Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ



Nghiệp và Quả Của Nghiệp

Soạn giả: Tỳ khưu Hộ Pháp


2. Kāmāvacarakusalakamma: Dục giới đại thiện nghiệp

Phần 10 ác nghiệpquả của 10 ác nghiệp đã giải thích xong, tiếp theo giải thích 10 dục giới đại thiện nghiệp và quả của 10 dục giới đại thiện nghiệp.

10 dục giới đại thiện nghiệp

Đức phật dạy:

Cetanā’haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā”.

(Này chư Tỳ khưu, sau khi đã có tác ý, rồi mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Do đó Như Lai dạy “Tác ý gọi là nghiệp).

Vậy tác ý tâm sở (cetanācetasika) gọi là nghiệp (kamma).

Tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm tạo nên 10 thiện nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

10 thiện nghiệp phân loại theo 3 môn:

* Thân thiện nghiệp là thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi thân môn tạo 3 thiện nghiệp bằng thân:

Thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh.

Thiện nghiệp tránh xa sự trộm cắp.

Thiện nghiệp tránh xa sự tà dâm.

3 thân thiện nghiệp này còn gọi 3 thân hành thiện.

* Khẩu thiện nghiệp là thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi khẩu môn tạo 4 thiện nghiệp bằng khẩu:

Thiện nghiệp tránh xa sự nói dối.

Thiện nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ.

Thiện nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

Thiện nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích.

4 khẩu thiện nghiệp này còn gọi 4 khẩu hành thiện.

Ý thiện nghiệp là thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi ý môn (không liên quan đến thân và khẩu) tạo 3 thiện nghiệp bằng ý:

Thiện nghiệp không tham lam của cải của người khác.

Thiện nghiệp không thù hận người khác.

Thiện nghiệp chánh kiến thấy đúng, hiểu đúng theo sự thật chân lý.

3 ý thiện nghiệp này còn gọi 3 ý hành thiện.

10 thiện nghiệp hoặc 10 pháp hành thiện này sinh trong 8 dục giới đại thiện tâm thuộc về dục giới đại thiện nghiệp.

30 loại dục giới đại thiện nghiệp >tính theo 3 thời kỳ tác ý

10 loại dục giới đại thiện nghiệp này nếu tính theo 3 thời kỳ tác ý thiện, thì có 30 loại dục giới đại thiện nghiệp như sau:

- Pubbacetanā: Tác ý thiện phát sinh trước khi tạo 10 thiện nghiệp.

- Muñcacetanā: Tác ý thiện phát sinh trong khi đang tạo 10 thiện nghiệp.

- Aparacetanā: Tác ý thiện phát sinh sau khi đã tạo 10 thiện nghiệp.

Do đó 10 loại dục giới đại thiện nghiệp nhân với 3 thời kỳ thành 30 loại dục giới đại thiện nghiệp hoặc 30 pháp hành thiện.

40 loại dục giới đại thiện nghiệp tính theo 4 hạng người

10 dục giới đại thiện nghiệp này, nếu tính theo 4 hạng người, thì có 40 loại dục giới đại thiện nghiệp như sau:

- Sāhatthikasucarita: Tự mình tạo 10 thiện nghiệp.

>- Āṇattikasucarita>: Sai khiến người khác tạo 10 thiện nghiệp.

- Vaṇṇabhāsanasucarita: Tán dương, ca tụng, khuyến khích tạo 10 thiện nghiệp.

- Samanuññāsucarita: Tâm hài lòng, hoan hỷ phát sinh trong 10 thiện nghiệp.

Do đó 10 loại dục giới đại thiện nghiệp hoặc 10 pháp hành thiện nhân với 4 hạng người thành 40 loại dục giới đại thiện nghiệp hoặc 40 pháp hành thiện.

Chi pháp của 10 dục giới đại thiện nghiệp

*  Chi pháp của 3 thân thiện nghiệp hoặc 3 thân hành thiện:

Sammākammantacetasika: Chánh nghiệp tâm sở.

Sammā-ājīvacetasika: Chánh mạng tâm sở.

*  Chi pháp của 4 khẩu thiện nghiệp hoặc 4 khẩu hành thiện:

Sammāvācācetasika: Chánh ngữ tâm sở.

Sammā-ājīvacetasika: Chánh mạng tâm sở.

* Chi pháp của 3 ý thiện nghiệp hoặc 3 ý hành thiện là:

Chi pháp của ý thiện nghiệp không tham lam hoặc ý hành thiện không tham lam là alobhacetasika: Vô tham tâm sở.

Chi pháp của ý thiện nghiệp không thù hận hoặc ý hành thiện không thù hận là adosacetasika: Vô sân tâm sở.

Chi pháp của ý thiện nghiệp chánh kiến hoặc ý hành thiện chánh kiến là paññācetasika: Trí tuệ tâm sở.

Nguyên nhân gọi thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp

Thân thiện nghiệp có 3 loại thiện nghiệp: Thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh, thiện nghiệp tránh xa sự trộm cắp, thiện nghiệp tránh xa sự tà dâm.

Khẩu thiện nghiệp có 4 loại thiện nghiệp: Thiện nghiệp tránh xa sự nói dối, thiện nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ, thiện nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thiện nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích.

Thật ra, 3 thân thiện nghiệp, 4 khẩu thiện nghiệp này phần nhiều phát sinh trong tâm, mà không liên quan trực tiếp đến thân môn khẩu môn. Bởi vì, 2 loại thiện nghiệp này chỉ cần phát sinh tác ý thiện tâm tránh xa 3 thân ác nghiệp, tránh xa 4 khẩu ác nghiệp mà thôi. Do đó  gọi tên là: 3 thân thiện nghiệp hoặc 3 thân hành thiện; 4 khẩu thiện nghiệp hoặc 4 khẩu hành thiện.

Thân ác nghiệp khác với thân thiện nghiệp như thế nào?

Khẩu ác nghiệp khác với khẩu thiện nghiệp như thế nào?

* Thân ác nghiệp có 3 loại ác nghiệp: Ác nghiệp sát sinh, ác nghiệp trộm cắp, ác nghiệp tà dâm. 3 loại ác nghiệp này phát sinh do nương nhờ phần nhiều nơi thân môn hành động; khác với thân thiện nghiệp có 3 loại thiện nghiệp: Thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh, thiện nghiệp tránh xa sự trộm cắp, thiện nghiệp tránh xa sự tà dâm. 3 loại thiện nghiệp này phát sinh do nương nhờ nơi tâm mà không liên quan trực tiếp đến thân môn.

Đó là điều khác biệt giữa thân ác nghiệpthân thiện nghiệp.

* Khẩu ác nghiệp có 4 loại ác nghiệp: Ác nghiệp nói dối, ác nghiệp nói lời chia rẽ, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), ác nghiệp nói lời vô ích. 4 loại ác nghiệp này phát sinh do nương nhờ phần nhiều nơi khẩu môn nói lời; khác với khẩu thiện nghiệp có 4 loại thiện nghiệp: Thiện nghiệp tránh xa sự nói dối, thiện nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ, thiện nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thiện nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích. 4 loại thiện nghiệp này phát sinh do nương nhờ nơi tâm mà không liên quan trực tiếp đến khẩu môn.

Đó là điều khác biệt giữa khẩu ác nghiệpkhẩu thiện nghiệp.

* Có trường hợp nào thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp liên quan trực tiếp với thân môn hành động, khẩu môn nói lời hay không?

Tuy thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp phát sinh phần nhiều do nương nhờ nơi tâm, nhưng cũng có những trường hợp thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ, liên quan trực tiếp đến thân môn hành động, khẩu môn nói lời trong những trường hợp như sau:

Thân thiện nghiệp có 3 loại thiện nghiệp

- Thân thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh: Một người cận sự nữ tự mình làm đồ ăn. Khi bắt con cá lên làm thịt, con cá còn cử động chưa chết; người cận sự nữ bắt con cá ấy thả xuống sông, hồ.

Đó là thân thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh liên quan trực tiếp đến thân.

Tích tiền kiếp của bà Sujātā, chánh cung Hoàng hậu của Đức vua trời Sakka trị vì trên cõi trời Tam Thập Tam Thiên, sinh làm con cò giữ gìn ngũ giới. Một hôm đi kiếm ăn, con cò nhìn thấy một con cá nằm trên bãi sông, đưa mỏ kẹp con cá thì con cá liền vẫy vùng. Con cò biết con cá còn sống, chưa chết nên kẹp nhẹ con cá đem xuống bỏ dưới nước cho nó bơi đi nơi khác v.v…

Đó là trường hợp thân thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh được phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, liên quan đến thân môn hành động.

- Thân thiện nghiệp tránh xa sự trộm cắp: Một người cận sự nam đi trên đường bắt gặp một gói tiền mà người đã đánh rơi. Người cận sự nam ấy nhặt lên, thấy một số tiền khá lớn, đem gói tiền đến gửi trạm công an, nhờ ra thông báo để chủ nhân đến nhận lại gói tiền…

Đó là trường hợp thân thiện nghiệp tránh xa sự trộm cắp được phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, liên quan đến thân môn hành động.

- Thân thiện nghiệp tránh xa sự tà dâm: Một cô gái đã từng làm kỹ nữ. Về sau, cô ấy đã nhận lời hứa hôn với một người con trai, hai người chờ làm lễ thành hôn.

Một hôm, cô gái này gặp lại một người đàn ông mà cô đã từng sống chung, nhưng lần này cô chỉ tiếp đón người đàn ông ấy như một người khách đến thăm viếng mà thôi.

Đó là trường hợp thân thiện nghiệp tránh xa sự tà dâm phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, liên quan đến thân môn hành động.

Trường hợp thân thiện nghiệp này phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, liên quan đến thân môn hành động, có chi pháp là chánh nghiệp tâm sở, chánh mạng tâm sở tùy theo mỗi đối tượng của chúng.

- Khẩu thiện nghiệp có 4 loại thiện nghiệp

Khẩu thiện nghiệp tránh xa sự nói dối: Một người đàn ông có thói quen nghề nghiệp hay nói dối người khác. Sau đó, người đàn ông ấy gặp bậc thiện trí trong Phật giáo, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhận thức thấy rõ, biết rõ rằng nói dối là điều tội lỗi, là ác nghiệp đáng sợ. Người đàn ông ấy kính xin Ngài thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, trở thành cận sự nam. Từ đó, người cận sự nam ấy giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới tránh xa sự nói dối, chỉ nói lời chân thật.

Khẩu thiện nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ: Một người đàn bà vốn có tính hay ganh tỵ. Khi nhìn thấy một người đàn ông và một người đàn bà thân thiết với nhau, người đàn bà ấy phát sinh tâm ganh tỵ nên tìm đến gặp người đàn ông kia để nói lời chia rẽ, rồi tìm đến người đàn bà cũng để nói lời chia rẽ, cốt làm cho người đàn ông và người đàn bà kia ngờ vực lẫn nhau rồi ghét bỏ nhau, chia tay nhau.

Về sau, người đàn bà tính hay ganh tỵ có duyên lành gặp bậc thiện trí trong Phật giáo, phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhận thức thấy rõ, biết rõ rằng nói lời chia rẽ là điều tội lỗi, là ác nghiệp đáng sợ, bởi vì quả của ác nghiệp ấy có hại trong kiếp hiện tại và cho nhiều kiếp trong vị lai. Người đàn bà ấy kính xin Ngài thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới ājīvaṭṭhamakasīla, trở thành cận sự nữ. Từ đó, người cận sự nữ ấy giữ gìn bát giới ājīvaṭṭhamakasīla cho được trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới tránh xa sự nói lời chia rẽ, chỉ nói lời hòa hợp đối với mọi người.

- Khẩu thiện nghiệp tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc): Một người đàn bà vốn có tính hay nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) người khác mỗi khi nổi cơn giận dữ.

Một hôm, có duyên lành gặp bậc thiện trí trong Phật giáo, phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhận thức thấy rõ, biết rõ rằng nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) là điều tội lỗi, là ác nghiệp đáng sợ, bởi vì quả của ác nghiệp ấy có hại trong kiếp hiện tại và cho nhiều kiếp trong vị lai. Người đàn bà ấy kính xin Ngài thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới ājīvaṭṭhamakasīla, trở thành cận sự nữ. Từ đó, người cận sự nữ ấy giữ gìn bát giới ājīvaṭṭhamakasīla cho được trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), chỉ nói lời dịu ngọt làm cho người nghe êm tai.

- Khẩu thiện nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích: Một người đàn ông vốn có tính hay nói lời vô ích nhảm nhí, hoang đường,… làm cho người nghe mất thời gian mà không đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc nào cả.

Một hôm, có duyên lành gặp bậc thiện trí trong Phật giáo, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhận thức thấy rõ, biết rõ rằng nói lời vô ích là điều tội lỗi, là ác nghiệp đáng sợ, bởi vì, quả của ác nghiệp ấy có hại trong kiếp hiện tại và cho nhiều kiếp trong vị lai. Người đàn ông ấy kính xin Ngài thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới ājīvaṭṭhamakasīla, trở thành cận sự nam. Từ đó, người cận sự nam ấy giữ gìn bát giới ājīvaṭṭhamakasīla cho được trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới tránh xa sự nói lời vô ích, chỉ nói lời hữu ích đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho người nghe.

Đó là những trường hợp khẩu thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi khẩu môn, liên quan đến khẩu môn nói lời, có chi pháp là chánh ngữ tâm sở, chánh mạng tâm sở tùy theo mỗi đối tượng của chúng.

Như vậy, thân thiện nghiệp có 3 loại thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp có 4 loại thiện nghiệp. 7 loại thiện nghiệp này khi thì có thể phát sinh trong tâm mà không nương nhờ nơi thân môn, khẩu môn, không liên quan trực tiếp đến thân môn, khẩu môn. Khi thì 7 loại thiện nghiệp này phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, khẩu môn, liên quan trực tiếp đến thân môn, khẩu môn, như đã trình bày trên đây.

Vậy phân biệt thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp khi phát sinh trong tâm và thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp khi phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, nơi khẩu môn như thế nào?

Để phân biệt thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp khi phát sinh trong tâm và khi phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, nơi khẩu môn, thì phải căn cứ theo chi pháp.

Nếu chi pháp chỉ là tác ý tâm sở (cetanācetasika) thì thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp ấy phát sinh trong tâm, không liên quan trực tiếp đến thân môn, khẩu môn.

Nếu chi pháp là chánh nghiệp tâm sở (sammākammanta-cetasika), chánh ngữ tâm sở (sammāvācācetasika), chánh mạng tâm sở (sammāājīvacetasika), thì thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp ấy phát sinh do nương nhờ nơi thân môn hành động, nơi khẩu môn nói lời, liên quan trực tiếp đến thân môn, nơi khẩu môn.

* Tên gọi thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp, ý thiện nghiệp

Thân thiện nghiệp có 3 loại thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp có 4 loại thiện nghiệp, ý thiện nghiệp có 3 loại thiện nghiệp. Trong khi hành thiện, thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp, ý thiện nghiệp được thành tựu bằng 2 cách như sau:

Cách thứ nhất:

>Trong 10 pháp sinh phước thiện (puññakiriyāvatthu)

10 pháp sinh phước thiện là:

1. Bố thí

2. Giữ giới

3. Hành thiền

4. Cung kính

5. Hỗ trợ trong mọi việc thiện

6. Hồi hướng (phần phước thiện)

7. Hoan hỷ (phần phước thiện)

8. Nghe pháp

9. Thuyết pháp

10. Có chánh kiến

Trong 10 pháp sinh phước thiện này:

Nếu phước thiện nào được thành tựu do nương nhờ nơi thân môn hành động, thì phước thiện ấy có thêm tên gọi thân thiện nghiệp.

Nếu phước thiện nào được thành tựu do nương nhờ nơi khẩu môn nói lời, thì phước thiện ấy có thêm tên gọi khẩu thiện nghiệp.

Nếu phước thiện nào được thành tựu do nương nhờ nơi ý môn suy nghĩ, thì phước thiện ấy có thêm tên gọi ý thiện nghiệp.

Như vậy, 10 pháp sinh phước thiện nhân với 3 thiện nghiệp trở thành 30 loại thiện nghiệp, 30 pháp sinh phước thiện.

Ví dụ:

* Phước thiện bố thí được thành tựu trong 3 môn: Thân, khẩu, ý.

Phước thiện bố thí bằng thân: Tự mình làm phước thiện bố thí thân của mình.

Phước thiện bố thí bằng khẩu: Tự mình nói lên lời làm phước thiện bố thí hoặc sai bảo, nhờ người khác làm phước thiện bố thí thay mình.

Phước thiện bố thí bằng ý: Tâm nghĩ đến việc làm phước thiện bố thí hoặc tâm làm phước thiện bố thí.

* Phước thiện giữ giới được thành tựu trong 3 môn: Thân, khẩu, ý.

Phước thiện giữ giới thu thúc thân: Giữ gìn thân không để phạm điều giới.

Phước thiện giữ giới thu thúc khẩu: Giữ gìn khẩu không để phạm điều giới hoặc khi thọ trì ngũ giới, bát giới uposathasīla,…

Phước thiện giữ giới thu thúc ý: Tác ý tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp,... không để phạm điều giới nào.

* Phước thiện hành thiền được thành tựu trong 3 môn: Thân, khẩu, ý.

Phước thiện hành thiền do nương nhờ nơi thân: Đang ngồi nghe pháp, đang ngồi thực hành thiền định, đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm,… thực hành thiền tuệ với 4 oai nghi,…

Phước thiện hành thiền do nương nhờ nơi khẩu: Khi đang tụng kinh, khi đang ngồi niệm 9 Ân đức Phật, niệm 6 Ân đức Pháp, niệm 9 Ân đức Tăng, niệm tưởng đề mục kasiṇa,…

Phước thiện hành thiền do nương nhờ nơi ý: Đang thực hành thiền định với đề mục thiền định; đang thực hành thiền tuệ với đối tượng danh pháp, sắc pháp, đối tượng của thiền tuệ.

7 pháp sinh phước thiện còn lại là phước thiện cung kính, phước thiện hỗ trợ trong mọi việc thiện v.v… mỗi pháp đều được thành tựu trong 3 môn: Thân, khẩu, ý tương tự như 3 pháp sinh phước thiện đã trình bày trên đây.

* Cách thứ nhì:

Thu thúc thân, khẩu, ý

Phàm nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi 3 môn (cửa): Thân môn (cửa thân), khẩu môn (cửa khẩu), ý môn (cửa ý). Nếu nghiệp nào phát sinh do nương nhờ nơi môn (cửa) nào, thì nghiệp ấy mang tên của môn ấy.

Ví dụ:

Nếu thiện nghiệp nào phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, thì thiện nghiệp ấy mang tên là thân thiện nghiệp.

Nếu thiện nghiệp nào phát sinh do nương nhờ nơi khẩu môn, thì thiện nghiệp ấy mang tên là khẩu thiện nghiệp.

Nếu thiện nghiệp nào phát sinh do nương nhờ nơi ý môn, thì thiện nghiệp ấy mang tên là ý thiện nghiệp.

Nghiệp có 2 loại:

Thiện nghiệp.

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

* Thiện nghiệp phát sinh nghĩa là tác ý tâm sở đồng sinh với thiện tâm.

* Ác nghiệp phát sinh nghĩa là tác ý tâm sở đồng sinh với bất thiện tâm (ác tâm).

Khi nào, nếu hành giả biết thu thúc thân, khẩu, ý, giữ gìn cẩn trọng, thì thiện tâm phát sinh. Khi ấy, thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi thân, khẩu, ý đã được thu thúc.

Khi nào, nếu hành giả không biết thu thúc thân, khẩu, ý, (cửa mở) không giữ gìn cẩn trọng, thì bất thiện tâm (ác tâm) phát sinh. Khi ấy bất thiện nghiệp (ác nghiệp) phát sinh do nương nhờ nơi thân, khẩu, ý không được thu thúc.

Nếu khi tạo thiện nghiệp nào mà có sự thu thúc thân môn, đặc biệt được giữ gìn cẩn trọng, để thiện tâm phát sinh, thì thiện nghiệp ấy có tên là thân thiện nghiệp hoặc thân hành thiện.

Nếu khi tạo thiện nghiệp nào mà có sự thu thúc khẩu môn, đặc biệt được giữ gìn cẩn trọng để thiện tâm phát sinh, thì thiện nghiệp ấy có tên là khẩu thiện nghiệp hoặc khẩu hành thiện.

Nếu khi tạo thiện nghiệp nào mà có sự thu thúc ý môn, đặc biệt được giữ gìn cẩn trọng để thiện tâm phát sinh, thì thiện nghiệp ấy có tên là ý thiện nghiệp hoặc ý hành thiện.

