NHẬN LÃNH TRÁCH NHIỆM
Khổ
đau hay phiền muộn của chúng ta do chính chúng ta tạo ra, chứ không phải là
những tai ách di truyền hay tội tổ tông từ cha ông để lại, hay từ
thế giới bên kia trở về ám ảnh chúng ta, như nhiều người quan niệm. Cũng không
có thưởng phạt từ một đấng toàn năng tối thượng có quyền xét công xử tội chúng
ta. Chính luật nhân quả nghiệp báo mới là cơ quan phán xử công minh,
chính xác, vô tư và hợp lý nhất đối với hành vi của mỗi mỗi con người.
Luật
nhân quả nghiệp báo tự động vận hành một cách tinh vi nghiêm ngặt ngay trong
hành vi tạo tác của mỗi người, vì vậy không thể tránh né trách nhiệm về đời
sống của chính mình, phải biết nhìn nhận những ưu khuyết, đúng sai, thiện ác
trong mỗi hành vi động tịnh của mình chứ không quy trách nhiệm cho bất kỳ ai
khác dù đó là Thượng Đế. Đổ tội cho kẻ khác hay cho điều kiện bên ngoài thì dễ
nhưng thật ra khi hành động như thế chúng ta vô tình rước thêm phiền lụy và tạo
cho mình nhiều đối nghịch hơn.
Như
người xưa đã nói: “Kẻ tiểu nhân luôn tìm cách chỉ trích kẻ khác, người trung
nhân tự khiển trách mình và bậc đại nhân không tự trách mình cũng chẳng trách
người”. Vì thế, là người trí chúng ta phải tự giải quyết những vấn đề
riêng tư của mình không nên phiền trách ai khác. Hơn thế nữa, khi gặp một
nghịch cảnh hay bị một người nào đó làm phiền lụy, chúng ta cần phải trầm tĩnh,
sáng suốt để quan sát, lắng nghe, suy nghiệm hầu thấy được mối liên hệ nhân quả
của sự kiện, từ đó chúng ta học hỏi được chính mình và thế giới xung quanh. Nếu
phát hiện nguyên nhân lỗi lầm từ phía chúng ta thì chúng ta có trách nhiệm xin
lỗi, đền bù và cần phải tự sửa để đừng gây thêm thiệt hại cho mình và người.
Nếu nguyên nhân từ phía bên ngoài thì chúng ta lại càng phải trầm tĩnh, sáng
suốt và nhẫn nại hơn để tìm hiểu lý do có sự hiểu lầm. Nhẫn nại, trầm tĩnh,
sáng suốt và khoan dung là phong thái được các bậc Thánh hiền từ cổ chí kim áp
dụng hữu hiệu nhất để tự chủ, để vượt qua mọi trở lực trên đường đời. Và cũng
lắm khi chính nhờ những đức tính nầy mà các ngài đã cảm hóa được những kẻ thù
nghịch nguy hiểm nhất.
Khi
bị tổn thương chúng ta thường phản ứng thù nghịch do quá tự ái, tự vệ mà quên
rằng biết đâu chính kẻ gây tổn hại cũng có hoàn cảnh đáng được thương yêu và
thông cảm. Hoàn cảnh, trình độ nhận thức, lòng tham lam, ích kỷ, nóng giận hoặc
chỉ là một chút danh dự, một chút hiểu lầm mà người kia không làm chủ được mình
và đã không ngần ngại gây thương tổn cho ta. Thực ra, chính chúng ta lắm lúc
thiếu sáng suốt tự chủ cũng đã từng hành động như vậy, thế mà ít khi chúng ta
thấy được lỗi mình, chỉ lo tìm lỗi đối phương.
Trong
Pháp cú kinh Đức Phật dạy rằng:
“Chớ
nên dòm ngó lỗi người, chớ nên xem họ đã làm gì hay không làm gì. Chỉ nên nhìn
lại mình thử đã làm được gì và chưa làm được gì”.
Vì
không mấy ai đạt được toàn chân toàn thiện, nên bất cứ người nào cũng có thể
phạm lỗi lầm dù vô tình hay cố ý. Nếu quả thật “Nhân vô thập toàn” thì
liệu chúng ta đã là người hoàn toàn không có lỗi lầm chưa? Và như thế tại sao
chúng ta không cố gắng sửa đổi lỗi lầm của mình mà lại chỉ trích kẻ khác?
Nếu
mọi người đều biết tự tu, tự sửa, tự nhận trách nhiệm về mọi hành động của mình
chứ không quy trách cho kẻ khác thì thế giới trở nên thái bình, an lạc, không
có loạn ly, tranh chấp, không có đố kỵ, oán thù.
Nhưng,
như Đức Phật đã dạy: “Nhìn lỗi người thì dễ, song quả thật khó mà thấy được lỗi
lầm của chính mình” nên người ta thường chê trách, phê phán kẻ khác hơn
là tự phản tỉnh để kiểm điểm chính mình. Thực ra đó là một hình thức trốn tránh
trách nhiệm. Tại sao chúng ta không can đảm nhận lỗi lầm và chịu trách nhiệm về
những kết quả của lỗi lầm đó.
Lắm
khi chúng ta gặp phải một số người tìm cách lợi dụng lòng khoan dung và đức
kiên nhẫn của ta và cũng lắm khi thái độ nhường nhịn có thể bị xem là hèn nhát.
Chúng ta không nên vì thế mà nản lòng hay khó chịu vì nếu lương tâm chúng ta
quang minh, thái độ chúng ta chính trực thì ắt phải được các bậc thiện trí thức
ca ngợi. Thực ra, chính kẻ hiếu thắng mới yếu hèn, còn người biết nhường nhịn
luôn có một tâm hồn vững mạnh. Quan trọng là hành động đúng chứ không
phải là những lời khen chê đàm tiếu.Vả lại Đức Phật dạy rằng: “Không bao giờ có
một kẻ hoàn toàn được khen hay hoàn toàn bị chê, dù trong quá khứ, hiện tại hay
mãi mãi về sau”. Và Ngài dạy tiếp: “Như ngọn núi đá kiên cố không bị gió
lay, những lời tán dương hay phỉ báng không lay động được bậc đại trí”.
Chúng ta không dám so sánh với các bậc Thánh hiền, nhưng nếu chúng ta
luôn cố gắng sống nhẫn nại, trầm tĩnh, sáng suốt thì cũng có thể tự thắng mình
và vượt qua được những đối nghịch trong đời. Nếu có kẻ đối nghịch gây rối chúng
ta, thì đó là cơ hội để chúng ta trắc nghiệm lại khả năng trí tuệ, đạo đức,
lòng kiên nhẫn và đức khiêm từ của mình có đủ sức bao dung và hóa giải hay
không. Trái lại, nếu chúng ta cũng cư xử như kẻ điên rồ bằng cách tích lũy lòng
oán hận, cố báo thù trả oán, thì hóa ra chúng ta tự hạ phẩm giá của mình xuống
ngang hàng hay thấp kém hơn kẻ điên rồ ấy. Căn bản giáo dục và kiến thức đạo
đức có ích gì khi ta không biết tùy cơ ứng xử cho hợp tình hợp lý?. Chính vì
thấy kẻ khác hành động điên rồ, tội lỗi mà chúng ta không nên giẫm lên vết chân
lầm lạc của họ. Đó là lý do vì sao người xưa nói: “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất
hiền nhi nội tự tỉnh giả” (Thấy người tốt nên học theo, thấy kẻ xấu nên
tự kiểm lại mình).
Hơn
nữa, không có bậc thánh nào không từng lầm lỗi, và cũng không có ai lỗi
lầm mãi mãi, nên dù là người xấu thì chúng ta cũng nên cảm
thông, thương yêu và độ lượng hay ít ra cũng nên chịu khó nhẫn nhịn để tạo cơ
hội cho họ cải ác tùng thiện hơn là tìm cách cô lập hay trừ khử họ. Cải thiện
người xấu cũng như một lương y chữa trị những căn bệnh dễ tái phát, cần phải
nhẫn nại, khoan từ. Đức Phật đã nêu tấm gương sáng cho chúng ta khi Ngài lấy
đức trầm tĩnh, nhẫn nại, khoan từ, bi mẫn, chân thật, trí tuệ v.v. để cảm hoá
dạ - xoa Alàvaka, tướng cướp Angulimàla, nàng Cincà, Long vương Nandopananda
hay Phạm thiên Bàka. . . Vì vậy, chúng ta nên nghĩ rằng càng nhiều nghịch cảnh
càng có nhiều cơ hội thực hiện ba-la-mật trên đường tự giác, giác tha.
Giữa chúng ta nhiều người có thiện tâm, không bao giờ làm hại kẻ khác,
nhưng lắm khi họ vẫn bị chỉ trích và vẫn gặp ít nhiều khó khăn trên đường đời
mặc dù họ luôn luôn giúp đở kẻ khác. Vì thế họ nghĩ rằng: Nếu ở hiền gặp lành,
ở ác gặp dữ thì tại sao ta làm lành mà lại gặp khó khăn và hành động từ thiện
của ta vẫn bị người chỉ trích?
Đức
Phật dạy rằng: “Khi thi ân ta không nên cầu được báo đáp”, hơn nữa không
phải kẻ thọ ơn nào cũng là người biết ơn và đền ơn. Không có gì cao đẹp bằng
một người thi ân không mong được đền ơn đáp nghĩa. Nếu làm được như vậy chắc
chắn chúng ta không bao giờ cảm thấy buồn nản, thất vọng khi bị vong ơn bội
nghĩa. Tuy vậy, trong một ngày nào đó, dù muốn dù không, chắc chắn chúng ta sẽ
gặt hái được kết quả xứng đáng do hành động phước thiện mà ta đã làm, đúng như
lời cổ nhân đã nói:“Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo; nhược hoàn bất báo thời
thần vị đáo”, nghĩa là nhân lành thì quả lành, nhân ác thì quả dữ, sở
dĩ chưa trổ quả là chưa đúng lúc đó thôi.
Mặt
khác, việc lành mà chúng ta đang làm như cây mới trồng chưa đến thời đơm hoa
kết trái, còn những điều bất hạnh mà chúng ta gánh chịu hiện nay lại là kết quả
của những nhân bất thiện nào đó mà ta đã tạo trong nhiều kiếp quá khứ. Nếu biết
nghiệp quá khứ đang trổ quả xấu trong hiện tại thì chúng ta nên can đảm và bình
tĩnh mà nhận lãnh trách nhiệm của mình. Thái độ chánh trực đó hoá giải được lực
đối kháng khiến chúng ta không chịu đựng một cách căng thẳng và làm giảm nhẹ áp
lực của phiền não khổ đau. Đồng thời cũng không tạo thêm nhân bất thiện nào
khác cho hậu quả tương lai. Nhờ hiểu biết như vậy chúng ta có thể dễ dàng vượt
qua mọi trở ngại để tiếp tục con đường phước thiện.
