45 HẠ (VASSA) CỦA ĐỨC PHẬT GOTAMA
Theo lệ thường Chư Phật không ở một nơi nào suốt trong thời gian lâu, chỉ khi
nào đến mùa an cư nhập hạ, khi ấy Chư Phật mới ở một nơi suốt ba tháng hạ theo
truyền thống của Chư Phật.
Từ khi Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian cho đến khi tịch diệt Niết
Bàn, Ngài chỉ có 45 hạ mà thôi (Đức Bồ-tát Siddhattha đản sinh
ngày 15/4AL. Ngài xuất gia ngày 15/6AL lúc 29 tuổi. Ngài chứng đắc thành Đức
Phật Chánh Đẳng Giác vào ngày 15/4AL năm 33 tuổi. Ngài tịch diệt Niết Bàn vào
ngày 15/4AL năm 80 tuổi). Theo thông lệ, Đức Phật thường du hành khắp mọi nơi,
thuyết pháp tế độ cho những chúng sinh có duyên lành nên tế độ, trong khoảng
thời gian mau hoặc lâu tùy duyên. Nhưng đến mùa an cư nhập hạ, Đức Phật cùng
chư Tỳ-khưu Tăng ở một nơi nào đó suốt 3 tháng trong mùa mưa. Khi mãn hạ, Đức
Phật cùng chư Tỳ-khưu Tăng du hành đến những nơi khác để thuyết pháp tế độ
chúng sinh.
Theo tuần tự 45 hạ của Đức Phật
Tóm lược những điểm đặc biệt mỗi hạ của Đức Phật
1- Hạ đầu tiên: Sau khi thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta)
lần đầu tiên là vào ngày rằm tháng sáu để tế độ nhóm 5
Tỳ-khưu có Ngài Koṇḍanna
chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh
Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Ngài Koṇḍanna xin Đức Phật cho phép thọ
Tỳ-khưu. Ngay khi ấy Đức Phật
Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, Tam Bảo trọn vẹn lần đầu tiên xuất hiện trên
thế gian.
Ngày 16 tháng 6, ngày bắt đầu của mùa mưa. Đức Phật cùng nhóm 5
Tỳ-khưu an cư
nhập hạ thứ nhất tại vườn phóng sinh nai gọi là Isipatana gần
kinh thành Bārāṇasi suốt 3 tháng, cho đến ngày 16 tháng 9 mới mãn hạ.
Vào ngày đầu an cư nhập hạ là ngày 16 tháng 6, Ngài Đại đức Vappa chứng
ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả, trở
thành bậc Thánh Nhập Lưu, rồi xin Đức Phật cho phép thọ
Tỳ-khưu.
Ngày 17 tháng 6, là ngày Ngài Đại đức Bhaddiya, chứng đắc thành bậc Thánh
Nhập Lưu, rồi xin Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu.
Ngày 18 tháng 6, là ngày Ngài Đại đức Mahānāma, chứng đắc thành bậc Thánh
Nhập Lưu, rồi xin Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu.
Ngày 19 tháng 6, là ngày Ngài Đại đức Assaji, chứng đắc thành bậc Thánh
Nhập Lưu, rồi xin Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu.
Ngày 20 tháng 6, Đức Phật thuyết giảng bài kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇsutta)
tế độ nhóm 5 Tỳ-khưu, tất cả đều chứng đắc từ Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai
Thánh Quả, Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả, Arahán Thánh Đạo - Arahán
Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán.
Đó là 5 vị thánh Arahán đầu tiên xuất hiện trên thế gian, trong những ngày đầu
mùa hạ này. Sau đó, Đức Phật đã thuyết pháp tế độ cho các hàng Thanh Văn đệ tử,
thêm 55 vị nữa đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán.
Sau khi mãn hạ, Đức Phật và 60 vị Thánh Arahán, mỗi vị đi một hướng thuyết pháp
tế độ chúng sinh có duyên lành nên tế độ.
2- Hạ thứ nhì: Đức Phật cùng 20.000 chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng an cư nhập
hạ tại ngôi chùa Veluvana gần kinh thành Rājagaha.
Sau khi mãn hạ, Đức Phật cùng chư Đại đức Tỳ-khưu Tăng du hành khắp mọi nơi
thuyết pháp tế độ chúng sinh.
3-4 Hạ thứ ba và thứ tư: Đức Phật ngự du hành khắp mọi nơi để thuyết pháp
tế độ chúng sinh có duyên lành nên tế độ. Đến mùa mưa Đức Phật trở lại an cư
nhập hạ thứ ba và thứ tư cùng với chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng tại ngôi chùa Veluvana
gần kinh thành Rājagaha.
5- Hạ thứ năm: Đức Phật cùng chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng an cư nhập hạ tại
giảng đường Kuṭāgāra, trong khu rừng lớn gần kinh thành Vesāli. Khi
ấy bà Mahāpajāpatigotamī cùng 500 người nữ dòng Sakya tự cạo đầu
mặc y giống như bậc xuất gia, đi chân không từ kinh thành Kapilavatthu đến
kinh thành Vesāli, đứng khóc trước cổng giảng đường Kuṭāgāra vì
tủi thân do Đức Phật chưa cho phép người nữ xuất gia trở thành
Tỳ-khưu ni trong
giáo pháp của Ngài.
Đại đức Ānanda gặp bà Mahāpajāpatigotamī mới hiểu rõ ý nguyện của
bà, nên vào hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin Ngài cho phép người nữ được xuất gia
trở thành Tỳ-khưu ni.
Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:”Nếu bà Mahāpajāpatigotamī chấp thuận 8 trọng pháp
(garudhamma), thì đó là sự xuất gia trở thành
Tỳ-khưu ni của bà”.
Đại đức Ānanda trở ra thưa lại cho bà rõ 8 trọng pháp ấy; bà vô cùng hoan
hỷ chấp thuận 8 trọng pháp ấy và nghiêm chỉnh thực hành đầy đủ trọn vẹn cho đến
suốt đời. Đó là sự xuất gia trở thành Tỳ-khưu ni của bà Mahāpajāpatigotamī,
còn 500 người nữ dòng Sakya xuất gia trở thành
Tỳ-khưu ni theo cách ñatticatutthakammavācā.
Như vậy, Tỳ-khưu ni Tăng xuất hiện trong giáo pháp của Đức Phật Gotama bắt
đầu từ hạ thứ năm của Đức Phật.
6- Hạ thứ sáu: Đức Phật cùng chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng an cư nhập hạ tại
núi Makula trong xứ Magadha. Một sự việc xảy ra, ông phú hộ Rājagaha
có một gốc cây trầm đỏ rất quý giá, ông cho thợ tiện một cái bát rồi treo trên
một cây cao và thông báo rằng:
- Trong đời này, nếu có vị nào là bậc Thánh Arahán, có thần thông, thì xin vị ấy
bay lên lấy cái bát trầm này, tôi sẽ phát sinh đức tin nơi vị ấy.
Sáu nhóm ngoại đạo thường tự cho mình là bậc Arahán có nhiều thần thông, đều đến
xin ông phú hộ dâng cái bát trầm ấy, nhưng ông phú hộ thưa rằng:
- Nếu Ngài là bậc Arahán có thần thông, thì xin Ngài bay lên lấy cái bát trầm
xuống đây.
Đã 6 ngày qua không có một vị nào bay lên lấy cái bát trầm ấy được. Dân chúng
trong thành Rājagaha thầm nghĩ rằng trong đời này không có bậc Thánh
Arahán chăng?
Đến ngày thứ 7, Ngài Đại đức Mahāmoggallāna và Ngài Đại đức Piṇḍobhāradvāja
đi vào khất thực trong kinh thành Rājagaha, khi nghe tin như vậy, Ngài
Đại đức Mahāmoggallāna bảo Ngài Đại đức Piṇḍobhāradvāja bay lên
lấy cái bát trầm, để đem lại đức tin cho mọi người.
Ngài Đại đức Piṇḍobhāradvāja hóa phép thần thông bay lên lấy cái bát trầm
ấy, rồi bay 3 vòng quanh kinh thành Rājagaha, rồi đáp nhẹ xuống ngôi nhà
ông phú hộ. Ông phú hộ phát sinh đức tin trong sạch, thỉnh Ngài vào lâu đài,
ngồi trên chỗ cao quý, rồi đảnh lễ Ngài và đón nhận cái bát, cúng dường vật
thực ngon lành dâng lên Ngài Đại đức.
Đại đức Piṇḍobhāradvāja trở về chùa, có số đông dân chúng chưa được tận
mắt nhìn thấy Ngài biểu diễn thần thông, nên họ kéo nhau đến tìm Ngài, xin Ngài
biểu diễn thần thông cho họ xem.
Khi ấy, Đức Thế Tôn biết sự việc xảy ra, nên hội họp chư
Tỳ-khưu Tăng lại và Đức
Thế Tôn quở trách Đại đức Piṇḍobhāradvāja rằng:
- Này Piṇḍobhāradvāja, chỉ có cái bát trầm này, mà con biểu diễn thần thông cho
người tại gia xem. Đó không phải là phận sự của Samôn, không làm phát sinh đức
tin đối với người chưa có đức tin.
Đó là nguyên nhân đầu tiên, Đức Phật chế định cấm
Tỳ-khưu không được biểu diễn
thần thông cho người tại gia xem. Tỳ-khưu nào biểu diễn thần thông,
Tỳ-khưu ấy
phạm giới tác ác (dukkaṭa).
Sau đó, Đức Phật truyền dạy đập bể cái bát trầm ra từng mảnh nhỏ, tán mịn làm
thuốc nhỏ mắt cho Tỳ-khưu đau mắt.
7- Hạ thứ bảy: Đức Phật ngự lên cung trời Tam Thập Tam Thiên, để an cư
nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa, thuyết giảng Abhidhammapiṭaka (Tạng Vi Diệu
Pháp) gồm có 7 bộ lớn: Bộ Dhammasaṅgaṇī, bộ Vibhaṅga,
bộ Dhatukathā, bộ Puggalapaññatti, bộ Kathāvatthu,
bộ Yamaka và bộ Paṭṭhāna để tế độ Phật Mẫu (kiếp
hiện tại là một thiên nam Santussita hóa sinh ở cõi trời Đẩu Suất Đà Thiên),
chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, cùng vô số chư thiên, phạm thiên chứng đắc
thành bậc Thánh thấp hoặc cao tùy theo ba-la-mật của họ.
Vào ngày 15 tháng 9, Đức Phật từ cõi trời Tam Thập Tam Thiên trở về cõi người
tại cổng thành xứ Saṅkassa, chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng, chư Tỳ-khưu ni
Tăng, cận sự nam, cận sự nữ đông đảo đón rước Đức Phật.
8- Hạ thứ tám: Đức Phật cùng chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng an cư nhập hạ tại
ngôi chùa trong khu rừng Bhesakaḷavana vùng Bhaggajanapada để tế
độ dân chúng thành Susumāragira.
9- Hạ thứ chín: Đức Phật cùng chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng an cư nhập hạ tại
ngôi chùa Ghositārama gần kinh thành Kosambi.
10- Hạ thứ mười: Hai nhóm Tỳ-khưu xứ Kosambi cãi cọ nhau, Đức Phật
khuyên giải nhưng họ không chịu nghe lời, nên Ngài ngự vào khu rừng Pālileyyaka
an cư nhập hạ một mình, suốt 3 tháng mùa mưa. Khu rừng Pālileyyaka ở
khoảng giữa kinh thành Kosambi và kinh thành Sāvatthi.
11- Hạ thứ mười một: Đức Phật cùng chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng ngự đến tỉnh
lỵ Dakkhiṇagiri, rồi an cư nhập hạ tại ngôi chùa Dakkhiṇagiri, gần
xóm nhà Bàlamôn Ekanāḷa để tế độ ông Bàlamôn tên Kasibhāradvāja xuất
gia trở thành Tỳ-khưu; Tỳ-khưu Kasibhāradvāja tiến hành thiền tuệ chứng
đắc thành bậc Thánh Arahán.
12- Hạ thứ mười hai: Đức Phật cùng chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng an cư nhập hạ
tại xứ Verañjā theo lời thỉnh mời của ông Bàlamôn Verañja. Trong
lúc ấy, xứ Verañjā gặp phải hạn hán mất mùa, nạn đói phát sinh, dân
chúng bị chết đói rất đông, bởi vì, thiếu thốn vật thực, cho nên chư
Tỳ-khưu đi
khất thực không được vật thực. Đoàn người lái buôn từ xứ Uttarāpatha cùng
với 500 cỗ xe ngựa vừa đến xứ Verañjā gặp mùa mưa, nên đành phải trú
lại. Họ nhìn thấy chư Tỳ-khưu đi khất thực, nhưng không được gì, nên họ làm
phước bố thí cúng dường lúa là phần vật thực để nuôi ngựa, giã thành gạo đỏ đem
nấu cơm, mỗi ngày dâng cúng dường đến Đức Phật cùng chư
Tỳ-khưu; đặc biệt dâng
cúng dường Đại đức Ānanda những món bơ, mật ong, đường..., để Đại đức Ānanda
làm vật thực dâng cúng lên Đức Phật.
Trong 3 tháng an cư nhập hạ đó, Đức Phật cùng chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng phải chịu
cảnh độ cơm nấu bằng gạo đỏ (đó là một trong những quả ác nghiệp cũ của Đức Phật
còn dư sót chút đỉnh, và cũng có thể làm ảnh hưởng đến chư
Tỳ-khưu gần gũi với
Đức Phật).
13- Hạ thứ mười ba: Đức Phật an cư nhập hạ tại một ngôi chùa trên núi Cāliya
gần xóm nhà Jantu, trong xứ Cāliya. Từ hạ đầu tiên cho đến hạ thứ
mười ba này, Đức Phật chưa có một vị Tỳ-khưu nào là thị giả thường trực chăm
sóc phục vụ Đức Phật, khi thì vị Tỳ-khưu này, khi thì vị
Tỳ-khưu khác thay đổi nhau phục vụ Đức Phật. Trong mùa
hạ này, vị Tỳ-khưu Meghiya là thị giả
của Đức Phật. Một hôm, vị Tỳ-khưu đi khất thực trong xóm Jantu, nhìn
thấy ngoài vườn xoài bên bờ sông, một cảnh đẹp thiên nhiên, yên tĩnh, đáng hài
lòng, Ngài muốn đến nơi đó để hành đạo.
Khi trở về, Tỳ-khưu Meghiya vào hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin Ngài cho
phép đi đến nơi đó để hành đạo theo ý muốn của mình. Đức Phật quán xét thấy
chưa hợp thời, nên dạy rằng:
- Này con, con nên chờ có một vị Tỳ-khưu khác đến thay thế con, rồi con hãy đi.
Tuy vậy, Tỳ-khưu Meghiya vẫn năn nỉ xin đi,
Đức Phật khuyên dạy 3 lần mà Tỳ-khưu Meghiya
không chịu nghe lời, biết ngăn không được, nên Đức Phật
đành phải cho phép. Tỳ-khưu Meghiya đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ra đi, để
Đức Phật ở lại một mình trên núi Cāliya.
Khi Tỳ-khưu Meghiya đến vườn xoài ngồi hành
đạo, thì tâm tà tư duy phát sinh, làm cho tâm nóng nảy,
bực bội nên không thể tiến hành thiền định, không thể
tiến hành thiền tuệ. Tỳ-khưu Meghiya trở về hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn
bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, người xuất gia với đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, khi
tà tư duy, bất thiện pháp phát sinh làm trở ngại sự tiến hành thiền định, tiến
hành thiền tuệ; vậy cần phải có những pháp nào để diệt trừ tà tư duy, hỗ trợ
cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Bạch Ngài.
Đức Phật dạy rằng:
- Này Meghiya, người chưa diệt được phiền não trầm luân thì cần phải có 5 pháp:
a) Có bạn lành, bạn tốt.
b) Là người có giới hạnh trong sạch, thu thúc trong giới luật, giữ gìn thân và
khẩu trong sạch thanh tịnh, đi lại nơi an toàn cho phạm hạnh, thường thấy tai
họa lớn trong lỗi nhỏ.
c) Là người biết tri túc trong 4 thứ vật dụng hằng ngày.
d) Có tâm tinh tấn không ngừng diệt ác pháp, làm cho thiện pháp phát sinh và tăng
trưởng.
e) Có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp
dẫn đến sự diệt phiền não trầm luân, giải thoát khổ.
Đó là 5 pháp diệt tà tư duy, để hỗ trợ cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền
tuệ, dẫn đến giải thoát khổ tử sinh luân hồi.
Tỳ-khưu Meghiya vâng lời dạy của Đức Phật. Về sau không lâu, Ngài tiến
hành thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh
Quả, trở thành bậc Thánh Arahán.
14- Hạ thứ mười bốn: Đức Phật an cư nhập hạ tại ngôi chùa Jetavana
của phú hộ Anāthapiṇḍika gần kinh thành Sāvatthi. Trong mùa hạ
này, Sadi Rāhula tròn đủ 20 tuổi được nâng lên bậc
Tỳ-khưu, do Ngài Đại
đức Sāriputta là Thầy tế độ (upajjhāya) và Ngài Đại đức Mahāmoggallāna
là Thầy tụng Tuyên ngôn và Thành sự ngôn (ācariya)
Đức Phật biết rõ Tỳ-khưu Rāhula có đầy đủ pháp
hạnh ba-la-mật, nên Ngài dự định thuyết pháp tế độ
Tỳ-khưu Rāhula diệt đoạn tuyệt mọi phiền não
trầm luân.
Hôm ấy, sau khi ngự đi khất thực trong kinh thành Sāvatthi
trở về, Đức Phật truyền dạy Tỳ-khưu Rāhula đem tọa cụ (tấm vải lót ngồi) đi
vào rừng ở phía Nam kinh thành Sāvatthi để
nghỉ trưa. Vô số chư thiên, phạm thiên cùng đi theo
Tỳ-khưu Rāhula, do biết rằng Đức Thế Tôn thuyết
pháp tế độ Đại đức Rāhula để diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân.
Đức Phật thuyết bài kinh Cūḷarāhulovādasutta: Kinh dạy
Tỳ-khưu
Rāhula trẻ. Sau khi lắng nghe xong bài
kinh, Tỳ-khưu Rāhula
chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh
Quả cho đến Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán
cùng vơí Tứ Tuệ Phân Tích, Lục thông, đồng thời có vô số chư thiên, phạm thiên
cũng chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai,
bậc Thánh Arahán tùy theo ba-la-mật của họ.
15- Hạ thứ mười lăm: Đức Phật cùng chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng an cư nhập hạ
tại ngôi chùa Nigrodhārāma gần kinh thành Kapilavatthu. Đức vua Mahānāma
thuộc dòng tộc Sakya đã xây cất chỗ ở để dâng cúng dường đến chư
Tỳ-khưu
Tăng có Đức Phật chủ trì. Đức Phật thuyết pháp nói về quả báu cao quý của sự bố
thí chỗ ở đến chư Tỳ-khưu Tăng.
16- Hạ thứ mười sáu: Sau khi Đức Phật đã tế độ được dạ xoa Aḷavaka
rất hung dữ hơn cả ma vương. Dạ xoa Aḷavaka đã chứng ngộ chân lý Tứ
Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc
Thánh Nhập Lưu. Sau đó Đức Phật an cư nhập hạ tại ngôi tháp Aggāḷava trong
xứ Āḷavī, để tế độ Đức vua Aḷavaka cùng dân chúng trong xứ.
17- Hạ thứ mười bảy: Đức Phật cùng chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng an cư nhập hạ
tại ngôi chùa Veluvana gần kinh thành Rājagaha.
18 -19 Hạ thứ mười tám và mười chín: Đức Phật ngự đi thuyết pháp tế độ
chúng sinh có duyên lành nên tế độ khắp mọi nơi. Khi gần đến mùa mưa, Đức Phật
ngự đến ngôi chùa trên núi Cāliya gần xóm nhà Jantu trong xứ Cāliya
an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa.
20- Hạ thứ hai mươi: Đức Phật cùng chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng an cư nhập hạ
tại ngôi chùa Veluvana, gần kinh thành Rājagaha.
