CHÁNH NGỮ
Một
trong năm giới mà người Phật tử chân chính phải hành trì là tránh xa vọng
ngữ (musāvādā veramanī). Tích cực hơn, người Phật tử phải nói lời chân
thật (saccavādā) biết thủ tín (saddahana) và nói như thế
nào làm như thế ấy (yathāvādī tathākārì).
Lời
nói chân thật là một trong thập thiện nghiệp mà người hành trì không
những đem lại lợi ích cho mình mà còn góp phần xây dựng một xã hội đạo đức. Vì
muốn được trật tự, xã hội cần đòi hỏi một số điều kiện trong đó
có sự tín nhiệm lẫn nhau nhờ mọi người đều chân thật.
Đoạn
kinh sau đây mô tả một người chân thật:
“Ở
đây một người thiện nam từ bỏ sự giả dối, xa lánh vọng ngữ, nói lời chân thật
dù ở nơi hội họp đứng đắn, giữa đám đông, trong tư gia với bà con thân thuộc,
trong nhiệm sở hay khi làm nhân chứng tại pháp đình…. Như vậy, người ấy sẽ
không vì cá nhân mình, không vì ai khác, cũng không vì một lợi lạc vật chất mà
cố ý nói sai sự thật”.
(Sāleyyaka Sutta M.I, 228)
Thật
ra chánh ngữ không phải chỉ giới hạn trong lời nói chân thật mà còn cần phải:
·
Tránh dùng
lời phao vu để chia rẽ, hay gây bất hoà giữa người này với người khác, trái lại
phải tìm cách đem lại hoà hợp và thông cảm giữa mọi người.
·
Tránh dùng
lời thô lỗ để hạ nhục kẻ khác, trái lại phải nói lời thanh tao, hoà nhã, lịch
sự, lễ độ để an ủi, khuyến khích hay thuyết phục kẻ khác.
·
Tránh những
câu chuyện phiếm vô bổ, phải nói đúng lúc, hợp lý và hữu ích.
Cũng
có trường hợp, khi chúng ta nói chân thật và lễ độ mà vẫn chạm đến tự ái của kẻ
khác khiến họ phật lòng.
Tuy
thế đôi khi cần phải nói sự thật dù có mất lòng nhưng hữu ích. Như vị bác sĩ
muốn chữa một vết thương của bệnh nhân đôi khi không thể không gây cho bệnh
nhân một chút đau đớn, vì nếu không đụng đến vết thương thì làm sao điều trị
được.
Vì
thế trong kinh Abhayaràjakumàra có phân loại lời nói theo chân, thiện và mỹ như
sau:
1. LỜI NÓI CHÂN,
MỸ, THIỆN.
Tức
là lời chân thật, khả ái và có lợi cho người nghe. Chữ mỹ ở đây dùng với nghĩa
đẹp lòng người, làm cho người hoan hỷ khi nghe. Như trường hợp Đức Phật thuyết
pháp, Ngài trình bày chân lý (chân) để chuyển mê khai ngộ cho chúng sanh
(thiện) và khi nghe xong thính chúng đều hoan hỷ (mỹ) chấp nhận.
2. LỜI NÓI CHÂN,
THIỆN, KHÔNG MỸ
Tức
là lời chân thật, có lợi cho người nghe nhưng không làm cho họ vui lòng. Đó là
trường hợp “trung ngôn nghịch nhĩ lợi ư hạnh”. Lời nói không mỹ ở đây có
hai nghĩa: một là lời nói thô lỗ, hai là tuy không thô lỗ nhưng làm cho người
nghe khó chịu. Có khi vì lời nói cộc cằn làm cho người nghe nổi giận, nhưng có
khi lời nói lễ độ mà vẫn chạm tự ái kẻ khác.
3. LỜI NÓI CHÂN,
MỸ, KHÔNG THIỆN
Tức
là lời nói chân thật, đẹp lòng người nhưng vô ích. Như kể một chuyện tuy thật
và làm cho người nghe vui tai nhưng không đem lại lợi ích gì cả, có khi
chỉ làm mất thì giờ hoặc thậm chí còn có hại.
4. LỜI NÓI CHÂN,
KHÔNG THIỆN, KHÔNG MỸ
Tức
là lời nói chân thật nhưng vô ích và làm người nghe bực mình. Nhiều người bất
cứ nghe thấy chuyện thị phi ở đâu cũng đem kể lại cho bạn bè, thân thuộc nghe.
Hoặc có người lại thường đem những chuyện đời tư nói với người khác để khoe
khoang thành công hay phân bua thất bại của mình. Những chuyện đó tuy là sự
thật, nhưng không ích gì cho người nghe, và chỉ làm phiền lòng họ.
5. LỜI NÓI KHÔNG
CHÂN, NHƯNG THIỆN VÀ MỸ
Tức
là lời không đúng sự thật nhưng có ích lợi và làm người nghe hoan hỷ. Như
trường hợp vì cứu người nào đó (thiện) mà phải nói dối (không chân) và nhờ nói
khéo léo nên người nghe vui lòng (mỹ).
6. LỜI NÓI KHÔNG
CHÂN, KHÔNG THIỆN NHƯNG MỸ
Tức
là lời nói giả dối, vô ích nhưng người nghe lại thích. Nhiều người nói ba hoa,
khoác lác vô tích sự, thế mà vì có tài ăn nói khéo léo, thông suốt nên ai cũng
thích nghe.
7. LỜI NÓI KHÔNG
CHÂN, KHÔNG MỸ NHƯNG THIỆN
Tức
là lời nói dối, khó chịu, nhưng có lợi cho người nghe. Ví dụ như một người mẹ
muốn cho con mình học giỏi (thiện) đã la mắng (không mỹ) và dọa đứa bé nếu
không học thuộc bài sẽ bị đuổi ra khỏi nhà (không chân).
8. LỜI NÓI KHÔNG
CHÂN, KHÔNG THIỆN, KHÔNG MỸ
Là
lời nói giả dối, vô ích và làm người nghe bực tức. Như trường hợp nói vu khống,
nhục mạ, hoặc nói thêu dệt để chia rẽ người khác. Đó là lời nói của người dối
trá, hung ác, và thô lỗ.
Trong
tám cách trên, cách thứ nhất và cách thứ hai được Đức Phật cũng như các bậc
hiền nhân khuyến khích. Kinh Abhayaràjakumàra dạy tiếp rằng: “Người nên nói lời
hợp thời mà người biết là đúng với sự thật, xác đáng, hữu ích, có thể chấp nhận
được và làm cho kẻ khác hoan hỷ (loại thứ nhất). Người cũng có thể nói lời hợp
thời mà người biết là đúng với sự thật, xác đáng, hữu ích, có thể chấp nhận
đuợc tuy không làm cho kẻ khác hoan hỷ (loại thứ hai). Người không nên nói lời
giả dối, và cần phải tìm sự thật, nói sự thật vì hành động đó nâng cao hạnh
phúc cá nhân của người cũng như sự điều hoà và tiến bộ xã hội”. Trong
đoạn kinh khác Đức Phật mô tả lời nói của bậc thiện trí với năm điều kiện:
1
Phát
biểu đúng lúc (Kālavādī):
Như
chúng ta đã thấy ở trên, có khi một lời chân thật nhưng không được phát biểu
đúng lúc thì thành ra vô ích hoặc làm cho người khác bực mình. Người thiện trí
phải tế nhị để áp dụng lời nói của mình đúng chỗ, đúng lúc.
2
Hợp
với sự thật (Bhūtavādī):
Bậc
thiện trí thức nói một lời phải dựa trên sự thật, không ngụy biện, không lừa
dối. Tuy vậy nói sự thật chưa đủ, cần phải có điều kiện sau đây bổ túc:
3
Đem
lại lợi ích (Atthavādī):
Lời
nói phải có mục đích và ý nghĩa của nó, dù là lời nói chân thật nhưng không có
mục đích đem lại lợi ích cho ai, thì đó cũng là lời nói nhảm nhí, vô dụng.
4
Thích
ứng với đạo lý (Dhammavādī):
Dhamma ở đây có nghĩa là đạo lý. Lời nói hợp đạo lý có nghĩa là phải hợp
lý, hợp tình và hợp với chánh pháp.
5
Hợp
với đạo đức (Vinayavādi):
Giá
trị của lời nói còn phụ thuộc tính cách đạo đức của nó. Nếu một lời nói có đủ
bốn yếu tố trên nhưng không hợp với luật pháp hay luân thường đạo lý thì vẫn
nguy hiểm. Trong phần phân tích tám lời nói trên, chúng ta dùng chữ thiện với
nghĩa hữu ích. Nhưng đôi khi có lợi ích chưa hẳn là thiện, như khi nói trục
lợi, vụ lợi người ta thường dùng với nghĩa bất thiện. Vì vậy lời nói thiện phải
vừa có ích vừa lương thiện, nghĩa là phải hợp với đạo đức nữa mới được.
Theo
kinh điển có 10 điều lợi ích và hợp với đạo đức nên bàn luận là:
1)
Nên nói về
đức từ bi bác ái vì lòng từ ái giúp chúng ta có tâm hồn vị tha, không
tham lam, ích kỷ, bỏn xẻn và tật đố.
