chung.

* Ác nghiệp được tạo lúc lâm chung:

Ví dụ:

Ông A đã thù hận ông B từ lâu. Một hôm, ông A gặp ông B, hai người cãi lộn, gây gỗ lẫn nhau. Ông A tức giận đánh ông B, ông B lấy dao đâm ông A bị thương nặng rồi chết. Sau khi ông A chết, ác nghiệp thù hận có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, cho đến lúc mãn quả của ác nghiệp ấy.

Đó là ác nghiệp thù hận được tạo trong lúc lâm chung.

Hoặc những người đang uống rượu, các chất say, hoặc đang say mê trong sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc thỏa thích… với tâm tham. Ngay khi ấy bị xảy ra tai nạn rồi chết đột ngột. Sau khi chết, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, cho đến lúc mãn quả của ác nghiệp ấy.

Đó là ác nghiệp tham được tạo trong lúc lâm chung.

Hoặc người có tà kiến, khi người ấy bị lâm bệnh nặng trầm trọng, sai bảo người khác giết gà, giết heo… cúng thần để cho mau khỏi bệnh, nhưng chẳng may, người bệnh đến thời kỳ hết tuổi thọ hoặc mãn thiện nghiệp hỗ trợ nên phải chết. Trước lúc chết người ấy có tà kiến, dị đoan mê tín đã tạo ác nghiệp sát sinh, cho nên sau khi chết, ác nghiệp tà kiến ấy có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ của ác nghiệp ấy.

Đó là ác nghiệp tà kiến được tạo trong lúc lâm chung.

Trong 4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả nhất định, nếu không có loại nghiệp trọng yếu (garukakamma) và cũng không có loại nghiệp cận tử (āsannakamma) thì loại nghiệp thường hành (āciṇṇakamma) có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

 3. Āciṇṇakamma: Nghiệp Thường Hành

Thế nào gọi là nghiệp thường hành?

Ācīyati punappunaṃ karīyatīti āciṇṇaṃ: Nghiệp nào mà người luôn luôn hành, thường được tích lũy hoài hoài, nghiệp ấy được gọi là nghiệp thường hành, đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp), và 8 dục giới đại thiện nghiệp.

* Nghiệp thường hành có 2 loại:

3.1 Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) thường hành (akusala āciṇṇakamma), đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

3.2 Thiện nghiệp thường hành (kusala āciṇṇakamma), đó là 8 dục giới đại thiện nghiệp.

3.1 Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) thường hành

Người thường tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) bằng thân, bằng khẩu, bằng ý hằng ngày để nuôi mạng hoặc không phải để nuôi mạng, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy gọi là bất thiện nghiệp (ác nghiệp) thường hành.

Ví dụ: Người dân chài làm nghề đánh cá, người làm nghề giết gà, giết vịt, giết heo, giết bò… để bán thịt; người làm nghề buôn bán rượu và các chất say v.v… là những người thường tạo bất thiện nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

Đó là ác nghiệp thường hành.

Hay một trường hợp đặc biệt khác:

Một người đã tạo bất thiện nghiệp nào đó, tuy chỉ có một lần, nhưng ác nghiệp cứ ám ảnh trong tâm của người ấy, luôn luôn làm cho tâm ân hận, nóng nảy, khổ tâm, khổ thân.

Đó cũng là ác nghiệp thường hành.

Nếu một người không có ác nghiệp trọng tội, cũng không có ác nghiệp cận tử trong lúc lâm chung, sau khi người ấy chết, thì chắc chắn ác nghiệp thường hành có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy.

3.2 Thiện nghiệp thường hành

Người cận sự nam, người cận sự nữ là những người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, nên thường hay làm phước thiện bố thí đến những người khác, thường hay làm phước thiện cúng dường những thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu, Sadi… Họ là những người giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, là những người thường hay thực hành pháp hành thiền định, thực hành pháp hành thiền tuệ, vẫn còn thuộc về dục giới đại thiện nghiệp, và hoan hỷ tạo mọi thiện nghiệp khác.