Từ hạ đầu tiên đến đầu hạ thứ hai mươi, Đức Phật chưa có một vị
Tỳ-khưu nào làm
thị giả thường trực để lo chăm sóc phục vụ Ngài; khi thì vị
Tỳ-khưu này, khi
thì vị Tỳ-khưu khác: Các vị Tỳ-khưu như Tỳ-khưu Nāgasamāla,
Tỳ-khưu Nāgita, Tỳ-khưu Upavāṇa, Tỳ-khưu Sunakkhatta,
Tỳ-khưu Cunda, Tỳ-khưu Sāgata, Tỳ-khưu
Meghiya... thay đổi nhau làm phận sự phục vụ Đức Phật; chưa có một
Tỳ-khưu nào gọi là thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc Đức Phật; cho nên, đôi
khi Đức Phật ngự đi khất thực một đường, vị Tỳ-khưu ôm bát theo Đức Phật lại
muốn đi con đường khác, nên để bát của Đức Phật xuống đất rồi đi theo ý của
mình, hoặc đôi khi có vị Tỳ-khưu đang phục vụ Đức Phật, thì xin đi hành đạo một
nơi khác, chỉ còn lại một mình Đức Phật, không có vị
Tỳ-khưu nào lo chăm sóc
phục vụ cho Ngài.
Trong mùa hạ này, một hôm, Đức Phật đang ngự tại cốc Gandhakuṭi, khi ấy
chư Đại đức Tỳ-khưu Tăng đến tụ hội xung quanh nơi Đức Phật, Ngài truyền dạy
rằng:
- Này chư Tỳ-khưu, nay Như Lai đã lớn tuổi rồi (55 tuổi), các
Tỳ-khưu đến chăm
sóc, phục vụ Như Lai; đôi khi Như Lai đi khất thực một đường, vị
Tỳ-khưu ấy
mang bát theo Như Lai lại muốn đi con đường khác, nên để bát của Như Lai xuống
đất rồi đi theo ý của mình....
Này chư Tỳ-khưu, các con nên chọn một vị Tỳ-khưu làm thị giả thường trực ngày đêm
lo chăm sóc, phục vụ Như Lai.
Khi lắng nghe Đức Phật truyền dạy như vậy, Đại đức Sāriputta đảnh lễ Đức
Thế Tôn chắp hai tay bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin được làm thị giả thường trực hằng ngày, hằng đêm
lo chăm sóc phục vụ Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn không chấp thuận theo lời xin của Đại đức Sāriputta.
Tiếp đến Đại đức Māhāmoggallāna bạch xin, Đức Thế Tôn cũng không chấp
thuận. Theo tuần tự các chư Đại Thanh Văn đều xin, Đức Thế Tôn cũng không chấp
thuận một vị nào cả. Duy chỉ còn Đại đức Ānanda đang ngồi im lặng.
Chư
Đại đức Tỳ-khưu động viên khuyến khích Đại đức Ānanda bạch xin làm thị
giả thường trực hằng ngày đêm lo chăm sóc phục vụ Đức Thế Tôn.
Khi ấy, Đại đức Ānanda đảnh lễ Đức Thế Tôn chắp hai tay bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin Ngài tám đặc ân, nếu Ngài ban cho con đủ tám đặc
ân ấy, thì con sẽ xin làm thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc phục vụ
Ngài.
Bốn đặc ân khước từ
a) Kính xin Đức Thế Tôn không ban cho con tấm y tốt mà Ngài có.
b) Kính xin Đức Thế Tôn không ban cho con vật thực ngon lành mà Ngài có.
c) Kính xin Đức Thế Tôn không ban cho con ở chung với Ngài trong cốc
Gandhakuṭi.
d) Kính xin Đức Thế Tôn không cho con đi theo Ngài đến nhà thí chủ mà họ thỉnh
mời Ngài.
Đức Phật truyền hỏi rằng:
- Này Ānanda, con xét thấy bất lợi như thế nào, mà con xin bốn đặc ân khước từ
như vậy?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con muốn tránh những lời gièm pha của người khác cho
rằng: Con xin làm thị giả thường trực của Đức Thế Tôn để mong được y
tốt, vật thực ngon lành, ở chung với Đức Thế Tôn, được đi theo Đức Thế Tôn đến
nhà thí chủ thỉnh mời Ngài.
Đức Thế Tôn chấp thuận theo bốn đặc ân khước từ ấy của Đại đức Ānanda.
Bốn đặc ân khẩn khoản
a) Kính xin Đức Thế Tôn ngự đến nơi, mà con đã nhận lời thỉnh mời.
b) Kính xin Đức Thế Tôn cho phép con dẫn các người từ các phương xa khác đến hầu
Ngài.
c) Kính xin Đức Thế Tôn cho phép con được vào hầu Ngài, để hỏi những pháp mà con
chưa hiểu biết.
d) Đức Thế Tôn thuyết pháp nơi nào, khi con vắng mặt, kính xin Ngài thuyết lại
pháp ấy cho con được nghe.
Đức Phật truyền hỏi rằng:
- Này Ānanda, con xét thấy những điều lợi ích như thế nào, mà con xin bốn đặc ân
khẩn khoản như vậy?
- Kính bạch Đức Thế Tôn,
Đặc ân thứ nhất: Những người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo đến hầu
thỉnh Đức Thế Tôn, mà không gặp được Ngài, con có thể thay mặt nhận lời thỉnh
mời của họ. Nếu Đức Thế Tôn không ngự đi đến nơi đó, thì họ sẽ nghĩ rằng:
“Con là người thị giả thường trực của Đức Thế Tôn, vậy mà họ chỉ nhờ việc thỉnh
mời Đức Thế Tôn cũng không giúp được”.
Đặc ân thứ nhì: Những người từ các phương xa đến hầu Đức Thế Tôn, nếu họ
không có cơ hội hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn để nghe pháp, thì họ sẽ nghĩ rằng:
"Chúng ta từ phương xa đến, có ý nguyện hầu Đức Thế Tôn, nghe Ngài thuyết pháp;
nhưng vị Tỳ-khưu thị giả của Đức Thế Tôn cũng không giúp cho chúng ta được có
cơ hội ấy”. Như vậy, họ sẽ giảm đức tin nơi Tam Bảo.
Đặc ân thứ ba: Khi con nghe pháp của Đức Thế Tôn, có pháp nào chưa hiểu rõ, con
xin hỏi lại pháp ấy, Đức Thế Tôn giảng giải cho con được hiểu rõ, thì con được
thuận lợi cho việc tiến hành thiền tuệ của con.
Đặc ân thứ tư: Có người hỏi con rằng: “Bài kinh này, pháp này, tiền
thân này... Đức Thế Tôn giảng nơi nào, có ý nghĩa như thế nào?”
Nếu con trả lời với họ “Tôi không biết”, thì họ sẽ nghĩ rằng: “Đại đức
Ānanda là thị giả của Đức Thế Tôn, vậy mà bài kinh ấy, pháp ấy, tiền thân ấy...
cũng không biết”. Do đó, con cần phải biết những bài kinh ấy, những pháp ấy,
những tiền thân ấy... để trả lời cho họ hiểu rõ.
Sau khi nghe Đại đức Ānanda giải thích ý nghĩa của mỗi đặc ân, Đức Phật
chấp thuận đủ tám đặc ân của Đại đức Ānanda. Bắt đầu từ thời gian ấy,
Đại đức Ānanda chính thức là thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc
phục vụ Đức Thế Tôn, cho đến lúc Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn.
Sở dĩ, Đại đức Ānanda được địa vị thị giả thường trực của Đức Phật Gotama,
là vì tiền kiếp của Ngài đã từng phát nguyện muốn trở thành một thị giả thường
trực của Đức Phật; lời phát nguyện ấy được Đức Phật Padumuttara, trong
thời quá khứ đã thọ ký và Ngài cũng đã tạo ba-la-mật suốt 100 ngàn đại kiếp
trái đất.
21 - 44 Hạ thứ hai mươi mốt đến hạ thứ bốn mươi bốn
45 hạ của Đức Phật chia ra 2 thời kỳ:
* Thời kỳ đầu: Kể từ hạ đầu tiên đến hạ thứ 20, mỗi hạ Đức Phật an cư
nhập hạ nơi nào, tế độ cho chúng sinh nào được ghi chép lại rõ ràng.
* Thời kỳ cuối: Kể từ hạ thứ 21 đến hạ thứ 44, Đức Phật an cư nhập hạ một
trong hai ngôi chùa. Khi thì tại ngôi chùa Jetavana, khi thì tại ngôi
chùa Pubhārama gần kinh thành Sāvatthi.
Sau khi mãn hạ, Đức Phật thường ngự đi thuyết pháp tế độ cho những chúng sinh có
duyên lành nên tế độ dù gần, dù xa trong cõi người, hoặc cõi trời dục giới, sắc
giới. Khi đến gần mùa mưa, Đức Phật trở lại kinh thành Sāvatthi, an cư
nhập hạ tại ngôi chùa Jetavana, hoặc tại ngôi chùa Pubhārama. Bởi
vì, Đức vua Pasenadi Kosala ở kinh thành Sāvatthi, là người có
đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có tâm tôn kính Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng.
Đặc biệt, có hai đại thí chủ là ông phú hộ Anāthapiṇḍika và bà đại thí
chủ Visākhā, trong nhà của hai thí chủ này hằng ngày luôn có sắp đặt sẵn
500 chỗ ngồi để đón rước chư Đại đức Tỳ-khưu Tăng đến khất thực. Và phần đông
dân chúng trong kinh thành Sāvatthi là những người có đức tin trong sạch
nơi Tam Bảo, hoan hỷ trong việc bố thí cúng dường bốn thứ vật dụng đến chư
Tỳ-khưu Tăng. Do đó, khi Đức Phật an cư nhập hạ tại ngôi chùa Jetavana,
hoặc tại ngôi chùa Pubhārama, thì có số đông chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng
cũng an cư nhập hạ tại một trong hai ngôi chùa này, và các nơi gần kinh thành Sāvatthi,
để chư Tỳ-khưu có được nhiều điều thuận lợi, nhất là bốn thứ vật dụng, trong
suốt mùa an cư nhập hạ. Cho nên, việc tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ
của chư Tỳ-khưu được thuận lợi và dễ dàng phát triển.
45- Hạ thứ bốn mươi lăm: Hạ cuối cùng
Đức Phật an cư nhập hạ tại ngôi làng nhỏ Veḷuvagāma, gần kinh thành Vesāli,
Ngài cho phép chư Đại đức Tỳ-khưu nhập hạ quanh làng gần Đức Phật, để cho tiện
việc đến tụ hội nghe lời giáo huấn của Ngài. Bởi vì, Ngài biết rõ rằng chỉ còn
khoảng 10 tháng nữa, Ngài sẽ tịch diệt Niết Bàn.
Trong mùa an cư nhập hạ này, Đức Phật lâm bệnh trầm trọng, tưởng chừng như sắp
tịch diệt Niết Bàn, nhưng Ngài suy nghĩ rằng: “Như Lai chưa truyền dạy cho thị
giả Ānanda, cùng chư Tỳ-khưu Tăng biết, mà tịch diệt Niết Bàn đó là điều không
nên”. Do đó, Ngài cố nhẫn nại chịu đựng thọ khổ, rồi nhập Arahán Quả.
Nhờ vậy, bệnh tình của Ngài được thuyên giảm.
Sau khi khỏi bệnh được không lâu, Đức Thế Tôn ngự ra khỏi cốc đến ngồi chỗ đã
trải sẵn, Đại đức Ānanda đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, nhìn thấy Ngài khỏi bệnh, con hoan hỷ quá! Kính bạch Đức
Thế Tôn, khi con thấy Ngài lâm bệnh trầm trọng, con có cảm giác toàn thân nặng
nề, tâm con tăm tối, mờ mịt không còn biết rõ phương hướng, pháp hành tứ niệm
xứ cũng không còn hiện rõ trong tâm con, bởi vì bệnh tình trầm trọng của Đức
Thế Tôn. Nhưng có một điều mà con tự an ủi rằng:
Đức Thế Tôn chưa có lời di chúc đến chư Tỳ-khưu Tăng, thì có lẽ Ngài chưa tịch
diệt Niết Bàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Này Ānanda, chư Tỳ-khưu còn hy vọng gì nơi Như Lai nữa? Chánh pháp mà Như Lai
đã thuyết giảng không hề phân biệt người thân bên trong, kẻ sơ bên ngoài, Như
Lai không giống như các vị thầy khác, giấu các yếu pháp để chờ đến lúc trước
khi lâm chung mới truyền lại cho người học trò tín cẩn.
Này Ānanda, vị Thầy nào nghĩ rằng: “Ta là người lãnh đạo nhóm chư
Tỳ-khưu Tăng,
và nhóm chư Tỳ-khưu Tăng nương nhờ nơi ta”, thì vị Thầy ấy mới có lời di chúc
đến nhóm chư Tỳ-khưu Tăng ấy.
Này Ānanda, Như Lai không nghĩ rằng: “Như Lai là người lãnh đạo nhóm chư
Tỳ-khưu
Tăng, và nhóm chư Tỳ-khưu Tăng nương nhờ nơi Như Lai”. Như vậy, tại sao
Như Lai lại có lời di chúc đến chư Tỳ-khưu Tăng.
Này Ānanda, bây giờ Như Lai đã đến thời lão niên rồi, tuổi đã cao, được 80 tuổi
(kể từ khi đầu thai vào lòng Phật mẫu ngày rằng tháng sáu) rồi! Ví như
chiếc xe cũ, sử dụng được là phải nhờ sửa chữa như thế nào, thì sắc thân của
Như Lai cũng như thế ấy, luôn luôn cần được sửa chữa bằng cách nhập Arahán
Thánh Quả.
Này Ānanda, khi nào Như Lai nhập Arahán Thánh Quả có đối tượng vô hiện tượng Niết
Bàn diệt được các pháp trong tam giới, hưởng pháp vị an lạc Niết Bàn Siêu tam
giới, khi ấy Như Lai mới thật sự được an lạc. Cho nên, các con nên sống có ta
làm hòn đảo (trong biển khổ), có ta làm nơi nương nhờ, không nên sống nương nhờ
nơi nào khác. Nghĩa là có chánh pháp làm hòn đảo, có chánh pháp làm nơi nương
nhờ, không nên sống nương nhờ nơi nào khác.
Này Ānanda, vì vậy, hiện tại Như Lai còn tại thế, cũng như trong vị lai, khi Như
Lai tịch diệt Niết Bàn, chư Tỳ-khưu cũng là người sống có ta làm hòn đảo, có ta
làm nơi nương nhờ, không nên sống nương nhờ nơi nào khác. Nghĩa là
Tỳ-khưu sống
có chánh pháp làm hòn đảo, có chánh pháp làm nơi nương nhờ, không nên sống
nương nhờ nơi nào khác. Tỳ-khưu ấy tiến hành tứ niệm xứ, sẽ là người cao thượng.
Đức Thế Tôn an cư nhập hạ tại nơi đây suốt 3 tháng, đây là hạ cuối cùng của
Ngài.
Những ngày tháng cuối cùng của Đức Phật
Sau khi mãn hạ, Đức Phật cùng chư Đại đức Tỳ-khưu Tăng trở lại kinh thành Sāvatthi,
ngự tại ngôi chùa Jetavana.
Ngài Đại đức Sāriputta tịch diệt Niết Bàn
Ngài Đại đức Sāriputta tư duy rằng:
Chư Phật với bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn, vị nào sẽ tịch diệt Niết Bàn trước?
Ngài biết rõ rằng: Bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn tịch diệt Niết Bàn trước Đức
Phật. Ngài quán xét về tuổi thọ của Ngài, biết rõ tuổi thọ của Ngài chỉ còn 7
ngày nữa.
Đại đức Sāriputta liền đến để đảnh lễ Đức Thế Tôn lần cuối cùng, xin phép
đi tịch diệt Niết Bàn.
Đức Phật bèn hỏi Đại đức Sāriputta rằng:
- Này Sāriputta, con sẽ tịch diệt Niết Bàn tại nơi nào?
Ngài Đại đức Sāriputta bạch với Đức Thế Tôn:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con sẽ tịch diệt Niết Bàn tại ngôi làng Nālākagāma xứ
Magadha nơi con đã sinh trưởng, đồng thời để tế độ cho thân mẫu của con. Tuy bà
có bảy người con thành bậc Thánh Arahán, song bà vẫn chưa có đức tin nơi Tam
Bảo.
Ngài Đại đức Sāriputta cùng 500 đệ tử đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin phép từ
giã Đức Phật. Ngài trở về lại ngôi nhà, ở tại căn phòng xưa của mình. Trong đêm
cuối cùng của cuộc đời, Ngài phát bệnh kiết lỵ đi ngoài, phân lẫn nhiều máu,
bệnh tình rất trầm trọng. Khi ấy, bà thân mẫu của Ngài đứng nhìn qua căn phòng
của Ngài, thấy Tứ Đại Thiên Vương có hào quang sáng ngời đến chiêm bái đảnh lễ
Ngài lần cuối cùng, rồi lui ra. Tiếp đến, Đức vua trời Sakka từ cõi Tam
Thập Tam Thiên đến chiêm bái đảnh lễ Ngài, rồi lui ra. Tuần tự các Đức vua ở
cõi Dạ Ma Thiên, Đức vua cõi Đẩu Suất Đà Thiên, Đức vua cõi Hóa Lạc Thiên, Đức
vua cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên trong các cõi trời dục giới và tiếp đến chư Đại
Phạm Thiên cõi trời sắc giới cũng đều đến chiêm bái đảnh lễ Ngài lần cuối cùng.
Bà thân mẫu của Ngài nhìn thấy chư thiên, Đại Phạm Thiên có hào quang sáng ngời,
vị sau hơn vị trước, bà muốn biết những vị chư thiên ấy là vị nào, mà có lòng
tôn kính con của bà đến như thế! Nên bà đến phòng của Ngài, hỏi Đại đức Cunda
(con trai của bà) rằng:
- Này Cunda, các vị chư thiên nào mà có lòng tôn kính đến chiêm bái đảnh lễ sư
huynh của con như vậy?
Đại đức Cunda thưa rằng:
- Thưa thân mẫu, bốn vị chiêm bái, đảnh lễ đầu tiên đó là Tứ Đại Thiên Vương.
Bà nghĩ thầm: “Tứ Đại Thiên Vương có lòng tôn kính chiêm bái, đảnh lễ con ta; con
ta cao thượng như vậy sao! Nếu vậy, thì Đức Phật là Bậc Thầy của con ta chắc
chắn Ngài còn cao thượng hơn nhiều”. Và bà hỏi tiếp:
- Này Cunda, còn các vị chư thiên khác là vị nào vậy?
Đại đức Cunda thưa tiếp:
- Thưa thân mẫu, kế đến là Đức vua trời Sakka từ cõi trời Tam Thập Tam Thiên, Đức
vua trời Sujāma cõi trời Dạ Ma Thiên, Đức vua trời Santussita cõi trời Đẩu Suất
Đà Thiên, Đức vua trời Sunimmita cõi trời Hóa Lạc Thiên, Đức vua trời
Paranimmita từ cõi trời Tha Hóa Tự Tại Thiên, và tiếp đến Chư Đại Phạm Thiên từ
các tầng trời sắc giới...
Nghe vậy bà thầm nghĩ rằng: “Đại Phạm Thiên mà ta tôn kính, chư Đại
Phạm Thiên ấy lại có lòng tôn kính, chiêm bái đảnh lễ con của ta, con ta cao
thượng đến như vậy sao! Nếu vậy, Đức Phật là Bậc Thầy của con ta, chắc chắn
Ngài còn cao thượng biết dường nào!”
Nghĩ vậy, bà phát sinh tâm hỷ lạc chưa từng có, bà ân cần thăm hỏi bệnh tình của
Ngài Sāriputta và bày tỏ ý nghĩ của mình. Ngài Đại đức Sāriputta biết
đúng lúc hợp thời, nên Ngài thuyết giảng về Ân đức Phật để
tế độ thân mẫu của Ngài. Sau khi lắng nghe pháp xong, bà liền chứng ngộ chân lý
Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc
Thánh Nhập Lưu có đức tin trong sạch vững chắc nơi Tam Bảo.
Ngài Đại đức Sāriputta suy tư rằng: “Nay ta đã đền đáp công ơn sinh thành
dưỡng dục của thân mẫu”. Khi ấy, sắp rạng đông, Ngài Đại đức Sāriputta
bảo Đại đức Cunda, cho truyền gọi chư Tỳ-khưu đến tụ hội đông đủ, rồi đỡ
Ngài ngồi dậy và Ngài dạy rằng:
- Này chư hiền giả, quý vị đã theo tôi suốt 44 năm, nếu tôi có làm điều gì, có
nói lời nào làm phật lòng quý vị; nay xin quý vị hiền giả hãy bỏ lỗi cho tôi.
Chư Tỳ-khưu bạch rằng:
- Kính bạch Đại đức, Ngài là vị Thầy khả kính, khả ái của chúng con; chúng con
không chấp một điều gì cả; và chúng con đã theo Ngài như bóng theo hình, suốt
44 năm qua, nếu chúng con có làm điều gì, có nói lời nào làm phật lòng Ngài;
thì nay kính xin Ngài từ bi tha thứ cho chúng con. Bạch Ngài.
