• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT

    (Tập 4)

  • Soạn giả: Hộ Pháp

Mục Lục

  • TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT

    Trí Tuệ Ba-la-mật Bậc Hạ

  •  
    Tích Mahosadhajataka
    Đức vua Vedeha nằm mộng
    Lễ đặt tên
    Xây dựng tòa nhà rộng lớn
    Đức vua Vedeha
    Chuyện miếng thịt
    Chuyện con bò
    Chuyện xâu chuỗi hột
    Cuộn chỉ vải
    Chuyện đứa con
    Chuyện người lùn tên Gotakala
    Chuyện chiếc xe
    Thử tài trí của đức Bồ tát Mahosadha Pandita

     
  • Trí Tuệ Ba-la-mật Bậc Hạ (tt)
  •  
    Thử tài trí của Đức Bồ tát Mahosadha Pandita (tt)
    Đức Vua đi mời công tử Mahosadha Pandita
    Chuyện con lừa đực với con ngựa báu
    Công tử Mahosadha Pandita trở thành hoàng tử
    Chuyện viên ngọc Mani
    Chuyện về con cắc kè
    Người thiếu phước với người đại phước
    Con dê và con chó làm bạn với nhau
     
  • Trí Tuệ Ba-la-mật Bậc Hạ (tt)
  •  
    Bậc đại trí tuệ với người có của cải
    Đức Bồ tát Mahosadha Pandita chọn bạn đời
    Đức Bồ tát rước cô Amara về kinh thành
    Thử lòng chung thủy
    Bốn vị quân sư âm mưu hại đức Bò tát
    Đức Bồ tát Mahosadha Pandita trốn đi lánh nạn
    Bốn vị quân sư bị mắc kế
      
  • Trí Tuệ Ba-la-mật Bậc Hạ (tt)
  •  
    Chư Thiên Tâu Hỏi 4 Câu Hỏi Với Đức Vua Vedeha
    Thỉnh mời Bồ tát Mahosadha Pandita trở về
    4 câu hỏi của chư Thiên
    Lập kế hại Bồ tát Mahosadha Pandita
    Củng cố kinh thành Mithila
    Đức Bồ tát tổ chức đội lính điệp viên
    Con vẹt trí tuệ Suvapandita
    Đức vua Culani Brahmadatta chiếm 101 kinh thành
      
  • Trí Tuệ Ba-la-mật Bậc Hạ (tt)
  •   
    Âm Mưu Sát Hại 101 Vua Chư Hầu
    Dhammayuddha - Trận đấu Pháp
    Khổ nhục kế
    Quân lính chạy trốn
    Khen thưởng vị thầy balamôn Anukevatta
      
  • Trí Tuệ Ba-la-mật Bậc Hạ (tt)
  •   
    Mỹ nhân kế
    Con vẹt Suvâpndita với con sáo mái Salika
    Xây dựng cung điện và đường hầm
    Con đường hầm
    Cung điện mới
      
  • Trí Tuệ Ba-la-mật Bậc Hạ (tt)
  •   
    Cung Điện Mới Của Đức Vua Vedeha Bị Vây Hãm
    Đại lễ thành hôn
    Giải cứu vua Vedaha và đoàn hộ giá
    Đức Bồ Tát Mahosadha Pandita với đức vua Culani Brahmadatta
    Biến thù thành bạn
      
  • Trí Tuệ Ba-la-mật Bậc Hạ (tt)
  •   
    Đức Bồ Tát Trở Về Kinh Thành Mithilā
    Lễ tiễn đưa ba vị hoàng thân
    Đức vua Vedeha băng hà
    Đức Bồ Tát giã từ Kinh Thành Mithilā
    Bậcđại thiện trí gặp bậc đại thiện trí
    Đức Bồ tát được thăng chức quan thừa tướng
    Câuhỏi Dakarakkasâpnha
    Xét về Đức (Guna) với Lỗi (Dosa)
    Tích Mahosadha Pandita liên quan đến kiếp hiện tại
    10 pháp hạnh ba-la-mật
    Nhận xét về tích đức Bồ tát Mahosadha Pandita
      
  • Trí Tuệ Ba-la-mật Bậc Hạ (tt)
  •    
    Trí tuệ có 3 loại

    Đoạn kết
    Sách tham khảo và Trích dẫn

     
      


Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.

    Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức A-ra-hán, Đức Chánh Đẳng Giác.

 

 

NỀN TẢNG PHẬT GIÁO

 

Quyển VI tập 4

 

TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT

(PAÑÑĀPĀRAMĪ)

 

Soạn giả: Tỳ  khưu Hộ Pháp

(Dhammarakkhita Bhikkhu)

(Aggamahāpaṇḍita)

 

 

Lời Nói Đầu

 

“Trí Tuệ Siêu Việt” tên của soạn phẩm này được tóm lược từ trong tích Mahosadhajātaka([1]), Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc hạ là một trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, cũng là 1 trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật (10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung và 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng) mà Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, lên 7 tuối đã có trí tuệ sáng suốt, thấy rõ, biết rõ mọi việc một cách sâu sắc, thấu suốt quá khứ, hiện tại, vị lai thật là phi thường.

 

Trí tuệ là gì?

 

Trí tuệ dịch từ tiếng Pāḷi: Paññā.

Paññā: Trí tuệ là tâm sở trí tuệ (Paññindriya-cetasika) đồng sinh với 47 hoặc 79 tâm tịnh hảo([2]) (sobhaṇacitta).

Trí tuệ tâm sở đồng sinh với 17 hoặc 33 thiện tâm: (kusalacitta) đó là 4 dục giới thiện tâm, 5 sắc giới thiện tâm, 4 vô sắc giới thiện tâm, 4 hoặc 20 Siêu tam giới thiện tâm.

 Sự thật, mỗi khi chúng sinh chết chỉ còn tất cả mọi thiện nghiệp, mọi ác nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo và đã tích luỹ từ vô thuỷ trải qua vô số tiền kiếp cho đến kiếp hiện tại của chúng sinh ấy mà thôi.

Sau khi chúng sinh ấy chết, nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, Atula, ngạ quỷ, súc sinh. Bị sinh trong cõi nào, thuộc hạng chúng sinh nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào quả của ác nghiệp mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong tiền kiếp.

Sau khi chúng sinh ấy chết nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì sinh trong các cõi thiện giới: Cõi người, 6 cõi trời dục giới, 16 cõi trời sắc giới, 4 cõi trời vô sắc giới. Được sinh trong cõi nào, thuộc hạng chúng sinh nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào quả của thiện nghiệp mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong tiền kiếp.

 

Trong đời này có 3 hạng người:

1- Hạng người tam nhân (tihetukapuggala) là hạng người vốn có đầy đủ 3 nhân: vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ) từ khi tái sinh đầu thai làm người với đại quả tâm hợp với trí tuệ.

Hạng người tam nhân này vốn có trí tuệ, nên trong kiếp hiện tại là người có khả năng đặc biệt dễ hiểu, dễ biết rõ các pháp cao siêu.

Nếu hạng người tam nhân này thực hành pháp hành thiền định thì có khả năng chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, các bậc thiền vô sắc, chứng đắc các phép thần thông.

Nếu hạng người tam nhân này thực hành pháp hành thiền tuệ thì có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh nhân trong Phật giáo.

2- Hạng người nhị nhân (dvihetukapuggala) là hạng người chỉ có 2 nhân: vô tham và vô sân mà không có si (trí tuệ) từ khi tái sinh đầu thai làm người với đại quả tâm không hợp với trí tuệ.

Hạng người nhị nhân này vốn không có trí tuệ, nên trong kiếp hiện tại là người chậm hiểu, không có khả năng hiểu rõ, biết rõ được các pháp cao siêu.