Vị Sadi giữ gìn mọi giới của Sadi được trong sạch và trọn vẹn, thực hành đầy đủ 14 pháp hành, thường hay thực hành pháp hành thiền định, thực hành pháp hành thiền tuệ, vẫn còn thuộc về dục giới đại thiện nghiệp.

Vị Tỳ khưu giữ gìn mọi giới của Tỳ khưu được trong sạch và trọn vẹn, thực hành 14 pháp hành, thực hành pháp hành thiền định, thực hành pháp hành thiền tuệ, vẫn còn thuộc về dục giới đại thiện nghiệp.

Đó là thiện nghiệp thường hành.

Hay một trường hợp đặc biệt khác:

Một người đã tạo thiện nghiệp nào đó, tuy chỉ có một lần, nhưng đặc biệt ghi nhớ không quên thiện nghiệp ấy, cứ mỗi lần niệm tưởng đến thiện nghiệp ấy thì thiện tâm phát sinh và tăng trưởng nhiều, thiện tâm cảm thấy vô cùng hoan hỷ nơi thiện nghiệp ấy.

Đó cũng là thiện nghiệp thường hành.

Nếu một người không có thiện nghiệp trọng yếu và không có thiện nghiệp cận tử trong lúc lâm chung, sau khi người ấy chết, thì chắc chắn thiện nghiệp thường hành có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới) hưởng được quả an lạc của thiện nghiệp ấy cho đến mãn quả của thiện nghiệp ấy.

Trong 4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả nhất định, nếu không có loại nghiệp trọng yếu (garukakamma), cũng không có loại nghiệp cận tử (āsannakamma), và cũng không có loại nghiệp thường hành (āciṇṇakamma), thì nghiệp loại thường (kaṭattākamma) có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

Nhận xét về nghiệp cận tử và nghiệp thường hành

Nếu xét về năng lực của nghiệp thì nghiệp cận tử không thể có nhiều năng lực hơn nghiệp thường hành, bởi vì nghiệp cận tử được phát sinh trong khoảng thời gian ngắn ngủi lúc lâm chung, còn nghiệp thường hành đã được tạo và được tích lũy trong khoảng thời gian lâu dài trong kiếp hiện tại. Do đó, nghiệp thường hành có nhiều năng lực hơn nghiệp cận tử.

Tuy nghiệp cận tử có ít năng lực hơn nghiệp thường hành, nhưng nếu nghiệp cận tử này phát sinh lúc lâm chung có khả năng đem lại 1 trong 3 hiện tượng là nghiệp (kamma) hoặc hiện tượng của nghiệp (kammanimitta) hoặc hiện tượng cảnh giới tái sinh (gatinimitta) làm đối tượng trong lộ trình tâm cận tử (maraṇāsannavīthicitta) thì nghiệp cận tử này có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

Ví dụ: Trong chuồng bò, nếu có con bò yếu đứng gần cổng chuồng, người chăn bò mở cổng chuồng, thì con bò yếu đi ra cổng trước các con bò lực lưỡng khác. Cũng như vậy, nghiệp cận tử tuy có ít năng lực hơn nghiệp thường hành nhưng nghiệp cận tử được phát sinh trong lúc sắp lâm chung, cho nên, sau khi chết, nghiệp cận tử có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

Do đó, trong bộ Abhidhammasaṅgaha: Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa, giải về nghiệp theo tuần tự cho quả, Ngài Đại Trưởng Lão Anuruddha sắp đặt nghiệp cận tử trước, nghiệp thường hành sau.

4. Kaṭattākamma: Nghiệp Loại Thường

Thế nào gọi là nghiệp loại thường?

Kaṭattā eva kammanti kaṭattākammaṃ: Nghiệp nào mà người chỉ tạo một cách cho có tạo mà thôi, không quan tâm, không chú ý nhiều trong việc ấy, nghiệp ấy không thuộc về 3 loại nghiệp trên gọi là nghiệp loại thường (kaṭattākamma), đó là 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp), và 8 dục giới đại thiện nghiệp.