Sau buổi lễ chân thành sám hối lẫn nhau, vào ngày rằm tháng 10 (âm
lịch) Ngài Đại đức Sāriputta tịch diệt Niết Bàn,
chấm dứt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, ngay khi ấy đồng
thời trái đất cũng tự nhiên rùng mình chuyển động.
Sau khi lễ hỏa táng thi thể Ngài Đại đức Sāriputta xong, Đại đức Cunda
thỉnh Xá lợi của Ngài Sāriputta đến dâng Đức Thế Tôn tại ngôi chùa Jetavana,
Đức Thế Tôn truyền dạy xây ngôi tháp tôn thờ Xá lợi Ngài Sāriputta tại
kinh thành Sāvatthi.
Ngài Māhāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn
Sau khi Ngài Đại đức Sāriputta tịch diệt Niết Bàn, Đức Phật cùng chư
Tỳ-khưu Tăng từ kinh thành Sāvatthi ngự đến kinh thành Rājagaha, ngự
tại ngôi chùa Veluvana. Khi ấy, Ngài Đại đức Mahāmoggallāna đang
trú tại làng Kaḷasilā trong xứ Magadha, nhóm ngoại đạo thuê mướn
nhóm cướp vây đánh Ngài, đã biết bao lần Ngài đều lẫn tránh được; lần cuối cùng
Ngài quán xét thấy nghiệp ác cũ đến thời kỳ cho quả, nên Ngài nhẫn nại chịu
đựng để nhóm cướp đánh đập Ngài tan xương nát thịt. Chúng tưởng Ngài đã chết
nên ném xác Ngài vào bụi cây rồi bỏ đi. Ngài vận dụng thần thông liên kết xương
thịt lại, bay đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xin phép tịch diệt Niết Bàn. Ngài Đại
đức Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn vào ngày 30 tháng 10
(âm lịch), tại làng Kaḷasilā trong xứ
Magadha
.
Lễ hỏa táng xong, Đức Phật truyền dạy xây ngôi tháp tôn thờ Xá lợi Ngài Mahāmoggallāna
tại kinh thành Rājagaha.
Như vậy, trong tháng 10 (âm lịch) năm ấy hai vị Thánh Tối Thượng Thanh Văn đã
tịch diệt Niết Bàn.
Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ-khưu Tăng từ kinh thành Rājagaha du hành đến kinh
thành Vesāli. Một hôm, Đức Thế Tôn ngự vào thành Vesāli khất
thực, sau khi thọ thực xong Đức Phật dạy bảo Đại đức Ānanda cùng ngự đến
ngôi tháp Cāpālacetiya. Sau khi Đức Thế Tôn ngự trên chỗ ngồi đã trải
sẵn, Đại đức Ānanda đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ. Khi
ấy, Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Này Ānanda, bậc nào đã thường tiến hành 4 pháp thành tựu (idhipāda),
đã tiến hành trở thành thuần thục, đã tiến hành trở thành nền tảng vững chắc,
có căn bản, đã luyện tập thành thói quen hằng ngày, thường tinh tấn không ngừng
tiến hành 4 pháp thành tựu này.
Này Ānanda, bậc ấy có khả năng duy trì trọn kiếp tuổi thọ hoặc hơn kiếp
tuổi thọ như ý.
Này Ānanda, Như Lai đã thường tiến hành 4 pháp thành tựu, đã tiến hành trở thành
thuần thục, đã tiến hành trở thành nền tảng vững chắc, có căn bản, đã luyện tập
thành thói quen hằng ngày, thường tinh tấn không ngừng tiến hành 4 pháp thành
tựu này.
Này Ānanda, Như Lai cũng có khả năng duy trì trọn kiếp tuổi thọ (100 năm)
hoặc hơn kiếp tuổi thọ (hơn 100 năm) vậy.
Đức Thế Tôn đã dạy gián tiếp như vậy, mà Đại đức Ānanda không hiểu, nên
không thỉnh mời Đức Thế Tôn rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài duy trì suốt kiếp tuổi thọ (100 năm).
Kính xin Ngài duy trì trọn kiếp tuổi thọ, để tế độ cho phần đông chúng sinh, để
đem lại sự lợi ích, sự an lạc phần đông chúng sinh, để đem lại sự lợi ích, sự
tiến hóa, sự an lạc cho chư thiên và nhân loại.
Bởi vì, khi ấy Đại đức Ānanda bị Ma vương quấy nhiễu, nên không hiểu ý
của Đức Thế Tôn. Dù Đức Thế Tôn dạy như vậy lần thứ hai, lần thứ ba, Đại đức Ānanda
vẫn không hiểu được; Ngài đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi xin phép đi ra ngoài ngồi
dưới gốc cây không xa nơi Đức Thế Tôn.
Ma vương thỉnh Đức Phật tịch diệt Niết Bàn
Khi Đại đức Ānanda vừa mới ra ngoài, Ác Ma Thiên liền đến hầu Đức Thế
Tôn, rồi đứng một nơi hợp lẽ và bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài tịch diệt Niết Bàn, kính xin Ngài tịch
diệt Niết Bàn ngay bây giờ! Bây giờ là lúc tịch diệt Niết Bàn của Ngài.
Thật ra, Ác Ma Thiên đã nhiều lần đến thỉnh Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn,
những lần trước Đức Thế Tôn đều khước từ. Nhưng lần này, Đức Thế Tôn hứa với Ác
Ma Thiên rằng:
- Này Ác Ma Thiên, ngươi hãy yên tâm, không lâu nữa, Như Lai sẽ tịch diệt Niết
Bàn. Kể từ nay chỉ còn ba tháng nữa, Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn.
Như vậy, Đức Thế Tôn có trí tuệ sáng suốt, xác định thời gian ba tháng nữa sẽ xả
tuổi thọ, sinh mạng của Ngài, tại ngôi Tháp Cāpālacetiya, đó là vào ngày
rằm tháng giêng (âm lịch). Ngay khi ấy, trái đất rùng mình
chuyển động.
Đại đức Ānanda thấy điều lạ thường, trái đất rung chuyển nên vào hầu Đức
Thế Tôn, bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, do nguyên nhân nào làm trái đất rung chuyển, bạch Ngài.
Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Này Ānanda, ngay hôm nay, vừa rồi, Như Lai có trí tuệ sáng suốt hứa với Ác Ma
Thiên rằng: “Chỉ còn ba tháng nữa, Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn”.
Nghe như vậy, Đại đức Ānanda kính thỉnh rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin kính thỉnh Ngài duy trì tuổi thọ trọn kiếp tuổi
thọ (100 năm). Con xin kính thỉnh Ngài duy trì tuổi thọ trọn kiếp tuổi thọ, để
tế độ cho phần đông chúng sinh, để đem lại sự lợi ích, sự an lạc phần đông
chúng sinh, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho chư thiên và nhân
loại.
Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Này Ānanda, con chớ nên thỉnh Như Lai nữa; bây giờ không phải lúc thỉnh cầu Như
Lai nữa. Như Lai đã gián tiếp dạy con nhiều lần mà con vẫn không hiểu, con
không có lời thỉnh cầu Như Lai. Nay Như Lai đã hứa với Ác Ma Thiên rồi, không
thể nào khác được.
Đại đức Ānanda cảm thấy buồn vô hạn, hối hận về điều sơ suất của mình,
nên Đức Thế Tôn an ủi Đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, Như Lai đã từng dạy rằng: “Sống xa lìa nhau, chết biệt ly
với những người thân yêu, các bậc kính mến ấy, đó là điều hiển nhiên. Do đó,
làm sao lại có thể, có những người thân yêu, các bậc kính mến ấy theo ý muốn
của mình được!”.
Những pháp nào đã sinh rồi, hiện hữu rồi, do nhân duyên cấu tạo rồi, chắc chắn có
sự hủy hoại là thường, dù có mong muốn rằng: “xin pháp ấy đừng
hủy hoại”, đó là điều không thể nào có được.
Này Ānanda chúng ta cùng nhau đến giảng đường Kuṭāgāra trong khu rừng lớn.
Đại đức Ānanda theo sau Đức Thế Tôn đến giảng đường Kuṭāgāra. Khi
ấy, Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Này Ānanda, con nên đi mời tất cả chư Tỳ-khưu trong thành Vesāli đến tụ hội tại
giảng đường Upaṭṭhāna.
Đại đức Ānanda vâng theo lời dạy Đức Thế Tôn đi mời chư
Tỳ-khưu. Sau đó,
Ngài Đại đức Ānanda đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, chư Tỳ-khưu Tăng đã đến tụ hội đông đủ tại giảng đường
Upaṭṭhāna, con xin kính thỉnh Ngài.
Chánh pháp căn bản, 37 pháp chứng đắc Thánh Đạo
Đức Thế Tôn ngự đến giảng đường, ngồi trên chỗ cao quý, truyền dạy chư
Tỳ-khưu
Tăng rằng:
- Này chư Tỳ-khưu, chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng, để chứng ngộ chân lý Tứ
Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn. Chánh pháp ấy, các con
nên học hỏi hiểu biết rõ, rồi nên thực hành, thường tiến hành pháp ấy, để chứng
ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, để duy
trì phạm hạnh cao thượng, để chánh pháp được trường tồn lâu dài, để đem lại sự
lợi ích, sự an lạc cho phần đông chúng sinh, để tế độ đem lại sự lợi ích, sự
tiến hóa, sự an lạc cho chư thiên và nhân loại.
Này chư Tỳ-khưu, chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng, để chứng ngộ chân lý Tứ
Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn đó là:
4 pháp niệm xứ (satipaṭṭhāna): Niệm thân, niệm thọ,
niệm tâm, niệm pháp.
4 pháp tinh tấn (samappadhāna): Tinh tấn diệt ác pháp
đã phát sinh, tinh tấn ngăn không cho ác pháp phát sinh, tinh tấn làm cho thiện
pháp phát sinh, tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh.
4 pháp thành tựu (idhipāda): Thành tựu do hài
lòng, thành tựu do tinh tấn, thành tựu do quyết tâm, thành tựu do trí tuệ.
5 pháp chủ (indriya): Tín pháp chủ, tấn pháp chủ,
niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ.
5 pháp lực (bala): Tín pháp lực, tấn pháp lực, niệm
pháp lực, định pháp lực, tuệ pháp lực.
7 pháp giác chi (bojjhaṅga): Niệm giác chi, trạch
pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, tịnh giác chi, định giác chi, xả
giác chi.
8 pháp chánh đạo (magga): Chánh kiến, chánh tư
duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh
định.
- Này chư Tỳ-khưu, chánh pháp này mà Như Lai đã thuyết giảng đến các con, để
chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
Này chư Tỳ-khưu, bây giờ Như Lai nhắc nhở các con rằng:
“Tất cả các pháp hữu vi (danh pháp - sắc pháp) có sự hoại là
thường, các con nên cố gắng tinh tấn hoàn thành mọi phận sự Tứ Thánh Đế
bằng pháp không dể duôi, tiến hành Tứ Niệm Xứ.
Thời gian không lâu, Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn, kể từ hôm nay còn 3 tháng
nữa, Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn”.
Tiếp theo Đức Thế Tôn dạy bài kệ:
“Paripakko vayo mayhaṃ
Parittaṃ me jīvitaṃ
Pahāya vo gamissāmi
Kataṃ me saraṇamattano
Appamattā satīmanto
Susīlā hotha bhikkhavo
Susamāhitasaṅkappā
Sacittamanurakkhatha
Yo imasmiṃ dhammavinaye
Appamatto vihassati
Pahāya jātisaṃsāraṃ
Dukkhassaṅtaṃ karissati”.
Ý nghĩa:
Tuổi của Như Lai đã già rồi
Mạng sống của Như Lai còn ít,
Như Lai sẽ vĩnh biệt các con
Như Lai đã chứng ngộ Niết Bàn,
Nơi nương nhờ an toàn của mình.
Này chư Tỳ-khưu, thật đáng thương!
Các con là người không dể duôi
Có giới hạnh trong sạch đầy đủ
Luôn có chánh niệm và tỉnh giác,
Có định tâm, tư duy đúng đắn
Theo dõi giữ gìn tâm của mình.
Người nào sống trong pháp luật này
Không dể duôi, luôn có chánh niệm
Thực hành pháp tận cùng khổ sinh,
Người ấy diệt tử sinh luân hồi.
“Iti imāni caturāsitidhamakkhandhasahassāni tiṭṭhanti, ahaṃ ekova parinibbayāmi.
Ahañca kho dāni ekakova ovadāni, anusāsāmi; mayi parinibbute imāni
caturāsitidhamakkhandhasahassāni tumhe ovadissanti anusāsissanti...”.
“Như vậy, 84.000 pháp môn này vẫn tồn tại, chỉ có một mình Như Lai tịch diệt Niết
Bàn. Thật ra, bây giờ chỉ có một mình Như Lai giáo huấn các con, theo dạy dỗ
các con; khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn rồi, thì có 84.000 pháp môn ấy sẽ là
“Tôn sư” giáo huấn các con, theo dạy dỗ các con...”.
Tuy Đức Phật đã tịch diệt Niết Bàn cách đây 2.548 năm rồi, song giáo pháp của
Ngài vẫn còn được giữ gìn duy trì đầy đủ trọn vẹn 84.000 pháp môn cho đến ngày
nay.
Muốn được gần gũi thân cận với Đức Phật, mỗi người chúng ta cố gắng tinh tấn học pháp
học Phật giáo và hành pháp hành Phật giáo; tùy theo khả năng của
mỗi người, để cho Phật giáo được duy trì ở trong tâm. Những người nào có Phật
giáo ở trong tâm, thì những người ấy có được nương nhờ nơi Đức Phật, nương nhờ
nơi Đức Pháp, nương nhờ nơi Đức Tăng, được nương nhờ nơi Tam Bảo cao thượng, để
cho họ có thể trở nên con người cao thượng và để đem lại sự lợi ích, sự tiến
hóa, sự an lạc lâu dài cho chính họ trong kiếp hiện tại lẫn những kiếp vị lai;
đặc biệt còn làm duyên lành trên con đường dẫn đến sự giải thoát khổ tử sinh
luân hồi trong ba giới bốn loài; đồng thời giữ gìn duy trì Phật giáo được
trường tồn trên thế gian, đến hết tuổi thọ Phật giáo 5.000 năm, để đem lại sự
lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài đến tất cả chúng sinh nhất là chư thiên
và nhân loại.
NGHIỆP TIỀN KIẾP CỦA ĐỨC PHẬT GOTAMA
Đức Phật Gotama là kết quả của sự tích lũy đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh
ba-la-mật, trải qua vô số tiền kiếp trong quá khứ, kể từ kiếp đầu tiên có ý
nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác cho đến kiếp chót Đức Bồ Tát Siddhattha
trở thành Đức Phật Gotama.
Đức Bồ Tát kiếp đầu tiên của Đức Phật Gotama
Đức Thế Tôn ngự trên tảng đá quý cùng với số đông chư
Tỳ-khưu, ở ven rừng có
nhiều cây hoa thơm gần hồ Anotatta. Khi ấy Đức Thế Tôn truyền dạy thiện
nghiệp của Ngài đã tạo trong tiền kiếp đầu tiên rằng:
“Này chư Tỳ-khưu, các con nên lắng nghe thiện nghiệp mà Như Lai đã tạo trong tiền
kiếp. Như Lai thấy một vị Tỳ-khưu hành pháp hạnh đầu đà sống trong rừng, nên
phát sinh đức tin trong sạch, bèn dâng cúng dường “một tấm vải cũ” đến
vị Tỳ-khưu ấy. Ngay khi ấy, Như Lai phát sinh đại bi tâm có ý nguyện muốn trở
thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác để tế độ, cứu vớt chúng sinh thoát khỏi biển khổ
tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Đó là tiền kiếp Đức Bồ Tát đầu tiên
của Như Lai có ý nguyện trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Chính nhờ thiện
nghiệp bố thí cúng dường “tấm vải cũ” trong tiền kiếp đầu tiên ấy, dẫn
đến kiếp hiện tại đã trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Gotama
này”.
Đức Bồ Tát kiếp chót của Đức Phật Gotama
Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama trải qua vô số kiếp tạo các pháp
hạnh ba-la-mật trong ba thời kỳ:
- Thời kỳ Đức Bồ Tát có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, suốt 7
a-tăng-kỳ.
- Thời kỳ Đức Bồ Tát phát nguyện bằng lời nói, để cho chúng sinh biết ý nguyện
của Đức Bồ Tát, suốt 9 a-tăng-kỳ.
- Thời kỳ Đức Bồ Tát được 24 Đức Phật thọ ký xác định thời gian còn lại, Đức Bồ
Tát chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama.
Bắt đầu từ Đức Phật Dīpaṅkara đầu tiên cho đến Đức Phật Kassapa thứ
24 cuối cùng, trải qua suốt 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất. Đức Bồ
Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh
ba-la-mật, cho đến Đức Bồ Tát kiếp chót của Ngài đó là kiếp Thái tử Siddhattha
của Đức vua Suddhodana và chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī. Năm
16 tuổi, Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha lên ngôi Vua và thành hôn với
Công chúa Yasodhara; năm 29 tuổi xuất gia; năm 35 tuổi, Đức Bồ Tát chứng
đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama; năm
80 tuổi, Đức Phật tịch diệt Niết Bàn.
Quả nghiệp thiện và bất thiện của Đức Phật Gotama
Đức Bồ Tát, tiền thân của Đức Phật Gotama, đã tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp
hạnh ba-la-mật thuộc nghiệp thiện cho quả chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng
Giác. Song trải qua nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, có khi Đức Bồ Tát cũng
tạo những nghiệp bất thiện (nghiệp ác); những nghiệp ác ấy có cơ hội cho quả
trong kiếp chót, trước khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn.
Nghiệp ác cũ mà Ngài đã tạo trong tiền kiếp quá khứ cho quả khổ trong kiếp chót
hiện tại như sau:
Nghiệp cũ của Đức Phật Gotama
Gọi là nghiệp cũ là để phân biệt với nghiệp mới.
Đối với Đức Phật và chư Thánh Arahán, chỉ còn có nghiệp cũ mà thôi, không còn
tạo thêm nghiệp mới nữa. Ngoài Đức Phật và chư Thánh Arahán ra, còn lại tất cả
chúng sinh kể cả ba bậc Thánh Nhân là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai,
bậc Thánh Bất Lai đều có nghiệp cũ, và vẫn còn tạo nghiệp mới. Mỗi nghiệp
thiện, mỗi nghiệp bất thiện, nếu có cơ hội, thì có thể cho quả ngay trong kiếp
hiện tại, kiếp thứ hai và kiếp thứ ba cho đến trước khi tịch diệt Niết Bàn.
Kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha đã trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có
danh hiệu là Đức Phật Gotama. Khi còn là Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức
Phật Gotama, trải qua nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, đôi khi Ngài
cũng có tạo những nghiệp bất thiện, hay gọi là nghiệp ác cũ của Ngài;
những nghiệp ác cũ này cũng đã cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới, chịu quả
khổ lâu dài, cho đến khi mãn nghiệp. Nay kiếp hiện tại, tuy Ngài đã trở thành
Đức Phật Chánh Đẳng Giác, những ác nghiệp cũ ấy vẫn còn có năng lực chút đỉnh;
nếu có cơ hội, thì vẫn cho quả của chúng, không ngoại trừ Đức Phật.
Đức Phật đã thuyết giảng trong bộ Apadāna phần Buddhāpadānavề
những nghiệp ác cũ cho quả được tóm lược như sau:
Đức Bồ Tát hành khổ hạnh suốt sáu năm trường (dukkarakiriyā)
Trong quá khứ, Đức Bồ Tát, tiền kiếp Đức Phật Gotama, sinh trong dòng họ
Bàlamôn cao quý, tên là Jotipāla, nhằm vào thời kỳ Đức Phật Kassapa
đang xuất hiện trên thế gian.
Đức Bồ Tát Jotipāla có tính ngã mạn về dòng dõi, nên không có đức tin nơi
Tam Bảo; (còn một nguyên nhân khác liên quan đến quả nghiệp bất thiện của Đức
Phật Kassapa). Cho nên, khi nghe đến danh hiệu Đức Phật Kassapa,
Đức Bồ Tát Jotipāla nói rằng:
“Samôn đầu trọc ấy, đâu có dễ dàng chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác!
Chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác là điều khó khăn lắm!”.