Đức
Phật dạy: “Hạnh phúc thay chúng ta sống không thù hận giữa những người thù hận,
giữa những người thù hận chúng ta sống không thù hận. Hạnh phúc thay ta sống
tinh cần giữa những người nhu nhược, giữa những người nhu nhược ta sống tinh
cần”. Trong thực tế đời thường, không ai hoàn toàn thoát khỏi lo âu
phiền muộn, trừ phi chúng ta trở thành bậc toàn thiện. Tuy nhiên, nếu chúng ta
thấu hiểu được bản chất của cuộc sống, không bất mãn phàn nàn, không lo âu sợ
hãi mà can đảm nhận lãnh hậu quả của hành động mình thì đau khổ không những
không còn làm cho chúng ta sa đọa, mà còn giúp chúng ta vươn đến một đời sống
chân – mỹ – thiện.
Gặp
nguy khó mà vẫn giữ được trầm tĩnh, sáng suốt. Giải quyết mọi vấn đề mà không
tỏ ra bối rối lo âu. Khi sai lầm sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm thì mới thật là
phong độ của bậc hiền trí.
THOÁT
VÒNG NÔ LỆ
Như
những tội phạm bị trói tay, bịt mắt để cho người dẫn đi hành hình hay đưa đến
bất cứ một lao xá nào mà mình không biết. Họ phải chịu khổ đau bởi tội lỗi của
mình. Cũng vậy, chúng ta hiện hữu trên cõi đời bị tham dục, hữu ái, kiến chấp,
vô minh che lấp, dẫn dắt, lôi cuốn trôi dạt, đắm chìm trong vòng sinh tử luân
hồi. Hãy cố tìm cách cắt đứt mọi ràng buộc mà mình đã tự trói lấy mình. Hãy
thắp sáng ngọn đèn trí tuệ để thấy đâu là chánh đạo, đâu là mê đồ hầu sớm tìm
ra cho mình con đường giải thoát.
Buồn
thay, không mấy ai trong chúng ta nhận chân được thân phận đọa đày của mình
trong kiếp sống trầm luân, không mấy ai dám nhìn thẳng vào thực trạng nô lệ của
mình trong gông cùm bản ngã. Chúng ta cứ mãi chìm sâu trong bể khổ vì tưởng bả
mồi danh lợi là chân hạnh phúc, và không biết rồi đây sẽ ngã gục ở một phương
trời nào mà cứ tưởng mình đang hướng về một tiền đồ xán lạn. Vì thế Đức Phật
phải ân cần nhắc nhở:
“Cười
sao được, vui sao được khi thế gian đang bị thiêu đốt và màn đêm bao phủ, sao
không tìm ánh sáng thoát ly” (Kinh Dhammapda).
Thật
vậy, con người bị dục vọng thiêu đốt, và màn đêm vô minh che lấp, chỉ có ánh
sáng trí tuệ mới có thể dập tắt ngọn lửa ái dục, xóa tan màn vô minh ấy để đưa
ta đến nơi giải thoát.
Đức
Phật không những đã đánh thức chúng ta, mà còn chỉ cho chúng ta thấy rõ đâu là
ách nô lệ, đâu là con đường thoát ly nô lệ.
Trong
kinh Sabbāsava, Majjhima Nikāya, Đức Phật đề cập đến các lậu hoặc (āsava)
như những gánh nặng (yoga) nhận chìm chúng sanh trong trầm luân khổ hải
và Ngài đưa ra bảy biện pháp thoát ly những cùm xích nô lệ này. Trước khi nói
đến các phương cách đối trị lậu hoặc, chúng ta cần tìm hiểu lậu hoặc là gì?
I-
LẬU HOẶC LÀ GÌ?
Theo
Phạn ngữ Pāḷi, danh từ āsava có cùng ngữ
căn với động từ āsavati hay assavati nghĩa là chảy rỉ ra. Một con thuyền bị rạn
nứt, nước thấm vào càng lâu càng đầy thì có lúc sẽ chìm đắm. Cũng vậy, những
phiền não nội tại rỉ ra làm ô nhiễm thân tâm, khiến cho lục căn bất tịnh và từ
đó lục trần trở thành những cám dỗ vô cùng nguy hiểm.
Tùy
theo tác dụng của những phiền não này mà đôi lúc lậu hoặc được gọi dưới những
tên khác như ách phược (yoga: nô lệ), trầm nịch hay trầm luân
(osidāpana: sự chìm đắm), và bộc lưu (ogha: dòng nước lũ). Bởi vì chúng
trói buộc, nhận chìm và lôi cuốn chúng sinh trôi nổi trong sông mê bể khổ.
Theo
kinh Sabbāsava có ba thứ lậu hoặc (dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu). Tuy nhiên
để tiện việc giải thích, trong bộ Chú giải
(Aṭṭhakathā), kiến lậu được tách rời khỏi
hữu lậu. Như vậy có tất cả bốn thứ lậu hoặc.
1.
Dục
lậu (kāmāsava):
Kàma
thường được dịch là lạc dục. Xét cho kỹ, lạc dục có hai khía cạnh, đứng
về phương diện chủ thể lạc dục là ưa thích thụ hưởng những khoái cảm giác quan,
về phương diện khách thể là buông trôi theo sức lôi cuốn của đối tượng ngoại
giới (cảnh trần). Ngọn lửa tham dục này có khả năng làm nhiễu loạn thân tâm, vì
vậy được gọi là dục lậu.
Dục
lậu thường biểu lộ
dưới hình thức như hỷ ái, tham ái, dục ái…. Nhưng dù ở trạng thái nào,
về phương diện bất thiện, dục lậu vẫn là một ách nô lệ cần phải tháo gở mới
được tự do.
Đức
Phật dạy rằng chính hỷ tham, tham ái, ái dục… sinh ra lo âu, phiền muộn.
Chừng nào không còn những dục niệm sai lầm ấy con người mới có thể an ổn
khỏi các ách phược (yogakkhema).
Nguyên
nhân khiến chúng ta tự trói mình trong ách nô lệ của lục dục là vì phán đoán
sai lầm về bản chất của các cảm thọ, chẳng hạn như tưởng khổ là lạc, tưởng lạc
là khổ; và vì nhận định quá chủ quan về giá trị đối tượng ngoại giới, ví dụ như
cho cái nầy là đẹp, cái kia là xấu. Cả hai nhận thức trên đều đưa đến tham sân,
thương ghét, thủ xả, đó chính là tính chất của dục lậu.
2.
Hữu
lậu (bhavāsava):
Hầu
như mọi người đều muốn được vạn thọ vô cương, trường sinh bất lão,
nghĩa là muốn được tồn tại mãi mãi. Vì vậy chúng ta thường nghe những
lời chúc tụng lý tưởng như muôn năm, bất diệt, trường tồn, vĩnh cửu… Dù
trong khổ đau con người vẫn ao ước được sinh tồn với hy vọng một ngày nào đó
khổ đau sẽ chấm dứt hay hạnh phúc sẽ đến. Khát vọng được tồn tại vĩnh viễn, hay
ít nhất cũng được tái sinh để trở thành một hình thức sinh tồn nào đó, đặc biệt
là được tái sinh trong Sắc giới hoặc Vô sắc giới chính là hữu lậu. Nhiều tôn
giáo hay triết thuyết cố gắng đưa ra những lý tưởng của sự vĩnh hằng, trường
cửu như Thượng Đế, Đại Ngã, Phạm Thiên cùng với những tín điều hấp dẫn khác
nhằm thỏa mãn thị hiếu cố hữu này của con người. Đôi lúc một số người nghiên
cứu Phật học cũng hiểu lầm có một hằng thể gọi là Phật Tánh giống như là Phạm
Thể.
Có
thật con người sẽ được đời đời sống an lành dưới sự che chở của Đấng Toàn Năng
hay Đức Phạm Thiên nào đó như những lời hứa hẹn của các tôn giáo ấy không? Đức
Phật khẳng định: “Không”. Ngài dạy rằng những hứa hẹn trên chỉ làm cho
con người đắm chìm sâu hơn trong bể khổ trầm luân
vì đó chính là hữu lậu.
Nếu
hành thiền định, chúng ta tạm thời chế ngự được dục ái hay dục lậu,
nhưng vẫn còn sắc ái và vô sắc ái, nghĩa là vẫn còn hữu lậu.
Với thiền định chúng ta có thể đạt được những cõi trời hữu sắc hay vô
sắc và sẽ hưởng phúc lạc ở đó một thời gian khá lâu, nhưng theo Đức Phật, dù là
cõi trời cao nhất như Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên vẫn còn nằm trong
vòng tam giới, nghĩa là vẫn còn bị hữu lậu và kiến lậu chi phối. Và bao
lâu còn lậu hoặc thì chưa thể hoàn toàn giải thoát. Vì thế thiền định đối với
Đức Phật chỉ là phương tiện để làm cho tâm thanh tịnh chứ chưa phải là cứu cánh
giác ngộ, giải thoát. Muốn giải thoát giác ngộ chúng ta phải hành thiền tuệ
Vipassanà mới có thể đoạn tận được tất cả lậu hoặc.
3.
Kiến
lậu (diṭṭhīsava):
Quan
niệm của mỗi người về vũ trụ và nhân sinh hay bản ngã và thế giới ảnh hưởng rất
lớn đối với đời sống của họ. Quan niệm phát xuất từ thấy biết (tri kiến),
nhưng thấy biết có hai loại: Thứ nhất là thấy biết qua khái niệm (paññatti)
do lý trí áp đặt và định danh. Thứ hai là thấy biết bằng trí tuệ trực
giác (ñāṇadassana). Thấy biết qua
khái niệm sai đưa đến kết luận hay quan niệm sai, đó là tà kiến mà hậu
quả là bị trói buộc trong phiền não, khổ đau, vì thế tà kiến được gọi là kiến
lậu, một trong những ách nô lệ
cần được tiêu trừ.