Nghiệp loại thường gồm tất cả những bất thiện nghiệp (ác nghiệp), thiện nghiệp nào mà người đã tạo nghiệp ấy có ít năng lực nên không thuộc về loại nghiệp trọng yếu, cũng không phải phát sinh lúc lâm chung nên không thuộc về loại nghiệp cận tử, cũng không phải nghiệp được tạo nhiều lần thành thói quen nên không thuộc về loại nghiệp thường hành.

Trong kiếp hiện tại, nghiệp loại thường này không thuộc về 3 loại nghiệp trên. Sau khi chết, nếu trường hợp không có 3 loại nghiệp trên, thì nghiệp loại thường này mới có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

Trong những kiếp quá khứ, nghiệp loại thường này chính là bất thiện nghiệp, thiện nghiệp đã từng tích lũy trong nhiều đời nhiều kiếp. Cho nên, tất cả chúng sinh đều có nghiệp loại thường này.

Ví dụ:

Những thai nhi bị chết trong bụng mẹ, những đứa trẻ sơ sinh vừa mới sinh ra đời rồi bị chết, những đứa bé còn nhỏ dại chưa biết gì rồi bị chết v.v…, trong kiếp hiện tại, những thai nhi, trẻ sơ sinh v.v… chưa tạo nên bất thiện nghiệp, thiện nghiệp, cho nên, sau khi chết, nghiệp loại thường này mới có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi nào, thuộc chúng sinh loại nào, hoàn toàn tùy thuộc vào quả của nghiệp loại thường này.

Hoặc vị Phạm thiêncõi trời sắc giới vô tưởng, sau khi hết tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất, rồi phải tái sinh kiếp sau với kusala kaṭattākamma (thiện nghiệp loại thường) mà đã tích lũy nhiều kiếp trong quá khứ, kể từ tiền kiếp thứ ba trở về trước. Bởi vì, vị Phạm thiên ở cõi trời sắc giới vô tưởng thuộc về loại chúng sinh chỉ có nhất uẩnsắc uẩn mà thôi (không có 4 danh uẩn). Như vậy, kiếp hiện tại, vị Phạm thiên ở cõi trời sắc giới vô tưởng không có tâm, cho nên hoàn toàn không tạo nên thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, chỉ hưởng quả của đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp mà thôi. Và tiền kiếp thứ nhì về trước, hành giả thực hành thiền định đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp đã cho quả tái sinh lên cõi trời sắc giới vô tưởng xong rồi, còn lại các bậc thiền sắc giới thiện nghiệp bậc thấp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả, không còn có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau. Do đó, sau khi vị Phạm thiên ấy hết tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất tại cõi trời sắc giới vô tưởng rồi, kusala kaṭattākamma (thiện nghiệp loại thường) mà đã tích lũy từ tiền kiếp thứ 3 trở về trước có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới).

Tính Chất 4 Loại Nghiệp Theo Tuần Tự Cho Quả

4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả:

1. Nghiệp trọng yếu

2. Nghiệp cận tử

3. Nghiệp thường hành

4. Nghiệp loại thường

Mỗi loại nghiệp có bất thiện nghiệpthiện nghiệp.

* 4 loại ác nghiệp theo tuần tự cho quả:

1. Ác nghiệp trọng tội có 2 loại

- 3 ác nghiệp tà kiến cố định

- 5 ác nghiệp vô gián

2. Ác nghiệp cận tử

3. Ác nghiệp thường hành

4. Ác nghiệp loại thường

Trong các loại ác nghiệp này, chỉ có ác nghiệp tà kiến cố định là nặng nhất mà thôi, các ác nghiệp còn lại từ nặng xuống nhẹ giảm dần theo tuần tự.

* Nếu người nào có đủ các ác nghiệp này, thì sau khi người ấy chết, chỉ có ác nghiệp tà kiến cố định có quyền ưu tiên hàng đầu, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ trong cõi địa ngục này lâu dài, khó có thể mãn hạn. Bởi vì, chúng sinh này không tin nghiệp và quả của nghiệp.