Đức Bồ Tát Jotipāla có một người bạn tốt tên là Ghaṭikāra, Ghaṭikāra
vốn là một cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Đức Phật Kassapa, thường
động viên khuyến khích Đức Bồ Tát Jotipāla đến hầu Đức Phật Kassapa,
nhưng lần nào Đức Bồ Tát Jotipāla cũng không chịu đi. Một hôm, Ghaṭikāra
bày kế mời Đức Bồ Tát Jotipāla đi đến tắm tại một bến nước gần chỗ ở của
Đức Phật Kassapa và chư Tỳ-khưu Tăng. Khi tắm xong, Ghaṭikāra liền
mời Đức Bồ Tát Jotipāla đi đến hầu Đức Phật Kassapa, Đức Bồ Tát Jotipāla
không chịu đi; Ghaṭikāra nghĩ rằng không đi không được, Ghaṭikāra
liền nắm lấy đầu tóc của Đức Bồ Tát Jotipāla dắt lôi đi. Đức Bồ Tát Jotipāla
không còn cách nào khác, đành phải đi theo đến hầu Đức Phật Kassapa. Khi
ngồi lắng nghe chánh pháp, Đức Bồ Tát Jotipāla phát sinh đức tin trong
sạch nơi Đức Phật Kassapa, kính xin Ngài cho phép xuất gia trở thành
Tỳ-khưu trong giáo pháp của Ngài. Về sau, Tỳ-khưu Jotipāla được Đức Phật Kassapa
thọ ký xác định thời gian còn lại cùng trong kiếp trái đất Bhaddakappa này,
sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama. Đức
Phật Kassapa là Đức Phật thứ 24 cuối cùng thọ ký Đức Bồ Tát Jotipāla
tiền kiếp của Đức Phật Gotama.
Đức Bồ Tát tiếp tục tạo cho đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh ba-la-mật cho đến kiếp
chót là kiếp Đức Bồ Tát Siddhattha đi xuất gia năm 29 tuổi. Do nghiệp ác
khẩu xúc phạm đến Đức Phật Kassapa ấy, cho nên, Đức Bồ Tát phải chịu hành
pháp khổ hạnh suốt 6 năm trường ròng rã, tại núi
rừng gần làng Uruvela, bởi vì nghiệp ác khẩu ấy cho quả khổ hạnh suốt 6
năm.
Về sau, từ bỏ pháp khổ hạnh, Đức Bồ Tát hành theo pháp hành Trung Đạo dẫn đến
chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn,
diệt đoạn tuyệt mọi tham ái, mọi phiền não, mọi ác pháp, đặc biệt diệt được mọi
tiền khiên tật, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama.
Đức Phật dạy về nghiệp cũ của Ngài:
Trong thời quá khứ ấy, Như Lai là Bàlamôn Jotipāla đã xúc phạm đến Đức Phật
Kassapa rằng:
“Samôn trọc đầu ấy, đâu có dễ dàng chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác là điều khó lắm”.
Vì quả của nghiệp ác khẩu ấy, nên Như Lai phải hành pháp khổ hạnh tại núi rừng
gần làng Uruvela suốt 6 năm trường ròng rã. Do bởi nghiệp ác cũ, nên đã hành
pháp khổ hạnh sai lầm. Như Lai không thể chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng
Giác bằng pháp hành khổ hạnh ấy.
Sau khi từ bỏ pháp hành khổ hạnh, Như Lai hành theo pháp hành Trung Đạo dẫn đến
chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn,
trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Nay, Như Lai không còn tạo nghiệp ác và nghiệp thiện nữa, đã diệt đoạn tuyệt mọi
phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp; không còn nóng nảy khổ tâm, không còn sầu
não, thống khổ. Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn.
Đức Phật bị nàng Ciñcamāṇavikā vu khống giữa tứ chúng (abbhakkhāna)
Trong quá khứ, Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, là người đã vu
khống Ngài Đại đức Nanda, bậc Thánh Thanh Văn của Đức Phật.
Đức Bồ Tát sau khi chết, do nghiệp ác khẩu ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh
trong cõi địa ngục, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài hằng ngàn năm, cho đến
khi mãn nghiệp ác ấy, mới thoát khỏi cõi địa ngục. Mỗi khi được tái sinh làm
người, Đức Bồ Tát thường bị vu khống những điều xấu, bởi do năng lực của nghiệp
ác khẩu đã tạo trong tiền kiếp quá khứ ấy.
Kiếp hiện tại là kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật
Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian. Danh thơm tiếng tốt của Ngài lan
truyền khắp mọi nơi, các hàng đệ tử mỗi ngày thêm một đông, gồm các Đức vua,
các quan, các phú hộ, dân chúng, chư thiên, phạm thiên... lắng nghe chánh pháp,
rồi thực hành theo chánh pháp chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh
Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhân từ bậc Thánh Nhập Lưu,
bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai cho đến bậc Thánh Arahán. Những người nào
chưa chứng đắc thành bậc Thánh Nhân, những người ấy có đức tin trong sạch nơi
Tam Bảo, xin quy y nương nhờ nơi Tam Bảo, trở thành người cận sự nam hoặc cận
sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Thực ra, đại đa số những
người ấy, trước kia có truyền thống theo các giáo phái ngoại đạo, Bàlamôn
v.v... Nay, khi Đức Phật xuất hiện trên thế gian, họ trở thành đệ tử của Đức
Phật. Đó là điều mà làm cho các nhóm tu sĩ ngoại đạo cảm thấy tổn thương rất
nhiều, những tín đồ cũ không giữ lại được, tín đồ mới không thêm; cho nên, sự
cúng dường, lợi lộc càng ngày càng giảm dần, đời sống của các tu sĩ ngoại đạo
càng ngày càng thiếu thốn, khổ cực hơn xưa.
Các nhóm tu sĩ ngoại đạo họp bàn với nhau, bày mưu tính kế thâm độc để làm hạ uy
tín của Đức Phật.
Thời ấy, trong thành Sāvatthi có người kỹ nữ duyên dáng xinh đẹp như
thiên nữ, tên là Ciñcāmāṇavikā, nàng vốn là đệ tử ngoan đạo của các tu
sĩ ngoại đạo.
Các tu sĩ ngoại đạo nghĩ ra diệu kế:
“Chúng ta dùng nàng kỹ nữ Ciñcāmāṇavikā giả mang thai với Samôn Gotama, để gây ra
sự hiểu lầm, làm mất uy tín của y”.
Một hôm, như lệ thường nàng Ciñcāmāṇavikā đến tu viện ngoại đạo, làm lễ
các tu sĩ xong, nàng ngồi một bên. Nàng Ciñcāmāṇavikā rất ngạc nhiên
không hiểu sao hôm âý các tu sĩ ngồi im lặng không nói với nàng một câu nào.
Nàng thoáng nghĩ: “Mình có lỗi gì đây!”.
Nàng bạch với vị Trưởng Lão rằng:
- Kính bạch Ngài, con đã lễ bái quý Ngài ba lần rồi, nhưng không biết con có lỗi
gì mà quý Ngài không nói với con một lời nào?
Vị Trưởng Lão tỏ vẻ nghiêm nghị nói với nàng:
- Không! Này con, con là một đệ tử ngoan đạo, con không có lỗi gì! Hiện nay đời
sống của quý Thầy khổ cực, thiếu thốn lắm con à! Vì vậy, quý Thầy buồn bực, khổ
tâm, không ai buồn nói với ai điều gì.
Nàng Ciñcāmāṇavikā ngạc nhiên nóng lòng hỏi:
- Kính bạch quý Ngài, trước đây đời sống của quý Ngài được đầy đủ, sung túc lắm,
sao hiện nay lại lâm vào hoàn cảnh khổ cực như vậy?
- Này Ciñcāmāṇavikā, con không biết gì hay sao? Chính Samôn Gotama đã làm khổ quý
Thầy, chính Samôn Gotama đã chiếm đoạt những người đệ tử giàu có, nên quý thầy
mất những lợi lộc cúng dường... Do đó, quý thầy phải sống trong cảnh thiếu thốn
khổ cực như vậy.
Nàng Ciñcāmāṇavikā cảm thấy rất đau lòng, chân tình thưa:
- Vậy mà con có hay biết gì đâu. Không biết con có thể làm gì, để giúp đỡ cho quý
Ngài?
Các tu sĩ ngoại đạo giả vờ im lặng một lúc rồi có vị nói:
- Chỉ sợ con ngại khó, mà không giúp quý Thầy đó thôi.
Nàng Ciñcāmāṇavikā mau mắn đáp:
- Không, khó khăn gì con cũng có thể làm được, miễn là làm sao cho quý Ngài được
sống an lạc, thế là con mãn nguyện lắm rồi.
Vị tu sĩ ngoại đạo nghiêm chỉnh nói:
- Đây là việc rất hệ trọng, đòi hỏi con phải khôn khéo. Nếu con thật tình muốn
giúp đỡ quý Thầy, thì chỉ có một phương kế duy nhất, con hãy dùng sắc đẹp duyên
dáng đầy quyến rũ của con, giả làm người mang thai với Samôn Gotama. Nếu con
làm được như vậy, thì sẽ làm giảm uy tín của Samôn Gotama. Như vậy, phần đông
tín đồ của Samôn Gotama sẽ trở về lại với chúng ta.
Nàng Ciñcāmāṇavikā hớn hở nói:
- Đúng vậy, kế này rất hay! Xin quý Ngài hãy tin tưởng nơi con, con sẽ cố gắng
làm tròn bổn phận, để đền đáp công ơn của quý Ngài đối với con.
Từ hôm ấy, cứ vào mỗi buổi chiều dân chúng trong thành Sāvatthi, sau khi
đến nghe Đức Phật thuyết pháp tại chùa Jetavana xong, đảnh lễ Đức Phật
trở về nhà, họ thường gặp nàng Ciñcāmāṇavikā ăn mặc đẹp đẽ rất quyến rũ,
cầm một bó hoa trên tay, đang đi trên đường hướng đến chùa Jetavana, có
người tò mò dừng lại hỏi:
- Chiều tối rồi, cô đi đâu mà ăn mặc đẹp vậy?
Nàng Ciñcāmāṇavikā trả lời cố ý gây ra cho mọi người sự nghi ngờ:
- Tôi đi đâu là việc của tôi, quý vị biết phỏng có ích lợi gì!
Nói xong, nàng liền bước đi theo hướng đến chùa Jetavana, nhưng lại nghỉ
qua đêm tại một tu viện ngoại đạo ở gần đó.
Rồi sáng hôm sau, khi có một số cận sự nam, cận sự nữ đem những phẩm vật đến
chùa Jetavana để cúng dường Đức Phật và Tăng chúng, thì họ thấy nàng Ciñcāmāṇa-vikā
từ hướng chùa Jetavana trở lại thành Sāvatthi,
Người ta lại hỏi nàng:
- Đêm hôm qua cô nghỉ ở đâu mà sáng nay lại vào thành sớm vậy?
Nàng Ciñcāmāṇavikā ỡm ờ đáp:
- Tôi nghỉ ở đâu có nơi có chỗ của tôi, quý vị biết phỏng có lợi ích gì!
Và từ đó, cứ vào mỗi buổi chiều và mỗi buổi sáng, từ tháng này sang tháng khác,
nàng Ciñcāmāṇavikā đều làm như vậy. Cho đến một hôm, có số người cận sự
nam, cận sự nữ khác hỏi rằng:
- Đêm hôm qua cô nghỉ ở đâu, mà sáng nay lại vào thành sớm vậy?
Nàng Ciñcāmāṇavikā thấy đã đến lúc cần phải nói, để bắt đầu gây ra sự ngờ
vực.
- Chuyện riêng tư của tôi mà quý vị muốn biết hay sao? Sớm muộn gì quý vị cũng sẽ
biết thôi mà! Nếu quý vị muốn biết bây giờ tôi xin khai thật rằng:
“Đêm qua tôi nghỉ ở Gandhakuti chung với Samôn Gotama, để phục vụ Ngài,
đó là một niềm vinh dự lớn lao của đời tôi”.
Nói xong, nàng tỏ vẻ đắc ý bỏ vào thành.
Khi nghe nàng Ciñcāmāṇavikā nói vậy, có số cận sự nam, cận sự nữ còn phàm
nhân thiểu trí nên sanh tâm bán tín bán nghi, cho đến khi trải qua 3 - 4 tháng,
thì nàng Ciñcāmāṇavikā lấy vải độn bụng, mặc áo lụng thụng che bên
ngoài, làm như người đang mang thai. Có một số người phàm không có trí tuệ,
không hiểu biết về giáo pháp của Đức Phật, ngờ vực rằng nàng Ciñcāmāṇavikā
có phải mang thai hay không!
Thời gian đã đến 9 tháng, màn kịch hạ uy tín Đức Thế Tôn đến hồi chung cuộc.
Nhóm tu sĩ ngoại đạo gọi nàng Ciñcāmāṇavikā đến, họ dùng một miếng gỗ
đẽo hình dạng giống như cái thai sắp đến ngày sinh nở, có bốn đầu dây ràng, bảo
nàng Ciñcāmāṇavikā mang vào buộc chặt sau lưng, mặc áo phủ kín lại, nhìn
giống như người mang thai thật, xong nhóm tu sĩ ngoại đạo dùng cây đánh ở sống
bàn tay, bàn chân cho sưng lên, nhìn thấy như người đàn bà sắp đến thời kỳ sinh
nở.
Đức Phật thắng nàng Ciñcāmāṇavikā
Vào một buổi chiều, khi Đức Phật đang ngự trên pháp toà, tại giảng đường chùa Jetavana,
tứ chúng đệ tử đang ngồi im lặng lắng nghe pháp như thường lệ, thì nàng Ciñcāmāṇavikā
từ ngoài xồng xộc đi vào, rồi đến trước Đức Phật, chỉ tay buông lời mắng nhiếc:
- Này ông Đại Samôn Gotama! Ông thuyết pháp thật là hay, thật là giỏi, ông tế độ
biết bao nhiêu người, còn tôi sao ông không tế độ? Tôi bụng mang dạ chửa là vì
ông, ông nói ngon nói ngọt với tôi, bảo là sẽ giúp tôi thế này, thế nọ.... Hôm
nay, sắp đến ngày sinh nở, ông lo thuyết pháp tế độ người khác, chẳng đoái hoài
gì đến tôi. Dầu ông bận không lo cho tôi được, thì ông bảo những người hộ độ
ông như Đức vua Pasenadi, ông phú hộ Anāthapindika, bà Visākhā... lo cho tôi
cũng được. Nhưng đằng này, ông chỉ biết thoả mãn dục vọng cá nhân, ông không hề
biết đến nỗi khổ của tôi, phải chịu bụng mang dạ chửa như thế này đây!
Nghe nàng Cincāmānavikā mắng nhiếc, Đức Phật ngưng thuyết pháp, vẫn ngồi
an nhiên tự tại, an tịnh trên pháp toà rồi từ tốn nói:
“Bhagini, tayā kathitassa tathabhāvam vā vitathabhāvam vā ahameva ca tvanca
jānāma”
- Này cô em! Cô nói lời chân thật hay giả dối, chỉ có Như Lai và cô biết rõ mà
thôi?
Nàng Cincāmānavikā liền đáp:
- Đúng vậy, này ông Đại Samôn! Chỉ có ông và tôi biết rõ mà thôi!
Ngay giây phút ấy, tại cung trời Tam Thập Tam Thiên, bảo toà của vua trời Sakka
nóng lên, bằng thiên nhãn quan sát nguyên nhân, vua trời thấy rõ ràng nàng Cincāmānavikā
đang mắng nhiếc Đức Phật giữa tứ chúng đệ tử, bởi những chuyện không có thật.
Đây là âm mưu thâm độc của nhóm tu sĩ ngoại đạo, dùng cô kỹ nữ Cincāmānavikā
vô liêm sĩ, cố ý làm hạ uy tín của Đức Phật giữa tứ chúng đệ tử. Vua trời Sakka
quyết định phải làm sáng tỏ chuyện này. Vua trời cùng bốn thiên nam xuất hiện
xuống giảng đường chùa Jetavana ngay tức khắc. Bốn vị thiên nam, theo
lệnh của vua trời hoá thành bốn con chuột, cùng một lúc bò lên cắn đứt bốn sợi
dây cột tấm gỗ, hình dạng giống bào thai buộc chặt sau lưng nàng Cincāmānavikā,
đồng thời vua trời hoá một luồng gió thổi cho tấm gỗ kia rơi xuống đất đụng
nhằm hai bàn chân của nàng Cincāmānavikā, làm cho đôi chân của nàng bầm
máu.
Sự việc xảy ra trong thời gian ngắn ngủi, mọi sự thật hiển nhiên được phơi bày
trước mắt tứ chúng đệ tử. Nàng Cincāmānavikā bị mắng nhiếc không tiếc
lời, có người đánh đập, nhổ nước bọt, rồi xua đuổi nàng ra khỏi khuôn viên
chùa. Nàng Cincāmānavikā thất vọng, thất tha thất thểu bước đi ra vừa
khuất tầm mắt của mọi người, mặt đất liền nứt ra làm hai, phát lên một tia lửa
thiêu cháy nàng rồi rút xác nàng xuống sâu dưới lòng đất. Sau khi nàng Cincāmānavikā
chết, do nghiệp ác ấy cho quả tái sinh vào đại địa ngục Avīci, chịu quả
khổ do nghiệp ác đã tạo.
Chuyện nàng Cincāmānavikā vu khống Đức Phật đã lan truyền khắp mọi nơi,
từ xứ này sang xứ khác. Và ai ai cũng đều biết đó là âm mưu thâm độc đê tiện
của nhóm tu sĩ ngoại đạo. Một số người trước kia còn hộ độ nhóm tu sĩ ngoại
đạo, nay họ nghe thấy như vậy, mất hết đức tin, nên không còn phát sinh tâm
cúng dường các thứ vật dụng cho nhóm tu sĩ ngoại đạo nữa, đời sống của nhóm tu
sĩ ngoại đạo thiếu thốn khổ cực, nay lại càng tệ hại hơn nữa.
Trái lại, dân chúng khắp mọi nơi phát sanh thiện tâm trong sạch cúng dường Đức
Phật và chư Tăng các thứ vật dụng sung túc; số người nào chưa có đức tin thì
nay lại có đức tin nơi Tam Bảo; số người nào đã có đức tin nơi Tam Bảo rồi, đức
tin lại càng thêm tăng trưởng.
Đức Phật đã thắng lời vu khống của nàng Cincāmānavikā nhờ pháp an định.
Như Đức Phật dạy về nghiệp ác cũ của Ngài:
Trong tiền kiếp quá khứ, Như Lai đã từng vu khống Đại đức Nanda; bậc Thánh Thanh
Văn đệ tử của Đức Phật, sau khi chết, do nghiệp ác khẩu ấy cho quả tái sinh
trong cõi địa ngục, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài hằng ngàn năm, cho đến
khi mãn nghiệp ác ấy, mới được thoát ra khỏi cõi địa ngục.
Mỗi khi được tái sinh làm người, Như Lai thường bị vu khống những điều xấu không
có thật, bởi do năng lực của nghiệp ác khẩu mà Như Lai đã tạo trong thời quá
khứ ấy.
Do năng lực của nghiệp ác cũ ấy còn dư sót chút đỉnh, kiếp chót này bị nàng
Cincāmānavikā vu khống Như Lai những điều không có thật, giữa tứ chúng đệ tử.
Đức Phật bị vu khống do bởi cô tu nữ ngoại đạo Sundarī
Trong quá khứ, Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, sinh trong gia
đình thuộc giai cấp thấp, tên là Munāḷi, Đức Bồ Tát thường thân cận gần
gũi với kẻ ác, nên sinh thói hư tật xấu. Một hôm, nhìn thấy Đức Phật Độc Giác Surabhi,
Đức Bồ Tát Munāḷi liền buông lời vu khống rằng:
“Samôn trọc đầu này phá giới! Hành pháp thấp hèn!”
Đức Bồ Tát sau khi chết, do nghiệp ác khẩu ấy, cho quả tái sinh làm chúng sinh
trong cõi địa ngục, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài hằng ngàn năm, cho đến
khi mãn nghiệp ấy, mới được thoát ra khỏi địa ngục. Mỗi khi được tái sinh làm
người, thường bị vu khống những điều xấu, không có thật.
Kiếp hiện tại là kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật
Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, danh thơm tiếng tốt của Ngài lan
truyền khắp mọi nơi. Các hàng đệ tử mỗi ngày một thêm đông; ngược lại đệ tử của
các nhóm ngoại đạo mỗi ngày một giảm dần, cho nên đời sống của tu sĩ ngoại đạo
lâm vào cảnh thiếu thốn khổ cực hơn xưa. Do đó, họ bày mưu tính kế làm mất uy
tín của Đức Phật.
Thời ấy, nữ tu sĩ ngoại đạo tên Sundarī rất xinh đẹp, đến viếng thăm các
tu sĩ ngoại đạo, đảnh lễ xong rồi, thấy nhóm tu sĩ ngoại đạo ngồi im lặng không
nói với cô một lời nào.
Cô bèn bạch hỏi:
- Kính thưa quý Ngài, con có lỗi gì mà quý Ngài không nói với con lời nào?
