Ðại
đức Tiradhammo
Pháp hỷ tối thắng
Tiểu sử:
Ðại đức Tiradhammo, thế danh Ian Adams, sinh
năm 1949 tại New Westminster, British Columbia,
Canada. Sau khi theo học cơ khí, địa chất và địa
lý tại Ðại học British Columbia, đại đức đã thực
hiện một chuyến du lịch sang Trung Ðông rồi vòng
về Palistan và Tích Lan. Tại đây, đại đức đã
sống qua nửa tháng ở Island Hermitage rồi đến
hàng tháng trời thiền định tại Trung tâm
Kandu-boda với Tỳ kheo Sivali.
Sau đó trở về Canada, hoàn tất các học vị đại
học đang dở dang, đại đức đi sang Ấn Ðộ rồi cuối
cùng đến Thái Lan. Năm 1973 đại đức thọ giới sa
di. Một năm sau, đại đức thọ giới tỳ kheo tại
chùa Meung Man ở Chiang Mai với ngài Tong. Năm
1975, đại đức dời sang ở chùa Pah Pong rồi sau
đó là chùa Pah Nanachat để được ở gần Ngài Ajahn
Chah. Ðại đức đã từng thực hiện nhiều chuyến
xuyên rừng theo hạnh đầu đà từ suốt miền Ðông
bắc Thái Lan đến tận những dãy núi ở Chiang Mai,
và đã từng có cơ hội gặp gỡ với nhiều vị thiền
sư ẩn lâm lừng danh.
Năm 1982, đại đức Tiradhammo được mời sang
Anh Quốc để hoằng pháp. Ðại đức đã sống ở chùa
Chithurst hai năm rồi sau đó là ba năm ở
Northumberland để xây dựng tịnh xá Harnham. Hiện
đại đức đang là trụ trì tại một ngôi chùa mới
kiến tạo tại Bern, Thụy Sĩ và cũng đang biên
soạn một cuốn sách về luật nghi Tỳ kheo.
Bài viết sau đây được phỏng lại từ một bài
pháp của đại đức trong một khóa thiền mười ngày
tại Thụy Sĩ vào tháng 03 năm 1988. Nội dung thời
pháp là nói về Thất Giác Chi mà ở đây chỉ chọn
riêng phần Hỷ Giác Chi. Nội dung bài viết có thể
được tóm tắt trong mấy dòng sau đây: "Ðược an
lạc, chúng ta luôn có đủ tâm lực để đi tìm thêm
những gì mới mẻ hơn. Nhưng nếu đời sống đối với
ta chỉ là cái gì đó khổ ải, chắc chắn ta sẽ bị
chùn chân".
Pháp Hỷ Tối Thắng
Có nhiều người trong số chúng ta đã rất sai
lầm khi nghĩ rằng cuộc tu là một nếp sống ép xác
để tống khứ ra khỏi bản thân mình những gì là
cấu trược bất tịnh nhằm hướng đến một cảnh giới
cao khiết. Một điều hết sức hiển nhiên là nếu cứ
nghĩ về bản thân mình bằng cái tư tưởng như vậy
chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào một tình trạng tâm
lý tạm gọi là mặc cảm tội lỗi. Từ đó dầu trong
những phút giây hướng mình đến trí tuệ giải
thoát, ta cũng chỉ bắt gặp ở chính mình những
đối kháng và mâu thuẫn, thậm chí ngộ nhận.
Từ lập trường này, lý tưởng tu tập của chúng
ta trước sau vẫn chỉ là Lý Tưởng. Chúng ta cứ
mãi hoài phân biệt một cách lý tính rằng: "Tôi ở
đây và Níp Bàn trên kia, Tôi chỉ là một mớ hỗn
độn còn Níp Bàn là tất cả những gì thanh tịnh và
sâu thẳm hoàn toàn cách biệt với Tôi". Phải nhận
rằng đó là những vọng niệm toan tính. Trong khi
với một trình độ tu tập chín chắn, trí tuệ giác
ngộ lại có ý nghĩa là một sự thức tỉnh đối với
chính sự ngộ nhận. Trí tuệ của người Phật tử
phải là sự tỉnh thức trước cái Vô Minh. Vấn đề
quan trọng trong cuộc tu không phải là sự hiểu
biết về trí tuệ mà là sử dụng trí tuệ để hiểu
biết cái vô minh!
Toàn bộ giá trị của Pháp môn Thiền Quán hoàn
toàn nằm ở chỗ ta biết nhận thức cái bản chất
như thật của từng Hiện Hữu đang xảy ra Tại Ðây
và Bây Giờ. Chúng ta không cần phải nhọc sức đào
xới để kiếm tìm một trí tuệ giải thoát nào đó
như người ta trông chờ một cơ may xảy đến cho
mình. Chúng ta chỉ cần tỉnh thức trong từng
khoảnh khắc có mặt của mình để hiểu được thế nào
là kiếp sống. Chỉ cần ta hiểu được nó là cái gì,
chỉ một lần thôi thì coi như ta đang bắt đầu
vượt qua nó đấy. Còn như nếu chúng ta cứ dại khờ
cố vượt qua nó trước khi mình chưa thực sự hiểu
được nó thì cái chúng ta đạt được chỉ là một thứ
ảo vọng tù đày.
Ngài thiền sư Ajahn Chah thường nói rằng
chúng ta phải biết xé nhỏ ra mọi sự để giải
quyết trước khi bận tâm đến cái trắc trở của
chúng. Khi ta nhìn thấy được mọi sự như là những
gánh nặng thì cũng có nghĩa là ta đã nhận ra
chân lý về cái khổ. Có thấy được cái khổ, chúng
ta mới có thể phủi tay tất cả để cảm nhận được
cái gì là sự nhẹ nhàng thanh thản thật sự. Ðó là
một sự cảm nhận trung thực và hồn nhiên mà kinh
điển Phật Giáo vẫn gọi là Hỷ Giác Chi.
Chữ Pàli để gọi tiếng Hỷ là Pìti. Thuật ngữ
này có nhiều cách dịch bởi có rất nhiều hình
thái tâm lý vẫn được gọi là Hỷ. Chẳng hạn cũng
có loại Hỷ được hình thành từ một cái nhìn hoán
chuyển đối với đau khổ để nhắm đến Ðạo Quả giải
thoát thì đó cũng là một cách Hỷ.
Trong cuộc tu của chúng ta có thể bằng vào
nhiều phương cách khác nhau để có được những
niềm hỷ lạc sai biệt. Chẳng hạn đối với riêng
tôi, chỉ cần nghĩ đến Hỷ tôi cũng đã thấy mình
được an lạc rồi. Bản thân của Hỷ Giác Chi và
chức năng của nó thường bị người ta lẫn lộn khi
bàn về đời sống nội tâm.
Ở đây ta phải hiểu rằng Hỷ Lạc không chỉ là
thứ niềm vui có được từ những cơ hội. Niềm vui
kiểu đó mong manh lắm. Hỷ Giác Chi mà tôi muốn
nói ở đây phải là một thứ kinh nghiệm tâm linh
giúp ta trải rộng đời sống của mình ra một cách
tỉnh thức, Khi có được một niềm vui như vậy, coi
như chúng ta đã sẵn sàng có thể khám phá biết
bao điều mới lạ. Nói khác đi, nếu ta cứ nghĩ về
đời sống bằng những ám ảnh u tối và bi quan thì
chúng ta không thể nhìn thấy bất cứ cái gì hết.
Chúng ta cứ thử nhìn xem mấy đứa trẻ con thì
biết, chúng có một thái độ khám phá và tò mò một
cách rất hồn nhiên nên nhờ vậy, cái gì cũng có
thể đem lại cho chúng những thú vị và đời sống
của chúng cũng nhờ vậy mà thanh thản hơn. Trong
khi đó đối với những người lớn như chúng ta thì
đáng buồn thay, ai cũng muốn đem một cái nhìn
thông minh nhất, uyên bác nhất để mà nhìn ngắm
mọi vật. Và chính vì vậy chúng ta chỉ mỗi lúc
một thêm nặng lòng và nhọc trí với hàng đống
khái niệm nặng nề, tù túng. Chẳng hạn như khi
nhìn thấy một đóa hoa thì chúng ta cứ có thói
quen đem hết những kinh nghiệm quá khứ của mình
về các giống hoa để đánh giá nó với một thái độ
cứng nhắc, tự đại. Mà thực ra mọi đóa hoa trước
mặt chúng ta luôn là một cái gì đó độc lập: Ðóa
hoa ở đây và bây giờ đâu phải là đóa hoa của
những thời điểm khác mà ta đã nhìn thấy.
Nếu chúng ta biết lắng nghe một tiếng chim
hót bằng tất cả tâm hồn trong sáng và tỉnh thức
thì ta đâu có sự phân biệt tiếng hót đó với một
âm thanh nào khác để phải đi đến những đánh giá
tiêu cực không cần thiết. Thái độ lắng nghe bằng
sự tỉnh thức trực tiếp hoàn toàn khác hẳn với sự
lắng nghe thông qua một tư tưởng phân biệt. Khi
ta biết lắng nghe một cách đúng mức như đã nói
thì mọi âm thanh đều luôn là mới mẻ và sinh động
dù trước sau, trong sự tỉnh thức của chúng ta
lúc này, âm thanh chỉ là âm thanh và sự lắng
nghe chỉ là sự lắng nghe. Có điều là chúng được
ghi nhận một cách rõ ràng rằng đó là những gì
đang xảy ra ở đây và lúc này. Ðó là tất cả sự
khác biệt hết sức quan trọng giữa hai thái độ
lắng nghe bằng sự tỉnh thức với thực tại và bằng
thứ kinh nghiệm tật nguyền của quá khứ.
Nếu chúng ta cứ tiếp tục trầm luân trong
những khái niệm, thì cho đến suốt đời, ta vẫn
chỉ có được những độc thoại sáo rỗng: Con chim
đang hót, nụ hoa trên đầu, người ấy đang nói
chuyện, tôi muốn người ta im lặng, ngọn nến đang
cháy... để rồi cứ nghĩ mình đã thấu suốt được
đời sống. Chúng ta cứ tiếp tục treo mãi trong
đầu mình những khái niệm máy móc và chúng mãi
mãi tồn tại theo một chiều ý thức chật hẹp thông
qua cái thứ ký ức đã được biến thành ngôn ngữ vô
vị như những điệp khúc tẻ nhạt. Nếu cả một cuộc
đời chỉ biết qua bằng một thái độ ý thức như
vậy, cái mà chúng ta đạt được chắc chắn chỉ là
những ngẫu tượng, những con búp bê vô hồn lạnh
lẽo.
Cái được gọi là bản chất của vạn vật chỉ được
chúng ta học hỏi, hiểu biết rồi diễn đạt thông
qua ngôn ngữ mà thôi. Từ đó, không ít người
trong chúng ta đã thành ra những tù nhân bị giam
hãm trong cái ngục tù giới hạn của ngôn ngữ và
khái niệm. Phải nói rằng chính nhờ thiền định,
chúng tôi đã có được một khả năng chuyển mình
sâu thẳm từ nỗi ám ảnh của văn hóa Tây Phương.
Chúng ta hãy nổ lực để có thể "Hiểu biết" mà
không bị mắc vào những khái niệm xơ cứng, để có
thể cảm nhận bản chất như thật của mọi sự bằng
một trí tuệ trực quan nhưng vẫn chính xác.
Ðối với những người đã trót nặng nợ với những
tri thức chữ nghĩa họ có thể xem đây là thái độ
chối bỏ nông nổi. Chúng tôi không muốn lấy chữ
nghĩa để bàn cãi với nhau. Chúng tôi muốn mọi
người hãy có một thứ tiếng nói nội tâm của riêng
lòng mình. Dĩ nhiên là chúng ta không thể khước
từ cái ngôn ngữ đối giao trong cộng đồng nhân
loại với nhau nhưng ta cũng phải nhớ là thứ ngôn
ngữ giao tiếp đó không hề là cái "sự thật" mà
chúng ta vẫn đi tìm. Hai thứ đó khác nhau nhiều
lắm.
Phải nhận rằng cái không gian sống im lặng
không ngôn từ mà chúng ta có được, nó nhỏ hẹp
quá. Xã hội đã không cho phép chúng ta được rộng
rãi hơn. Chữ nghĩa, ngôn ngữ của loài người đã
trở nên ồn ào đến mức không chịu nổi và chính
những ngày này là cơ hội để chúng ta lắng nghe
tất cả. Ðây cũng là thời gian chúng ta có được
một chỗ sống im lặng để tu tập và nuôi dưỡng
những gì là cần thiết cho cuộc tu của mình. Kỳ
diệu biết bao nếu ai trong chúng ta cũng quay
lại với một phần tuổi thơ ngày xưa để không còn
bị tù túng trong cái thế giới ngôn ngữ chấp thủ
của người lớn!
Chúng ta thử nhớ lại đi. Trẻ con thoạt đầu
không hề biết gì tới chuyện từ ngữ. Gặp một cái
hoa, chúng sẽ hỏi ta đó là cái gì. Nếu được trả
lời rằng đó là một cái hoa thì chúng lập tức
chấp nhận ngay và coi như chúng đã bắt đầu đi
vào cuộc đời với cái khái niệm và tên gọi về cái
hoa để có thể hội nhập với cộng đồng người lớn
quanh nó mà ai cũng đã quen sống và giao lưu
bằng những khái niệm và ngôn ngữ. Trong khi đó,
khi một đứa bé hỏi về tên gọi một đóa hoa, chúng
ta có thể trả lời với nó rằng "Nó được mọi người
gọi là cái hoa nhưng cái hoa không phải chỉ là
cái tên gọi đó. Nó là một tạo vật trong thiên
nhiên và cũng có riêng một thuộc tính, bản chất,
cấu tạo chẳng giống cái khác". Dĩ nhiên cách trả
lời đó không thích hợp đối với trẻ con nhưng
chắc chắn người lớn chúng ta ai cũng thấy rằng
hiểu được cái "nằm bên kia ngôn từ" quả là một
điều thú vị. Nói như vậy có nghĩa là chúng ta
luôn có thể mang trả lại đời sống mình những giá
trị thật sự của biết bao cái đẹp mà bản thân đã
thả trôi theo ngôn ngữ. Chúng ta hiện đang giữ
trong tay chiếc chìa khóa thần kỳ có thể giúp
mình vượt thoát cái nếp sống đã thành lề thói u
mê!