2)
Nên nói về
đức tính tri túc để giúp ta bỏ nhiều ước vọng thái quá, và sống an vui
trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
3)
Nên nói về
đức thanh tịnh để giúp cho tâm hồn trầm tĩnh, trong sạch và tự tại.
4)
Nên nói về
đức tính độc lập để giúp chúng ta không xu hướng phe phái, không ỷ lại
và phát triển đức tự tin.
5)
Nên nói về
đức tinh tấn để giúp ta từ bỏ tính biếng nhác, do dự và bất nhất.
6)
Nên nói về giới
hạnh vì giới hạnh có khả năng loại bỏ những thói hư tật xấu mà ta đã
tập nhiễm từ vô lượng kiếp đến nay.
7)
Nên nói về thiền
định vì thiền định có khả năng tiêu trừ dục vọng, oán thù và phát triển
sức mạnh tinh thần.
8)
Nên nói về trí
tuệ để giúp ta rèn luyện đức sáng suốt, phát triển trí năng hầu thấu
triệt chân lý.
9)
Nên nói về giải
thoát vì tâm giải thoát là mục đích của người Phật tử trên đường giải
phóng tâm ra khỏi vô minh phiền não.
10)
Nên nói về tri kiến giải thoát, tức là nói đến sự thực
chứng giải thoát của Đức Phật và chư Thánh nhân. Sự thực chứng đó giúp
chúng ta vững tin trên đường tu tập vì biết rằng chúng ta đang đi trên con
đường mà tiền nhân đã từng trải nghiệm và thực chứng. Nếu tinh tấn giác niệm
một cách đúng đắn chúng ta cũng thể nghiệm được tri kiến giải thoát như các
Ngài.
Tóm
lại, lời nói có ảnh hưởng vô cùng quan trọng không những đối với đời sống hạnh
phúc của mỗi cá nhân mà còn có thể định đoạt được cả sự an nguy của xã hội. Lời
nói của một nhân vật có uy tín bao nhiêu lại càng phải thận trọng bấy nhiêu.
Chính vì thế mà Đức Phật đã đưa chánh ngữ vào Bát Chánh Đạo, con đường dẫn đến
giải thoát giác ngộ.
PHẬT
GIÁO CÓ PHẢI LÀ TÔN GIÁO KHÔNG?
Tôn
giáo là gì? Khi
nghiên cứu lịch sử tôn giáo, chúng ta tìm thấy nhiều giải đáp cho câu hỏi này.
Vậy đâu là giải đáp thoả đáng nhất. Những giải đáp ấy có thích ứng với đạo Phật
không? Chúng ta hãy tìm hiểu một vài định nghĩa thông dụng nhất.
*
Một định nghĩa nói rằng tôn giáo là hệ thống các tín điều. Định nghĩa
này rất đúng đối với nhiều tôn giáo trên thế giới, nhưng không phù hợp với đạo
Phật vì những lý do sau đây:
1
Tín điều
chỉ là những ngôn ngữ qui ước được chế định một cách tương đối
tùy thuộc vào không gian, thời gian, trình độ văn hóa, và niềm tin của một số
người. Ngôn từ tự nó mang đặc tính hạn hữu làm giới hạn chân lý. Chân lý không
bao giờ được chứa đựng một cách trọn vẹn trong ngôn từ. Ngôn từ có thể là
phương tiện để truyền đạt chân lý, nhưng không phải là phương tiện hoàn hảo.
Phật giáo xem ngôn ngữ như ngón tay chỉ trăng, chân lý chỉ đạt được bằng trí
tuệ thực chứng chứ không qua tín điều.
2
Tín điều
chỉ là những kết luận đã trở thành khuôn sáo, khô khan, hạn hẹp,
đã suy giảm tính chất sống động, uyển chuyển và trung thực của chân lý. Phật
giáo không chấp nhận những kết luận khuôn sáo, vì giác ngộ có tính khám phá,
sáng tạo và luôn luôn mới mẻ.
3
Khi đã tin
vào một số tín điều nhất định nào đó, người ta dễ sinh ra cố chấp, bảo thủ
những giáo điều ấy, và xem thường hay gạt bỏ những tín điều của tôn giáo khác.
Đây là lý do đưa đến tham vọng bắt mọi người chấp nhận tín điều của tôn giáo
mình, và cũng từ đó xảy ra chiến tranh tôn giáo mà chúng ta thường thấy trong
lịch sử. Mục đích của Phật giáo là phá chấp, dù chấp trước bất kỳ điều gì, kể
cả Niết-bàn.
4
Tín điều
là kết quả của những nỗ lực đưa chân lý vào hình thức của các mệnh đề qui
phạm thuần lý. Trái lại, Phật giáo không bao gồm một hệ thống mệnh đề
thuần lý nào mà là con đường thực nghiệm chân lý của cuộc sống. Chúng ta tìm
thấy lời dạy sau đây của Đức Phật trong kinh Pháp cú:
“Người
nói nhiều giáo pháp nhưng không tự mình thực hành thì chẳng khác nào đếm bò cho
kẻ khác. Người ấy khôngthể hưởng được quả vị thánh nhân. Người không nói được
nhiều giáo pháp, nhưng tự mình sống theo pháp, từ bỏ tham lam, sân hận, si mê,
có chánh kiến và trầm tĩnh không cố chấp vào thế giới khác, người ấy mới là đệ
tử Như Lai”.
*
Một định nghĩa khác xem tôn giáo là sự mặc khải của Thượng Đế. Hầu hết
các tôn giáo nhất thần đều được thiết lập trên nền tảng thiên khải tức
là phương tiện giao cảm giữa Thượng Đế với con người, nhờ đó con người biết
được Ngài và vạn vật do Ngài sáng tạo.
Phật
giáo không tán thành thiên khải vì những lý do sau đây:
1)
Thiên khải
có tính cách đặc thù vì chỉ được thực hiện đối với từng cá nhân. Và một khải
thị có thể được xem là giá trị đối với người này chưa hẳn đúng với người khác.
Vậy mặc khải mang sắc thái chủ quan, không mang tính phổ quát. Điều này đưa đến
một sự chia rẽ trầm trọng giữa các tôn giáo tây phương. Mặc dù các tôn giáo ấy
đều dựa trên căn bản mặc khải, nhưng xem ra những khải thị của họ lắm lúc mâu
thuẫn lẫn nhau. Phật giáo chỉ có khai thị hiểu theo nghĩa là một người
đã thấy chân lý chỉ ra chân lý ấy cho người chưa thấy có thể tự mình
thấy được.
2)
Thiên khải
đi ngược lại với những nguyên lý căn bản như nguyên lý túc lý, nguyên lý nhân
quả. . .Giáo sư Christmas Humphreys nói: “Trong Phật giáo, không những chúng ta
không tìm thấy thiên khải, mà quan niệm này còn bị bác bỏ nữa là khác”.
Vì người Phật tử phải thấu hiểu vũ trụ, nhân sinh qua thể nghiệm, trí tuệ và
trực giác, như thái độ của nhà khoa học, mà không cần một sự bí mật khải thị.
Đơn giản là vì tri thức do khải thị chỉ là kiến thức vay mượn, không phải là
tri kiến chân thực tự mình chứng nghiệm.
Thái
độ của người Phật tử giống như thái độ của Tất-Đạt trong “Câu Chuyện Dòng Sông”
của văn hào Hermann Hesse. Tất-Đạt nhìn nhận Đức Phật là bậc toàn chân, toàn
thiện, toàn mỹ, lời dạy của Ngài rất hoàn hảo, nhưng chàng phải thực nghiệm
bằng cách riêng của mình, con
đường mà chàng trải nghiệm cuối cùng cũng không thể vượt qua lời Phật dạy và
cứu cánh tối hậu của nó cũng chỉ là để đạt đến toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ
như Đức Phật nhưng phải tự mình khám phá một cách sáng tạo. Cũng thế, người
Phật tử không chấp nhận lời dạy của Đức Phật một cách tuyệt đối như tín điều
hay mặc khải; họ xem giáo lý của Ngài như những kinh nghiệm của người đi trước
và muốn đạt đến cứu cánh giác ngộ giải thoát họ phải tự mình chứng nghiệm bằng
trí tuệ và trực giác.
*
Một định nghĩa nữa coi tôn giáo là những lễ nghi cúng tế, cầu đảo. Sở dĩ
có định nghĩa như vậy vì một vài tôn giáo Đông Phương cũng như Âu – Mỹ tỏ ra
rất chú trọng đến lễ nghi cúng tế. Những tôn giáo này tin rằng thần thánh có
một quyền uy ban ơn giáng họa tuyệt đối. Họ phải tỏ lòng cung kính và phục tùng
để được ban ơn phước. Mặt khác, họ tin rằng tội lỗi có thể được ân xá hay tẩy
trừ nhờ cúng tế.
Đạo
Phật không chú trọng đến lễ nghi cúng tế vì:
1)
Những lễ
nghi cúng tế nặng hình thức tín ngưỡng hơn là một tôn giáo có mục đích giáo dục
để chuyển hoá tâm linh con người. Tất nhiên có những lễ nghi trang nghiêm, giản
dị cần được tôn trọng và duy trì vì đó là những biểu hiện sự thành tâm, lòng
cung kính của tín đồ, nhưng những hình thức cúng tế rườm rà phức tạp đều không
được đạo Phật chấp nhận.