Một tu sĩ ngoại đạo than vãn rằng:
- Tất cả chúng tôi bị Samôn Gotama làm khổ, mà con không quan tâm hay biết gì, đó
là lỗi cuả con đó!
- Con có thể vu khống Samôn Gotama được hay không?
- Kính thưa quý Ngài, con có thể làm được.
Từ hôm ấy, cứ vào mỗi buổi chiều dân chúng trong thành Sāvatthi, sau khi
nghe Đức Phật thuyết pháp tại ngôi chùa Jetavana xong, họ đảnh lễ Đức
Phật rồi xin phép trở về nhà, họ thường gặp cô tu sĩ Sundarī cầm một bó
hoa trong tay, đang đi trên đường hướng đến ngôi chùa Jetavana, có người
tò mò dừng lại hỏi:
- Chiều tối rồi, cô đi đâu vậy?
Cô tu nữ Sundarī trả lời để gây ra một sự nghi ngờ:
- Tôi đi đâu là việc của tôi, quý vị biết phỏng có ích lợi gì!
Nói xong, cô liền bước đi theo hướng đến ngôi chùa Jetavana, nhưng lại
nghỉ qua đêm tại một tu viện ngoại đạo ở gần đó.
Rồi sáng hôm sau, khi có số cận sự nam, cận sự nữ đem phẩm vật đến chùa Jetavana,
để cúng dường Đức Phật và chư Tỳ-khưu Tăng, họ lại thấy cô tu nữ Sundarī
từ hướng chùa Jetavana trở lại thành Sāvatthi. Người ta hỏi cô:
- Đêm hôm qua cô nghỉ ở đâu, mà sáng nay lại vào thành sớm vậy?
Cô tu nữ Sundarī muốn gây ra sự ngờ vực bèn đáp rằng:
- Chuyện riêng tư của tôi mà quý vị muốn biết hay sao? Nếu quý vị muốn biết, thì
tôi sẽ nói thật: “Đời tôi rất vinh hạnh, đêm đêm được đến phục vụ Samôn Gotama
tại cốc Gandhakuṭi của Ngài”.
Nhóm tu sĩ ngoại đạo chờ tin này, nay có cơ hội, họ liền truyền tin vu khống
rằng:
- Thưa tất cả mọi người, quý vị đã nghe rõ hành vi xấu xa của Samôn Gotama như
vậy!
Chính cô tu nữ Sundarī cũng rêu rao vu khống hành vi xấu của Đức Phật đối
với cô nữa, gieo rắc hoang mang, gây ra sự ngờ vực đến mọi người.
Đối với các hàng Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật thì chắc chắn không bao giờ
tin lời vu khống của các tu sĩ nhóm ngoại đạo và của cô tu nữ ngoại đạo Sundarī;
còn đối với một số phàm nhân thiểu trí phát sinh tâm ngờ vực. Đó là âm mưu của
các tu sĩ ngoại đạo làm giảm uy tín của Đức Phật, để mong phục hồi uy tín của
mình.
Đức Phật dạy về nghiệp ác cũ của Ngài:
Trong tiền kiếp quá khứ, Như Lai là người si mê tên Munāḷi đã xúc phạm đến Đức
Phật Độc Giác Surabhi, sau khi chết, do nghiệp ác ấy cho quả tái sinh trong cõi
địa ngục phải chịu khổ suốt thời gian lâu dài nhiều ngàn năm, cho đến khi mãn
nghiệp ác ấy.
Do năng lực nghiệp ác cũ ấy còn dư sót chút đỉnh, trong kiếp hiện tại này Như Lai
bị vu khống do bởi cô tu nữ ngoại đạo Sundarī.
Đức Phật và chư Tỳ-khưu Tăng bị vu khống giết tu nữ Sundarī để giấu tội
lỗi (abbhakkhāna)
Trong quá khứ, Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, sinh ra trong
gia đình thuộc dòng dõi Bàlamôn, Đức Bồ Tát là bậc đa văn túc trí, học nhiều
hiểu rộng, tinh thông các bộ sách Bàlamôn. Ngài làm thầy dạy nhóm đệ tử 500 vị
Bàlamôn tại khu rừng dưới chân núi Himavantu. Một hôm, vị Đạo sĩ chứng
đắc bát thiền, ngũ thông có nhiều oai lực, đến tu viện của Đức Bồ Tát. Đức Bồ
Tát gặp vị Đạo sĩ này, liền phát sinh tâm ganh tỵ, nên vu khống vị Đạo sĩ này
rằng:
“Vị Đạo sĩ này lừa dối! Vị Đạo sĩ này thích hưởng dục lạc ngũ trần...”
Đức Bồ Tát còn nói với nhóm đệ tử của mình về vị Đạo sĩ ấy là người lừa dối,
thích hưởng dục lạc ngũ trần...
Nhóm đệ tử tin theo lời của Thầy, đi vào xóm làng khất thực, cũng nói xấu vị Đạo
sĩ ấy như vậy.
Đức Bồ Tát sau khi chết, do nghiệp ác ấy cho quả tái sinh làm chúng sinh trong
cõi địa ngục, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài hằng nhiều ngàn năm, cho đến
khi mãn nghiệp ác ấy, mới được thoát ra khỏi địa ngục.
Kiếp hiện tại là kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật
Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, danh thơm tiếng tốt của Ngài lan
truyền khắp mọi nơi, từ Vua chúa, các nhà phú hộ, dân chúng có đức tin nơi Đức
Phật, Đức Pháp, chư Tỳ-khưu Tăng, họ cúng dường bốn thứ vật dụng đầy đủ sung
túc. Ngược lại, các nhóm ngoại đạo; phần đông tín đồ ngoại đạo từ bỏ các tu sĩ
ngoại đạo, đến kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng. Họ
không còn hộ độ cúng dường đến các tu sĩ ngoại đạo; cho nên, đời sống các tu sĩ
ngoại đạo càng ngày càng thiếu thốn khổ cực hơn trước.
Dù các tu sĩ ngoại đạo và cô Sundarī vu khống Đức Phật những điều xấu
không có thật, vẫn không làm giảm uy tín Đức Phật được, nên nhóm tu sĩ ngoại
đạo dùng đến thủ đoạn thâm độc là thuê mướn nhóm côn đồ nghiện rượu giết cô tu
nữ ngoại đạo Sundarī, rồi giấu xác chết của cô trong đống rác trước cổng
ra vào ngôi chùa Jetavana. Nhóm côn đồ nghiện rượu đã hành động y theo
kế của họ.
Sau đó, nhóm tu sĩ ngoại đạo xin vào trình Đức vua Pasenadi Kosala.
- Tâu Đức vua, cô tu nữ Sundarī, đệ tử của chúng tôi đã mất tích.
Đức vua truyền lệnh cho phép đi tìm kiếm cô tu nữ Sundarī.
Nhóm tu sĩ ngoại đạo kéo nhau giả bộ đi tìm, đến gặp xác chết cô tu nữ Sundarī
trong đống rác trước cổng ra vào ngôi chùa Jetavana, họ đặt xác chết cô
tu nữ Sundarī trên cáng đem vào trình Đức vua, rồi khiêng đi quanh thành Sāvatthi
rêu rao vu khống rằng:
“Thưa tất cả mọi người, xin quý vị hãy xem hành vi xấu xa của Samôn Gotama và
nhóm đệ tử của y, đã giết chết cô tu nữ Sundarī, đệ tử ngoan đạo của chúng tôi,
để che giấu tội lỗi của Samôn Gotama”.
Đức vua Pasenadi Kosala anh minh và sáng suốt, truyền lệnh quân lính đi
điều tra tìm rõ kẻ đã giết cô tu nữ Sundarī.
Khi ấy, nhóm côn đồ nghiện rượu đang uống rượu say sưa rồi cãi cọ với nhau và đổ
lỗi cho nhau rằng:
- Mày giết cô tu nữ Sundarī!
- Không phải tao, mà chính mày!
Lính trong triều đình nghe được câu chuyện, liền bắt nhóm côn đồ nghiện rượu đem
trình lên Đức vua xét hỏi.
Đức vua truyền hỏi:
- Các ngươi đã giết chết cô tu nữ Sundarī có phải không?
- Muôn tâu Đức vua! Dạ, phải, chính bọn con giết cô tu nữ Sundarī.
Đức vua truyền hỏi tiếp:
- Ai thuê mướn các người giết chết cô tu nữ Sundarī.
Nhóm côn đồ nghiện rượu liền khai:
- Muôn tâu Đức vua! Chính nhóm tu sĩ ngoại đạo thuê mướn chúng con giết chết cô
tu nữ Sundarī, rồi bảo chúng con đem giấu xác chết của cô trong đống rác trước
cổng ra vào của ngôi chùa Jetavana.
Đức vua liền truyền lệnh cho bắt nhóm tu sĩ ngoại đạo, bắt chúng phải nhận tội;
rồi phải đi quanh thành Sāvatthi cải chính lại lời vu khống Đức Phật Gotama
và chư Tỳ-khưu Tăng trước kia rằng: “Kính thưa tất cả mọi người, chính chúng tôi
là người đã thuê mướn nhóm côn đồ nghiện rượu giết chết cô tu nữ Sundarī, để đổ
tội cho Samôn Gotama và chư Tỳ-khưu Tăng Thanh Văn đệ tử của Ngài. Sự thật, Đức
Phật Gotama và nhóm Thanh Văn đệ tử hoàn toàn vô tội”.
Khi nhóm tu sĩ ngoại đạo làm như vậy, dân chúng trong thành Sāvatthi không
còn ngờ vực gì nữa. Đức vua bắt nhóm côn đồ nghiện rượu và nhóm tu sĩ ngoại đạo
chủ mưu giết hại cô tu nữ Sundarī hành hình.
Sau đó, Đức Phật và chư Tỳ-khưu Tăng được phần đông dân chúng gần xa phát sinh
đức tin nơi Tam Bảo.
Sở dĩ Đức Phật và nhóm Tỳ-khưu Tăng bị vu khống điều xấu, không có thật, là vì
nghiệp ác cũ của Đức Bồ Tát, Ngài đã vu khống vị Đạo sĩ trong thời quá khứ, còn
năng lực chút đỉnh, nên kiếp chót này có cơ hội cho quả của nghiệp ác cũ ấy.
Đức Phật dạy về nghiệp ác cũ của Ngài:
Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Như Lai, là Bàlamôn học xong các bộ sách Bàlamôn, làm
Thầy dạy nhóm 500 đệ tử trong khu rừng lớn gần núi Himavanta.
Một vị Đạo sĩ chứng đắc bát thiền và ngũ thông có nhiều oai lực đến tu viện, Như
Lai nhìn thấy vị Đạo sĩ ấy phát sinh tâm ganh tỵ đã nói xấu vị Đạo sĩ ấy; Như
Lai còn nói với nhóm đệ tử rằng: “Đạo sĩ này lừa dối, Đạo sĩ này thích hưởng
dục lạc ngũ trần”. Khi Như Lai nói như vậy, nhóm đệ tử tin theo lời của
Như Lai, chúng đi khất thực đến mọi gia đình nói với mọi người rằng: “Đạo sĩ ấy
lừa dối, vị Đạo sĩ ấy là người thích hưởng dục lạc ngũ trần”, sau khi chết, do
nghiệp ác khẩu ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ suốt thời
gian lâu dài, cho đến khi mãn nghiệp ác ấy.
Do năng lực nghiệp ác cũ ấy còn dư sót chút đỉnh, nên kiếp hiện tại Như Lai và
nhóm 500 Tỳ-khưu đều bị vu khống, về cái chết của cô tu nữ Sundarī.
Đức Phật bị lửa phỏng da bàn chân
Trong quá khứ, Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, là đứa trẻ
nghịch ngợm đang chơi ở ngoài đường, nhìn thấy Đức Phật Độc Giác đang đi khất
thực, Đức Bồ Tát đốt lửa vây quanh Ngài.
Đức Bồ Tát sau khi chết, do nghiệp ác ấy cho quả tái sinh trong 4 cõi ác
giới, chịu quả khổ cho đến khi mãn nghiệp ác ấy, mới được thoát khỏi cõi địa
ngục.
Kiếp hiện tại là kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật
Chánh Đẳng Giác, do năng lực của nghiệp ác ấy còn dư sót chút đỉnh, nên Đức
Phật bị lửa phỏng da bàn chân.
Tuyển chọn nhóm xạ thủ bắn Đức Phật
Trong quá khư, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama, là một tướng
lĩnh giết hại nhiều kẻ thù.
Đức Bồ Tát sau khi chết, do nghiệp ác sát sanh cho quả tái sinh trong cõi
địa ngục, chịu quả khổ cho đến khi mãn nghiệp ác ấy, mới được thoát ra khỏi cõi
địa ngục.
Kiếp hiện tại là kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha
trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, do năng lực của
nghiệp ác cũ ấy còn dư sót chút đỉnh, khiến Tỳ-khưu Devadatta tuyển chọn nhóm xạ thủ cung nỏ bắn tên, để giết hại Đức
Phật. Nhóm xạ thủ không thể bắn mũi tên ra được, đến đảnh lễ sám hối; Đức Phật
thuyết pháp tế độ, họ đều trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.
Đức Phật bị đụng mảnh đá nơi ngón chân cái (Silāvedho)
Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, sinh trong gia đình giàu sang,
có một người em trai cùng cha khác mẹ. Khi cha mẹ qua đời, để lại một gia tài
lớn. Hai anh em mỗi người có một đám gia nhân tùy tùng riêng; vì nghe lời xúi
giục của đám gia nhân ấy, nên hai anh em gây gỗ, sát hại lẫn nhau, để chiếm
đoạt toàn bộ tài sản của cải về mình. Đức Bồ Tát là anh có sức mạnh hơn người
em, xô đẩy người em té xuống hốc đá, rồi dùng đá lăn đè chết người em trai.
Đức Bồ Tát sau khi chết, do nghiệp ác sát sanh cho quả tái sinh trong cõi
địa ngục, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài nhiều ngàn năm, cho đến khi mãn
nghiệp ác ấy, mới được thoát ra khỏi cõi địa ngục.
Kiếp hiện tại là kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha
trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, còn Tỳ-khưu Devadatta cùng trong dòng dõi là con trai
bà cô và ông cậu, cũng là hoàng huynh của Công chúa Yasodharā.
Tiền kiếp của Tỳ-khưu Devadatta và tiền kiếp của Đức Bồ Tát Siddhattha
là hai người buôn bán nữ trang được tóm lược như sau:
Thuở quá khứ, Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật,
là người buôn bán nữ trang lương thiện, và tiền kiếp
của Tỳ-khưu Devadatta cũng là người buôn bán
nữ trang, nhưng có tánh tham lam và gian ác. Một gia đình trước kia là phú hộ,
nhưng bây giờ tất cả tài sản đều bị khánh kiệt, chỉ còn cái mâm bằng vàng ròng
bị bụi bám đầy. Thừa kế gia đình ấy chỉ còn một bà ngoại già và đứa cháu gái,
họ không hề biết gì về giá trị của chiếc mâm vàng ấy.
Một hôm, có người buôn bán nữ trang (tiền kiếp của
Tỳ-khưu Devadatta) từ
xa đến, đi ngang nhà, cô cháu gái thấy, liền năn nỉ xin bà ngoại mua cho mình
một món nữ trang.
Bà ngoại già âu yếm bảo với cháu gái rằng: “Này cháu yêu quý! Ngoại không tiếc gì
cho cháu cưng đâu. Hiềm một nỗi gia đình mình hiện nay nghèo quá, cơm áo không
đủ dùng, thì lấy đâu có tiền bạc mà mua nữ trang cho cháu. Chỉ còn cái mâm cũ
kỹ kia, để ngoại hỏi người lái buôn xem thử có đổi được món nữ trang nhỏ nào
cho cháu không”.
Bà liền gọi người lái buôn vào, đưa cái mâm cũ kỹ cho y xem. Sau khi săm soi kỹ,
với con mắt nhà nghề, người lái buôn biết rõ là cái mâm bằng vàng ròng quý giá,
mà hai bà cháu không hề biết được giá trị của nó. Tánh vốn tham lam và gian ác,
y tự nghĩ: “Ta phải chiếm đoạt cái mâm vàng này, mà chỉ cần đổi một món nữ trang
nho nhỏ không đáng giá”. Nghĩ xong, y giả vờ bực dọc ném cái mâm xuống
đất rồi nói:
- Cái mâm cũ kỹ này chẳng có giá trị gì cả, nó không đáng giá 12 xu rưỡi! Lấy
đâu để đổi lấy một món nữ trang?
Nói xong, người lái buôn tham lam và gian ác kia liền bỏ đi nơi khác.
Ngày hôm sau, người lái buôn lương thiện (Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức
Phật) đi ngang nhà, cô cháu gái khóc lóc năn nỉ đòi nữ trang cho bằng
được. Vì rất thương yêu và muốn vừa lòng cháu, bà gọi người lái buôn vào nhà,
lại đem cái mâm cũ kỹ kia đưa cho người lái buôn này xem. Lần này, thì bà kể lể
về hoàn cảnh khốn khổ của mình cho người lái buôn nghe, với hy vọng đổi được
món nữ trang nhỏ nào đó cho cháu.
Nhà lái buôn lương thiện cầm cái mâm, lau chùi lớp bụi, phát hiện ra cái mâm này
không chỉ là một cái mâm bằng vàng ròng tinh chất quý giá, mà còn chạm trổ
những phù điêu, hoa văn tinh tế, công phu, thật là một nghệ thuật tuyệt vời.
Đức Bồ Tát hai tay nâng niu cái mâm và từ tốn thưa rằng:
- Thưa mẹ, cái mâm này không những bằng vàng ròng tinh chất, mà còn là một cổ vật
quý giá, ít nhất khoảng trên 100 ngàn Kahāpana (đồng tiền vàng Ấn Độ
thời xưa). Tất cả giá trị nữ trang và tiền bạc của con mang theo bên
người chưa bằng được một phần trăm, thì con đâu dám đụng đến cổ vật vô giá ấy.
Bà ngoại già vô cùng cảm kích trước tấm lòng chân thật của người lái buôn lương
thiện, chân thành nói:
- Này con, chính tấm lòng chân thật của con quý hơn cả cổ vật này. Hôm trước có
người lái buôn nữ trang như con đã chê cái mâm này. Y nói cái mâm này chưa đáng
giá 12 xu rưỡi. Khi đi, y còn ném cái mâm xuống đất và thốt lên những lời hằn
học nữa. Nếu quả thật, nó bằng vàng quý giá như con nói, thì đó chính là quả
phước của con. Vậy, con hãy lấy đi rồi cho cháu ta một món nữ trang nào cũng
được, con đừng ái ngại.
Sau nhiều lần từ chối không được, Đức Bồ Tát đành trao lại tất cả số nữ trang và
trọn số tiền của mình, tổng cộng giá trị khoảng một ngàn (1.000) đồng tiền vàng
cho hai bà cháu, chỉ xin lại tám đồng để chi phí dọc đường.
Đức Bồ Tát đã đem cái mâm vàng ra đi. Sau đó, thì người lái buôn tham lam gian
ác trở lại tìm bà cụ, y bảo:
- Này bà già, hãy đem cái mâm cũ kỹ kia ra đây, tôi sẽ bố thí cho cháu bà một món
nữ trang nho nhỏ!
Bà cụ nhìn thấy y, con người gian giảo đáng khinh bỉ, bà bảo:
- Này ông kia, cái mâm vàng của tôi đáng giá 100 ngàn đồng, sao trước đây ông
chê, cho rằng nó chưa đáng giá 12 xu rưỡi? Tôi đã bán cho một người lái buôn nữ
trang lương thiện, ông ấy đã trao cho tôi trọn số tiền 500 đồng của mình và tất
cả số nữ trang còn lại. Tôi đã trao cái mâm vàng cho người ấy mang đi xa rồi.
Nghe nói vậy, người lái buôn tham lam và gian ác cảm thấy vô cùng tiếc rẻ gào
lên:
- Ôi! Ta đã bị thiệt hại quá lớn rồi! Tên lái buôn kia đã cướp cái mâm bằng vàng
đáng giá 100 ngàn đồng của ta rồi!
Gào thét đến khô hơi tắt tiếng, tâm uất hận đến cực độ, tên lái buôn nằm lăn
xuống đất ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, như người điên, y xả bỏ quần áo, đồ nữ trang
vung vãi, với đầu bù tóc rối, y chạy đuổi theo Đức Bồ Tát. Lúc ấy, Ngài đã qua
quá nửa dòng sông, vẫn nghe văng vẳng tiếng gào thét của y: “Hãy trở lại! Hãy
trở lại!”. Ngài bảo người lái đò chèo thẳng qua bên kia sông.