Niềm vui hay những thú vị có được từ trí tuệ
tu tập luôn có thể được nuôi lớn theo thời gian
cho ngày một sâu sắc hơn. Vượt lên khỏi giai
đoạn hứng thú (pìti) của buổi đầu tu học, ta còn
có một thứ hạnh phúc khác vi tế, cao cấp hơn -
đó chính là sự tịnh lạc (sukha). Sự tịnh lạc hay
niềm hạnh phúc ở đây không chỉ có nghĩa đơn giản
là đối lập với đau khổ. Bởi cái mà chúng ta gọi
là hạnh phúc theo nghĩa đời thường, thì chúng
chỉ chập chờn ẩn hiện chóng vánh như một cánh
bướm. Cái đó thật ra chưa đủ để gọi là tịnh lạc
như ở đây muốn nói. Khi đời sống mỗi người hãy
còn bị gò bó trong quá nhiều những khuôn khổ thì
hạnh phúc cứ như là một vấn đề nghiêm trọng,
nặng nề, đắt đỏ. Trong khi đó sự an lạc trong
đời sống tu tập thì không phải vậy. Ðó là một
tâm thái thỏa hiệp với tất cả mọi biến động, mọi
hoàn cảnh, sự cố một cách bao dung, độ lượng.
Hai từ này ở đây phải được hiểu theo nghĩa từ
nguyên. Sự an lạc hay tịnh lạc trong cuộc tu,
đặc biệt với pháp môn thiền định, là cái cảm
giác bình ổn, thấm nhuần để có thể đem lại cho
hành giả một khả năng tâm lực như ý: Kiên định
và Thanh thản.
Ta hãy cho tiếng Tịnh lạc (sukha) một định
nghĩa cụ thể. Ðó chính là sự Tự Tại, một thứ
hạnh phúc không thể do cưỡng cầu mà có. Nó tự
đến trong từng giây phút tu học chín chắn. Chính
nó giúp ta nhận ra sự hiện hữu của mình trong
mỗi khoảnh khắc, những khoảnh khắc ngọt ngào,
cao khiết.
Hãy cố tìm xem niềm tịnh lạc đó đến với mình
từ điểm nào, cái gì giữ chân nó và cái gì khiến
nó mất đi. Thực hiện được điều này cũng có nghĩa
là ta đang tu tập Hỷ Giác Chi, một trong bảy
nhân tố của trí tuệ giác ngộ, mà trước hết và ít
nhất nó cũng giúp ta có được một đời sống tỉnh
thức giữa cuộc đời đang ngủ say trong mộng mị.
-ooOoo-
|
Ðại
đức Viradhammo
Tri
kiến như thật
Tiểu sử:
Ðại đức Viradhammo (Vitauts Akers) sinh năm
1947 tại Esslingen, Ðức Quốc. Lúc lên năm tuổi,
đại đức theo gia đình sang sống bên Toronto
(Canada). Tuổi trưởng thành, đại đức theo học
ngành cơ khí ở đại học Toronto nhưng rồi do chán
nản nếp sống máy móc, đại đức đã quay về Ðức làm
việc, lúc đó là năm 1969. Do điều kiện sống đưa
đẩy, đại đức đã trôi dạt qua tận Ấn Ðộ và gặp
được sư sa-di Bodhesako (đã qua đời). Sư
Bodhesako giới thiệu với đại đức các tác phẩm
Phật học của Ngài Nàvavìra. Chính từ nhân duyên
này, đại đức đã đi qua Thái Lan rồi tu sa di tại
chùa Mahathat, sau đó, năm 1974, đại đức đã thọ
giới tỳ kheo tại chùa Pah Pong và trở thành một
trong những vị sư Tây phương đầu tiên đến sống ở
chùa Nanachat.
Sau bốn năm tu học ở Thái Lan, đại đức
Vìradhammo đã trở về Canada và Ðức để thăm viếng
gia đình (1977). Rồi cũng như trường hợp đại đức
Tiradhammo, chưa kịp về lại Thái Lan thì đại đức
Vìradhammo đã được Ngài Ajahn Chah cử sang tiếp
tay các huynh đệ ở Anh Quốc hoằng pháp. Ở cả ba
ngôi chùa Hampstead, Chithurst và Harnham đều có
công lao phù trợ của đại đức.
Năm 1985, theo lời mời của Hội Phật Giáo Nam
Tông Wellington, đại đức Vìradhammo đã cùng đại
đức Thanavaro bay sang Tân Tây Lan. Trước tiên,
hai vị sống tại thành phố Wellington, hai năm
sau thì tìm được một miếng đất cách đó 9 km,
rộng 43 mẫu, nằm trong thung lũng Stokes Valley.
Chính tại đây, một ngôi chùa mang tên
Bodhinyanarama được xây dựng vào năm 1987 và trở
thành địa điểm tổ chức giới đàn tỳ kheo do đại
đức Sumedho đích thân làm hòa thượng đàn chủ.
Ðại đức Vìradhammo hiện vẫn sống tại châu Úc
để tiếp tục các cuộc thuyết giảng mỗi tháng ở
Auckland và South Island.
Bài viết sau đây là một thời pháp của đại đức
trong một khóa thiền được tổ chức tại Bangkok
cho các Phật tử người Thái vào tháng 6 năm 1988.
Tri Kiến Như Thật
Trong buổi nói chuyện chiều nay chúng ta có
thể bắt đầu từ câu chuyện về cuộc đời Ðức Phật.
Hễ nói đến Ðức Phật, ta có thể nhắc về Ngài từ
hai góc độ. Ðó là câu chuyện về một con người
lịch sử hoặc một biểu tượng cho con đường tu học
của chúng ta.
Trước hết chúng ta có lẽ nên nhắc lại đôi
dòng về quảng đời trai trẻ của Ngài, lúc đó Ngài
dĩ nhiên là một ông hoàng có trong tay tất cả
mọi thứ: tài sản, kiến thức, thể hình và cả tình
cảm nam nữ. Trong kinh kể lại rằng khi Bồ Tát
vừa chào đời, vua cha của Ngài đã được các nhà
thông thái cho biết trước cái định mạng phi
thường của vị hoàng nhi. Họ cho biết rằng khi
lớn lên, Bồ Tát sẽ chọn một trong hai con đường
sau đây cho cuộc đời mình: Hoặc trở thành một vị
đại đế hoặc trở thành một bậc đại ẩn sĩ. Cha của
Bồ Tát dĩ nhiên chỉ muốn con mình sẽ trở thành
một nhà vua. Mọi người trong hoàng cung đều ngày
đêm chăm sóc Bồ Tát thật cẩn thận. Bất cứ cái gì
xấu xí cằn cỗi của người hay vật đều được thu
dọn, tẩy xóa. Không ai muốn hoàng tử phải nhìn
thấy cái gì đó khả dĩ đánh thức ở Ngài cái tâm
lý xuất gia.
Cứ thế hai mươi chín năm trôi qua, Bồ Tát xem
như chẳng biết gì chuyện bên ngoài hoàng cung.
Quanh Ngài trong suốt chừng ấy thời gian chỉ
toàn là những gì sạch đẹp, trẻ trung, tươi mát.
Một hôm, Bồ Tát bỗng dưng muốn rời cung để đi du
ngoạn ngoại thành. Vua cha phải buộc lòng đồng ý
và cho người đánh xe theo hầu Bồ Tát. Một cách
bất ngờ, hình ảnh đầu tiên lọt vào mắt Bồ Tát là
một người bệnh đang nằm quằn quại rên siết. Bồ
Tát thấy lạ mới hỏi người đánh xe của mình để
biết con người đó đang ra làm sao mà lạ lùng đến
thế. Người đánh xe cho Bồ Tát biết rằng đó cũng
là con người bình thường nhưng thân xác anh ta
đang phải trải qua một tình trạng bất ổn và đau
đớn. Bồ Tát lại hỏi để biết thêm rằng điều đó có
là biệt lệ đối với riêng ai không. Người phu xe
lại trả lời rằng đã trót có thân thì ai cũng
thế. Câu trả lời này đã tạo nên một cú sốc trong
lòng Bồ Tát.
Ngày hôm sau, Bồ Tát lại tiếp tục xuất thành
ngoạn cảnh thì trên con đường Ngài đang đi lù lù
xuất hiện một ông lão mà cả người gần như bị bẻ
gập làm đôi vì chiếc lưng còng, gầy còm, run rẩy
với một cái đầu chẳng khác gì chiếc sọ người chỉ
còn lại lơ thơ vài nhúm tóc bạc trắng, tay chân
cơ hồ như không thể cử động như ý được. Bồ Tát
lại hỏi người xa phu và Ngài giật mình khi biết
rằng tuổi già là giai đoạn bắt buộc của một kiếp
người. Bị chấn động tâm lý mãnh liệt, Bồ Tát lập
tức hồi cung. Ngày hôm sau, như ta đã biết, Bồ
Tát lại tận mắt nhìn thấy một xác người để rồi
một hình ảnh khơi gợi khác nữa cũng đã xuất hiện
trên đường du ngoạn của Bồ Tát đó là một sa môn
đang tọa thiền dưới gốc cây. Từng câu trả lời
của người xa phu cho những câu hỏi của Bồ Tát đã
khiến Ngài tìm ra cho đời mình một hướng đi.
Câu chuyện đại khái chỉ có thế, nhưng đối với
chúng ta, thì câu chuyện đó có ý nghĩa gì không?
Có phải đó chỉ đơn giản là câu chuyện xưa để
dành kể riêng cho những con em của chúng ta, câu
chuyện về một con người đã hai mươi chín tuổi
đầu vẫn chưa một lần biết đến chuyện già cả,
bệnh hoạn và chết chóc của con người?
Ðối với tôi, câu chuyện trên đây về cuộc đời
của Ðức Phật có cái giá trị tuyệt vời là mô tả
lại một cách trọn vẹn cái khả năng tỉnh thức của
con người đối với những giới hạn của đời sống
thuần cảm giác. Tôi có thể đã thấm thía vấn để
này khi nhớ lại những ngày tháng mình còn ngồi ở
trường Ðại học. Hồi đó tôi vẫn thường đặt cho
mình những câu hỏi kỳ lạ lắm, những câu hỏi mang
tính định phận. Chẳng hạn như: - Tất cả những gì
đang hiện hữu trước mắt mình thật ra chúng là
gì? Tất cả rồi sẽ đi về đâu, có một kết cuộc như
thế nào? Rồi tôi vẫn thường lấy làm lạ về cái
chết để cứ rối óc với những suy nghĩ bòng bong:
- Liệu cái bằng cấp đại học có ý nghĩa gì không
khi mà cho dầu tôi có trở thành một vị kỹ sư
danh tiếng, một người giàu có rồi cuối cùng cũng
chỉ đi tìm đến cái chết mà thôi. Kể cả trường
hợp tôi có đột nhiên trở thành một chính trị gia
siêu hạng, một luật sư lừng danh, một cái gì đó
tuyệt đỉnh, hoặc thậm chí có trở thành một thiên
thể có tuổi thọ hàng tỉ năm thì đã sao chứ? Tất
cả chỉ là một dấu hỏi lớn - cái ác nghiệt nữa là
cũng vào ngay thời điểm đó tôi lại cứ nhớ đến
chuyện ca sĩ Jimi Hendrix đã vì dùng thuốc phiện
quá liều mà chết.
Tôi vẫn không sao tìm thấy cho mình một câu
trả lời nào thích đáng về cái chết. Tôi vẫn cứ
phải tự dằn vặt mình với trăm ngàn suy nghĩ về
cái viễn ảnh đời mình để rồi tiếp theo sau đó
lại là những chuỗi dài những thao thức: Cái chết
là gì? Tại sao tôi lại có mặt ở đây? Việc đầu tư
thêm những kinh nghiệm về đời sống có ý nghĩa gì
khi tất cả rồi cũng chết đi?
Những trăn trở đó đã khiến tôi không thể tiếp
tục học hành được nữa. Tôi bỏ đi du lịch. Tôi
muốn mình được thư giãn tinh thần trong một thời
gian vì dù sao những chuyến viễn hành đó vẫn
luôn có nhiều thú vị. Tôi đã đi qua khắp mọi xứ
sở: Marốc, Thổ Nhĩ Kỳ, rồi Ấn Ðộ... vậy mà đầu
óc tôi trong những ngày tháng đó vẫn cứ rối bù
những thao thức khôn nguôi: Tất cả chỉ có vậy
thôi sao? Nếu tôi có hành hương đến những đền
chùa, miếu mạo rồi ăn uống và sinh hoạt theo
khuôn khổ của một dân tộc, tín ngưỡng nào đó thì
đã sao chứ?
Thật ra lắm người cũng có đôi lần bị nhức
nhối vì những câu hỏi này khi họ được tận mắt
chứng kiến những thảm cảnh của đời sống như một
đám tang, một con bệnh hay một ông cụ, bà lão
nào đó. Hoặc cũng có thể nhờ vào những phút giây
tĩnh tọa mang tính tôn giáo nên người ta có thể
thỉnh thoảng nhớ lại những bi kịch của đời sống.
Nhưng đó chỉ là những suy nghĩ hời hợt, những
cảm nghiệm không mấy sâu sắc trong khi tất cả
vẫn không ngừng biến dịch, phân hủy một cách
mãnh liệt và trung thực như đã là thế tự bao
giờ. Chúng ta rồi cũng chẳng đi đến đâu hết cho
dù có bất cứ cái gì trong cuộc đời này đi nữa.
Do đó câu hỏi "chỉ vậy thôi sao?" là cả một
tiếng chuông cảnh báo cho đáy lòng thâm u mộng
mị của chúng ta.
Cho dầu chúng ta có qua được khóa thiền mười
ngày này trong một lý tưởng cao khiết nhất thì
sau đó còn lại được cái gì chứ? Chúng ta vẫn
phải trở về công sở, vẫn phải tiếp tục đối diện
với cuộc đời, hoặc trở về Melbourne (Úc), hoặc
Tân Tây Lan thôi. Tất cả rồi cũng chỉ là một
vòng lẩn quẩn. Ðâu có một sự khác biệt nào giữa
một cảm nghiệm thiền định với một chuyến rong
chơi trên du thuyền? Tất cả chỉ là một con số
không chua chát.