2)
Nghi lễ
cúng tế có thể gây nên một sự nhầm lẫn nguy hại khi xem lễ nghi quan trọng hơn
chính sự tu chỉnh thân tâm, vì tin rằng tội lỗi sẽ được ân xá nhờ nghi thức tế
lễ. Thật ra, tội lỗi chỉ có thể tẩy trừ bằng thiện chí cải hóa cụ thể của mỗi
cá nhân, trong khi thờ cúng lại chỉ tỏ lòng thành kính đối với thần thánh hay
đấng giáo chủ mà thôi.
3)
Một khi đã
chú trọng đến nghi lễ người ta có thể vấp phải một khó khăn là những nghi lễ dễ
bị lỗi thời. Nghi lễ tuỳ thuộc vào thời đại, địa phương, và phong tục tập quán
của mỗi cộng đồng, nên chỉ là những hình thức tương đối, có thể được một số
người chấp nhận hay bác bỏ vì vậy không phải là chân lý phổ biến.
4)
Một tôn
giáo chứa đựng quá nhiều hình thức bên ngoài thì nội dung dễ bị quên lãng.
Chúng ta nhìn nhận hình thức và nội dung tương quan mật thiết, nhưng khi quá
phô trương hình thức thì có thể là để che giấu một nội dung trống rỗng. Thật
vậy:
“Cúng
tế không đem đến hiệu dụng nào, kinh cầu là những lời lặp đi lặp lại vô bổ và
bùa chú không đủ sức mạnh cứu vớt được con người. Chỉ có chế ngự tham dục, trừ
bỏ sân niệm và tiêu trừ si mê mới thật là thờ cúng chân thật, sự tế lễ đúng
đắn.
Đọc
nhiều kinh điển, cúng dường các bậc tu hành, thờ lạy thần linh, tự đày đoạ thân
thể hay bất cứ một hình thức khổ hạnh nào cũng không thể làm cho người trở nên
thanh tịnh, sáng suốt.
Tụng
hồng danh Phật cũng chỉ hữu ích khi nào chuyên tâm nhất niệm để giữ ý trong
sạch và cải thiện hành động cho phù hợp với lời Phật dạy”.
Chúng
ta đã thấy ba định nghĩa trên về tôn giáo không thể áp dụng được đối với Phật
giáo. Vậy Đức Phật định nghĩa tôn giáo như thế nào?
Câu
trả lời rất giản dị và rõ ràng: Tôn giáo là thái độ chân chính, chứ không phải
bao gồm những tín điều, nghi lễ, cũng phải đạt được nhờ thiên khải.
Một
người tu hành chân chính được biểu hiện qua thái độ nhận thức, hành động, nói
năng đầy đạo đức và trí tuệ. Thái độ nhận thức vô cùng quan trọng, nhận thức
đúng đắn ( chánh kiến, chánh tư duy) là tiêu chuẩn chính xác để hành động. Đức
Phật nhận thấy hành động bắt nguồn từ thái độ nhận thức. Vì vậy một thái độ
nhận thức chân chính sẽ đưa đến một hành động đạo đức và ngược lại. Đó là lý do
tại sao Ngài dạy chúng ta muốn trở nên đạo đức phải phát triển một số thái độ
chân chính và phải loại bỏ những thái độ đối nghịch. Đôi khi chúng ta căn cứ
vào những quy luật đạo đức bên ngoài để đánh giá giá trị thiện ác của một hành
động, nhưng giá trị hành động tự nó mang sẵn tính chất đạo đức của thái độ bên
trong. Một khi thái độ nhận thức chân chính gắn liền với nhân cách con người
thì điều thiện có thể thực hiện được một cách tự nhiên không phải cố gắng nữa.
Đó là đạt đến chỗ chí nhân, chí thiện.
Vậy
một tôn giáo có mục đích đưa con người đến chỗ toàn chân, toàn thiện phải đặt
trọng tâm trong việc chuyển hoá thái độ tri thức và đạo đức.
Phật
ngôn đầu tiên trong kinh Dhammapda đã chứng tỏ cho chúng ta tầm quan trọng của
thái độ tâm lý đối với đời sống của mỗi cá nhân: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm là
chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm nói năng hay hành động thì sự khổ
theo liền như bánh xe lăn theo chân con bò kéo… Nếu nói năng hay hành động với
tâm trong lành thì hạnh phúc sẽ theo liền như bóng theo hình”.
Như
vậy, sự hiện diện của chúng ta là kết quả của những gì ta tư tưởng. Nó được xây
dựng trên tư tưởng và kết tinh bằng tư tưởng. Người nói hay làm với tư tưởng
sai lầm thì hậu quả chắc chắn sẽ là khổ đau. Nhưng nếu nói hay làm với tư tưởng
chân chính thì hậu quả chắc chắn sẽ là hạnh phúc.
Tư
tưởng sai lầm và tư tưởng chân chính là hai thái độ tâm lý đối nghịch nhau, mỗi
thái độ đem lại một kết quả khác biệt. Mỗi thái độ tâm lý gọi là sai lầm hay
bất thiện khi nó mang bản chất tham, sân si… Trái lại thái độ chân chính hay
thiện khi nó không bị ba trạng thái tâm lý
ấy chi phối.
Vậy
muốn chuyển hoá thái độ sai lầm sang chân chính phải diệt trừ ba nhân bất thiện
tham, sân, si và những yếu tố liên hệ với chúng.
Sau
đây là một vài thái độ tâm lý căn bản được Đức Phật khuyến khích chúng ta nên
phát triển.
1)
Tín
(Saddhā):
Đức
tin có hai khía cạnh: Một là tin tưởng nơi Tam Bảo, nơi luật nhân quả, nghiệp
báo… Hai là tự tin ở khả năng giác ngộ của mình. Như người muốn tìm đến một nơi
nào đó nhưng chưa biết đường cần phải có một người hướng đạo kinh nghiệm, đáng
tin, biết rõ nơi người ấy muốn tìm, người ấy phải tin tưởng lời chỉ dẫn cặn kẽ
và hợp lý của nhà hướng đạo, phải học hỏi những người đi trước đã đến đích và
phải tự tin là mình có đủ khả năng thực hiện chuyến đi. Cũng vậy, muốn giác ngộ
giải thoát chúng ta phải tin Phật là bậc thầy hướng đạo có thể chỉ đường cho
chúng ta đến cứu cánh niết-bàn. Tin Phật cũng chính là tin vào đức tính sáng
suốt của tâm mình. Tin Pháp là tin nơi chân lý mà Đức Phật đã
giác ngộ và chỉ bày. Tin Pháp cũng có nghĩa là tin rằng chúng ta có đủ định tĩnh
để thể nhập chân lý. Tin Tăng là tin những bậc tu hành theo chánh pháp
đã được trong lành thanh tịnh. Tin Tăng cũng chính là tự tin nơi khả năng có
thể đạt đến toàn thiện, toàn mỹ.
2)
Tàm
và quý (Hiri-ottappa):
Tàm
là thái độ tâm lý của một người biết hổ thẹn điều ác. Quy là biết ghê
sợ tội lỗi. Hai thái độ này liên kết với nhau tạo nên một bức thành trì
vững chắc ngăn chúng ta với điều ác. Một mặt nhờ có tàm chúng ta biết hổ
thẹn với lương tâm khi sắp làm một điều ác, lương tâm cảnh báo không cho nhúng
tay vào tội lỗi. Mặt khác nhờ có quý chúng ta biết sợ hãi khi phác họa
ra trước mắt hậu quả những tai hại do việc ác gây ra cho mình và cho kẻ khác.
Ví dụ, một nguời sắp sát nhân, nhưng lương tâm anh ta không cho phép anh làm
việc đó (tàm), đồng thời cảnh tượng nạn nhân đau đớn quằn quại trên vũng máu,
cảnh nheo nhóc, bi thảm của vợ con nạn nhân v.v. và cảnh tù tội của chính anh
hiện ra trước mắt khiến anh dừng tay không dám giết người nữa (quý).
Như
vậy tàm (hổ thẹn) và quý (ghê sợ) là hai thái độ tâm lý cần thiết
ngăn chúng ta không làm điều ác, hoặc đã làm thì không dám tái phạm.
3)
Chánh
niệm - Tỉnh giác (Sati-sampajañña):
Chánh niệm là
không quên mình, không quên chú tâm trên thực tại. Người thất niệm,
vọng niệm hay phóng tâm, ngược lại, luôn hướng tâm ra bên
ngoài nên thường bị dính mắc nơi ngoại cảnh, bị ngoại cảnh chi phối, kết quả là
tâm bị dao động, tán loạn và bất an. Chánh niệm giúp chúng ta trầm tĩnh và an
nhiên tự tại.
Tỉnh giác là sáng suốt thấy rõ, biết rõ thực tại đang diễn
tiến trong thân tâm cũng như ngoại giới một cách trung thực và trực tiếp, không
qua bất kỳ một lăng kính nào của tư tưởng, quan niệm hay tư kiến, tư dục, vì
vậy một khi đã có tỉnh giác thì chúng ta sẽ không hành động hồ đồ, chủ quan
hoặc vô thức.
Một
người quá sân hận có thể sát hại đối thủ một cách hoàn toàn mù quáng. Đến khi
nguôi giận anh ta mới biết mình đã hành động điên rồ. Sở dĩ như vậy vì hành vi
của anh bị thúc giục bởi sân hận (một loại xung động cảm tính) chứ không được
nhận thức rõ ràng bằng tỉnh giác, nghĩa là anh ta không kịp thời kiểm sát hành
động của mình bằng một thái độ tự tri sáng suốt.