Vào
thời Đức Phật, Ấn Độ có rất nhiều tôn giáo, mỗi tôn giáo có những quan niệm sai
khác về vũ trụ và nhân sinh. Tuy nhiên không phải tất cả các quan niệm ấy đều
hợp với chân lý. Sáu mươi hai trong số các quan niệm ấy bị Đức Phật chứng minh
là tà thuyết như Thường trú luận, Vô thường (trú) luận, Hữu biên luận, Vô biên
luận, Phi tưởng phi phi tưởng luận, Đoạn diệt luận, Hiện tại Niết-bàn luận và
các luận thuyết chắp nối các quan niệm trên.
Chúng
ta có thể phân các tà kiến trên thành hai nhóm:
a)
Thường kiến (Sassata diṭṭhī )
Là quan niệm cho rằng bản ngã và thế
giới trường tồn vĩnh cửu. Thường kiến phát xuất từ lòng tham, muốn sở hữu và
không muốn rời bỏ những sở hữu mà mình ưa thích. Thường kiến tạo cho người ta
ảo tưởng ỷ lại vào một chỗ dựa vững chắc, vô tình củng cố thêm cho thành kiến
ngã chấp, trung tâm của luân hồi sinh tử. Bản chất pháp thế gian vốn là vô
thường, nên càng mong muốn thường hằng thì càng chồng thêm đau khổ. Đây chính
là hoại khổ mà Đức Phật dạy trong Bốn Chân Lý Vi Diệu.
a)
Đoạn
kiến (Uccheda diṭṭhī ):
Là quan niệm chủ trương bản ngã và thế giới hoàn toàn hủy diệt sau khi thân
hoại mạng chung. Đoạn kiến phát xuất từ tâm sân, bất mãn với những khổ đau,
thất bại trong cuộc đời, hoặc do sợ hãi những tội lỗi mà mình đã làm nên muốn
chấm dứt mọi sự nhưng chưa thể chấm dứt được ngay, vì vậy chỉ mong chết là hết
để hy vọng tương lai không còn khổ đau sợ hãi. Đoạn kiến đưa người ta đến chỗ
bất chấp thiện ác, nhân quả và nghiệp báo, vì vậy chỉ kéo dài thêm luân hồi
sinh tử. Bản chất của cuộc đời là đau khổ nên càng muốn chấm dứt thì đau khổ
lại càng tăng thêm. Đây chính là khổ khổ được đề cập trong Tứ Diệu Đế.
Cả
hai kiến chấp trên đều là những trở ngại lớn lao trong công việc giải phóng con
người ra khỏi thành trì bản ngã.
4.
Vô
minh lậu (Avijjāsava):
Vô
minh chi phối tất cả chúng sinh sống trong thế gian bao lâu chưa hoàn toàn giác
ngộ giải thoát. Vì bản chất của vô minh là thiếu tỉnh thức, thiếu giác niệm nên
không sáng suốt thấy biết như thực, đảo lộn thị phi, chân giả, hay nói cách
khác là không thấy được thực tánh của bản ngã và thế giới. Cụ thể hơn, vô minh
ám chỉ tình trạng chưa thực chứng được Tứ
Thánh Đế, chưa thấy rõ tánh duyên khởi, tánh sinh diệt, luật nhân quả,
nghiệp báo v.v. Vì vậy, qua sự che lấp của vô minh, chúng sinh thường
có bốn điên đảo tưởng: vô thường tưởng là thường, khổ tưởng là lạc, vô ngã tưởng
là ngã và bất tịnh tưởng là tịnh.
Mãi
đến khi Đức Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề, sự thật về khổ, về nguyên nhân của
sự khổ, về sự diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ mới được giác ngộ. Nhờ đó,
Ngài đã hoàn toàn trút bỏ ách nô lệ của phiền não và thật sự sống một đời sống
thanh tịnh, tự tại, giải thoát.
II-
CON ĐƯỜNG THOÁT LY
Chúng
ta đã nói đến nguyên nhân và sự nguy hại của các lậu hoặc, những ách nô lệ ràng
buộc chúng sanh trong vòng sinh tử luân hồi. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu Kinh
Tất Cả Lậu Hoặc (Sabbāsava) trong đó Đức Phật đã chỉ dạy những
yếu tố giúp chúng ta có thể tự mình thoát ly ra khỏi ách nô lệ của các lậu hoặc
nầy.
Bảy
yếu tố sau đây không những có tính đạo đức mà còn là nền tảng trong khoa liệu
pháp tâm lý (psycho therapy) ngày nay, có điều khoa tâm lý trị liệu
thường phải lệ thuộc vào những chuyên gia tâm lý, trong khi những yếu tố đoạn
trừ lậu hoặc phải do tự mình thực hiện. Bảy pháp đó là tri kiến (dassana), phòng
hộ (saṁvara), thọ dụng (paṭisevana),
kham nhẫn (adhivāsana), viễn ly (parivajjana), trừ đoạn (vinodana) và hành định
tuệ (bhāvanā).
1.
Tri kiến (dassana):
Tri
kiến là thấy biết
trung thực bằng tác ý lắng nghe, quan sát trực tiếp đối tượng, không qua
bất cứ trung gian nào của kiến thức gián tiếp và tình cảm chủ quan,
để thấy đúng chân tướng hay thực tánh của các pháp.
Đức
Phật dạy: về phương diện chủ thể, có hai loại tác ý là tác ý hợp lý (yoniso
manasikāra) và tác ý không hợp lý (ayoniso manasikāra); về
phương diện đối tượng, có hai pháp là pháp đáng tác ý (manasikāraniyā dhamma)
và pháp không đáng tác ý (amanasikāraniyā dhamma).
Như
vậy, nếu tác ý vào các pháp không đáng tác ý thì các lậu hoặc chưa sinh sẽ phát
sinh và các lậu hoặc đã phát sinh sẽ tăng trưởng. Trái lại, nếu tác ý vào các
pháp đáng tác ý thì các lậu hoặc chưa sinh sẽ không phát sinh và các lậu hoặc
đã sinh sẽ bị hủy diệt.
Nếu
chúng ta tác ý hợp lý vào các pháp đáng tác ý và tự mình thể nghiệm được: “Đây
là khổ, đây là nguyên nhân của sự khổ, đây là khổ diệt và đây là con đường đưa
đến khổ diệt” thì ba thứ trói buộc (kiết sử–samyojana) là thân
kiến, hoài nghi và giới cấm thủ
sẽ bị hủy diệt hoàn toàn.
Đó
là đoạn trừ lậu hoặc bằng tri kiến chơn chánh.
2.
Phòng hộ (saṁvara):
Phòng
hộ hay thu thúc lục căn là ngăn ngừa, gìn giữ, chế ngự mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân, ý thật trong sáng, thanh tịnh. Như chúng ta đã đề cập trong phần trên, sự
tiếp xúc giữa lục căn và lục trần gây nên những kết quả nguy hiểm không lường
được nếu lục căn không được nhiếp hộ đúng đắn.
Với
tâm thiếu tự chế, lục căn sẽ bị lôi cuốn và đắm chìm trong sức hấp dẫn của lục
trần, nghĩa là khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị,
thân xúc chạm, ý biết pháp các phản ứng tình cảm chủ quan như tham sân, yêu
ghét v.v. có thể phát sinh. Vậy muốn lục căn tiếp nhận lục trần mà không bị chủ
quan lệch lạc, một mặt chúng ta cần phải có tri kiến để thấy rõ bản chất của
hiện tượng nội giới và ngoại giới như đã đề cập ở trên; mặt khác, cần phải
nhiếp hộ lục căn, tức là tập cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp nhận sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp một cách bình thản, sáng suốt, trung thực và không
thiên chấp.
Đức
Phật dạy: “Nếu sống không phòng hộ lục căn, các lậu hoặc có tính tàn phá và hủy
hoại rất có thể sinh khởi. Nhưng nếu sống chế ngự lục căn thì những lậu hoặc
tàn hại ấy không thể phát sinh
được”.
Đó
là đoạn trừ lậu hoặc bằng phòng hộ.
3.
Thọ dụng (Paṭisevanā):
Bậc
tu hành khi sử dụng một nhu cầu cần yếu nào phải sáng suốt nhận định những lợi
ích thiết thực của nó, đừng để tâm ưa thích vật dụng này, chê bai vật dụng kia
và nhất là tri túc không tham đắm trong các tiện nghi xa xỉ.
Các
nhu cầu cần thiết cho đời sống tu hành gọi là tứ vật dụng: áo mặc, cơm ăn, chỗ ở
và thuốc uống, những vật dụng tối yếu này càng giản dị thanh bần chừng
nào càng tốt chừng đó. Hơn thế nữa, khi dùng y phục vị ấy phải niệm tưởng rằng: “Ta
mặc đây chỉ để tránh sự nóng lạnh, muỗi mòng, gió nắng, rắn rết và che thân thể
vậy thôi”.
Khi
dùng vật thực vị ấy quán tưởng rằng: “Ta dùng của cúng dường không phải để vui
chơi, không phải vì dục lạc, không phải để bồi dưỡng xác thân cho duyên dáng,
cũng không phải để điểm tô nhan sắc cho xinh đẹp, mà chỉ để giữ gìn và duy trì
thân thể được quân bình hầu tinh tiến trong đời sống phạm hạnh”.
Khi
cư ngụ trong tịnh thất phải nhận thức rằng: “ Chỗ ở, sàng tọa chỉ là phương tiện
để tránh nguy hiểm về thời tiết, thú dữ, nhất là để có nơi thanh vắng phù hợp
với việc hành đạo như tham thiền, tư duy, quán tưởng…”. Và khi uống
thuốc ngừa bệnh hay trị bệnh phải ghi nhớ rằng: “Dược phẩm chỉ dùng làm dịu
những cơn đau, trừ khử hoặc ngăn ngừa những bệnh hoạn nguy hiểm có thể gây trở
ngại cho việc tu hành”. Nhờ quán tưởng khi thọ dụng như thế mà các lậu
hoặc không thể phát sanh lên được.
4.
Kham nhẫn (adhivāsana) .
Chúng
ta không nên than vãn, phàn nàn, nóng nảy dù gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào;
phải kiên nhẫn chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn hay nghịch cảnh xảy đến với
mình, có như thế mới phá bỏ được những ràng buộc của lậu hoặc.
Đức
Phật dạy rằng: “Này các hiền giả, thế nào là diệt trừ lậu hoặc bằng kham nhẫn?
Trong giáo pháp của Như Lai, này các hiền giả, một vị Tỳ kheo suy nghĩ đúng đắn
là người biết chịu lạnh nóng, đói khát, muỗi mòng, gió sương, rắn rết; chịu
đựng những lời nói bực mình, không niềm nở; là người can đảm đương đầu với
những cảm giác đau đớn mãnh liệt, nhức nhối, khó chịu, khốn khổ và nguy kịch.