Lời dạy của Ðức Phật không hề mang ý nghĩa
đem lại cho chúng ta một thứ cảm giác sống
"thưởng thức" nào cả, mà là nhắm đến khả năng
hiểu biết như thật về bản chất của chính từng
cảm nghiệm. Giáo lý của Ðức Phật mang một tinh
thần chủ đạo là dạy ta khám phá tất cả ý nghĩa
cái gọi là sự hiện hữu. Chúng ta sống thiền định
là vứt bỏ đi những ảo vọng thành kiến, chận đứng
cái căn cội đau khổ của kiếp người và thấu suốt
được bản chất của vạn hữu. Ðây chính là một
hướng đời độc lập.
Ở đây, chúng ta đang tu tập về án xứ hơi thở.
Chúng ta chỉ biết làm việc với nó mà không cần
phải cực lòng với cái gì khác ngoài ta. Chúng ta
chỉ đơn giản sống trong sự tỉnh thức về hơi thở:
Ðơn giản biết mình qua từng hơi thở vào ra, sống
thật trọn vẹn với chúng. Nhưng chúng ta làm vậy
để làm gì nào? Tôi nghĩ rằng mọi người ở đây rồi
cũng sẽ có thể tự trả lời cho mình câu hỏi đó.
Một khi tâm hồn đã trở nên yên lặng, khả năng
chú niệm đã vững vàng hơn, đời sống của chúng ta
lúc này sẽ là từng giây phút tỉnh thức và hết
mình với tất cả những gì đang xảy ra.
Chúng ta ít nhất cũng thấy được rằng sự tĩnh
lặng của tâm hồn là cả một nguồn sinh lực, đồng
thời cũng là một khả năng giao hòa giữa mình với
thế giới chung quanh. Bên cạnh đó chúng ta còn
có thể cảm nhận được cái không gian bao la mà
pháp môn thiền định đã mang lại cho nội tâm
mình. Chúng ta còn thấy được cả cái giá trị của
đời sống tỉnh thức. Sự chú niệm của chúng ta lúc
này không còn là một khổ công gò ép nữa. Chúng
ta đã được tự do. Tự do trong sự chú niệm và
trong cả đời sống, một đời sống luôn chú niệm mà
vẫn tự do!
Chúng ta thường có thói quen thích nắm giữ
trong tay mình càng nhiều thứ càng tốt. Trong
khi đó, khi có cái để sở hữu thì chúng ta lại bị
chính nó sở hữu. Tất cả những âu lo, bức xúc đều
từ đó mà ra và như vậy thì coi như khả năng chú
niệm của chúng ta đã bị đánh mất. Chỉ bằng vào
sự ổn định nội tâm, chúng ta mới có thể tạo được
cho riêng mình một phương trời riêng tư lồng
lộng để tự do chú niệm, tỉnh thức.
Nếp sống đó đẹp lắm. Một khi đã tự có một bản
lãnh tinh thần rồi thì sau khi rời khỏi thiền
viện, chia tay với các thiền sư sau những thiền
khóa, ta vẫn tiếp tục thiền định trong mọi hoàn
cảnh. Thực tại nào cũng đều có thể là một án xứ
cho ta cả: những hàng cây xanh, từng làn hương
của hoa cỏ, những lối mòn kinh hành, đôi ba nụ
sen đang nở trong hồ... Tất cả những cảm nghiệm
ngọt ngào này luôn có cái giá trị làm bình ổn và
thư giãn nội tâm chúng ta một cách hữu hiệu
chẳng khác gì những trò giải trí mà ở Tân Tây
Lan này người ta vẫn xem như phương cách tốt
nhất để thư giãn tâm hồn, chẳng hạn các trò lướt
ván hay đánh xe bò lên núi.
Nhưng thứ hạnh phúc có được từ những cách thư
giản như vừa nói không phải là cứu cánh mà Ðức
Phật đề nghị ở chúng ta. Ðời sống thiền định vào
giai đoạn bắt đầu này, như chúng ta đang đi qua,
có thể mang lại rất nhiều niềm hạnh phúc nhưng
như thế cũng vẫn chưa đủ. Bởi cái hạnh phúc có
được từ một nội tâm tĩnh lặng bất chừng không
phải là thứ tự do thật sự. Nó chỉ là một thứ cảm
nghiệm còn vướng kẹt bởi quá nhiều hạn cuộc mà
nhất là cái tinh thần Tự Thị.
Sự tự do thật sự mà Ðức Phật đã nhấn mạnh
phải là trình độ tự tại được nuôi lớn từ công
phu tu tập Trạch Pháp Giác Chi. Chỉ có sự tự tại
này mới khả dĩ đủ sức đình chỉ mọi xung động và
căng thẳng của nội tâm. Niềm tự tại hay tự do ở
đây không hề bị giới hạn ở bất cứ nơi đâu và lúc
nào trong đời sống của chúng ta cả mà lại an
nhiên tồn tại trong từng cảm nghiệm, trong mỗi
mỗi phút giây hít thở của chúng ta.
Một trong những điều kỳ diệu nhất của đạo lộ
này là chúng ta có thể hàm dưỡng và áp dụng nó ở
bất cứ tình huống nào. Chúng ta không cần thiết
phải đến giam mình trong một tự viện nào đó hay
trong một điều kiện sống thuận lợi nhất định mà
xem ra có vẻ là nhu cầu thiết yếu cho công phu
thiền định hay nói chung là nếp sống thực hành
chánh pháp. Chúng ta thật ra vẫn có thể tu học
trong những hoàn cảnh đau buồn nhất. Chúng ta
thường thấy rằng mỗi khi đau khổ thiên hạ mới
bắt đầu nghĩ đến chùa chiền, tu viện. Rồi khi
được hạnh phúc, thành công thì người ta lại quên
mình đi, tự đắm đuối mộng mị trong những cái
ngọt ngào đó để rồi khi một chuyện buồn nào đó
xảy đến họ lại tiếp tục bối rối, hoảng loạn
không biết phải làm gì.
Ðối với phần đông chúng ta, con đường tìm đến
đạo Phật thường là những cảm nghiệm về sự đau
khổ. Nó đưa chúng ta đi thiền định, trầm tư để
đến một lúc nào đó chúng ta mới nhận ra rằng
ngoài những đau khổ, người hành giả còn phải
thiền định về cái gọi là hạnh phúc. Nhưng đó chỉ
là về lý thuyết. Trên thực tế, người ta cứ đi tu
thiền để trốn chạy đau khổ, chứ có ai trong lúc
đang được hạnh phúc nhất lại tìm đến các vị
thiền sư để yêu cầu được hướng dẫn phương thức
đối diện với cái hạnh phúc mà mình đang có được!
Có thể nói đời sống tu tập của phần đông
chúng ta thường chỉ được bắt đầu từ những trăn
trở nhức buốt. Chúng ta cũng đôi lúc biết nghĩ
về những mặt trái xót xa của đời sống nhưng đó
chỉ là một thứ tư tưởng mang tính công đoạn. Ở
Tây phương, chúng tôi vẫn thường nhắc đến cái
gọi là "Lý luận của tuổi trung niên".
Những ông bà nào ở vào độ tuổi bốn mươi, năm
mươi thường có thói quen đưa ra những nhận xét
về cuộc đời thông qua chính kinh nghiệm đời mình
bằng một thái độ chủ quan gần giống như cái khái
niệm trong câu thành ngữ của người Trung Hoa là
"Tứ Thập Bất Hoạt". Người ta tin rằng mình đã có
được một cái nhìn tổng quan chín chắn về cuộc
sống để rồi dừng lại ở đó với cái yên tâm rất
đỗi nông cạn của mình. Ðó là đối với những mảnh
đời êm đềm không có biến động. Rồi đến một ngày
nào đó, đối đầu với những thứ thách khốc liệt
của kiếp người, người ta mới bắt đầu biết đặt ra
những câu hỏi nghiêm túc về đời sống. Có thể nói
rằng chính nhờ đau khổ là cái mà mọi người vẫn
cảm nghiệm thường trực, thậm chí nó gần như trải
dài suốt cả đời sống con người nên thật hợp lý
khi Ðức Phật đã bắt đầu truyền thuyết giáo lý
giải thoát của mình bằng chính vấn đề đau khổ.
Không ai có thể phủ nhận được điều đó cả. Và ta
cũng có thể nói rằng đạo Phật chỉ đơn giản là
một con đường khám phá đời sống thông qua tất cả
nỗi khổ.
Lý tưởng cao nhất của nhân loại hôm nay là
làm thế nào để giải quyết hai tiếng "đau khổ".
Tất cả chúng ta đã vận dụng toàn bộ trí thông
minh của mình để củng cố tối đa những hạnh phúc
và hạn chế tối đa những đau khổ bằng cách nghĩ
ra vô số những phát minh càng nhiều càng tốt.
Nói đến đây tôi lại nhớ tới một bài học mà Ngài
Hòa Thượng tôi đã có lần nhắc nhở với nội dung
liên quan đến vấn đề này.
Hồi đó, lúc tôi còn là sa di sống chung chùa
với Ngài Ajahn Chah, đời sống vật chất khó khăn
lắm. Cả chùa chỉ xài toàn nước giếng, và chúng
tôi phải thay phiên nhau đi gánh nước. Mà chuyện
này lại là cả một vấn đề rắc rối, chúng tôi mến
thích ai thì thường đi lấy nước chung với người
đó. Biết được chuyện này, Ngài Ajahn Chah đã nói
một câu gần như bâng quơ mà sau này tôi mới thấm
thía.
- Tại sao mấy sư lại chọn người để đi lấy
nước với mình, cứ thử cố gắng làm việc chung với
những vị không phải là bạn thân có được không?
Ngài nói rất đúng, lúc đó tôi là một sa di
nhanh nhẹn nên luôn cố tránh phải đi lấy nước
chung với một tỳ kheo già chậm chạp. Nhiều lúc
kẹt quá, tôi phải đi chung với vị này rồi có
những lần dằn lòng không được tôi đã vất cái
thùng đi như để trút cơn bực bội của mình. Như
vậy rõ ràng là việc đi lấy nước chung với một vị
sư mà tôi không thích đã thành ra cái khổ cho
tôi. Và như lời Ngài Ajahn Chah nói, tôi chỉ
luôn tìm mọi cách để làm những gì mình muốn. Ðó
là cách dùng trí khôn của bản thân để củng cố
tối đa những hạnh phúc và hạn chế tối đa những
đau khổ. Nhưng dĩ nhiên là cho dù chúng ta có
làm được điều mình thích, sở hữu được cái mình
muốn, thì chúng ta vẫn phải tiếp tục đau khổ,
bởi vì đâu có sự toại nguyện nào là mãi mãi đâu.
Ðịnh luật vô thường luôn chi phối mọi sự mọi thứ
trên đời. Chúng ta hãy tưởng trượng xem nếu có
lần nào đó được ngồi lại một mình để ăn thỏa
thích một món hợp khẩu nhất thì chắc chắn là chỉ
ở đôi ba phút đầu tiên, cái ngon miệng kia còn
là niềm hạnh phúc cho chúng ta nhưng nếu bữa ăn
đó được kéo dài đến đôi ba tiếng đồng hồ thì cảm
giác của chúng ta sẽ ra sao?
Nói như vậy thì chúng ta phải làm gì trước
những đau khổ trong đời sống? Ðức Phật dạy chúng
ta hãy dùng trí tuệ của mình nhìn thẳng vào nó
một cách trung thực và khách quan. Ðây cũng là
lý do tại sao chúng ta phải tự khép mình vào một
nếp sống nghiêm túc như thọ trì Bát Quan Trai
chẳng hạn. Cái thật sự cần thiết mà chúng ta
phải thực hiện là nhìn ngắm cái đau khổ chứ
không phải đầu tư cái hạnh phúc. Ðời sống xuất
gia cũng có ý nghĩa tương tự như vậy: Chúng tôi
mặc trên mình lá y là để có được cái tự do nhìn
ngắm vào những đau khổ chứ không phải mù quáng
chán ghét, chối bỏ nó bằng một tinh thần yếm thế
bi quan.
Các vị có biết không, ở đất Tây Phương thì
việc mặc lên người thứ áo tu sĩ như chúng tôi là
cả một vấn đề. Bên đây đâu giống như bên Thái.
Lần đầu tiên sang Luân Ðôn tôi đã cảm thấy khó
chịu vô cùng. Hồi còn là một người cư sĩ tôi
luôn ăn mặc giản dị để khỏi phải bị ai dòm ngó,
vậy mà khi đã xuất gia rồi, chính những y áo này
lại đã khiến tôi trở thành điểm chú ý cho thiên
hạ. Phải nói rằng đó là cái khổ cho tôi. Tôi đã
mặc cảm ghê gớm lắm. Người ta ở đây cứ nhìn theo
tôi hoài. Nếu bây giờ tôi cứ sống theo cái ý
tưởng "Trốn khổ tìm vui" thì chắc là tôi phải
sắm cho mình một bộ đồ tây và gầy lại bộ râu như
ngày nào rồi. Nhưng tôi đã không thể làm vậy vì
tôi đã là một người xuất gia phải giữ gìn các
học giới. Mà đời sống xuất gia thì dĩ nhiên đâu
có thể cho phép tôi được tùy tiện sống theo thị
dục của mình chứ, phải nói rằng trong hình thức
một tu sĩ Phật giáo như thế này tôi đã thật sự
học hỏi được quá nhiều thứ.
Tất cả chúng ta ở đây đều đa đoan cả. Ðó là
những bận rộn về gia đình, công việc... và đó có
phải là những giới hạn trong đời sống của chúng
ta hay không? Chúng ta phải làm sao để xử lý mọi
việc? Thay vì bị cuống cuồng trong những giới
hạn đó rồi nỗ lực và hy vọng những vận may kỳ
tích xuất hiện thì tốt nhất ta hãy tự xem chúng
là những cơ hội để hàm dưỡng trí tuệ. Nhưng
chúng ta khéo léo, biết đối diện với thực tại để
nhận ra bản chất đau khổ của đời sống thì quả là
đáng quý, mà nếu không khéo ta lại tự mang lấy
vào lòng mình một sự đau khổ khác trong khi chỉ
riêng những đau khổ thực tế ngoài đời đã là quá
nhiều rồi. Tôi nhắc lại, Ðức Phật chỉ đề nghị
chúng ta lắng nghe một cách trung thực những đau
khổ trong đời sống chứ không phải tạo ra thêm
trong đời sống những đau khổ.