Tỉnh
giác thường đi đôi
với chánh niệm (sammā sati) tạo thành năng lực (bala) tuệ giác
(ñāṇa dassana) trong pháp hành
thiền tuệ vipassanā, có khả năng tuệ tri thực tánh pháp và diệt tận vô
minh ái dục, phiền não khổ đau.
4)
Tâm vô luợng (Appamaññā):
Con
người sở dĩ gây nên tội ác là do tính hẹp hòi, vị kỷ, chấp ngã, khinh mạn. .
.vì vậy muốn hướng thiện, đừng để lòng mình bị giới hạn trong lớp vỏ bản ngã,
phải để cho tâm hồn phóng đạt, rộng rãi, bao trùm cả vạn vật chúng sinh.
Tâm
thái quảng đại vô lượng đó thường xuất hiện dưới bốn hình thức: Từ, bi,
hỷ, và xả.
TỪ
(METTĀ): Là
lòng mong mỏi cho tất cả chúng sanh đều được an lạc, hạnh phúc. Người có tâm từ
có thể chế ngự được lòng sân hận, vì vậy tâm thường mát mẻ, dịu dàng, ngọt
ngào, thân thiện.
BI
(
KARUNĀ):
Là lòng mong mỏi cho tất cả chúng sinh đều được thoát khổ và sẵn sàng xoa dịu
nỗi khổ đau của họ. Người có tâm bi có thể chế ngự được tính độc ác, vì vậy họ
không bao giờ muốn hại ai dù đó là kẻ đối nghịch với mình.
HỶ
(MUDITĀ):
Là lòng hoan hỷ trước sự thành công
hay hạnh phúc của bất cứ chúng sanh nào. Người có tâm hỷ không còn ganh tị, tật
đố với những người an lạc hạnh phúc hơn mình.
XẢ
(UPEKKHĀ):
Là lòng bình đẳng, vô tư thanh thản,
quân bình không bị chi phối bởi những tình cảm yêu, ghét, mừng, giận. Người có
tâm xả không có thành kiến cố chấp hay thiên vị đối với mọi loài.
Chúng
ta không thể làm việc thiện nếu không có những tâm thái từ, bi, hỷ, xả. Vì bao
lâu tâm vô lượng chưa có thì ta còn bị những tình cảm sân, hận, đố kỵ, tham dục
chi phối, mà những tình cảm này là mầm móng của tội lỗi.
5) Chánh kiến (Sammdiṭṭhi):
Chánh
kiến là nhận thức dựa trên thấy biết
trung thực bản chất của vạn pháp ngay nơi cuộc sống nầy.
Đó là thái độ lý tính cần thiết làm nền tảng chuẩn xác cho tư tưởng và hành động
đúng đắn. Chánh kiến được biểu hiện qua trí tuệ quán chiếu (vipassanā
ñāṇa), hay tri kiến thanh tịnh
(ñāṇadassanavisuddhi) trên đối
tượng thực tánh pháp.
Đức
Phật dạy rằng, hai nhận thức sai lầm về vũ trụ và nhân sinh có thể dẫn con
người đi vào đường tội lỗi, đó là thường kiến và đoạn kiến. Hai
quan điểm nầy phát xuất từ những phán đoán dựa trên niềm tin tôn giáo hay biện
luận triết học hơn là thấy biết trung thực nên Đức Phật gọi đó là tà kiến.
Nếu
tin rằng bản ngã và thế giới vẫn còn tồn tại bất biến sau khi chết
thì con người không cần phải chuyển hoá hướng thiện, vì nói đến chuyển hoá là
nói đến đổi thay mà bản ngã và thế giới đã bất biến thì làm thế nào chuyển hoá
được. Vì vậy thường kiến là thái độ nhận thức làm cản trở bước tiến hoá đến chỗ
chí thiện của con người.
Trái
lại, nếu cho rằng bản ngã và thế giới hoàn toàn huỷ diệt sau khi chết thì
người ta sẽ hành động tuỳ tiện bất chấp nhân quả, tội phước. Người ta sẽ chỉ
nhắm vào cái lợi trước mắt, chỉ
hưởng thụ hiện tại, mà không cần biết đến hậu quả lâu dài. Điều nầy chắc chắn
đưa đến một xã hội hỗn loạn, và con người sẽ rơi vào vực thẳm tội lỗi.
Để
có chánh kiến hay nhận thức đúng đắn chúng ta cần phải có tri kiến trung thực
nhờ biết lắng nghe, quan sát, chiêm nghiệm trực tiếp thực chất của ngã và pháp,
của Bốn Sự Thật Vi Diệu, của nhân quả nghiệp báo, của thiện ác,
phước tội … Vì hành động của mỗi người đúng hay sai tuỳ thuộc tri kiến
của người ấy có chính xác hay không.
Tóm lại, Phật giáo không phải là một tôn giáo nặng tính tín ngưỡng, mục đích
của Phật giáo là chỉ cho
mọi người biết khám phá chân lý đã có sẵn nơi mỗi người hầu họ có thể tự mình
giác ngộ giải thoát ra khỏi vô minh ái dục, phiền não khổ đau.
TẤM GƯƠNG NGƯỜI CON HIẾU
Nhân
mùa báo hiếu, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngưỡng một gương hiếu thảo sống
thực, đúng theo tinh thần Phật giáo, đầy ý vị không kém nhị thập tứ hiếu
ngày xưa.
Đó
là chuyện một nhà chính khách lỗi lạc, một nhà lãnh đạo thế giới có uy tín: Ông
cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Uttara – Thant.
Nếu
chúng ta viện lẽ vì chiến tranh, vì ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế, chính
trị mà lắm lúc phải lãng quên bổn phận làm con đối với cha mẹ, thì trái lại ông
U Thant trong khi phải dàn xếp vô số công việc chính trị, ngoại giao, kinh tế,
xã hội, văn hóa… vẫn không hề xao lãng bổn phận của mình đối với mẹ già.
Thật
cảm động khi thấy bức ảnh ông cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đang quỳ lạy và
dâng cơm nước cho bà mẹ, đăng trong một tờ báo tại
Kuala Lumpur
.
Chúng
ta có thể bảo rằng cử chỉ đó quá giản dị, ai mà chẳng làm được. Vâng giản dị
thật, nhưng không phải ai cũng thực hiện được, vì nó phản ánh một tấm lòng hiếu
thảo được các bậc Thánh hiền ca ngợi trong nền văn hóa truyền thống Á Châu.
Bưng
cơm cho cha mẹ thì dễ, nhưng hầu hạ với lòng cung kính thành thực và biết ơn
thì thật là hiếm có. Nhiều thanh niên thời đại đã xem cử chỉ cung kính đối với
cha mẹ như là một cổ lệ, lạc hậu, không phù hợp với cao trào tiến bộ của nền
văn minh hiện đại. Họ sợ bạn bè chê cười khi phải quỳ lạy, chắp tay hay cúi đầu
trước song thân. Thậm chí chúng ta còn nghe họ gọi cha mẹ là “ông già khó tính”
hay “bà già trầu”.
Một
người con không hiếu kính, không biết ơn, không yêu thương cha mẹ, thì tất
nhiên đối với xã hội anh ta chỉ là một người vô ân bạc nghĩa, vô lễ, ngang
ngạnh và ích kỷ, nói chung là một người hư hỏng.
Cũng
lắm người khi được nuôi nấng nên danh phận, họ không dám nhìn cha mẹ của mình
chỉ vì cha mẹ của mình xuất thân từ giai cấp nghèo hèn, thợ thuyền, quê mùa hay
là người tàn tật. Trong một xã hội như thế, cử chỉ hiếu kính của ông U Thant dĩ
nhiên phải nổi bật như một gương sáng cho mọi người.
Ông
U Thant sinh ra tại Miến Điện, một nước lấy Phật giáo làm Quốc giáo, và được
thấm nhuần giáo lý Phật Đà nên ông tỏ ra là một Phật tử thuần thành gương mẫu.
Mặc
dầu nắm giữ vai trò quan trọng nhất trên chính trường quốc tế và nhân loại tôn
trọng, kính nhường như một nhà lãnh đạo thế giới, nhưng về nhà ông vẫn là một
người con hiếu thảo; vẫn lo săn sóc, hầu hạ cha mẹ đúng theo lời Phật dạy. Hẳn
ông đã không quên sở dĩ ông có một địa vị cao trọng ngày nay là nhờ công lao
sinh thành dưỡng dục, nhờ tình thương vô bờ bến và tấm lòng hy sinh cao cả của
người mẹ, vì thế ông sẵn sàng gác qua một bên những công tác lớn lao và nặng
nhọc của một nhà chính khách vĩ đại trên thế giới để có thì giờ làm tròn bổn
phận của một người Phật tử ngoan đạo, một người con hiếu thảo trong gia đình.
Mẹ của ông hẳn phải hãnh diện và sung sướng không phải vì thấy con mình là một
nhà lãnh đạo thế giới hay một nhà chính khách lỗi lạc mà chính vì bà có một
người con ngoan đạo và hiếu thảo.