Bên bờ sông này, quá thất vọng và tiếc của, quá uất hận, cơn nóng giận cực độ
làm cho người lái buôn máu trào ra miệng, lăn ra chết ngay tại chỗ. Trước khi
tắt thở, với tâm sân hận y thốt ra lời nguyền độc địa kết oan trái với Đức Bồ
Tát: “Ta sẽ kết oan trái với ngươi dù bất cứ ở địa vị nào”.
Đó là lần kết oan trái đầu tiên giữa tiền kiếp của
Tỳ-khưu Devadatta với tiền kiếp
của Đức Phật.
Bởi vậy, trong suốt khoảng thời gian tử sinh luân hồi, hễ mỗi khi hai người gặp
lại nhau, ở hoàn cảnh nào, địa vị nào, hậu kiếp của người lái buôn tham lam
gian ác kia cũng tìm cách giết hại hoặc làm khổ Đức Bồ Tát; dù ở địa vị làm
cha, Đức Bồ Tát làm con, thì người cha ấy cũng tìm đủ lý do để giết hại Đức Bồ
Tát. Thậm chí cho đến kiếp cuối cùng; hậu kiếp của người lái buôn nữ trang
lương thiện trước kia, nay là Thái tử Siddhattha, đã chứng đắc thành bậc
Chánh Đẳng Giác, và hậu kiếp của người lái buôn tánh tham lam gian ác trước
kia, nay là Hoàng tử Devadatta dòng Sakya (thân quyến của Thái tử
Siddhattha) xuất gia trở thành Tỳ-khưu Devadatta,
đệ tử của Đức Phật; Tỳ-khưu Devadatta tìm đủ mọi mưu mô thâm độc để giết hại Đức Phật.
Nhưng do oai lực của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, cho nên không một ai trên thế
gian có khả năng giết hại được Ngài.
Do năng lực nghiệp ác cũ sát sanh của Đức Phật ấy
còn dư sót chút đỉnh, nên khiến Tỳ-khưu Devadatta leo lên núi Gijjhakūṭa
xô tảng đá lăn xuống, trên đường Đức Phật đi kinh
hành, tảng đá bị ngăn lại, chỉ vỡ một mảnh đá nhỏ
rơi xuống đụng phải đầu ngón chân cái của Đức Phật,
làm bầm máu mà thôi. Như vậy, Tỳ-khưu Devadatta phạm phải một trong năm trọng nghiệp vô gián.
Đức Phật dạy về nghiệp ác cũ của Ngài:
Trong tiền kiếp quá khứ, Như Lai đã giết người em trai cùng cha khác mẹ, vì
nguyên nhân tranh đoạt gia tài của cha mẹ để lại, Như Lai đã xô em trai xuống
hốc đá, rồi lăn đá đè chết.
Do quả của nghiệp ác cũ ấy, kiếp chót này, Như Lai bị
Tỳ-khưu Devadatta xô tảng
đá lăn xuống, nhưng tảng đá bị ngăn lại, chỉ vỡ một mảnh đá nhỏ văng ra đụng
vào ngón chân cái của Như Lai.
Đức Phật bị mảnh đá đụng ngón chân cái làm bầm máu (Sakalikāvedha)
Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, sinh trong một gia đình bình
thường; khi còn nhỏ rất tinh nghịch, cậu bé đang chơi giữa đường lớn, nhìn thấy
Đức Phật Độc Giác đang đi khất thực, cậu bé nghĩ: “Samôn trọc đầu đi đâu?”,
rồi cầm một mảnh đá ném vào sau lưng Đức Phật Độc Giác, đụng phải gót chân của
Ngài làm trầy da, chảy máu.
Đức Bồ Tát sau khi chết, do nghiệp ác ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục,
chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài hằng ngàn năm, cho đến khi mãn nghiệp ấy,
mới được thoát ra khỏi cõi địa ngục.
Kiếp hiện tại là kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật
Chánh Đẳng Giác. Khi Đức Phật đang đi kinh hành tại núi Gijjhakūṭa,
do năng lực của nghiệp ác cũ trong quá khứ còn dư
sót chút đỉnh, khiến Tỳ-khưu Devadatta
xô tảng đá lăn xuống, tuy tảng đá bị cản lại, nhưng một mảnh đá nhỏ vỡ văng ra
đụng vào ngón chân cái của Đức Phật, làm cho bầm máu. Đó là do quả của nghiệp
ác cũ quá khứ của Ngài.
Đức Phật bị mổ vết thương bằng dao (Satthaccheda)
Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, là Đức vua một nước nhỏ ngoài
trung xứ, Đức vua Bồ Tát gần gũi thân cận với các vị quan cận thần ác, nên trở
thành Đức vua ác. Một ngày nọ, Đức vua nổi khùng cầm gươm, đi chân trần (không
mang dày dép) ra khỏi cung điện chạy vào thành giết chết nhiều người vô
tội.
Đức Bồ Tát sau khi chết, do nghiệp ác sát sanh ấy cho quả tái sinh trong 4 cõi
ác giới: địa ngục, ngạ quỷ, atula, súc sinh, chịu quả khổ cho đến khi
mãn nghiệp ác ấy, mới được thoát ra khỏi 4 cõi ác giới.
Kiếp hiện tại là kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha
trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Do năng lực của
nghiệp ác cũ trong quá khứ còn dư sót chút đỉnh,
khiến Tỳ-khưu Devadatta xô tảng đá lăn xuống, một mảnh đá nhỏ văng
đụng, làm ngón chân cái của Ngài bị bầm máu.
Về sau, thái y Jīvaka dùng con dao bén mổ vết thương lấy máu bầm ra với
tâm từ; đó là nghiệp thiện, để chữa trị vết thương ở đầu ngón chân cái
của Đức Phật.
Tỳ-khưu Devadatta làm bầm ngón chân Đức Phật, bằng mảnh đá với tâm sân,
nên phạm phải trọng ác nghiệp gọi là nghiệp vô gián (anantariyakamma)
chắc chắn sẽ cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Avecī.
Đức Phật dạy về nghiệp cũ của Ngài:
Trong tiền kiếp quá khứ, Như Lai là Đức vua đi chân trần cầm gươm vào thành giết
người vô tội. Sau khi chết, do nghiệp ác ấy cho quả tái sinh trong cõi địa
ngục, chịu quả khổ bị hành hạ thiêu đốt trong địa ngục suốt thời gian lâu dài,
cho đến mãn nghiệp ác ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa ngục.
Do quả của nghiệp ác cũ còn dư sót chút đỉnh, kiếp hiện tại, kiếp chót này, Như
lai bị mổ lấy máu bầm ở vết thương đầu ngón chân cái của Như Lai; bởi vì nghiệp
cũ còn năng lực cho quả.
Đức Phật bị voi Nāḷāgiri rượt đuổi
Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, là người nài voi, đang cỡi voi
đi, nhìn thấy Đức Phật Độc Giác đang đi trên đường, Đức Bồ Tát nài voi liền
nghĩ rằng: “Samôn đầu trọc này từ đâu đến đây?”. Y phát sinh tâm sân làm
cho con voi nổi giận rượt theo Đức Phật Độc Giác.
Đức Bồ Tát sau khi chết, do nghiệp ác ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục,
chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn nghiệp ác ấy, mới được
thoát ra khỏi cõi địa ngục.
Kiếp hiện tại là kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha
trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Do năng lực của
nghiệp ác cũ trong quá khứ còn dư sót chút đỉnh,
khiến Tỳ-khưu Devadatta đến gặp Vua Ajātasattu trình tâu âm
mưu dùng voi Nāḷāgiri hung dữ để sát hại Đức Phật; Đức vua chấp
thuận.
Tỳ-khưu Devadatta ra lệnh người quản tượng:
- Ngày mai, ngươi phải cho hung tượng Nāḷāgiri uống 16 hũ rượu, say điên
cuồng rồi thả ra theo con đường mà Samôn Gotama thường hay đi vào thành khất
thực, để nó chạy thẳng đến chà chết Samôn Gotama.
Sáng hôm ấy, Đức Phật cùng chư Tỳ-khưu Tăng đang ngự vào thành Rājagaha,
voi Nāḷāgiri nhìn thấy Đức Phật từ xa ngự đến, liền cuộn vòi,
quạt hai lỗ tai, cong đuôi chạy thẳng đến nơi Đức Phật, ví như một quả núi đang
bổ nhào về phía Ngài. Đức Phật liền niệm rải tâm từ đến voi Nāḷāgiri,
rồi gọi bằng một giọng phạm âm ngọt ngào trìu mến:
- Này Nāḷāgiri con yêu quý! Người ta cho con uống 16 hũ rượu mạnh,
làm cho con say điên cuồng, để con giết hại Như Lai.
Con hãy đến đây với Như Lai, này Nāḷāgiri yêu quý!
Voi Nāḷāgiri hung ác nghe giọng phạm âm ngọt ngào trìu mến của Đức
Phật, liền mở mắt, ngẩng đầu nhìn thẳng thấy kim thân Đức Phật tỏa ra ánh từ
bi, thì lập tức cơn say điên cuồng tan biến mất, tâm thức tỉnh. Do nhờ oai lực
tâm từ của Đức Phật, voi Nāḷāgiri hạ vòi xuống, ngoan ngoãn đi
lần đến, quỳ một cách cung kính dưới đôi bàn chân của Đức Phật.
Đức Phật thuyết pháp tế độ voi Nāḷāgiri, toàn thân tâm của voi Nāḷāgiri
phát sinh hỷ lạc chưa từng có. Nếu không phải là loài súc sanh, thì sau khi
nghe pháp xong chắc chắn voi Nāḷāgiri đã chứng đắc một trong
những Thánh Đạo - Thánh Quả nào đó của các bậc Thánh; nhưng vì voi Nāḷāgiri
là loài súc sanh, nên không thể chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả được.
Từ đó về sau, voi Nāḷāgiri trở thành voi hiền lành dễ mến cho đến trọn
đời của nó.
Đức Phật dạy về nghiệp cũ của Ngài:
Trong tiền kiếp quá khứ, Như Lai là người quản tượng, đang cỡi voi đi trên đường,
Đức Bồ Tát quản tượng làm cho con voi nổi giận rượt đuổi Đức Phật Độc Giác đang
đi khất thực, sau khi chết, do nghiệp ác ấy cho quả tái sinh trong 4 cõi ác
giới chịu quả khổ cho đến khi mãn nghiệp ác ấy, mới thoát ra khỏi 4 đường ác
đạo.
Do năng lực của nghiệp ác cũ còn dư sót chút đỉnh, khiến
Tỳ-khưu Devadatta sai
người quản tượng thả voi Nāḷāgiri chạy nhào đến trước mặt Như Lai đang
đi vào kinh thành Rājagaha để khất thực.
Đức Phật bị bệnh đau đầu (sīsadukkha)
Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, sinh trong gia đình ngư dân,
Đức Bồ Tát cùng đám ngư dân đến chỗ bắt cá, nhìn thấy đám ngư dân bắt được cá
rất nhiều gom thành đống lớn, Đức Bồ Tát cùng tất cả đám ngư dân liền phát sinh
tâm hoan hỷ về sự sát sanh ấy.
Đức Bồ Tát sau khi chết, do nghiệp ác ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới: địa
ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh cho đến khi mãn nghiệp ác ấy, mới được
thoát ra khỏi cõi ác giới.
Kiếp hiện tại, kiếp chót Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật Chánh
Đẳng Giác. Do quả của nghiệp ác cũ hoan hỷ sự sát sanh, trong quá khứ ấy còn dư
sót chút đỉnh, nên đôi khi Đức Phật bị bệnh đau đầu; còn tiền kiếp của đám ngư
dân trong quá khứ, nay kiếp hiện tại sinh trong hoàng tộc dòng Sakya đều
bị tiêu diệt bởi Đức vua Viḍaḍūbha.
Đức Phật dạy về nghiệp cũ của Ngài:
Tiền kiếp của Như Lai sinh trong xóm ngư dân. Nhìn thấy đám ngư dân bắt được cá
rất nhiều, Như Lai phát sinh tâm hoan hỷ.
Do năng lực của nghiệp ác cũ còn dư sót chút đỉnh đôi khi cho quả bệnh đau đầu
phát sinh trong kiếp chót của Như Lai, còn đám ngư dân trong quá khứ,
nay là dòng họ Sakya bị Đức vua Viḍaḍūbha tàn sát tất cả.
Đức Phật độ cơm gạo đỏ (yavakhādana)
Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, sinh trong gia đình thuộc giai
cấp thấp, kém học thức, là kẻ si mê (andhabāla). Đức Bồ Tát nhìn thấy
chư Tỳ-khưu Thanh Văn đệ tử của Đức Phật độ vật thực ngon lành, cơm gạo sāli,
nên Đức Bồ Tát đã xúc phạm rằng: “Các Samôn đầu trọc này hãy dùng cơm gạo đỏ,
đừng dùng cơm gạo sāli...”.
Đức Bồ Tát sau khi chết, do nghiệp ác khẩu ấy cho quả tái sinh trong 4 cõi ác
giới, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn nghiệp ác ấy, mới
được thoát ra khỏi 4 cõi ác giới.
Kiếp hiện tại là kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật
Chánh Đẳng Giác, Ngài cùng chư Tỳ-khưu Tăng du hành khắp mọi nơi, thuyết pháp
tế độ cho chúng sinh có duyên lành nên tế độ.
Một thuở nọ, Đức Phật cùng nhóm 500 Tỳ-khưu Tăng ngự đến xứ Verañjā. Hay
tin Đức Phật đã ngự đến, ông Bàlamôn Verañja đến hầu Đức Phật, để đấu
khẩu tranh tài với Đức Phật, nhưng ông Bàlamôn không thể thắng được Đức Phật,
liền hồi tâm tỉnh trí phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức
Tăng, lắng nghe chánh pháp liền chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Ông thành
kính đảnh lễ Đức Phật, thỉnh cầu Đức Phật cùng chư
Tỳ-khưu Tăng an cư nhập hạ 3
tháng mùa mưa tại xứ Verañjā này.
Đức Phật im lặng nhận lời thỉnh cầu của ông Bàlamôn.
Từ ngày ấy, Ma vương tâm ác làm cho tâm của dân chúng xứ Verañjā mê muội,
và đồng thời khi ấy tại xứ Verañjā đang gặp phải hạn hán mất mùa, nạn
đói phát sinh, dân chúng bị chết đói rất đông; bởi do thiếu thốn vật thực, cho
nên Đức Phật cùng nhóm 500 Tỳ-khưu Tăng đi khất thực, không có một ai cúng
dường để bát.
Đoàn người lái buôn từ xứ Uttarāpatha cùng với 500 cỗ xe ngựa vừa đến xứ Verañjā
gặp mùa mưa, nên đành phải trú lại. Họ nhìn thấy chư
Tỳ-khưu đi khất thực nhưng
không được gì, họ phát sinh thiện tâm làm phước thiện bố thí cúng dường phần
lúa đem theo làm vật thực cho ngựa, giã ra thành gạo đỏ, nấu cơm, chư thiên bỏ
thêm vào hương vị trời, rồi cúng dường để bát đến Đức Phật cùng nhóm 500 chư
Tỳ-khưu Tăng đệ tử của Ngài.
Như vậy, Đức Phật cùng nhóm 500 Tỳ-khưu Tăng độ cơm gạo đỏ suốt 3 tháng trong
mùa an cư nhập hạ năm ấy, cho đến ngày làm đại lễ Pavāraṇā (lễ yêu cầu
thỉnh mời chỉ lỗi của mình) trước ngày mãn hạ, Ma vương tâm ác không
còn làm cho dân chúng xứ Verañjā mê muội nữa. Thật vậy, ông Bàlamôn Verañja
nhớ lại trước đây 3 tháng, có thỉnh mời Đức Phật cùng nhóm 500
Tỳ-khưu Tăng đê
tử của Ngài an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại xứ Verañjā này, mà
ông đã quên hẳn, nên suốt thời gian nhập hạ ông không cúng dường bốn thứ vật
dụng đến Đức Phật cùng nhóm 500 Tỳ-khưu Tăng.
Ông Bàlamôn Verañja đến hầu Đức Phật, kính thỉnh Ngài cùng nhóm 500
Tỳ-khưu Tăng ngày hôm sau, ông xin làm phước đại thí cúng dường đến chư
Tỳ-khưu
Tăng có Đức Phật chủ trì, đồng thời ông kính xin Đức Phật cùng chư
Tỳ-khưu Tăng
tha thứ tội lỗi mê muội quên hẳn bổn phận của ông.
Thật ra, đó là nghiệp ác cũ mà Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama.
Nghiệp ác cũ ấy cho quả không những một mình Đức Phật phải chịu quả khổ, mà
nhóm 500 Tỳ-khưu Tăng đệ tử của Ngài cũng bị ảnh hưởng quả của nghiệp ác ấy.
Đức Phật bị bệnh đau lưng (piṭṭhidukkha)
Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, sinh trong gia đình giàu sang,
Đức Bồ Tát có dáng vóc lùn, nhưng có sức mạnh phi thường.
Thời ấy, có một võ sĩ đô vật thân hình vạm vỡ, qua những trận đọ sức với các đối
thủ từ khắp tỉnh thành cho đến thủ đô, y đều toàn thắng, y tự cho mình là người
vô địch. Một hôm, võ sĩ này đến quê hương của Đức Bồ Tát, cũng như các nơi
khác, không có một đối thủ nào có thể đọ sức nổi với y; cho nên, y huyênh hoang
tự đắc cho mình là người vô địch, rồi hãnh diện lên đường đi đến nơi khác.
Khi ấy, Đức Bồ Tát nghĩ rằng:
“Người võ sĩ này đã thắng tất cả các võ sĩ đô vật trên quê hương của ta, rồi ra
đi với vẻ tự cao ngã mạn như vậy”.
Đức Bồ Tát liền đến gặp y vỗ tay bảo rằng:
- Ngươi hãy đến đây, đọ sức với ta rồi đi!
Võ sĩ đô vật cười khanh khách và nghĩ rằng:
- Các địch thủ to lớn, ta còn thắng một cách dễ dàng, huống gì dáng người thấp
lùn này, ta chỉ cần dùng một tay là đủ.
Y vỗ tay đi đến gặp Đức Bồ Tát. Hai người bắt tay lẫn nhau trước khi đọ sức.
Đức Bồ Tát vồ đến ôm gọn thân hình vạm vỡ của y, nhấc hỏng chân lên, đưa lên hư
không, quay vòng tròn, rồi dộng vai mạnh xuống mặt đất làm y sụn cột xương
sống, rồi để y nằm dài trên mặt đất, không còn cựa quậy được nữa.
Dân chúng trong xứ thấy vậy vỗ tay tán dương khen thưởng Đức Bồ Tát đã thắng
được một võ sĩ đô vật lừng danh, rồi họ tặng cho Đức Bồ Tát những phần thưởng
vô cùng quý giá.
Đức Bồ Tát chữa trị lại phần xương vai, xương cột sống cho võ sĩ, rồi đỡ y đứng
dậy và dạy bảo y, từ nay về sau không nên đọ sức so tài với ai nữa.
Mỗi khi Đức Bồ Tát được tái sinh làm người, nghiệp ác làm khổ võ sĩ đô vật ấy,
nếu có cơ hội cho quả, thì Đức Bồ Tát thường bị đau lưng, đau mình nhức mỏi.
Kiếp hiện tại là kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật
Chánh Đẳng Giác, hoàn toàn không còn khổ tâm do phiền não nữa; nhưng Đức Phật
vẫn còn khổ thân tứ đại, thường mắc bệnh đau lưng... Cho nên, đôi khi Đức Phật
đang thuyết pháp, bệnh đau lưng phát sinh, Ngài truyền dạy Đại đức Sāriputta
hoặc Đại đức Mahāmoggallāna thay thế Ngài tiếp tục thuyết pháp; còn Ngài
cho đệ tử trải y nằm nghỉ, để giảm bớt cơn đau lưng. Đó là quả của nghiệp cũ.
Đức Phật dạy về nghiệp ác cũ của Ngài:
Trận đô vật, Như Lai đã làm khổ võ sĩ đô vật trong thời quá khứ; nay kiếp hiện
tại, do quả của nghiệp cũ ấy, nên bệnh đau lưng phát sinh đến cho Như Lai.
Đức Phật bị bệnh đại tiện ra máu (atisāra: bệnh kiết lỵ)
Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, sinh trong gia đình thầy
thuốc. Đức Bồ Tát trưởng thành sinh sống bằng nghề làm thầy hốt thuốc chữa bệnh
cho mọi người. Khi Đức Bồ Tát chữa bệnh cho con trai một phú hộ; người con trai
phú hộ trả tiền công hốt thuốc không xứng đáng. Vì không hài lòng nên Đức Bồ
Tát đã hốt thuốc xổ cho con trai phú hộ uống.