* Nếu người nào không có ác nghiệp tà kiến cố định, mà có ác nghiệp vô gián (giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật và chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng), thì sau khi người ấy chết, chỉ có ác nghiệp vô gián ấy có quyền ưu tiên hàng đầu, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt trong cõi đại địa  ngục này lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi đại địa ngục ấy.

* Nếu người nào không có ác nghiệp tà kiến cố định, và cũng không có ác nghiệp vô gián, mà có ác nghiệp cận tử đặc biệt phát sinh trong lúc lâm chung, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp cận tử ấy có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) tùy theo năng lực quả của ác nghiệp ấy, rồi chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác giới ấy.

* Nếu người nào không có ác nghiệp tà kiến cố định, không có ác nghiệp vô gián, cũng không có ác nghiệp cận tử đặc biệt phát sinh trong lúc lâm chung, mà có ác nghiệp thường hành, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp thường hành ấy có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) tùy theo năng lực quả của ác nghiệp ấy, rồi chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác giới ấy.

* Nếu người nào không có ác nghiệp tà kiến cố định, không có ác nghiệp vô gián, không có ác nghiệp cận tử, cũng không có ác nghiệp thường hành, chỉ có ác nghiệp loại thường, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp loại thường ấy mới có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới tùy theo năng lực quả của ác nghiệp ấy, rồi chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác giới ấy.

* Trường hợp thai nhi nằm trong bụng mẹ, trẻ sơ sinh vừa mới ra đời, trẻ con còn nhỏ dại chưa có thể tạo ác nghiệp nào trong kiếp hiện tại; nếu chúng bị chết, thì chỉ có nghiệp loại thường (kaṭattākamma) đã tích lũy từ nhiều kiếp trong quá khứ mới có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau. Nếu ác nghiệp loại thường (akusala kaṭattākamma) cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) tùy theo năng lực quả của ác nghiệp ấy, rồi chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi cõi ác giới ấy.

* 4 loại thiện nghiệp theo tuần tự cho quả:

1. Thiện nghiệp trọng yếu có 2 loại

Vô sắc giới thiện nghiệp

Sắc giới thiện nghiệp

2. Thiện nghiệp cận tử

3. Thiện nghiệp thường hành

4. Thiện nghiệp loại thường

Trong 4 loại thiện nghiệp này, chỉ có thiện nghiệp trọng yếu có năng lực bậc nhất, cho nên, thiện nghiệp trọng yếu này có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trước tiên, 3 thiện nghiệp còn lại có tầm quan trọng giảm dần theo tuần tự.

Thiện nghiệp trọng yếu có 2 loại: 4 vô sắc giới thiện nghiệp 5 sắc giới thiện nghiệp. Trong 2 loại thiện nghiệp này, 4 vô sắc giới thiện nghiệp có nhiều năng lực nhất nên có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trước tiên.

* 4 vô sắc giới thiện nghiệp trong 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm. Nếu hành giả chứng đắc 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm, thì bậc thiền vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện tâm là tột đỉnh. Cho nên, sau khi hành giả chết chỉ có bậc thiền vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện nghiệp có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi trời vô sắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên có tuổi thọ 84.000 đại kiếp trái đất, thời gian lâu dài nhất trong các cõi vô sắc giới.

3 bậc thiền vô sắc thiện nghiệp còn lại trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

* 5 sắc giới thiện nghiệp trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm. Nếu hành giả không chứng đắc 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm, mà chỉ chứng đắc 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, thì đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm là bậc thiền sắc giới cao nhất, có nhiều năng lực nhất. Cho nên, sau khi hành giả chết, chỉ có đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi trời sắc giới đệ tứ thiền có 7 tầng, tùy theo hạng người và tùy theo năng lực của bậc thiền ấy.