Nếu hạng người nhị nhân này thực hành pháp hành thiền định hoặc thực hành pháp hành thiền tuệ thì không có khả năng chứng đắc các bậc thiền nào, cũng không có khả năng chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, không chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn nào cả, chỉ được thành tựu những dục giới thiện pháp mà thôi. Cho nên, hạng người nhị nhân này cần phải nên cố gắng tinh tấn thực hành pháp hành thiền định hoặc thực hành pháp hành thiền tuệ và các phước thiện khác, để bồi bổ, tích luỹ các thiện pháp, các pháp hạnh Ba-la-mật làm nhân duyên cho kiếp sau.

3- Hạng người vô nhân (ahetukapuggala) là hạng người không có nhân nào trong 3 nhân (vô tham, vô sân và vô si) từ khi tái sinh đầu thai làm người với quả thiện vô nhân tâm.

Hạng người vô nhân này, trong kiếp hiện tại thường là người đui mù, câm điếc, tật nguyền… từ khi đầu thai làm người. Cho nên, hạng người vô nhân này không có khả năng hiểu biết được các pháp sâu sắc.

Nhưng nếu người nào, sau khi đã tái sinh đầu thai làm người rồi, do ác nghiệp nào cho quả làm cho người ấy bị đui mù, câm điếc, tật nguyền, v.v… thì không thể xác định rằng:

Người ấy thuộc hạng người vô nhân.

Thật vậy, để phân biệt hạng người tam nhân, hạng người nhị nhân, hạng người vô nhân không phải là việc dễ dàng, bởi vì mỗi hạng người này căn cứ vào quả tâm khi làm phận sự tái sinh kiếp sau.

 

Trí tuệ có 3 loại:

1- Sutamayapaññā: Trí tuệ phát sinh do nghe chánh pháp của những bậc thiện trí, do học hỏi, đọc sách, nghiên cứu chánh pháp.

2- Cintāmayapaññā: Trí tuệ phát sinh do suy xét, do tư duy đúng đắn trong chánh pháp.  

3- Bhāvanāmayapaññā: Trí tuệ phát sinh do thực hành pháp hành thiền định, dẫn đến chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, các bậc thiền vô sắc, hoặc trí tuệ phát sinh do thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả

và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh nhân trong Phật giáo.

Đức Phật dạy 4 nhân duyên để phát sinh trí tuệ trong tam giới cho đến trí tuệ siêu tam giới:

1- Thường gần gũi thân cận với bậc đại thiện trí.

2- Lắng nghe, ghi nhớ lời dạy của bậc đại thiện trí.

3- Hiểu biết đúng theo trạng thái của các pháp hữu vi có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, trạng thái bất tịnh.

4- Thực hành đúng theo pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo- Thánh Quả và Niết Bàn.

 

Chú giải: Trí tuệ được phát sinh do đủ 3 nhân duyên như sau:

1- Tránh xa người thiểu trí (người dốt)

2- Thường gần gũi thân cận với bậc thiện trí để học hỏi, đàm đạo, v.v…

3- Suy xét, tư duy các pháp như ngũ uẩn (khandha), 12 xứ (āyatana), 18 tự tánh (dhātu),v.v.. một cách sâu sắc.

Khi hội đủ 3 nhân duyên, trí tuệ chưa phát sinh được phát sinh, trí tuệ đã phát sinh thì càng tăng trưởng.

 

Vai Trò Quan Trọng Của Trí Tuệ

 

Trí tuệ đóng vai trò quan trọng phân chia bậc đại thiện trí theo thứ như sau:

- Trí tuệ của Đức Phật Chánh Đẳng Giác cao thượng hơn trí tuệ của Đức Phật Độc Giác.

- Trí tuệ của Đức Phật Độc Giác cao thượng hơn trí tuệ của bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác.

- Trí tuệ của bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác  cao thượng hơn trí tuệ của bậc Thánh Đại Thanh Văn Giác.

- Trí tuệ của bậc Thánh Đại Thanh Văn Giác cao thượng hơn trí tuệ của bậc Thánh A-ra-hán hạng thường.

- Trí tuệ của bậc Thánh A-ra-hán hạng thường cao thượng hơn trí tuệ của bậc Thánh Bất lai.