Thật ra, dù là thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp, ý thiện nghiệp vẫn có sự thu thúc ý môn, giữ gìn cẩn trọng ý môn, để làm cho thiện tâm được trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não.

Vậy, cách thứ nhì thu thúc thân, khẩu, ý, giữ gìn cẩn trọng để thiện tâm phát sinh, làm duyên hỗ trợ cho thiện nghiệp phát sinh từ dục giới thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp cho đến Siêu tam giới thiện nghiệp (4 Thánh Đạo Tâm).

Bởi vậy cho nên cách thứ nhì thu thúc thân, khẩu, ý là cách chính yếu, quan trọng trong Phật giáo.

10 dục giới đại thiện nghiệp với 8 dục giới đại thiện tâm

10 dục giới đại thiện nghiệp đó là 10 tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm. Trong mỗi dục giới đại thiện tâm có 36 đến 38 tâm sở đồng sinh tùy theo mỗi dục giới đại thiện tâm, nhưng chỉ có 1 tác ý tâm sở (cetanā-cetasika) mà Đức Phật gọi là nghiệp ở đây có nghĩa là “10 dục giới đại thiện nghiệp” mà thôi.

Khi tác ý tâm sở tạo thiện nghiệp nào, các tâm sở còn lại cùng nhau hỗ trợ tác ý tâm sở tạo thiện nghiệp ấy cho được thành tựu. 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo bằng 8 dục giới đại thiện tâm.

Thực ra, 8 dục giới đại thiện tâm này, không những tạo 10 dục giới đại thiện nghiệp, mà còn tạo được 10 phước thiện: Bố thí, giữ giới, hành thiền, cung kính, hỗ trợ, hồi hướng, hoan hỷ, nghe pháp, thuyết pháp, chánh kiến.

Trong cõi người này, tất cả mọi dục giới đại thiện nghiệp, đó là 10 dục giới đại thiện nghiệp: 3 thân thiện nghiệp, 4 khẩu thiện nghiệp, 3 ý thiện nghiệp và 10 phước thiện: bố thí, giữ giới, hành thiền,… Như vậy, 10 thiện nghiệp và 10 phước thiện này được phát sinh và phát triển tốt đẹp nhất chỉ có đối với con người trong cõi người này mà thôi.

Ngoài ra, tất cả chúng sinh trong 30 cõi còn lại trong tam giới, không có cơ hội thuận lợi như con người trong cõi người này.

Thật vậy, chúng sinh trong 4 cõi ác giới đang chịu quả khổ của ác nghiệp, cơ hội để cho mọi thiện nghiệp, mọi phước thiện phát sinh rất hiếm có, nhưng không phải hoàn toàn không có, chúng sinh trong 4 cõi ác giới cũng có khi tạo được dục giới đại thiện nghiệp.

- Chư thiên trong 6 cõi trời dục giới đang ham hưởng quả an lạc của dục giới đại thiện nghiệp, mà mình đã tạo trong những kiếp quá khứ. Mọi phước thiện có cơ hội phát sinh, nhưng vì ham mê say đắm ngũ trần tuyệt vời trong cõi trời ấy, nên không nghĩ đến phước thiện khác. Trừ phi Đức Phật xuất hiện trên thế gian, phần đông chư thiên hiện xuống hầu kính lễ Đức Phật, lắng nghe Ngài thuyết pháp tế độ nhóm chư thiên ấy. Sau khi nghe chánh pháp xong, phần đông chư thiên chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh chư thiên, thấp hoặc cao tùy theo năng lực của pháp hạnh ba-la-mật của mỗi vị chư thiên. Có khi Đức Phật xuất hiện lên cõi trời dục giới thuyết pháp tế độ chư thiên, trên các cõi trời ấy.

- Chư Phạm thiên trong 16 cõi trời sắc giới, 4 cõi trời vô sắc giới, đang hưởng sự an lạc quả của sắc giới thiện nghiệp hoặc quả của vô sắc giới thiện nghiệp trong một thời gian lâu dài hằng đại kiếp trái đất. Do đó, một số Phạm thiên hưởng quả của thiện nghiệp ấy, cũng có một số Phạm thiên cố gắng tạo các thiện nghiệp khác. Khi Đức Phật xuất hiện trên thế gian, phần đông chư Phạm thiên trong các cõi trời có cơ hội hiện xuống hầu kính lễ Đức Phật, lắng nghe Ngài thuyết pháp tế độ nhóm chư Phạm thiên ấy. Sau khi nghe chánh pháp xong, phần đông chư Phạm thiên, chứng đắc thành bậc Thánh thấp hoặc cao tùy theo năng lực của pháp hạnh ba-la-mật của mỗi vị Phạm thiên. Có khi Đức Phật xuất hiện lên cõi trời sắc giới thuyết pháp tế độ chư Phạm thiên trên các cõi trời sắc giới ấy.

Như vậy, trong 31 cõi trong tam giới, con người trong cõi người có cơ hội thuận lợi nhất trong việc tạo 10 dục giới đại thiện nghiệp, 10 phước thiện, đặc biệt nhất là tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật để trở thành bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, hoặc tạo 20 pháp hạnh ba-la-mật để trở thành Chư Phật Độc Giác, hoặc tạo 30 pháp hạnh ba-la-mật để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

10 thiện nghiệp, 10 phước thiện, các loại pháp hạnh ba-la-mật, v.v…chỉ là cách gọi theo đời, nhưng theo Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma) đó là 8 dục giới đại thiện tâm phát sinh khi tạo mỗi pháp thiện ấy.

Khi nào dục giới đại thiện tâm nào phát sinh, khi ấy, dục giới đại thiện tâm ấy điều khiển thân, khẩu, ý tạo thiện nghiệp, hoặc điều khiển thân, khẩu, ý hành thiện, hoặc điều khiển thân, khẩu, ý bố thí, giữ giới, hành thiền, v.v…

Ngược lại, khi nào ác tâm nào (trong 12 ác tâm) phát sinh, khi ấy, ác tâm ấy cũng điều khiển thân, khẩu, ý trực tiếp tạo ác nghiệp.

Trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người, khi nào dục giới đại thiện tâm phát sinh, khi ấy ác tâm không thể phát sinh. Ngược lại, khi nào ác tâm phát sinh, khi ấy, thiện tâm không thể phát sinh. Trừ khi người nào nằm ngủ say, không mộng, người ấy chỉ có loại tâm hộ kiếp (bhavaṅgacitta) phát sinh liên tục không ngừng trong suốt thời gian đang ngủ say (không mộng), khi ấy, thiện tâm hoặc bất thiện tâm (ác tâm) không phát sinh, thì cũng không có thiện nghiệp hoặc ác nghiệp nào phát sinh. Nhưng khi nằm mộng thấy ác mộng, tâm sân sợ hãi phát sinh thuộc bất thiện tâm (ác tâm) tạo ác nghiệp; hoặc nằm ngủ thấy mộng lành như bay đi lễ bái ngôi Tháp Bảo, v.v… thiện tâm hoan hỷ phát sinh, đó là thiện nghiệp. Những ác nghiệp hoặc thiện nghiệp trong lúc mộng có năng lực rất yếu, không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, nếu nghiệp ấy có cơ hội cho quả của nó.

Quả của 10 dục giới đại thiện nghiệp

10 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở (cetanā-cetasika) trong 8 dục giới đại thiện tâm.

10 dục giới đại thiện nghiệp đó là: 3 thân thiện nghiệp, 4 khẩu thiện nghiệp, 3 ý thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm.

10 phước thiện đó là bố thí, giữ giới, hành thiền, cung kính, hỗ trợ, hồi hướng phước thiện, hoan hỷ phước thiện, thuyết pháp, nghe pháp, có chánh kiến cũng trong 8 dục giới đại thiện tâm.

8 đại thiện tâm là:

Dục giới đại thiện tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí tuệ, không cần tác động.

Dục giới đại thiện tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí tuệ, cần tác động.

Dục giới đại thiện tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí tuệ, không cần tác động.

Dục giới đại thiện tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí tuệ, cần tác động.

Dục giới đại thiện tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với trí tuệ, không cần tác động.

Dục giới đại thiện tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với trí tuệ, cần tác động.

Dục giới đại thiện tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí tuệ, không cần tác động.

Dục giới đại thiện tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí tuệ, cần tác động.

* 8 dục giới đại thiện tâm, nếu phân loại theo thọ, thì có 2 loại:

- 4 dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ hỷ.

- 4 dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ xả.

* 8 dục giới đại thiện tâm, nếu phân loại theo trí tuệ, thì có 2 loại:

- 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ.

- 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ.

* 8 dục giới đại thiện tâm, nếu phân loại theo sự tác động, thì có 2 loại:

- 4 dục giới đại thiện tâm không cần tác động.

- 4 dục giới đại thiện tâm cần tác động.

* 8 dục giới đại thiện tâm, nếu phân loại theo nhân, thì có 2 loại:

- 4 dục giới đại thiện tâm thuộc loại tam nhân thiện nghiệp (tihetukakusalakamma).

- 4 dục giới đại thiện tâm thuộc loại nhị nhân thiện nghiệp (dvihetukakusalakamma).

Giải thích:

* 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ hỷ khác với 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ xả như thế nào?

- Một số người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, tin rằng: “Thiện nghiệp là của riêng ta..., ta sẽ là người thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy”. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với đại thiện tâm đồng sinh với thọ hỷ, thì thiện nghiệp ấy có nhiều năng lực.

- Một số người có đức tin kém, có sự hiểu biết về nghiệp không sâu sắc. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với đại thiện tâm đồng sinh với thọ xả, thì thiện nghiệp ấy có ít năng lực.

10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo bằng 4 dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ hỷ có nhiều năng lực hơn 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo bằng 4 dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ xả.

* 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ, khác với 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ như thế nào?

Một số người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có chánh kiến về nghiệp của riêng mình (kammassakatā sammādiṭṭhi), có trí tuệ hiểu biết sâu sắc rằng:

Thiện nghiệp cho quả tốt, quả an lạc.

Ác nghiệp cho quả xấu, quả khổ não.

Nghiệp là của riêng ta...,

Ta sẽ là người thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy.

Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với đại thiện tâm hợp với trí tuệ, thì thiện nghiệp ấy có quả lớn lao và phong phú nhất.

Một số người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ hiểu biết về nghiệp không sâu sắc. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, thì thiện nghiệp ấy có quả không lớn và  không phong phú.

10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ có quả lớn và phong phú hơn 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ.

* 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm không cần tác động khác với 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm cần tác động như thế nào?

- Một số người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có chánh kiến về nghiệp của riêng mình (kammassakatā sammādiṭṭhi), là người học nhiều hiểu rộng, đa văn túc trí. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với đại thiện tâm không cần tác động, thì thiện nghiệp ấy có nhiều năng lực nhất, có khả năng tự quyết định làm mọi thiện nghiệp của mình.

- Một số người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, đến gần gũi thân cận với bậc thiện trí, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, phát sinh đức tin, tin nghiệp và quả của nghiệp; được bậc thiện trí tác động, động viên, khuyến khích mới tạo mọi thiện nghiệp, bởi vì thiện nghiệp là của riêng mình. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với đại thiện tâm cần tác động, thì thiện nghiệp ấy có năng lực yếu, bởi vì cần sự tác động, động viên, khuyến khích của người khác.

10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm không cần tác động có nhiều năng lực, có khả năng tự quyết định làm mọi thiện nghiệp của mình hơn 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo bằng 4 dục giới đại thiện tâm cần sự tác động.

* 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm thuộc loại tam nhân thiện nghiệp khác với 10 dục giới đại thiện nghiệp được tạo với 4 dục giới đại thiện tâm thuộc loại nhị nhân thiện nghiệp như thế nào?

- Một số người có chánh kiến về nghiệp của riêng mình (kammassakatā sammādiṭṭhi), có trí tuệ hiểu biết rõ rằng: “Nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp ấy... ”. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ, thì thiện nghiệp ấy thuộc loại tam nhân thiện nghiệp (thiện nghiệp hợp đủ 3 nhân: Vô tham, vô sân vô si).

Thiện nghiệp thuộc loại tam nhân thiện nghiệp có quả lớn lao và phong phú.

- Một số người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp mà không có trí tuệ hiểu biết sâu sắc. Nếu khi họ tạo thiện nghiệp nào (thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp hoặc ý thiện nghiệp) với 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, thì thiện nghiệp ấy thuộc loại nhị nhân thiện nghiệp (thiện nghiệp hợp với 2 nhân: Vô tham vô sân, không có vô si).

Thiện nghiệp thuộc loại tam nhân thiện nghiệp có quả lớn lao và phong phú hơn thiện nghiệp thuộc loại nhị nhân thiện nghiệp.

Tác ý tâm sở với thiện nghiệp

Tất cả mọi thiện nghiệp nói chung, 10 dục giới đại thiện nghiệp nói riêng, tác ý tâm sở đồng sinh trong 8 dục giới đại thiện tâm, không những có tầm quan trọng trong công việc tạo nên thiện nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng để cho thiện nghiệp ấy trở thành tam nhân thiện nghiệp hoặc nhị nhân thiện nghiệp, thiện nghiệp bậc cao hoặc thiện nghiệp bậc thấp

Mỗi thiện nghiệp thường trải qua 3 thời kỳ tác ý:

1. Pubbacetanā: Tác ý trước khi tạo đại thiện nghiệp.

2. Muñcacetanā: Tác ý đang khi tạo đại thiện nghiệp.

3. Aparacetanā: Tác ý sau khi đã tạo đại thiện nghiệp.

Mỗi giai đoạn tác ý có một năng lực đặc biệt, đóng một vai trò quan trọng tạo nên tính chất đặc biệt của thiện nghiệp và cho quả đặc biệt của thiện nghiệp ấy.

* Pubbacetanā: tác ý tâm sở đồng sinh với đại thiện tâm trước khi tạo đại thiện nghiệp trong thời gian lâu hoặc mau không có giới hạn.

* Muñcacetanā: Tác ý tâm sở đồng sinh với đại thiện tâm đang khi tạo đại thiện nghiệp nào để cho đại thiện nghiệp ấy trở thành tam nhân đại thiện nghiệp hoặc nhị nhân đại thiện nghiệp.

* Tác ý muñcacetanā trở thành tam nhân đại thiện nghiệp hoặc nhị nhân đại thiện nghiệp như thế nào?

- Nếu tác ý tâm sở đồng sinh trong đại thiện tâm đang khi tạo đại thiện nghiệp nào với đại thiện tâm hợp với trí tuệ, thì chắc chắn đại thiện nghiệp ấy thuộc loại tam nhân đại thiện nghiệp (thiện nghiệp hợp đủ tam nhân: Vô tham, vô sân vô si).

Nếu tác ý tâm sở đồng sinh trong đại thiện tâm đang khi tạo đại thiện nghiệp nào với đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, thì chắc chắn đại thiện nghiệp ấy thuộc loại nhị nhân đại thiện nghiệp (thiện nghiệp hợp với nhị nhân: Vô tham vô sân, không có vô si).

Tam nhân đại thiện nghiệp, nhị nhân đại thiện nghiệp phân loại theo 3 thời kỳ tác ý

Tam nhân đại thiện nghiệp, nhị nhân đại thiện nghiệp phân loại theo 3 thời kỳ tác ý có 2 bậc đại thiện nghiệp:

1. Ukkaṭṭhakusalakamma: Đại thiện nghiệp bậc cao.

2. Omakakusalakamma: Đại thiện nghiệp bậc thấp.

* Đại thiện nghiệp bậc cao như thế nào?

Khi tạo đại thiện nghiệp nào bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, người ấy có tác ý đại thiện tâm trong 2 thời kỳ: Tác ý đại thiện tâm trước khi tạo đại thiện nghiệp ấy, tác ý đại thiện tâm sau khi đã tạo đại thiện nghiệp ấy xong rồi, với thời gian không giới hạn. Nếu cả 2 thời kỳ tác ý đại thiện tâm ấy hoàn toàn trong sạch, đại thiện tâm không bị ô nhiễm, bởi không có bất thiện tâm (ác tâm) nào phát sinh xen lẫn trong 2 thời kỳ tác ý thiện tâm tạo đại thiện nghiệp ấy. Do đó, đại thiện nghiệp ấytam nhân đại thiện nghiệp hoặc dù nhị nhân đại thiện nghiệp vẫn thuộc đại thiện nghiệp bậc cao (ukkaṭṭhakusalakamma).

* Đại thiện nghiệp bậc thấp như thế nào?

Khi tạo đại thiện nghiệp nào bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, người ấy có tác ý đại thiện tâm trong 2 thời kỳ: Tác ý đại thiện tâm trước khi tạo đại thiện nghiệp ấy, và tác ý đại thiện tâm sau khi đã tạo đại thiện nghiệp ấy xong rồi, với thời gian không giới hạn. Nếu trong 2 thời kỳ tác ý đại thiện tâm ấy không hoàn toàn trong sạch, thiện tâm bị ô nhiễm, bởi có bất thiện tâm (ác tâm) phát sinh xen lẫn trong 2 thời kỳ tác ý đại thiện tâm tạo đại thiện nghiệp ấy. Do đó, đại thiện nghiệp ấytam nhân đại thiện nghiệp hoặc dù nhị nhân đại thiện nghiệp vẫn thuộc đại thiện nghiệp bậc thấp (omakakusalakamma).

Phân loại đại thiện nghiệp bậc cao và bậc thấp

Tam nhân đại thiện nghiệpnhị nhân đại thiện nghiệp, mỗi loại có 2 bậc: Bậc caobậc thấp. Do đó đại thiện nghiệp có 4 bậc:

1. Tam nhân đại thiện nghiệp bậc cao.

2. Tam nhân đại thiện nghiệp bậc thấp.

3. Nhị nhân đại thiện nghiệp bậc cao.

4. Nhị nhân đại thiện nghiệp bậc thấp.

Thật ra, trong 2 thời kỳ tác ý thiện tâm để phân định đại thiện nghiệp bậc cao hoặc đại thiện nghiệp bậc thấp, thì tác ý thiện tâm sau khi đã tạo đại thiện nghiệp ấy xong (aparacetanā), rồi trải qua thời gian mau hoặc lâu không hạn định, đóng vai trò quan trọng để phân định đại thiện nghiệp ấy thuộc về đại thiện nghiệp bậc cao hoặc đại thiện nghiệp bậc thấp. Bởi vì, tác ý thiện tâm sau khi đã tạo đại thiện nghiệp ấy xong, rồi trải qua thời gian không hạn định nên có nhiều năng lực hơn tác ý thiện tâm trước khi tạo đại thiện nghiệp ấy (chưa tạo). Do đó, tác ý thiện tâm sau khi đã tạo đại thiện nghiệp xong có tầm quan trọng để phân định đại thiện nghiệp ấy thuộc về loại đại thiện nghiệp bậc cao hoặc bậc thấp.

Ví dụ 1: Một người đi tìm kiếm kẻ thù; một hôm bắt được kẻ thù, người ấy có ý định giết chết để trả thù. Nhưng kẻ thù run sợ van xin tha tội chết, người ấy phát sinh tâm bi thương xót, nên tha chết cho kẻ thù.

Người ấy có tác ý thiện tâm hoan hỷ trước khi tha chết kẻ thù, tác ý thiện tâm hoan hỷ đang khi mở trói tha chết kẻ thù; người ấy đã tạo thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh (không giết kẻ thù) và tác ý thiện tâm hoan hỷ sau khi đã tạo đại thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh. Nhưng thời gian sau, chính kẻ thù ấy trở lại tìm mọi cách làm khổ người ấy. Cho nên, người ấy phát sinh tâm sân thù hận kẻ thù ấy, rồi nghĩ rằng: “Nếu ngày hôm ấy ta giết chết nó, thì ngày nay ta đâu có chịu khổ như thế này!”.

Như vậy, người ấy đã tạo đại thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh (không giết kẻ thù) với tác ý thiện tâm hoan hỷ trước khi tha chết cho kẻ thù, nhưng tác ý thiện tâm sau khi đã tha chết, ban đầu hoan hỷ, về sau, ác tâm phát sinh làm ô nhiễm đại thiện nghiệp tránh xa sự sát sinh. Cho nên thiện nghiệp ấy trở thành thiện nghiệp bậc thấp.

Ví dụ 2: Một người nghèo sống trong nhóm nhà nhỏ, một hôm trên đường đi làm việc, ông nhìn thấy một cái cặp xách tay mà người nào đánh rơi, ông nhặt mang theo. Khi làm xong công việc trở về nhà, ông mở cái cặp ra nhìn thấy một số tiền quá lớn, xem qua giấy tờ tài liệu trong cặp, ông biết rằng: “Đây là một số tiền của công ty mà người nhân viên lãnh từ ngân hàng đem về, có lẽ do chở sau xe, nên cái cặp bị đánh rơi mà không biết!”.