Trong thiền khóa này, vào những giờ thiền
tọa, rất có thể quí vị đã có những giây phút cảm
thấy tù túng và bị phóng tâm rồi cứ trông chờ
tiếng chuông reo ở cuối giờ thiền định. Ðiều đó
rõ ràng đến mức ai cũng có thể ghi nhận được cả,
phải không? Nếu chúng ta cảm thấy mình không thể
tiếp tục ngồi được nữa thì vẫn có thể tiếp tục
bước ra ngoài để đi kinh hành. Nhưng nếu trong
oai nghi này ta vẫn tiếp tục cảm thấy bất ổn thì
sao? Rồi ta lại có thể nghĩ đến những phương
cách khác để chấm dứt tình trạng này như xem ti
vi hay đọc những trang sách báo nào đó chẳng
hạn. Nhưng rồi nếu như tình trạng đó vẫn cứ tiếp
diễn thì chẳng lẽ chúng ta lại phải lao mình vào
trăm ngàn cách giải quyết khác hay sao? Ðến mức
này chúng ta đã có thể thấy rõ rằng nội tâm của
mình quả là chẳng yên tĩnh tí nào: Nó luôn đầy
ắp những bôn ba, xao động. Lý do đơn giản là
chúng ta chỉ biết nhắm mắt theo đuổi cái hạnh
phúc và trốn chạy cái đau khổ. Mà thái độ đó lại
chỉ là một cách trưởng dưỡng những phức loạn,
đau khổ trong đời sống của chúng ta thêm thôi.
Dạy về Ðế Khổ, Ðức Phật không hề khuyên bảo
chúng ta tầm cầu và giữ lại một cảm nghiệm nào,
mà thay vào đó là thái độ nhìn ngắm trực tiếp
cái khổ. Chúng ta có thể thiếu niềm tịnh tín nơi
Ðức Phật nhưng chắc chắn rằng ai cũng có thể
thấy sự đau khổ là một thực tế không thể chối
bỏ. Không ai có thể nói mình chưa từng bị đau
khổ hoặc chưa hề nghĩ đến nó bởi thực ra trong
từng giây phút chúng ta vẫn cảm nhận đau khổ,
chấp nhận nó như một điều không thể tránh được.
Cho nên nói sao thì nói, đau khổ vẫn là cái gì
đó hiện hữu thường trực trên cuộc đời và trong
từng người.
Giáo lý Tứ Ðế còn cho ta biết thêm rằng bất
cứ đau khổ nào cũng có một nguồn cội và khả năng
chấm dứt. Có rất nhiều người Tây phương vẫn nghĩ
rằng Phật giáo là yếm thế vì nội dung giáo lý
hầu như chỉ nói về sự đau khổ. Nhớ lại hồi đó,
trong thời gian còn sống ở Ấn Ðộ, tôi đã bắt đầu
nghĩ đến việc trở thành một nhà sư Phật giáo.
Thế rồi vì bà tôi qua đời nên tôi phải trở về
Ðức Quốc dự đám tang. Nhân dịp đó, tôi đã nói
chuyện với mẹ tôi về ước muốn xuất gia của mình.
Khi tôi nhắc đến khái niệm "Ðời là bể khổ" thì
bà ngạc nhiên lắm. Xưa nay bà vẫn quen xem những
đau khổ trong cuộc đời là một chuyện hết sức
bình thường không đáng để bận tâm. Bà đã gần như
không hiểu tại sao tôi lại muốn "chạy trốn" đau
khổ khi đó chỉ là những gì mà ai trong cuộc đời
cũng phải đi qua.
Rõ ràng là Ðức Phật không chỉ biết nói riêng
về cái đau khổ. Ngài đã đề cập đến một cách trọn
vẹn những gì cần thiết và có liên quan với nó
nữa, đó là nguyên nhân của đau khổ, cứu cánh
thoát khổ và con đường dẫn tới cứu cánh đó. Giáo
lý của Ðức Phật có nội dung là nhắm tới Níp Bàn,
một cứu cánh tịch tịnh và tự tại. Ðây cũng là
những gì mà các nghệ nhân đã cố gắng thể hiện
trên tranh tượng về Ðức Phật. Như quí vị cũng
thấy đấy bức ảnh Phật trước mặt chúng ta ở đây
đâu phải là hình ảnh của một "Ðức Phật đau khổ"
mà đây chính là ảnh tượng của một "Ðức Phật trí
tuệ và tự tại".
Ðể đạt được mục đích giải thoát, chúng ta
phải thực hiện những gì cần thực hiện chứ không
phải tự đáp ứng tất cả những gì mình muốn. Trên
quan điểm thế tục, chúng ta thường tầm cầu những
gì mình muốn và Níp Bàn kể ra cũng là cái mà
người Phật tử chúng ta vẫn MUỐN dù có khi chưa
biết nó là cái gì. Nhưng có điều là vấn đề ở đây
có khác biệt nhau ở cách thỏa mãn các ước muốn.
Khi chúng ta đói, chúng ta có thể tìm quán chợ
mua cái gì đó để ăn uống. Rồi đến cả những nhu
cầu khác nữa, khi cảm thấy cần được thỏa mãn thì
chúng ta chỉ việc tìm cách đáp ứng. Còn đối với
trường hợp chúng ta MUỐN đạt đến cứu cánh giác
ngộ thì đây lại là một nhu cầu hết sức khác biệt
và cách giải quyết cũng không giống như bất cứ
một kiểu làm thỏa mãn nào. Bởi nếu Níp Bàn chỉ
đơn giản là một đồ vật như nhà cửa, xe cộ thì
cuộc tu có lẽ sẽ dễ dàng hơn, nhưng cái ác
nghiệt là Níp Bàn không phải là vậy, vi tế và
trừu tượng khôn cùng. Cứu cánh Níp Bàn luôn đòi
hỏi ở chúng ta một khả năng trí tuệ đúng mức mà
thuật ngữ Phật Học gọi là Trạch Pháp Giác Chi.
Cho nên kể từ bây giờ, tất cả trí tuệ của
chúng ta không phải để củng cố tối đa hạnh phúc
và hạn chế tối đa đau khổ nữa, mà phải được tập
trung cho cái nhìn như thật về đau khổ. Chúng ta
phải vận dụng tất cả trí tuệ của mình để suy tư
tinh tường về mọi vấn đề, chẳng hạn như đối với
câu hỏi "Tại sao tôi lại đau khổ?". Ta hãy thử
nhìn xem, chúng ta đâu thể để mặc tư tưởng của
mình bồng phiêu, trôi dạt vô định hướng - bởi
từng dòng tư tưởng luôn có thể tự mang một giá
trị rất quan trọng đối với cuộc tu. Nhưng dĩ
nhiên ta cũng hiểu thêm rằng nếu chỉ với những
tư tưởng mù mịt, vọng động thì ta không thể nào
thực hiện được lời dạy của Ðức Phật. Việc điều
hành tư tưởng là một vấn đề của nội tâm nên
chúng ta phải tự giải quyết lấy với chính mình
chứ trình độ tu chứng không thể nào được xác
định và đảm bảo thông qua một bằng cấp học vị
nào.
Lần đó, khi còn ở Anh Quốc chúng tôi đã đến
viếng thăm một người Phật tử ở Lancaster. Ông ta
là một học giả về triết học tánh Không, thuộc
lòng nguyên văn bộ luận Trung Quán của Long Thọ.
Ông muốn mời chúng tôi uống cà phê và tự tay pha
chế lấy. Cầm lấy tách cà phê từ tay ông, cả chủ
khách đều bật cười. Thì ra trong mấy chiếc tách
đó chỉ có đường và sữa mà chẳng có một chút cà
phê hay một giọt nước nào hết. Ông ta đã là một
bậc thầy trong cái dòng triết học vẫn được xem
là hết sức cao siêu ấy lại không có nổi một chút
chánh niệm để pha cho xong một tách cà phê. Như
vậy cái gọi là Trí tuệ trong Phật giáo không chỉ
đơn giản là sự tích lũy đầy ắp những thứ khái
niệm, kiến thức. Trí tuệ Phật giáo phải có một
nội dung căn bản hơn thế rất nhiều, đó chính là
cái căn bản được thiết lập trên khả năng thực
chứng.
Trí tuệ của người Phật tử, nói khác đi, chính
là cái khả năng khám phá đời sống và biết đặt ra
những câu hỏi thật sự quan trọng, cần thiết.
Chúng ta phải học được cách vận dụng tư tưởng để
chỉ đạo nội tâm hướng về con người chín chắn.
Chúng ta phải có trách nhiệm khám phá và phơi mở
nội tâm trong mọi hoàn cảnh sống. Cái khả năng
phơi mở này được song hành với những dấu hỏi
chính đáng thì sẽ thành ra cái mà chúng ta vẫn
gọi là pháp môn Thiền Quán: Trí tuệ thấu suốt sự
hiện hữu của bản thân. Ý thức của chúng ta lúc
này bao gồm những kiến thức về giáo lý và trí
tuệ trực quan đối với các cảm nghiệm trung thực
nhất. Với trình độ này, coi như chúng ta đã sở
hữu được những khả năng phơi mở, chú niệm và tri
kiến như thật về vạn hữu. Ðây cũng chính là trí
tuệ về Giáo Lý Tứ Thánh Ðế mà từ lâu vẫn được
nhấn mạnh đặc biệt trong đường lối tu chứng của
Phật Giáo truyền thống.
Nói như nãy giờ thì trí tuệ trực quan về Khổ
Ðế có phải là hoàn toàn phủ nhận tất cả mọi sự
đầu tư với một cảm nghiệm nào đó hay không? Thực
ra ở đây chúng ta phải hiểu rằng trí tuệ đó
chính là sự đón nhận một cách tương ứng cái đau
khổ của chúng ta, gồm luôn những xung đột và mâu
thuẫn nội tại. Trí tuệ của người hành giả không
chỉ dừng lại ở đó. Sau khi cảm nhận được rằng
mình đang đau khổ, vị ấy lại tiếp tục đặt ra cho
mình câu hỏi tiếp theo về cội nguồn thật sự của
cái đau khổ đó. Ðức Phật đã dạy chúng ta rằng
tất cả đau khổ cũng đều nằm trong quy luật vô
thường: Ở đây quí vị có thể lấy tôi làm một hình
ảnh minh họa cho vấn đề vừa nói. Chẳng hạn như
sau đôi ba mươi phút thiền tọa tôi lại cảm thấy
khó chịu rồi dĩ nhiên tôi sẽ tự xét lấy nguyên
nhân của cảm giác đó. Khi hiểu được mình đang bị
tê mỏi, tôi lập tức thay đổi oai nghi và nhờ vậy
mà cảm thấy dễ chịu hơn. Thế rồi ngay trong
chính oai nghi vừa được thay đổi này, vài mươi
phút sau, tôi lại thấy bất ổn như cũ. Thế là đến
đây thì tôi đã có thể thấy được rằng mọi cảm
giác của mình trong thời gian vừa qua chỉ là
những mảnh vụn chắp nối. Rồi tôi lại ghi nhận
thêm đôi điều khác nữa: Tôi thấy mình KHÔNG MUỐN
cái bất an, mà chỉ MUỐN cái thoải mái. Như vậy
từng giây phút đau khổ kia thực ra chẳng là gì
cả, mà vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có thái độ từ
chối nó mà thôi. Phải nói rằng trí tuệ Thiền
Quán của chúng ta lúc này đã đến được cái giai
đoạn lý tưởng lắm rồi, chỉ có điều là tuy nó có
sâu thẳm thật đấy, nhưng sâu thẳm một cách chua
chát và đầy thử thách. Chính trình độ trí tuệ
Thiền Quán này mới khả dĩ mang lại cho ta một
sức mạnh vừa đủ để hòa giải với tất cả đau khổ
mà không cần thiết phải chạy trốn chúng nữa. Nội
tâm hành giả lúc này sẽ tự nhiên bình ổn và tĩnh
lặng.
Như vậy, nói cho cùng thì vấn đề căn cội mà
nãy giờ chúng ta vẫn bàn đến không phải là cái
cảm giác đau đớn mà chính là thái độ chối bỏ,
trốn chạy một cảm giác nào đó mà thôi. Ước muốn
là một vấn đề rất quan trọng và nó xuất hiện
trong nhiều hình thức. Nhưng chẳng sao hết,
chúng ta vẫn luôn có thể áp dụng trở lại phương
pháp quán chiếu "Tôi đang muốn gì trong lúc này
đây?" - Thánh Ðế thứ hai dạy cho chúng ta biết
rằng cội nguồn của những đau khổ chính là lòng
ham muốn. Chính nó đã khiến ta có cái cảm giác
rằng mình sẽ được đáp ứng thỏa mãn nếu chiếm hữu
được những gì vẫn mong mỏi. Nó làm cho chúng ta
phải bù đầu với biết bao ước vọng: "Nếu như tôi
có cái này, giá mà tôi trở thành cái kia, chứ
phải tôi tránh được điều đó...". Ðại khái, lòng
ham muốn của chúng ta là cả một dòng luân hồi
bất tận: Khao khát và sợ hãi, trốn chạy rồi cũng
quay đầu, kiếp sống này đầu tư cho kiếp sống
khác, bất tận và vô chung.
Nói vậy không có nghĩa rằng cuộc luân hồi là
tuyệt đối bởi chính Ðức Phật cũng đã từng nói
đến một con đường giải thoát, đó là điểm dừng
lại của tất cả đau khổ. Thuật ngữ Phật học gọi
đó là Diệt Ðế hay Níp Bàn. Khi mới học về vấn đề
Níp Bàn tôi chỉ hiểu mơ hồ rằng đó là trạng thái
vắng mặt hoàn toàn tất cả phiền não. Từ cách
hiểu đó, tôi lại nghĩ thêm rằng chỉ cần tôi đoạn
trừ tất cả tham, sân, si thì coi như tôi đã là
Níp Bàn rồi vậy. Thế là tôi cố gắng thiền định
với cái lý tưởng sai lầm đó của mình và cái mà
tôi đạt được chẳng là gì cả ngoài ra một thứ ngộ
nhận trầm trọng thêm thôi.
