|
Chư Thiên Tâu Hỏi 4 Câu Hỏi Với Đức Vua Vedeha
Từ khi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita phải trốn đi khỏi kinh thành Mithilā để lánh nạn, trong thời ấy, vị chư thiên ngự tại chiếc lọng trắng của Đức Vua Vedeha không được nghe pháp của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nữa, nên vị ấy nghĩ: “Ta tìm cách để cho Đức Vua Vedeha mời Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita trở về kinh thành Mithilā, để phụng sự Đức Vua như trước”. Đêm ấy, vị chư thiên từ chiếc lọng trắng hiện ra, tâu hỏi Đức Vua Vedeha 4 câu hỏi, Đức Vua Vedeha không hiểu được câu hỏi nào, nên truyền bảo rằng: - Này vị chư thiên! Trẫm không hiểu 4 câu hỏi ấy. Xin chư thiên chờ Trẫm hỏi 4 vị quân sư thiện trí của Trẫm, ngày mai Trẫm sẽ trả lời. Sáng hôm sau, Đức Vua Vedeha truyền mời 4 vị quân sư vào chầu, họ tâu rằng: - Tâu Bệ hạ, chúng thần đầu trọc, râu trụi, đi ra đường cảm thấy xấu hổ quá! Kính xin Bệ hạ ban cho chúng thần cái khăn bịt đầu, bao cằm mới dám đi đến chầu Bệ hạ được. Đức Vua Vedeha ban vải bịt đầu, bao cằm cho 4 vị quân sư đi đến chầu Đức Vua Vedeha, họ ngồi một nơi hợp lẽ, Đức Vua truyền thưa rằng: - Thưa quân sư Senaka, đêm hôm qua, vị chư thiên ngự tại chiếc lọng trắng trên ngai vàng của Trẫm hiện ra, tâu hỏi Trẫm 4 câu hỏi mà Trẫm hoàn toàn không hiểu gì cả. Trẫm có hẹn với vị chư thiên ấy rằng sáng nay, Trẫm sẽ hỏi 4 vị quân sư của Trẫm về 4 câu hỏi ấy, 4 vị quân sư trả lời thế nào, rồi tối nay, xin mời vị chư thiên đến nghe Trẫm giải đáp thế ấy. - Thưa quân sư Senaka, câu hỏi thứ nhất, vị chư thiên ấy tâu rằng: “Tâu Đại Vương, ai là người đánh vào thân hình người khác bằng đôi tay hoặc đạp bằng đôi chân, lấy đôi tay vả vào miệng người khác. Người ấy lại là người yêu quý nhất của người bị đánh. Tâu Đại Vương, người yêu quý nhất ấy là ai vậy?” Nghe Đức Vua Vedeha thưa hỏi câu hỏi thứ nhất của chư thiên, vị quân sư Senaka hoàn toàn không hiểu câu hỏi gì cả, và 3 vị quân sư còn lại cũng như vậy, tối tăm, mù mịt. Đức Vua tiếp tục hỏi 3 câu hỏi tiếp theo, 4 vị quân sư cũng hoàn toàn không hiểu gì cả. Đêm hôm ấy, theo hẹn, vị chư thiên hiện ra tâu hỏi Đức Vua rằng: - Tâu Đại Vương, kính xin Đại Vương giải đáp 4 câu hỏi ấy của tôi? Đức Vua Vedeha truyền bảo rằng: - Này chư thiên! Trẫm đã hỏi 4 câu hỏi ấy của quý vị, nhưng 4 vị quân sư thiện trí của Trẫm hoàn toàn không hiểu được câu nào cả. Khi ấy, vị chư thiên hăm doạ rằng: - Tâu Đại Vương, bốn vị quân sư ấy là người si mê tham dục thì làm sao giải đáp câu hỏi này được. Ngoài quân sư Mahosadha paṇḍita ra, không có ai trên đời này giải đáp câu hỏi này được. Kính xin Đại Vương truyền lệnh các vị quan đi tìm mời quân sư Mahosadha paṇḍita trở về để giải đáp 4 câu hỏi ấy của chúng tôi. Đó là điều tốt lành! Nếu Đại Vương không truyền lệnh cho mời quân sư Mahosadha paṇḍita trở về để giải đáp 4 câu hỏi của chúng tôi thì chúng tôi sẽ đập cái đầu của Đại Vương bằng cái chuỳ sắt cháy đỏ này. Hăm doạ xong, vị chư thiên khuyên Đức Vua rằng: - Tâu Đại Vương, như người cần lửa thì không thể tìm nơi con đom đóm, cũng như vậy, khi cần bậc thiện trí có trí tuệ hiểu biết, thì Đại Vương không thể tìm nơi 4 vị quân sư si mê ngu muội ấy. Quân sư Mahosadha paṇḍita là bậc đại thiện trí, có trí tuệ siêu việt, ví như đống lửa lớn, còn 4 vị quân sư Senaka, Pukkusa, Kāminda và Devinda chỉ ví như con đom đóm mà thôi. - Tâu Đại Vương, nếu Đại Vương không truyền lệnh mời quân sư Mahosadha paṇḍita trở về để giải đáp 4 câu hỏi này của chúng tôi thì chắc chắn sinh mạng của Đại Vương sẽ không được an toàn. Hăm doạ và khuyên Đức Vua Vedeha xong, vị chư thiên biến mất.
Thỉnh Mời Đức Bồ Tát Mahosadha Paṇḍita Trở Về Nghe lời hăm doạ và lời khuyên của vị chư thiên, Đức Vua Vedeha vô cùng kinh sợ, vì sự chết sẽ xảy đến với mình. Vì vậy, sáng hôm sau, Đức Vua truyền lệnh 4 vị quan lớn và 4 đoàn tuỳ tùng rằng: - Này chư khanh! Mỗi khanh lấy một cỗ xe ngựa và đoàn tuỳ tùng, hãy đi ra mỗi cửa thành, đến mỗi xóm nhà vùng lúa mạch mỗi hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc) để tìm cho được Hoàng tử Mahosadha paṇḍita. Các khanh hãy báo cho Hoàng tử, con của Trẫm rằng: “Trẫm truyền mời Mahosadha paṇḍita trở về cung điện, đến yết kiến Trẫm gấp”. Tuân lệnh Đức Vua Vedeha, 4 vị quan lớn và đoàn tuỳ tùng, mỗi vị đi ra mỗi cửa kinh thành Mithilā, đến mỗi xóm nhà, mỗi vùng lúa mạch của mỗi hướng. Ba vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng đến 3 xóm nhà, 3 vùng lúa mạch của 3 hướng Đông, Tây, Bắc đều không tìm gặp được Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Riêng vị quan lớn cùng đoàn tuỳ tùng đến xóm nhà vùng lúa mạch hướng Nam của kinh thành Mithilā, những người lính trong đoàn tuỳ tùng vào xóm nhà hỏi thăm tìm kiếm, nhìn thấy, theo dõi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đang vác đất sét, thân hình dính đầy đất, đem về học làm nồi với một vị thầy để nuôi mạng. Đời sống của Ngài thật là vất vả, cực khổ như vậy.
Vấn: Tại sao Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita làm việc nuôi mạng vất vả, cực khổ như vậy? Đáp: Bởi vì Đức Vua Vedeha nghi ngờ Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita có mưu đồ phản bội giết vua, để chiếm ngôi báu. Nay, Đức Vua biết rằng Ngài làm nghề thợ gốm, để nuôi mạng. Cho nên, Đức Vua không còn nghi ngờ nơi Ngài nữa.