- Trí tuệ của bậc Thánh Bất lai cao thượng hơn trí tuệ của bậc Thánh Nhất lai.

- Trí tuệ của bậc Thánh Nhất lai cao thượng hơn trí tuệ của bậc Thánh Nhập lưu.

- Trí tuệ của bậc Thánh Nhập lưu cao thượng hơn trí tuệ của bậc thiện trí phàm nhân.

- Trí tuệ của bậc thiện trí phàm nhân cao thượng hơn các hạng phàm nhân thiểu trí, v.v …

 

Trí tuệ đóng vai trò phân hạng các bậc đại thiện trí cao hoặc thấp như vậy. Cho nên, bậc đại thiện trí này có khả năng biết bậc đại thiện trí khác bằng nhau và thấp hơn mình, nhưng không có khả năng biết bậc đại thiện trí cao hơn mình.

Ví dụ: Bậc Thánh Bất Lai có khả năng biết được bậc Thánh Bất lai khác và bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Nhập Lưu, nhưng không thể biết đến bậc Thánh A-ra-hán.

Những hạng phàm nhân hoàn toàn tự mình không thể biết được các bậc Thánh Nhân.

Trí tuệ thuộc về danh pháp, nên trong một đám đông có nhiều người, khó biết được ai là bậc đại thiện trí, ai là kẻ thiểu trí. Nếu có ai phát biểu ý kiến của mình, thì bậc thiện trí nhận thức được rằng:

Người ấy là bậc thiện trí hoặc người ấy là kẻ thiểu trí.

Kẻ thiểu trí này không thể biết được các bậc đại thiện trí kể cả các kẻ thiểu trí khác. Cho nên, trí tuệ thật là cao thượng, người có trí tuệ trở thành bậc cao thượng.

 

Tích Mahosadhajātaka, Đức Bồ Tát Mahosadha-paṇḍita từ khi lên 7 tuổi đã có trí tuệ siêu việt, được Đức vua Vedeha tại kinh thành Mithilā mời vào cung điện làm quân sư. Về sau, Đức vua Vedeha ban cho Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita chức quan thừa tướng đứng đầu trong triều đình.

 

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita có trí tuệ siêu việt, bày ra những mưu sâu kế hay khiến cho Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng với 101 Đức Vua chư hầu có các đoàn binh gồm có 18 akkhobhinī (18x10 luỹ thừa 42)  đêm khuya bị tỉnh giấc, phải kinh hồn bạt vía, bỏ chạy mình trần thoát thân, không kịp mặc áo….

 

Trí tuệ siêu việt của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đã phá tan mỹ nhân kế thâm độc của vị quân sư Kevaṭṭa dụ Đức Vua Vedeha ngự đến kinh thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ, nhưng thật ra, để bắt Đức Vua Vedeha chém đầu.

Biết được mỹ nhân kế như vậy, nên Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita sử dụng tương kế tựu kế, đã đến kinh thành Uttarapañcāla trước xây dựng Cung điện mới để đón rước Đức Vua Vedeha và cho đào Con đường hầm bí mật được trang hoàng rất nguy nga lộng lẫy dài 15 cây số, voi, ngựa xe đi lại dễ dàng, từ cung điện của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ngang qua cung điện mới của Đức Vua Vedeha đến bờ sông Gaṅgā.

 

Đức Vua Vedeha hoàn toàn không tin đó là mỹ nhân kế, nên ngự đến cung điện mới, để chờ làm lễ thành hôn với công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần. Đêm hôm ấy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh 101 Đức Vua chư hầu gồm có các đoàn quân đông đảo 18 akkhobhinī bao quanh cung điện mới của Đức Vua Vedeha, chờ rạng đông ngày hôm sau sẽ tiến quân vào cung điện bắt Đức Vua Vedeha và Quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita chém đầu, rồi tổ chức đại lễ ăn mừng chiến thắng, suy tôn Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta là Đại Vương cao cả trong toàn cõi Nam thiện bộ châu này.