Vì thiếu nhẫn nại mà các lậu hoặc có tính cách tàn phá, hủy hoại sẽ phát sinh,
nhưng nhờ kham nhẫn mà những lậu hoặc có tính cách tàn phá, hủy hoại không thể
phát sinh được. Này các hiền giả, như thế được gọi là diệt trừ các lậu hoặc
bằng kham nhẫn”.
Vậy
kham nhẫn không phải là nhịn nhục hay vì một áp lực nào đó mà phải ẩn nhẫn chịu
đựng với một tâm trạng hạm hực, ấm ức, bực bội, vì như thế chỉ làm cho các lậu
hoặc tăng trưởng mà thôi. Kham nhẫn đúng không những giúp loại trừ lậu hoặc mà
còn làm nền cho tâm từ hoặc tâm bi phát triển. Người thiếu nhẫn nại chỉ
phát triển tâm sân nên không thể có tâm từ hoặc tâm bi được. Ví dụ, trong một
tai nạn giao thông, hai người đi xe máy đụng nhau ngả té, người thiếu nhẫn nại
sẽ giận dữ gây hấn, trái lại người kham nhẫn sẽ quan tâm xem người kia có bị gì
không để giúp đỡ.
Đó
là diệt trừ lậu hoặc bằng kham nhẫn.
5. Viễn ly (Parivajjana):
Khi
gặp những hoàn cảnh khó khăn không thể tránh được thì chúng ta sẵn sàng đương
đầu một cách trầm tĩnh như trường hợp vừa nói trên. Nhưng nếu được chúng ta nên
tránh xa những nơi nguy hiểm hoặc xấu xa bất lợi cho việc tu tập thiện pháp.
Không
nên cư ngụ những nơi ma thiêng nước độc, rắn rít cọp beo, sơn lam chướng khí;
những chỗ núi non sạt lở, vực thẳm hố sâu, cheo leo dốc núi …vì dễ phát sinh sợ
hãi lo âu, kinh hoàng khiếp đảm làm
trở ngại cho việc đoạn trừ lậu hoặc.
Nên
tránh xa tà hữu, ác đảng, không nên ở gần những kẻ xấu xa hiểm ác (Asevanà ca
bàlànam), như Đức Phật đã dạy trong kinh Mangalasutta. Bởi vì những kẻ xấu ác
còn nguy hiểm hơn cả những nơi nguy hiểm nhất. Kẻ ác không những đe dọa sự an
bình của người khác mà còn khiến người khác có thể bị ảnh hưởng thói hư tật xấu
của họ. Như vậy, gần gũi kẻ ác thì các lậu hoặc càng ngày càng tăng trưởng, khó
có thể diệt trừ.
Đó
là đoạn trừ lậu hoặc bằng viễn ly.
6.
Trừ đoạn (Vinodana):
Trừ
đoạn có nghĩa là dứt bỏ những vọng tưởng, tà niệm. Có ba thứ tà niệm hay
tà tư duy là nghĩ tưởng đến dục lạc, nghĩ tưởng trong sân hận và nghĩ tưởng về
phương kế hãm hại kẻ khác, nói chung là tất cả các bất thiện tâm và tâm sở.
Tư
tưởng của chúng ta thường hướng đến các bất thiện pháp tức là tác ý đến các
pháp không đáng tác ý, nên các lậu hoặc chưa sinh sẽ phát sinh và các lậu hoặc
đã sinh sẽ tăng trưởng. Ví dụ tác ý đến tịnh tướng như đẹp, hay, thơm, ngon
v.v... dễ tăng trưởng lòng tham. Tác ý đến đối ngại tướng như xấu, dở v.v. dễ
tăng trưởng tâm sân. Vì vậy, nên tác ý đến các pháp đáng tác ý thì các lậu hoặc
chưa sinh sẽ không phát sinh, các lậu hoặc đã sinh sẽ được trừ đoạn. Như tác ý
đến tính chất bất tịnh sẽ trừ được dục tưởng, đến lòng từ ái sẽ trừ được sân
tưởng, đến lòng bi mẫn sẽ trừ được hại tưởng.
Đó là đoạn trừ lậu hoặc bằng dứt bỏ.
5.
Tu
tập (Bhāvanā):
Tùy phương
diện mà bhvan có nghĩa khác nhau như tu tập, huấn luyện, chế ngự, thu thúc,
phát triển, chuyển hoá, khai minh v.v... Có bốn lãnh vực cần được tu tập:
-
Tu thân
(kāya-bhāvanā): tự
chế thân hành trong oai nghi tế hạnh.
-
Tu giới
(sīla-bhāvanā): thu
thúc hành động nói năng trong các học giới.
-
Tu tâm
(citta-bhāvanā): phát
triển tâm trong pháp hành thiền định.
-
Tu tuệ
(paññā-bhāvanā): khai
minh tri kiến để tuệ tri thực tánh pháp và chứng ngộ Niết-bàn.
Ở đây kinh Sabbàsava đặc biệt nhấn mạnh đến hai lãnh vực sau tức là tu
tập định tuệ theo thất giác chi (bojjhaṅga),
bảy yếu tố đưa đến tuệ giác:
a)
Niệm giác chi (sati):
giúp chúng ta thường tự giác niệm để không xa lìa thực tại thân tâm (
tại đây và bây giờ) hay không bị đắm chìm trong hiện tại, quá khứ, vị lai.
b)
Trạch pháp giác chi (dhammavicaya):
giúp chúng ta thấy biết rõ ràng trung thực mọi biến chuyển vận hành nơi
thân, thọ, tâm, pháp hầu có thể chứng tri đâu là khổ, đâu là nhân của khổ, đâu
là diệt khổ và đâu là con đường diệt khổ.
c)
Tinh tấn giác chi (viriya):
giúp chúng ta dõng mãnh không thối chuyển, không buông lung phóng dật trong
việc đoạn trừ bất thiện pháp và phát triển thiện pháp.
d)
Hỷ giác chi (pīti):
giúp cho tâm hoan hỷ phấn khởi trong thiện pháp để dễ dàng vượt qua mọi đối
ngại tưởng của sân hận, bất mãn.
e)
An giác chi (passaddhi):
giúp cho thân tâm lắng dịu, không bị bất an do trạo cử, dao động hoặc ân hận,
ray rứt chi phối.
g)
Định giác chi (samādhi):
có mục đích giúp cho tâm thanh tịnh, khi tâm được an tru thì các
ác bất thiện pháp nhất là ái dục sẽ được chế ngự, nhờ tâm ổn định chuyên
nhất mà trở nên trong sáng, làm nền tảng cho trí tuệ chiếu soi.
h)
Xả giác chi (upekkhā):
là tâm quân bình, không thiên lệch, không bị vui buồn, mừng giận chi phối,
không dính mắc hay chấp thủ điều gì, không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh (sắc,
thanh, hương, vị, xúc) cũng như nội pháp (tư tưởng, tình cảm v.v.).
Khi
tâm trí được tu tập, các giác chi được phát huy đầy đủ thì những lậu hoặc sẽ tự
biến mất để nhường chỗ cho tâm giải thoát và tuệ giải thoát, đó là mục
đích chính của bhāvanā.
Bảy
pháp đoạn trừ lậu hoặc (từ tri kiến đến tu tập) nêu trong kinh
Sabbàsava đã được nhiều nhà phân tâm học hoan nghênh như những tâm lý liệu pháp
thực dụng và hữu hiệu.
Tiến
sĩ Robert Thouless, giáo sư Đại học đường
Cambridge
đã có nhận xét như sau: “ Trong kinh Sabbāsava Đức Phật giảng
giải y như một Bác Sĩ ngành tâm lý liệu pháp hiện đại… (những giải pháp của
Ngài) là một hệ thống tâm lý liệu pháp vượt bậc nhờ nguyên lý nhân quả”.
Giáo sư nói tiếp: “Khoa tâm lý liệu pháp hiện đại chỉ nhằm đem lại trạng thái
yên tĩnh hòa hợp cho bệnh nhân trong đời sống hiện tại. Đức Phật cũng xem đó là
một khía cạnh của vấn đề, nhưng vì đời sống hiện tại chỉ là một trong chuỗi
sanh tử luân hồi… nên Ngài không những đã tìm cách giúp cho môn đệ thoát khỏi
các tâm bệnh trong đời sống này mà còn trong cả kiếp sống vị lai”.
Thật
vậy, mục đích của Phật giáo không phải chỉ nhằm xoa dịu những phiền não
khổ đau của con người bằng những phương pháp tạm bợ có hiệu năng trong
một thời gian nhất định nào đó, mà giúp con người giải thoát hoàn toàn ra khỏi
mọi ràng buộc của phiền não khổ đau trong luân hồi sinh tử.
VÔ NGÃ
Vô
ngã là một điểm giáo
lý trong Đạo Phật mà các học giả Đông Tây, kim cổ đều phải nhìn nhận là nổi bật
và độc đáo nhất trong tư tưởng nhân loại. Trong khi hầu hết những vị giáo chủ
các tôn giáo, các nhà tư tưởng cũng như các triết gia đều chủ trương thuyết hữu
ngã, dưới hình thức này hay hình thức khác, thì Đức Phật đã chỉ bày một sự thật
hoàn toàn trái ngược, và đã bẻ gảy tất cả những lý cứ mập mờ của bản thể luận.
Ngài đã không ngần ngại phủ nhận cái gọi là Atman của các hệ tư tưởng Ấn Độ,
nhất là của Bà-la-môn giáo. Ngài thẳng thắn gọi bản ngã là hư huyễn, ảo vọng,
không có thực thể tuyệt đối hay bất biến.
Đoạn
kinh sau đây trong Saṃyutta Nikāya đã làm
đảo lộn thường tại luận, đoạn diệt luận và vô nhân luận:
“Một
ngày nọ đạo sĩ Kassapa đến hỏi Đức Phật:
–
Bạch Đức Thế Tôn, phải chăng đau khổ do tự mình tạo nên?
Đức
Phật trả lời:
–
Không phải vậy, Kassapa.
–
Bạch Đức Thế Tôn, hay là đau khổ do kẻ khác tạo ra?
–
Không phải vậy, Kassapa.
–
Bạch Đức Thế Tôn, hay là đau khổ vừa do tự mình vừa do kẻ khác tạo
ra?
–
Này Kassapa, cũng không phải vậy.
Đạo
sĩ Kassapa lại hỏi:
–
Bạch Đức Thế Tôn, có lẽ đau khổ ngẫu nhiên sinh khởi?