Vị quan lớn nghe người lính trình thưa rằng: “Chính y đã nhìn thấy Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đang vác đất sét về làm nồi đất như vậy”. Ông liền đánh xe ngựa sang trọng đến tận chỗ ở của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, ngừng xe lại, bước xuống xe, ông đi vào nhà gặp Ngài. Nhìn thấy vị quan, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghĩ: “Hôm nay, ta sẽ được phục chức lớn, và sẽ gặp lại phu nhân của ta”. Khi ấy, vị quan lớn thưa với Ngài rằng: - Thưa đại quan Mahosadha paṇḍita, ban đêm vị chư thiên ngự tại chiếc lọng trắng trên ngai vàng của Đức Vua hiện ra tâu hỏi Đức Vua 4 câu hỏi. Nghe xong 4 câu hỏi, Đức Vua hoàn toàn không hiểu được câu nào. Đức Vua hẹn với vị chư thiên rằng: “Trẫm sẽ đem 4 câu hỏi này hỏi 4 vị quân sư thiện trí của Trẫm, để giải đáp. Vậy, Trẫm xin hẹn tối mai, mời vị chư thiên đến, Trẫm sẽ giải đáp”. Tối hôm sau, vị chư thiên hiện ra xin nghe Đức Vua giải đáp 4 câu hỏi ấy. Đức Vua truyền rằng: “Thưa chư thiên, 4 vị quân sư của Trẫm hoàn toàn không hiểu được 4 câu hỏi ấy”. Chư thiên không hài lòng, hăm dọa và khuyên Đức Vua cho mời Đại quan Mahosadha paṇḍita trở về cung điện, để giải đáp 4 câu hỏi ấy. Nếu không thì Đức Vua sẽ không được an toàn sinh mạng, nên Đức Vua vô cùng hoảng sợ. Do đó, Đức Vua truyền lệnh cho các quan đi khắp 4 xóm nhà trong 4 vùng lúa mạch ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. May mắn thay! Hạ quan gặp Đại quan tại nơi đây. Đức Vua có gửi 1.000 Kahāpana và các phẩm vật quý giá khác ban cho Đại quan, kính xin Đại quan thọ nhận số tiền và các phẩm vật này. - Thưa Đại quan Mahosadha paṇḍita, kính mời Đại quan lên xe ngựa sang trọng này trở về yến kiến Đức Vua gấp. Nghe vị quan thưa trình như vậy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nhận số tiên 1.000 Kahāpana và các phẩm vật, rồi đem vào gặp vị thầy dạy nghề đồ gốm. Biết Ngài là vị Đại quan trong triều đình đến ẩn náu nơi đây, vị thầy cảm thấy vô cùng hoảng sợ. Biết vị thầy đang lo sợ, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita thưa rằng: - Thưa thầy, xin thầy không nên lo sợ, chính thầy là người ân nhân của tôi, tôi xin chân thành kính biếu thầy 1.000 Kahāpana và các phẩm vật quý giá này để tỏ lòng biết ơn thầy. Xin phép thầy, tôi phải trở về cung điện theo lệnh của Đức Vua. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita với thân hình dính đầy đất sét, bước lên chiếc xe ngựa sang trọng trở về kinh thành Mithilā. Đến kinh thành, vị quan lớn đến chầu Đức Vua Vedeha, tâu rằng: - Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần đã mời Đại quan Mahosadha paṇḍita trở về đến kinh thành Mithilā. Đức Vua Vedeha truyền hỏi rằng: - Này khanh! Khanh gặp Mahosadha paṇḍita ở đâu? - Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần gặp Đại quan Mahosadha paṇḍita trong một chỗ làm đồ gốm trong xóm nhà vùng lúa mạch hướng Nam. Đại quan với thân hình dính đầy đất sét, đang ngồi xoay bàn làm nồi đất sét, để nuôi mạng. Nghe vị quan tâu như vậy, Đức Vua Vedeha nghĩ: “Nếu Mahosadha paṇḍita là kẻ thù của ta, có mưu đồ giết ta để chiếm ngôi vua thì chắc chắn Mahosadha paṇḍita không bao giờ làm nghề thợ gốm để sinh sống như vậy được. Vậy, Mahosadha paṇḍita chắc chắn không phải kẻ thù của ta”. Nghĩ xong, Đức Vua truyền lệnh rằng: - Này khanh! Khanh hãy thưa với Mahosadha paṇḍita trở về nhà tắm rửa sạch sẽ, trang phục đầy đủ theo chức tước mà Trẫm đã ban từ trước, rồi đến yết kiến Trẫm. Vâng lệnh Đức Vua Vedeha, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đến chầu Đức Vua Vedeha, đảnh lễ Đức Vua xong ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức Vua Vedeha truyền hỏi rằng: - Này Mahosadha paṇḍita! Thông thường người không có trí tuệ, không có khả năng làm được việc lớn, còn con là bậc đại thiện trí có trí tuệ siêu việt, có tài đức hơn người, nếu cần, con có khả năng chiếm đoạt tất cả ngai vàng trong toàn cõi nam thiện bộ châu này. Đó là điều không khó đối với con, nhưng tại sao con không chiếm đoạt ngai vàng của ta vậy? Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng: - Tâu Đại Vương, người nào ngồi hoặc nằm dưới bóng mát của cây nào, người ấy không nên bứt lá, bẻ cành của cây ấy, bởi vì, người làm hại bạn là con người ác. - Tâu Đại Vương, Đại Vương là Đức Phụ Vương của con, nuôi dưỡng con, ban địa vị cao quý cho con. Đại Vương là bậc đại ân nhân của đời con, sao con dám nghĩ ác đến Đức Phụ Vương được, còn làm hại Đức Phụ Vương thì điều đó chắc chắn không bao giờ xảy ra được. Ngài tâu tiếp rằng: - Tâu Đại Vương, * Người sống tại gia hưởng sự an lạc mà lười biếng. Đó là điều không tốt. * Bậc xuất gia mà không biết thu thúc lục căn thanh tịnh. Đó là điều không tốt. * Bậc thiện trí mà phát sinh tâm sân. Đó là điều không tốt. * Đức Vua không suy xét kỹ trước mà truyền lệnh. Đó là điều không tốt. * Đức Vua anh minh sáng suốt, chưa suy xét kỹ thì chưa truyền lệnh, khi đã suy xét kỹ trước rồi mới truyền lệnh. Đó là điều tốt. Các quan, quân cho đến thần dân thiên hạ đều cảm phục, đều nương nhờ nơi Đức Vua ấy. Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita thuyết giảng như vậy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng trí tuệ siêu việt của Ngài.
4 Câu Hỏi Của Chư Thiên
Sau khi nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu như vậy xong, Đức Vua Vedeha mời Ngài lên ngồi trên ngai vàng, dưới chiếc lọng trắng. Còn Đức Vua ngồi một nơi hợp lẽ, truyền hỏi rằng: - Này Hoàng nhi Mahosadha paṇḍita yêu quý! Vị chư thiên ngự tại chiếc lọng trắng hiện ra, tâu hỏi Đức Phụ Vương 4 câu hỏi, nhưng Đức Phụ Vương không hiểu 4 câu hỏi ấy, và 4 vị quân sư cũng hoàn toàn không hiểu nổi. Nay Đức Phụ Vương nhờ con giải đáp 4 câu hỏi ấy của vị chư thiên. Nghe Đức Vua Vedeha truyền bảo như vậy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng: - Tâu Đức Phụ Vương, vị chư thiên tâu hỏi 4 câu hỏi với Đức Phụ Vương như thế nào, kính xin Đức Phụ Vương nhắc lại.
* Đức Vua Vedeha nhắc lại câu hỏi thứ nhất của chư thiên tâu rằng: 1- Ai là người đánh vào thân hình người khác bằng đôi tay hoặc đạp bằng đôi chân, lấy đôi tay vả vào miệng người khác. Người ấy lại là người yêu quý nhất của người bị đánh. Người yêu quý nhất ấy là ai vậy? Vừa nghe qua câu hỏi, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita hiểu rõ ràng ý nghĩa của câu hỏi như vầng trăng sáng hiện trên bầu trời trong, nên Ngài tâu rằng: - Tâu Đức Phụ Vương, khi nào một đứa con thơ dại yêu quý nằm trên đùi của người mẹ, nó vui mừng, cười giỡn, đánh vào thân hình người mẹ bằng đôi tay hoặc đạp bằng đôi chân, hoặc vả trên miệng người mẹ bằng đôi tay, khi ấy, người mẹ nói với đứa con yêu quý ấy với tình thương yêu vô hạn như là: “Ô! đứa con ngỗ nghịch! con dám đánh, đạp mẹ như thế này sao!” Nói xong, người mẹ không ngăn được tình thương yêu vô hạn đối với đứa con yêu quý, nên ẵm đứa con áp sát vào ngực, hôn trên đầu đứa con nhỏ. - Tâu Đức Phụ Vương, người được thương yêu nhất của người bị đánh ấy là đứa con thơ dại yêu quý của người mẹ hiền (cũng như của người cha hiền). Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita giải đáp câu hỏi thứ nhất xong, vị chư thiên từ chiếc lọng trắng hiện ra một nửa thân mình bên trên, chắp tay nói lời Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay! rồi tán dương ca tụng rằng: - Ô! bậc đại thiện trí Mahosadha paṇḍita giải đáp câu hỏi thứ nhất đúng rồi! Vị chư thiên cúng dường đến Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bằng những đóa hoa trời, vật thơm rồi biến mất. Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ cúng dường đến Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita những phẩm vật quý giá, rồi khẩn khoản Đức Bồ Tát giải đáp câu hỏi tiếp.
