Thầy kính, 

Thưa thầy có được khỏe không? Hôm nay, thầy đi Thiền Viện Viên Không giảng thiền phải không ạ? 

Hôm nay, con cũng đi ăn giỗ bên nhà chồng con. Trong buổi lễ con có nói chuyện với người anh của chồng con, người học về ngành tâm lý học và làm trong bệnh viện về khoa tâm thần. Anh nói, ở Úc lúc này có rất nhiều người trong giới trung lưu (có tài sản, nghề nghiệp, địa vị vững chắc), nhưng lúc nào họ cũng cảm thấy buồn chán và cô đơn. Có nhiều người bỏ ngang công việc và muốn tiêu hủy tất cả. Theo sự nghiên cứu của các chuyên gia, những người này mắc phải bệnh trầm cảm và họ rất cần một bác sĩ tâm lý hoặc một vị Thầy nào đó phải thật là giỏi, để họ đặt tất cả niềm tin vào những vị này. Họ rất cần sự quan tâm của những người xung quanh. Đối với những người này, lúc nào cũng phải mềm mỏng và thương yêu họ, mới mong giúp họ thoát khỏi cơn bệnh... Có nhiều trường hợp mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ trở nên rất sâu đậm như những người thân trong gia đình. Nếu bệnh nặng hơn, thì cần phải uống thêm thuốc mỗi khi lên cơn.

Nghe đến đây, con chợt nghĩ đến một người bạn. Con cảm thấy bạn con rất may mắn được gặp thầy. Thầy như một người cha đã cứu bạn ấy thoát khỏi cơn bệnh trầm cảm này. Bạn ấy có kể con nghe rất nhiều về căn bệnh của mình, có đôi khi, bạn lên cơn bất tử. Lúc đó, bạn rất cần sự thương yêu và thông cảm của những người xung quanh, điều này sẽ giúp bạn ấy tự tin và yên tâm hơn là họ cứ tư vấn phải thế này thế nọ, hay bắt họ uống thuốc này thuốc nọ, chỉ tạo thêm áp lực mà thôi!

Người anh này cũng nghiên cứu rất nhiều về Thiền Nhật bản. Anh kể con nghe về câu chuyện "Thiền trong nghệ thuật bắn cung", tác giả Herrigel người Đức. Chắc thầy đã đọc qua cuốn sách này rồi, phải không ạ? Cuốn sách do ông Nguyễn Tường Bách dịch và giới thiệu. Nghe anh kể sơ lược câu chuyện con thấy rất thú vị thầy ạ! Câu chuyện kể rằng: Herrigel là một giáo sư triết học người Đức, ông qua Nhật Bản để học Thiền, và tại nơi đó, ông quen biết với một Thiền sinh Nhật. Người này rất thương yêu một cô gái, nhưng cô đó đã ra nước ngoài học. Anh khắc khoải trông chờ thư của cô. Mãi đến hai năm sau, anh mới nhận được thư của người yêu. Nhưng khi nhận thư anh không xé ra đọc liền, mà để lá thư trên bàn và vẫn làm công việc như thường. Thấy vậy, giáo sư Herrigel hỏi, sao không xé lá thư xem liền. Anh trả lời: “Thầy tôi dạy, khi làm tất cả việc gì phải để tâm thật bình tĩnh. Khi nhận lá thư này, tôi đang ở trong trạng thái hồi hộp xôn xao, nên đã không mở thư. Nếu trong cuộc sống hàng ngày, từ những chuyện nhỏ nhặt bình thường nhất mà ta không bình tĩnh, thì đứng trước một sự kiện lớn lao làm sao ta có sự bình tĩnh được...”

Qua bài học đó, Herrigel thành tựu được nghệ thuật bắn cung Nhật Bản sau sáu năm chăm chỉ học tập. Herrigel thuật lại con đường học Đạo đầy chông gai của mình. Bắn cung là một hoạt động của tâm hồn. Không phải bắn cung là chỉ để bắn trúng tâm điểm mà là học nghệ thuật lắp mũi tên, kéo cung, buông dây với tâm thái như thế nào cho đúng, nghĩa là nhìn thấy rõ tâm mình trong từng động tác v.v...

Thì ra những điều này thầy đều đã dạy: Ai biết sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành và biết khi nào cần thận trọng chú tâm quan sát thì sẽ tự ngăn ngừa, điều trị và thoát khỏi cơn khủng hoảng của chính mình, như bạn con đã nghe lời thầy mà thoát khỏi cơn bệnh. Quả là một bài học quý giá thưa thầy.

Và anh còn nói, muốn biết khả năng tu tập của một người, hãy xem “nghệ thuật sống” của họ như thế nào. Trong khi viết, vẽ, cắm hoa, dựng đá, nấu ăn, làm việc v.v... nghệ thuật ứng xử của người ấy sẽ nói lên khả năng giác ngộ của họ, phải không thưa thầy?

Kính chúc thầy luôn mạnh khỏe. 

Con, Như Tuệ.

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024