Ông lấy ra thấy số tiền từng gói niêm phong rất đẹp mà cuộc đời của ông chưa từng thấy bao giờ. Ông cảm thấy vui mừng lắm, nỗi vui mừng mà ông chưa từng có.

Ban đầu ông nghĩ rằng: “Nếu mình có được số tiền lớn như thế này, thì cuộc đời mình được sung sướng biết dường nào!” Ông có ý muốn lấy toàn bộ số tiền ấy làm của riêng (tạo nghiệp ác trộm cắp). Nhưng sau đó ông lại nghĩ rằng: “Người nhân viên làm mất số tiền của công ty lớn như thế này, anh ta sẽ bị kỷ luật và phải chịu bồi thường số tiền ấy… chắc chắn phải chịu khổ nhiều lắm!”.

Ông nhớ lại lời cha mẹ thường dạy: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Thế rồi ông đem sắp các gói tiền lại vào cặp như cũ, rồi đem đến trình ban công an xã, nhờ công an thông báo với công ty cho người đến nhận lại số tiền của họ.

Thanh thản ra về, ông lại vui mừng lẫm nhẫm lời khuyên dạy của cha mẹ lúc sinh tiền: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.

Như vậy, ban đầu người nghèo ấy nhìn thấy số tiền lớn chưa từng thấy, liền phát sinh tâm tham muốn chiếm đoạt làm của riêng. Nhưng về sau, nghĩ lại lời khuyên dạy của cha mẹ năm xưa, ông liền phát sinh tâm thiện không tham tiền của người khác. Như vậy, người nghèo ấy có tác ý ác tham muốn trước khi trả lại số tiền (chưa trả), nhưng tác ý thiện tâm hoan hỷ sau khi đã giao trả số tiền ấy cho người khác rồi. Do đó, đại thiện nghiệp tránh xa sự trộm cắp của người ấy thuộc về đại thiện nghiệp bậc cao.

Quả của 8 dục giới đại thiện tâm

10 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở  trong 8 dục giới đại thiện tâm có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện tại và trong những kiếp sau không có giới hạn.

1. Quả của 8 dục giới đại thiện tâm trong kiếp hiện tại:

10 dục giới đại thiện nghiệp này trong 8 dục giới đại thiện tâm, mà 8 dục giới đại thiện tâm này có khả năng sinh quả trong kiếp hiện tại là 8 thiện quả vô nhân tâm (vô nhân tâm là tâm không có 3 thiện nhân là vô tham, vô sân, vô si; và không có 3 ác nhân là tham, sân, si. Vô nhân tâm là tâm không có nhân tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si.) tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng ngay trong kiếp hiện tại như sau:

- Nhãn thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nhìn thấy sắc trần, những hình dáng tốt đẹp đáng hài lòng.

- Nhĩ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nghe thanh trần, các âm thanh hay đáng hài lòng.

- Tỷ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, ngửi hương trần, các thứ mùi đáng hài lòng.

- Thiệt thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nếm vị trần, các thứ vị đáng hài lòng.

- Thân thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, xúc giác xúc trần, cứng, mềm, nóng, lạnh… đáng hài lòng.

- Tiếp nhận tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, tiếp nhận những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng hài lòng.

- Suy xét tâm đồng sinh với thọ hỷ thuộc về thiện quả vô nhân tâm, suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng hài lòng.

- Suy xét tâm đồng sinh với thọ xả thuộc về thiện quả vô nhân tâm, suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng hài lòng.

2. Quả của 8 dục giới đại thiện tâm trong những kiếp sau:

10 dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm, mà 8 dục giới đại thiện tâm cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) không có hạn định.

8 dục giới đại thiện tâm này có 2 loại tâm mà mỗi loại có 2 bậc:

- 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ gọi là tam nhân đại thiện tâm.

- 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ gọi là nhị nhân đại thiện tâm.

* Tam nhân đại thiện tâm có 2 bậc:

2.1 Tam nhân đại thiện tâm bậc cao (tihetuka ukkaṭṭha).

2.2 Tam nhân đại thiện tâm bậc thấp (tihetuka omaka).

* Nhị nhân đại thiện tâm có 2 bậc:

2.3 Nhị nhân đại thiện tâm bậc cao (dvihetuka ukkaṭṭha).

2.4. Nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp (dvihetuka omaka).

Quả của đại thiện nghiệp trong mỗi loại đại thiện tâm theo mỗi bậc cao, bậc thấp khác nhau trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh như sau:

2.1 Quả của dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc cao trong 2 thời kỳ:

a) Thời kỳ tái sinh (paṭisandhikāla)

Dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc cao là trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, đó là 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau:

- Nếu tam nhân đại thiện tâm bậc cao sinh quả là 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau làm người trong cõi người này, thì người ấy là người có trí tuệ thuộc về hạng người có tam nhân (tihetukapuggala), nghĩa là người ấy có đủ 3 nhân: Vô tham, vô sân, vô si từ khi tái sinh đầu thai làm người.

Trong kiếp hiện tại người ấy vốn là người có trí tuệ, nếu người ấy thực hành pháp hành thiền định thì có khả năng chứng đắc các bậc thiền hữu sắc và các bậc thiền vô sắc; hoặc thực hành pháp hành thiền tuệ thì cũng có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhân trong Phật giáo.

Nhưng nếu người ấy tạo ác nghiệp, thì sau khi chết, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới, trở thành chúng sinh vô nhân cõi ác giới (duggati ahetukapuggala, chúng sinh vô nhân cõi ác giới nghĩa là chúng sinh trong 4 cõi ác giới tái sinh bằng suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc về bất thiện quả vô nhân tâm, là quả tâm này không có nhân nào trong 6 nhân (tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si). Như trường hợp Tỳ khưu Devadatta thuộc về người có tam nhân, Ngài chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, chứng đắc thần thông, nhưng về sau Ngài đã tạo ác nghiệp vô gián trọng tội, cho nên sau khi chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci.

- Nếu tam nhân đại thiện tâm bậc cao sinh quả là 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự hóa sinh kiếp sau làm chư thiên trong cõi trời dục giới nào thì vị chư thiên ấy có trí tuệ, nhiều oai lực, hào quang sáng ngời lan tỏa rộng lớn trong cõi trời ấy. Nếu vị chư thiên ấy có cơ hội lắng nghe chánh pháp của Đức Phật thì mau chóng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Chư Thiên trong Phật giáo.

b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh (pavattikāla)

Tam nhân đại thiện tâm bậc cao

Dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc cao là trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, đó là  8 dục giới đại quả tâm 8 thiện quả vô nhân tâm.

Như vậy, dục giới đại thiện nghiệp này cho quả sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu gồm có 16 quả tâm: 8 dục giới đại quả tâm hữu nhân 8 thiện quả vô nhân tâm.

* 8 dục giới đại quả tâm hữu nhân:

4 dục giới đại quả tâm hữu nhân hợp với trí tuệ đó là 4 dục giới đại quả tâm làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgacitta) phát sinh sau khi vừa chấm dứt mỗi lộ trình tâm (vīthicitta), lúc nằm ngủ say không chiêm bao, mộng mị, giữ gìn duy trì sinh mạng cho đến trước lúc chết.

4 dục giới đại quả tâm hữu nhân hợp với trí tuệ làm phận sự cuối cùng, phận sự tử (chết) (cutikicca) chấm dứt mỗi kiếp.

8 dục giới đại quả tâm này còn làm phận sự tiếp nhận đối tượng (tadārammaṇakicca) từ tác hành tâm (javanacitta) còn dư lại 2 sát-na tâm hết tuổi thọ của đối tượng, để chấm dứt mỗi lộ trình tâm.

8 dục giới đại quả tâm này chỉ có thể phát sinh trong 11 cõi dục giới mà thôi, không thể phát sinh trong 15 cõi sắc giới (không có cõi Vô Tưởng Thiên), 4 cõi vô sắc giới.

* 8 thiện quả vô nhân tâm:

8 thiện quả vô nhân tâm là quả tâm của 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ, tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng như sau:

- Nhãn thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nhìn thấy sắc trần, những hình dáng tốt đẹp, đáng hài lòng.

- Nhĩ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nghe thanh trần, các âm thanh hay, đáng hài lòng.

- Tỷ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, ngửi hương trần, các thứ mùi, đáng hài lòng.

- Thiệt thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, nếm vị trần, các thứ vị, đáng hài lòng.

- Thân thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, xúc giác xúc trần, cứng, mềm, nóng, lạnh…, đáng hài lòng.

- Tiếp nhận tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm, tiếp nhận những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, đáng hài lòng.

- Suy xét tâm đồng sinh với thọ hỷ thuộc về thiện quả vô nhân tâm, suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc ,đáng hài lòng.

- Suy xét tâm đồng sinh với thọ xả thuộc về thiện quả vô nhân tâm, suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, đáng hài lòng.

- 8 thiện quả vô nhân tâm này có khả năng phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 11 cõi dục giới, 15 cõi sắc giới (không có cõi Vô Tưởng Thiên) tùy theo mỗi hạng chúng sinh và tùy theo mỗi cõi, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả của chúng.

Trong cõi người, nếu số người bình thường có đầy đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân không bị bệnh tật, thì 8 thiện quả vô nhân tâm có thể phát sinh đầy đủ tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng.

Nếu số người bị mù, bị điếc… trong kiếp hiện hữu, thì nhãn thức tâm, nhĩ thức tâm không thể phát sinh, cho nên những số người ấy không thể nhìn thấy sắc trần, hình dáng; không thể nghe thanh trần, âm thanh v.v…

Trong 6 cõi trời dục giới, chư thiên có đầy đủ 8 quả thiện vô nhân tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng nhất.

Trong các cõi trời sắc giới phạm thiên, chư phạm thiên chỉ có nhãn thức tâm phát sinh khi chiêm ngưỡng Đức Phật hoặc chư Thánh Arahán; và nhĩ thức tâm phát sinh khi lắng nghe chánh pháp của Đức Phật hoặc chư Thánh Arahán mà thôi. Ngoài ra, còn tỷ thức tâm, thiệt thức tâm, thân thức tâm không phát sinh lên đối với chư phạm thiên, bởi vì trong các cõi trời sắc giới không có đối tượng hương trần, vị trần, xúc trần.

Đặc biệt có số loài súc sinh gia súc nuôi trong nhà như con chó, con mèo, con voi, con ngựa… 8 thiện quả vô nhân tâm có thể phát sinh lên đối với chúng, để tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng.

Tuy những con gia súc này đã tái sinh bằng suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc về quả bất thiện vô nhân tâm, nhưng sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, những gia súc này được hưởng những quả tốt của thiện nghiệp mà những tiền kiếp của chúng đã từng tạo trong quá khứ, cho nên, chúng nó được sống trong nhà, chuồng trại sạch sẽ, có người chăm nom, săn sóc, được nghe những lời ngon ngọt của chủ, được ăn uống đầy đủ, khi bị bệnh chúng nó được bác sĩ thú y đến chữa trị v.v… Đó là những quả thiện vô nhân tiếp nhận những đối tượng tốt đáng hài lòng.

2.2. Quả của dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc thấp và nhị nhân đại thiện tâm bậc cao trong 2 thời kỳ:

a) Thời kỳ tái sinh (paṭisandhikāla)

Dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc thấp nhị nhân đại thiện tâm bậc cao tương đương với nhau cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau đó là 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau như sau:

Nếu tam nhân đại thiện tâm bậc thấpnhị nhân đại thiện tâm bậc cao sinh quả là 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh kiếp sau làm người trong cõi người này, thì người ấy là người không có trí tuệ thuộc về hạng người có nhị nhân (dvihetukapuggala) nghĩa là người ấy chỉ có 2 nhânvô tham vô sân, không có vô si từ khi tái sinh đầu thai làm người.

Trong kiếp hiện tại người ấy vốn là người không có trí tuệ, nếu người ấy thực hành pháp hành thiền định, thì không có khả năng chứng đắc được bậc thiền hữu sắc nào; hoặc thực hành pháp hành thiền tuệ, thì cũng không có khả năng chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào, không thể trở thành bậc Thánh Nhân trong Phật giáo.

Tuy kiếp hiện tại là hạng người có nhị nhân, nhưng người ấy cố gắng tinh tấn tạo mọi dục giới đại thiện nghiệp bậc cao, nên sau khi chết, thiện nghiệp ấy có thể cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, trở thành hạng người có tam nhân.

Nếu tam nhân đại thiện tâm bậc thấp nhị nhân đại thiện tâm bậc cao sinh quả là 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự hóa sinh kiếp sau làm chư thiên trong cõi trời dục giới nào, thì vị chư thiên ấy không có trí tuệ, ít oai lực, hào quang tỏa ra không lớn. Nếu vị chư thiên ấy có cơ hội lắng nghe chánh pháp của Đức Phật, thì cũng không thể chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào.

b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh (pavattikāla)

Dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc thấpnhị nhân đại thiện tâm bậc cao sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, đó là 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ8 thiện quả vô nhân tâm.

Như vậy, dục giới đại thiện nghiệp này cho quả sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, gồm có 12 quả tâm: 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ hữu nhân 8 thiện quả vô nhân tâm.

* 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ hữu nhân:

4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ hữu nhân đó là 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) phát sinh sau khi vừa chấm dứt mỗi lộ trình tâm, lúc nằm ngủ say không chiêm bao, mộng mị; giữ gìn sinh mạng cho đến trước lúc chết.

4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự cuối cùng, phận sự tử (chết) (cutikicca) chấm dứt mỗi kiếp.

4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ còn làm phận sự tiếp nhận đối tượng (tadārammaṇakicca) từ tác hành tâm còn dư lại 2 sát-na tâm hết tuổi thọ của đối tượng, để chấm dứt mỗi lộ trình tâm.

4 dục giới đại quả tâm này chỉ có thể phát sinh trong 11 cõi dục giới mà thôi, không thể phát sinh trong cõi sắc giới.

* 8 thiện quả vô nhân tâm:

8 thiện quả vô nhân tâm là quả tâm của 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, tiếp nhận những đối tượng loại vừa (không xấu, không tốt):

- Nhãn thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần, những hình dáng loại vừa.

- Nhĩ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần, các âm thanh loại vừa.

V.v...

8 thiện quả vô nhân tâm này có khả năng phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, trong 11 cõi dục giới, một số cõi sắc giới tùy theo mỗi hạng chúng sinh và tùy theo mỗi cõi, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả của chúng.

2.3 Quả của dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp trong 2 thời kỳ:

a) Thời kỳ tái sinh (paṭisandhikāla)

Dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp là trong 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, đó là suy xét tâm hợp với thọ xả (upekkhāsantīraṇakusalavipākacitta) thuộc về thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau:

Nếu thiện quả suy xét tâm hợp với thọ xả làm phận sự tái sinh kiếp sau làm người trong cõi người này, thì người ấy là người có tật nguyền như bị câm điếc, bị đui mù, người đần độn, người khờ khạo… thuộc về hạng người Sugati ahetukapuggala (hạng người vô nhân cõi thiện giới) nghĩa là người ấy không có nhân nào trong 3 nhân vô tham, vô sân, vô si từ khi tái sinh đầu thai làm người. Nhưng nếu trường hợp, người bị đui mù, bị câm điếc v.v… sau khi đã tái sinh làm người, thì người ấy không phải thuộc về hạng người vô nhân cõi thiện giới, mà có thể thuộc hạng người có tam nhân, hoặc hạng người có nhị nhân nào đó. Trường hợp người ấy bị đui mù, bị câm điếc v.v… chỉ là do ác nghiệp hãm hại nào đó của họ có cơ hội cho quả khổ mà thôi.

Trong kiếp hiện tại hạng người vô nhân này vốn là người không có trí tuệ, cho nên người ấy không thể hiểu biết sâu sắc trong chánh pháp, có sự hiểu biết tầm thường trong cuộc sống, sau khi chết, nếu có dục giới đại thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ của họ có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì cũng là người có tam nhân hoặc người có nhị nhân.

Như trường hợp tiền kiếp của Đức Phật Gotama, có khi tái sinh làm con chim, con khỉ… thậm chí còn là chúng sinh trong cõi địa ngục nữa. Thế mà sau mãn quả của ác nghiệp, thoát ra khỏi địa ngục, nhờ thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh làm Thái tử, như Thái tử Temiya v.v… Cho nên, nghiệp và quả của nghiệp là một trong bốn điều bất khả tư nghì.

b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh (pavattikāla)

Dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp là trong 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, đó là 8 thiện quả vô nhân tâm.

Như vậy, dục giới đại thiện nghiệp này cho quả sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, chỉ có 8 quả thiện vô nhân mà thôi (không có dục giới đại quả tâm hữu nhân), do đó, thiện nghiệp này có năng lực rất yếu.

8 thiện quả vô nhân tâm là quả tâm của 4 nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp này, tiếp nhận những đối tượng quá tầm thường như:

-  Nhãn thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần, những hình dáng loại quá tầm thường.

- Nhĩ thức tâm thuộc về thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần, các âm thanh loại quá tầm thường

v.v…

Tóm lại, 10 dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm, mỗi thiện nghiệp được tạo bằng mỗi dục giới đại thiện tâm. Nếu phân chia đại thiện nghiệp theo loại tâmbậc cao, bậc thấp thì có 4 loại thiện nghiệp như sau:

- Dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc cao.

Dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc thấp.

- Dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc cao.

- Dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp.

Quả của mỗi dục giới đại thiện nghiệp sinh từ tam nhân thiện tâm bậc cao, bậc thấp; nhị nhân đại thiện tâm bậc cao, bậc thấp là dục giới đại quả tâm hữu nhân, quả thiện tâm vô nhân trong 2 thời kỳ: Thời kỳ tái sinh kiếp sau và thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, khác biệt nhau, được tóm lược như sau:

4  thiện trong 4 loại đại thiện tâm  Thời kỳ tái sinh Thời kỳ sau khi tái sinh
1. Đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện nghiệp tâm bậc cao 4 đại quả tâm hợp với trí tuệ 8 đại quả tâm + 8 thiện quả vô nhân tâm , gồm có 16 tâm.
2. Đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc thấp và đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc cao 4 đại quả tâm không hợp với trí tuệ 4 đại quả tâm không hợp với trí tuệ + 8 thiện quả vô nhân tâm, gồm có 12 tâm
3. Đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp 1 quả tâm thiện suy xét hợp với thọ xả 8 thiện quả vô nhân tâm

Như vậy, dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân thiện tâm (trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ) bậc cao và bậc thấp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, khác biệt nhau quá rõ ràng. Điều khác biệt ấy chứng tỏ rằng: “Tác ý thiện sau khi đã tạo đại thiện nghiệp xong rồi đóng vai trò quan trọng cho quả của thiện nghiệp ấy trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu”.

Thật vậy, dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm (trong 4 dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ) bậc thấp và dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm (trong 4 dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ) bậc cao, khi cho quả của 2 loại dục giới đại thiện nghiệp ấy trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, thì quả của 2 đại thiện nghiệp ấy tương đương với nhau. Như vậy, dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc cao có năng lực rất mạnh nâng đỡ quả của dục giới đại thiện nghiệp ấy lên tương đương với quả của dục giới đại thiện nghiệp trong tam nhân đại thiện tâm bậc thấp.

Bởi vậy cho nên, mỗi khi đã tạo đại thiện nghiệp nào xong rồi, dù đại thiện nghiệp ấy trong tam nhân đại thiện tâm hoặc trong nhị nhân đại thiện tâm, chúng ta vẫn nên phát sinh thiện tâm hoan hỷ sau khi đã tạo dục giới đại thiện nghiệp ấy xong, trong suốt thời gian lâu dài theo ngày, tháng, năm, thì đại thiện nghiệp ấy sẽ thuộc về đại thiện tâm bậc cao. Nên cố gắng tinh tấn tạo nhân duyên để cho thiện tâm phát sinh, để ngăn ác tâm phát sinh. Nếu có ác tâm phát sinh không hoan hỷ về đại thiện nghiệp ấy, sẽ làm cho tâm bị ô nhiễm, thì đại thiện nghiệp ấy trở thành đại thiện tâm bậc thấp, quả của đại thiện nghiệp ấy sẽ bị giảm sút xuống quá thấp, thì thật là đáng tiếc biết dường nào!

- Nếu dục giới đại thiện nghiệp trong nhị nhân đại thiện tâm bậc thấp, thì có quả của dục giới đại thiện nghiệp thấp nhất trong các quả của dục giới đại thiện nghiệp.

- Nếu đại thiện nghiệp trong đại thiện tâm hợp với trí tuệ không cần tác động thuộc về bậc cao, thì chắc chắn sinh quả là dục giới đại quả tâm cao nhất trong các dục giới đại quả tâm.