* Đức Vua Vedeha nhắc lại câu hỏi thứ nhì của chư thiên rằng: 2- Người chửi rủa, mắng nhiếc người khác một cách thỏa mãn, nhưng hoàn toàn không muốn cho người bị chửi rủa, mắng nhiếc ấy phải bị tai họa nào cả, bởi vì người bị chửi rủa, mắng nhiếc là người thương yêu nhất của người chửi rủa, mắng nhiếc. Vậy người bị chửi rủa, mắng nhiếc ấy là ai vậy? Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng: - Tâu Đức Phụ Vương, khi nào người mẹ bảo đứa con lên 7-8 tuổi của mình đang chơi đùa với chúng bạn rằng: “Này con yêu quý của mẹ! con hãy đi đến nhà bà dì mượn cái ấy đem về cho mẹ, mau đi con!” Đứa bé thưa với mẹ rằng: “Thưa mẹ, con đói bụng, mẹ cho con ăn trước, rồi con sẽ đi”. Nghe con đói bụng, người mẹ đem đồ ăn, đồ uống cho con. Ăn uống no đủ người con lại ham chơi với chúng bạn mà không đi đến nhà bà dì mượn đồ như lời người mẹ bảo. Khi ấy, người mẹ nổi cơn giận dữ, chửi rủa, mắng nhiếc người con rằng: “Ê! Tên lừa dối mẹ! cho ăn rồi không chịu đi à!” Đứa con cười thích thú, bỏ chạy. Nhìn thấy đứa con yêu quý của mình bỏ chạy, người mẹ bực mình, cầm roi, đuổi theo không kịp đứa con, nên bà chửi rủa, mắng nhiếc rằng: “Ê! Tên lừa dối mẹ! Đồ ăn hại! Hãy đứng lại!” Sợ mẹ đánh, đứa con chạy trốn mất. Người mẹ bực tức nên chửi rủa, mắng nhiếc thậm tệ rằng: “Mày chạy gặp trâu, bò húc mày!…” Bởi vì người mẹ quá bực tức đứa con yêu quý của mình, nên thốt lên như vậy, nhưng bà mẹ lại hoàn toàn không muốn đứa con nhỏ yêu quý của mình gặp phải điều tai hại nào cả. Không thấy đứa con yêu quý trở về nhà, người mẹ nhớ con, khổ tâm, đi tìm con mình. Khi đến nhà ông bà ngoại của con, thì đứa con chạy đến với mẹ, người mẹ ôm đứa con yêu quý vào lòng, hôn trên đầu con mà nói rằng: “Con yêu quý của mẹ! Mẹ thương yêu con lắm! mẹ bực tức, chửi rủa, mắng nhiếc vậy thôi. Thật ra, mẹ rất thương yêu con, con là trái tim, là đôi mắt của mẹ, mẹ luôn luôn bảo vệ con, không để mọi điều rủi ro, tai hại xảy đến với con”. - Tâu Đức Phụ Vương, người bị chửi rủa, mắng nhiếc một cách thậm tệ, nhưng người chửi hoàn toàn không muốn người bị chửi rủa, mắng nhiếc ấy gặp phải điều rủi ro, tai hại nào. Đó là đứa con yêu quý của người mẹ trong cơn bực tức. Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita giải đáp câu hỏi thứ nhì xong, vị chư thiên từ chiếc lọng trắng hiện ra một nửa thân mình bên trên, chắp tay nói lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! rồi tán dương ca tụng, cúng dường những phẩm vật quý giá của cõi trời đến Ngài rồi biến mất. Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ cúng dường đến Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita những phẩm vật quý giá, rồi khẩn khoản Ngài giải đáp câu hỏi tiếp theo.
* Đức Vua Vedeha nhắc lại câu hỏi thứ ba của chư thiên rằng: 3- Những người nào vu cáo lẫn nhau, không có chứng cớ, những người ấy lại là những người yêu quý lẫn nhau. Những người ấy là ai vậy? Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita giải đáp câu hỏi thứ ba rằng: - Tâu Đức Phụ Vương, khi nào 2 vợ chồng ở nơi kín đáo, ái ân đùa cợt với nhau với tình thương yêu tha thiết trong đời. Khi ấy, 2 người này vu cáo lẫn nhau bằng lời không thật rằng: “Anh có thương yêu gì em đâu! hoặc Em có thương yêu gì anh đâu!” Buộc tội lẫn nhau không có chứng cớ rằng:“ Tâm của anh đang nghĩ đến ai khác, không còn nghĩ đến em nữa! hoặc Tâm của em đang nghĩ đến ai khác, không còn nghĩ đến anh nữa!” Khi ấy, 2 vợ chồng thương yêu, ân ái, thắm thiết hơn bao giờ hết. Tâu Đức Phụ Vương, đó là 2 vợ chồng đang thương yêu nhau, ân ái thắm thiết với nhau nơi kín đáo. Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita giải đáp câu hỏi thứ ba xong, vị chư thiên từ chiếc lọng trắng hiện ra một nửa thân mình bên trên, chắp tay nói lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! rồi tán dương ca tụng, cúng dường những phẩm vật quý giá của cõi trời đến Ngài rồi biến mất. Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ cúng dường đến Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita những phẩm vật quý giá, rồi khẩn khoản Ngài giải đáp câu hỏi tiếp theo.
* Đức Vua Vedeha nhắc lại câu hỏi thứ tư của chư thiên rằng: 4- Những người nào đến thọ nhận y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh,… những người thọ nhận vật dụng ấy gọi là nhận hợp pháp, được người bố thí tôn kính. Những người ấy là ai vậy? Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita giải đáp câu hỏi thứ tư rằng: - Tâu Đức Phụ Vương, câu hỏi thứ tư của vị chư thiên đề cập đến chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, bậc hành phạm hạnh cao thượng. Thật vậy, những người nào có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, muốn tạo những phước thiện bố thí, cúng dường y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh, … đến chư Sa-môn, chư Bà-la-môn, bậc hành phạm hạnh cao thượng. Cho nên, những bậc Sa-môn, bậc Bà-la-môn ấy thọ nhận y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh,… của thí chủ gọi là thọ nhận hợp pháp, được những thí chủ tôn kính. Bởi vì những người thí chủ có được cơ hội tạo được những phước thiện bố thí cao quý, cho quả báu an lạc trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai. Tâu Đức Phụ Vương, đó là chư Sa-môn, chư Bà-la-môn thọ nhận vật dụng hợp pháp, được những người thí chủ ấy tôn kính nhất. Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita giải đáp câu hỏi thứ tư xong, vị chư thiên từ chiếc lọng trắng hiện ra một nửa thân mình bên trên, chắp tay nói lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! rồi tán dương ca tụng, cúng dường hộp đầy thất báu đặt dưới chân của Ngài rồi biến mất. Khi ấy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, tán dương, ca tụng trí tuệ siêu việt của Ngài, và không còn lo sợ lời hăm dọa của vị chư thiên nữa. Đức Vua hoan hỷ cúng dường đến Ngài nhiều phẩm vật quý giá, đặc biệt nhất, ban chức vị cao nhất: Chức quan Senāpati: Chức quan Thừa tướng đứng đầu trong triều đình cho Ngài ngay khi ấy.
Lập Kế Hại Đức Bồ Tát Mahosadha Paṇḍita
Sau khi được Đức Vua Vedeha ban chức quan Thừa tướng, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita có chức trọng quyền cao nhất. Từ đó 4 vị quân sư phát sinh ác tâm, ganh tị, bàn tính với nhau rằng: - Bây giờ, Mahosadha paṇḍita, con của phú hộ có chức trọng quyền cao nhất. Chúng ta nghĩ ra mưu kế gì mới để hại Mahosadha paṇḍita được không ? Vị quân sư Senaka bảo với 3 vị quân sư rằng: - Này quý vị! Tôi xin hiến mưu kế hay, 4 chúng ta nên đến tư dinh của Mahosadha paṇḍita, tôi sẽ hỏi rằng: “Có nên nói chuyện bí mật cho ai biết không? Nếu Mahosadha paṇḍita trả lời rằng: ‘Không nên nói chuyện bí mật cho ai biết cả’, thì chúng ta lấy lý do ấy mà tâu lên Đức Vua rằng: ‘Mahosadha paṇḍita, con ông phú hộ, có mưu đồ phản bội, là kẻ thù của Bệ hạ’, để vu oan làm hại y”. Nghe vị quân sư Senaka bày mưu kế thâm độc như vậy, 3 vị quân sư đều cho là kế hay và hứa cùng nhau thực hiện. Họ cùng nhau đi đến tư dinh của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Đón tiếp 4 vị quân sư xong, Đức Bồ Tát mời họ ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, vị quân sư Senaka thưa rằng: - Thưa Thừa tướng, xin quan Thừa tướng cho chúng tôi cơ hội, chúng tôi muốn hỏi câu hỏi.
Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita trả lời như vậy, bốn vị quân sư tỏ ra vui mừng vì trả lời đúng theo ý đồ của họ, rồi họ xin phép từ giã ra về. Bốn vị quân sư thực hiện mưu kế thâm độc để hại Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, nên họ xin vào chầu Đức Vua trường hợp đặc biệt và khẩn cấp, để tâu lên Đức Vua rằng: - Muôn tâu Bệ hạ, chúng thần đến tư dinh của quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita hỏi rõ, biết được quan Thừa tướng có mưu đồ phản bội Bệ hạ. Quan Thừa tướng là kẻ thù của Bệ hạ. Nghe bốn vị quân sư tâu như vậy, Đức Vua Vedeha truyền thưa rằng: - Thưa các quân sư, Trẫm không thể tin rằng Mahosadha paṇḍita lại có thể phản bội Trẫm, là kẻ thù của Trẫm được. Bốn vị quân sư tâu khẳng định rằng: - Muôn tâu Bệ hạ, kính xin Bệ hạ tin lời chúng thần. Nếu Bệ hạ không tin thì Bệ hạ truyền hỏi Mahosadha paṇḍita rằng: “Chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người nào biết hay không? Nếu Mahosadha paṇḍita không phải là kẻ phản bội, là kẻ thù của Bệ hạ thì sẽ tâu rằng: “Chuyện bí mật của mình nên tiết lộ cho người thân biết”. Còn nếu Mahosadha paṇḍita là kẻ phản bội, là kẻ thù của Bệ hạ thì sẽ tâu rằng: “Chuyện bí mật của mình không nên tiết lộ cho người nào cả”. Khi ấy, Bệ hạ sẽ tin lời của chúng thần là sự thật. Đức Vua Vedeha chuẩn tấu, và sẽ truyền hỏi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Một hôm, 4 vị quân sư và Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đến chầu đông đủ, Đức Vua Vedeha bèn truyền hỏi rằng: - Này các khanh! Người ta có nên tiết lộ chuyện bí mật của mình, đó là chuyện xấu hoặc chuyện tốt cho một người thân nào biết hay không? Nghe Đức Vua truyền hỏi như vậy, vị quân sư Senaka muốn nịnh hót Đức Vua để được cảm tình, nên tâu rằng: - Muôn tâu Bệ hạ, Bệ hạ là Chúa Thượng, còn 5 chúng thần là bề tôi, Chúa Thượng nên tiết lộ chuyện bí mật trong triều cho 5 chúng thần bề tôi trước, để chúng thần suy xét điều lợi, điều hại, rồi tâu lên Chúa Thượng.