 

Khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita ra lệnh cho những chiến sĩ anh dũng đi theo con đường hầm đến cung điện Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, mời Mẫu hậu, Chánh cung Hoàng hậu, Thái tử và đặc biệt là công chúa Pañcālacandī của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta đến yết kiến Đức Vua Vedeha tại căn phòng lớn trong con đường hầm ấy, để làm đại lễ thành hôn Đức Vua Vedeha với công chúa Pañcālacandī, rồi Đức Vua Vedeha rước công chúa Pañcālacandī cùng với 3 vị hoàng thân kia của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta theo con đường hầm ngự ra cửa hầm tại bến sông Gaṅgā, hồi cung trở về kinh thành Mithilā an toàn, mà Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta không hề hay biết.

Do đó, tích Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, tiền kiếp của Đức Phật Gotama này có tên là Umaṅgajātaka.

 

Đọc tích Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, độc giả cảm thấy thú vị bởi những chuyện thật lý thú, bồi bổ kiến thức bổ ích trong cuộc sống của mình.

 

Quyển Trí Tuệ Siêu Việt này được rút ra các phần cốt lõi từ trong tích dài Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc hạ là một trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật mà Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành bồi bổ cho đầy đủ, để làm duyên trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

 

Quyển Trí Tuệ Siêu Việt này, bần sư đã cố gắng hết sức để tóm lược các phần cốt lõi quan trọng trong tích dài Mahosadhajātaka, song vì khả năng có hạn nên chắc chắn không tránh khỏi những điều sơ sót, thậm chí còn có chỗ sai ngoài khả năng hiểu biết của bần sư.

Để lần sau tái bản được hoàn thiện hơn, kính mong chư bậc thiện trí từ bi chỉ giáo, góp ý chân tình. Kính xin quý vị xem soạn phẩm này như là của chung mà mỗi người trong chúng ta, ai cũng có bổn phận đóng góp xây dựng, để cho soạn phẩm này được hoàn hảo, hầu mong đem lại sự lợi ích chung, sự tiến hoá, sự an lạc cho phần đông chúng ta. Bần sư kính cẩn đón nhận những lời đóng góp phê bình xây dựng ấy của chư bậc thiện trí và kính xin quý Ngài ghi nhận nơi đây lòng chân thành biết ơn sâu sắc của bần sư.

 

Quyển Trí Tuệ Siêu Việt được hoàn thành do nhờ có nhiều người giúp sức như cô tu nữ Liễu Nhân xem bản thảo, đặc biệt Rakkhitasīla Antevāsika, Dhammanandā Upāsikā đã tận tình đánh máy vi tính, dàn trang, làm thành quyển, các thí chủ trong nước, gia đình Cô tu nữ Hoàng Thị Nga, v.v. và ngoài nước, có đức tin trong sạch, lo ấn hành và được Nhà xuất bản Tôn giáo cho phép ấn hành. Bần sư vô cùng hoan hỷ biết ơn tất cả quý vị.

 

Nhân dịp này, con là Dhammarakkhita Bhikkhu (Tỳ khưu Hộ Pháp) thành kính dâng phần pháp thí thanh cao này đến Ngài Cố Đại Trưởng Lão Hộ Tông Vaṃsarakkhitamahāthera, Sư Phụ của con, đồng thời kính dâng đến quý Ngài Cố Đại Trưởng Lão Thiện Luật, Ngài Cố Đại Trưởng Lão Bửu Chơn, Ngài Cố Đại Trưởng Lão Giới Nghiêm, Ngài Cố Đại Trưởng Lão Hộ Giác (Chùa Từ Quang) cùng chư Đại Trưởng Lão, Đại Đức khác đã dày công đem Phật giáo Nguyên thuỷ Theravāda về truyền bá trên quê hương Việt nam, và kính dâng đến Chư Đại Trưởng Lão Thái Lan, Myanmar đã có công dạy dỗ con về pháp học và pháp hành.

 

Con kính mong quý Ngài hoan hỷ.