–
Này Kassapa, Như Lai không hề chủ trương như thế.
–
Bạch Đức Thế Tôn, có lẽ nào Ngài dạy không có đau khổ?
–
Không phải vậy, Kassapa, Như Lai xác nhận có đau khổ.
–
Bạch Đức Thế Tôn, phải chăng Ngài không thấy và không biết đau khổ?
–
Này Kassapa, quả thật Như Lai đã từng thấy và biết đau khổ”.
Lúc
bấy giờ đạo sĩ Kassapa vô cùng ngạc nhiên, vì từ xưa, ai ai cũng nghĩ rằng Đức
Phật dạy: Kẻ nào tạo nghiệp ác thì kẻ ấy phải gánh chịu quả khổ. Hôm nay chính
Đức Phật đã phủ nhận tất cả những điều chúng ta hằng tin tưởng.
Vì
chưa hiểu rõ lời giáo huấn vi diệu của Đức Phật nên đạo sĩ Kassapa kính cẩn hỏi
tiếp:
–
Bạch Đức Thế Tôn, một đằng Ngài dạy đau khổ không do ta tạo nên, không
do kẻ khác tạo nên, cũng không do ngẫu nhiên phát khởi, một đằng Ngài xác nhận
có đau khổ và chính Ngài đã từng kinh nghiệm đau khổ. Thật là bất khả tư nghì,
kính xin Đức Thế Tôn mở lòng từ bi khai thị cho đệ tử.
Đức
Thế Tôn ôn tồn đáp:
–
Này Kassapa, ai bảo rằng người hành động là kẻ nhận lấy kết quả tức là
nói rằng đau khổ của một chúng sinh do chính chúng sinh ấy tạo ra. Đó chỉ là thường
kiến. Ai bảo rằng một người hành động, một người khác gặt quả tức là
bảo rằng đau khổ của một chúng sinh do chúng sinh khác tạo ra. Đó chỉ là đoạn
kiến.
Này
Kassapa, không theo hai biên kiến đó Như Lai nói rằng: “Vì bị chi phối bởi tham
lam, sân hận, si mê mà nghiệp hình thành, đó là căn nguyên của mọi đau khổ.
Đoạn diệt được tham, sân, si tức là hủy diệt động lực hình thành của nghiệp và
mọi đau khổ phải chấm dứt”.
Chúng
ta thử tìm hiểu đoạn kinh trên để lãnh hội lời giáo huấn sâu xa của Đức Phật.
Trước hết xin nhắc lại, đạo Phật bác bỏ thuyết thường tại hay thường kiến
chủ trương con người hay bên trong con người có một bản ngã trường cửu bất biến,
sau khi chết còn tồn tại mãi mãi. Mặt khác, đạo Phật cũng phủ nhận cả thuyết
đoạn diệt hay đoạn kiến chủ trương sau khi chết là hết, vì vậy
người tạo nhân không thể nào gặt quả được.
Như
thế nếu bảo rằng người tạo nghiệp chính là người gặt quả, có nghĩa là lúc tạo
nghiệp và lúc gặt quả người ấy vẫn là một, không có gì thay đổi, đã không thay
đổi tức là thường tại, bất biến, điều này đạo Phật gọi là thường kiến.
Ví
dụ như một người tên A tạo một bất thiện nghiệp, sau khi chết người ấy bị đọa
vào cảnh khổ, dưới hình thức một súc sanh B chẳng hạn. Nếu bảo chính người tạo
nghiệp ác sẽ gặt quả khổ, thì ở đây điều đó đã bị chứng minh là sai, vì rõ ràng
người tên A tạo nghiệp mà chúng sanh B gặt quả.
Nhưng
nếu bảo rằng người tạo nghiệp không phải là người gặt quả tức là chủ trương
đoạn kiến, vì cho rằng người hành động không còn tồn tại và kẻ gặt quả là một
chúng sinh hoàn toàn khác. Điều này cũng bị chứng minh là sai lầm.
Ví
dụ, một người bị kết án 10 năm khổ sai vì phạm pháp, nhưng nếu anh ta trốn biệt
tích trước khi thi hành án. Mãi đến 10 năm sau nhân viên công lực mới bắt được.
Lúc bấy giờ anh ta đã già đi và hoàn toàn đổi khác nên khó nhận ra chính anh là
người đã phạm pháp trước đây. Tuy nhiên khi điều tra kỹ lưỡng, anh vẫn bị tống
giam như bản án đã phán xử. Vì anh không thể viện lẽ rằng lúc anh phạm pháp là
một người khác và lúc này là một người khác được.
Cả
hai luận cứ về bản ngã nêu trên đều bị Đức Phật cho là biên kiến, nghĩa là
những phán đoán theo cái nhìn phiến diện: khi ở một phương diện này thì thấy
bản ngã trường tồn, ở một bình diện khác lại thấy là đoạn diệt.
Như
vậy thuyết vô ngã của Đức Phật là gì?
Đạo
Phật thuyết minh vô ngã không có nghĩa là không có cái ta nhưng là một
cái ta không có thực thể vì biến đổi không ngừng và luôn luôn “trở thành
cái gì không phải là chính nó”. Không có thực thể nghĩa là không có một
bản ngã hay cái ta trường tồn, bất biến. Nhiều học giả nghiên cứu giáo lý Đức
Phật, sau khi nhìn nhận không có cái giả ngã lại đi chấp vào một cái gọi
là chân ngã vì hiểu lầm rằng: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh”
mà Phật tánh là cái chân ngã trường tồn bất biến, hiểu như thế hóa ra đi từ bác
bỏ đoạn kiến đến chỗ chấp vào thường kiến. Nếu bảo có chân ngã tức Phật tánh là
trường tồn, bất biến thì vì sao Kinh Bát Nhã lại dạy Phật tánh là: “Bất sanh,
bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm…”. Đã bất sanh, bất diệt thì
cái gì trường tồn, bất biến? Và
giả sử cái đó trường tồn, bất biến thì tự nó đã nằm trong vòng tương đối với
hủy diệt, biến dịch. Vậy chúng ta không nên gán cho Phật tánh cái tên chân ngã
đối với giả ngã. Phật tánh (Buddhacarita) được hiểu một cách đúng đắn là tính
giác mà mỗi chúng sinh có thể nhờ đó để thấy ra chân lý. Biểu hiện rõ
nét nhất của Phật tánh là trí tuệ chánh niệm tỉnh giác hay tuệ giác.
Chúng
ta cũng đừng nghĩ rằng “cái ta luôn luôn trở thành cái gì khác không phải là
chính nó” như vừa nói trên đồng nghĩa với thuyết đoạn diệt.
Đạo
Phật nhìn nhận rằng khi A trở thành B, B trở thành C, thì A, B và C không có
thực thể. Nhưng không bảo rằng A hoàn toàn khác B, khác C vì đó là đoạn kiến,
cũng không bảo rằng A giống B, giống C hay nói cách khác A, B, C chỉ là một,
không biến đổi, vì đó là thường kiến.
Cái
ta theo đạo Phật chỉ là một sự kết hợp của ngũ uẩn tức là năm yếu tố
sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong Ngũ Uẩn dụ, Đức Phật ví năm yếu tố cấu thành
bản ngã như sau:
1)
Sắc như phù
mạt (phenupindūpanaṃ rūpaṃ):
về phương diện vật chất, xác thân của con người tan hợp, hợp tan như bọt nước
trôi giạt đó đây không định hướng.
2)
Thọ như thủy
bào (vedanā bubbulūpamā):
những cảm giác lạc khổ của thân và tâm đều sinh diệt bất thường giống như những
bong bóng trên mặt nước.
3)
Tưởng như ảo
ảnh (marīcukāpamā
saññā): tri giác như những giả cảnh mà người lữ hành trong sa mạc
thường thấy, chỉ là những ảo ảnh của thị giác.
4)
Hành như
sương giá (saṅkhārā kadalāpamā):
những tác động thiện ác đều không vững chắc giống như loại cây mềm không cốt
lõi, dễ uốn theo chiều gió.
5)
Thức như ảo
thuật (māyupamāviññāṇaṃ):
tâm thức của con người biến ảo như trò quỷ thuật. Theo Phật giáo sự biến đổi
của tâm thức 16 lần nhanh hơn sự biến đổi của vật chất.
Ngũ
uẩn, bị chấp lầm là bản ngã, được tạo thành bởi những yếu tố bất định, nên
chính nó cũng bất định và không có thực thể vì luôn luôn biến dị. Nhưng biến dị
không có nghĩa là hoàn toàn đổi khác một cách ngẫu nhiên, mà biến đổi theo định
luật nhân quả. B là quả của A và là nhân của C, dó đó chúng không giống nhau
cũng không khác nhau mà liên hệ với nhau mật thiết. Vì có A mà có B, vì có B mà
có C. Nếu không có A thì B và C cũng không có. (Imasmim sati, idam hoti,
imasmim asati, idam na hoti). Như vậy bản ngã chỉ là một tiến trình biến đổi
của danh và sắc theo mối dây liên hệ nhân quả mà chúng ta có thể hiểu
theo Ngài Buddhaghosa rằng: “Không có cái tôi tạo nghiệp cũng không có cái tôi
gặt quả mà chỉ có dòng nghiệp báo triền miên”.
Và
động lực vận chuyển dòng nghiệp báo triền miên ấy là tham, sân, si như Đức Phật
đã dạy trong đoạn kinh trên “Vì bị chi phối bởi tham, sân, si mà nghiệp hình
thành, đó là nguyên nhân của mọi đau khổ. Đoạn diệt được ba nhân ấy là phá hủy
động lực hình thành của nghiệp và mọi đau khổ chấm dứt”.
Tóm lại, cái ta chỉ là một hiện tượng tâm – sinh – vật lý chứ
không phải là một bản ngã trường tồn, vĩnh cửu; cũng không phải là một chân ngã
thường tại dù dưới tên gọi Đại Ngã
hay Phật Tánh như nhiều người lầm tưởng.