Trong Chú giải, trình bày rằng:

“Đức Bồ Tát Setaketu, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, từ bỏ kiếp thiên nam ở cõi trời Tusita (Đấu Xuất Đà Thiên) đã tái sinh kiếp chót bằng đệ nhất dục giới đại quả tâm (dục giới đại quả tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ hợp với trí tuệ không cần tác động) làm phận sự tái sinh đầu thai vào lòng mẫu thân Mahāmayādevī nhằm vào ngày thứ năm canh chót đêm rằm tháng sáu”.

Cho nên, chúng ta cố gắng tinh tấn tạo dục giới đại thiện nghiệp bằng dục giới đại thiện tâm đồng sinh với thọ hỷ hợp với trí tuệ, không cần tác động thuộc về dục giới đại thiện tâm bậc cao để cho được quả của dục giới đại thiện nghiệp đáng hài lòng nhất.

Điều kiện dục giới đại thiện nghiệp - bất thiện nghiệp cho quả

a) Điều kiện dục giới đại thiện nghiệp cho quả

Dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả của nó cần phải hội đủ 4 điều kiện thuận lợi (sampatti) cần thiết, thì dục giới đại thiện nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả của nó được.

4 điều kiện thuận lợi để cho dục giới đại thiện nghiệp cho quả là:

1. Gatisampatti (cõi giới thuận lợi): Chúng sinh ở trong cõi thiện giới (sugatibhūmi) như cõi người, 6 cõi trời dục giới, 16 cõi trời sắc giới, 4 cõi trời vô sắc giới, là những cõi giới thuận lợi để cho dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả của nó, tùy theo mỗi dục giới đại thiện nghiệp và mỗi cõi giới ấy.

Nếu chúng sinh ở trong cõi ác giới (duggatibhūmi) như cõi địa ngục... là cảnh giới bất lợi, thì dục giới đại thiện nghiệp khó có cơ hội cho quả của nó.

2. Kālasampatti (thời kỳ thuận lợi): Chúng sinh sống trong thời kỳ Phật giáo đang còn tồn tại trên thế gian; trong thời kỳ Đức vua Chuyển Luân Thánh Vương đang trị vì đất nước; trong thời kỳ thiện pháp đang tăng trưởng, con người sống lâu, là những thời kỳ thuận lợi để cho dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả của nó.

Nếu chúng sinh ở trong thời kỳ Phật giáo hoàn toàn tiêu hoại trên thế gian, hoặc thời kỳ không có Phật giáo; trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc; trong thời kỳ ác pháp tăng trưởng, con người yểu thọ... là những thời kỳ bất lợi, thì dục giới đại thiện nghiệp khó có cơ hội cho quả của nó.

3. Upadhisampatti (thân thể đầy đủ 5 giác quan): Chúng sinh có mắt sáng, tai thính, mũi nhạy, lưỡi biết vị tốt, thân thể khỏe mạnh ít bệnh hoạn..., là những điều kiện thuận lợi để cho dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả của nó.

Nếu chúng sinh có mắt mù, tai điếc, mũi bị bệnh, lưỡi không tốt, thân bị tê liệt, thường bệnh hoạn ốm đau..., là những điều kiện bất lợi, thì dục giới đại thiện nghiệp khó có cơ hội cho quả của nó.

4. Payogasampatti (sự tinh tấn trong thiện pháp): Chúng sinh có sự tinh tấn trong mọi thiện pháp: Tinh tấn trong thân hành thiện, tinh tấn trong khẩu nói thiện, tinh tấn trong ý nghĩ thiện..., là những sự tinh tấn đúng, chánh tinh tấn để cho dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả của nó.

Nếu chúng sinh có sự tinh tấn trong ác pháp: Tinh tấn trong thân hành ác, tinh tấn trong khẩu nói ác, tinh tấn trong ý nghĩ ác..., là những điều tinh tấn bất lợi, thì dục giới đại thiện nghiệp khó có cơ hội cho quả của nó.

b) Điều kiện bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả của nó, do hội đủ 4 điều kiện bất lợi (vipatti), (thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy mới có cơ hội cho quả của nó được).

4 điều kiện bất lợi để bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả là:

1- Gativipatti (cõi giới bất lợi): Chúng sinh ở trong 4 cõi ác giới (duggatibhūmi) như cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh là những cõi giới bất lợi, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả của nó, tùy theo mỗi cõi ác giới ấy.

Nếu chúng sinh sống trong cõi trời dục giới, hoặc cõi trời sắc giới, hoặc cõi trời vô sắc giới, thì mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) không có cơ hội cho quả của nó được, vì không hội đủ điều kiện để bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả.

2- Kālavipatti (thời kỳ bất lợi): Chúng sinh sống trong thời kỳ Phật giáo hoàn toàn bị tiêu hoại, khi ấy con người không biết pháp thiện, pháp ác; không biết hổ thẹn tội lỗi; không biết ghê sợ tội lỗi. Chúng sinh sống trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, trong thời kỳ pháp ác tăng trưởng, con người yểu thọ... là những thời kỳ bất lợi, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả của nó.

Nếu chúng sinh sống trong thời kỳ có tuổi thọ sống lâu như các hàng chư thiên trong các cõi trời dục giới, chư phạm thiên trong cõi trời sắc giới, trong cõi trời vô sắc giới, hoặc con người sống trong thời kỳ thiện pháp tăng trưởng, con người có tuổi thọ tăng lên hằng vô số tỷ năm đến a-tăng-kỳ năm (10140)... là những thời kỳ thuận lợi, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) không có cơ hội cho quả của nó được, vì không hội đủ điều kiện để cho bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả.

3- Upadhivipatti (thân thể không đầy đủ 5 giác quan): Chúng sinh có mắt mù, tai điếc, mũi bệnh, lưỡi đau, thân ốm yếu, tê liệt... là những điều kiện bất lợi, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả của nó, tùy theo mỗi giác quan.

Nếu chúng sinh là loài người, chư thiên trong các cõi trời dục giới, chư phạm thiên trong cõi trời sắc giới có đầy đủ các giác quan... là điều kiện thuận lợi, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) không có cơ hội cho quả của nó được, vì không phải là điều kiện để cho bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả.

4- Payogavipatti (sự tinh tấn trong ác pháp): Chúng sinh có sự tinh tấn trong mọi ác pháp: Tinh tấn trong thân hành ác, tinh tấn trong khẩu nói ác, tinh tấn trong ý nghĩ ác là những sự tinh tấn sai, bất chánh, tà tinh tấn thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả của nó.

Nếu chúng sinh có sự tinh tấn trong mọi thiện pháp: Tinh tấn trong thân hành thiện, tinh tấn trong khẩu nói thiện, tinh tấn trong ý nghĩ thiện... là những sự tinh tấn đúng, là chánh tinh tấn, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) không có cơ hội cho quả của nó được, vì không phải là điều kiện để cho bất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả.

* Tóm lại: Thiện nghiệpbất thiện nghiệp (ác nghiệp) cho quả trong các cõi như sau:

-  Chúng sinh đang sống trong cõi địa ngục, thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả, còn dục giới đại thiện nghiệp khó có cơ hội cho quả. Khi mãn quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong cõi địa ngục, được thoát ra khỏi cõi địa ngục; nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả, thì tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới khác; nếu dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả, thì tái sinh làm người (hoặc làm chư thiên).

Chúng sinh là chư thiên đang sống trong các cõi trời dục giới, thì chỉ có dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả mà thôi, còn bất thiện nghiệp (ác nghiệp) không có cơ hội cho quả. Đến khi mãn quả của dục giới đại thiện nghiệp; nếu dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả, thì tái sinh kiếp sau làm chư thiên trong cõi trời dục giới hoặc tái sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người. Nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả, thì tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

- Chúng sinh là chư Phạm thiên đang sống trong cõi trời sắc giới, trong cõi trời vô sắc giới, thì chỉ có thiện nghiệp có cơ hội cho quả mà thôi, còn bất thiện nghiệp (ác nghiệp) hoàn toàn không có cơ hội cho quả. Đến khi mãn quả của sắc giới thiện nghiệp hoặc vô sắc giới thiện nghiệp, thì chỉ có các thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi trời sắc giới, hoặc cõi trời vô sắc giới, hoặc cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới) mà thôi, tùy theo quả của thiện nghiệp. Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) hoàn toàn không có cơ hội cho quả của nó.

Chúng sinh là loài người đang sống trong cõi người, khi thì thiện nghiệp có cơ hội cho quả an lạc, khi thì bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả khổ, cứ như vậy cho đến khi chết. Sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, thì được tái sinh trở lại làm người, hoặc tái sinh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, hoặc tái sinh làm Phạm thiên trong cõi trời sắc giới, hoặc cõi trời vô sắc giới, hoàn toàn tùy thuộc vào quả của thiện nghiệp ấy. Nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, thì bị tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) tùy thuộc vào quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy.

Tất cả chúng sinh dù nhỏ dù lớn cũng đều bị chi phối do quả của nghiệp, tùy thuộc vào quả của nghiệp mà chính mình đã tạo.

Đức Phật đã dạy về nghiệp:

Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyānaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi”.

(Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp hoặc quả của bất thiện nghiệp ấy).

Nhận xét nghiệp và quả của nghiệp trong cõi người

Tất cả mọi chúng sinh trong ba giới bốn loài, trong vòng tử sinh luân hồi từ vô thủy cho đến kiếp hiện tại này, trải qua vô sô kiếp không sao kể xiết được. Mỗi chúng sinh nói chung, mỗi người nói riêng đã từng tạo và tích lũy vô số ác nghiệp và vô số thiện nghiệp.

Kiếp hiện tại này, chúng ta sinh làm người, điều đó chắc chắn là quả của đại thiện nghiệp mà chúng ta đã từng tạo trong những kiếp quá khứ; nhưng mỗi người trong chúng ta đã không giống nhau về tâm tính, đó cũng chắc chắn là mỗi người chúng ta đã tạo đại thiện nghiệp khác nhau, cho nên, quả của thiện nghiệp cũng khác nhau.

Trong vòng tử sinh luân hồi từ vô thủy cho đến kiếp hiện tại này, trải qua vô số kiếp, mỗi người chúng ta chắc chắn đã từng tạo và tích lũy vô số thiện nghiệp và vô số ác nghiệp.

Khi thì thiện nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện giới: Cõi người, hoặc cõi trời dục giới, hoặc cõi trời sắc giới, hoặc cõi trời vô sắc giới, tùy theo quả của mỗi thiện nghiệp ấy. Và khi thì thiện nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, hưởng mọi quả an lạc của đại thiện nghiệp ấy của ta.

Khi thì ác nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới: Cõi địa ngục, hoặc cõi atula, hoặc loài ngạ quỷ, hoặc loài súc sinh, tùy theo quả của ác nghiệp ấy. Và khi thì ác nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, chịu mọi quả khổ của ác nghiệp ấy của ta.

Tác ý tâm sởnghiệp: Tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm) gọi là 12 ác nghiệp. Tác ý tâm sở đồng sinh với 21 thiện tâm gọi là 21 thiện nghiệp.

Như vậy, 12 ác nghiệp21 thiện nghiệp thuộc về danh pháp đó là tâm sở. Nếu khi người nào đã tạo ác nghiệp nào hoặc thiện nghiệp nào xong rồi, thì ác nghiệp ấy hoặc thiện nghiệp ấy được lưu trữ, được tích lũy trong tâm của chủ nhân từ đời này sang đời khác, từ kiếp này sang kiếp khác, được giữ gìn nguyên vẹn không bao giờ bị thất lạc, bị mất mát, bị giảm bớt một chút nào cả.

Nếu khi ác nghiệp nào có cơ hội sinh quả của nó, thì chủ nhân phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy dưới hình thức này hoặc hình thức khác, tùy theo năng lực quả của ác nghiệp ấy.

Ví dụ: Ngài Đại đức Mahāmoggallāna - Bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn xuất sắc nhất về thần thông trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, thế mà nhóm ngoại đạo thuê mướn bọn cướp đến đánh đập Ngài đến tan xương nát thịt; chúng tưởng Ngài đã chết, đem bỏ xác Ngài trong bụi rồi bỏ đi, Ngài dùng thần thông bay về đảnh lễ Đức Phật, xin phép tịch diệt Niết Bàn.

Ngài Đại đức Mahāmoggallāna bị bọn cướp đánh đập đến chết, đó là quả của ác nghiệp mà trong tiền kiếp xa xưa Ngài đã từng đánh đập cha mẹ đui mù của mình đến chết rồi bỏ xác trong rừng.

Kiếp hiện tại dù Ngài là bậc Thánh Arahán và còn là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn xuất sắc nhất về thần thông, nhưng Ngài vẫn không tránh được quả của ác nghiệp giết cha mẹ đui mù của mình, mà Ngài đã từng tạo trong tiền kiếp xa xưa ấy (trong bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā).

Đức Phật Gotama của chúng ta, Ngài vẫn còn phải chịu 12 quả của ác nghiệp mà Ngài đã từng tạo trong những kiếp quá khứ, khi Ngài còn là Đức Bồ Tát (trong bộ Apadāna).

Như vậy, ác nghiệp và quả của ác nghiệp rất công bình, không hề thiên vị một ai cả. Nếu khi ác nghiệp có cơ hội cho quả thì dù Đức Phật, chư Thánh Arahán cũng không tránh khỏi, huống hồ gì mỗi người trong chúng ta.

Nếu khi thiện nghiệp nào có cơ hội sinh quả của nó, thì chủ nhân được hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy dưới hình thức này hoặc hình thức khác, tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy.

Ví dụ: Những tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Đức Bồ Tát, Ngài đã từng phát nguyện trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác để tế độ chúng sinh, rồi Ngài đã từng tạo các pháp hạnh ba-la-mật suốt 7 a-tăng-kỳ. Đến thời kỳ Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama phát nguyện ra bằng lời để chúng sinh biết rõ ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Ngài, rồi Ngài đã từng tạo các pháp hạnh ba-la-mật suốt 9 a-tăng-kỳ. Đến thời kỳ Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha (tiền kiếp của Đức Phật Gotama) được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, Ngài sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama.

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha vô cùng hoan hỷ tiếp tục tạo bồi bổ 30 pháp hạnh ba-la-mật cho tròn đủ, suốt thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất.

Đến kiếp chót Đức Bồ Tát đầu thai vào lòng bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī của Đức vua Suddhodana, khi Đức Bồ Tát đản sinh được đặt tên là Thái tử Siddhattha. Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha có đầy đủ 32 tướng tốt của Bậc Đại Nhân và 80 tướng tốt phụ, đó là quả của các thiện nghiệp pháp hạnh ba-la-mật mà Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha (tiền kiếp của Đức Phật Gotama) đã từng tạo trong những tiền kiếp quá khứ.

Năm 29 tuổi, Đức Bồ Tát Siddhattha xuất gia, năm tròn 35 tuổi, Đức Bồ Tát Siddhattha thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, đặc biệt diệt đoạn tuyệt được mọi tiền khiên tật, trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên trên toàn cõi thế giới chúng sinh, đồng thời trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama vào cuối đêm rằm tháng tư âm lịch.

Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật Gotama đó là quả của các thiện nghiệp 30 pháp hạnh ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn của Ngài.

Các hàng Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật từ bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh Arahán, đó cũng là quả của các thiện nghiệp 10 pháp hạnh ba-la-mật của mỗi hàng Thánh Thanh Văn ấy.

Ông phú hộ Anathapiṇḍika, bà đại thí chủ Visākhā mahā upāsikā v.v... đó cũng là quả của thiện nghiệp bố thí mà họ đã tạo trong những kiếp quá khứ.

Chánh kiến về nghiệp của ta

Các hàng Thanh Văn đệ tử Đức Phật là bậc thiện trí có chánh kiến về nghiệp của mình (kammassakatā sammādiṭṭhi) nên có nhận thức đúng đắn và công bình:

Khi hưởng được những sự an lạc hạnh phúc, có được những điều tốt lành trong đời, thì nên có nhận thức đúng đắn rằng: Đó là quả tốt của đại thiện nghiệp mà mình đã tạo.

Phải chịu những cảnh khổ, gặp những điều bất hạnh trong đời, thì nên có nhận thức đúng đắn rằng: Đó là quả xấu của ác nghiệp mà mình đã tạo.

* Nhận thức đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp:

Nếu khi ta đang hưởng được sự giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng v.v... những điều tốt lành trong đời, thì ta có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp của mình, cho nên ta không dể duôi trong mọi thiện pháp, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp để nâng đỡ cuộc đời của ta càng thêm cao quý.

Nếu khi ta đang chịu những cảnh khổ, gặp những điều bất hạnh trong đời, thì ta cũng có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp của mình, cho nên ta không than thân trách phận, không hề trách cứ một ai; ta không dể duôi trong mọi thiện pháp, mà quyết tâm tránh xa mọi ác nghiệp, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp để cứu giúp ta thoát khỏi cảnh khổ.

* Đức tính công bằng của nghiệp và quả của nghiệp:

Nếu khi thiện nghiệp của ta có cơ hội cho quả tốt, quả an lạc, thì ta hoan hỷ thừa hưởng quả của thiện nghiệp ấy của ta; và nếu khi ác nghiệp của ta có cơ hội cho quả xấu, quả khổ, thì ta cũng nhẫn nại chịu đựng quả của ác nghiệp ấy của ta; với thiện tâm trong sáng, không hề than thân trách phận, cũng không trách cứ một ai cả. Đó là do có chánh kiến về nghiệp của mình.

Các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật là bậc thiện trí có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp của mình, tự làm chủ bên trong tâm của mình, không để bị chi phối bởi các đối tượng bên ngoài, có thiện tâm trong sáng chủ động điều khiển thân, khẩu, ý thực hành theo thiện pháp. Như vậy, chúng ta sống được an nhiên tự tại trong cuộc đời này.

Quả khổ của ác nghiệp - Quả an lạc của thiện nghiệp

Tích Đức vua Bồ Tát Nemirājā là tiền kiếp của Đức Phật Gotama trong bộ Jātaka, được tóm lược như sau:

Đức vua Bồ Tát Nemirājā trị vì xứ Vedeha ngự tại kinh thành Mithilā.

Đức vua trời Sakka cõi Tam Thập Tam Thiên truyền lệnh vị thiên nam Mātali đánh chiếc xe ngựa gồm 1.000 con ngựa từ cõi trời Tam Thập Tam Thiên xuống thỉnh Đức vua Bồ Tát Nemirājā lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên để Đức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên được diện kiến Đức vua Bồ Tát Nemirājā.

Vị thiên nam Mātali tuân theo lệnh của Đức vua trời Sakka, đánh chiếc xe ngựa gồm 1.000 con ngựa hiện xuống tâu với Đức vua Bồ Tát Nemirājā rằng:

Tâu Bệ hạ, hạ thần kính thỉnh Bệ hạ ngự lên chiếc xe ngựa trời của Đức vua Sakka. Đức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên muốn diện kiến Bệ hạ tại hội trường Suddhammasabhā.

Đức vua Bồ Tát Nemirājā ngự lên chiếc xe ngựa trời xong, vị thiên nam Mātali bèn tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, hạ thần đánh chiếc xe ngựa này thỉnh Bệ hạ đi con đường nào trong hai con đường:

- Một con đường, Bệ hạ có thể nhìn thấy chúng sinh đã từng tạo ác nghiệp, nay họ đang chịu quả khổ của ác nghiệp ấy.

- Một con đường, Bệ hạ có thể nhìn thấy chúng sinh đã từng tạo thiện nghiệp, nay họ đang hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy.

Đức vua Bồ Tát Nemirājā truyền dạy rằng:

- Này Mātali, nhà ngươi hãy đưa Trẫm đi xem cả hai con đường ấy!

- Tâu Bệ hạ, hạ thần sẽ đánh xe đưa Bệ hạ ngự theo con đường nào trước?

- Này Mātali, nhà ngươi hãy đánh xe đưa Trẫm đi theo con đường của những chúng sinh đã từng tạo ác nghiệp trước, để Trẫm nhìn thấy quả của ác nghiệp.

* Con đường của những chúng sinh đã tạo ác nghiệp

Tuân theo lệnh của Đức vua Bồ Tát Nemirājā, vị thiên nam Mātali đánh xe đưa Đức vua Bồ Tát Nemirājā đi xem con sông Vetaraṇī (con sông khó vượt qua khỏi), nước sông có vị cay, nước sôi sùng sục bốc hơi lên nghi ngút.

Nhìn thấy các chúng sinh địa ngục đang chịu quả khổ chìm đắm trong con sông Vetaraṇī này, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ chìm đắm trong con sông Vetaraṇī này như vậy?