Khi ấy, Đức Vua Vedeha truyền hỏi quân sư Senaka rằng: - Thưa quân sư, chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không? Vị quân sư Senaka tâu rằng: - Muôn tâu Bệ hạ, người bạn thân thiết nào là người đáng tin cậy, là nơi nương nhờ của mình, là người bạn thân thiết cùng khổ, cùng vui với mình, thì mình chỉ nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người bạn thân thiết ấy biết mà thôi. Tiếp theo Đức Vua Vedeha truyền hỏi vị quân sư Pukkusa rằng: - Thưa quân sư, chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không ? Vị quân sư Pukkusa tâu rằng: - Muôn tâu Bệ hạ, người anh hoặc người em trai nào của mình là người đáng tin cậy, biết phục vụ, đem lại sự lợi ích, sự an lạc cho mình, thì mình chỉ nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người anh hoặc người em trai thân thiết ấy biết mà thôi. Tiếp theo Đức Vua Vedeha truyền hỏi vị quân sư Kāminda rằng: - Thưa quân sư, chuyện bí mật của mình nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không? Vị quân sư Kāminda tâu rằng: - Muôn tâu Bệ hạ, người con trai nào luôn luôn vâng lời dạy bảo của cha, một lòng biết phụng dưỡng, biết săn sóc cha hợp thời, thì người cha chỉ nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người con trai yêu quý ấy biết mà thôi. Tiếp theo Đức Vua Vedeha truyền hỏi vị quân sư Devinda rằng: - Thưa quân sư, chuyện bí mật của mình nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không? Vị quân sư Devinda tâu rằng: - Muôn tâu Bệ hạ, người mẹ là người có ân đức cưu mang, dưỡng dục mình nên người bằng tình thương yêu thiêng liêng, thì mình chỉ nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người mẹ kính yêu ấy biết mà thôi. Sau khi Đức Vua Vedeha truyền hỏi 4 vị quân sư xong, mỗi vị quân sư đều tiết lộ chuyện bí mật của mình cho mỗi người thân của mình, Đức Vua truyền hỏi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita rằng: - Này Mahosadha paṇḍita! Chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không? Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng: - Tâu Đại Vương, chuyện bí mật của mình nên giữ kín là điều tốt, tiết lộ chuyện bí mật là điều không tốt. Khi nào nguyện vọng của mình chưa được thành tựu, bậc thiện trí nên nhẫn nại chờ đợi, không nên tiết lộ chuyện bí mật cho một ai biết cả, đến khi thành tựu thì nên cho mọi người đều biết. Khi nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu như vậy, Đức Vua Vedeha cảm thấy không vui, nỗi lo sợ phát sinh. Khi ấy, quân sư Senaka nhìn về Đức Vua và Đức Vua cũng nhìn quân sư. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nhìn thấy vậy, biết rằng “Bốn vị quân sư này đã có mưu kế thâm độc để hại ta bằng cách tâu lên Đức Vua Vedeha đặt câu hỏi để thử lòng ta”. Khi ấy, Đức Vua Vedeha và các quân sư đang bàn luận, đến lúc mặt trời sắp lặn, những người lính đốt đèn sáng, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghĩ: “Chuyện này phức tạp, tốt hơn ta nên xin phép trở về”. Nghĩ xong, Đức Bồ Tát đảnh lễ Đức Vua rồi xin phép ra về. Khi ra khỏi cửa cung điện, Ngài nhớ lại những câu trả lời của 4 vị quân sư về câu hỏi của Đức Vua rằng: * Quân sư Senaka tâu rằng: Nên tiết lộ chuyện bí mật cho người bạn thân thiết biết. * Quân sư Pukkusa tâu rằng: Nên tiết lộ chuyện bí mật cho người anh em thân thiết biết. * Quân sư Kāminda tâu rằng: Nên tiết lộ chuyện bí mật cho người con yêu quý biết. * Quân sư Devinda tâu rằng: Nên tiết lộ chuyện bí mật cho người mẹ kính yêu biết.
Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tin chắc rằng 4 vị quân sư này đã hành động rồi, cho nên mỗi người đều nói đến chuyện bí mật của mình. Ngài nghĩ: “Ta nên nghe chuyện bí mật của 4 vị quân sư ấy như thế nào.” Hằng ngày, sau khi rời khỏi hội triều, 4 vị quân sư này thường hay tụ hội lại chỗ cửa gần cung điện bàn luận với nhau chuyện trong triều xong mới trở về tư dinh của mỗi vị. Hôm nay, ta đến ẩn nấp một nơi kín đáo để nghe 4 vị quân sư này bàn luận chuyện gì?” Sau khi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita xin phép trở về, 4 vị quân sư còn ở lại, vị quân sư Senaka tâu với Đức Vua rằng: - Tâu Bệ hạ, Mahosadha paṇḍita không tiết lộ chuyện bí mật của mình cho một người thân nào biết cả. Sự thật như vậy, Bệ hạ nghĩ thế nào? Nghe lời quân sư Senaka, Đức Vua Vedeha không suy xét kỹ, mà phát sinh tâm sợ hãi nên truyền hỏi rằng: - Thưa quân sư, bây giờ Trẫm phải hành động như thế nào? Xin quân sư tâu cho Trẫm rõ. Vị quân sư Senaka tâu rằng: - Muôn tâu Bệ hạ, xin Bệ hạ không nên chậm trễ, không để cho Mahosadha paṇḍita có cơ hội. Đức Vua truyền lệnh rằng: - Thưa quân sư, vậy khanh là người đảm trách công việc lớn lao này. Khanh nhận thanh gươm báu này cùng với 3 vị quân sư khác, đứng chờ nơi cửa cung điện. Sáng ngày mai, Mahosadha paṇḍita đến chầu thì khanh hãy chặt đầu Mahosadha paṇḍita bằng thanh gươm báu này. Vị quân sư Senaka tâu rằng: - Tâu Bệ hạ, chúng thần xin phụng mệnh. Bốn vị quân sư đảnh lễ Đức Vua Vedeha rồi xin phép trở về tư dinh của mình. Đúng như điều tiên đoán của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, họ cùng đến chỗ gần cửa thành, ngồi lại một nơi. (Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đang ẩn nấp gần nơi ấy, lắng nghe). Vị quân sư Senaka bảo rằng: - Sáng ngày mai, ai là người chặt đầu Mahosadha paṇḍita? Ba vị quân sư thưa rằng: - Thưa quân sư, quân sư là người nhận thanh gươm báu. Vậy, chính quân sư là người chặt đầu Mahosadha paṇḍita, còn 3 chúng tôi sẽ tiếp sức với quân sư. Sau đó, vị quân sư Senaka hỏi 3 vị quân sư rằng: - Này quý vị! Chuyện bí mật của mình nên tiết lộ cho người thân mà mỗi vị đã tâu với Đức Vua, chuyện bí mật của mỗi vị đã có xảy ra rồi phải không? - Thưa quân sư, chuyện bí mật đã có xảy ra rồi, còn chuyện bí mật mà quân sư đã tâu với Đức Vua cũng đã xảy ra rồi phải không? - Này quý vị! Chuyện bí mật ấy chính tôi đã làm từ lâu. - Thưa quân sư, nếu vậy, thì xin quân sư tiết lộ cho chúng tôi biết với. - Thưa quý vị, nếu chuyện bí mật ấy mà Đức Vua biết được thì chắc chắn tôi bị chém đầu. - Thưa quân sư, đây chỉ có chúng tôi mà thôi, xin quân sư tiết lộ cho chúng tôi biết, có gì đáng sợ đâu!