Đây
là một bài học cụ thể cho tất cả Phật tử chúng ta. Một gương hiếu thảo không
siêu quần bạt chúng nhưng đủ để làm mẫu mực cho mọi người noi theo, để luôn nhớ
rằng: trong bất cứ trường hợp nào, dù danh vọng cao sang, địa vị quý trọng hay
có uy tín lớn lao đến đâu cũng phải khiêm cung, hiếu kính đối với bậc sinh
thành.
Trong
Mangalasutta (Hạnh Phúc Kinh), Đức Phật dạy: “Hiếu thuận bậc sinh thành là phúc
lành cao thượng”.
Chính
Đức Phật cũng đã đền đáp công ơn sinh thành của cha mẹ bằng một hành động siêu
phàm. Ngài đã khai ngộ cho vua cha trở thành một bậc Thánh nhân trước khi lìa
đời, và kinh điển có chép rằng trong suốt mùa an cư kiết hạ thứ bảy, Ngài đã
dùng hầu hết thì giờ để thuyết pháp cho hoàng hậu Mayà ở trên cung trời
Đao-lợi.
Theo
đạo Phật, hướng dẫn cha mẹ sống đúng theo chánh đạo là một thái độ hiếu
thuận có ý nghĩa nhất trong những bổn phận của người con đối với cha mẹ.
Những
bổn phận này được Đức Phật đề cập trong kinh Sìgalavàda (Lễ Sáu Phương) như
sau:
1.
Phụng dưỡng
cha mẹ bằng phương tiện vật chất và hướng dẫn người trên bước đường tinh thần.
2.
Làm những
công việc nặng nhọc thay cho cha mẹ.
3.
Gìn giữ gia
phong.
4.
Sử dụng,
gìn giữ và phát triển gia sản của cha mẹ.
5.
Hồi hướng
công đức cho cha mẹ khi người đã lìa đời.
Một
người con có thể bất hiếu nếu đi ngược lại năm bổn phận chính yếu kể trên,
nghĩa là:
1.
Không nuôi
dưỡng cha mẹ và không hướng dẫn cha mẹ theo chánh đạo khi cha mẹ là người có tà
kiến.
2.
Không đỡ
đần những công việc nặng nhọc cho cha mẹ.
3.
Làm ô uế
gia phong.
4.
Làm tán gia
bại sản của cha mẹ.
5.
Không màng
tới thâm ân của cha mẹ khi các người đã quá vãng.
Chúng
ta có thể so sánh điều này với năm tội bất hiếu mà Mạnh Tử đã dạy:
1.
Lười biếng
không làm việc để nuôi cha mẹ.
2.
Say mê cờ
bạc, rượu chè, không nghĩ đến cha mẹ.
3.
Ham tiền
của, lo vợ con, chẳng đoái hoài đến cha mẹ.
4.
Ham chơi
bời để cho cha mẹ mang nhục.
5.
Ham sức
mạnh, thích đánh nhau làm phiền đến cha mẹ.
Người
con nào không phạm đến năm tội bất hiếu trên được xem là hiếu tử. So sánh hai
lời dạy trên của Đức Phật và của Đức Mạnh Tử, chúng ta thấy hai Ngài đều lưu
tâm đến cách phụng dưỡng cha mẹ bằng vật chất. Nhưng điểm nổi bật là Đức Phật
có đề cập đến phương diện tế nhị hơn: hướng dẫn cha mẹ theo chánh đạo. Như
trong trường hợp cha mẹ không thông đạo lý, ham thích cờ bạc, rượu chè, tham
lam, trộm cắp hay độc ác hại nhân… nhưng người con may mắn có dịp đến chùa nghe
kinh thính pháp nên biết sống theo đạo đức, hiểu biết đạo lý, trong trường hợp
này người con phải tìm cách khôn khéo hướng dẫn cha mẹ trở lại đường ngay nẻo
chánh.
Nhiều
Phật tử đã hướng dẫn cha mẹ bằng cách xây chùa, cất tịnh thất cho cha mẹ tu
niệm. Họ còn thỉnh chư Tăng đến giảng đạo, thuyết pháp cho cha mẹ nghe. Hoặc
chính họ thực hành lời Phật dạy như bố thí, trì giới, tham thiền… cho cha mẹ
hành theo. Tất cả những cử chỉ đó đều được ca ngợi trong Phật giáo.
Tóm
lại, làm con phải nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và phải báo đền
ân thâm ấy bằng bất cứ giá nào, vì đó là nghĩa vụ trước tiên trong tất cả nghĩa
vụ làm người, đúng như Đức Khổng Tử đã dạy: “Hiếu giả bách hạnh chi tiên”.
CẢM THẮNG MA VƯƠNG
Nhân
ngày lễ Thành Đạo, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa cuộc cảm thắng ma quân của Bồ
Tát Sidhattha trong đêm thành đạo như thế nào.
Khi
nói đến Phật cảm thắng Ma Vương, hầu như mọi người đều tưởng tượng hình ảnh quỷ
sứ sừng nhọn, răng nanh, đầu trâu, mặt ngựa vô cùng kinh khiếp kéo đến bao vây
Ngài và Ngài cũng dùng phép thần thông để chống cự; sau một hồi chiến đấu cam
go bằng quyền phép nhiệm mầu, Ngài đã hàng phục ma quân một cách vẻ vang oanh
liệt.
Từ
Ma Vương và cảm thắng theo Phật giáo không phải chỉ có nghĩa giản
dị như thế, Ma Vương có năm loại:
–
Phiền não ma (Kilesa māra).
–
Ngũ uẩn ma (Khandha māra).
–
Pháp hành ma (Abhisaṅkhāra māra).
–
Tử diệt ma (Maccu māra).
–
Chư thiên ma (Devaputta māra).
Cả
năm thứ ma trên đều làm trở ngại cho tiến trình giác ngộ. Vì vậy, cảm thắng
ngũ ma có nghĩa là cảm hóa và vượt qua được sự trở ngại của ma vương,
nhất là ma phiền não để đạt đến cứu cánh giác ngộ giải thoát. Chúng ta sẽ lần
lượt tìm hiểu ngũ ma là gì; Đức Phật đã cảm thắng những ma quân ấy như thế nào?
1.
Phiền
não ma:
Chúng
ta hãy lưu ý đoạn kinh sau đây:
“Này
ma vương, dục lạc là ma quân thứ nhất của ngươi, thứ hai là bất mãn, ba là khao
khát, bốn là ái dục, năm là hôn trầm thụy miên (uể oải, buồn ngủ), sáu là sợ
hãi, bảy là hoài nghi, tám là phỉ báng cố chấp, chín là danh lợi và mười là quá
mạn (tự cao tự đại,...). Này ma vương, hùng binh của ngươi là thế, chúng thường
trú trong con người xấu xa đê tiện; kẻ hèn yếu thì thất bại, nhưng người hàng
phục được chúng sẽ đạt được chân hạnh phúc... Ta thà chết trên chiến trường còn
hơn sống mà thất bại ...”.
Đọc
đoạn kinh trên, nếu để ý chúng ta sẽ thấy Đức Phật dùng từ “ma vương” với
nghĩa phiền não nội tại trong những con người xấu xa đê tiện, xuất hiện
dưới hình thức các tâm và tâm sở bất thiện như tham, sân, lười biếng,
nghi ngờ, sợ hãi… hay dưới những nhu cầu thể xác như đói khát, ngủ nghỉ… Những
người yếu hèn luôn bị chi phối bởi những chướng ngại tâm sinh lý này,
nhưng Bồ Tát với chí nguyện kiên cường, Ngài đã chiến thắng tất cả ma quân ấy.
Phải
chăng Đức Phật đã dùng thần thông biến hóa, quyền phép nhiệm mầu hay nhờ một
trợ lực từ bên ngoài để chiến thắng ma quân? Phải chăng Ngài chỉ chiến đấu có
một lần dưới cội cây Bồ Đề ở Bodhi Gaya mà có thể hàng phục được binh ma tướng
quỉ hàng hàng lớp lớp như vậy?
Đời
sống của Đức Phật chứng minh rằng trừ những trường hợp tối cần, Ngài ít khi
dùng đến thần thông, vì Ngài không muốn môn đệ hay kẻ ngoại đạo quy y Ngài vì
quyền phép nhiệm mầu mà họ phải đến vì mục đích giải thoát mà thôi.
Vả
lại, mục đích của Đức Phật là chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ bằng
những ân đức ba-la-mật mà Ngài tu tập trong vô lượng kiếp chứ không bao
giờ dùng quyền uy, bạo lực để chiến thắng ma vương.
Sức mạnh ba-la-mật chính là những đức tính: bố thí, trì giới, ly dục, trí
tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, cương quyết, chân thật, từ bi, hỷ xả. Bồ Tát
đã tu hạnh ba-la-mật, những đức tính cao quý vượt hẳn thế tục này, trong vô
lượng kiếp, nghĩa là trong vô lượng cuộc chiến đấu ma vương đã diễn ra liên tục
và Ngài đã trải qua không biết bao nhiêu thắng bại, cho đến lần cuối cùng, khi
công hạnh đầy đủ, trí tuệ cụ túc, Ngài đã toàn thắng ma vương, không bao giờ
thất bại nữa.