Rồi theo thời gian, tôi tiếp tục thiền định
và đã khám phá ra rằng sự chấm dứt đau khổ mà
Ðức Phật đã nói đến trong Diệt Ðế còn có nghĩa
là sự "đình chỉ" mọi sự ngay khi chúng vẫn còn
đang tồn tại. Nhờ vậy, tôi đã trở nên điềm đạm
và bình tĩnh hơn, không còn nghĩ về Níp Bàn hay
cứu cánh giải thoát bằng cái ước muốn bồng bột,
nông nổi nữa. Bởi vì trong cuộc tu, điều chúng
ta cần làm không phải là một sự giải quyết manh
động nào hết, mà là một thái độ bình thản "an
trí" mọi phức loạn cho đến khi nào chúng tự hủy,
tự diệt thì thôi. Chẳng hạn như trong trường hợp
tôi đang có chuyện cãi vả với ai đó, nếu cả đôi
bên cứ xử sự theo cơn nóng giận của mình thì có
lẽ cả hai sẽ phải đánh nhau mất thôi. Hoặc nếu
lúc đó tôi còn chút bình tĩnh để trở về phòng
mình mà trong lòng vẫn cứ ấm ức thì xem ra cơn
giận dữ kia vẫn tiếp tục tồn tại vì rõ ràng là
tôi vẫn đang có thái độ đối kháng với nó. Có thể
nói đối với các phiền não đều như vậy cả: Một
khi ta buông mình theo chúng hoặc cố tình tống
khứ chúng thì chúng vẫn không sao chấm dứt được.
Ngọn lửa phiền não vẫn tiếp tục cháy!
Giáo lý Thánh Ðế dạy ta bốn vấn đề: Sự đau
khổ, cội nguồn của đau khổ, điểm chấm dứt của
đau khổ và con đường đưa đến điểm chấm dứt đó.
Chúng ta có thể đem tinh thần của Tứ Thánh Ðế để
áp dụng vào cuộc tu thường nhật của mình. Trong
bất cứ tình trạng bất ổn nào của nội tâm, chúng
ta đều có thể cảm nhận chúng bằng một trí tuệ
tương ứng: "Tại sao tôi khổ? Tôi thật sự đang
muốn cái gì?" Tôi nhắc lại, đó là Trạch Pháp
Giác Chi.
Cái tối quan trọng trong cuộc tu của người
Phật tử là khả năng áp dụng triệt để những lời
dạy của Ðức Phật chứ không phải là sự đầu tư
những kiến thức từ chương. Ngài Ajahn Chah
thường nói rằng người Phật tử không nỗ lực tu
tập thì giống như những con kiến bu quanh bên
ngoài một trái xoài chưa gọt vỏ. Bầy kiến đó
không bao giờ thưởng thức được vị ngon ngọt của
trái xoài. Thỉnh thoảng, chúng ta nghe được ở
đâu đó đôi ba điều về giáo lý của Ðức Phật rồi
chủ quan tự mãn mình đã "Hiểu Ðạo". Trong khi đó
giáo lý của Ðức Phật đâu phải chỉ đơn giản là
một hệ thống tri thức để nghe và nói, mà yêu cầu
cốt lõi của lời dạy Ðức Phật là đề nghị chúng ta
phải hiểu biết về từng cảm nghiệm trong đời
sống.
Ðến đây thì chúng ta đã hiểu được rằng trí
tuệ của bản thân mỗi người không chỉ đơn giản
được vận dụng để "tìm vui trốn khổ" một cách
nông cạn, mà nó phải được sử dụng để tìm đến cái
phương trời tự do cho nội tâm, vượt qua bên kia
tất cả giới hạn nhận thức theo phàm tình để rồi
chứng ngộ Níp Bàn. Chúng ta sử dụng trí tuệ của
mình để tìm đến tự do chứ không phải bỏ mặc cho
nó trở nên vô dụng, dùng nó để giải phóng tư
tưởng chứ không phải để tầm cầu hạnh phúc. Trên
tinh thần giác ngộ, chúng ta coi như phải vượt
qua cả hai giới hạn hạnh phúc và đau khổ. Ý
nghĩa của đời tu là thấu suốt tất cả cảm nghiệm
chứ không phải đầu tư bất cứ cảm nghiệm nào. Ðây
là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Ðó là tất cả những gì mà tôi muốn gởi lại cho
các vị trong đêm nay.
-ooOoo-
|
Ðại đức
Gavesako
Hãy nói
về Ðau khổ
Tiểu sử:
Ðại đức Gavesako (Mitsuo Shibahashi) sinh năm
1951 tại Nhật Bản. Là một nhà leo núi lão luyện,
đại đức đã từng thành lập một nhóm hội viên để
chinh phục dãy núi Himalayas. Lần đó đại đức
cùng cả đoàn đi sang Ấn Ðộ và trong thời gian
chờ đợi thời tiết tốt để bắt đầu cuộc thám hiểm,
đại đức đã quyết định ở lại một thảo xá dưới
chân núi. Thế rồi trước khi các thành viên trong
đoàn có mặt đầy đủ (đại đức đã đi trước một
mình), đại đức bỗng nhiên cảm thấy thích thú với
đời sống thiền định qua chút ít kiến thức mà
mình đã biết được về pháp môn này để rồi đại đức
không còn thấy hứng thú trong chuyện leo núi
nữa. Ðại đức đã ở lại thảo xá đó suốt hai năm
liền. Và cũng trong thời gian này đoàn leo núi
của đại đức gặp phải tai nạn, một số người trong
bọn họ đã bị vùi chôn trong một dòng băng hà đổ
từ núi xuống.
Do một ít khó khăn về vấn đề giấy tờ nhập
cảnh, đại đức buộc phải đi qua Thái Lan, nơi mà
đại đức vẫn hy vọng mình sẽ tiếp tục tu tập pháp
môn thiền định. Gặp được các vị sư người Tây
Phương ở Bangkok giới thiệu, đại đức đã đến chùa
Pah Pong ở vùng đông bắc Thái Lan, rồi thọ giới
tỳ kheo với Ngài Ajahn Chah. Lúc này là năm
1975. Ðại đức Gavesako gần như chuyên sống hạnh
đầu đà và đại đức cũng là người đã hết mình tận
tụy chăm sóc thiền sư Ajahn Chah trong suốt
những năm tháng cuối đời của Ngài.
Năm 1989 đại đức đã được mời về Nhật Bản để
trình bày về thiền định Phật giáo Nguyên thủy
suốt mấy tháng trời.
Bài viết sau đây là một pháp thoại cho các
Phật tử từ Bangkok đến viếng thăm đại đức. Nội
dung của bài viết có thể được tóm tắt trong mấy
dòng sau đây "Hãy làm thế nào để thấy được bản
chất ma chướng của lòng ham muốn và chấp thủ.
Cho đến khi nào thoát khỏi được sự chi phối của
chúng thì coi như đã thành Phật".
Hãy nói về Ðau khổ
Trong bài nói chuyện này, tôi muốn nhấn mạnh
với quý vị một số tiêu đề có thể tạm gọi là
những kinh nghiệm tu học mà chúng ta cần phải
có.
Vấn đề trước tiên mà tôi muốn đề cập ở đây
chính là thái độ đối diện của người Phật tử
trước tất cả những đau khổ trong đời sống. Có là
kỳ quái lắm không khi tôi đề nghị các vị hãy học
cách trân trọng trước những đau khổ như là đối
với một người thầy. Chúng ta đừng theo thói quen
mà chán ghét, trốn chạy hay e sợ các đau khổ.
Các đau khổ luôn giúp ta một lời cảnh báo, nó
giúp ta thông minh hơn để có thể nhìn thẳng vào
mọi sự trong đời. Nếu chúng ta có đủ can đảm để
đón nhận các đau khổ thì sẽ thấy được rằng chúng
thật ra có nhiều ý nghĩa tuyệt vời lắm. Trong
tinh thần đó, chúng ta sẽ khỏi phải lo ngại bất
cứ điều gì mà chỉ việc củng cố ở nội tâm mình
một sức mạnh chịu đựng. Nói vậy có nghĩa là
chúng ta phải biết mạo hiểm và gan lì, bởi vì
bất luận là những đau khổ đó có mặt ở đâu chúng
ta cũng phải nhìn ngắm nó một cách trọn vẹn. Nỗi
đau khổ nào cũng cần được nhận thức, cho nên
chúng ta phải học được cách nhận thức đau khổ.
Có điều là chúng ta cũng đừng quên rằng sự đam
mê trong khả năng nhận thức đó không khéo cũng
tạo ra hai thứ hình thái phiền não hết sức nguy
hiểm là tham ái và chấp thủ. Chính hai phiền não
này là cội nguồn cho tất cả đau khổ; đồng thời
cũng che khuất tất cả nhận thức của chúng ta về
đau khổ. Ðến lúc này thì chúng ta chỉ có thể bị
đau khổ mà không thể nhìn thấy sự đau khổ. Chính
vì vậy, vấn đề cốt lõi của cuộc tu là biết chọn
lấy cho mình một con đường chín chắn để thấy rõ
tất cả đau khổ. Từ cái thấy hời hợt của buổi đầu
mới tu học, chúng ta sẽ dần dần có được một cái
nhìn sâu sắc hơn. Thuật ngữ Phật học gọi đó là
Chánh Tri Kiến, cái khả năng trí tuệ thấy rõ
được từng giai đoạn xuất hiện, tồn tại và biến
mất của các đau khổ để rồi từ trên cơ sở này,
Chánh Tri Kiến của chúng ta lại lần lượt đi đến
những cấp độ khác cao hơn: không có hạnh phúc
hay khổ đau gì cả, mọi hiện tượng chỉ là từng
tiến trình "xuất hiện - tồn tại - biến mất". Với
trình độ Chánh Tri Kiến này, ta sẽ thấy rằng
thật ra không có Cái Gì xuất hiện hay biến mất
cả. Không có cái gì trên đời này đáng để ta ôm
ấp. Tất cả các pháp đều vô ngã.
Bất cứ cái gì đã xuất hiện thì phải có lúc
biến mất. Nếu chúng ta có thể buông bỏ hết mọi
thứ: Không cực lòng với những đau khổ, không
thích thú cũng không bất mãn thì chắc chắn chúng
ta sẽ được an lạc. Bất cứ một đau khổ nào có thể
xảy ra trong lúc này thì cũng chỉ là những bóng
khói hình sương.
Thái độ thứ hai mà các Phật tử cần phải có
được trước tất cả các đau khổ là chúng ta học
được cách đánh giá mọi áp lực trong đời sống như
là những người khách lạ. Quả đúng như vậy, những
cảm giác bức xúc khó chịu thực ra chỉ đến rồi đi
qua tâm hồn ta như những bóng nắng bên thềm.
Chúng đi rồi cũng có lúc quay lại. Nếu chúng ta
không bận lòng vật lộn với chúng thì chắc chắn
chúng sẽ không lưu trú lại được. Tuy vậy, chúng
ta cũng đừng quá chủ quan trong thái độ đó của
mình. Hãy bình thản một cách tự chủ: Không xua
đuổi để khách không có cơ hội phản ứng và cũng
đừng nồng nhiệt chào đón để khách có hứng thú ở
lại. Hãy để mặc chúng đến và đi theo nhân duyên
của chúng, ta không cần thiết phải can thiệp
vào. Quý vị hãy an tâm, các cảm giác đau khổ bức
xúc chỉ là những du khách chứ không phải là
những cư dân. Khi chúng đến ta biết là chúng đến
rồi bình thản nhìn ngắm cho tới khi chúng ra đi.
Chúng ta phải xây dựng ở nội tâm mình một khả
năng trung hòa: Không ghét thương, không sợ
hãi... Chỉ giữ lại cho mình khả năng hiểu biết
mà thôi. Cứu cánh của cuộc tu không phải là một
cái hầm trú ẩn để trốn tránh đau khổ một cách
nhút nhát tiêu cực mà là một trạng thái tĩnh
lặng, thanh tịnh và trong sáng.
Vấn đề thứ ba chính là một câu hỏi của tôi
cho các vị. Có ai trong số chúng ta ở đây đã
từng trải qua cái cảm giác đau đớn gần như muốn
chết hay không? Cho dù sự đau khổ có nghiêm
trọng đến mức nào đi nữa thì công việc tốt nhất
cho nội tâm chúng ta là nhận biết chính xác sự
có mặt của nó. Chỉ nhận biết thôi, chúng ta
không cần có thêm một nỗ lực nào khác nữa. Hãy
kham nhẫn và quan sát mọi cảm giác chứ không nên
thích thú hay chối bỏ chúng. Trong những hoàn
cảnh đó hãy cố giữ sao cho nội tâm được chuyên
nhất không thiên lệch. Cái cần thiết của chúng
ta lúc này chính là sự hiểu biết: Ngồi trong sự
hiểu biết, đi trong sự hiểu biết. Trong khả năng
ý thức này, chúng ta sẽ thấy được rằng mọi sự
đều rỗng tuếch ngay trong chính bản chất của
chúng. Mọi đau khổ và bức xúc chỉ đơn giản là
các cảm giác phù du, chúng không phải là chúng
ta cũng không thuộc quyền sở hữu của chúng ta.
Chúng được xem là quan trọng chỉ vì chúng ta nắm
bắt chúng bằng những khái niệm. Trong khi đó mọi
thứ luôn vô thường, cái cũ sẽ được thế chỗ bằng
cái mới một cách liên tục. Bản thân chúng chỉ là
những gì mà Ðức Phật vẫn gọi là vô thường, khổ
não, vô ngã.
Nói một cách chính xác, chúng ta đau khổ chỉ
vì chúng ta chấp thủ. Chúng ta phải học được
cách đào luyện nội tâm mình cho trở thành một
nguồn sức mạnh đủ để đối diện và chấp nhận mọi
sự: có thấy được sự đổi thay liên tục của các
cảm giác, chúng ta mới thấm thía được định lý vô
thường. Và định lý vô thường thì luôn gắn liền
với định lý vô ngã.