Khi Đức Bồ Tát được tái sinh làm người, do nghiệp ác cho uống thuốc xổ ấy, nếu có
cơ hội cho quả, thì Đức Bồ Tát bị bệnh kiết lỵ, đi đại tiện ra máu.
Kiếp hiện tại là kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha trở thành Đức Phật
Chánh Đẳng Giác vào năm 35 tuổi. Từ đó về sau, suốt 45 năm thuyết pháp
tế độ cho chúng sinh giải thoát khỏi biển khổ tử sinh luân hồi trong ba giới
bốn loài. Lúc Đức Phật tròn 80 tuổi, đúng vào ngày rằm tháng tư âm lịch, ngày
cuối cùng Ngài tịch diệt Niết Bàn. Sau khi Đức Phật độ món ăn đặc biệt bổ dưỡng sūkuramaddava
của ông Cunda kammāraputta, và có thêm phần hương vị của chư thiên ở các
cõi trời bỏ vào món ăn ấy, để bồi bổ tăng thêm sức mạnh trong cơ thể của Ngài.
Trên đường đến khu rừng Kusinārā, Đức Phật cùng chư
Tỳ-khưu Tăng trên
đường ngự đến khu rừng Kusinārā, Ngài bị lâm bệnh kiết lỵ đi đại tiện ra
máu, làm cho cơ thể mệt nhoài, lại thêm khát nước, Ngài phải ngừng lại nằm nghỉ
ngơi một lúc, rồi mới tiếp tục ngự đến khu rừng Kusinārā, Đức Phật tịch
diệt Niết Bàn vào canh chót đêm rằm tháng tư (âm lịch).
Đức Phật là bậc cao thượng nhất trong tam giới, thế mà vẫn không sao tránh khỏi
nghiệp ác cũ.
Đức Phật dạy về nghiệp ác cũ của Ngài:
Tiền kiếp Như Lai làm nghề thầy thuốc, làm vị thầy chữa bệnh cho con phú hộ; do
không hài lòng, vị thầy đã hốt thuốc xổ cho con trai phú hộ uống. Do quả của
nghiệp ác ấy cho quả, nên bệnh đại tiện ra máu phát sinh đến Như Lai.
Đức Phật khát nước
Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, là người chăn bò, dẫn đàn bò
ra đồng ăn cỏ, Đức Bồ Tát nhìn thấy con bò mẹ đang uống nước đục, nên ngăn cấm
không cho nó uống theo ý muốn.
Do quả của nghiệp ác ấy, Đức Bồ Tát Siddhattha kiếp chót trở thành Đức
Phật Chánh Đẳng Giác, trước khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, trên đường từ
thành phố Pāvā đến khu rừng Kusinārā, Đức Phật bị lâm bệnh kiết
lỵ đi đại tiện ra máu, mệt nhoài và khát nước. Ngài truyền dạy Đại đức Ānanda
đi lấy nước. Ngài Đại đức Ānanda đi đến con sông còn ít nước, vả lại vừa
có 500 chiếc xe bò băng qua sông làm nước sông đục ngầu, nên Ngài Đại đức Ānanda
không muốn lấy nước ấy. Về phần Đức Phật vì khát nước quá không chịu đựng nổi,
nên Ngài truyền dạy Đại đức Ānanda phải lấy nước đem về độ cho qua cơn
khát. Ngài Đại đức Ānanda bước xuống sông, thật phi thường thay!, dòng
nước sông đang đục ngầu liền trở nên trong xanh sạch sẽ. Ngài lấy nước ấy đem
về dâng cho Đức Phật độ.
Đó là do quả của nghiệp ác cũ ngăn cấm con bò mẹ đang uống nước, trong tiền kiếp
của Ngài.
Đức Phật đã thuyết những nghiệp ác cũ đã tạo trong những tiền kiếp quá khứ của
Ngài đến chư Tỳ-khưu Tăng tại ven rừng gần hồ Anotatta.
Tất cả mọi chúng sinh nói chung, mỗi người nói riêng đều tùy thuộc vào nghiệp
và quả của nghiệp của chính mình. Trong hiện tại, con người có
quyền chọn lựa nghiệp nào, rồi có quyền tạo nên nghiệp thiện hoặc nghiệp ác ấy;
song quả của nghiệp thiện hoặc quả của nghiệp ác phát sinh do hội đủ nhân
duyên, hoàn toàn không do mình chọn lựa. Hễ nghiệp thiện là cho quả tốt, quả an
lạc...; ngược lại, hễ nghiệp ác là cho quả khổ...
Như vậy, muốn quả tốt, quả an lạc, thì nên tạo mọi nghiệp thiện; và không muốn
quả xấu, quả khổ não, thì không nên tạo mọi nghiệp ác.
Nếu chúng sinh nào đã tạo nghiệp thiện hoặc nghiệp ác nào rồi, đến khi nghiệp
nào có cơ hội cho quả của nó, thì chúng sinh ấy thọ nhận quả của nghiệp ấy, như
là người thừa kế quả của nghiệp mà chính mình đã tạo.
Đức Phật dạy về nghiệp rằng:
“Kammassako mhi kammadāyādo kammayoni kammabandhu kammapaṭisaraṇo yaṃ kammaṃ
karissāmi kalyāṇam vā pāpakaṃ vā, tassa dāyado bhavissāmi” (Anguttaranikaya,
trong Kinh Abhinhasutta)
“Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân
sinh ta ra, nghiệp là bà con thân quyến, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo
nghiệp nào: là thiện nghiệp, hoặc ác nghiệp, ta sẽ là người thừa hưởng quả của
thiện nghiệp, hoặc ác nghiệp ấy”.
Mỗi nghiệp thiện, mỗi nghiệp ác, nếu có đầy đủ nhân duyên và cơ hội, thì nó có
thể cho quả ngay trong kiếp hiện tại, cho quả tái sinh trong kiếp sau, và những
kiếp kế tiếp cho đến trước khi tịch diệt Niết Bàn, đối với bậc Thánh Arahán.
Vậy chúng ta nên có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp
của mình; còn muốn biết rõ nghiệp quá khứ nào, cho quả như thế nào, trong kiếp
hiện tại, không phải là điều dễ biết, đối với tất cả mọi chúng sinh. Duy nhất
chỉ có Đức Sabbaññū (Đức Phật Toàn Giác) mới thấy rõ, biết rõ
nghiệp và quả của nghiệp trải qua vô số tiền kiếp quá khứ, kiếp hiện tại, kiếp
vị lai của Ngài và của tất cả mọi chúng sinh. Và một số chư Thánh Arahán cũng
có khả năng biết được nghiệp thiện, nghiệp ác của mình trong những tiền kiếp có
giới hạn. Quý Ngài thuật lại được ghi vào trong bộ Apādāna.
Ngoài Đức Phật và một số chư bậc Thánh Arahán ra, còn lại tất cả chúng sinh khác,
không một ai có khả năng biết rõ nghiệp của mình đã tạo trong những tiền kiếp
quá khứ.
Thật vậy, bởi vì nghiệp và quả của nghiệp là một trong bốn điều bất khả tư nghì
(acinteyya); không nên tư duy suy nghĩ về nghiệp và quả của nghiệp; mà
chỉ nên có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp mà thôi. Nếu
người nào tư duy suy nghĩ về nghiệp và quả của nghiệp thì người ấy có thể bị
loạn trí.
Đức Phật Toàn Giác biết rõ nghiệp ác cũ trong vô số tiền kiếp của Ngài không sao
kể xiết, song những nghiệp ác cũ nào mà Ngài nêu ra, là vì những nghiệp ác cũ
ấy có liên quan cho quả khổ trong kiếp chót của Ngài, trước khi tịch diệt Niết
Bàn.
Những người nào có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp của mình. Nếu những
người ấy, khi đang hưởng quả của nghiệp thiện được giàu sang phú quý, có quyền
cao chức trọng v.v... họ cảm thấy hoan hỷ, đời sống được hạnh phúc an lạc; thì
họ càng có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp của họ; cho nên họ tìm mọi cơ
hội tốt để tạo nhiều nghiệp thiện như bố thí, giữ giới, hành thiền,... Nhờ
những nghiệp thiện này nâng đỡ kiếp sống còn của họ được cao thượng, nhất là
tạo duyên lành, bồi bổ những pháp hạnh ba-la-mật để mong chứng ngộ chân lý Tứ
Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh
luân hồi trong ba giới bốn loài.
Nếu những người ấy, khi đang chịu đựng quả khổ của nghiệp ác,... thì họ không hề
oán trách một ai cả; vì họ tin chắc chắn rằng đó chỉ là quả của nghiệp ác mà
chính họ đã tạo trong thời quá khứ; nay đến thời kỳ cho quả, họ cam chịu quả
khổ ấy. Họ phát sanh thiện tâm ghê sợ mọi nghiệp ác, tội lỗi, họ cố gắng tránh
xa mọi nghiệp ác đầy tội lỗi, để cho thời vị lai họ không phải chịu cảnh khổ
não như thế này nữa.
Như vậy, những người có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, dù quả của nghiệp
thiện hoặc nghiệp ác phát sinh, họ vẫn có thể phát sinh thiện tâm trong sáng,
làm chủ được; không bị quả của nghiệp chi phối, không để tâm tham
hoặc tâm sân phát sinh.
Nghiệp và quả của nghiệp rất công minh không hề thiên vị một ai cả, dù là Đức
Phật Chánh Đẳng Giác cao thượng nhất trong toàn cõi thế giới chúng sinh cũng
không thoát khỏi quả khổ của nghiệp ác. Huống gì mỗi người trong chúng ta; khi
chúng ta hoan hỷ thọ nhận quả của nghiệp thiện, thì chúng ta cũng nên nhẫn nại
thọ nhận quả của nghiệp ác với thiện tâm trong sáng.
Người có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, tin tưởng rằng: “Nghiệp nào cho
quả cũng có thời hạn mãn nghiệp ấy”.
Như vậy, nghiệp và quả của nghiệp hoàn toàn không phải là định mệnh, mà nghiệp
và quả của nghiệp hoàn toàn tùy thuộc vào định luật nhân - quả mà
thôi.
Đức Phật dạy nghiệp và quả của nghiệp bằng câu kệ rằng:
“Yādisaṃ vapate bījaṃ, tādisaṃ harate phalaṃ
Kalyāṇakārī kalyāṇaṃ, pāpakāri ca pāpakaṃ” (bộ Samyuttanikaya, phần
Sagathavagga) .
“Người nào gieo hạt giống thế nào,
Người ấy gặt quả như thế ấy.
Người hành thiện, thì được quả thiện,
Người hành ác, thì chịu quả ác”.
Nghiệp có cơ hội sẽ cho quả trong kiếp hiện tại, kiếp sau kế tiếp và kiếp thứ ba
cho đến kiếp chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, trước khi tịch diệt Niết Bàn.
ĐỨC PHẬT VỚI ĐẠI CỘI BỒ ĐỀ
Tích chuyện tiền kiếp Kaliṅgabodhijātaka
Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông Phú hộ Anāthapiṇḍika
gần kinh thành Sāvatthi, Ngài thuyết giảng tích tiền kiếp Kaliṅgabodhi
(bộ Chú giải Jataka)trong đoạn đầu được tóm lược như sau:
Khi Đức Phật ngự tại ngôi chùa Jetavana cùng với chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng
đông đảo, đến khi Đức Phật du hành đến nơi khác, thì chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng
cùng đi theo Ngài. Lúc ấy, ngôi chùa Jetavana trở nên trống vắng, không
còn một vị nào ở trong chùa cả. Những người cận sự nam, cận sự nữ mang những
phẩm vật đến chùa, không thấy Đức Phật và cũng không thấy một Đại đức
Tỳ-khưu
nào cả. Họ không biết dâng lễ cúng dường đến nơi nào, nên họ phải đành đem đến
đặt trước cốc Gandhakuṭi của Đức Phật, rồi họ thui thủi trở về nhà, mà
không phát sinh tâm hoan hỷ.
Được biết như vậy, ông phú hộ Anāthapiṇḍika chờ đợi khi Đức Phật cùng chư
Đại đức Tỳ-khưu Tăng ngự trở lại ngôi chùa Jetavana. Ông phú hộ liền đến
gặp đảnh lễ Ngài Đại đức Ānanda và bạch cho Ngài biết rằng:
- Kính bạch Ngài, mỗi khi Đức Phật cùng chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng ngự đi du hành
đến nơi khác, tại ngôi chùa này trở nên trống vắng. Các người cận sự nam, cận
sự nữ đem những phẩm vật đến dâng lễ cúng dường mà không thấy vị nào cả. Họ
đành phải đem những phẩm vật đặt trước cửa cốc Gandhakuṭi của Đức Phật, rồi
thui thủi trở về nhà, mà không phát sinh tâm hoan hỷ.
Kính bạch Ngài, con kính nhờ Ngài bạch lại với Đức Phật rằng: “Đối
với các hàng Phật tử còn có nơi nào khác, để dâng lễ cúng dường nữa hay không?”.
Nhận lời thỉnh cầu của ông phú hộ, Ngài Đại đức Ānanda đến hầu đảnh lễ
Đức Thế Tôn xong, bèn bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, cetiya là nơi dâng lễ cúng dường có bao nhiêu nơi? Bạch
Ngài.
- Này Ānanda, cetiya nơi dâng lễ cúng dường có ba nơi.
- Kính bạch Đức Thế Tôn, ba nơi ấy là những nơi nào? Bạch Ngài.
- Này Ānanda: Ba nơi ấy là:
Sāriraka cetiya: Cetiya nơi tôn thờ Xá lợi của Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Paribhoga cetiya: Cetiya nơi mà Đức Phật đã sử dụng như Đại cội Bồ đề, những thứ
vật dụng của Đức Phật đã dùng.
Uddissaka cetiya: Cetiya nơi mà người Phật tử tạo nên tượng Đức Phật, ngôi Bảo
tháp v.v... để tôn thờ.
Ngài Đại đức Ānanda bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, khi Đức Thế Tôn còn tại thế gian, ba nơi cetiya ấy, các
hàng Phật tử có thể dâng lễ cúng dường được hay không? Bạch Ngài.
- Này Ānanda, Sāriraka cetiya: Cetiya nơi tôn thờ Xá lợi của Đức
Phật Chánh Đẳng Giác, thì khi nào Như Lai tịch diệt Niết Bàn rồi, khi ấy, các
hàng Phật tử mới có thể dâng lễ cúng dường cetiya, nơi tôn thờ Xá lợi Đức Phật.
Này Ānanda, còn Paribhoga cetiya và Uddissaka cetiya, thì ngay khi Như Lai còn
tại thế, các hàng Phật tử cũng có thể dâng lễ cúng dường đến hai nơi cetiya ấy.
Này Ānanda, Đại cội Bồ đề được gọi là Paribhoga cetiya, nơi mà Chư Phật sử dụng
làm nơi ngồi ngự dưới Đại cội Bồ đề, để chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng
Giác.
Lắng nghe Đức Phật dạy như vậy, Ngài Đại đức Ānanda bèn bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, khi Đức Thế Tôn du hành ngự đến nơi khác, chư Đại đức
Tỳ-khưu Tăng cũng đi theo Ngài, tại ngôi chùa Jetavana này trở nên trống vắng. Các
người cận sự nam, cận sự nữ mang những phẩm vật đến ngôi chùa này, họ không
thấy một ai cả, nên không có nơi nào, để họ dâng lễ cúng dường.
Kính bạch Đức Thế Tôn, như vậy, con có thể thỉnh hạt giống Bồ đề từ Đại cội Bồ đề
ở khu rừng Uruvela, đem về gieo trồng tại ngôi chùa Jetavana này, để cho các
hàng Phật tử làm cetiya nơi dâng lễ cúng dường, có nên hay không? Bạch Ngài.
Đức Phật hoan hỷ truyền dạy rằng:
- Sādhu! Ānanda ropehi.
- Này Ānanda, tốt lắm! Con hãy nên gieo trồng cây Bồ đề tại ngôi chùa này.
Evaṃ sante Jetavane mama nibaddhavāso viya bhavissati.
Như vậy, khi có cây Bồ đề trong ngôi chùa Jetavana, cũng như là sự thường trú của
Như Lai.
Sau khi lắng nghe Đức Phật truyền dạy như vậy, Đại đức Ānanda loan báo
cho ông phú hộ Anāthapiṇ-ḍika, bà đại thí chủ Visākhā, Đức vua Pasenadi
Kosala, cùng toàn thể các cận sự nam, cận sự nữ trong kinh thành Sāvatthi
rằng sẽ trồng cây Bồ đề tại ngôi chùa Jetavana, xin cho người đào lỗ
để trồng cây Bồ đề.
Khi ấy, Ngài Đại đức Ānanda đến gặp Ngài Đại đức Mahāmoggallāna và
bạch rằng:
- Kính bạch Đại đức, đệ muốn trồng một cây Bồ đề tại ngôi chùa Jetavana, kính
thỉnh pháp huynh đến Đại cội Bồ đề tại khu rừng Uruvela, thỉnh một hạt giống Bồ
đề đem về cho đệ.
Ngài Đại đức Mahāmoggallāna nhận lời, liền dùng phép thần thông bay đến
khu rừng Uruvela, bay xung quanh Đại cội Bồ đề, để tìm hạt Bồ đề nào già
chín, sắp lìa khỏi cành. Ngài dùng tấm y hứng hạt giống Bồ đề, không để rơi
xuống mặt đất, thỉnh đem về trao cho Ngài Đại đức Ānanda. Ngài Đại đức Ānanda
đón nhận hạt giống Bồ đề bằng cái đĩa vàng một cách cung kính.
Tiếp đến, Ngài Đại đức Ānanda loan báo cho Đức vua Pasenadi Kosala,
ông phú hộ Anāthapiṇḍika, bà đại thí chủ Visākhā, cùng toàn thể
các cận sự nam, cận sự nữ trong kinh thành Sāvatthi tụ hội để làm lễ
trồng cây Bồ đề. Khi mọi người đã tụ hội đông đủ tại ngôi chùa Jetavana;
đầu tiên, Đại đức Ānanda thỉnh cái đĩa vàng có đựng hạt giống Bồ đề trao
cho Đức vua Pasenadi Kosala, để gieo trồng cây Bồ đề. Đức vua cung kính
đón nhận từ tay của Ngài Đại đức Ānanda và suy nghĩ rằng: Ta tuy là Vua,
nhưng người xứng đáng để gieo trồng cây Bồ đề này phải là ông phú hộ
Anāthapiṇḍika. Nghĩ vậy, Đức vua liền trao cái đĩa đựng hạt giống Bồ đề
lại cho ông phú hộ; ông phú hộ cung kính đón nhận từ tay của Đức vua. Tiếp
theo, ông phú hộ rải phân bón xuống lỗ, rồi hai tay cung kính bưng cái đĩa vàng
đựng hạt giống Bồ đề gieo xuống lỗ và phủ một lớp đất lên mặt.
Lúc ấy, mọi người đông đảo đều nhìn thấy, một điều thật là phi thường, chưa từng
có bao giờ! Ngay khi vừa gieo xong, liền mọc lên một cây Bồ đề cao 50 hắc tay
(cùi tay), có 5 nhánh, mỗi nhánh tỏa dài 50 hắc tay, trở thành một Đại cội Bồ
đề to lớn, mà tất cả bốn phương, tám hướng đều nhìn thấy rõ.
Đức vua Pasenadi Kosala liền dâng cúng dường 18 đóa hoa sen, tưới nước
trong sạch vào gốc cây, ông phú hộ Anāthapiṇḍika, bà đại thí chủ Visākhā,
cùng toàn thể các cận sự nam, cận sự nữ đều vô cùng hoan hỷ, lần lượt dâng lễ
cúng dường đến Đại cội Bồ đề một cách cung kính.
Xung quanh Đại cội Bồ đề được xây bốn bức thành hàng rào và cổng ra vào bằng các
loại đá rất quý; phần nền gần gốc cây Bồ đề được lót bằng một loại đá quý, để
làm nơi dâng lễ cúng dường của các hàng Phật tử.
Ngài Đại đức Ānanda vào hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn bèn bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đã trồng Đại cội Bồ đề xong, kính thỉnh Đức
Thế Tôn ngự đến sử dụng Đại cội Bồ đề. Khi Đức Thế Tôn sử dụng Đại cội Bồ đề,
để cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.
Theo sự thỉnh cầu của Ngài Đại đức Ānanda, Đức Thế Tôn ngự đến sử dụng
Đại cội Bồ đề nhập Arahán Quả suốt đêm.