Vậy
chiến thắng phiền não ma là chiến thắng chính mình và chỉ có sự thắng trận này
mới đáng kể hơn cả : “Tự thắng mình quả thật thập phần vẻ vang hơn chiến thắng
kẻ khác. Dầu Trời, Càn Thát Bà, Ma Vương hay Phạm Thiên, không ai có thể đánh
bại con người đã khắc phục và sống tự chế”. (Pháp cú kinh 104, 105).
2.
Ngũ
uẩn ma:
Ngũ uẩn ma chính là vọng tưởng về bản ngã, nói một cách
khác đó là ngã kiến, ngã chấp, ngã thủ chỉ có trong ý niệm, trong
suy luận, trong ảo tưởng chứ không có trong thực tế. Quan niệm có một cái ta
thường hằng bất biến là hoàn toàn sai lầm, vì cái gọi là ta chỉ là một
sự kết hợp của những yếu tố tâm sinh vật lý luôn luôn biến đổi theo định
luật vô thường, không có một yếu tố nào trường tồn vĩnh cửu.
Những
yếu tố tâm sinh vật lý đó gồm có:
-
Sắc: yếu tố vật chất như mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân kết hợp bởi bốn đại đất, nước, lửa, gió.
-
Thọ: yếu tố cảm giác như khó chịu (khổ), dễ chịu
(lạc) hoặc không khổ không lạc (xả) khi nội căn tiếp xúc với ngoại cảnh.
-
Tưởng: yếu tố tri giác làm chức năng nhận biết
đối tượng qua khái niệm (paññatti) mới hình thành hay đã tích tập
trong quá khứ.
-
Hành: yếu tố quyết định khuynh hướng phản ứng tâm
lý trên đối tượng, như ưa thích hay chán ghét… Nói cách khác, hành là sự
tạo tác nghiệp thiện ác.
-
Thức: Yếu
tố tâm ý làm nền tảng xuyên suốt từ khi một tâm sinh khởi trên
đối tượng cho đến khi diệt. Thức không những nhận biết đối tượng rõ hơn
tưởng nhờ thọ, tưởng và nhất là hành đã cung cấp thông tin trong suốt quá trình
nhận thức, mà thức còn đóng vai trò ghi nhận, lưu giữ (tadālambana)
những thông tin nầy vào ký ức (bhavaṅga).
Năm yếu tố ấy duyên nhau mà sanh, duyên nhau mà diệt, rồi lại duyên cảnh
trần mà biến đổi để tạo thành một dòng tiến trình liên tục trong bể khổ trầm
luân. Vì sự sinh diệt quá phức tạp của kiếp sống nên con người cứ mãi nuôi vọng
chấp hữu ngã, hữu nhân để làm nô lệ cho những ma chướng, sắc, thọ,
tưởng, hành và thức, khó thoát ra được.
Với
trí tuệ siêu phàm, Đức Phật đã thấy rõ cái ta chỉ là ngũ uẩn, có hợp, có
tan, vô thường biến đổi, nên Ngài đã phá được ma chướng ngã chấp. Đó chính là
cảm thắng ngũ uẩn ma vậy.
3.
Pháp
hành ma:
Pháp
hành có nhiều nghĩa
khác nhau, nhưng ở đây ám chỉ những hành động tạo nghiệp của thân, khẩu, ý. Có
ba loại hành là:
–
Phước hành: những nghiệp thiện như: bố thí, trì giới, tham thiền,
cung kính, phục vụ, từ bi, hỷ xả v.v….
–
Phi phước hành: những nghiệp bất thiện như: sát sanh, trộm cắp,
tà dâm, nói dối, uống rượu, ganh tị, bủn xỉn, cố chấp….
–
Bất động hành: hành vi không thiện ác hoặc pháp hành thuộc định
và tuệ.
Những
nghiệp thiện ác này phát xuất từ phiền não và lại đóng một vai trò quan trọng
trong việc huân tập phiền não, bởi thế khổ đau càng ngày càng tích lũy, kiếp
luân hồi mỗi lúc một gia tăng. Vậy cảm thắng pháp hành ma tức là tiêu diệt sự
hình thành của nghiệp, giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thiện ác như Đức
Phật đã dạy trong Samyutta Nikàya: “Vì bị chi phối bởi tham lam, sân hận, si mê
mà nghiệp hình thành, đó là căn nguyên của mọi đau khổ. Đoạn diệt được tham,
sân, si tức là hủy diệt động lực hình thành của nghiệp và mọi đau khổ phải chấm
dứt”. Đức Phật và các vị A La Hán là những bậc đã đoạn tận được sự chi
phối của nghiệp, tức là đã hàng phục pháp hành ma
vậy.
4.
Tử
diệt ma:
Tử
diệt hay tử thần ma chính
là sự chết. Đức Phật dạy:“Tất cả chúng sinh đều phải chịu chết, vì đã có
sinh tất phải có diệt” (Sabbe sattā marissanti, maranantaṃ
hi jīvitam). Trong kinh Pháp cú, Ngài cũng dạy: “Chẳng phải bay
lên hư không, chẳng phải lặn xuống đáy biển, chẳng phải trốn vào hang sâu núi
thẳm, không bất cứ nơi nào trên thế gian nầy có thể thoát khỏi tử vong”.
Dù
Đông phương hay Tây phương, ai ai cũng phải nhìn nhận chân lý hiển nhiên đó.
Nhân loại dù có văn minh đến đâu, y học dù có tiến bộ đến đâu cũng không thể
tìm được một phương thức nào, một
linh dược nào có thể giúp con người thoát khỏi tử vong, vì “Không ai tránh khỏi
sự chết!”.
Thật
ra, chúng ta đang chết dần từng giây, từng phút, chứ không phải chỉ đến lúc
nhắm mắt xuôi tay mới gọi là chết. Mỗi một điểm nhỏ thời gian (sát-na) trôi
qua, chúng ta đã già đi một ít, các tế bào đã bị hủy diệt đi một ít. Nhưng sự
biến đổi quá nhanh chóng nên ta không nhận chân ra được.
Bao
lâu chúng sinh còn vô minh, ái dục, phiền não, ô nhiễm thì vẫn còn bị chi phối
bởi định luật tử sinh. Trái lại Đức Phật đã diệt tận vô minh nên không còn
hành, tức không còn tạo nghiệp. Không có hành nên thức không sanh. Thức không
sanh nên danh sắc, tức thân tâm không sanh. Thân tâm không sanh thì làm sao có
lục nhập: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có lục nhập thì không có sự xúc
chạm. Không có sự xúc chạm thì không sinh ra cảm giác vui khổ. Không có vui,
khổ thì không có ái, tức không sinh yêu ghét. Không có yêu ghét thì không có
chấp thủ, muốn có, bám víu, giữ chặt… Không có thủ thì không có hữu, không có
sinh, không già, chết. Đức Phật không còn vô minh, ái dục… nên đã thoát ra khỏi
tử sinh tức Ngài đã chiến thắng được tử thần ma.
5.
Chư
Thiên ma:
Trong
năm loại ma vương, chỉ có chư thiên ma là ngoại ma, còn bốn loại kia đều
là nội ma cả. Nhưng ma bên ngoài không nguy hiểm bằng ma trong lòng
mình, do đó Đức Phật dạy: “Dù thắng vạn quân trên chiến trường không bằng thắng
chính mình, tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”.
Chư
thiên ma là những vị trời, những vị quỷ thần tà kiến hay chúng sinh trong cảnh
giới A-tu-la (Asura), Dạ-xoa (Yakkha)… Những hạng phi nhơn này có khi ủng hộ,
có khi quấy phá những bậc tu hành ở nơi thanh vắng. Vị Thiên ma lớn nhất là vua
trời Tha Hóa Tự Tại Thiên.
Những
người kém đức sẽ khiếp sợ và thối chuyển trước thần lực của thiên ma, nhưng
những bậc đức độ cao dầy, ý chí kiên định không những không khiếp nhược trước
ma lực mà còn đem lòng từ ái, bi mẫn vô lượng hóa độ họ trở về chánh
đạo. Trong kinh có ghi lại nhiều trường hợp Đức Phật cảm hóa thiên ma, như
trường hợp dạ xoa Āḷāvaka hay long vương
Nandopananda… dù thần thông quảng đại vẫn phải quy phục trước đức Bi – Trí –
Tịnh vô song của Đức Phật. Chính vì thế mà Ngài được xưng là Thiên nhân sư, bậc
Thầy của Trời và Người.
Chư
Thiên ma cũng còn có nghĩa là ước vọng của người muốn trở thành chư thiên hay
muốn lên cõi trời để hưởng lạc. Ứơc vọng đó cũng là một ma chướng nội tại cản
trở bước tiến của chúng ta đến bờ giác ngộ.
Tóm
lại, trên hành trình giải thoát, chúng ta sẽ phải noi gương Đức Phật để phấn
đấu với ngũ ma từng giây, từng phút cho đến khi toàn thắng được tất cả nội
ngoại ma mới có thể trở thành bậc
Giác Ngộ.
ĐỐI TRỊ TAM CHƯỚNG
Chúng
ta thường nghe người Phật tử phát nguyện rằng: “Nguyện tiêu trừ chướng ngại
phiền não, nguyện chứng đắc chánh trí giác ngộ…”. Như vậy chướng ngại
là gì? Phiền não là gì? Và trí tuệ có tác dụng như thế nào?