 

Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

 

Phước thiện pháp thí thanh cao này, cầu mong cho được thành tựu đến tất cả thân bằng quyến thuộc của chúng con, từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ. Cầu xin quý vị hoan hỷ thọ nhận phần phước thiện pháp thí thanh cao này để thoát khỏi mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.

 

Imaṃ puññabhāgaṃ mātā-pitu-ācariya-ñāti-mittānañceva sesasabbasattānañca devatānañca arakkhadevatānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu, dukkhā muccantu sabbattha.

 

Chúng con thành tâm hồi hướng, dâng phần phước thiện pháp thí thanh cao này đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân quyến, bạn hữu cùng tất cả chúng sinh trong cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, toàn thể nhân loại, chư thiên cõi dục giới, chư phạm thiên cõi sắc giới, đặc biệt chư thiên hộ trì mỗi chúng con….

Kính mong tất cả quý vị hoan hỷ thọ nhận phần phước thiện pháp thí thanh cao này, cầu mong quý vị thoát khỏi mọi cảnh khổ, được hưởng mọi sự an lạc lâu dài trong khắp mọi nơi.

 

Idaṃ me dhammadānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

 

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, để làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Đạo - A-ra-hán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

 

Nếu mỗi người trong chúng con chưa diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não trầm luân, chưa giải thoát khổ tái sinh, vẫn còn tử sinh luân hồi, thì do năng lực phước thiện pháp thí thanh cao này ngăn cản mọi ác nghiệp không có cơ hội cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; và cũng do năng lực phước thiện pháp thí thanh cao này chỉ hỗ trợ thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện giới: Cõi người, các cõi trời dục giới… mà thôi.

Được sinh kiếp nào, mỗi người trong chúng con đều là người có chánh kiến, có trí tuệ sáng suốt, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có duyên lành được gần gũi thân cận với bậc thiện trí, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, có đức tin trong sạch nơi bậc thiện trí, cố gắng tinh tấn thực hành theo lời giáo huấn của bậc thiện trí, không ngừng thực hành mọi pháp hạnh Ba-la-mật cho sớm được đầy đủ trọn vẹn, để mong sớm chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, mong diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Trong vòng tử sinh luân hồi, mỗi khi chúng con được nghe tin lành Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng ngự nơi nào, dù gần dù xa, chúng con liền phát sinh thiện tâm hoan hỷ, có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, quyết tâm tìm đến nơi ấy, để hầu đảnh lễ Đức Phật, hoặc chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, lắng nghe chánh pháp, cố gắng tinh tấn thực hành theo chánh pháp của Đức Phật, để mong chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

 

Do nhờ năng lực phước thiện pháp thí thanh cao này hỗ trợ, nhắc nhở cho mỗi người chúng con, khi thành tựu quả báu ở cõi người (manussasampatti) như thế nào, cũng không đắm say trong cõi người; hoặc khi thành tựu quả báu ở cõi trời (devasampatti) hưởng được mọi sự an lạc như thế nào, cũng không đắm say trong cõi trời. Bởi vì mục đích cứu cánh cao cả của mỗi chúng con là cầu mong sớm thành tựu quả báu chứng ngộ Niết Bàn (Nibbānasampatti), giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

 

Icchitaṃ patthitaṃ amhaṃ

Khippameva samijjhatu.

 

Điều mong ước, ý nguyện của chúng con

Cầu mong sớm được thành tựu như ý.

 

 

PL. 2554 / 2011

Rừng Núi Viên Không,

Xã Tóc Tiên, Huyện Tân Thành,

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tel. +84-(0)64-3603274

 

 

Tỳ Khưu Hộ Pháp

(Dhammarakkhita Bhikkhu)

(Aggamahāpaṇḍita)



[1] Mahosadhajātaka còn có tên Umaṅgajātaka.

[2] 47 hoặc 79 tâm tịnh hảo đó là 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ + 4 đại quả tâm hợp với trí tuệ + 4 đại duy tác tâm hợp với trí tuệ + 15 sắc giới tâm + 12 vô sắc giới tâm + 8 hoặc 40 siêu tam giới tâm.

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024