Ngài Đại đức Ānanda loan báo cho Đức vua Pasenadi Kosala, ông phú
hộ Anāthapiṇḍika, bà đại thí chủ Visākhā, cùng toàn thể các cận
sự nam, cận sự nữ trong kinh thành Sāvatthi tụ hội tại Đại cội Bồ đề, để
làm đại lễ cúng dường đến Đại cội Bồ đề. Do đó, Đại cội Bồ đề có tên gọi là:
“Ānanda bodhi: Đại cội Bồ đề của Ngài Đại đức Ānanda”.
Đại cội Bồ đề của Ngài Đại đức Ānanda vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay,
tại nền ngôi chùa cổ Jetavana, tỉnh Sāvatthi, xứ Ấn Độ.
Đối với các hàng Phật tử là bậc xuất gia, cũng như hàng tại gia là cận sự nam,
cận sự nữ phải hết lòng tôn kính cây Bồ đề, bởi vì, khi chúng ta tôn kính cây
Bồ đề là như tôn kính Đức Phật vậy. Cho nên, tại mỗi Đại cội Bồ đề là một nơi
tôn nghiêm, mà mỗi người Phật tử phải có bổn phận chăm sóc bảo tồn, thường
xuyên quét dọn lau chùi sạch sẽ và thường đến lễ bái, dâng lễ cúng dường Đại
cội Bồ đề như lễ bái dâng lễ cúng dường Đức Phật vậy.
TƯỢNG ĐỨC PHẬT (BUDDHARUPA)
- Tượng Đức Phật có từ thời kỳ nào?
- Xuất hiện lần đầu tiên ở đâu?
Sở dĩ có câu hỏi này, là vì qua các thời kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải Pāḷi
từ lần thứ nhất cho đến lần thứ tư. Trong đó, dạy người Phật tử là bậc xuất gia
Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni và các hàng tại gia là cận sự nam, cận sự nữ phải nên tôn
kính Đại cội Bồ đề như tôn kính Đức Phật, không nên chặt cành
có tính chất phá hoại cây Bồ đề. Hằng ngày, người Phật tử có phận sự chăm sóc,
quét dọn sạch sẽ xung quanh Đại cội Bồ đề, là một nơi tôn nghiêm, xứng đáng là
nơi dâng lễ cúng dường đối với Phật tử có đức tin nơi Tam Bảo.
Thời kỳ Đức vua Asoka (Phật lịch 218), Đức vua là một Đấng Minh Quân có
đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, hộ độ trong kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải Pāḷi
lần thứ ba tại chùa Asokārāma xứ Pāṭiliputta.
Vào năm Phật lịch 236, Đức vua hộ độ phái đoàn gồm 5 vị Đại đức, do Ngài Đại đức Mahinda
(là bậc Thánh Arahan, thái tử của đức vua Asoka)làm trưởng đoàn, đi
sang Đảo quốc Srilankā để truyền bá Phật giáo. Vào thời kỳ ấy, Đức vua Devanampiyatissa
trị vì Đảo quốc Srilankā, là bạn thân thiết của Đức vua Asoka.
Đức vua Devanampiyatissa cùng các quan trong triều, dân chúng hân hoan
đón rước phái đoàn chư Đại đức Tăng rất trọng thể.
Phái đoàn chư Đại đức Tăng thuyết pháp truyền bá giáo pháp của Đức Phật, Đức vua
cùng các quan trong triều và dân chúng phần đông phát sinh đức tin trong sạch
nơi Tam Bảo, có số xin phép xuất gia trở thành
Tỳ-khưu, có số xin thọ phép quy
y Tam Bảo, trở thành người cận sự nam, cận sự nữ đã quy y Tam Bảo cho đến trọn
đời. Ngoài ra còn có số cận sự nữ muốn xuất gia trở thành
Tỳ-khưu ni; do đó,
Ngài Đại đức Mahinda cho người trở về tâu với Đức vua Asoka gửi
phái đoàn chư Đại đức Tỳ-khưu ni sang Đảo quốc Srilankā.
Cung nghinh cây Bồ đề sang Đảo quốc Srilankā
Đức vua Asoka chấp thuận gửi phái đoàn chư Đại đức
Tỳ-khưu ni, do Đại đức
Tỳ-khưu ni Saṃghamittā (là bậc Thánh Arahan, là công chúa của đức vua Asoka)làm
trưởng đoàn, phái đoàn có cung nghinh một cây Bồ đề sang trồng
trên Đảo quốc Srilankā.
Đức vua Asoka làm lễ tiễn đưa cây Bồ đề rất long trọng, Đức vua truyền
lệnh sứ giả sang trước, để tâu lên Đức vua Devanampiyatissa cũng làm lễ
đón rước cây Bồ đề cho trọng thể.
Thật vậy, Đức vua Devanampiyatissa cùng các quan trong triều và rất đông
đảo dân chúng đứng chờ sẵn ở bến thuyền. Khi thuyền của phái đoàn chư Đại đức
Tỳ-khưu ni tăng cùng với cây Bồ đề vừa cập bến, chính Đức vua Devanampiyatissa
đến cung nghinh cây Bồ đề từ trên tay của chư Đại đức
Tỳ-khưu ni và cùng đón
rước phái đoàn chư Đại đức Tỳ-khưu ni lên Đảo quốc Srilankā.
Như vậy, thời ấy chỉ có cây Bồ đề được đưa sang trồng trên Đảo
quốc Srilankā, mà không đề cập đến tượng của Đức Phật.
Do đó, tượng Đức Phật có từ thời kỳ nào? Thật khó mà xác định chính xác, song do
căn cứ của một vài sử liệu cho rằng:
- Tượng Đức Phật có từ thời kỳ Phật lịch thế kỷ thứ VI, do các nhà nghệ thuật
người Karika có đức tin theo Phật giáo, trong xứ Gandharaṭṭha, thuộc miền Bắc
Ấn Độ thời xưa.
Những nhà nghệ thuật này tư duy rằng:
- Phái Bàlamôn có các tượng thần linh để họ dâng lễ cúng dường, thì Phật giáo
cũng nên có tượng Đức Phật để làm nơi lễ bái, dâng lễ cúng dường. Do đó, các
nhà nghệ thuật điêu khắc này học hỏi, nghiên cứu về 32 tướng tốt chính và 80
tướng tốt phụ của Đức Phật làm cơ bản, làm nền tảng để họ sáng tạo nên tượng
Đức Phật đầu tiên.
Một sử liệu khác cho rằng:
- Tượng Đức Phật đầu tiên có vào khoảng thời gian Phật lịch 700, sau khi Đức Phật
tịch diệt Niết Bàn; do các nhà nghệ thuật điêu khắc, tạo hình trong xứ
Gandharaṭṭha, thuộc miền Bắc Ấn Độ thời xưa.
Tượng Đức Phật có phù hợp với Phật giáo hay không?
Tượng Đức Phật thuộc trong Uddissaka cetiya: Cetiya nơi mà người
tạo nên tượng Đức Phật, ngôi Tháp Bảo v.v... để tôn thờ, lễ bái cúng dường...
cho nên, tượng Đức Phật phù hợp với Phật giáo.
BIỂU TƯỢNG CỦA PHẬT GIÁO
* Đại cội Bồ đề là một biểu tượng đặc biệt nhất của Phật giáo, bởi
vì Đức Bồ Tát Siddhattha đã chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác tại
dưới Đại cội Bồ đề. Đó là cây Đại cội Bồ đề của Đức Phật Gotama. Người
Phật tử lễ bái, dâng lễ cúng dường đến Đại cội Bồ đề cũng như lễ bái, dâng lễ
cúng dường đến Đức Phật. (như trong tích chuyện: “Cây Bồ đề của Ngài Đại đức
Ānanda”).
* Bánh xe Chuyển Pháp Luân gồm có 12 căm là sự luân chuyển của Tam
Tuệ Luân: Trí tuệ học, trí tuệ hành, trí tuệ thành trong Tứ Thánh Đế (3 x 4 =
12) là phần cốt lõi của Phật giáo. Cho nên, bánh xe Chuyển Pháp Luân cũng là
biểu tượng của Phật giáo.
Hai biểu tượng này, nếu người Phật tử nào có sự hiểu biết Phật Pháp sâu sắc, thì
mới có thể nhận thức, biết được tính chất cao thượng của biểu tượng.
Tượng Đức Phật là một biểu tượng Phật giáo
Tượng Đức Phật cũng là một biểu tượng đặc biệt trong Phật giáo, tượng Đức Phật
là một hình ảnh rất sống động, gần gũi với con người nhất, con người rất dễ cảm
nhận, rất dễ gây những ấn tượng sâu sắc nhất. Cho nên, tượng Đức Phật là một
biểu tượng, một hình ảnh dễ liên tưởng đến Đức Phật, là ngôi cao cả nhất mà các
hàng Phật tử hết lòng thành kính lễ bái cúng dường
Tượng Đức Phật theo mỹ thuật của mỗi dân tộc
Đức Phật dạy: Một Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót, chắc chắn
sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ Tát ấy có đầy đủ 32 tướng tốt
chính của bậc Đại nhân và 80 tướng tốt phụ. Đó là lời dạy của Đức Phật, mà hình
ảnh tiêu biểu thì hoàn toàn không có; cho nên, các nhà nghệ thuật điêu khắc tạo
hình theo óc tưởng tượng của mình, dựa theo nền mỹ thuật của dân tộc mình để
sáng tạo tượng Đức Phật.
Trong quá khứ, tất cả các nhà nghệ thuật đầu tiên điêu khắc tượng Đức Phật,
không có một ai nhìn thấy kim thân của Đức Phật bao giờ. Mỗi nhà nghệ thuật, có
một quan niệm riêng về cái đẹp và khả năng thẩm mỹ đều khác nhau. Mặc dù họ đã
học hỏi nghiên cứu về 32 tướng tốt chính và 80 tướng tốt phụ của Đức Phật,
nhưng óc tưởng tượng của mỗi nhà nghệ thuật mang cá tính và tinh thần của dân
tộc mình. Vì vậy, tượng Đức Phật Gotama được tạo ra qua mỗi thời
kỳ, mỗi dân tộc, bởi mỗi nhà nghệ thuật có hình dáng hoàn toàn không giống hệt
nhau. Tuy nhiên, cũng có một vài đường nét và tính chất chung, tương đối giống
nhau; cho nên, khi mọi người Phật tử nhìn thấy tượng thờ, thì có thể nhận biết
được đó là tượng Đức Phật Gotama. Do đó họ liền
liên tưởng đến Đức Phật có 9 Ân đức cao thượng, nên phát sinh đức tin trong
sạch, tỏ lòng tôn kính, lễ bái, dâng lễ cúng dường một cách cung kính.
Lễ bái cúng dường tượng Đức Phật như thế nào?
Tượng Đức Phật dù làm bằng chất liệu gì, làm bằng xi măng cốt sắt, hoặc bằng
đồng, bằng bạc, bằng vàng hoặc bằng đá quý, hoặc bằng gỗ quý;
thậm chí tượng Đức Phật bằng giấy, dù nhỏ, dù lớn v.v..., thì người Phật
tử cũng không phải lễ bái cúng dường nơi tượng Đức Phật xi măng cốt sắt, hoặc
tượng Đức Phật đồng, tượng Đức Phật bạc, tượng Đức Phật vàng, hoặc tượng
Đức Phật đá quý, hoặc tượng Đức Phật gỗ quý , hoặc tượng Đức Phật giấy
v.v... Thật ra, người Phật tử khi nhìn thấy, chiêm ngưỡng tượng Đức
Phật ấy, cần phải liên tưởng đến 9 Ân đức Phật, cho nên khi lễ bái là lễ
bái đến 9 Ân đức Phật, khi cúng dường là cúng dường đến 9 Ân đức Phật,
khi niệm Phật là niệm đến 9 Ân đức Phật v.v...
Như vậy, tượng Đức Phật là đối tượng bên ngoài, để liên tưởng đến 9 Ân đức Phật
bên trong thiện tâm của mình. Do đó, tượng Đức Phật tạo nên bằng chất liệu gì,
hình dáng, tư thế... khác nhau như thế nào, cũng chỉ là đối tượng hình thức bên
ngoài mà thôi. Khi người Phật tử chiêm bái, cung kính đảnh lễ, dâng lễ cúng
dường... nơi tượng Đức Phật, thì phải luôn luôn tâm niệm đến 9 Ân đức Phật bên
trong thiện tâm của mình.
Tuy nhiên, hình dáng, tư thế tượng Đức Phật cũng có tác động đến tư tưởng, tình
cảm của người Phật tử. Cho nên, thời xưa ở xứ Ấn Độ, các nhà nghệ
thuật điêu khắc tạo hình tượng Đức Phật trong tư thế ngồi đang Chuyển Pháp Luân,
phía dưới Bồ đoàn, ở giữa có bánh xe Chuyển Pháp Luân, hai bên có 2 con
nai và nhóm 5 Tỳ-khưu. Đó là một hình ảnh rất sống động, gợi lại
cho người Phật tử một ấn tượng về quá khứ, lần đầu tiên Đức Phật thuyết bài Kinh
Chuyển Pháp Luân tại khu rừng phóng sinh nai gọi
là Isipatana; để tế độ nhòm 5 Tỳ-khưu: Ngài Koṇḍañña, Ngài
Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji.
Khi người Phật tử nào chiêm ngưỡng tượng Đức Phật trong tư thế Chuyển Pháp Luân,
diễn tả lại bối cảnh lịch sử đầu tiên trong Phật giáo, người Phật tử ấy dễ dàng
phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, mà quên những điều ưu phiền trong
đời, tâm được thanh tịnh an lạc.
Như vậy, tượng Đức Phật là đối tượng giúp cho người Phật tử phát sinh đức tin
trong sạch nơi Tam Bảo, chính nhờ đức tin này sẽ làm nền tảng cho mọi thiện
pháp phát sinh và tăng trưởng từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô
sắc giới thiện pháp đến Siêu tam giới thiện pháp, đem lại sự lợi ích, sự tiến
hóa, sự an lạc lâu dài.
BIỂU TƯỢNG CỦA PHẬT GIÁO
* Đại cội Bồ đề là một biểu tượng đặc biệt nhất của Phật giáo, bởi
vì Đức Bồ Tát Siddhattha đã chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác tại
dưới Đại cội Bồ đề. Đó là cây Đại cội Bồ đề của Đức Phật Gotama. Người
Phật tử lễ bái, dâng lễ cúng dường đến Đại cội Bồ đề cũng như lễ bái, dâng lễ
cúng dường đến Đức Phật. (như trong tích chuyện: “Cây Bồ đề của Ngài Đại đức
Ānanda”).
* Bánh xe Chuyển Pháp Luân gồm có 12 căm là sự luân chuyển của Tam
Tuệ Luân: Trí tuệ học, trí tuệ hành, trí tuệ thành trong Tứ Thánh Đế (3 x 4 =
12) là phần cốt lõi của Phật giáo. Cho nên, bánh xe Chuyển Pháp Luân cũng là
biểu tượng của Phật giáo.
Hai biểu tượng này, nếu người Phật tử nào có sự hiểu biết Phật Pháp sâu sắc, thì
mới có thể nhận thức, biết được tính chất cao thượng của biểu tượng.
Tượng Đức Phật là một biểu tượng Phật giáo
Tượng Đức Phật cũng là một biểu tượng đặc biệt trong Phật giáo, tượng Đức Phật
là một hình ảnh rất sống động, gần gũi với con người nhất, con người rất dễ cảm
nhận, rất dễ gây những ấn tượng sâu sắc nhất. Cho nên, tượng Đức Phật là một
biểu tượng, một hình ảnh dễ liên tưởng đến Đức Phật, là ngôi cao cả nhất mà các
hàng Phật tử hết lòng thành kính lễ bái cúng dường
Tượng Đức Phật theo mỹ thuật của mỗi dân tộc
Đức Phật dạy: Một Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót, chắc chắn
sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ Tát ấy có đầy đủ 32 tướng tốt
chính của bậc Đại nhân và 80 tướng tốt phụ. Đó là lời dạy của Đức Phật, mà hình
ảnh tiêu biểu thì hoàn toàn không có; cho nên, các nhà nghệ thuật điêu khắc tạo
hình theo óc tưởng tượng của mình, dựa theo nền mỹ thuật của dân tộc mình để
sáng tạo tượng Đức Phật.
Trong quá khứ, tất cả các nhà nghệ thuật đầu tiên điêu khắc tượng Đức Phật,
không có một ai nhìn thấy kim thân của Đức Phật bao giờ. Mỗi nhà nghệ thuật, có
một quan niệm riêng về cái đẹp và khả năng thẩm mỹ đều khác nhau. Mặc dù họ đã
học hỏi nghiên cứu về 32 tướng tốt chính và 80 tướng tốt phụ của Đức Phật,
nhưng óc tưởng tượng của mỗi nhà nghệ thuật mang cá tính và tinh thần của dân
tộc mình. Vì vậy, tượng Đức Phật Gotama được tạo ra qua mỗi thời
kỳ, mỗi dân tộc, bởi mỗi nhà nghệ thuật có hình dáng hoàn toàn không giống hệt
nhau. Tuy nhiên, cũng có một vài đường nét và tính chất chung, tương đối giống
nhau; cho nên, khi mọi người Phật tử nhìn thấy tượng thờ, thì có thể nhận biết
được đó là tượng Đức Phật Gotama. Do đó họ liền
liên tưởng đến Đức Phật có 9 Ân đức cao thượng, nên phát sinh đức tin trong
sạch, tỏ lòng tôn kính, lễ bái, dâng lễ cúng dường một cách cung kính.
Lễ bái cúng dường tượng Đức Phật như thế nào?
Tượng Đức Phật dù làm bằng chất liệu gì, làm bằng xi măng cốt sắt, hoặc bằng
đồng, bằng bạc, bằng vàng hoặc bằng đá quý, hoặc bằng gỗ quý;
thậm chí tượng Đức Phật bằng giấy, dù nhỏ, dù lớn v.v..., thì người Phật
tử cũng không phải lễ bái cúng dường nơi tượng Đức Phật xi măng cốt sắt, hoặc
tượng Đức Phật đồng, tượng Đức Phật bạc, tượng Đức Phật vàng, hoặc tượng
Đức Phật đá quý, hoặc tượng Đức Phật gỗ quý , hoặc tượng Đức Phật giấy
v.v... Thật ra, người Phật tử khi nhìn thấy, chiêm ngưỡng tượng Đức
Phật ấy, cần phải liên tưởng đến 9 Ân đức Phật, cho nên khi lễ bái là lễ
bái đến 9 Ân đức Phật, khi cúng dường là cúng dường đến 9 Ân đức Phật,
khi niệm Phật là niệm đến 9 Ân đức Phật v.v...
Như vậy, tượng Đức Phật là đối tượng bên ngoài, để liên tưởng đến 9 Ân đức Phật
bên trong thiện tâm của mình. Do đó, tượng Đức Phật tạo nên bằng chất liệu gì,
hình dáng, tư thế... khác nhau như thế nào, cũng chỉ là đối tượng hình thức bên
ngoài mà thôi. Khi người Phật tử chiêm bái, cung kính đảnh lễ, dâng lễ cúng
dường... nơi tượng Đức Phật, thì phải luôn luôn tâm niệm đến 9 Ân đức Phật bên
trong thiện tâm của mình.
Tuy nhiên, hình dáng, tư thế tượng Đức Phật cũng có tác động đến tư tưởng, tình
cảm của người Phật tử. Cho nên, thời xưa ở xứ Ấn Độ, các nhà nghệ
thuật điêu khắc tạo hình tượng Đức Phật trong tư thế ngồi đang Chuyển Pháp Luân,
phía dưới Bồ đoàn, ở giữa có bánh xe Chuyển Pháp Luân, hai bên có 2 con
nai và nhóm 5 Tỳ-khưu. Đó là một hình ảnh rất sống động, gợi lại
cho người Phật tử một ấn tượng về quá khứ, lần đầu tiên Đức Phật thuyết bài Kinh
Chuyển Pháp Luân tại khu rừng phóng sinh nai gọi
là Isipatana; để tế độ nhòm 5 Tỳ-khưu: Ngài Koṇḍañña, Ngài
Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji.
Khi người Phật tử nào chiêm ngưỡng tượng Đức Phật trong tư thế Chuyển Pháp Luân,
diễn tả lại bối cảnh lịch sử đầu tiên trong Phật giáo, người Phật tử ấy dễ dàng
phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, mà quên những điều ưu phiền trong
đời, tâm được thanh tịnh an lạc.
Như vậy, tượng Đức Phật là đối tượng giúp cho người Phật tử phát sinh đức tin
trong sạch nơi Tam Bảo, chính nhờ đức tin này sẽ làm nền tảng cho mọi thiện
pháp phát sinh và tăng trưởng từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô
sắc giới thiện pháp đến Siêu tam giới thiện pháp, đem lại sự lợi ích, sự tiến
hóa, sự an lạc lâu dài.
Tiếp theo