TIẾN
TRÌNH GIẢI THOÁT
Pháp chân đế (paramattha sacca) luôn tự thể hiện trong chân như
thực tánh (yathābhūtā sabhāva) và độc lập với vô minh dục vọng của con
người, nhưng với vô minh ái dục con người đã tự dựng lên bản ngã, tư kiến và
thời gian để rồi tự chuốc lấy khổ đau phiền muộn, cũng từ đó chân đế
hay thực tánh chỉ còn là bản vẻ đầy hư cấu và ảo ảnh trong thế giới khái
niệm của tưởng tri và thức tri. Quá trình huân tập của bản ngã vừa phát
xuất từ vô minh ái dục lại vừa làm sâu dày thêm vô minh ái dục, thế rồi pháp
chân đế tuy vẫn luôn hiện hữu nhưng con người chỉ thấy cái giả tướng do chính
mình thiết lập. Vì vậy, muốn phá cái giả tướng ấy để phục hồi thực tánh
cũng phải trải qua một quá trình thời gian nhất định, Đạo Phật gọi đó là tiến
trình giải thoát. Lý thì có thể đốn ngộ nhưng sự thì tất yếu phải tiệm
tu.
Nói
tới tiến trình tức là chấp nhận có thời gian và sự tiến bộ. Nhân
loại trong mấy thế kỷ gần đây, quả thật đã tiến bộ khá xa trong lãnh vực khoa
học kỹ thuật, văn minh vật chất và đã thành công phần nào trong nỗ lực chinh
phục thiên nhiên, đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho tiện nghi đời sống, nhưng
cũng đã để lại không ít những hiệu ứng tàn hại khôn lường trong hiện tại lẫn
tương lai lâu dài. Còn tiến bộ tinh thần, nhất là về phương diện đạo đức thì
sao? Con người đã thực sự độc lập đối với những điều kiện ngoại giới chưa? Và
con người có quan tâm đến sự tiến bộ trong lãnh vực giải phóng
chính mình ra khỏi thế giới ảo tưởng, như Đức Phật và các bậc Thánh Hiền
Đông Tây đã làm hay không?
Một
nhà tư tưởng nói: “Tỏ ra mình hơn người khác chưa phải là hay, hay hơn hết là có
thể tỏ ra rằng: hôm nay mình đã hơn chính mình ngày hôm qua”. Sự tiến
bộ mà nhà tư tưởng trên vừa nói là một sự tiến bộ thật sự khó khăn nhất mà cũng
đáng khuyến khích nhất.
Đức Phật cũng dạy Đại Đức Ānanda: “Như Lai không khen ngợi sự chùn bước
và ngưng trệ, mà chỉ khen ngợi sự tiến bộ”. Tiến bộ ở đây có nghĩa là hướng
thượng (opanayiko), một trong những nghĩa chính của Pháp (Dhamma).
Như chúng ta đã nói, sự tập thành của bản ngã và vô minh ái dục càng sâu dày
thì con người càng sa đọa, cho dù có văn minh tiến bộ trong lãnh vực
khoa học kỹ thuật, vì nói như nhà phân tâm học nổi tiếng Freud thì văn minh chỉ
là kết quả của tính dục. Vậy tiến trình giải thoát bản ngã phải là một tiến bộ
có tính hướng thượng. Hướng thượng, thực ra, chỉ có nghĩa là thoát ra khỏi vô
minh ái dục, thoát ra khỏi thế giới ảo vọng của bản ngã để trở về với nguyên
tánh của pháp chân đế mà thôi, chứ không phải hướng đến một mục đích tuyệt hảo
nào đó trong lý tưởng giả lập của con người.
Vậy
tiến bộ trong nghĩa hướng thượng của Dhamma phải trải qua những giai đoạn nào?
Điều nầy hầu như bất cứ ai nghiên cứu Phật học cũng đều biết ba giai đoạn hướng
thượng của Dhamma là Sīla (giới), Samādhi (định) và Paññā (tuệ). Có
giới, định, tuệ mới có giải thoát và giải thoát tri kiến, nên đó chính
là ba giai đoạn trong tiến trình giải thoát, từ mê đến giác từ phàm đến thánh.
Tuy
vậy trước khi bước vào ngưỡng cửa của tiến trình này, người Phật tử phải trải
qua một thời gian dự bị để un đúc đức tin (saddhà) vì đó là sức mạnh tất
yếu khả dĩ thúc đẩy họ đặt bước chân đầu tiên vào cuộc hành trình một cách tự
tin và kiên định.
Đức
tin trong Phật giáo không có nghĩa là lòng tin tưởng mù quáng, mà là kết quả
của nhận định sáng suốt. Tiến trình đi đến giải thoát của người Phật tử được ví
như sự phát triển của một hạt giống. Trước hết phải có sức mạnh cần thiết để
mầm phá vỡ lớp vỏ dày bao phủ bên ngoài và bắt đầu tiến trình phát triển. Sức
mạnh tất yếu đó là đức tin. Kế đến, khi đã thoát ra khỏi vỏ, mầm cây bắt đầu
nẩy rễ để giúp thân con đâm cành trổ lá, rễ càng dài càng vững chắc thì thân
cây càng mau lớn. Rễ ví như giới, thân cây ví như định và cuối cùng khi đã lớn
mạnh, cây mới có thể đơm hoa kết trái. Hoa ví như tuệ giác (maggañāṇ
a: Đạo Tuệ) và quả là giác ngộ giải thoát (phalañāṇa:
Quả Tuệ).
Chúng
ta đã đề cập đến đức tin như một điều kiện tiên quyết và tất yếu để bước vào
tiến trình giải thoát tự ngã. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu ba giai đoạn chính
của tiến trình này.
1.
Giới (Sīla): nhằm mục
đích ngăn ngừa và diệt trừ phiền não hay bất thiện pháp ở mức độ thô, biểu hiện
qua thân hành và khẩu hành. Giới cũng được định nghĩa là patimokkha, biệt biệt
giải thoát, vì mỗi học giới có công năng loại trừ được một hình thức
bất thiện nhất định nào đó. Ví dụ giới không sát sanh ngăn ngừa hành động sát
hại, giới không trộm cắp ngăn chận hành vi tham lam v.v.
Giới
không phải là những điều cấm đoán mà là những điều học (sikkhāpadāni) qua
đó giúp chúng ta thấy ra động cơ thúc đẩy từ nội tâm. Nhờ vậy chúng ta có thể
điều chỉnh hành động, nói năng được trong sạch, hiền thiện.
Như
vậy giới là bước đầu giúp thân khẩu thoát ra khỏi hành động và nói năng bất
thiện đưa đến phiền não khổ đau. Nếu giới được trong sạch tâm sẽ không bị những
phiền não thô do hành động bất thiện của thân khẩu gây ra, không bị ray rứt ân
hận mà người ta thường gọi là lương tâm cắn rứt, do đó tâm được lắng dịu, khinh
an, nhu nhuyến, chánh trực, dễ thích ứng v.v. Vì vậy giới còn là nền tảng cho
định dễ phát sinh: Giới năng sinh định.
1.
Định
(Samādhi): Có những
phiền não hay bất thiện pháp phát khởi trong tâm, làm ô nhiễm và rối loạn tâm
nhưng chưa biểu hiện ra ngoài qua thân hành, khẩu hành, thì giới không thể chế
ngự được. Chỉ có thiền định mới có thể làm cho tâm an ổn tĩnh lặng.
Chế ngự tâm là
một việc làm khó khăn, vì tâm con người biến đổi cực kỳ nhanh chóng, chỉ trong
giây lát đôi khi có cả hàng trăm hàng ngàn ý nghĩ, tình cảm khác nhau sinh
diệt; tệ hại nhất là những niệm bất thiện như tham lam, dục vọng, sân hận, tật
đố, nham hiểm… có thể làm cho tâm hồn đảo điên, mù quáng.
Đời
sống của chúng ta, không phải chỉ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng có ý thức, mà
còn bị chi phối bởi những hoạt động chìm sâu trong vô thức, điển hình nhất là
lúc ngủ, nhiều giấc chiêm bao đã làm cho ta hãi hùng kinh sợ.
Bởi
thế trong kinh Dhammapda Đức Phật dạy:
“Chế
ngự được tâm là quý, vì cái tâm thật khó kiểm sát, nó không ngừng chạy theo
tham dục. Tâm được chế phục sẽ đem đến hạnh phúc”.
Thiền
định không những giúp tâm thanh tịnh mà còn là một phương pháp phát huy sức
mạnh tinh thần hữu hiệu nhất, theo đó hành giả chú tâm vào một đối tượng cho
đến khi tâm an trú, không còn dao động. Trong khi chuyên niệm, nhiều thiền giả
phát huy được một số tịnh quang tâm sở (sobhanacetasika) gọi là thiền chi.
Năm
thiền chi (jhnṅga) có khả năng
đối trị năm triền cái (nivàrana) như:
Tầm
(vitakka) là tâm
sở hướng đến đối tượng thiền định, có khả năng loại trừ được trạng thái
thụ động uể oải của hôn trầm thụy miên (thìna middha).
Tứ
(vicāra) là sự
cố gắng giữ thăng bằng trên đối tượng thiền định, có khả năng chế ngự
trạng thái phân vân, bất quyết của nghi
hoặc (vicikicchā).
Hỷ
(pīti) là trạng thái
hân hoan, phấn khởi, vui thích trên đối tượng thiền định, có khả năng đối trị
sự bực bội, căng thẳng của sân hận (vyāpāda).
Lạc
(sukha) là trạng thái
cảm thấy an lạc, lắng dịu, vừa ý với đối tượng thiền định, có khả năng hoá giải
tâm thái dao động, bất an của trạo cử hối quá (uddhacca – kukkucca).
Nhất
tâm (ekaggatà) chính
là định, trạng thái buông xả, tĩnh lặng và an trú trên đối tượng, có khả năng
trấn phục sự lăng xăng tầm cầu thỏa mãn ham muốn giác quan của lòng tham dục
(kāmachanda).
Khi
các triền cái đã được loại ra khỏi tâm, thì tinh thần trở nên định tĩnh,
an lạc, nên Đức Phật gọi là hiện tại lạc trú (diṭṭha -
dhamma - sukha - vihāra). Mặt khác, định là một nguồn năng
lực vô song, khiến cho thiền giả có thể đạt đến mức thần thông biến hóa dễ
dàng. Thực vậy, sức mạnh của tâm còn vĩ đại hơn cả nguyên tử lực vì nguyên tử
chỉ biến đổi được hình dạng của vật chất, trong khi định lực có thể chuyển hoá
được một “hợp chất” vô hình phức tạp nhất là phiền não. Tuy nhiên, lợi ích đáng
kể nhất của thiền định là tạo điều kiện cho trí tuệ phát sinh: Định năng sinh
tuệ.
3.