Vị thiên nam Mātali tâu với Đức vua Bồ Tát Nemirājā rằng:

-  Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào có quyền lực, có sức mạnh ức hiếp, đàn áp, hành hạ làm khổ người dân lành, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục có con sông Vetaraṇī này, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy những con chó màu vàng, con chó màu đốm, bầy quạ, bầy diều, bầy kên kên... hung dữ xúm nhau cắn xé, mổ ăn thịt những chúng sinh địa ngục ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

-  Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị bầy chó màu vàng, chó màu đốm, bầy quạ, bầy diều, bầy kên kên... hung dữ xúm nhau cắn xé, mổ ăn thịt như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào có tính bủn xỉn keo kiệt của cải của mình, thường chửi rủa, mắng nhiếc Samôn, Bàlamôn có giới đức, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, nên bị bầy chó màu vàng, chó màu đốm, bầy quạ, bầy diều, bầy kên kên... hung dữ xúm nhau cắn xé, mổ ăn thịt như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy những chúng sinh địa ngục có thân hình cháy đen, phải đi lại trên tấm sắt cháy nóng, bị Chúa địa ngục đánh đập bằng cây sắt nóng, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ có thân hình cháy đen, phải đi lại trên tấm sắt cháy nóng, bị Chúa địa ngục đánh đập bằng cây sắt nóng như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào thường chửi rủa, mắng nhiếc người có giới đức, có thiện pháp, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, có thân hình cháy đen, phải đi lại trên tấm sắt cháy nóng, bị Chúa địa ngục đánh đập bằng cây sắt nóng như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy những chúng sinh địa ngục bị thiêu đốt nóng bỏng, khóc than rên xiết trong hầm lửa, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị thiêu đốt nóng bỏng, khóc than rên xiết trong hầm lửa như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào hay bịa đặt chuyện dối trá để lường gạt lấy của cải, tài sản của người khác, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, bị thiêu đốt nóng bỏng, khóc than rên xiết trong hầm lửa như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy chúng sinh địa ngục trong nồi đồng sôi sùng sục, lửa cháy sáng rực; những chúng sinh trong nồi đồng sôi bị nhào lên nhào xuống, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ trong địa ngục nồi đồng sôi, bị nhào lên nhào xuống như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào thường chửi rủa, mắng nhiếc bậc Samôn, bậc Bàlamôn có giới đức, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục nồi đồng sôi, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, bị nhào lên nhào xuống trong địa ngục nồi đồng sôi như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy Chúa địa ngục cột cổ chúng sinh địa ngục bằng sợi dây sắt, rồi chặt đầu ném xuống chảo dầu sôi, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị cột cổ, rồi chặt đầu ném xuống chảo dầu như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào làm nghề săn bắn thú rừng, săn bắn chim..., rồi giết bán thịt để nuôi mạng, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, bị Chúa địa ngục cột cổ bằng sợi dây sắt, rồi chặt đầu ném xuống chảo dầu sôi như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy con sông sâu đầy nước, bờ bến thoai thoải, những chúng sinh địa ngục bị thiêu đốt nóng nảy, khát nước đi xuống sông tìm nước uống, những chúng sinh địa ngục ấy bước đến nơi nào, thì nước sông biến mất trở thành cát sạn, lúa lép, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ khát nước, đi xuống sông tìm nước uống, thì nước sông biến mất trở thành cát sạn, lúa lép như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào buôn bán lường gạt, đem cát sạn và lúa lép trộn chung với lúa chắc để bán cho người khác, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ thiêu đốt, khát nước, đi xuống sông tìm nước uống, thì nước sông biến mất trở thành cát sạn, lúa lép như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy Chúa địa ngục dùng giáo, gươm đâm vào thân hình của chúng sinh địa ngục, chúng sinh địa ngục phải chịu đau khổ, nằm quằn quại rên xiết, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị Chúa địa ngục dùng giáo, gươm đâm vào thân hình, phải chịu đau khổ, nằm quằn quại rên xiết như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào làm nghề trộm cắp của cải, tài sản, trâu bò... của người khác để nuôi mạng, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp trộm cắp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, phải chịu quả khổ bị Chúa địa ngục dùng giáo, gươm đâm vào thân hình, phải chịu đau khổ, nằm quằn quại rên xiết như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy một số chúng sinh bị Chúa địa ngục cột treo cổ; một số chúng sinh bị Chúa địa ngục chặt thân hình ra thành nhiều đoạn..., Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị Chúa địa ngục cột treo cổ, bị Chúa địa ngục chặt thân hình ra thành nhiều đoạn..., như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào làm nghề sát sinh giết gà, giết vịt, giết heo, giết bò, giết trâu... để bán thịt nuôi mạng, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, phải chịu quả khổ bị Chúa địa ngục cột treo cổ, bị Chúa địa ngục chặt thân hình ra thành nhiều đoạn..., như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy ao nước đầy phẩn và nước tiểu dơ dáy, có mùi hôi thối khó chịu, chúng sinh địa ngục đói khát phải ăn phẩn, uống nước tiểu dơ dáy, hôi thối ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ đói khát phải ăn phẩn, uống nước tiểu dơ dáy, hôi thối như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào thường hay làm khổ người khác, làm khổ chúng sinh khác, đã tạo ác nghiệp ấy; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, phải chịu quả khổ đói khát phải ăn phẩn, uống nước tiểu dơ dáy, hôi thối như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy ao nước đầy máu và mủ dơ dáy, hôi thối khó chịu, những chúng sinh địa ngục bị thiêu đốt, khát nước phải uống máu mủ dơ dáy, hôi thối ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị thiêu đốt, đói khát, phải uống máu mủ dơ dáy, hôi thối như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, đã tạo ác nghiệp vô gián trọng tội ấy; sau khi những người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp vô gián trọng tội chỉ cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục Avīci chịu thiêu đốt, đói khát phải uống máu mủ dơ dáy, hôi thối như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy Chúa địa ngục dùng lưỡi câu móc lưỡi của những chúng sinh địa ngục; dùng câu sắt móc thịt, lột da rồi đặt nằm lăn lóc; chúng sinh địa ngục khóc than, rên la thảm thiết như con cá bỏ trên bờ, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

-  Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị Chúa địa ngục dùng lưỡi câu móc lưỡi, dùng câu sắt móc thịt, lột da rồi đặt nằm lăn lóc. Chúng sinh địa ngục khóc than, rên la thảm thiết như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào có thế lực mua bán đồ đạc có tính cách gian trá, che giấu sự gian trá của mình bằng lời nói ngon ngọt, như người câu cá móc miếng mồi nhỏ vào lưỡi câu để lừa cho cá ăn nuốt vào miệng bị mắc lưỡi câu, đã tạo ác nghiệp lừa dối; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, bị Chúa địa ngục dùng lưỡi câu móc lưỡi, dùng câu sắt móc thịt, lột da rồi đặt nằm lăn lóc. Chúng sinh địa ngục khóc than, rên la thảm thiết như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy những chúng sinh đàn bà địa ngục có thân hình bị nứt nẻ đầy máu mủ, ruồi bâu quanh mình đáng ghê tởm; một số đàn bà địa ngục khác bị chôn vùi đến thắt lưng, có 4 hòn núi lửa cháy ngùn ngụt từ 4 hướng lăn đến đè nát những đàn bà địa ngục ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ có thân hình bị nứt nẻ đầy máu mủ, ruồi bâu quanh mình đáng ghê tởm; một số đàn bà địa ngục khác bị chôn vùi đến thắt lưng, có 4 hòn núi lửa cháy ngùn ngụt từ 4 hướng lăn đến đè nát như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người đàn bà nào phạm giới tà dâm với người đàn ông khác (không phải là chồng của mình); hoặc những người đàn bà làm nghề mại dâm, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, đã tạo ác nghiệp tà dâm; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ có thân hình bị nứt nẻ đầy máu mủ, ruồi bâu quanh mình đáng ghê tởm; một số đàn bà địa ngục khác bị chôn vùi đến thắt lưng, có 4 hòn núi lửa cháy ngùn ngụt từ 4 hướng lăn đến đè nát  như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy Chúa địa ngục nắm hai chân chúng sinh địa ngục đưa lên cao, đầu chúc xuống dưới, rồi ném vào hầm địa ngục lửa, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị Chúa địa ngục nắm hai chân đưa lên cao, đầu chúc xuống dưới, rồi bị ném vào hầm địa ngục lửa như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người đàn ông nào dụ dỗ, lường gạt vợ của người đàn ông khác, rồi phạm giới tà dâm với vợ của người khác, đã tạo ác nghiệp tà dâm; sau khi những người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, bị Chúa địa ngục nắm hai chân đưa lên cao, đầu chúc xuống dưới, rồi bị ném vào hầm địa ngục lửa như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy những chúng sinh trong các cõi địa ngục lớn và nhỏ, những chúng sinh địa ngục ấy chịu quả khổ bị hành hạ vô cùng đau khổ, không sao tả được, Đức vua Bồ Tát Nemirājā kinh sợ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, những chúng sinh ấy đã từng tạo ác nghiệp nào trong kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này phải chịu quả khổ bị hành hạ vô cùng đau khổ, không sao tả được như vậy?

- Tâu Bệ hạ, khi sống trong cõi người, những người nào không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi, đã phạm giới, phá giới, đã tạo mọi ác nghiệp khác nhau,ác nghiệp nặng hoặc nhẹ khác nhau; do đó, sau khi những người ấy chết, nếu có ác nghiệp nặng thì cho quả tái sinh trong cõi địa ngục lớn, chịu quả khổ nhiều và thời gian lâu dài; hoặc nếu có ác nghiệp nhẹ thì cho quả tái sinh trong cõi địa ngục nhỏ, chịu quả khổ ít và thời gian không lâu. Tâu Bệ hạ!

* Con đường của những chư thiên đã tạo thiện nghiệp

Tâu Bệ hạ, hạ thần đưa Bệ hạ đi theo con đường lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên, để Bệ hạ nhìn thấy chư thiên đang hưởng quả an lạc của thiện nghiệp.

Nhìn thấy một lâu đài có 5 đỉnh được phát sinh do thiện nghiệp thật nguy nga tráng lệ. Một nàng thiên nữ xinh đẹp có nhiều oai lực, trang điểm những đồ trang sức quý giá đang ngồi trong lâu đài, có nhiều thiên nữ xinh đẹp hầu hạ, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, nàng thiên nữ này đã từng tạo thiện nghiệp như thế nào trong tiền kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này, nàng thiên nữ ấy được hưởng quả an lạc trong cõi trời dục giới có lâu đài 5 đỉnh thật nguy nga tráng lệ, có nhiều thiên nữ hầu hạ như thế này?

- Tâu Bệ hạ, nàng thiên nữ ấy tên là Biranī, tiền kiếp của nàng khi sống trong cõi người là người cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, có đức tin nơi Tam Bảo, có ngũ giới trong sạch; là con gái của người tớ gái trong nhà Bàlamôn. Một hôm, nhìn thấy vị Tỳ khưu đến đứng trước cổng nhà khất thực, người cận sự nữ này thỉnh vị Tỳ khưu vào nhà, rồi cung kính cung dường vật thực đến vị Tỳ khưu, với thiện tâm vô cùng hoan hỷ, đã tạo thiện nghiệp bố thí ấy. Sau khi người cận sự nữ ấy chết, thiện nghiệp bố thí ấy cho quả tái sinh làm thiên nữ trong lâu đài 5 đỉnh thật nguy nga tráng lệ được phát sinh do thiện nghiệp, nàng thiên nữ hưởng mọi quả an lạc của thiện nghiệp của mình như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy lâu đài có 7 đỉnh thật nguy nga tráng lệ, có ánh sáng rực rỡ như mặt trời (được phát sinh do thiện nghiệp). Trong lâu đài ấy, một vị thiên nam có nhiều oai lực, trang điểm những đồ quý giá đang ngồi, có số đông thiên nữ xinh đẹp ca hát, nhảy múa, hầu hạ vị thiên nam ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, vị thiên nam này đã từng tạo thiện nghiệp như thế nào trong tiền kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này, vị thiên nam ấy được hưởng quả an lạc trong cõi trời dục giới có lâu đài 7 đỉnh thật nguy nga tráng lệ, vị thiên nam có nhiều oai lực, có số đông thiên nữ xinh đẹp ca hát, nhảy múa, hầu hạ suốt ngày đêm như vậy?

- Tâu Bệ hạ, vị thiên nam ấy tên là Soṇadinna, tiền kiếp của vị thiên nam khi sống trong cõi người là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, có đức tin nơi Tam Bảo, có ngũ giới trong sạch;người thí chủ xây cất 7 cái cốc dâng cúng dường đến chư Đại đức Tăng, và hằng ngày hộ độ các thứ vật dụng cần thiết đến chư Đại đức Tăng như vật thực, y phục, thuốc trị bệnh... Đặc biệt người cận sự nam thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng v.v..., đã tạo nhiều thiện nghiệp. Cho nên, sau khi người cận sự nam ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam trong cõi trời dục giới có lâu đài 7 đỉnh thật nguy nga tráng lệ, vị thiên nam có nhiều oai lực, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy có số đông thiên nữ xinh đẹp ca hát, nhảy múa, hầu hạ suốt ngày đêm như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy lâu đài rất đẹp đẽ, nguy nga tráng lệ (được phát sinh do thiện nghiệp), có số đông thiên nữ điểm trang bằng những nữ trang quý giá rất lộng lẫy đang ca hát, nhảy múa rất vui vẻ, có ánh sáng tỏa ra từ vách ngọc, có đầy đủ món ngon vật lạ..., Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, tiền kiếp của những thiên nữ ấy đã từng tạo thiện nghiệp như thế nào, mà kiếp hiện tại này, họ được hưởng những quả an lạc trong cõi trời dục giới này như vậy?

- Tâu Bệ hạ, tiền kiếp của những thiên nữ ấy khi sống trong cõi người, họ là những người cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, có đức tin nơi Tam Bảo, có ngũ giới trong sạch, hoan hỷ trong phước thiện bố thí, thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, có tính không dể duôi trong mọi thiện pháp, đã tạo mọi thiện nghiệp. Cho nên sau khi những người cận sự nữ ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả đều được tái sinh làm các thiên nữ xinh đẹp, có lâu đài đẹp đẽ, nguy nga tráng lệ được hưởng những quả an lạc trong cõi trời dục giới ấy như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy lâu đài rất xinh đẹp, có ánh sáng tỏa ra từ vách tường tại nơi cảnh trí thật ngoạn mục (được phát sinh do thiện nghiệp). Vị thiên nam đang ngồi trong lâu đài thưởng thức những tiếng nhạc trời, nhìn các thiên nữ điểm trang lộng lẫy ca hát, nhảy múa, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, tiền kiếp của vị thiên nam này đã từng tạo thiện nghiệp như thế nào, mà kiếp hiện tại này, được hưởng những quả an lạc trong cõi trời dục giới này như vậy?

- Tâu Bệ hạ, tiền kiếp của vị thiên nam ấy khi sống trong cõi người, là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, có đức tin nơi Tam Bảo, có ngũ giới trong sạch,người không dể duôi trong mọi thiện pháp, đã xây cất chỗ ở rồi dâng cúng đến chư Đại đức Tăng, đào giếng nước, làm cầu bắc qua sông để mọi người đi lại thuận tiện. Hằng ngày, người cận sự nam hộ độ các thứ vật dụng cần thiết như vật thực, y phục, thuốc trị bệnh... đến chư Đại đức Tăng. Đặc biệt người cận sự nam thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng v.v... không dể duôi trong mọi thiện nghiệp. Cho nên sau khi người cận sự nam ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam trong lâu đài xinh đẹp, được hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy lâu đài thật nguy nga tráng lệ, ở giữa 2 con sông có 2 cái cầu bắc qua sông, hai bên bờ sông nhiều loại hoa có màu sắc xinh đẹp (được phát sinh do thiện nghiệp). Trong lâu đài ấy, một vị thiên nam có số đông thiên nữ xinh đẹp hầu hạ, vị thiên nam ấy đang ngồi thưởng thức những tiếng nhạc trời, nhìn các thiên nữ xinh đẹp lộng lẫy ca hát, nhảy múa, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, tiền kiếp của vị thiên nam ấy đã từng tạo thiện nghiệp như thế nào, mà kiếp hiện tại này, được hưởng những quả an lạc trong cõi trời dục giới ấy như vậy?

- Tâu Bệ hạ, tiền kiếp của vị thiên nam ấy khi sống trong cõi người, là người cận sự nam trong xứ Mithila đã quy y Tam Bảo, có đức tin nơi Tam Bảo, có ngũ giới trong sạch và đầy đủ,thí chủ xây cất một ngôi chùa rồi dâng cúng đến chư Đại đức Tăng, đào giếng nước, đặc biệt đào 2 hồ nước dài ở trước và sau chùa, làm 2 cái cầu đi qua chùa. Hằng ngày, người cận sự nam hộ độ các thứ vật dụng cần thiết như vật thực, y phục, thuốc trị bệnh... đến chư Đại đức Tăng. Đặc biệt người cận sự nam thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng v.v... không dể duôi trong mọi thiện nghiệp. Cho nên sau khi người cận sự nam ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam trong cõi trời dục giới, được hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy như vậy. Tâu Bệ hạ!

Nhìn thấy lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ, màu vàng sáng ngời như mặt trời mọc (được phát sinh do thiện nghiệp). Một vị thiên nam có nhiều oai lực, có số đông thiên nữ xinh đẹp hầu hạ, ca múa, nhảy hát... an hưởng quả an lạc trong cõi trời dục giới ấy, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, tiền kiếp của vị thiên nam ấy đã từng tạo thiện nghiệp như thế nào, mà kiếp hiện tại này, được hưởng những quả an lạc trong cõi trời dục giới ấy như vậy?

- Tâu Bệ hạ, tiền kiếp của vị thiên nam ấy khi sống trong cõi người, là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, có đức tin nơi Tam Bảo, có ngũ giới hoàn toàn trong sạch và đầy đủ, đã từng nghe chánh pháp mà Đức Phật tế độ chúng sinh, người cận sự nam ấy đã thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, có đức tin vững chắc không lay chuyển. Sau khi bậc Thánh Nhập Lưu ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm chư thiên trong lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ, được hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy như vậy. Tâu Bệ hạ!

- Tâu Bệ hạ, Bệ hạ đã nhìn thấy những chúng sinh trong các cõi địa ngục, họ chịu những quả khổ của ác nghiệp mà họ đã tạo trong những kiếp quá khứ. Và Bệ hạ đã nhìn thấy những chư thiên trong các cõi trời dục giới, họ được hưởng những quả an lạc của thiện nghiệp mà họ đã tạo trong những kiếp quá khứ.

- Tâu Bệ hạ, hạ thần xin kính thỉnh Bệ hạ ngự lên lâu đài của Đức vua trời Sakka cõi Tam Thập Tam Thiên. Đức vua trời Sakka cùng chư thiên đang chờ đón rước Bệ hạ tại hội trường Suddhammasabhā để diện kiến Bệ hạ.

Đức vua Bồ Tát Nemirājā ngự trên thiên xa có 1.000 (một ngàn) con ngựa quý kéo, Đức vua Bồ Tát nhìn thấy dãy núi bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, dãy núi ấy có tên gọi là gì?

- Tâu Bệ hạ, dãy núi này gồm có tất cả 7 hòn núi lớn, mỗi hòn có mỗi tên gọi là: Hòn núi Suddassana, hòn núi Karavika, hòn núi Vinataka, hòn núi Isindhara, hòn núi Yugandhara, hòn núi Nemindara và hòn núi Assakaṇṇa. 7 hòn núi cao lớn theo tuần tự ở giữa đại dương Sidantara là cõi trời Tứ Đại Thiên Vương.

Nhìn thấy cái cửa ra vào chạm trổ những hình ảnh rất đẹp, có gương mặt lạ thường như hình ảnh Đức vua trời Inda và các chư thiên hầu hạ trong bối cảnh rừng núi trùng điệp thật ngoạn mục tuyệt vời, Đức vua Bồ Tát Nemirājā cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, cửa ra vào ấy có tên gọi là gì?

- Tâu Bệ hạ, cửa ra vào ấy có tên gọi là Cittakūṭa (ngự ra vào của Đức vua), cửa này là cửa chính vào cung điện lâu đài của Đức vua trời Sakka. Cung điện của Đức vua trời Sakka tọa lạc trên đỉnh núi Sineru (Tu Di Sơn) hùng vĩ lạ thường.

- Tâu Bệ hạ, kính thỉnh Bệ hạ ngự đến cảnh giới bằng phẳng này.

Đức vua Bồ Tát Nemirājā ngự trên thiên xa có 1.000 (một ngàn) con ngựa quý kéo đến hội trường lớn của cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Nhìn thấy hội trường to lớn xinh đẹp lạ thường, vách ngọc tỏa ra ánh sáng trong xanh như da trời vào thu, Đức vua Bồ Tát cảm thấy hoan hỷ bèn hỏi vị thiên nam Mātali rằng:

- Này Mātali, hội trường to lớn xinh đẹp tuyệt vời ấy có tên gọi là gì?