* Nếu người nào không có 4 vô sắc giới thiện nghiệp, cũng không có 5 sắc giới thiện nghiệp, mà chỉ có thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung, thì sau khi người ấy chết, chính thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung ấy có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người hoặc cõi trời dục giới) tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy.

* Nếu người nào không có 4 vô sắc giới thiện nghiệp, cũng không có 5 sắc giới thiện nghiệp, cũng không có thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung, mà chỉ có thiện nghiệp thường hành, thì sau khi người ấy chết, chính thiện nghiệp thường hành ấy có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người hoặc cõi trời dục giới) tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy.

* Nếu người nào không có 4 vô sắc giới thiện nghiệp, cũng không có 5 sắc giới thiện nghiệp, cũng không có thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung, cũng không có thiện nghiệp thường hành, mà chỉ có thiện nghiệp loại thường, thì sau khi người ấy chết, chính thiện nghiệp loại thường ấy mới có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người hoặc cõi trời dục giới) tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy.

Như trường hợp thai nhi nằm trong bụng mẹ, trẻ sơ sinh vừa mới ra đời, trẻ con còn nhỏ dại chưa có thể tạo thiện nghiệp nào trong kiếp hiện tại. Nếu chúng bị chết, sau khi chết, thì chỉ có thiện nghiệp loại thường (kaṭattākamma) đã tích lũy từ nhiều kiếp trong quá khứ mới có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người hoặc cõi trời dục giới) tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy.

Và đặc biệt trong cõi trời sắc giới vô tưởng, vị Phạm thiên hết tuổi thọ 500 đại kiếp, sau khi chết, chính thiện nghiệp loại thường này cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc cõi trời dục giới

Đó là 4 loại thiện nghiệp theo tuần tự cho quả căn cứ vào năng lực của thiện nghiệp ấy.

4 nghiệp theo tuần tự cho quả theo bộ Visuddhimagga

và bộ Chú giải Aṅguttaranikāya

Trong bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) và bộ Chú giải Aṅguttaranikāya (Chú giải Kinh Chi Bộ) trình bày sắp đặt về 4 nghiệp theo tuần tự cho quả như sau:

1. Nghiệp trọng yếu (garukakamma)

2. Nghiệp được tạo nhiều lần (bahulakamma)

3. Nghiệp cận tử (āsannakamma)

4. Nghiệp loại thường (kaṭattākamma)

Trong bộ Chú giải Thanh Tịnh Đạo và bộ Chú giải Kinh Chi Bộ có giải thích rằng:

Tuy nghiệp cận tử là nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, nhưng không phải lúc nào cũng có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau được”.

Ví dụ: Trường hợp nghiệp cận tử có ít năng lực quá yếu, không có khả năng đem lại 1 trong 3 hiện tượng: Nghiệp (kamma) hoặc hiện tượng của nghiệp (kammanimitta) hoặc hiện tượng cảnh giới tái sinh (gatinimitta) làm đối tượng trong lộ trình tâm cận tử (maraṇāsannavīthicitta), thì nghiệp cận tử không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau được. Khi ấy nghiệp được tạo nhiều lần (nghiệp thường hành) có nhiều năng lực, có khả năng đem lại 1 trong 3 hiện tượng: Nghiệp (kamma) hoặc hiện tượng của nghiệp (kamma-nimitta) hoặc hiện tượng cảnh giới tái sinh (gatinimitta) làm đối tượng trong lộ trình tâm cận tử (maraṇāsannavīthicitta). Cho nên, sau khi chết, do nghiệp được tạo nhiều lần (nghiệp thường hành) ấy có quyền ưu tiên, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau.

Do đó, Chú giải bộ Thanh Tịnh Đạo và bộ Chú giải Kinh Chi Bộ trình bày, sắp đặt nghiệp được tạo nhiều lần (bahulakamma) tương đương với nghiệp thường hành (āciṇṇa kamma) trước nghiệp cận tử theo tuần tự cho quả của nghiệp.

Tiếp theo


[Ðầu trang][Trở về trang Mục lục][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2008