Tuệ (paññā):
Thiền định được dùng trong Phật Giáo chỉ với mục đích ổn định những phiền não,
dưới hình thức triền cái, phát khởi trong lãnh vực ý thức làm ô nhiễm và xáo
trộn tâm chúng ta, nhưng không thể trừ được tận gốc những mầm móng phiền não ẩn
náu sâu xa trong lãnh vực vô thức, dưới dạng phiền não ngủ ngầm gọi là tùy miên
(anusaya). Vì vậy, Đức Phật dạy pháp hành thiền tuệ với mục đích
sử dụng tuệ giác để đoạn tận phiền não trong cả hai lãnh vực hữu thức và vô
thức. Thiền tuệ (vipassanà) lấy chánh niệm (sati) và tỉnh giác
(sampajañña) để chiếu soi, quan sát với tâm hướng trung thực (yoniso
manasikāra) các diễn biến của thực tại thân, thọ, tâm, pháp. Khi
chúng ta soi chiếu một cách chú tâm tỉnh thức như thế các hiện tượng sẽ
tự tách bạch thành những chuỗi động tác nối liền bằng mối liên hệ nhân quả, y
như lúc ta nhìn lại từng tấm phim riêng rẽ kết nối những động tác có vẻ như
liên tục trên màn hình.
Như
vậy, tuệ tổng hợp phát sanh nhờ chỉ, tuệ phân tích phát sanh do quán.
Thực ra, trong thiền vipassanà chánh niệm giữ vai trò của chỉ và tỉnh
giác giữ chức năng của quán, cả hai trở thành tuệ giác để trực
nhận pháp chân đế, lấy Niết-bàn làm đối tượng và thành tựu mục đích giác
ngộ giải thoát: giải phóng tự ngã.
Tiến
trình Giới – Định – Tuệ được thực hiện nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào quyết
tâm bền chí của mỗi người, đó là tinh tấn (viriya) và nhẫn nại (khanti).
Thật vậy, nếu thiếu tinh tấn và kiên trì thì tiến trình sẽ bị ngưng trệ và gián
đoạn.
Trong
kinh điển Pàli, tiến trình giải thoát được khai triển theo thứ tự như sau:
Sīla
(giới)
à
Avippatisāra (bất hối)
à
Pāmojja (hoan)
à
Pīti (hỷ)
à
Passaddhi (an)
à
Sukha (lạc)
à
Samādhi (định)
à
Yathābhūta-ñāṇadassana (tri kiến như thật)
à
Virāga (ly dục)
à
Vimutti (giải thoát).
Giới
trong sạch thì tâm không hối tiếc, tâm không ân hận ray rứt tất được hân hoan,
vi tế hơn tâm cảm nhận được trạng thái hỷ, an và lạc. Lạc khiến cho tâm
không trạo cử và đưa đến an chỉ. Nhờ định tâm được sáng suốt, thấy biết thực
tánh của vạn pháp, không còn tham ái và cuối cùng là giải thoát.
Tóm
lại, tiến trình của Pháp qua Giới – Định – Tuệ được chuẩn bị bằng đức tin và
thực hiện bằng tinh tấn, nhẫn nại liên tục cho đến bao giờ được hoàn toàn giải
thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.
THẤT
GIÁC CHI
(Chúng
ta đã có đề cập đến Thất Giác Chi như một trong bảy pháp đoạn trừ lậu hoặc, ở
phần tu tập (bhāvanā) theo kinh
Sabbāsava (Xem bài Thoát Vòng Nô Lệ). Vì đây là pháp quan trọng trên hành trình
giác ngộ giải thoát, nên chúng ta một lần nữa thử tìm hiểu thêm những khía cạnh
vi tế khác của pháp môn nầy).
Thất
Giác Chi (Satta
Sambojjhaṅga) hay Thất Bồ-đề Phần
là một trong những pháp chân đế
(paramattha dhamma) trong Phật Giáo, đã được đề cập nhiều lần trong Tam
Tạng Pāḷi. Nhiều Phật tử tin rằng khi nghe
bài kinh nầy cơn đau đớn có thể thuyên giảm hay chấm dứt và bệnh nhân sẽ sớm
được bình phục, vì thế họ thường trì tụng như một phương pháp ngừa bệnh hay trị
bệnh.
Chúng
ta có thể đọc được đoạn kinh sau đây trong Tam Tạng Pāḷi
cổ nhất của Phật Giáo:
“Ta
nghe như vầy, một thời Đức Thế Tôn ngự trong vườn sóc, tại
Veluvaṇa, thành Rājāgaha. Lúc bấy giờ Đại Đức Mah Kassapa, ở tại
Pipphali đang lâm trọng bệnh.
Vì
thế, vào một buổi chiều, Đức Thế Tôn đi đến chỗ Đại Đức Mahā Kassapa đang tĩnh
dưỡng. Sau khi an tọa, Ngài dạy Đại Đức Mahā Kassapa như vầy:
–
Này Kassapa, sức khỏe ông như thế nào? Cơn đau có trầm trọng lắm không?
Bệnh tình của ông đang phát triển hay đã thuyên giảm? Biến chứng thuận lợi hay
bất lợi?
–
Bạch Đức Thế Tôn, cơn đau rất trầm trọng, biến chứng càng ngày càng nguy
hiểm, không thuận lợi.
–
Này Kassapa, điều mà Như Lai đã giác ngộ, đã tu chứng và phát triển
tròn đủ là Thất Giác Chi, con đường dẫn đến thượng trí, viên minh và
Niết-bàn.
Bảy
Giác Chi ấy là gì?
–
Niệm giác chi (sati sambojjhaṅga)
điều mà Như Lai đã giác ngộ, tu chứng, phát triển tròn đủ, con đường dẫn đến
thượng trí, viên minh và Niết-bàn.
–
Trạch pháp giác chi (dhammavicaya sambojjhaṅga)
–
Tinh tấn giác chi (viriya sambojjhaṅga)
–
Hỷ giác chi (pỵti sambojjhaṅga) …
–
An giác chi (passaddhi sambojjhaṅga)
…
–
Định giác chi (samdhi sambojjhaṅga)
…
–
Xả giác chi (upekkh sambojjhaṅga) …
Thật
vậy, nầy Kassapa, đó là bảy nhân sinh tuệ giác mà Như Lai đã giác ngộ, tu
chứng, phát triển tròn đủ, con đường dẫn đến thượng trí, viên minh và Niết
Bàn”.
Khi
nghe xong Đại Đức Mahā Kassapa hết sức hoan hỷ, và nhờ vậy cơn bệnh trầm trọng
bỗng nhiên tan biến.
Hẳn
chúng ta ngạc nhiên khi thấy Đại Đức Mahā Kassapa có thể bình phục chỉ vì nghe
được đoạn kinh trên. Nhưng y học ngày nay đã phải nhìn nhận rằng yếu tố tinh
thần giữ vai trò rất quan trọng trong việc trị liệu. Trong trường hợp vị lương
y là Đức Phật, với tâm đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi đã dùng sức mạnh của
chân lý siêu việt để an định tinh thần Đại Đức Kassapa thì không phải là chuyện
hoang đường. Mặt khác bệnh nhân là Đại Đức Kassapa, với tâm tôn kính, trong
sạch và sáng suốt đã chuyên chú theo dõi chân lý mà Đức Phật đã cố ý lập đi lập
lại chín lần. Hai yếu tố tinh thần ấy hẳn phải tạo được một cảm ứng mầu nhiệm
không thể nghĩ bàn.
Trường
hợp người mẹ mang một chứng bệnh trầm trọng vì đứa con trai yêu quí bị thất
lạc, thuốc thang không làm cho người mẹ bình phục, thế mà ngay khi đứa con trở
về, người mẹ khỏi bệnh một cách kỳ diệu chỉ nhờ một cảm xúc mãnh liệt .
Nếu
một cảm xúc có một công hiệu lớn lao như thế, thì tinh thần khi được chuyên chú
và an định đem lại những kết quả mầu nhiệm, cũng không phải là một điều kỳ lạ.
Từ ngàn xưa, Hoàng Đế Nội Kinh, một y thư nổi tiếng của Trung Quốc cũng đã nói:
“Điềm
đạm hư vô chân khí tùng chi
“Tinh
thần nội thủ bệnh an tùng lai”.
Nghĩa
là khi tinh thần ổn định trong sáng thì chân khí qui nguyên và bệnh hoạn sẽ tự
bình phục. Đó không phải là điều gì huyền bí mà chính là nguyên lý cốt lõi
trong y học Đông Phương và ngày nay ngành y khoa hiện đại đã công nhận và ứng
dụng.
Nếu
Đức Phật hay một vị Thánh Tăng đọc một bài kinh để chữa cho bệnh nhân khỏi bệnh
thì không có gì khó hiểu, vì ở một mức độ thấp hơn người ta đã có thể truyền
khí công để chữa bệnh cho người khác từ xa huống chi đức độ của các bậc Thánh.
Nhưng ở đây có một điều lạ là chính mỗi bài kinh tự nó có một năng lực kỳ diệu.
Chúng ta biết nước là một môi trường dễ cảm ứng, thu nhận và bảo trì năng
lượng. Các nhà khoa học sau khi thí nghiệm nhiều lần đã thấy rằng nước bị ô
nhiễm có cấu trúc phân tử bị hỗn loạn trong khi nước tinh khiết có cấu trúc
phân tử đều đặn như một đóa hoa xinh đẹp. Thí nghiệm tiếp theo là lấy một chai
nước tinh khiết dán vào bên ngoài một câu nói thô tục thì nước bên trong liền
bị tình trạng như khi nước bị ô nhiễm, ngược lại, dán vào một chai nước đã bị ô
nhiễm một câu nói cao đẹp hay một đoạn kinh Phật
chẳng hạn thì cấu trúc nước trở thành như nước tinh khiết. Như vậy một
câu kinh tiếng kệ tự nó đã có năng lực, nếu cộng thêm năng lực của người truyền
đạt nó thì chắc chắn phải tạo nên một năng lực phi thường.
Đến
đây chúng ta gác sang một bên vấn đề mầu nhiệm của Thất giác chi trong lãnh vực
tâm lý trị liệu để tìm hiểu ý nghĩa bảy yếu tố giác ngộ đó là gì.
1.