Vấn đề tiếp theo mà tôi muốn nhấn mạnh với
các vị là chúng ta đừng bao giờ đồng hoá mình
với bất cứ một đau khổ nào khác. Sự đau khổ
không phải là TA và ta cũng không phải là sự đau
khổ. Sự đau khổ không tồn tại bên trong bất cứ
AI và cũng không có AI sống trong sự đau khổ. Sự
đau khổ tự nó xuất hiện, tồn tại rồi biến mất.
Chúng ta chỉ có mỗi một trách nhiệm đơn giản là
nhận ra được từng diễn biến của sự đau khổ để
xem nó đến và đi như thế nào. Hãy nhìn ngắm đau
khổ mà không cần thiết phải bận tâm xem nó ở mức
độ nào, nhiều hay ít. Nhờ vậy chúng ta mới có
thể chấp nhận được nó một cách can đảm, bởi bổn
phận của người tu chỉ đơn giản có bốn chữ "can
đảm chấp nhận". Và được gọi là một bậc hiền giả
thì chỉ đơn giản là người chấp nhận được mọi đau
khổ.
Vấn đề tiếp đến có giá trị như là một món
hành trang tâm lý để chúng ta có thể đối mặt với
cuộc đời nói chung và sự đau khổ nói riêng. Ở
đây tôi muốn nói đến thái độ "bao dung" trong
tinh thần thấu đáo được cái lẽ tương đối trên
đời.
Trước khi đánh giá ai đó là lỗi lầm sai trái
thì chúng ta hãy nhớ lại rằng bản thân mình cũng
có lúc sai trái lỗi lầm và người kia không phải
lúc nào cũng lỗi lầm sai trái. Hãy giữ lại mọi
thứ ở một nửa con số đo lường của mình thôi. Có
biết suy nghĩ như vậy chúng ta sẽ không bị các
tư tưởng chủ quan của mình đày ải. Hoặc khi nghe
lại câu chỉ trích của ai đó về mình, chúng ta
đừng nông nổi tin tưởng hay phủ bác hoàn toàn.
Tức là chỉ giữ lại con số đo năm mươi phần trăm
mà thôi. Ðiều đặc biệt là đừng để nội tâm mình
có những phản ứng không cần thiết để rồi bị đau
khổ. Mọi sự không có gì là tuyệt đối: Rất có thể
từng người có liên quan rong chuỗi dài thông tin
kia đã thêm thắc vào đó một ít tư ý. Nói vậy có
nghĩ là chúng ta đừng bao giờ bị mắc bẫy trong
cái suy nghĩ của người khác. Quý vị hãy nhớ lại
xem chúng ta thường nổi giận trước khi tìm ra
căn cội của vấn đề chính bằng sự suy nghĩ cẩn
thận của mình. Ðại khái, hãy luôn tỉnh táo và
sáng suốt trước khi muốn làm điều gì đó.
Những khi bị buộc phải làm điều gì đó mà mình
không thích, chúng ta thường tỏ ra bất mãn. Hãy
nhớ rằng đó không phải là cách phản ứng tốt.
Ðừng giữ lại trong lòng mình những cảm giác bực
bội chỉ vì nghĩ rằng đó là điều vô lý. Ở đây tôi
ví dụ như quí vị đang làm việc với một đồng sự
của mình. Cả hai bên làm sao có cùng một suy
nghĩ được. Mà mọi suy nghĩ thì luôn vô thường,
thay đổi. Người đồng sự của quí vị có thể rồi sẽ
thay đổi suy nghĩ hoặc cũng có thể họ nghĩ một
đàng mà làm một nẻo...Quý vị đừng để mình bị
đánh lừa bởi các cảm giác. Bởi nếu chúng ta tỉnh
táo thì chúng ta không bị đau khổ. Ðừng bao giờ
hoàn toàn tin tưởng vào bất cứ cái gì dầu là
chính mình, người khác hay bất cứ một sự kiện
nào. Hãy học cách bình thản và không sợ hãi.
Ðồng thời cũng đừng để mình bị cuốn hút vào
những gì nghe thấy được. Bởi hãy nhớ: cái gì
cũng đều vô thường và bất toại, hãy dành cho mọi
sự trên đời năm mươi phần trăm giá trị thôi.
Nãy giờ tôi vẫn nói với quí vị về những thái
độ cần thiết phải có để đối diện với đau khổ
nhưng nếu như ta đã bằng đủ mọi cách mà chúng ta
vẫn cứ tiếp tục đau khổ thì phải làm sao? Ở đây
tôi chỉ có một câu trả lời thôi và đồng thời đây
cũng chính là một vấn đề nữa trong bài nói
chuyện này. Ðó là cố gắng nhìn thẳng vào mọi sự
một cách can đảm và tin tưởng hơn nữa.
Cái nhìn mà tôi muốn nói ở đây chính là trí
tuệ về Lý Tứ Ðế. Nếu chúng ta còn "bị đau khổ"
thì cũng có nghĩa là chúng ta chưa hoàn tất được
chánh kiến của mình. Khi đau khổ xuất hiện,
chúng ta hãy dõi mắt theo từng dịch biến của nó
bằng cách nhìn ngắm vào chính thân tâm của mình
để thấy được thế nào là vai trò nhân tố của lòng
tham muốn và chấp thủ đối với sự đau khổ đang
hiện hữu. Chúng là những ma chướng, những kẻ thù
nguy hiểm nhất của chúng ta. Chúng xuất hiện len
lỏi qua các dòng tư tưởng của chúng ta. Ghi nhận
được chúng, ta sẽ được vô hại, không bị kích
động và khỏi phải ôm ấp chúng một cách ngu xuẩn
nữa. Con Người Ðau Khổ lúc này đã thành ra một
bậc Giác Ngộ, một Ðức Phật. Ta không cần thiết
phải đi tìm kiếm thêm những gì thật ra không có
liên quan đến con đường mà mình đang đi. Nếu
phải đánh mất cả tánh mạng để đổi lấy trí tuệ
này thì đó cũng là một điều xứng đáng.
Chánh kiến hay trí tuệ giác ngộ còn có một
nguồn trợ lực khác hết sức quan trọng, đó là
Chánh Tư Duy. Cho dù có làm bất cứ công việc gì,
ta cũng phải luôn giữ được cho mình những khả
năng chánh niệm và trí tuệ. Nếu như chúng ta
đang lau nhà thì công việc đó vào ngay lúc này
phải được xem là một công việc quan trọng nhất
trên đời, ngoài ra không còn công việc nào quan
trọng hơn. Ðang lau nhà thì chúng ta chỉ nên
"biết" mình đang lau nhà mà thôi. Ta phải dành
cho công việc đó tất cả sự quan tâm.
Cứ thế, cho đến tất cả những công việc lớn
nhỏ khác trong đời sống thường nhật cũng đều
phải được thực hiện bằng tinh thần đó. Mỗi việc
có một thời gian hoàn toàn độc lập để chúng ta
có thể chuyên tâm bất nhị trong mỗi cử động của
mình. Như vậy thì công việc nào đối với chúng ta
cũng đều có thể là những thiền án: làm chỉ biết
là làm, không bận tâm đến những gì ngoài ra. Làm
với một tâm hồn thanh thản, không để mình phải
bị cực lòng vì những ám ảnh về một quan điểm hay
khái niệm nào đó. Chúng ta hãy làm việc như đang
thực hiện bổn phận bằng tất cả tinh thần trách
nhiệm. Nếu đối với bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng
có thể sống với thái độ nội tâm đó được thì
chúng ta sẽ không bị đau khổ và sẽ có được một
nguồn an lành, tịnh lạc rộng lớn, thường trực.
Có thể nói đây là con đường tu hành được đặt cơ
sở trên Chánh Kiến và Chánh Tư Duy./.
-ooOoo- |
Ðại
đức Brahmavamso
Trí
tuệ giác ngộ
Tiểu sử:
Ðại đức Brahmavamso (Peter
Betts) sinh năm 1951 tại Luân Ðôn. Trong một lần
ghé vào hiệu sách ở Luân Ðôn, đại đức đã bắt đầu
thích thú trước những quyển kinh Phật, mặc dù
lúc này đại đức vẫn còn là một cậu bé học sinh.
Lớn lên, đại đức vào học ở đại học Cambridge và
chọn ngành vật lý. Ngay từ thời sinh viên, đại
đức đã là hội viên của một hội Phật giáo địa
phương và bắt đầu tu tập thiền định. Sau khi tốt
nghiệp với mảnh bằng ưu hạng, đại đức đã về dạy
vật lý tại một trường trung học ở Devon trong ít
lâu. Thế rồi qua sự quen biết với các vị tỳ kheo
người Thái ở Luân Ðôn, đại đức đã quyết định tìm
sang Thái Lan để xuất gia tỳ kheo tại chùa
Sraket với Hòa Thượng Tan Chao Khun Prom
Gunaphorm.
Năm 1975 đại đức Brahmavamso đến
học thiền với Ngài Ajahn Chah và cũng là một
trong những vị sư đầu tiên của chùa Pah
Nanachat.
Năm 1983 đại đức đã sang giúp đỡ
đại đức Jagaro hoằng pháp tại Tu viện Bodhinyana
ở Perth, miền Tây nước Úc, nơi mà đến nay Ngài
vẫn đang lưu trú. Hiện nay, Ngài là viện trưởng
của Tu viện. Ðại đức đã có nhiều hoạt động tích
cực trong việc xây dựng các cơ sở Phật giáo và
thuyết giảng giáo lý cho trẻ em trong các trường
học, và các tù nhân địa phương.
Trong số các nhà sư Tây phương,
đại đức Brahmavamso được xem như là vị có kiến
thức về Luật Tạng uyên thâm nhất. Chính những
công trình biên soạn của đại đức về Luật Tạng đã
là những cẩm nang đầu giường cho chư tăng Tây
phương khắp các quốc gia Anh Quốc, Thụy Sĩ, Úc
và Tân Tây Lan.
Trí Tuệ Giác Ngộ
Hồi còn bé tôi cứ mơ ước sau này
lớn lên được trở thành một người lái tàu hỏa.
Ông của tôi thường giắt anh em tôi đến nhà ga
Euston ở Luân Ðôn để từ đây tôi có dịp làm quen
với sắt thép, dầu mỡ và những cổ máy. Tôi thích
thú lắm, cứ như được sống trong mơ vậy. Tôi nghĩ
hoài đến một ngày nào đó mình lớn lên rồi điều
khiển cả một đoàn tàu dài ngút mắt để chạy qua
những miền đất kỳ thú.
Thế rồi mấy năm sau, những mộng
mơ trong tôi ngày xưa lại chuyển hướng. Tôi đã
đọc rất nhiều sách rồi lại tự dựng lên trong đầu
mình hình ảnh một siêu nhân có đôi mắt luôn phát
quang chói ngời, có một đời sống tuyệt đối hạnh
phúc, không biết gì đến tuổi tác cùng những biển
dâu trong cuộc đời này. Tôi mơ ước mình đến một
ngày nào đó cũng sẽ được như vậy.
Rồi cũng trong cái tuổi học trò
của mình, lần đầu tiên tôi được nghe kể chuyện
về Ðức Phật. Dù vẫn là một cậu học trò thôi,
nhưng giai thoại về những tháng ngày tu hành của
đức Bồ Tát giữa một khu rừng già ở Ấn Ðộ ngày
xưa đã khiến tôi bắt đầu lưu tâm đến việc thay
đổi nếp sống. Trong một ngày Lễ Phật Ðản của Hội
Phật Giáo địa phương, khi được nghe một vị đại
đức người Tích Lan kể lại quá trình tu hành của
Ðức Phật, tôi bỗng nhiên bị kích động mãnh liệt.
Tôi cứ bị ám ảnh hoài lời đại nguyện của Ðức Bồ
Tát dưới gốc Bồ Ðề: "Cho dầu máu ta có khô đi,
xương ta có vỡ vụn thành bột ta cũng sẽ không
bao giờ rời khỏi chỗ này khi chưa chứng đạt quả
vị Chánh Ðẳng Chánh Giác".
Giai thoại đó đã in sâu và gần
như mọc rễ trong tâm hồn tôi. Một cảm giác bức
xúc kỳ lạ đã khiến tôi không thể kiên nhẫn ngồi
lại để dự xong buổi lễ, tôi đã lập tức quay trở
về trường, chạy vào phòng mình rồi nằm úp mặt.
Những tư tưởng thao thức, tự vấn cứ như giằng xé
tâm hồn tôi: Tôi đã được nghe pháp quá nhiều, đã
xem kinh quá nhiều và cả năm trời vừa qua, tuần
nào tôi cũng đến tham dự một buổi thiền định...
Tại sao Ðức Phật có được một hùng tâm như vậy mà
tôi thì lại chẳng có được một phần nhỏ của
Ngài?!
Thế rồi bằng tất cả nhiệt huyết
nông nổi và manh động của tuổi trẻ, tôi đã quyết
định dốc sức thiền định để được giác ngộ. Hoặc
là ngay bây giờ, hoặc là chẳng bao giờ - tôi tự
đặt ra cho mình câu tiêu ngữ đó, và ngay ngày
hôm sau, tôi đã làm một cuộc thử nghiệm. Khóa
trái cửa phòng mình lại, tôi ngồi xuống ngay
ngắn trên tấm tọa cụ vẫn được dùng để ngồi thiền
rồi tập trung tư tưởng, tôi đọc thành tiếng từng
câu từng chữ "Lời Ðại Nguyện" của mình một cách
rõ ràng và dứt khoát: "Cho dầu máu tôi có khô
đi, xương cốt tôi có tan nát thành bụi, tôi cũng
không bao giờ rời khỏi tọa cụ này trước khi giác
ngộ".