Có
ba chướng ngại được gọi là tayokiñcana trong phạn ngữ Pāḷ
i:. Ba điều ấy là tham, sân và si. Tam chướng đôi khi còn được gọi là
bất thiện căn. Chính ba điều chướng ngại này là nguyên nhân của mọi khổ đau,
khiến cho chúng sinh chìm đắm trong vòng luân hồi sinh tử. Bản thân tam chướng
là phiền não và hậu quả gây ra bởi tam chướng lại làm dày thêm phiền não. Chỉ
có trí tuệ thấu triệt được thực tánh pháp mới có thể tiêu diệt được tam chướng
và khử trừ được phiền não.
Tham,
sân, si hiện hành
trong mỗi chúng ta dưới hai hình thức: Thô và tế. Vậy chúng ta hãy lần lượt
phân tích từng hình thức của mỗi bất thiện căn và cách diệt trừ.
1.
Trước hết
là tham chướng: Dưới hình thức thô tướng, tham biểu lộ ra ngoài bằng
nhiều cử chỉ hay thái độ khác nhau, khiến cho người khác có thể thấy được, như
hành động trộm cắp, rượu chè, tà hạnh. Dưới hình thức vi tế, tham trở thành một
tiềm thức ngủ ngầm trong tâm khảm của mỗi chúng ta, thường được gọi là tùy miên
(anusaya). Chúng ta khó có thể nhận biết được tiềm năng vi tế của tham
tuỳ miên, chính vì thế mà nó đã tạo ra những chướng ngại có ảnh hưởng bất lợi
cho sự an lạc giải thoát.
Muốn
diệt trừ thô tướng của tham, người Phật tử phải trì giới và bố thí. Khi
giữ giới không trộm cắp, không tà hạnh v.v. chúng ta đã ngăn ngừa không để cho
tham bộc phát ra ngoài bằng cử chỉ thái độ thô thiển. Tích cực hơn, chúng ta
tập san sẻ bố thí để phát triển tâm rộng rãi vị tha, nhờ đó mà tham càng ngày
càng được đoạn giảm.
Chúng
ta có thể trộm cắp của người giàu mà ích kỷ để bố thí cho người nghèo mà lương
thiện được không? Điều nầy mới nghe có vẻ hiệp nghĩa, được người đời ca ngợi,
nhưng quả thật không đáng khuyến khích, vì muốn phát triển vị tha đến chỗ quảng
đại, vô lượng thì không thể chủ quan thiên vị, không trái luật nhân quả nghiệp
báo tự nhiên để cố gắng làm hài lòng người nầy bằng cách làm phiền khổ kẻ khác.
Vì vậy, trong khi bố thí và trì giới chúng ta nên có một định hướng rõ rệt là
đoạn trừ và viễn ly tham ái như mục đích tối hậu.
Đối
với tham vi tế, chúng ta phải dùng đến thiền định để chế phục và thiền
tuệ để đoạn diệt tận gốc chướng ngại nầy.
2.
Thứ hai là sân
chướng: Dưới hình thức thô tướng, sân bộc lộ ra ngoài bằng những hành
động, lời nói hay sắc diện của mỗi người khiến kẻ khác có thể thấy được, như
nét mặt xám lại, tim đập nhanh và mạnh, bắp thịt co lại và hiếu động; vì thế mà
lúc nóng giận thường hay cãi vã, đánh đập, phá phách…
Dưới
hình thức vi tế, sân tiềm ẩn trong dạng tuỳ miên. Đôi lúc chúng ta cảm thấy
chán nản buồn bực mà không biết vì nguyên cớ gì. Đó chính là sân vi tế. Những
tình cảm này thường xuất hiện một cách mơ hồ không lộ diện rõ nét hay nói cách
khác chúng hoạt động như những
khuynh hướng xung động vô thức khó có thể nhận biết được. Vì thế phải đến khi
đắc quả A-na-hàm mới có thể diệt trừ sân chướng một cách hoàn toàn được.
Muốn
đối trị thô tướng của sân, ta phải giữ giới, nhất là giới sát sanh, ác ngữ, tập
tính nhẫn nại và từ bi.
Nhẫn
nại không phải là nhịn nhục vì một áp lực từ bên ngoài, mà là một thái độ sáng
suốt, phát xuất từ nội tâm biết cách tự chế, trầm tĩnh và thản nhiên trước
những lời thách đố, chỉ trích, mắng nhiếc, hay những hành động gây tổn thương
của kẻ khác.
Mặt
khác, chúng ta còn phải phát triển lòng từ ái. Đức Phật đã dạy cho chúng ta một
chân lý không thể chối cải được: “Sân hận không bao giờ dập tắt được sân hận,
chỉ có lòng khoan từ mới thắng
được tâm sân”.
Đối
với sân vi tế, chúng ta phải phát triển thiền định đề mục tâm từ, tức là
rải tâm trong lành, hiền hòa, mát mẻ, dịu dàng đến kẻ khác, mong cho kẻ khác
được an vui, ngay những kẻ thù địch với chúng ta cũng được hạnh phúc. Rốt ráo
hơn, ta phải dùng đến pháp quán tâm, phương cách nội quán của Phật giáo
để thấy rõ những hoạt động sâu kín nhất của tâm giới, vạch trần những sân niệm
vi tế nhất để loại trừ,
3.
Cuối cùng
là si chướng: Dưới hình thức thô tướng, si biểu hiện qua hành động và
lời nói của kẻ thiểu trí, thường phát xuất từ tâm thái trạo cử bất an hoặc
là hôn trầm dã dượi. Những người này thường bảo thủ ý kiến của mình,
bướng bỉnh, thành kiến, cố chấp, lãnh hội chậm, và có vẻ mặt đần độn si mê. Ý
kiến của họ thường là tà kiến, nghĩa là phản lại với chân lý.
Dưới
hình thức vi tế, si là thiếu tỉnh thức, thiếu chú tâm, lơ là, chểnh mảng nên
không đủ sáng suốt để nhận chân được thực tánh pháp. Si cũng thường tiềm
ẩn dưới dạng tuỳ miên, có gốc rễ sâu kín trong kiếp trầm luân. Nó vừa là động
lực vừa là hậu thuẫn cho tham và sân. Si hỗ trợ cho tham ái (bám víu
trong dục lạc) đưa đến thường kiến, si hỗ trợ cho sân hận ( đối
kháng với đau khổ) đưa đến đoạn kiến, đồng thời tham ái và sân hận lại
củng cố cho si thêm sâu dày trong luân hồi sinh tử.
Đối
với si thô tướng, chúng ta cần cải thiện nhận thức bằng cách nghiên cứu, học
hỏi, nghe pháp, tư duy, chiêm
nghiệm. Nhờ vậy chúng ta có thể loại dần tình trạng mê mờ, trì trệ của những
nhận thức thô thiển, bảo thủ và thành kiến.
Đối
với si vi tế, chúng ta cần phát triển trí tuệ bằng cách quan sát, lắng nghe,
thể nghiệm pháp một cách trung thực, nghĩa là thường chánh niệm tỉnh giác đối
với thực tại thân tâm khi tiếp xúc với ngoại giới, không để cho thân tâm bị
điều động một cách vô thức. Nói theo ngôn ngữ phân tâm học là hữu thức hoá vô
thức để những khuynh hướng xung động nội tại không kích hoạt một cách
vô thức.
Tham,
sân, si là căn bản bất
thiện, đôi khi gọi là tam độc vì có thể làm cho chúng ta bị ô
nhiễm và làm nền tảng cho những phiền não khác phát sinh như tà kiến,
nghi hoặc, ngã mạn, trạo cử, thụy miên, không biết ghê sợ và hổ thẹn tội lỗi,
đôi khi gọi là tam chướng vì có thể ngăn trở chúng ta trên hành trình
giác ngộ giải thoát.
Muốn
diệt tận ba bất thiện căn này, chúng ta cần phải tinh tấn hành trì giới định
tuệ không bao giờ lùi bước. Một phi thuyền không gian phải trải qua một hành
trình xa xăm, hiểm trở, nếu các phi hành gia không khéo léo điều khiển, các nhà
bác học tính toán sai một ly một khắc thì không những phi thuyền không đi tới
đích, nhà khoa học không đạt tới mục tiêu mà còn thiệt hại tài sản và tính mạng
nữa. Tuy thế, vẫn chưa nguy hiểm và khó khăn bằng những người đi từ bờ mê đến
bến giác. Họ phải vượt qua một cuộc hành trình lâu dài không tính được bằng
thời gian, phải đối đầu với biết bao thử thách cam go từ bên ngoài cũng như từ
chính bản thân họ. Vì vậy, nếu họ không quyết tâm bền chí, không tinh tấn
chuyên cần để giữ vững con thuyền giới định tuệ thì không thể nào vượt qua khỏi
bể khổ trầm luân đầy phong ba bão tố.
Chông
gai hiểm trở thường làm chùn bước những kẻ thiếu quyết tâm, nhưng là chất liệu
nung đúc tinh thần những người bền chí. Ví như bùn nhơ làm cho hương sen thêm
tinh khiết, sỏi đá làm cho vị nho thêm ngọt ngào. Đừng than rằng: “Bông hồng kia
sao quá nhiều gai, chỉ sợ trên những gai kia không có được đóa hồng”. Bản
chất của cuộc đời đúng là đau khổ. Nhưng điều quan trọng là không vì khổ đau mà
để cho phiền não tham sân si tăng trưởng, chúng ta cần phải biết biến khổ đau
thành bài học từ bi và trí tuệ.