Niệm
Giác Chi:
Khi
một người thất niệm thì sẽ để tâm buông theo những hoài niệm quá khứ,
những mơ mộng tương lai, hoặc mải mê lang thang, chìm đắm trong những đối tượng
thuận nghịch bên ngoài, mà bỏ quên thực tại nơi chính mình. Từ thất niệm đi đến
tạp niệm, tà niệm, vọng tưởng, hoang tưởng… và kết quả chắc chắn là rối loạn,
căng thẳng và phân tán năng lực tinh thần bởi những cố gắng tìm tòi vô hiệu,
những vấn đề triết lý viễn vông, những nỗi quan hoài bất định. Vì vậy,
vọng tâm là trở ngại lớn lao đối với năng lực sáng tạo của chúng ta. Niệm là
yếu tố tối ưu giúp chúng ta hóa giải trở ngại lớn lao nầy. Chánh niệm (sammāsati)
thuộc về định phần trong Bát Chánh Đạo, điều tâm trở về với thực
tại. Nếu chánh niệm hợp tác với tầm - vitakka (hướng tâm đến đối tượng thiền)
và tứ - vicāra (giữ tâm trên đối tượng thiền) thì có thể giúp tâm đạt
đến an chỉ trong chánh định. Nếu chánh niệm hợp tác với tỉnh giác
(sampajañña) thuộc chánh kiến thì có thể đạt đến tuệ giác thấy
rõ thực tánh của pháp chân đế trong thiền tuệ vipassanā.
2.
Trạch
Pháp Giác Chi:
Trạch
pháp (dhammavicaya) thuộc
tuệ phần trong Bát Chánh Đạo nên cũng có hai chức năng: chức năng chánh
kiến và chức năng chánh tư duy.
Trên
bình diện tục đế (sammutisacca) thuộc lãnh vực khái niệm
(paññatti), trạch pháp giữ vai trò của chánh tư duy để phân
tích, tổng hợp, lý luận, so sánh, đối chiếu… các pháp để phân biệt đâu là chân
giả, đúng sai, thiện ác... Ngay cả những lời dạy của Đức Phật, Ngài cũng không
bắt buộc hàng tứ chúng phải mù quáng tin theo mà phải phân biệt được giáo lý ấy
có lợi mình lợi người, có đem lại an lạc giải thoát hay không rồi mới chấp
nhận. Nhận định rõ pháp môn nào phù hợp với căn cơ trình độ của mình, pháp nào
thích ứng trong trường hợp nào để tu tập cho hiệu quả cũng là nghĩa của trạch
pháp trong lãnh vực nầy. Như vậy, về phương diện tục đế, trạch pháp giúp đoạn
trừ bất thiện pháp và phát triển thiện pháp.
Trên
bình diện chân đế (paramatthasacca) thuộc lãnh vực thực tánh (sabhāva),
trạch pháp giữ vai trò của chánh kiến, vượt ngoài ngôn ngữ, ý niệm…,
dùng trí tuệ tỉnh giác (tuệ tri chứ không phải thức tri) để “phân tích
tách bạch” bản chất thực của mỗi pháp. Ví dụ như khi quán chiếu thân
hành thấy rõ được tính chất riêng của đất, nước, lửa, gió; thấy rõ tính chất
chung vô thường, khổ, vô ngã. Như vậy, về phương diện chân đế, trạch pháp phá
vỡ thành trì tà kiến nhất là ngã kiến, trung tâm của vòng luân hồi sinh tử,
giúp hành giả giác ngộ giải thoát.
3.
Tinh
Tấn Giác Chi:
Đức
Phật dạy: “Một pháp dẫn đầu tất cả bất thiện pháp đó là buông lung (pamādo),
một pháp dẫn đầu tất cả thiện pháp đó là không buông lung (appamādo)”.
Không buông lung là nghĩa chính xác nhất của tinh tấn (viriya) mặc
dù tinh tấn được định nghĩa là cố gắng, nỗ lực, chuyên cần, siêng năng, chăm
chỉ, cần cù… và đôi lúc đồng nghĩa với ý chí kiên định. Thực ra,
tùy pháp môn, tùy cảnh ngộ, tùy thực chất của mỗi người mà mức độ tinh tấn phải
được vận dụng khác nhau mới thích ứng và hữu hiệu.
Chánh
tinh tấn có công năng nâng đỡ, duy trì và phát triển các thiện pháp khác. Vì
vậy nếu không có tinh tấn thì cũng không có chánh kiến, chánh tư duy, chánh
niệm, chánh định v.v. và chắc chắn không thể làm được một việc gì tới nơi tới
chốn.
4.
Hỷ Giác Chi.
Không
một cố gắng nào có thể lâu bền nếu không tìm thấy hứng thú trong hành động của
mình, vì vậy hoan hỷ là một yếu tố giúp cho hành giả phấn khởi trên hành trình
chế ngự cái tâm vốn luôn lăng xăng phóng túng rất khó chế ngự.
Hỷ
(pīti) là một trong 6 biệt
cảnh tâm sở (pakinnakà cetasikà), vì khi hiện hành trong thiện tâm thì
nó là thiện tâm sở, nhưng đồng hành với bất thiện tâm nó cũng là bất thiện tâm
sở. Hỷ giác chi ở đây được tìm thấy trong một số thiện tâm và thiền tâm. Trong
năm chi thiền, hỷ là chi thiền thứ ba, có công năng đối trị sân triền cái, giúp
tâm được mát mẻ và hoan hỷ trong đối tượng thiền định.
Khi
hành giả có tầm và tứ đúng mức thì tâm bắt đầu khắng khít với đề
mục thiền định, sau đó hỷ sẽ khởi lên như toàn thân rởn ốc, ánh sáng chớp lòe,
bềnh bồng trên sóng, lâng lâng bay bổng, mát mẻ thanh lương, nhờ vậy
tâm được lắng dịu và ổn định.
Ba
yếu tố Trạch pháp, Tinh tấn, hỷ giúp chúng ta thoát khỏi trạng thái tiêu
cực, buông xuôi, thụ động, hôn trầm thụy miên đưa đến thối đọa. Vì vậy, khi nào
bị rơi vào tình trạng tiêu cực thụ động chúng ta nên tu tập ba giác chi nầy để
tự mình chuyển hoá.
5. An Giác Chi:
An
(passaddhi) là trạng
thái tâm nhẹ nhàng, an tịnh, một trong 25 tịnh quang tâm sở (sobhanā
cetasikā), có công năng chế ngự và hóa giải sự chi phối của trạo hối.
Trạo cử (uddhacca) là phóng tâm lang thang trong những hoài niệm quá
khứ hay mộng ước tương lai. Hối quá (kukkucca) là ân hận, ray rứt về
những tội lỗi đã làm. Hai tâm sở bất thiện nầy được gọi là triền cái vì
chúng ngăn che và trói buộc tâm làm cho tâm không an ổn thoải mái được.
Trong
thiền định sắc giới (rūpāvacarajhāna) đây chính là thiền chi thứ
tư có tên là lạc (sukha), trạng thái trầm lắng, an bình, chuẩn bị
cho tâm thái sâu lắng hơn là định và xả. Người phát triển được giác chi
nầy cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng thanh thoát như khách đường xa vừa trút bỏ được
một gánh nặng nhọc nhằn.
6.
Định
Giác Chi:
Định (samādhi) hay nhất tâm (ekaggatā) là tâm thái tĩnh
chỉ, chuyên nhất, ổn định, an trú hay bất động. Định giúp tâm thoát
khỏi lửa dục. Tham dục (kāmachanda) là trạng thái tâm lăng xăng hướng
ngoại tầm cầu sự thoả mãn trong các đối tượng khả ái như sắc đẹp, tiếng hay,
mùi thơm, vị ngon hoặc xúc chạm êm ái. Chính tham dục làm cho tâm tán loạn bất
an nên là triền cái cần được xa lìa. Sơ thiền được mô tả là: “ Một trạng
thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm có tứ”. Thực ra, ly dục là yếu tố
tất yếu cho tất cả các bậc thiền sắc giới và vô sắc giới. Nếu không ly dục
không thể đạt đến trạng thái nhất tâm.
Nếu một vài tôn giáo dùng
định để thọ hưởng những trạng thái xuất thần hay để phát triển năng lực thần
thông; nhà khí công hay nhà thôi miên dùng định lực để chữa bệnh hoặc sai khiến
người khác làm theo mệnh lệnh của mình với một mục đích nào đó; nhà bác học chú
tâm để giải quyết một vấn đề khoa học… thì Phật giáo dùng định với chủ đích
giúp tâm an ổn, thanh tịnh và tạo điều kiện phát triển trí tuệ. Mặc dù vẫn đạt
được an lạc và thần thông nhưng hành giả thiền Phật giáo không xem đó là mục
đích chính.
7.
Xả
Giác Chi:
Xả
(upekkhā) là trạng
thái tâm trung lập, quân bình giữa lạc và khổ, giữa hỷ và ưu,
không bị ảnh hưởng bởi điều kiện ngoại giới. Không một đối tượng nào có thể lay
chuyển được người có tâm xả. Họ không bất bình trước những nghịch cảnh, cũng
không tham ái đối với thuận cảnh. Họ thản nhiên trước những lời tán dương hay
phỉ báng, trước thành công hay thất bại, trước được mất, hơn thua, vui
khổ.
Xả
luôn đi đôi với định trong tứ thiền sắc giới, cũng như trong bốn bậc
thiền vô sắc. Trong tứ vô lượng tâm (appamaññā) xa là tâm không
dính mắc, đeo níu, chấp thủ bất cứ điều gì. Xả còn là yếu tố
quan trọng hỗ trợ cho trí tuệ trong lộ trình siêu thế tâm đi vào đạo quả của
các bậc Thánh.
Trong
bảy yếu tố giác ngộ trên, niệm là yếu tố then chốt luôn có mặt để hỗ trợ
và giúp điều hợp sáu yếu tố còn lại sao cho thích ứng với mỗi tình trạng của
tâm. Sáu yếu tố còn lại nầy được chia làm hai nhóm:
Nhóm
thứ nhất có tính động
dụng, linh hoạt gồm: Trạch pháp, tinh tấn và hỷ, có công năng giải trừ
tình trạng thụ động, tiêu cực, buông xuôi, hôn trầm, mê muội của tâm, giúp tâm
phấn chấn, tỉnh táo, nhanh nhẹn, tích cực và sáng suốt.
Nhóm
thứ hai có tính tĩnh
lắng, trầm ổn gồm: An, định và xả, có công năng giải trừ tình trạng dao
động, trạo cử, phóng dật, bất an, ham muốn của tâm, giúp tâm lắng dịu, trầm
tĩnh, ổn định, an lạc và thanh thản.
Nếu
để ý chúng ta sẽ thấy bảy chi pháp nầy bao hàm trong hai yếu tố định và tuệ,
không thể thiếu trên Đạo lộ chứng ngộ Niết-bàn, cứu cánh của hành trình
giác ngộ giải thoát.
Tiếp theo
|