- Tâu Bệ hạ, hội trường to lớn xinh đẹp tuyệt vời ấy có tên gọi là Suddhammasabhā có vách bằng ngọc quý tỏa ra ánh sáng màu xanh trong trẻo lạ thường, các cây cột có 8 cạnh bằng ngọc quý được phát sinh do từ thiện nghiệp. Hội trường này là nơi tụ hội của tất cả chư thiên cõi Tam Thập Tam Thiên có Đức vua trời Sakka chủ trì, thường bàn luận về sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc của chư thiên và nhân loại.

- Tâu Bệ hạ, kính thỉnh Bệ hạ ngự theo con đường này vào hội trường Suddhammasabhā. Đức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên đang chờ đón tiếp, diện kiến Bệ hạ.

Nhìn thấy Đức vua Bồ Tát Nemirājā đang ngự vào hội trường Suddhamma, Đức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên ngự ra hoan hỷ đón tiếp, diện kiến Đức vua Bồ Tát Nemirājā.

Đức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên vô cùng hoan hỷ đồng thanh tán dương chúc tụng Đức vua Bồ Tát Nemirājā rằng:

- Đức vua Bồ Tát Nemirājā trường thọ!

Đức vua trời Sakka thỉnh Đức vua Bồ Tát Nemirājā ngự vào hội trường Suddhamma, thỉnh Đức vua Bồ Tát Nemirājā ngự trên ngai vàng cao quý, Đức vua trời Sakka ngự bên cạnh, rất thân mật và tôn kính, bèn tâu với Đức vua Bồ Tát Nemirājā rằng:

- Tâu Bệ hạ, Bệ hạ ngự đến cõi trời này thật vô cùng hy hữu, Bổn vương cùng tất cả chư thiên trong cõi trời này rất diễm phúc được diện kiến Bệ hạ. Bổn vương kính thỉnh Bệ hạ thọ hưởng sự an lạc ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên này.

Đức vua Bồ Tát Nemirājā đáp rằng:

- Tâu Đức vua trời Sakka, Bổn vương không thỏa thích hưởng quả an lạc của thiện nghiệp người khác, bởi vì sự an lạc ấy ví như là đồ mướn của người khác. Cho nên, Bổn vương cần phải nên tự mình tạo mọi thiện nghiệp, rồi sẽ hưởng quả an lạc của thiện nghiệp mà chính mình đã tạo.

Vị thiên nam Mātali đã đưa Bổn vương đi xem các cảnh địa ngục, nơi mà những chúng sinh địa ngục phải chịu quả khổ đau, bởi do ác nghiệp mà họ đã tạo trong những kiếp quá khứ. Và vị thiên nam Mātali đã đưa Bổn vương đi xem cảnh lâu đài nguy nga tráng lệ của chư thiên được phát sinh do từ thiện nghiệp của mỗi vị thiên nam hoặc thiên nữ, mà họ đã tạo thiện nghiệp ấy trong những kiếp quá khứ.

Khi về cõi người, Bổn vương sẽ cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp như bố thí, giữ gìn giới cho được trong sạch và đầy đủ, hành thiền, tạo các pháp hạnh ba-la-mật v.v... Bởi vì, chỉ có thiện nghiệp mới cho quả an lạc mà thôi.

Đức vua Bồ Tát Nemirājā ngự tại kinh thành Mithilā trị vì xứ Vedeha, thần dân thiên hạ được sống an lành thịnh vượng.

Một hôm, nhìn thấy trên đầu có sợi tóc bạc Đức vua Bồ Tát Nemirājā hội triều rồi truyền dạy các quan cùng thần dân trong xứ Vedeha rằng:

- Tóc trên đầu Trẫm đã có tóc bạc rồi, thời trẻ trung đã qua, thời lão niên đã hiện rõ. Ngay bây giờ, Trẫm nên đi xuất gia, từ bỏ ngai vàng để lại cho các người.

Đức vua Bồ Tát Nemirājā làm lễ bố thí, rồi đi vào rừng xuất gia trở thành Đạo sĩ, giữ gìn giới trong sạch và đầy đủ, thực hành pháp hạnh cao thượng cho đến hết tuổi thọ.

* Tích vị Đạo sĩ Saṅkicca

Trong tích vị Đạo sĩ Saṅkicca, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, có trích một đoạn nói về quả khổ của ác nghiệp, được tóm lược như sau:

Đức vua Brahmadata đang ngự tại kinh thành. Một hôm, Đức vua Brahmadata đến hầu đảnh lễ vị Đạo sĩ Saṅkicca, bèn bạch hỏi vị Đạo sĩ Saṅkicca về ác nghiệp quả khổ của ác nghiệp như thế nào? Và thiện nghiệpquả an lạc thiện nghiệp như thế nào?

Vị Đạo sĩ Saṅkicca thuyết giảng dạy Đức vua Brahma-data về ác nghiệp tà dâmquả của ác nghiệp tà dâm như sau:

- Thưa Đại vương, những người đàn bà nào đã có chồng rồi, lén lút quan hệ, ngoại tình với người đàn ông khác, phạm điều giới tà dâm. Và những người đàn ông nào đã có vợ rồi, lén lút quan hệ tình dục với đàn bà khác, phạm điều giới tà dâm. Sau khi những người ấy chết, ác nghiệp tà dâm ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục. Hằng ngày đêm, chúng sinh địa ngục ấy bị thiêu đốt, bị những gai bằng sắt đâm vào thân mình, bị Chúa địa ngục dùng lưỡi giáo đâm thân hình từ bên này thủng sang bên kia, rồi lại đâm từ thân hình bên kia thủng qua bên này; Chúa địa ngục nắm hai chân đưa lên trên, cái đầu chúc xuống, rồi ném chúng sinh địa ngục ấy vào địa ngục nồi đồng sôi có sức nóng cao độ. Những chúng sinh địa ngục ấy nhào lên rồi nhào xuống ví như hạt gạo trong nồi cháo lỏng đang sôi. Suốt thời gian lâu dài chúng sinh địa ngục ấy phải chịu quả khổ của ác nghiệp tà dâm mà họ đã tạo.

- Thưa Đại vương, những người mẹ nào phá thai giết hại con của mình, sau khi những người mẹ ấy chết, ác nghiệp sát sinh giết con cho quả tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục dao đâm bén nhọn đâm vào thân hình của chúng sinh địa ngục ấy suốt ngày đêm trải qua thời gian lâu dài cho đến khi thoát ra khỏi địa ngục dao đâm bén nhọn, rồi Chúa địa ngục ném chúng sinh địa ngục ấy xuống con sông Vetaraṇī nước sông có vị cay và nóng sôi; hai bên bờ sông đầy những gai bằng sắt nhọn dài đầu chỉa thẳng xuống sông, chúng sinh địa ngục này khó thoát ra khỏi, phải chịu quả khổ của ác nghiệp sát sinh phá thai giết hại con của mình suốt thời gian lâu dài.

- Trong đời này, những bậc thiện trí tin nghiệp và quả của nghiệp, tin rằng: “Ác nghiệp cho quả khổ, còn thiện nghiệp cho quả an lạc” hay nói cách khác: “Mọi  quả khổ do sinh từ ác nghiệp, mọi quả an lạc được sinh từ thiện nghiệp”. Do đó, bậc thiện trí là người có giới trong sạch và đầy đủ, tránh xa mọi ác nghiệp, cố gắng tinh tấn hành mọi thiện nghiệp để cho đời sống của mình càng ngày càng trở nên cao quý.

3. Rupāvacarakusalakamma: Sắc giới thiện nghiệp

Phần 10 dục giới đại thiện nghiệpquả của 10 dục giới đại thiện nghiệp đã giải thích xong, tiếp theo giải thích sắc giới thiện nghiệpquả của sắc giới thiện nghiệp.

Trong quyển sách này chỉ trình bày, giải thích nghiệp và quả của nghiệp, cho nên, phần sắc giới thiện nghiệp này không trình bày phương pháp thực hành pháp hành thiền định để phát sinh các bậc thiền hữu sắc, mà chỉ trình bày, giải thích về sắc giới thiện nghiệp và quả của sắc giới thiện nghiệp mà thôi.

Phương pháp thực hành pháp hành thiền định để phát sinh các bậc thiền hữu sắc sẽ trình bày, giải thích trong chương 9 Nền Tảng Phật Giáo quyển 7 “Pháp Hành”.

Pháp hành có 2 loại: Pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ.

Sắc giới thiện nghiệp

Sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở (cetanācetasika) đồng sinh với 5 sắc giới thiện tâm, cho nên sắc giới thiện nghiệp có 5 loại.

5 sắc giới thiện nghiệp không phát sinh nơi thân mônkhẩu môn, mà chỉ phát sinh nơi ý môn thuộc về ý thiện nghiệp mà thôi.

5 sắc giới thiện tâm đó là 5 bậc thiền hữu sắc phát sinh do nương nhờ nơi đề mục thiền định.

Pháp hành thiền định có 40 đề mục:

- 10 đề mục hình vòng tròn kasiṇa.

- 10 đề mục tử thi bất tịnh (asubha).

-10 đề mục tùy niệm (anussati).

- 4 đề mục tứ vô lượng tâm (appamaññā).

- 1 đề mục quán tưởng vật thực đáng nhờm (āhāre paṭikkūlasaññā).

- 1 đề mục tứ đại (catudhātuvavatthāna).

- 4 đề mục vô sắc (āruppa).

Trong 40 đề mục thiền định này, mỗi đề mục có tính chất thô hoặc vi tế khác nhau, dẫn đến sự chứng đắc bậc thiền hữu sắc khác nhau, được phân loại các đề mục thiền định như sau:

* 10 đề mục dẫn đến cận định (upacārasamādhi):

1. Đề mục niệm Ân đức Phật.

2. Đề mục niệm Ân đức Pháp.

3. Đề mục niệm Ân đức Tăng.

4. Đề mục niệm về giới trong sạch của mình.

5. Đề mục niệm về sự bố thí của mình.

6. Đề mục niệm 5 pháp của chư thiên ở trong mình.

7. Đề mục niệm về sự chết.

8. Đề mục trạng thái an lạc tịch tịnh của Niết Bàn.

9. Đề mục suy xét vật thực đáng nhờm.

10. Đề mục phân tích tứ đại: Đất, nước, lửa, gió.

10 đề mục thiền định này thuộc Chân nghĩa pháp (Para-matthadhamma) vô cùng vi tế, sâu sắc, ý nghĩa rộng lớn mênh mông bao la, vì vậy, định tâm không thể an trú vững chắc một nơi nhất định nào được. Do đó, 10 đề mục thiền định này chỉ có khả năng dẫn đến cận định mà thôi, không thể dẫn đến an định. Cho nên, vẫn còn là đại thiện tâm thuộc về dục giới thiện tâm.

* 11 đề mục thiền định dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc:

10 đề mục tử thi bất tịnh.

1 đề mục niệm 32 thể trược trong thân.

11 đề mục thiền định này có tính chất thô nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc mà thôi, không thể chứng đắc các bậc thiền hữu sắc bậc cao.

* 3 đề mục vô lượng dẫn đến chứng đắc 4 bậc thiền hữu sắc:

Đề mục niệm rải tâm từ đến chúng sinh đáng yêu, đáng mến.

Đề mục niệm rải tâm bi đến chúng sinh đang khổ, mong được cứu khổ.

Đề mục niệm rải tâm hỷ đến chúng sinh đang hưởng sự hạnh phúc, an lạc.

3 đề mục thiền định này có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ tứ thiền hữu sắc nhưng không có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc, bởi vì 3 đề mục này còn có thọ lạc là 1 trong các chi thiền.

* Đề mục niệm rải tâm xả dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc:

Hành giả đã thực hành đề mục niệm rải tâm từ, hoặc đề mục niệm rải tâm bi, hoặc đề mục niệm rải tâm hỷ đã chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc đến đệ tứ thiền hữu sắc xong, rồi muốn chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc, hành giả cần phải thay đổi sang thực hành đề mục niệm rải tâm xả để chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc.

Đặc biệt đề mục niệm rải tâm xả chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc mà thôi, cho nên, ngay khi bắt đầu hành giả không thể thực hành đề mục niệm rải tâm xả này.

* 11 đề mục thiền định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc:

- 10 đề mục hình tròn kasiṇa.

- 1 đề mục niệm hơi thở vô - hơi thở ra.

11 đề mục thiền định này có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc. Cho nên, hành giả thực hành thiền định sử dụng 1 trong 11 đề mục thiền định này có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc, mà không cần thay đổi sang đề mục thiền định khác. Đặc biệt 10 đề mục hình tròn kasiṇa, khi hành giả thực hành thiền định sử dụng 1 trong 10 đề mục hình tròn kasiṇa dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc xong rồi; hành giả muốn thay đổi sang đề mục hình tròn kasiṇa khác, cũng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc một cách dễ dàng, trong trường hợp hành giả muốn luyện phép thần thông: Iddhividha abhiññā (thần túc thông).

Tính chất của 5 sắc giới thiện nghiệp

- 5 sắc giới thiện nghiệp trong 5 bậc thiền hữu sắc này chỉ có thể phát sinh đối với hạng người có tam nhân: Vô tham, vô sân, vô si (tihetukapuggala) mà thôi; không thể phát sinh đối với hạng người có nhị nhân: Vô thamvô sân không có vô si (dvihetukapuggala).

- 5 bậc thiền hữu sắc này chỉ có thể phát sinh trong 22 cõi là cõi người, 6 cõi trời dục giới, và 15 cõi trời sắc giới phạm thiên, không có cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, bởi vì cõi này không có tâm, chỉ có thân mà thôi.

- 5 sắc giới thiện nghiệp này cho quả tái sinh (hóa sinh) trong 15 cõi trời sắc giới, không có cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, bởi vì tái sinh lên cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên này bằng nhóm sắc pháp gọi là jīvitanavakakalāpa làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca), làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca), và làm phận sự chuyển kiếp (chết) (cutikicca).

5 bậc thiền hữu sắc

Hành giả thực hành thiền định sử dụng đề mục thiền định có khả năng dẫn đến chứng đắc theo tuần tự từ đệ nhất thiền hữu sắc đến đệ ngũ thiền hữu sắc như sau:

Ban đầu, hành giả thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có 5 chi thiền (jhānaṅga) có khả năng diệt bằng cách đè nén chế ngự (vikkhambhanapāhāna) được 5 pháp chướng ngại (nivaraṇa) ví như lấy đá đè cỏ, làm cho cỏ không thể vươn lên được.

5 chi thiền (jhānaṅga)

1. Vitakka: Hướng tâm đến một đề mục thiền định duy nhất làm đối tượng.

2. Vicāra: Quan sát trong đề mục thiền định ấy.

3. Pīti: Hỷ được phát sinh do trú tâm quan sát nơi đề mục thiền định ấy.

4. Sukha: An lạc được phát sinh do tâm hoan hỷ trong đề mục thiền định ấy.

5. Ekaggatā: Nhất tâm, định tâm vững chắc được phát sinh do an lạc trong đề mục thiền định ấy.

5 pháp chướng ngại (nivaraṇa)

1. Kāmacchanda nivaraṇa: Tham dục trong ngũ trần: Sắc, thanh, hương, vị xúc là pháp chướng ngại của thiền định.

2.Byāpāda nivaraṇa: Sân hận là pháp chướng ngại của thiền định.

3.Thīnamiddha nivaraṇa: Buồn chán - buồn ngủ là pháp chướng ngại của thiền định.

4. Uddhaccakukkucca nivaraṇa: Phóng tâm - hối hận là pháp chướng ngại của thiền định.

5. Viccikicchā nivaraṇa: Hoài nghi là pháp chướng ngại của thiền định.

5 chi thiền đè nén, chế ngự 5 pháp chướng ngại như thế nào?

Mỗi chi thiền có mỗi trạng thái, mỗi tính chất riêng biệt; và mỗi pháp chướng ngại cũng có mỗi trạng thái, mỗi tính chất riêng biệt. Cho nên, mỗi chi thiền có khả năng đặc biệt đè nén, chế ngự được mỗi pháp chướng ngại của thiền định như sau:

1.Vitakka: Hướng tâm đến một đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại buồn chán - buồn ngủ. (thīna-middha nivaraṇa)

2. Vicāra: Quan sát trong đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại hoài nghi. (viccikicchā nivaraṇa)

3. Pīti: Tâm hoan hỷ trong đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại sân hận. (byāpāda nivaraṇa)

4. Sukha: An lạc trong đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại phóng tâm - hối hận. (uddhacca-kukkucca nivaraṇa)

5. Ekaggatā: Nhất tâm trong đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại tham dục. (kāmacchanda nivaraṇa)

Thiền hữu sắc có 5 bậc thiền

Hành giả thực hành thiền định thuộc hạng hành giả manda-puggala có trí tuệ bậc trung, có khả năng diệt được một chi thiền để chứng đắc mỗi bậc thiền. Do đó, thiền hữu sắc có 5 bậc thiền như sau:

1- Hành giả thực hành thiền định với một đề mục duy nhất ấy, định tâm phát sinh có đầy đủ 5 chi thiền đồng thời diệt bằng cách đè nén, chế ngự được 5 pháp chướng ngại, hành giả chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc.

* Đệ nhất thiền hữu sắc5 chi thiềnhướng tâm, quan sát, hỷ, an lạc nhất tâm.

2- Sau khi đã chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc, hành giả tiếp tục thực hành thiền định, xem xét thấy rõ chi thiền hướng tâm (vitakka) còn thô, nên cần phải diệt, rồi tiếp tục thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có khả năng diệt bằng cách đè nén, chế ngự chi thiền hướng tâm đồng thời chứng đắc đệ nhị thiền hữu sắc.

* Đệ nhị thiền hữu sắc còn 4 chi thiềnquan sát, hỷ, an lạc nhất tâm.

3- Sau khi đã chứng đắc đệ nhị thiền hữu sắc, hành giả tiếp tục thực hành thiền định, xem xét thấy rõ chi thiền quan sát (vicāra) còn thô, nên cần phải diệt, rồi tiếp tục thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có khả năng diệt bằng cách đè nén, chế ngự chi thiền quan sát đồng thời chứng đắc đệ tam thiền hữu sắc.

* Đệ tam thiền hữu sắc còn 3 chi thiềnhỷ, an lạc nhất tâm.

4- Sau khi đã chứng đắc đệ tam thiền hữu sắc, hành giả tiếp tục thực hành thiền định, xem xét thấy rõ chi thiền hỷ (pīti) còn thô, nên cần phải diệt, rồi tiếp tục thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có khả năng diệt bằng cách đè nén, chế ngự chi thiền hỷ đồng thời chứng đắc đệ tứ thiền hữu sắc.

* Đệ tứ thiền hữu sắc còn 2 chi thiền an lạc nhất tâm.

1. Sau khi đã chứng đắc đệ tứ thiền hữu sắc, hành giả tiếp tục thực hành thiền định, xem xét thấy rõ chi thiền an lạc (sukha) còn thô, nên cần phải diệt, rồi tiếp tục thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có khả năng diệt bằng cách đè nén, chế ngự chi thiền an lạc thay bằng chi thiền xả đồng thời chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc.

* Đệ ngũ thiền hữu sắc còn 2 chi thiềnxả nhất tâm.

Thiền hữu sắc có 4 bậc thiền

Đối với hành giả là tikkhapuggala có trí tuệ bậc thượng, sắc bén có khả năng đặc biệt diệt bằng cách đè nén, chế ngự cả 2 chi thiền hướng tâm quan sát cùng một lúc, để chứng đắc đệ nhị thiền hữu sắc. Do đó, đối với hành giả là tikkhapuggala có trí tuệ bậc thượng, sắc bén, các bậc thiền hữu sắc có 4 bậc thiền như sau:

1. Đệ nhất thiền hữu sắc có 5 chi thiền là hướng tâm, quan sát, hỷ, an lạc nhất tâm.

2. Đệ nhị thiền hữu sắc có 3 chi thiền là hỷ, an lạc nhất tâm.

3. Đệ tam thiền hữu sắc có 2 chi thiền là an lạc nhất tâm.

4. Đệ tứ thiền hữu sắc có 2 chi thiền là xả nhất tâm.

Đó là 4 bậc thiền hữu sắc, đối với hành giả là tikkha-puggala có trí tuệ bậc thượng, sắc bén.

Quả của 5 sắc giới thiện nghiệp

5 bậc thiền hữu sắc5 sắc giới thiện tâm. 5 sắc giới thiện nghiệp trong 5 sắc giới thiện tâm, mà 5 sắc giới thiện tâm cho quả là 5 sắc giới quả tâm.