Chỉ có vậy thôi, tôi đã ngồi yên
như một xác chết. Năm mươi phút trôi qua, cơn
đau đớn trong tôi đã lên đến mức cực điểm. Dầu
máu tôi vẫn chảy bình thường trong huyết quản và
xương cốt của tôi cũng chưa hề có vấn đề gì
nhưng cái cảm giác tê buốt ở hai đầu gối đã cho
tôi biết thế nào là địa ngục - và điều làm tôi
bận tâm nhất là trong suốt thời gian đó tôi
chẳng hề thấy một tia hào quang nào hết. Bởi
theo tôi thì dù gì điều đó cũng phải xuất hiện
để chứng tỏ rằng ít nhất tôi cũng đã gần đạt đạo
chứ! Ðổi ngược lại tôi chẳng được gì hết, ngoài
một cảm giác đau đớn quá sức chịu đựng. Tôi đã
gần như không đứng dậy nổi và "cuộc đại ngộ thất
bại" đã làm khổ tôi suốt ngày hôm đó.
Thời gian qua đi, rồi tôi cũng
dần dần trưởng thành thêm đôi chút để có thể bỏ
lại sau lưng mình những ước vọng ngộ nghĩnh từ
những ngày bé dại và cả lứa tuổi dậy thì. Hôm
đó, tại phi trường Luân Ðôn, tôi đã được hai vị
tỳ kheo người Thái đến đưa tiễn sang Bangkok để
xuất gia. Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn cứ nhớ
hoài câu nói từ biệt của một trong hai vị sư
người Thái đó, người đã từng hướng dẫn tôi. Ngài
nói với tôi: "Hãy nhớ quay về đây khi cậu đã
giác ngộ nhé!". Trước khi ra đi tôi đã tính toán
kỹ lưỡng và có lời hẹn với những người thân rằng
sau hai năm tu học ở Thái Lan, tôi sẽ trở về. Có
thể nói rằng hai năm trời trong nếp sống xuất
gia là cả một thời gian khá dài, vừa đủ cho một
người kém thông minh nắm được phần nào cái căn
bản của đường tu. Còn đối với riêng tôi, tôi đã
tốt nghiệp đại học nên tôi cứ tin chắc rằng chỉ
trong chừng ấy thời gian mình sẽ có thể trở lại
Anh Quốc với tư cách một người đã ngộ đạo. Tôi
nhớ mình đã từng là một người vượt qua được rất
nhiều thứ, chẳng hạn tôi đã từng từ bỏ ý muốn
lập gia đình, một lý tưởng sống mà khó ai lại dễ
dàng bỏ qua. Ðại khái tôi đã phủi bỏ tất cả
trước ngày lên đường sang xứ Thái.
Nhưng quí vị biết không, hai năm
trời xuất gia đã cho tôi thấy rằng việc giác ngộ
giải thoát chẳng hề dễ dàng tí nào! Tôi nhận ra
điều đó qua những kinh nghiệm thật xót xa. Chẳng
hạn tôi là một người da trắng được ăn học đàng
hoàng ở một đại học lừng danh thế giới, vậy mà
trong cuộc sống tu hành tôi đã thật sự thua kém
một cách đáng ngại so với những nhà sư bản xứ
chỉ mới học xong lớp ba, lớp bốn trường làng.
Nhưng đổi lại, lòng kiêu ngạo của tôi hồi nào đã
dần dần được tẩy xóa. Ðó là cả một kỳ tích, dù
tôi thật ra vẫn chưa thực sự giác ngộ.
Tôi đã học được cách tìm thấy
cái thú vị trong đời sống đạm bạc và khép mình
của một nhà sư. Tôi đã bỏ hết những gì thuộc về
cái da trắng của mình để tự nguyện chấp nhận
cuộc đời của một người tay trắng. Tôi không muốn
rời xứ Thái và những tục niệm ngày xưa ở bên quê
nhà đến bây giờ bỗng nhiên bay biến đâu cả.
Vào mùa an cư thứ tư trong đời
tu của mình, tôi đã phải đối diện với một biến
động. Người ta nhắn tin về Thái Lan rằng Giáo
Hội Phật Giáo Anh Quốc đã mua được một cơ sở để
làm chùa và bên đó đang cần có thêm chư tăng.
Phải nói rằng đây là một thời điểm để tôi đối
đầu với vấn đề giác ngộ. Bởi vì lúc đó tôi đang
sống tại một ngôi chùa hẻo lánh, hiu quạnh và
việc tu tập thiền định của tôi lúc đó cũng đã
bước vào giai đoạn chuyển mình. Nói chung,
chuyện tu hành của tôi lúc này xem như đang được
ổn định. Vậy mà cái chuyện "xê dịch" kia lại xảy
đến cho tôi!
Vào một buổi chiều, sau nhiều
giờ tọa thiền, trên con đường kinh hành tôi bất
chợt hiểu ra căn cội của mọi vấn đề mà mình vẫn
trăn trở và tâm hồn tôi lúc đó lập tức trào dâng
một niềm hạnh phúc thật kỳ lạ. Mọi thứ chung
quanh như bừng sáng lên, toàn thân tôi như được
thấm nhuần cái cảm giác an lạc nào đó thật lạ
lùng và tôi thấy mình như đang tiếp nhận được
một nguồn sinh lực hết sức mãnh liệt. Trời tối
lúc nào tôi cũng không hay. Tôi cứ ngồi đó thiền
định như quên mất mình đi. Sau đó tôi nằm xuống
nghỉ một lát và tỉnh dậy lúc ba giờ sáng để lại
bắt đầu buổi thiền định trong Tham Vấn Ðường.
Tôi đã trải qua những giờ tọa thiền một cách
thanh thản và dễ dàng đến mức không biết buồn
ngủ hay mỏi mệt là gì. Niềm hạnh phúc trong
thiền lạc đúng là không thể nói được. Chỉ tiếc
là để kéo dài nó như ý mình muốn thì không phải
dễ.
Ngôi chùa mà tôi vừa kể trên,
nơi tôi đã sống qua thời gian thiền định tuyệt
vời nhất, lại là một ngôi chùa rất nghèo, mọi
phương tiện vật chất đều hết sức thiếu thốn.
Chùa nằm ở miền Ðông Bắc Thái Lan và ở đây mỗi
ngày chư tăng chỉ dùng có một bữa, không có điểm
tâm. Ấy thế nhưng, cái buổi sáng sau đêm thiền
định hạnh phúc kia lại là tất cả những gì thử
thách và đối lập với những thành quả mà tôi đã
đạt được trong vài giờ trước đó. Trong bữa ăn
hôm ấy, ngoài món cá hầm thường được nấu rất cẩu
thả và mất vệ sinh, còn có một tô cà ri thịt
heo. Hôm ấy, sư trụ trì người Thái tỏ ra chán
ngấy món cá hầm khó nuốt kia rồi cứ múc từng
muỗng lớn cái món cà ri. Tôi thiệt tình chẳng
bận tâm gì tới chuyện đó dù ai cũng có thể thấy
rằng cái cảnh tượng ấy rất dễ khiến người ta bực
mình. Phải nói rằng tôi chẳng hề có ý "tranh
giành quyền lợi" trong những trường hợp cỏn con
như vậy. Trong đám đông chư tăng lúc đó tôi ngồi
ở vị trí thứ hai kế bên vị trụ trì nhưng vị này
cứ như chẳng hề nhìn thấy tôi. Thế rồi sau đó,
như nhớ ra, vị này đã đổ trút phần cà ri còn sót
lại trong tô vào đĩa cá hầm trước mặt tôi, rồi
nói "cứ nuốt cả vào đi, vào tới bao tử rồi mọi
món cũng sẽ trộn chung lại với nhau thôi". Ðến
lúc này thì tôi thật sự nổi giận. Ðó là một thái
độ thiếu lịch sự không thể chịu nổi. Nếu vị trụ
trì chỉ hồn nhiên làm việc đó theo cái suy nghĩ
thiệt thà của mình thì tại sao không trộn chung
lại các thứ để ăn trước khi chia phần cho tôi.
Tôi đã trừng mắt giận dữ nhìn vào đĩa thức ăn
của mình nhưng cũng may tôi không có phản ứng
nào khác. Ðiều đáng tiếc là vị trụ trì đã làm
tôi nổi giận đến phát điên. Quý vị hãy nhớ rằng
đúng ra bữa ăn hôm đó phải là một bữa ăn tuyệt
vời cho tôi. Vì ngay đêm trước tôi vừa trải qua
những giây phút giác ngộ!
Một tư tưởng nhức nhối đã xảy
đến cho tôi trong lúc đó rằng mình vẫn chưa thực
sự giác ngộ! Các bậc Giác ngộ không hề biết nổi
giận. Chư vị A la hán không thể nào bị các món
ăn chi phối. Tôi đã nổi giận có nghĩa là vẫn
chưa giác ngộ! Phải nói đây là một sự đổ vỡ ghê
gớm, một áp lực nặng nề cho tôi. Tôi đã đổ bỏ
tất cả thức ăn vào bát của mình để đem vất đi.
Và tôi đã không còn đủ bình tĩnh để ghi nhận cái
lưỡi của mình đã nếm phải thứ gì trong bữa ăn đó
nữa.
Trong tình trạng đạo lực ngày
càng thối thất và sa sút đó, trong những năm tu
sau đó của mình, tôi ngày càng xuống dốc, thậm
chí đổ đốn hơn. Cái lý tưởng tu hành ngày nào
bây giờ bỗng dưng mờ nhạt bên cạnh những ước mơ
của thời tuổi trẻ, từ cái ước mơ của người lái
tàu hỏa, cho đến hình ảnh một nhà thiên văn học
hàng đầu, một cầu thủ kiểu mẫu, một tay chơi tây
ban cầm lừng danh hoặc một sinh viên nổi tiếng
hào hoa... và cứ vậy, tôi thấy cái lý tưởng giác
ngộ của mình có vẻ ngu xuẩn làm sao. Bởi xét cho
cùng, cái ước mơ trở thành người lái tàu hỏa
thôi cũng là điều có thể thực hiện. Còn đối với
cứu cánh giác ngộ thì tôi hoàn toàn không thể
tìm thấy một chút đảm bảo nào hết. Và cũng trong
suốt thời gian đó, mối quan hệ giữa tôi với các
bạn bè đồng tu cũng càng lúc tệ hại hơn. Tôi
không muốn nói chuyện với ai, chỉ trả lời một
cách đầy ác cảm trước những câu hỏi. Như vậy
tình trạng của tôi lúc này đúng là hoàn cảnh của
một người lạ nơi đất khách. Mọi thứ chung quanh
đều có vẻ như chống đối lại tôi: những bữa ăn
buồn nôn, những vật dụng hư cũ, những muỗi vắt
ác nghiệt cùng cái không khí nóng bức triền
miên... cái gì cũng khó khăn đối với tôi, nhưng
tại sao lại như thế? Bởi vì tôi đã đánh mất lòng
tự tin một cách nghiêm trọng.
Như vậy rõ ràng là cho đến khi
nào chúng ta vẫn chưa hiểu được một cách chín
chắn ý nghĩa của sự giác ngộ thì bất cứ một con
ong, cái kiến nào cũng có thể dễ dàng khiến ta
đánh mất lý tưởng cao đẹp đó cả. Thật ra tôi tự
hiểu mình vẫn chưa hề có ý muốn hoàn tục, tôi
biết rõ điều này và nó đã có một ý nghĩa rất
quan trọng đối với tôi. Ðiều mà tôi cần thiết
phải thực hiện chính là biết bỏ đi những gì là
hoang tưởng. Cho nên nếu lý tưởng giác ngộ của
tôi trước đây chỉ xuất phát từ một ý muốn nông
nổi thì nó lại cũng chỉ là một thứ hoang tưởng
mà thôi. Mà đã vậy, nó chỉ là cái cần được vất
đi!
Trong cảnh giới của thiền quán,
xét về một khía cạnh nào đó, một tư tưởng đơn sơ
đôi khi lại là một con đường ngắn nhất để dẫn
đến trí tuệ giác ngộ. Trong khi đó, một nội tâm
bị ám ảnh bởi quá nhiều suy tính thì lại chỉ có
thể đưa người ta đến một ngõ cụt ngu xuẩn. Còn
đối với tình trạng trì độn của tôi thì sao? Ðiều
này đã được nói đến rất nhiều trong kinh điển và
đã có biết bao vị chân sư ai cũng từng lưu ý đến
vấn đề này. Ðó là cái chân lý "mọi cái Trở Thành
luôn là đau khổ, bất luận là Trở Thành Cái Gì".
Ðức Phật đã từng khẳng định rằng Ngài không chủ
trương việc Xây Dựng, Tạo Tác hay một nỗ lực để
Trở Thành cái gì đó. Ý tưởng Trở Thành chính là
sản phẩm của Ngã Chấp. Chính cái lý tưởng trở
thành đã tô điểm và củng cố cho mọi mê vọng ngộ
nhận. Nó có thể được gọi là lớp da phủ ngoài của
một cái Tôi phù du. Chấm dứt mọi ước vọng trở
thành cùng những ảo tưởng được thoát thai từ nó
thì coi như mọi vọng niệm cũng được phá vỡ.
Như vậy thì chưa cần gì đến
những trình độ thánh trí, những nhận thức trên
đây đối với tôi cũng có thể tạm được xem là một
cứu cánh giác ngộ rồi. Tôi thấy rằng thay vì
nhức đầu cho cái hành trình xác định một cái Tôi
"Ai? Người Nào?..." Thì tốt hơn ta hãy cùng nhau
khám phá xem người nào có ước muốn trở thành bậc
Giác Ngộ nếu như quả thật có một con người thật
sự hiện hữu. Tôi đã cố gắng khám phá định lý vô
ngã, một công phu có nhiều ý nghĩa hơn là chuyện
Trở Thành Một Con Người Giác Ngộ. Một điều buồn
cười là có nhiều người cứ đến hỏi tôi một câu
hỏi hạng bét mà họ đã từng hỏi nhiều vị khác
rằng tôi đã đắc đạo hay chưa. Trong những trường
hợp đó tôi đã mượn lại câu nói của cố Hòa Thượng
Anandamangala Mahànàyakathera, một đại sư thánh
hạnh người Tích Lan để trả lời câu hỏi đó: "Tôi
chưa được giác ngộ thánh trí nhưng tôi đã học
được cách chối bỏ tối đa những gì cần chối bỏ".