* Vị quân sư Senaka tiết lộ chuyện bí mật của mình cho 3 vị quân sư kia rằng: - Này quý vị! Quý vị có biết cô kỷ nữ xinh đẹp (tên ấy) trong kinh thành Mithilā này hay không? - Thưa quân sư, chúng tôi đều biết cô kỷ nữ xinh đẹp ấy, nhưng bây giờ cô kỷ nữ ấy ở đâu, không ai biết. - Này quý vị! Tôi đã hãm hiếp cô kỷ nữ trong vườn cây sālā, rồi giết cô chết. Tôi đã lấy tất cả đồ nữ trang của cô ta gói lại trong tấm áo choàng của cô, rồi đem treo trên ngà voi trong phòng của tôi. Chuyện bí mật này, tôi chỉ tiết lộ cho người bạn thân thiết của tôi biết mà thôi. Và bạn thân của tôi cũng giấu kín chuyện này. Do đó, tôi tâu với Đức Vua rằng: “Chuyện bí mật của mình chỉ nên tiết lộ cho người bạn thân thiết của mình mà thôi”. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nằm yên, lắng tai nghe rõ rồi ghi nhớ chuyện bí mật của vị quân sư Senaka như vậy.
* Tiếp đến, vị quân sư Pukkusa tiết lộ chuyện bí mật của mình rằng: - Thưa quý vị, tôi mắc bệnh ngoài da, lở loét ở bắp vế, chỉ có người em trai yêu quý của tôi biết mà thôi. Hằng ngày, em trai của tôi thoa thuốc, băng bó vết thương ấy. Đức Vua Vedeha thương yêu tôi, đôi khi Đức Vua nằm gối đầu trên chỗ vết thương ấy. Nếu Đức Vua biết tôi mắc bệnh ngoài da, lở loét ở bắp vế như vậy, thì sinh mạng của tôi không được an toàn. Do đó, tôi tâu với Đức Vua rằng: “Chuyện bí mật của tôi chỉ nên tiết lộ cho người em trai thân thích của tôi mà thôi”.
* Tiếp đến vị quân sư Kāminda tiết lộ chuyện bí mật của mình rằng: - Thưa quý vị, thường vào ngày uposathasīla cuối tháng, một Dạ-xoa tên Naradeva nhập vào tôi khiến cho tôi tru như con chó. Chuyện bí mật này chỉ có người con trai yêu quý của tôi biết mà thôi. Khi Người con ấy biết tôi bị Dạ-xoa nhập, nó đưa tôi vào nằm ở phòng trong rồi đóng cửa lại, bên ngoài, nó cho đoàn ca hát biểu diễn làm át tiếng tru như chó của tôi, cho đến khi Dạ-xoa thoát ra. Do đó, tôi tâu với Đức Vua rằng: “Chuyện bí mật của cha chỉ tiết lộ cho người con yêu quý của mình mà thôi”.
* Tiếp đến, vị quân sư Devinda tiết lộ chuyện bí mật của mình rằng: - Thưa quý vị, Đức Vua Vedeha truyền bảo tôi làm phận sự lau chùi viên ngọc maṇi, đem lại mọi sự hạnh phúc an lành cho triều đình. Tôi đã lấy trộm viên ngọc maṇi ấy đem về đưa cho mẹ tôi cất giữ, mẹ tôi không nói cho ai biết cả. Mỗi khi tôi đi chầu Đức Vua thì mẹ tôi lại trao viên ngọc maṇi ấy cho tôi đem theo bên người. Nhờ oai lực viên ngọc maṇi ấy mà Đức Vua thường ban cho tôi nhiều phẩm vật quý giá hơn quý vị. Do đó, tôi tâu với Đức Vua rằng: “Chuyện bí mật của con chỉ tiết lộ cho người mẹ yêu quý của con biết mà thôi”. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nằm yên, lắng tai nghe rõ chuyện bí mật của 4 vị quân sư tiết lộ cho nhau nghe, như tự mình mổ ngực để lộ những bộ phận bên trong người. Khi ấy, vị quân sư Senaka nhắc bảo rằng: - Xin quý vị chớ nên dể duôi, sáng mai giúp nhau chặt đầu Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ. Họ hứa hẹn với nhau rồi chia tay trở về tư dinh của mình. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita cũng trở về tư dinh, tắm rửa, ăn uống ngon lành xong truyền bảo gia nhân trước khi vào phòng ngủ rằng: - Này các ngươi! Đêm nay, khi người thân tín của Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī đem tin đến thì các người hãy báo cho ta biết ngay. Đêm hôm ấy, Đức Vua Vedeha nằm trên long sàng không ngủ được, hồi tưởng lại ân đức của Mahosadha paṇḍita: “Mahosadha paṇḍita đã đến phụng sự giúp ta từ khi 7 tuổi cho đến nay trải qua thời gian nhiều năm tháng. Mahosadha paṇḍita là bậc đại thiện trí, có trí tuệ siêu việt chưa từng có điều gì làm cho ta buồn, dù là chuyện nhỏ. Chuyện 4 câu hỏi của chư thiên vừa qua, nếu không có Mahosadha paṇḍita giúp giải đáp thì sinh mạng của ta đâu còn cho đến ngày hôm nay. Vậy, tại sao ta có thể tin lời 4 vị quân sư thường có tính ganh tị với Mahosadha paṇḍita. Khi ta chưa suy xét kỹ mà ta đã truyền lệnh chặt đầu Mahosadha paṇḍita bằng thanh gươm báu. Ôi! bắt đầu từ ngày mai, ta sẽ không còn thấy Mahosadha paṇḍita nữa!” Đức Vua nằm than vãn như vậy, phát sinh nỗi khổ tâm, sầu não cùng cực, nóng nảy, mặt mày âu sầu không sao ngủ được. Khi ấy, Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī ngự đến thấy Đức Vua Vedeha trong trạng thái bất an như vậy bèn tâu rằng: - Muôn tâu Hoàng Thượng, có chuyện gì làm cho long thể Hoàng Thượng bất an, xin Hoàng Thượng truyền bảo cho thần thiếp biết được không? - Này ái khanh Udumbaradevī! Bốn vị quân sư tâu với Trẫm rằng Mahosadha paṇḍita có mưu đồ phản bội, là kẻ thù của Trẫm. Cho nên, Trẫm đã trao thanh gươm báu và truyền lệnh bốn vị quân sư sáng ngày mai chặt đầu Mahosadha paṇḍita. Trẫm hồi tưởng đến ân đức của Mahosadha paṇḍita đã tận tình phụng sự và cứu giúp Trẫm thoát chết. Mahosadha paṇḍita là bậc đại thiện trí, có trí tuệ siêu việt. Bắt đầu từ ngày mai, Trẫm sẽ không còn nhìn thấy Mahosadha paṇḍita nữa. Thà là Trẫm chịu chết còn hơn là để Mahosadha paṇḍita chết. - Này ái khanh Udumbaradevī! Đó là nguyên nhân làm cho Trẫm phát sinh khổ tâm, sầu não cùng cực như vậy. Nghe Đức Vua Vedeha truyền như vậy, Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī cũng phát sinh khổ tâm vì thương yêu em trai Mahosadha paṇḍita, Bà nghĩ: “Ta nên tìm cách an ủi để Đức Vua an tâm ngủ say, ta sẽ báo tin này đến Mahosadha paṇḍita, em của ta biết”. Nghĩ xong Bà tâu rằng: - Tâu Hoàng Thượng, Hoàng Thượng đã ban cho Mahosadha paṇḍita chức quan Thừa tướng cao nhất trong triều đình. Bây giờ, nếu Mahosadha paṇḍita có mưu đồ phản bội, là kẻ thù của Hoàng Thượng thì Hoàng Thượng truyền lệnh như vậy cũng hợp pháp rồi. Kính xin Hoàng Thượng an tâm. Nghe lời tâu của Chánh cung Hoàng hậu Udumbara-devī như vậy, Đức Vua Vedeha giảm bớt nỗi khổ tâm nóng nảy, nằm ngủ say. Sau đó, Bà trở về phòng riêng viết tin báo cho Mahosadha paṇḍita biết rằng: - Này Mahosadha paṇḍita em yêu quý! Bốn vị quân sư tâu với Đức Vua rằng: “Em là người phản bội, là kẻ thù của Đức Vua, nên Đức Vua nổi cơn thịnh nộ, trao thanh gươm báu, Đức Vua truyền lệnh cho 4 vị quân sư sáng ngày mai chặt đầu em tại cửa thành cung điện”. Vậy, sáng ngày mai, nếu em đến chầu Đức Vua thì nên đi cùng với đoàn tuỳ tùng. Viết xong, Bà đặt vào trong ống, đậy nắp, đóng dấu rồi truyền bảo người thân tín đem trao tận tay Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Nhận được tin của Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī, Ngài đọc xong biết đúng như chuyện đã biết nên ngủ lại cho đến sáng. Sáng sớm hôm sau, 4 vị quân sư mang thanh gươm báu đến đứng chờ trước của cung điện, không thấy Mahosadha paṇḍita đến chầu như thường ngày. Họ thất vọng, đi vào chầu Đức Vua. Nhìn thấy họ, Đức Vua truyền hỏi rằng: - Các khanh đã chặt đầu Thừa tướng Mahosadha paṇḍita rồi phải không? - Tâu Bệ hạ, chúng thần đứng chờ trước cửa cung điện, nhưng sáng nay Thừa tướng Mahosadha paṇḍita không đến chầu Bệ hạ như thường ngày. Sáng hôm ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita thức dậy, tắm rửa, ăn uống ngon lành rồi trang phục đầy đủ, cỡi chiếc xe báu có đoàn tuỳ tùng theo sau đi vào chầu Đức Vua. Khi ấy, Đức Vua đứng trên lâu đài, nhìn thấy Mahosadha paṇḍita cùng đoàn tuỳ tùng đến, Ngài bước xuống xe, từ xa đảnh lễ Đức Vua một cách cung kính. Nhìn thấy cử chỉ đảnh lễ của Ngài, Đức Vua Vedeha nghĩ: “Nếu Mahosadha paṇḍita là kẻ phản bội, là kẻ thù của ta thì chắc chắn không đảnh lễ ta một cách cung kính như vậy”. Nghĩ xong, Đức Vua truyền gọi Đức Bồ Tát vào chầu. Ngài vào đảnh lễ Đức Vua thêm một lần nữa rồi ngồi một nơi hợp lẽ, 4 vị quân sư cũng đều ngồi chỗ của mình. Khi ấy, Đức Vua làm bộ như không biết chuyện gì nên truyền hỏi rằng: - Này Mahosadha paṇḍita! Hôm qua khanh xin phép trở về trước, hôm nay, khanh đến trễ cùng với đoàn tuỳ tùng. Vậy, khanh có điều gì không hài lòng, khanh hãy tâu cho Trẫm rõ. Đức Bồ Tát tâu Mahosadha paṇḍita rằng: - Tâu Đại Vương, chuyện bí mật nào mà Đại Vương truyền lệnh cho 4 vị quân sư, chuyện bí mật nào mà Đại Vương truyền bảo với Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī… Những chuyện bí mật ấy, kẻ hạ thần này đã biết rõ cả rồi. Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu như vậy, nên Đức Vua Vedeha nổi cơn thịnh nộ do nghĩ: “Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī báo tin này cho Mahosadha paṇḍita biết”. Biết Đức Vua đang nổi cơn thịnh nộ, nên Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng: - Tâu Đại Vương, hạ thần biết được chuyện đã xảy ra trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Nếu Đại Vương nghĩ rằng chuyện bí mật của Đại Vương do Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī báo tin cho hạ thần biết, thì còn những chuyện bí mật của 4 vị quân sư do ai báo cho hạ thần, mà hạ thần cũng đều biết rõ những chuyện bí mật ấy. - Tâu Đại Vương, * Chuyện bí mật của quân sư Senaka như sau: “Quân sư Senaka đã tạo ác nghiệp thấp hèn, hãm hiếp cô kỷ nữ (tên ấy) rồi giết cô tại vườn Sālā trong kinh thành Mithilā này, rồi lấy tất cả đồ trang sức gói lại trong tấm áo choàng của cô, đem về treo trên chiếc ngà voi trong phòng của mình. Ông chỉ tiết lộ chuyện bí mật này cho một người bạn thân thiết mà thôi. Chuyện bí mật của ông ta đã được hạ thần biết như vậy”. Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân sư Senaka như vậy, Đức Vua Vedeha nhìn ông, truyền hỏi rằng: - Này Senaka! Chuyện đó có thật vậy hay không? - Tâu Bệ hạ, chuyện đó có thật, đúng như vậy. Đức Vua Vedeha truyền lệnh bắt quân sư Senaka đem giam trong khám, chờ xét xử.
* Tiếp đến, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân sư Pukkusa như sau: - Tâu Đại Vương, quân sư Pukkusa mắc bệnh ngoài da ở bắp vế, lở loét khó trị, không được phép gần gũi với Đại Vương. Thế mà ông ta để cho Đại Vương nằm gối đầu trên bắp vế mắc bệnh được băng bó kín ấy. Ông chỉ tiết lộ chuyện bí mật cho người em trai thân thiết của quân sư mà thôi. Chuyện bí mật của ông ta đã được hạ thần biết như vậy”. Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân sư Pukkusa như vậy, Đức Vua Vedeha nhìn ông, truyền hỏi rằng: - Này Pukkusa! Chuyện đó có thật vậy hay không? - Tâu Bệ hạ, chuyện đó có thật, đúng như vậy. Đức Vua Vedeha truyền lệnh bắt quân sư Pukkusa đem giam trong khám, chờ xét xử.
* Tiếp đến, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân sư Kāminda như sau: - Tâu Đại Vương, quân sư Kāminda bị Dạ-xoa Naradeva nhập vào. Khi bị Dạ-xoa nhập vào, ông ta tru lên như con chó điên. Ông chỉ tiết lộ chuyện bí mật này cho con trai yêu quý mà thôi. Chuyện bí mật của ông đã được hạ thần biết như vậy. Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân sư Kāminda như vậy, Đức Vua Vedeha nhìn ông, truyền hỏi rằng: - Này Kāminda! Chuyện đó có thật vậy hay không? - Tâu Bệ hạ, chuyện đó có thật, đúng như vậy. Đức Vua Vedeha truyền lệnh bắt quân sư Kāminda đem giam trong khám, chờ xét xử. * Tiếp đến, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân sư Devinda như sau: - Tâu Đại Vương, Đại Vương truyền quân sư Devinda làm phận sự lau chùi viên ngọc maṇi, quốc bảo của triều đình. Ông tự trộm cắp viên ngọc maṇi ấy đem về tư dinh. Ông chỉ tiết lộ chuyện bí mật này cho người mẹ kính yêu của Ông biết mà thôi. Chuyện bí mật của ông ta đã được hạ thần biết như vậy. Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân sư Devinda như vậy, Đức Vua Vedeha nhìn ông, truyền hỏi rằng: - Này Devinda! chuyện đó có thật vậy hay không? - Tâu Bệ hạ, chuyện đó có thật, đúng như vậy. Đức Vua Vedeha truyền lệnh bắt quân sư Kāminda đem giam trong khám, chờ xét xử. Bốn vị quân sư bày mưu kế thâm độc để hại Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, nhưng không thành tựu, ngược lại, họ bị giam trong khám. Khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng: - Tâu Đại Vương, bốn vị quân sư tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người khác biết, cho nên, họ phải chịu hậu quả tai hại như vậy. Vì vậy, hạ thần tâu rằng: “Không nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người khác biết”. - Tâu Đại Vương, chuyện bí mật của mình nên giữ kín là điều tốt, tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người khác là điều không tốt. Khi nào nguyện vọng của mình chưa thành tựu, bậc thiện trí nên nhẫn nại chờ đợi, không nên tiết lộ chuyện bí mật cho một ai biết, đến khi thành tựu thì hãy nên cho mọi người biết. Không nên tiết lộ chuyện bí mật của mình, mà nên giữ gìn chuyện bí mật ấy như người giữ gìn kho báu. Người biết chuyện bí mật thì không nên tiết lộ, đó là điều tốt. Bậc thiện trí không nói chuyện bí mật cho người nữ giới và kẻ thù, cũng không nói điều suy nghĩ của mình cho kẻ thù và những người không phải bạn thân. Người nói chuyện bí mật với người thân tín lúc ban ngày, thì phải tìm nơi vắng vẻ. Khi nói chuyện bí mật lúc ban đêm thì nói nhỏ vừa đủ nghe, không để âm thanh vọng ra bên ngoài. Bởi vì nếu có người nghe lén chuyện bí mật thì chuyện bí mật ấy sẽ bị lộ ra bên ngoài, nhiều người biết. Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita thuyết giảng về chuyện bí mật như vậy, Đức Vua Vedeha nổi cơn thịnh nộ bốn vị quân sư đã bày mưu kế thâm độc để sát hại hoàng tử Mahosadha paṇḍita. Đức Vua liền truyền lệnh cho lính đưa 4 vị quân sư ra khỏi thành, đặt nằm trên bàn chông rồi chặt đầu họ. Họ bị buộc 2 tay ra đằng sau, bị đánh 100 roi rồi dắt đến chỗ hành hình. Khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng: - Tâu Đại Vương, bốn vị quân sư đã phụng sự, giúp Đại Vương đã nhiều năm qua, kính xin Đại Vương tha tội cho 4 vị quân sư ấy. Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita khẩn khoản xin tha tội cho 4 vị quân sư, Đức Vua Vedeha chuẩn tấu, rồi gọi họ vào, truyền bảo rằng: - Từ nay, các ngươi trở thành người tôi tớ của quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita. Ngay khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita lại xoá bỏ kiếp tôi tớ cho 4 vị quân sư ấy. Đức Vua Vedeha truyền lệnh đuổi họ ra khỏi đất nước Videharaṭṭha. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu lên Đức Vua rằng: - Tâu Đại Vương, kính xin Đại Vương tha tội cho 4 vị quân sư ấy và xin phục chức quân sư trở lại như trước. Đức Vua Vedeha phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita do nghĩ: “Mahosadha paṇḍita có tâm từ, tâm bi đến kẻ thù như vậy, huống gì đối với tất cả chúng sinh khác”. Nghĩ xong, Đức Vua hoan hỷ tha tội cho 4 vị quân sư. Từ đó, họ không dám bày mưu, tính kế hại Đức Bồ Tát nữa.