5 sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh (hóa sinh) (paṭisandhikicca) trong 15 cõi sắc giới (không có cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên), rồi làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅga-kicca) và cuối cùng làm phận sự đổi kiếp (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp sắc giới phạm thiên.

15 cõi trời sắc giới chia thành 4 tầng trời sắc giới

Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc, mà mỗi bậc thiền hữu sắc cho quả tâm tái sinh (hóa sinh) trong 1 tầng trời sắc giới tương ứng như sau:

* Quả của đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm:

Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm ấy cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ nhất quả thiền có 3 cõi tùy theo năng lực của đệ nhất thiền sắc giới quả tâm ấy như sau:

- Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm bậc hạ cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm bậc hạ làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Phạm Chúng Thiên, có tuổi thọ 1/3 a-tăng-kỳ trụ(1).

- Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm bậc trung cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm bậc trung làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Phạm Phụ Thiên, có tuổi thọ 1/2 a-tăng-kỳ trụ.

- Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm bậc thượng cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Đại Phạm Thiên, có tuổi thọ 1 a-tăng-kỳ trụ.

* Quả của đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm và đệ tam thiền sắc giới thiện tâm:

Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới thiện tâmđệ tam thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, 2 bậc thiền sắc giới thiện tâm này tuy cho quả là đệ nhị thiền sắc giới quả tâmđệ tam thiền sắc giới quả tâm, nhưng 2 bậc thiền sắc giới quả tâm này làm phận sự cùng hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ nhị quả thiền có 3 cõi tùy theo năng lực của 2 bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy như sau:

- 2 bậc thiền sắc giới thiện tâm bậc hạ cho quả là 2 bậc thiền sắc giới quả tâm bậc hạ làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Thiểu Quang Thiên, có tuổi thọ 2 đại kiếp trái đất.

- 2 bậc thiền sắc giới thiện tâm bậc trung cho quả là 2 bậc thiền sắc giới quả tâm bậc trung làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Vô Lượng Quang Thiên, có tuổi thọ 4 đại kiếp trái đất.

2 bậc thiền sắc giới thiện tâm bậc thượng cho quả là 2 bậc thiền sắc giới quả tâm bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Quang Âm Thiên, có tuổi thọ 8 đại kiếp trái đất.

* Quả của đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm:

Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm ấy cho quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ tam quả thiền có 3 cõi tùy theo năng lực của đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm ấy như sau:

Đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm bậc hạ cho quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm bậc hạ làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Thiểu Tịnh Thiên, có tuổi thọ 16 đại kiếp trái đất.

Đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm bậc trung cho quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm bậc trung làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Vô Lượng Tịnh Thiên, có tuổi thọ 32 đại kiếp trái đất.

Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm bậc cao cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Biến Tịnh Thiên, có tuổi thọ 64 đại kiếp trái đất.

* Quả của đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm:

Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm ấy cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ tứ quả thiền có 7 cõi tùy theo các hạng người như sau:

Hành giả là hạng phàm nhân, bậc Thánh Nhập Lưu và bậc Thánh Nhất Lai đã chứng đắc đến đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm, cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự chỉ hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Quảng Quả Thiên mà thôi, có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất. Quảng Quả Thiên này là tầng trời tột đỉnh của cõi trời sắc giới đối với hạng phàm nhân.

Đặc biệt hành giả là hạng phàm nhân, khi đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm này cùng với tâm nhàm chán 4 danh uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn) phát nguyện rằng: “Khi tái sinh kiếp sau kế tiếp không có 4 danh uẩn, mà chỉ có 1 sắc uẩn mà thôi”. Do nguyện lực của hành giả chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm, cho nên sau khi chết, đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau bằng pháp gọi là jīvitanavakakapāla: Nhóm 9 sắc pháp có sắc mạng chủ là chính làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) trong cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, rồi tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) và cuối cùng của kiếp phạm thiên làm phận sự đổi kiếp (chết) (cutikicca).

Trong cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, vị Phạm thiên này chỉ có 1 uẩn là sắc uẩn mà thôi, nghĩa là vị Phạm thiên này không có tâm. Trước khi chết, nếu vị hành giả này đang ở trong tư thế nào trong 3 tư thế: Tư thế ngồi hoặc tư thế đứng hoặc tư thế nằm (không có tư thế đi), thì sau khi chết, hóa sinh lên cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, vị Phạm thiên ấy ở trong tư thế ấy là tư thế ngồi hoặc tư thế đứng hoặc tư thế nằm. Cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên này có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất.

Vị Phạm thiên trong cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên này không có tâm chỉ có thân mà thôi, có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất. Đến khi hết tuổi thọ ở cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên này, sau khi vị Phạm thiên ấy chết, thiện nghiệp mà vị Phạm thiên ấy đã từng tạo kể từ kiếp thứ 3 trở về trước trong quá khứ cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

* Tại sao phải là thiện nghiệp kể từ kiếp thứ 3 trở về trước trong quá khứ?

Bởi vì kiếp thứ nhất hiện tại, vị Phạm thiên tại cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên ấy là hạng chúng sinh không có tâm, chỉ có thân mà thôi, cho nên, trong kiếp thứ nhất hiện tại hoàn toàn không có tạo nghiệp nào cả. Kiếp thứ nhì, kiếp trước của vị Phạm thiên là hành giả đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp đã cho quả tái sinh trong cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên rồi.

Do đó, kể từ kiếp thứ 3 trở về trước trong quá khứ, những thiện nghiệp nào mà tiền kiếp của vị Phạm thiên ấy đã tạo sẽ có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

Hành giả là bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đến đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm này cho quả là đề ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau trong 5 cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên tùy theo năng lực của 5 pháp chủ:

Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt tín pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Vô Phiền Thiên, có tuổi thọ 1.000 (một ngàn) đại kiếp trái đất.

- Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt tấn pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Vô Nhiệt Thiên, có tuổi thọ 2.000 (hai ngàn) đại kiếp trái đất.

- Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt niệm pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Thiện Hiện Thiên, có tuổi thọ 4.000 (bốn ngàn) đại kiếp trái đất.

- Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt định pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Thiện Kiên Thiên, có tuổi thọ 8.000 (tám ngàn) đại kiếp trái đất.

- Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt tuệ pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Sắc Cứu Cánh Thiên, có tuổi thọ 16.000 (mười sáu ngàn) đại kiếp trái đất.

Bậc Thánh Bất Lai chắc chắn chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại 1 trong 5 cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên.

Nếu bậc Thánh Bất Lai chưa chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong 4 cõi trời sắc giới: Cõi Vô Nhiệt Phiền, cõi Vô Nhiệt Thiên, cõi Thiện Hiện Thiên, cõi Thiện Kiên Thiên, thì chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong cõi Sắc Cứu Cánh Thiên, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

* Do năng lực của pháp nào mà phân loại mỗi bậc thiền sắc giới thiện tâm làm 3 bậc: Bậc hạ, bậc trung, bậc thượng?

Trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, mỗi bậc thiền ấy được phân loại làm 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng là do năng lực của 2 pháp:

1. Năng lực của 5 pháp thuần thục, khi hành giả nhập bậc thiền (jhānasamāpatti).

2. Năng lực của 4 pháp thống chủ (adhipati).

* 5 pháp thuần thục (vasī)

1. Āvajjanavasī: Thuần thục trong sự suy xét chi thiền. Hành giả có khả năng nhập bậc thiền nào, rồi suy xét chi thiền của bậc thiền ấy liên tục với nhau.

2. Samāpajjanavasī: Thuần thục trong sự nhập thiền. Hành giả có khả năng nhập bậc thiền một cách rất mau lẹ.

3. Adhiṭṭhānavasī: Thuần thục trong sự phát nguyện. Hành giả có khả năng phát nguyện muốn bậc thiền nào phát sinh liên tục suốt thời gian hạn định 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ... rồi nhập bậc thiền ấy.

4. Vuṭṭhānavasī: Thuần thục trong sự xả thiền. Hành giả có khả năng xả thiền đúng theo thời gian đã phát nguyện.

5.Paccavekkhaṇavasī: Thuần thục trong sự suy xét tính chất của mỗi chi thiền theo mỗi lộ trình tâm một cách mau lẹ.

Đó là 5 pháp thuần thục (vasī) mà hành giả thực hành thiền định cần phải hành mỗi khi chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy. Bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy thuộc bậc thiền hạ, hoặc bậc thiền trung, hoặc bậc thiền thượng là do năng lực của 5 pháp thuần thục.

Ví dụ: Hành giả sau khi đã chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm.

- Nếu hành giả không thường xuyên nhập đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm, thì 5 pháp thuần thục (vasī) của bậc thiền ấy không có năng lực, cho nên đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm ấy trở thành đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm thuộc thiền bậc hạ, không thể làm nền tảng tiếp tục thực hành thiền định để chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm.

Nếu hành giả thường xuyên nhập đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm, nhưng 5 pháp thuần thục (vasī) của bậc thiền ấy chưa đủ năng lực, thì đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm ấy trở thành đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm thuộc thiền bậc trung, cũng không thể làm nền tảng tiếp tục thực hành thiền định để chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm.

- Nếu hành giả thường xuyên nhập đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm, khi 5 pháp thuần thục (vasī) của bậc thiền ấy có nhiều năng lực, thì đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm ấy trở thành đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm thuộc thiền bậc thượng, rồi hành giả có khả năng sử dụng bậc thiền ấy làm nền tảng tiếp tục thực hành thiền định để chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm.

Tương tự cách hành như vậy, 4 bậc thiền sắc giới thiện tâm còn lại là đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm, đệ tam thiền sắc giới thiện tâm, đệ tứ thiền sắc giới thiện tâmđệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm được phân loại làm 3 bậc thiền: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng như đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm.

* 4 pháp thống chủ (adhipati)

1. Chandādhipati: Tâm hài lòng làm thống chủ. Hành giả có tâm hài lòng mạnh nhất trong khi thực hành thiền định.

2. Vīriyādhipati: Tâm tinh tấn làm thống chủ. Hành giả có tâm tinh tấn mạnh nhất trong khi thực hành thiền định.

3. Cittādhipati: Tâm quyết tâm làm thống chủ. Hành giả có quyết tâm mạnh nhất trong khi thực hành thiền định.

4. Vīmaṃsādhipati: Trí tuệ làm thống chủ. Hành giả có trí tuệ mạnh nhất trong khi thực hành thiền định.

4 pháp thống chủ này là 4 tâm sở đồng sinh trong một đại thiện tâm.

Nếu pháp nào có năng lực mạnh nhất, thì pháp ấy trở thành pháp thống chủ, 3 pháp còn lại trở thành pháp hỗ trợ cho pháp thống chủ ấy.

Năng lực của 4 pháp thống chủ này có 3 bậc: Bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.

Nếu pháp thống chủ có năng lực bậc nào đồng sinh với bậc thiền sắc giới thiện tâm, thì bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy thuộc năng lực bậc ấy.

Như vậy, trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, mỗi bậc thiền sắc giới thiện tâm được phân loại làm 3 bậc thiền: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng do hai năng lực của 5 pháp thuần thục 4 pháp thống chủ.

Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng sinh quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ nhất quả thiền, có 3 cõi Phạm thiên: Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Đại Phạm Thiên theo tuần tự 3 bậc quả thiền.

Đệ nhị thiền sắc giới thiện tâmđệ tam thiền sắc giới thiện tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng sinh quả là đệ nhị thiền sắc giới quả tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ nhị quả thiền, có 3 cõi Phạm thiên: Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Quang Âm Thiên theo tuần tự 3 bậc quả thiền.

Đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng sinh quả là đệ tam thiền sắc giới quả tâm, có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ tam quả thiền, có 3 cõi Phạm thiên: Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên theo tuần tự 3 bậc thiền quả.

Đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng sinh quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm, có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ tứ quả thiền có 7 cõi phạm thiên tùy theo hành giả phàm nhân và bậc Thánh Bất Lai.

* Về các hạng phạm thiên trong tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên

Đối với hạng phạm thiên còn là phàm nhân (puthujjana) chưa phải bậc Thánh Nhân, đã chứng đắc đến đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm cho quả là đệ ngũ thiền hữu sắc quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi Quảng Quả Thiên có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất. Trong khoảng thời gian tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên, nếu vị Phạm thiên này thực hành thiền định có khả năng chứng đắc lại đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm thì đến khi hết tuổi thọ trong tầng trời ấy, đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hóa sinh trở lại tầng trời sắc giới gọi Quảng Quả Thiên ấy.

Nếu vị Phạm thiên không chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm, thì đến khi hết tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất trong tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy, thiện nghiệp mà tiền kiếp của vị phạm thiên ấy đã tạo sẽ cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

Đối với hạng Phạm thiên là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai ở tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên, nếu các bậc Thánh phạm thiên đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, thì đến lúc hết tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên này, bậc Thánh Arahán phạm thiên ấy tich diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy.

Nếu các bậc Thánh phạm thiên này chưa chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, thì đến lúc hết tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên này, bậc Thánh Nhân ấy sau khi chết, chắc chắn đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm phát sinh rồi cho quả là đệ ngũ thiền hữu sắc quả tâm làm phận sự hóa sinh trở lại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy và cứ như thế cho đến khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy.

Bậc Thánh phạm thiên tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên đến khi hết tuổi thọ, sau khi chết, không tái sinh trở xuống tầng trời thấp hơn, chỉ hóa sinh trở lại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy cho đến khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên mà thôi.

Tính Chất Của 4 Bậc Thánh Nhân

Trong Phật giáo có 4 bậc Thánh từ thấp đến cao theo tuần tự:

1. Bậc Thánh Nhập Lưu.

2. Bậc Thánh Nhất Lai.

3. Bậc Thánh Bất Lai.

4. Bậc Thánh Arahán.

1. Bậc Thánh Nhập Lưu có 3 hạng

a) Bậc Thánh Nhập Lưu chỉ còn tái sinh 1 kiếp trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới). Trong kiếp ấy, vị Thánh Nhập Lưu ấy sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

b) Bậc Thánh Nhập Lưu còn tái sinh từ 2 kiếp đến 5 kiếp trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới). Vị Thánh Nhập Lưu ấy sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

c) Bậc Thánh Nhập Lưu còn tái sinh nhiều nhất 7 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới). Trong kiếp thứ 7 ấy, vị Thánh Nhập Lưu ấy sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

2. Bậc Thánh Nhất Lai là bậc Thánh chỉ còn tái sinh 1 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới). Trong kiếp ấy, vị Thánh Nhất Lai sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

3. Bậc Thánh Bất Lai là bậc Thánh không còn tái sinh trở lại cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới) mà chỉ còn tái sinh (hóa sinh) trong cõi trời sắc giới phạm thiên mà thôi.

Tính chất đặc biệt của bậc Thánh Bất Lai

Như vậy, trong cõi người và 6 cõi trời dục giới, tất cả mọi bậc Thánh Bất Lai sau chết, chắc chắn chỉ có sắc giới thiện nghiệp cho quả hóa sinh trong cõi trời sắc giới phạm thiên mà thôi.

Trường hợp, trong cõi người nếu bậc Thánh Bất Lai là bậc Thánh “Sukkhavipassaka” nghĩa là bậc Thánh Bất Lai không có sắc giới thiện nghiệp nào trước, thì Bậc Thánh Bất Lai ấy sau khi chết được hóa sinh trong cõi trời sắc giới phạm thiên bằng cách nào?

Thật ra, bậc Thánh Bất Lai là bậc Thánh đã diệt đoạn tuyệt được “kamāchanda nivaraṇatâm tham dục trong ngũ trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc là pháp chướng ngại của thiền định”. Bậc Thánh Bất Lai không còn kāmarāga (dục ái): Tham ái trong cõi dục giới nữa. Như vậy, tuy bậc Thánh Bất Lai không chứng đắc bậc thiền nào, nhưng tâm định lúc nào cũng không lay chuyền bởi những đối tượng ngũ trần. Do đó, bậc thiền hữu sắc thiện tâm được phát sinh một cách dễ dàng và mau lẹ đối với bậc Thánh Bất Lai.

Cho nên, trước lúc lâm chung, đối với bậc Thánh Bất Lai, chắc chắn bậc thiền hữu sắc thiện tâm được phát sinh lên trước, sau khi chết, chính bậc thiền hữu sắc thiện tâm ấy cho quả hóa sinh trong tầng trời sắc giới phạm thiên, tương ứng với bậc thiền hữu sắc quả tâm ấy.

Bậc Thánh Bất Lai không có sắc giới thiện nghiệp đang nằm ngũ say. Thậm chí, nếu có người đến giết bậc Thánh Bất Lai ấy, vừa tỉnh giác, bậc thiền hữu sắc thiện tâm được phát sinh một cách dễ dàng và mau lẹ trước, sau đó chết, thì bậc thiền hữu sắc thiện tâm ấy cho quả hóa sinh trong tầng trời sắc giới phạm thiên tương ứng theo bậc thiền hữu sắc quả tâm ấy.

Trong cõi trời dục giới, nếu vị chư thiên nào có đủ duyên lành lắng nghe chánh pháp của Đức Phật, rồi chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai. Khi trở lại cõi trời dục giới, vị chư thiên Thánh Bất Lai ấy suy xét thấy cõi trời dục giới đầy đủ ngũ trần không còn thích hợp với bậc Thánh Bất Lai nữa. Cho nên vị chư thiên Thánh Bất Lai ấy phát nguyện từ bỏ cõi trời dục giới, thì bậc thiền hữu sắc thiện tâm được phát sinh trước, rồi mới chết. Sau khi chết, chính bậc thiền hữu sắc thiện tâm cho quả tái sinh (hóa sinh) trong tầng trời sắc giới phạm thiên, tương ứng với bậc thiền hữu sắc quả tâm ấy.

Như vậy, trong cõi người, cõi trời dục giới tất cả mọi bậc Thánh Bất Lai dù đã chứng đắc các bậc thiền sắc giới thiện tâm, hoặc dù chưa chứng đắc được bậc thiền sắc giới thiện tâm nào; trước lúc lâm chung, tất cả mọi bậc Thánh Bất Lai chắc chắn đều có bậc thiền sắc giới thiện tâm. Cho nên, sau khi chết, bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy phát sinh hoặc sắc giới thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh (hóa sinh) trong tầng trời sắc giới phạm thiên, tương ứng với bậc thiền sắc giới quả tâm ấy.

Trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên, có 5 tầng trời sắc giới gọi là Phước Sinh Thiên: Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Hiện Thiên, Thiện Kiến Thiên, Sắc Cứu Cánh Thiên. 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên này chỉ dành riêng cho những bậc Thánh Bất Lai có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm mà thôi. Ngoài ra, các hàng phàm nhân, bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai dù có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm, cũng không thể tái sinh (hóa sinh) trong 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên này.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi bậc Thánh Bất Lai có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm đều được hóa sinh trong 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên.

Nếu bậc Thánh Bất Lai nào tuy có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm, nhưng 5 pháp chủ: Tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ thuộc về loại thường hoặc loại trung bình, thì bậc Thánh Bất Lai ấy sau khi chết, đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm chỉ cho quả hóa sinh trong tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên mà thôi, không thể cho quả hóa sinh trong tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên.

Bởi vì, được hóa sinh trong 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên, bậc Thánh Bất Lai không chỉ có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm, mà còn có 4 điều kiện như:

1. Vị Phạm thiên Thánh Bất Lai đã hóa sinh trong 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên rồi, sẽ không hóa sinh trong tầng trời sắc giới khác hoặc trong tầng trời vô sắc.

2. Không hóa sinh trở lại tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên cũ.

3. Sau khi chết tại tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên nào, sẽ không hóa sinh trong tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên bậc thấp, mà chỉ hóa sinh tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên bậc cao mà thôi.

4. Phạm thiên Thánh Bất Lai chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong tầng trời sắc giới gọi là Sắc Cứu Cánh Thiên, rồi tịch diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới phạm thiên ấy.

Thực ra, trong mỗi tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên vị phạm thiên Thánh Bất Lai đều có thể chứng đắc thành bậc Thánh Arahán tại mỗi tầng trời sắc giới ấy, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Nếu vị Phạm thiên Thánh Bất Lai chưa chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong 4 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên bậc thấp là Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Hiện Thiên Thiện Kiến Thiên, thì chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên bậc cao gọi Sắc Cứu Cánh Thiên, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới Sắc Cứu Cánh Thiên ấy.

4. Bậc Thánh Arahán là bậc Thánh đã diệt đoạn tuyệt được mọi tham ái (taṇhā) mọi phiền não (kilesa) không còn dư sót nữa.