Tóm
lại, muốn tiêu trừ nghiệp chướng và phiền não, muốn đạt được trí tuệ chơn chánh
liễu tri pháp tánh, chúng ta phải tinh tấn thực hành giới, định, tuệ, con đường
duy nhất đưa chúng ta vượt khỏi bến
mê đến bờ giác ngộ.
CHỮ
KHỔ TRONG ĐẠO PHẬT
Nhiều
người khi đề cập đến Phật giáo thường gán cho hai chữ bi quan, yếm thế. Theo
quan niệm của họ, Phật giáo chỉ dành riêng cho những người già cả, không thích
hợp với tuổi trẻ là tuổi hăng say hoạt động: đạo Phật chỉ là một triết thuyết
bi quan; những người theo đạo Phật là những kẻ chán đời, chỉ biết than vãn, tìm
lãng quên sự thế qua câu kinh tiếng kệ; qua nhãn quan Phật giáo đâu đâu cũng
thấy toàn cảnh khổ. Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, mong muốn không được
là khổ, trái ý nghịch lòng là khổ. Họ lý luận rằng, nếu đầu óc luôn luôn chứa
đựng ý niệm khổ, thì con người sinh ra chán nản, tiêu cực và lười biếng…
Trước
khi nhận định lại những thành kiến hẹp hòi và có tính cách phiến diện trên,
chúng ta thử tìm hiểu xem thế nào là bi quan? Thế nào là lạc quan?
Chúng
ta đưa ra một thí dụ cụ thể để hiểu rõ các danh từ có tính trừu tượng này.
Một
bệnh nhân đang quằn quại, đau đớn trên giường bệnh. Thân nhân mời các vị thầy
thuốc đến chữa trị.
–
Vị thầy thuốc thứ nhất nhìn con bệnh rồi lắc đầu:
“Bệnh
quá hiểm nghèo chắc không qua khỏi, chữa chạy cũng vô ích”.
–
Vị thầy thuốc thứ hai nhìn con bệnh kết luận:
“Ồ
không can gì, bệnh quá nhẹ, không cần thuốc vẫn khỏi”.
–
Vị thầy thuốc thứ ba cầm lấy tay bệnh nhân chẩn mạch, tìm hiểu bệnh nhân
đã lâm bệnh trong trường hợp nào, bệnh tình ra sao, nguyên nhân của căn bệnh và
diễn tiến của bệnh trạng, rồi kê đơn cho thuốc.
–
Vị thứ nhất quá bi quan, vị thứ hai quá lạc quan và vị thứ ba phán đoán
theo thực trạng của bệnh nhân, không bi quan cũng không lạc quan.
Đức Phật là vị lương y, khi thấy căn bệnh khổ của chúng sanh, chỉ có một
tâm nguyện duy nhất là tìm ra nguyên nhân và phương thuốc để điều trị căn bệnh
ấy hầu giúp họ thoát khỏi những cơn đau đớn quằn quại của bệnh khổ. Đó không
phải là thái độ bi quan, mà dám đối diện với sự thật để tìm cách cứu chữa.
Thật
ra chữ khổ trong đạo Phật không chỉ có nghĩa là đớn đau rên siết. Khổ
tuy được dịch từ thuật ngữ Pāḷ i dukkha,
chân lý đầu tiên trong Tứ Diệu Đế, nhưng ít khi được hiểu một cách đầy đủ chính
xác. Vì dịch dukkha là khổ cho nên nhiều người cho rằng
Phật giáo chủ trương đời chỉ là bể khổ. Lối phiên dịch và giải thích này
rất sai lạc, đã gây ra ngộ nhận Phật giáo là bi quan yếm thế.
Thực
ra, khổ chỉ là một trong nhiều nghĩa của dukkha, như bất toàn, hư dối, giả tạo,
bất an, tạm bợ, trống rỗng, vô nghĩa, bất toại, không đáng tầm cầu, không nên
bám víu, không nên tin cậy v.v. Rất khó tìm ra một chữ thích hợp để dịch trọn
nghĩa từ dukkha. Khi nói đến dukkha Đức Phật không phủ nhận có hạnh phúc trong
cuộc sống này. Ngài công nhận có nhiều loại hạnh phúc tinh thần và vật chất như
hạnh phúc của thỏa mãn giác quan, hạnh phúc của đời sống gia đình thuận hoà
hiếu thảo, hạnh phúc của sự thành đạt, hạnh phúc của lòng từ thiện vị tha v.v.
và cao hơn nữa là hạnh phúc của đời sống độc cư thiền tịnh, hạnh phúc của sự
thoát khỏi ràng buộc, hạnh phúc của đời sống nhẹ nhàng thanh thản, an nhiên tự
tại v.v. Ngay cả những hạnh phúc trên cõi trời Dục giới, những cảnh thiền hữu
sắc, vô sắc với tâm an lạc, thuần tịnh cũng không nằm ngoài dukkha. Bởi vì
chúng đều là đối tượng của sự đổi thay, bất toàn, tạm bợ. . . không nên tầm
cầu, không nên bám víu. . . Nghĩa là tất cả hạnh phúc nào thuộc về thế gian đều
nằm trong dukkha. Như vậy, dukkha không chỉ có khổ mà còn bao hàm cả lạc và hỷ
trong tam giới.
Đứng
trước bệnh khổ ấy của nhân loại, chúng sinh, Đức Phật đã quán chiếu với trí tuệ
để thấy ra nguyên nhân của bệnh khổ và tìm phương giúp chúng sinh thoát khỏi
căn bệnh mãn tính đã đeo đẳng họ từ vô lượng kiếp. Đó chính là chân lý Tứ Diệu
Đế mà Đức Phật đã giác ngộ dưới cội Bồ-đề trong đêm thành đạo.
Sau
khi chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, tức là thấu triệt chân tánh của vạn
pháp, Ngài đã cùng hàng Thanh Văn đệ tử tích cực đem chân lý ấy giáo hóa cho
đời, đem lại an lạc cho nhiều người. Tùy căn cơ trình độ của mỗi người, Ngài
chỉ dạy những cách hành đạo riêng, nhưng chung quy vẫn đưa đến một mục tiêu duy
nhất là thoát khỏi khổ đau. Ngài
luôn chỉ cho mọi người thấy rằng: đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự
diệt khổ và đây là con đường diệt khổ.
Chúng
ta có thể nói tám muôn bốn ngàn pháp môn của Đức Phật chỉ nhằm mục tiêu “thoát
khỏi vô minh ái dục, phiền não khổ đau”. Bệnh khổ của chúng sinh không
sao kể xiết, nhưng cái khổ trọng đại nhất của chúng sinh là còn trầm luân trong
vòng sanh tử.
Có
thân tất phải có khổ. Nhưng thật ra cái khổ của thân không đáng kể, chính vì
chấp rằng thân này của ta, hay nói một cách khác là ngã chấp, mới đem
lại khổ đau thật sự. Nói đến ngã chấp chúng ta phải nói đến nguyên nhân sâu xa
của nó là vô minh hay cụ thể là tà kiến. Khi tâm còn tối mê, không sáng suốt
thì vẫn còn tạo nghiệp bất thiện, và phải tái sanh để chịu quả. Bậc Thánh nhân
không sợ quả mà chỉ sợ nhân, diệt được gốc rễ của nhân phiền não, thì diệt được
khổ. Diệt khổ là diệt ngay cái nhân khiến cho những bất thiện pháp dấy khởi.
Khi bất thiện pháp không còn đủ sức khuấy động, khi đã diệt trừ được nguồn gốc
sinh khổ, lúc ấy chắc chắn sẽ được thoát khỏi khổ đau.
Phương
pháp diệt khổ của đạo Phật có rất nhiều nhưng tựu trung có thể tóm tắt vào ba
điểm chính yếu sau đây:
–
Ngăn ngừa những bất thiện pháp biểu hiện qua thân khẩu bên ngoài.
–
Chế ngự những bất thiện pháp khởi động trong tâm.
–
Diệt trừ phiền não ngủ ngầm sâu kín trong vô thức mà chính yếu là vô
minh, vì vô minh là đầu mối mọi khổ đau của chúng sinh.
Muốn
ngăn ngừa ác pháp không cho điều động thân khẩu chúng ta cần phải giữ giới.
Muốn chế ngự những bất thiện pháp làm khuấy động tâm chúng ta cần tu tập thiền định.
Muốn diệt tận phiền não ngủ ngầm nhất là vô minh chúng ta cần phải thực hành
thiền tuệ vipassanà.
Tóm
lại, khổ mà Đức Phật đề cập trong khổ đế là cái khổ do vô minh ái dục
tạo ra, nên muốn hết khổ thì phải diệt tận vô minh ái dục. Phương pháp hữu hiệu
nhất để diệt trừ vô minh ái dục là thực hành Bát Chánh Đạo. Như vậy, Đạo Phật
không những đã tìm ra nguyên nhân căn bệnh của chúng sanh mà còn có cả một kho
tàng linh phương, diệu dược để chữa trị bệnh khổ cho chúng sanh. Đó là thái độ
sáng suốt, trầm tĩnh, tích cực, vị tha, dám đối diện với sự thật để giải quyết
tận gốc, chứ không bi quan yếm thế hay giả vờ lạc quan để tự đánh lừa mình.
Tiếp theo
|