Củng Cố Kinh Thành Mithilā
Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita được Đức Vua Vedeha hoàn toàn tin cậy nên nghĩ: “Ta là quan Thừa tướng cao nhất trong triều, ta phải có bổn phận bảo vệ ngai vàng của Đức Vua, bảo vệ kinh thành Mithilā, bảo vệ đất nước Videharaṭṭha này”. Vì nghĩ như vậy, nên Ngài dâng biếu lên Đức Vua Vedeha, xin củng cố kinh thành Mithilā thật kiên cố. Kinh thành Mithilā được Ngài củng cố như sau: * Xây thành trì vững chắc bao bọc, * Xây lại 4 cửa thành vững chắc, * Đào 3 con đường nước sâu vòng quanh bên ngoài kinh thành Mithilā, nuôi cá sấu trong các con đường nước ấy. * Sửa chữa các trại lính, tập luyện các đoàn quân tinh nhuệ dũng cảm. * Đào nhiều hồ nước lớn bên trong kinh thành và làm đường thông nước ra vào trong và ngoài thành, v.v… Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita là bậc đại thiện trí có trí tuệ siêu việt thấy xa hiểu rộng, nên củng cố thành trì kiên cố vững chắc bên trong, bên ngoài, để có thể ngăn chận được quân giặc ngoại xâm trong thời vị lai.
Đức Bồ Tát Tổ Chức Đội Lính Điệp Viên Khi gặp các đoàn lái buôn từ các nước khác đến, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita ân cần thăm hỏi họ, hỏi về Đức Vua của họ. Đức Bồ Tát nghĩ: “Để giữ gìn trong đất nước được thanh bình, dân chúng được sống an cư lạc nghiệp, ta nên có quan hệ xã giao với các nước láng giềng xung quanh, để biết mọi hoạt động của các nước ấy”. Cho nên, Ngài tuyển chọn 101 người lính tài giỏi, xuất sắc, trung thành tuyệt đối với Ngài và đất nước Videharaṭṭha, rồi bảo họ rằng: - Này các bạn thân mến! Tất cả các bạn gồm 101 người, mỗi người mang những tặng phẩm quý giá này đến mỗi kinh thành dâng lên Đức Vua của nước ấy, rồi xin ở phục vụ Đức Vua ấy. Hằng ngày đêm, mỗi người có phận sự theo dõi công việc triều chính, nếu có hành động nào khả nghi thì các bạn hãy gửi tin cho tôi biết. Toàn thể gia đình, vợ con, cha mẹ, bà con của các bạn có tôi lo cung cấp, nuôi dưỡng đầy đủ, các bạn chớ nên bận tâm, lo lắng gì cả. Những tặng phẩm ấy là một bộ đồ trang phục của Đức Vua, một thanh gươm báu, một đôi hia vàng, một vòng hoa vàng. Đức Bồ Tát ghi dòng chữ trên mỗi món đồ, rồi phát nguyện: “Nếu khi nào sự việc của tôi cần thì chỉ khi ấy dòng chữ này mới hiện rõ mà thôi”. Sau đó, Ngài trao những tặng phẩm ấy cho mỗi người lính tin cẩn của mình đem đến dâng lên Đức Vua của nước ấy. 101 người lính của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đến phục vụ cho 101 Đức Vua của 101 nước trong toàn cõi Nam thiện bộ châu. Họ là những lính điệp viên gửi tin tức về cho Ngài. Do đó, Đức Bồ Tát ở tại kinh thành Mithilā mà có thể biết được mọi hoạt động của các Đức Vua trong toàn cõi Nam thiện bộ châu. Một thời gian sau, một người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita gửi tin về báo rằng “Các đội binh của đất nước Kapilaraṭṭha đang chuẩn bị, tôi không biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Xin thượng quan gửi con vẹt trí tuệ Suvapaṇḍita bay đến đây do thám, để biết rõ hơn”.
Con Vẹt Trí Tuệ Suvapaṇḍita
Nhận được tin của lính điệp viên, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita gọi Suvapaṇḍita đến bảo rằng: - Này Suvapaṇḍita yêu quý! Con hãy bay đến đất nước Kapilaraṭṭha, do thám tình hình kinh thành Uttarapañcāla như thế nào, rồi con bay một vòng đến các kinh thành khác xem xét, do thám tình hình các Đức Vua như thế nào rồi con bay trở về báo cho ta biết. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita ân cần săn sóc con vẹt Suvapaṇḍita ăn uống bổ dưỡng đầy đủ, lấy dầu thoa đôi cánh cho khỏe, rồi thả bay đi do thám. Nó bay đến kinh thành Uttarapañcāla đất nước Kapilaraṭṭha do thám xong, rồi bay đến các kinh thành khác quan sát, do thám tình hình tại mỗi kinh thành xong, nó bay trở lại kinh thành Uttarapañcāla do thám một lần nữa. Thời kỳ ấy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ngự tại kinh thành Uttarapañcāla, có vị quân sư là Bà-la-môn Kevaṭṭa. Hôm ấy, vị quân sư Kevaṭṭa đến chầu Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, tâu rằng: - Tâu Chúa Thượng, hạ thần có chuyện bí mật, xin tâu lên Chúa Thượng. Trong kinh thành không có chỗ vắng vẻ, kính thỉnh Chúa Thượng ngự đến vườn thượng uyển. Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta chuẩn tấu rồi ngự vào vườn thượng uyển cùng với vị Bà-la-môn quân sư Kevaṭṭa, có đoàn quân hộ giá. Khi đến vườn thượng uyển, Đức Vua truyền lệnh đoàn quân hộ giá canh gác bên ngoài, chỉ có Đức Vua ngự vào trong vườn thượng uyển cùng với vị quân sư Kevaṭṭa mà thôi. Đức Vua ngự trên tảng đá an lành, còn quân sư Kevaṭṭa ngồi gần bên. Khi ấy, con vẹt Suvapaṇḍita theo dõi Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta và quân sư Kevaṭṭa, thấy thái độ khả nghi, nên nó nghĩ: “Quân sư Kevaṭṭa chắc chắn có chuyện bí mật, hệ trọng tâu lên Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta tại nơi này. Hôm nay, ta sẽ được nghe chuyện bí mật của các ngươi, để bay về báo cho chủ ta biết”. Nghĩ xong, nó bay đậu trên cành cây gần tảng đá an lành, có lá cây che kín. Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo quân sư Kevaṭṭa rằng: - Thưa quân sư, chuyện bí mật như thế nào, quân sư tâu cho Trẫm rõ. - Tâu Chúa Thượng, chuyện bí mật này chỉ được nghe bằng 2 lỗ tai của Chúa Thượng và 2 lỗ tai của hạ thần mà thôi. Tâu Chúa Thượng, nếu Chúa Thượng thực hiện theo kế sách của hạ thần thì Chúa Thượng sẽ trở thành Đức Vua cao cả nhất trong toàn cõi Nam thiện bộ châu này. Nghe quân sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta rất hài lòng bởi tâm tham vọng làm bá chủ trong toàn cõi Nam thiện bộ châu này, nên Đức Vua truyền bảo rằng: - Thưa quân sư, xin quân sư tâu cho Trẫm rõ, Trẫm sẽ thực hiện theo kế sách của quân sư. Quân sư Kevaṭṭa tâu kế sách rằng: - Tâu Chúa Thượng, Chúa Thượng dẫn đầu các đoàn binh đến vây hãm bên ngoài kinh thành nước nhỏ ấy, còn hạ thần làm sứ giả vào kinh thành yết kiến Đức Vua nước ấy tâu rằng: “Tâu Đức Vua, Đức Vua là vua của một nước nhỏ, sức yếu, không nên đương đầu với các đội binh hùng mạnh của nước lớn. Điều tốt nhất, Đức Vua nên thần phục Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta rồi Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ tấn phong Đức Vua lại như cũ. Nếu Đức Vua đương đầu với các đội binh hùng mạnh của nước lớn thì chắc chắn Đức Vua sẽ bị chiến bại rồi sẽ bị giết chết thê thảm”. Nếu Đức Vua ấy chịu thần phục thì Chúa Thượng tấn phong Đức Vua ấy làm vua như cũ, rồi bắt Đức Vua ấy theo Chúa Thượng và sát nhập các đoàn binh nước nhỏ ấy vào các đoàn binh của Chúa Thượng. Nếu Đức Vua ấy không chịu thần phục thì Chúa Thượng tiến quân xâm nhập vào chiếm kinh thành, bắt giết Đức Vua nước ấy, đem các đoàn binh nước nhỏ ấy sát nhập vào các đoàn binh của Chúa Thượng. Theo kế sách như vậy, Chúa Thượng chiếm 101 kinh thành, bắt 101 Đức Vua làm chư hầu, gồm 101 các đội binh của nước ấy sát nhập vào các đoàn binh hùng mạnh của Chúa Thượng. Khi nào Chúa Thượng đã toàn thắng, đã chiếm 101 kinh thành, bắt 101 Vua chư hầu, khi ấy, Chúa Thượng cho tổ chức đại lễ mừng chiến thắng, cho mời 101 Vua chư hầu đến tham dự, uống rượu, ăn mừng chiến thắng ấy. Trong mỗi hũ rượu và đồ ăn uống của mỗi Đức Vua sẽ được trộn thuốc độc, khi 101 Vua chư hầu uống rượu, ăn thịt mừng trong buổi đại lễ ấy đều bị băng hà cả thảy. Khi ấy, Chúa Thượng đương nhiên sẽ trở thành vị Đại Vương cao cả nhất (aggamahārājā) trong toàn cõi Nam thiện bộ châu này. Nghe quân sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ truyền rằng: - Thưa quân sư Kevaṭṭa, thật là diệu kế! Thật là đại tài! Trẫm sẽ thực hiện theo kế sách của quân sư. Quân sư Kevaṭṭa tâu rằng: - Tâu Chúa Thượng, chuyện bí mật này chỉ có Chúa Thượng và hạ thần biết mà thôi, ngoài ra, không một ai có thể biết được. - Tâu Chúa Thượng, xin Chúa Thượng nên thực hiện sớm. Được nghe trọn vẹn chuyện bí mật của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta và quân sư Kevaṭṭa, con vẹt Suvapaṇḍita (con vẹt trí tuệ) bay sà xuống, ỉa phẩn rơi trên đầu quân sư Kevaṭṭa, ông vừa ngẩng mặt lên, la rằng “Phẩn gì đây?” thì nó lại ỉa phẩn rơi vào miệng ông ta, rồi bay mau rời khỏi nơi ấy. Nó nghĩ: “Này Kevaṭṭa! Chuyện bí mật ấy không chỉ 4 lỗ tai được nghe mà còn 2 lỗ tai của ta và sẽ có 2 lỗ tai của chủ ta Mahosadha paṇḍita cũng được nghe nữa”. Con vẹt Suvapaṇḍita bay thẳng về kinh thành Mithilā, đến tư dinh của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, đậu trên vai của Đức Bồ Tát, có nghĩa là chuyện bí mật này chỉ nói một mình Ngài biết mà thôi. (Nếu nó đậu trên bắp vế của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita thì có nghĩa là chuyện ấy nói cho Ngài và phu nhân Amarādevī biết. Nếu nó đậu dưới nền thì có nghĩa là chuyện ấy nói cho mọi người đều biết). Hiểu ý con vẹt Suvapaṇḍita, Đức Bồ Tát đem nó lên trên lâu đài rồi hỏi rằng: - Này Suvapaṇḍita yêu quý! Con đã thấy, đã nghe biết chuyện gì phải không? Con vẹt Suvapaṇḍita thưa rằng: - Kính thưa chủ nhân, con bay do thám đến các kinh thành của các Đức Vua khác trong cõi Nam thiện bộ châu thì tình hình vẫn bình thường, duy chỉ có Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ngự tại kinh thành Uttarapañcāla, trị vì đất nước Kapilaraṭṭha, có mưu đồ làm bá chủ toàn cõi Nam thiện bộ châu này, do chuyện bí mật mà con đã nghe tại vườn thượng uyển.. Con vẹt Suvapaṇḍita tường thuật đầy đủ lại mọi chi tiết, chuyện bí mật mà vị quân sư Kevaṭṭa tâu lên Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta và nhắc lại câu: “Tâu Chúa Thượng, chuyện bí mật này chỉ có Chúa Thượng và hạ thần biết mà thôi. Ngoài ra, không một ai có thể biết được…”. Nghe nó tường thuật lại chi tiết đầy đủ chuyện bí mật ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita hỏi: - Này Suvapaṇḍita yêu quý! Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta có chuẩn y theo kế sách của quân sư Kevaṭṭa không? - Kính thưa chủ nhân, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta rất hài lòng, vô cùng hoan hỷ sẽ thực hiện theo kế sách của quân sư Kevaṭṭa. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita ân cần, chăm sóc đặc biệt con vẹt Suvapaṇḍita, thoa dầu đôi cánh cho nó, cho ăn uống những thứ bổ dưỡng rồi cho nằm nghỉ trong chiếc lồng vàng, đầy đủ tiện nghi. Ngài nghĩ: “Quân sư Kevaṭṭa chưa biết ta nhiều, ta sẽ làm cho kế sách của y trở thành vô hiệu, dù Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta dẫn các đoàn binh hùng mạnh nhất đến vây kinh thành Mithilā này, cũng vẫn bị thua kế của ta, rồi bỏ chạy.” Nghĩ cách chống đỡ và tự vệ lâu dài, Đức Bồ Tát ra lệnh dời những gia đình nghèo ra ngoài thành và dời những gia đình phú hộ giàu có, gia đình có chức quyền vào ở trong kinh thành, cho làm nhiều kho chứa đầy thóc gạo, chứa đầy muối ăn, chứa đầy các thứ nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Quy hoạch vùng kinh tế, vùng trồng hoa màu,… dân chúng trong kinh thành có thể sống tự túc lâu ngày, nếu khi kinh thành bị quân địch bao vây.
Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta Chiếm 101 Kinh Thành
Thực hiện theo kế sách mà vị quân sư Kevaṭṭa tâu, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta thân chinh dẫn đầu các đoàn binh đến vây hãm kinh thành của nước nhỏ, còn quân sư Kevaṭṭa làm sứ giả vào trong kinh thành để thuyết phục Vua nước ấy chịu thần phục Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta. Sau đó, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ngự vào kinh thành nước ấy, rồi tấn phong Vua nước ấy trở lại làm Vua chư hầu của mình, và sát nhập các đoàn binh của nước ấy tăng cường vào các đoàn binh của Đức Vua. Và cũng theo kế sách ấy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với Vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh đã tăng cường, đến vây hãm kinh thành của nước nhỏ khác, khiến Vua nước ấy cũng phải chịu thần phục Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta và trở thành Vua chư hầu của Đức Vua. Cứ theo kế sách như vậy. Sau 7 năm 7 tháng 7 ngày, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta đã chiếm được 101 kinh thành, có được 101 Vua chư hầu, tăng cường các đoàn binh rất hùng mạnh chưa từng có với số lượng 18 akkhobhiṇī([1]), nhưng chỉ còn kinh thành Mithilā của Đức Vua Vedeha, đất nước Videharaṭṭha, chưa chiếm được mà thôi. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita thường nhận được tin tức từ những người lính điệp viên của mình gửi về báo cho biết suốt cuộc hành trình của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta chiếm được các kinh thành. Sau khi đã chiếm được 101 kinh thành, có được 101 Đức Vua chư hầu, có các đoàn binh hùng mạnh như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức Vua chư hầu dự định thân chinh dẫn đầu các đoàn binh đến vây hãm kinh thành Mithilā, để bắt Đức Vua Vedeha phải chịu thần phục. Những người lính điệp viên của Đức Bồ Tát Mahosadha gửi tin về báo cho Ngài biết: “Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta dự định đem các đoàn binh đến vây hãm kinh thành Mithilā, để bắt Đức Vua Vedeha phải chịu thần phục. Kính xin thượng quan chớ nên dể duôi”. Biết được ý định của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ thân chinh dẫn đầu các đoàn binh đến vây hãm kinh thành Mithilā, vị quân sư Kevaṭṭa đến chầu Đức Vua tâu khuyên can rằng: - Tâu Chúa Thượng, kính xin Chúa Thượng không nên đem các đoàn binh vây hãm kinh thành Mithilā, bởi vì trong kinh thành Mithilā có vị Thừa tướng Mahosadha paṇḍita có trí tuệ siêu việt, có nhiều mưu kế khôn cùng. Vả lại, xung quanh kinh thành Mithilā được bảo vệ rất kiên cố vững chắc, các đoàn quân không dễ gì xâm nhập vào bên trong được. - Tâu Chúa Thượng, Chúa Thượng đã chiếm 101 kinh thành, đã có 101 Vua chư hầu, Chúa Thượng là một Đại Vương cao cả nhất trong cõi Nam thiện bộ châu này, còn kinh thành Mithilā, đất nước Videharaṭṭha nhỏ bé, có đáng gì đâu mà Chúa Thượng quan tâm đến. Vậy, kính xin Chúa Thượng ngự dẫn đầu các đoàn binh trở về kinh thành Uttarapañcāla nghỉ ngơi. Nghe lời khuyên can của quân sư Kevaṭṭa, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức Vua chư hầu ngự dẫn đầu các đoàn binh trở về kinh thành Uttarapañcāla. Khi ấy, những người lính điệp viên gửi tin báo cho Đức Bồ Tát biết: “Nghe lời khuyên can của vị quân sư Kevaṭṭa, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Vua chư hầu hồi cung ngự trở về kinh thành Uttarapañcāla.” Nhận được tin ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita truyền lệnh: “Các ngươi hãy nên theo dõi hành vi của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta.” Một hôm, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền gọi quân sư Kevaṭṭa đến bèn truyền hỏi rằng: - Thưa quân sư Kevaṭṭa, bây giờ Trẫm nên làm gì nữa? [1] Akkhobhiṇī (akkhobhaṇī) có 2 cách tính: 1- Akkhobhiṇī: tính theo số lương là 10 lũy thừa 42 = 10 42 nghĩa là con số 1 theo sau 42 số không. 2- Akkhobhiṇī: tính theo các đoàn binh gồm có: Đoàn tượng binh có 21.870 con, đoàn mả binh có 65.610 con, đoàn binh xa có 21.870 chiếc, đoàn bộ binh 109.350 quân.
|