Do đó, bậc Thánh Arahán không còn tạo nghiệp mới nào. Tất cả mọi nghiệp cũ dù là thiện nghiệp, dù là bất thiện nghiệp (ác nghiệp), mà Ngài đã từng tạo và đã tích lũy từ vô thủy, vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại trước khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, những nghiệp cũ ấy vẫn có thể cho quả của chúng trong kiếp hiện tại của Ngài, cho đến trước khi tịch diệt Niết Bàn. Sau khi Ngài đã tịch diệt Niết Bàn rồi đồng thời cũng chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. Tất cả mọi nghiệp cũ gồm cả thiện nghiệp lẫn bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosi kamma) không còn hiệu lực, không còn có cơ hội nào cho quả được nữa.

4. Arūpāvacarakusalakamma: Vô sắc giới thiện nghiệp

Phần sắc giới thiện nghiệpquả của sắc giới thiện nghiệp đã giải thích xong, tiếp theo giải thích vô sắc giới thiện nghiệpquả của vô sắc giới thiện nghiệp.

Vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở (cetanā cetasika) đồng sinh với 4 vô sắc giới thiện tâm đó là 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm.

Như vậy, vô sắc giới thiện nghiệp4 loại thiện nghiệp thuộc về ý thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ ý môn.

4 vô sắc giới thiện nghiệp ở trong 4 vô sắc giới thiện tâm là:

1. Không vô biên xứ thiện tâm.

2. Thức vô biên xứ thiện tâm.

3.Vô sở hữu xứ thiện tâm.

4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện tâm.

4 vô sắc giới thiện tâm4 bậc thiền vô sắc thiện tâm mà mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm này đều có 2 chi thiền giống nhau, chỉ khác nhau về đối tượng thiền định của mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm mà thôi.

4 bậc thiền vô sắc thiện tâm là:

1. Đệ nhất thiền vô sắc giới gọi là không vô biên xứ thiền có 2 chi thiền: Xả nhất tâm, và có đề mục là “hư không vô biên” làm đối tượng.

2. Đệ nhị thiền vô sắc giới gọi là thức vô biên xứ thiền có 2 chi thiền: Xả nhất tâm, và có đề mục “thức vô biên” (thức là tâm không vô biên xứ thiền) làm đối tượng.

3. Đệ tam thiền vô sắc giới gọi là vô sở hữu xứ thiền có 2 chi thiền: Xả nhất tâm, và có đề mục là “vô sở hữu” làm đối tượng.

4. Đệ tứ thiền vô sắc giới gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền có 2 chi thiền: Xả nhất tâm, và có đề mục là “rất vắng lặng, rất vi tế” của tâm sở hữu xứ thiền làm đối tượng.

Đó là 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm, mà mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm có mỗi đề mục thiền định riêng biệt làm đối tượng, nhưng mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm đều giống nhau là có 2 chi thiền là xả nhất tâm.

Điểm khác biệt giữa các bậc thiền hữu sắc và các bậc thiền vô sắc

Trong 5 bậc thiền hữu sắc thiện tâm, mỗi bậc thiền hữu sắc thiện tâm có chi thiền khác nhau, nhưng đề mục thiền định của mỗi bậc thiền hữu sắc thiện tâm có thể giống nhau như 10 đề mục hình tròn kasiṇa và đề mục niệm hơi thở vô - hơi thở ra, bởi vì 11 đề mục thiền định này có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc thiện tâm từ đệ nhất thiền hữu sắc thiện tâm cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm.

Và trong 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm, mà mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm đều có 2 chi thiền xả nhất tâm giống nhau. Nhưng mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm có mỗi đề mục thiền hoàn toàn khác nhau, bởi vì mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm có mỗi đề mục thiền riêng biệt làm đối tượng.

Quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp

Hành giả thực hành thiền định, sau khi đã chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc thiện tâm xong, rồi tư duy rằng: “Sở dĩ mọi bệnh hoạn như bệnh đói, bệnh khát, bệnh đại tiện, bệnh tiểu tiện... phát sinh khổ đau là vì có thân. Nếu không có thân thì không có những loại bệnh ấy”.

Do sự tư duy như vậy, nên hành giả tiếp tục thực hành thiền định với mỗi đề mục thiền vô sắc để chứng đắc mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm.

Có 4 đề mục thiền vô sắc riêng biệt, mà mỗi đề mục ấy dẫn đến chứng đắc mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm riêng biệt. Do đó, có 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm như sau:

1) Không vô biên xứ thiền thiện tâm.

2) Thức vô biên xứ thiền thiện tâm.

3) Vô sở hữu xứ thiền thiện tâm.

4) Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm.

Quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp và 4 cõi vô sắc giới

4 vô sắc giới thiện nghiệp ở trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm.

4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm cho quả là 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong 4 cõi vô sắc giới theo tuần tự như sau:

1) Không vô biên xứ thiền thiện tâm cho quả là không vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời vô sắc giới gọi là Không Vô Biên Xứ Thiên, có tuổi thọ 20.000 (hai mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

2) Thức vô biên xứ thiền thiện tâm cho quả là thức vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời vô sắc giới gọi là Thức Vô Biên Xứ Thiên, có tuổi thọ 40.000 (bốn mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

3) Vô sở hữu xứ thiền thiện tâm cho quả là vô sở hữu xứ thiền quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời vô sắc giới gọi là Vô Sở Hữu Xứ Thiên, có tuổi thọ 80.000 (tám mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

4) Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm cho quả là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời vô sắc giới gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên, có tuổi thọ 84.000 (tám mươi bốn ngàn) đại kiếp trái đất.

Đó là quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp.

Chư phạm thiên trong 4 cõi trời vô sắc giới chỉ có tâm mà không có thân, hoặc chỉ có 4 danh uẩn: Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn thức uẩn, mà không có sắc uẩn. Do đó gọi là cõi vô sắc giới.

Như vậy, 5 sắc giới thiện nghiệp và quả của 5 sắc giới thiện nghiệp; 4 vô sắc giới thiện nghiệp và quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp đã được trình bày.

 Đối với phạm thiên còn là phàm nhân (chưa phải Thánh Nhân) ở trong 11 cõi trời sắc giới (không có 5 cõi Phước Sinh Thiên) và 4 cõi trời vô sắc giới, mặc dù ở trong tầng trời thấp hoặc tầng trời cao nào trong 11 cõi trời sắc giới, 4 cõi trời vô sắc giới, đến khi hết tuổi thọ trong tầng trời ấy, cũng đều phải tái sinh kiếp sau, tùy theo thiện nghiệp của mình.

- Trong cõi trời sắc giới, vị Phạm thiên nào trong khoảng thời gian đang hưởng sự an lạc trong tầng trời sắc giới ấy, và tiếp tục thực hành thiền định để chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm nào, có thể thấp hơn, hoặc ngang bằng, hoặc cao hơn bậc thiền hữu sắc mà vị Phạm thiên đang hưởng quả tại tầng trời sắc giới ấy. Đến khi hết tuổi thọ tại tầng trời sắc giới ấy, sau khi chết thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau như sau:

Nếu chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm thấp hơn bậc thiền cũ, thì sẽ tái sinh kiếp sau xuống tầng trời thấp hơn, tùy theo quả của bậc thiền ấy.

Nếu chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm ngang bằng với bậc thiền cũ, thì sẽ tái sinh kiếp sau trở lại tầng trời cũ như kiếp trước.

Nếu chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm hoặc vô sắc giới thiện tâm cao hơn bậc thiền cũ, thì sẽ tái sinh kiếp sau lên tầng trời cao, tùy theo quả của bậc thiền ấy.

Nhưng nếu không chứng đắc được bậc thiền nào, thì dục giới đại thiện nghiệp mà vị Phạm thiên ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ cho quả tái sinh xuống cõi thiện dục giới: Cõi người, 6 cõi trời dục giới.

- Trong các cõi trời vô sắc giới, vị Phạm thiên nào đang hưởng sự an lạc trong cõi trời vô sắc giới ấy và thực hành thiền định chỉ có thể chứng đắc bậc thiền vô sắc thiện tâm ngang bằng với bậc thiền vô sắc cũ, hoặc có thể chứng đắc bậc thiền vô sắc thiện tâm bậc cao hơn bậc thiền vô sắc cũ, nhưng không thể chứng đắc bậc thiền vô sắc thiện tâm bậc thấp hơn bậc thiền vô sắc cũ, bởi vì không có đề mục thiền định vô sắc là đối tượng.

Như vậy, vị Phạm thiên ấy đến khi hết tuổi thọ trong cõi trời vô sắc ấy, sau khi chết, vô sắc giới thiện nghiệp chỉ cho quả tái sinh kiếp sau tại tầng trời vô sắc cũ, hoặc tầng trời vô sắc bậc cao hơn tầng trời vô sắc cũ, tùy theo quả của bậc thiền ấy. Nhưng không thể tái sinh kiếp sau trong tầng trời vô sắc thấp hơn tầng trời vô sắc cũ.

Trường hợp nếu vị Phạm thiên trong tầng trời vô sắc ấy, không chứng đắc được bậc thiền vô sắc nào, đến khi hết tuổi thọ, thì dục giới đại thiện nghiệp tiền kiếp mà vị Phạm thiên đã từng tạo trong những kiếp quá khứ sẽ cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

Trường hợp vị Phạm thiên ở trong tầng trời vô sắc giới gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, có tuổi thọ 84.000 (tám mươi bốn ngàn) đại kiếp trái đất. Vị Phạm thiên này chỉ có thể thực hành thiền định chứng đắc trở lại bậc thiền vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm mà thôi, bởi vì tầng trời vô sắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên là tầng trời tột đỉnh của cõi vô sắc giới.

Vị Phạm thiên ấy, hết tuổi thọ trong cõi trời vô sắc tột đỉnh ấy, sau khi chết, bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện tâm cho quả hóa sinh trở lại cõi trời vô sắc tột đỉnh Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên.

Nếu trường hợp không chứng đắc được bậc thiền vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm này, đến khi hết tuổi thọ, sau khi chết, dục giới đại thiện nghiệp mà vị Phạm thiên ấy đã từng tạo và tích lũy trong những kiếp quá khứ cho quả tái sinh kiếp sau xuống cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

Tóm lược các nghiệp và quả của các nghiệp

Theo bộ Abhidhammatthasaṅgaha (Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa) của Ngài Đại Trưởng Lão Anuruddhamahāthera trình bày về nghiệp có 4 phần (kammacatukka):

Các loại nghiệp

1) Phần nghiệp phân loại theo phận sự, có 4 loại nghiệp.

2) Phần nghiệp phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

3) Phần nghiệp phân loại theo thời gian cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

4) Phần nghiệp phân loại theo cảnh giới cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

4 phần nghiệp mà mỗi phần có 4 loại nghiệp thành 16 loại nghiệp.

16 loại nghiệp này gồm có 2 loại nghiệp là:

1) Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm: 8 tâm tham + 2 tâm sân + 2 tâm si); có 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) tính theo 12 bất thiện tâm.

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) được tạo do nương nhờ nơi thân, khẩu, ý; có 10 bất thiện nghiệp (10 ác nghiệp) tính theo 3 môn.

1. Thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 21 thiện tâm, có 21 thiện nghiệp tính theo 21 thiện tâm.

21 thiện nghiệp phân loại theo tam giới thì có 4 loại thiện nghiệp như sau:

- 8 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm. Dục giới thiện nghiệp được tạo do nương nhờ thân, khẩu, ý có 10 thiện nghiệp tính theo 3 môn.

- 5 sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm.

- 4 vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm.

- 4 Siêu tam giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 Thánh Đạo Tâm.

Con người hoàn toàn có quyền chọn tạo ác nghiệp nào hoặc tạo thiện nghiệp nào tuỳ theo khả năng của mình. Như vậy, chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc tạo ác nghiệp hoặc tạo thiện nghiệp. Những ác nghiệp nào hoặc những thiện nghiệp nào mà chính ta đã tạo, những ác nghiệp ấy hoặc những thiện nghiệp ấy là của riêng ta, hoàn toàn không phải của chung một ai, không liên quan đến người khác, chúng sinh khác. Như Đức Phật dạy:

- “Kammassako’mhi: Nghiệp là của riêng ta”.

Quả của các ác nghiệp - Quả của các thiện nghiệp

1) Quả của các ác nghiệp

a) Quả của các ác nghiệp trong kiếp hiện tại:

12 loại ác nghiệp hoặc 10 loại ác nghiệp trong 12 ác tâm, nếu ác nghiệp nào có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại, thì ác tâm ấy sinh 7 quả tâm đó là 7 bất thiện quả vô nhân tâm, tiếp nhận những đối tượng xấu, không đáng hài lòng.

b) Quả của các ác nghiệp trong kiếp sau có 2 thời kỳ:

Thời kỳ tái sinh kiếp sau:

11 ác nghiệp trong 11 ác tâm (không có tâm si hợp với phóng tâm) sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau có 1 quả tâm đó là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, tuỳ theo năng lực của quả của ác nghiệp ấy.

Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu:

12 ác nghiệp trong 12 ác tâm sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, có 7 quả tâm đó là 7 bất thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận những đối tượng xấu, không đáng hài lòng.

2) Quả của các thiện nghiệp

a) Quả của dục giới đại thiện nghiệp

* Quả của dục giới đại thiện nghiệp trong kiếp hiện tại:

Dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm.

Nếu dục giới đại thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại, thì dục giới đại thiện tâm ấy sinh 8 quả tâm đó là 8 thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận những đối tượng tốt, đáng hài lòng.

* Quả của dục giới đại thiện nghiệp trong kiếp sau có 2 thời kỳ:

- Thời kỳ tái sinh kiếp sau:

8 dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau có 9 quả tâm đó là 8 dục giới đại quả tâm và 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm, 9 quả tâm này làm phận sự tái sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục giới: Cõi người6 cõi trời dục giới.

- Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu:

 8 dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm có cơ hội sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, có 16 quả tâm đó là 8 dục giới đại quả tâm và 8 thiện quả vô nhân tâm, tiếp nhận đối tượng tốt, đáng hài lòng.

b) Quả của 5 sắc giới thiện nghiệp

5 sắc giới thiện nghiệp trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, mà 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau5 quả tâm đó là 5 bậc thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hoá sinh trong 15 cõi sắc giới Phạm thiên. Còn tái sinh kiếp sau lên cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên bằng nhóm sắc pháp Jīvitanavakakalāpa.

c) Quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp

4 vô sắc giới thiện nghiệp trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm, mà 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau 4 quả tâm đó là 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự hoá sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới Phạm thiên.

d) Quả của 4 Siêu tam giới thiện nghiệp

4 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 Thánh Đạo Tâm cho quả không có thời gian ngăn cách (akālika) đó là 4 Thánh Quả Tâm tương ứng, nghĩa là Thánh Đạo Tâm nào sinh rồi diệt liền thánh quả tâm ấy sinh 2 hoặc 3 sát-na tâm không có thời gian ngăn cách trong cùng Thánh Đạo lộ trình tâm ấy ngay trong kiếp hiện tại.

4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả tương ứng:

- Nhập Lưu Thánh Đạo Tâm   Nhập Lưu Thánh Quả Tâm.

- Nhất Lai Thánh Đạo Tâm   Nhất Lai Thánh Quả Tâm.

- Bất Lai Thánh Đạo Tâm   Bất Lai Thánh Quả Tâm.

- Arahán Thánh Đạo Tâm   Arahán Thánh Quả Tâm.

4 bậc Thánh Nhân trong Phật giáo:

Hành giả sau khi chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhân như sau:

Chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhất Lai.

Chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Bất Lai.

Chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán.

4 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 Thánh Đạo Tâm cho quả là 4 Thánh Quả Tâm không có thời gian ngăn cách (akālika) ngay trong kiếp hiện tại.

4 Siêu tam giới thiện nghiệp hoàn toàn không cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà ngược lại làm giảm tái sinh kiếp sau như sau:

Bậc Thánh Nhập Lưu chỉ còn tái sinh nhiều nhất 7 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới. Đến kiếp thứ 7 chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh kiếp sau 1 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới. Trong kiếp ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Bậc Thánh Bất Lai không còn trở lại tái sinh trong cõi dục giới, chỉ còn tái sinh trong các cõi trời sắc giới rồi sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Bậc Thánh Arahán ngay trong kiếp hiện tại khi hết tuổi thọ, đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Thiện nghiệp thần thông (abhiññā kusala)

Trường hợp đặc biệt, một số hành giả chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm, rồi luyện phép thần thông thuộc về thần thông tam giới (lokiya abhiññā).

Thần thông trong tam giới (lokiya abhiññā) có 5 loại:

1. Iddhividha abhiññā: Thần túc thông là phép thần thông được thành tựu có nhiều loại như:

Nguyện một người thành nhiều người làm mỗi công việc khác nhau, như trường hợp Ngài Đại đức Cūḷapantha-katthera nguyện thành nhiều vị như Ngài, mỗi vị có khả năng làm mỗi công việc khác nhau.

Nguyện bay đi hư không như đi trên mặt đất; nguyện xuất hiện đến một nơi khác; nguyện đi qua thành, qua núi như đi qua khoảng trống; nguyện biến hóa thành người già, người trẻ v.v...

2. Dibbacakkhu abhiññā: Thiên nhãn thông là phép thần thông có khả năng nhìn thấy xa trong thế giới này hay các thế giới khác, cõi chư thiên, cõi phạm thiên, cõi địa ngục v.v... không có gì ngăn che được, như mắt của chư thiên, phạm thiên.

3. Dibbasota abhiññā: Thiên nhĩ thông là phép thần thông có khả năng nghe rõ tất cả những âm thanh tiếng nói trong thế giới này hay các thế giới khác, cõi chư thiên, cõi phạm thiên; dù âm thanh nhỏ nhất của các loài sinh vật nhỏ bé cũng có khả năng nghe rõ được, như tai của chư thiên, phạm thiên.

4. Pubbenivāsānussati abhiññā: Túc mạng thông là phép thần thông có khả năng ghi nhớ lại tiền kiếp của mình đã từng sinh trong cõi nào, kiếp ấy như thế nào được ghi nhớ lại rõ mọi chi tiết.

5. Paracittavijānana abhiññā: Tha tâm thông là phép thần thông có khả năng biết được tâm của người khác đang phát sinh là tâm gì v.v...

5 phép thần thông này thuộc về thần thông thiện nghiệp trong thần thông thiện tâm được phát sinh do nương nhờ đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm làm nền tảng. Thần thông thiện nghiệp đã cho quả ngay sau khi thần thông lộ trình tâm phát sinh.

Quả của thần thông thiện nghiệp chỉ hiện hữu ngay khi ấy trong kiếp hiện tại mà thôi. Cho nên thần thông thiện nghiệp không có khả năng sinh quả tái sinh kiếp sau nữa.

1 phép thần thông thứ 6 gọi là āsavakkhaya abhiññā: Trầm luân tận thông là trí tuệ thiền tuệ của bậc Thánh Arahán đã tận diệt, đã diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn 4 pháp trầm luân không còn dư sót.

4 pháp trầm luân (āsava) là:

- Kāmāsava: Trầm luân trong ngũ dục (sắc, thanh, vị, hương, xúc).

- Bhavāsava: Trầm luân trong kiếp sống

- Diṭṭhāsava: Trầm luân trong tà kiến

- Avijjāsava: Trầm luân trong vô minh

Bậc Thánh Arahán mới có khả năng diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn 4 pháp trầm luân này mà thôi, còn các bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai chưa có đủ khả năng diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn 4 pháp trầm luân này.

Trầm luân tận thông (āsavakkhaya abhiññā) thuộc về trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới của bậc Thánh Arahán.

Tóm lại, ác nghiệp nào, thiện nghiệp nào mà ta đã tạo xong, thì ác nghiệp ấy, thiện nghiệp ấy chỉ thuộc về của riêng ta mà thôi, hoàn toàn không liên quan đến người khác, đến chúng sinh khác. Còn quả của ác nghiệp, quả của thiện nghiệp không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến riêng cho ta, mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến những người gần gũi, thân cận với ta nữa.



1 1 đại kiếp trái đất (mahākappa) là khoảng thời gian lâu dài trải qua 4 a-tăng-kỳ:

- 1 a-tăng-kỳ thành là khoảng thời gian lâu dài không thể tính bằng số (vô số) thời gian để tạo kiếp trái đất.

- 1 a-tăng-kỳ trụ là khoảng thời gian lâu dài không thể tính bằng số (vô số) thời gian kiếp trái đất đang tồn tại.

- 1 a-tăng-kỳ hoại là khoảng thời gian lâu dài không thể tính bằng số (vô số) thời gian kiếp trái đất bị hoại dần.

- 1 a-tăng-kỳ không là khoảng thời gian lâu dài không thể tính bằng số (vô số) thời gian kiếp trái đất không còn nữa.

Tiếp theo


[Ðầu trang][Trở về trang Mục lục][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2008