-ooOoo-
|
Ðại
đức Sucitto
Tinh thần Quan Âm và hình ảnh con voi
Tiểu sử:
Ðại đức Sucitto sinh năm 1949
tại Luân Ðôn nhưng vài năm sau đó, gia đình của
đại đức đã dời về một thị trấn nhỏ ở Dunstable.
Ðại đức đã bắt đầu hứng thú với Phật giáo kể từ
lúc còn đi học, qua các tác phẩm văn chương Nhật
Bản. Nhưng chỉ có thế thôi, ở Dunstable không có
điều kiện để đại đức nghiên cứu về đạo Phật. Là
một người có năng khiếu văn chương, năm 1971,
đại đức đã nhận được mảnh bằng cử nhân văn
chương Anh Mỹ tại đại học Warwick. Sau đó, để
tìm cho mình một hướng đời nhiều ý nghĩa hơn,
đại đức thực hiện một chuyến du lịch về phương
Ðông. Cuộc đi được bắt đầu từ Châu Úc. Sau một
thời gian ở Ấn Ðộ, đại đức đến Thái Lan năm 1975
rồi tham dự một thiền khóa được tổ chức tại
Chiang Mai. Chỉ sau vài hôm thiền định, đại đức
đã nghĩ đến việc xuất gia.
Xuất gia xong, trong suốt ba năm
đầu tiên, đại đức gần như chỉ sống ở chùa
Kiriwong tại thành phố Sawan. Trong một thời
gian lưu trú tại Chiang Mai, đại đức gặp Ngài
Sumedho trước khi vị này rời Thái về Anh. Thế
rồi năm 1978 trong chuyến về Anh để thăm gia
đình, đại đức Sucitto gặp lại Ngài Sumedho tại
chùa Hampstead và đại đức quyết định ở lại tu
học bên vị này. Suốt những năm tháng sau đó, đại
đức đã giúp đỡ Ngài Sumedho rất nhiều, đặc biệt
là đã ra sức ấn hành các bài giảng của Ngài cùng
các kinh sách khác của Giáo hội. Ðại đức Sucitto
là vị trưởng lão đầu tiên của chùa Harnham. Từ
năm 1983 đại đức thành lập một cơ sở tu học cho
các tu nữ mười giới và đến năm 1984 đại đức dời
về sống ở trung tâm Phật giáo Amaravatì rồi sống
luôn tại đây cho đến nay.
Bài viết dưới đây gần như là một
đoạn hồi ký kể lại những tháng ngày đại đức đã
sống trì hạnh đầu đà cùng với đại đức Gavesako ở
Isan, miền Ðông Bắc Thái Lan vào mùa đông năm
1986.
Tinh Thần Quan Âm và Hình Ảnh Con Voi
Siraja không đẹp lắm, ở về phía
đông Bangkok và đã trở thành một phố nối dài do
mật độ dân số của thủ đô. Siraja nằm dọc theo bờ
biển, chạy từ Samut Pakhan đến Chonburi, đời
sống chủ yếu nương theo cơn vùng dậy của nền
công nghiệp dầu hỏa và tàu bè trong vùng vịnh
Thái Lan. Ðại đức Gavesako và tôi đã quyết định
đi đến đây để làm một cuộc du hành đầu đà và đặc
biệt là để tìm đến một hòn đảo mà dân địa phương
vẫn gọi là đảo Sichang (trong tiếng Thái có
nghĩa là hòn đảo của loài voi thiêng). Lúc bấy
giờ đang sắp sửa bước vào mùa Giáng Sinh, khắp
nơi trên đất Thái đều rất nhộn nhịp, đặc biệt
các thành phố đã bị Tây hóa. Chúng tôi bàn nhau
ngủ lại một hai đêm trong một ngôi chùa nhỏ mà
đại đức Gavesako đã quen biết trước, để rồi từ
đây chúng tôi sẽ ra hòn đảo kia sống dấu mình
trong ít hôm.
Phải nói đây là một ý tưởng rất
hay của chúng tôi, bởi ngay giữa lúc mọi nơi đều
đang bắt đầu náo nhiệt thì chúng tôi lại có mặt
ở một khu rừng vắng tại Isan. Ngôi chùa nhỏ mà
chúng tôi nghỉ đêm chỉ có một diện tích vài mẫu
thôi, chùa nằm đối diện với một sườn đồi nằm bên
ngoài thị trấn Siraja, không quá xa hay quá gần
với trung tâm dân cư. Nhưng dù vậy những bài hát
Giáng Sinh từ đường phố vẫn vọng lên chùa lồng
lộng. Theo dự tính, chúng tôi chỉ ở lại chùa này
một hai đêm thôi nhưng vì lúc này tôi thấy phải
đi thật gấp và khổ nỗi muốn gì thì cũng phải lấy
vé tàu trước đã. Một cái vé thôi, trong thời
điểm này cũng phải đợi đến mấy ngày mới mua nổi.
Nên vào một buồi chiều, sau khi đã ở lại ngôi
chùa đó vài ngày, chúng tôi đã ra bờ biển rồi
tìm đường sang một hòn đảo nhỏ bằng cách men
theo cầu tàu. Trên đảo có một ngôi chùa Phật
giáo Trung Hoa và cũng rất nhiều ngôi chùa theo
truyền thống này ở khắp xứ Thái. Ngôi chùa Tàu
mà chúng tôi vừa ghé vào cũng vô cùng rườm rà,
rắc rối với hàng chục thứ ảnh tượng và nghi thức
cúng bái. Ðể cầu phước lợi, người ta thường đến
những ngôi chùa kiểu này tế lễ và cầu khẩn Ðức
Phật hoặc các vị Bồ Tát, đặc biệt là Quan Thế Âm
Bồ Tát. Theo tín ngưỡng Trung Hoa, đó là vị Bồ
Tát luôn lắng tai nghe ngóng lời cầu khẩn của
những chúng sanh khổ nạn để kịp thời phù hộ cho
họ. Phải nhận rằng tôi chưa bao giờ tưởng tượng
ra được cái không khí huyền hoặc như vậy qua
kiến thức của mình về Phật Giáo. Tôi đã cố làm
ngơ đi trước mọi hình ảnh đó trong chùa để quay
ra nhìn về biển cả lúc này đang chói ngời trong
ánh nắng chiều. Ngắm một bầu trời mát dịu như
đang lồng lộng trên kia, tôi cứ vậy mà càng muốn
bỏ đi thật gấp để tìm đến một nơi có thể thiền
định lập tức.
Buổi chiều hôm sau, chúng tôi đã
tìm được thuyền để đi ra đảo Sichang. Chúng tôi
ghé vào bến đỗ trên đảo rồi cứ vậy mà đi bộ dọc
theo bờ biển để đến một chỗ càng xa bến tàu càng
tốt. Chúng tôi đã bắt gặp một ngôi chùa cổ hoang
tàn đổ nát vốn đã được xây dựng từ đời vua
Mongkut. Dĩ nhiên ngôi chùa này chẳng giống ngôi
chùa Tàu bên hòn đảo nhỏ kia. Cái hoang cảnh
tiêu sơ ở đây dù sao cũng vẫn giữ lại được một
bầu không khí ấm cúng và trang nghiêm. Ngay trên
nền chùa có mọc lên một cây Bồ Ðề, các vách
tường của chùa đều bị rạn vỡ, trên những mảnh
tường còn lại gần như trơ trụi. Chúng tôi ngậm
ngùi khi thấy trên đó có một vài bức chân dung
của những vị tỳ kheo trì hạnh đầu đà. Trong số
đó có cả ảnh Ngài Ajahn Mun, sư phụ của thiền sư
Ajahn Chah. Ðối với chúng tôi, được sống ở một
nơi gần như thánh địa này để thiền định quả là
vô cùng lý tưởng. Chúng tôi đã chọn đúng chỗ
rồi, một chỗ ẩn tu thật tuyệt vời.
Chúng tôi lại thả bộ xuống những
kè đá và quyết định tận dụng từng ngày trong
điều kiện sống viễn ly này một cách nhiều ý
nghĩa nhất. Năm ngày trôi qua thật nhanh, chúng
tôi gần như đã đánh mất khái niệm thời gian vì
bất cứ lúc nào trong những ngày này chúng tôi
đều luôn cảm thấy tâm hồn mình trở nên trong
sáng một cách kỳ lạ, Khả năng tập trung chánh
niệm cũng có vẻ dễ dàng hơn. Thậm chí cho đến
sức khỏe sinh lý của chúng tôi trong thời gian
này cũng như đang ở vào tình trạng tốt nhất.
Chúng tôi cảm thấy khỏe khoắn đến mức không muốn
đi ngủ.
Thời tiết trên đảo mùa này thật
tốt, bởi nói chung thì ở Thái Lan, tháng mười
hai luôn là tháng lý tưởng nhất trong năm: ấm
áp, mát mẻ và cũng chẳng có sương mù. Ðược trải
qua những ngày này trên đảo thì quả là thú vị.
Tôi vẫn từng đêm ngồi thiền giữa trời rồi nếu
muốn có thể ngước nhìn lên hằng tỉ tinh tú bên
trên. Những khi đó, thời gian như dừng lại...
Quý vị có ngờ được không, sau
mấy ngày hết sức an lạc đó tôi lại có thêm một
phần thưởng nữa. Vào một ngày thật tốt trời, tôi
tình cờ đi ngang qua một ngôi gác gỗ thật đẹp,
nó cũ lắm rồi, lại bị cháy hết một nửa và nằm
lẫn khuất trong một đám cây rừng. Ngôi gác gỗ đó
nằm gần bên chùa và băng qua nó tôi đã phát hiện
được một hang động nằm dưới lòng đất. Hang rộng
lắm, nóc trần cũng cao, đủ để ta có thể đi kinh
hành, và trong hang còn có nhiều cái hóc nhỏ mà
nếu vào đó ngồi thiền thì tuyệt. Ðã vậy, đây lại
là một cái hang hoàn toàn bằng đá mới thú chứ.
Có mặt trong hang thì coi như ta chẳng còn nghe
thấy bất cứ cái gì bên ngoài nữa. Sống ở đây ta
cứ như đang nằm trong lòng trái đất. Ðó quả là
một ước mơ của người ẩn sĩ! Phát hiện được cái
hang động, tôi mừng vui lắm và cứ bàng hoàng
mãi. Hôm đó là ngày rằm, tôi muốn đi ngồi thiền
nhưng suốt buổi chiều hôm đó, đầu óc tôi cứ
phóng túng loạn xạ với đủ thứ tạp niệm: mình
đang ngồi gần ngôi chùa cổ này, như vậy coi như
mình đang ngồi thiền chung với Ngài Ajahn Mun.
Mình có thể xuống hang động kia để thiền định
hoặc cũng có thể đi kinh hành dưới đám cây rừng
giữa cơn gió chiều để chờ trăng lên và biết đâu
vào đầu hôm đêm nay mình sẽ chứng đắc được cái
gì đó.
Ðang miên mang đắm mình trong
những dòng suy tưởng đó bỗng dưng tôi có cảm
giác như mình mất hẳn trọng lượng và đang sắp
sửa bay bổng. Tôi kinh ngạc tột độ khi thấy một
nhóm người đang tiến về phía tôi và trong sương
chiều đang phủ xuống, tất cả bọn họ đều có chung
một dáng vẻ thật kỳ quái, ma ảo. Tất cả đều mặc
đồ trắng và tôi vô cùng ngỡ ngàng khi nhận ra
trong số đó có một người là cư sĩ áo trắng ở
ngôi chùa nhỏ bên đảo Siraja mà chúng tôi đã ghé
ngủ hôm trước. Ông ta đang đi đến chỗ tôi, với
một nhóm phụ nữ cũng mặc toàn đồ trắng. Tôi tự
nhiên nghĩ là họ đến thăm chúng tôi. Mà tình thế
lúc ấy thật khó xử, tôi không biết nói tiếng
Thái. Nhưng dù sao họ cũng đã thấy tôi rồi,
không thể làm gì hơn được, tôi đành ngồi yên tại
đó và hy vọng mọi chuyện rồi sẽ qua đi thật
nhanh. Tất cả chúng tôi đã ngồi xuống bên cạnh
gốc Bồ Ðề cổ thụ nằm bên ngoài ngôi chùa cổ rồi
một người trong số họ đã đưa cho tôi mấy lon
nước đã được ướp lạnh sẵn, trong đó có cả Coca
cola. Tôi nhận lấy một lon rồi thong thả uống.
Bọn họ lại hỏi tôi đủ chuyện, họ nói nhiều lắm
trong khi tôi chỉ hiểu được loáng thoáng, tôi
chỉ mỉm cười rồi bập bẹ giải thích mình không
hiểu được tiếng Thái. Lúc đó tôi cứ nghĩ đến
Gavesako và thầm mong đại đức có mặt kịp lúc và
nói chuyện với nhóm người đó. Còn tôi lúc này dĩ
nhiên chỉ muốn bỏ đi để tìm đến chỗ nào đó ngồi
thiền. Nhưng rồi trong tư tưởng tôi lại đột
nhiên nảy ra những câu hỏi: "Tại sao nhóm người
kia lại đến đây? Tại sao tôi cứ kinh ngạc về
chuyện đó?" - Vì đại đức Gavesako mới đến, tôi
phải ngồi với đại đức một lát. Rồi khi nhận thấy
đại đức với nhóm người kia đã bắt được câu
chuyện với nhau, vì đại đức Gavesako rất giỏi
tiếng Thái, nên tôi mới quyết định đứng dậy bỏ
đi. Vào đúng ngay lúc đó, đại đức Gavesako nói
với tôi là hãy thu xếp để quay về.
Thấy tôi có vẻ thắc mắc, đại đức
cho biết sẽ quay lại Siraja. Buổi thiền định đêm
nay của tôi coi như không thể thực hiện được
rồi. Tôi lại hỏi lý do trở về Siraja, đại đức
Gavesako trả lời cho tôi biết rằng nhóm người
kia cố ý mời chúng tôi quay trở lại, còn đại đức
thì không có lý do để từ chối. Một cái gì đó như
niềm thất vọng đã rơi xuống trong tôi. Tôi quay
lại để lấy hành lý mà cứ thắc mắc trong lòng:
"Bọn họ muốn gì? Chúng tôi đang làm gì? Chúng
tôi đang dự định trở vào nền chùa để tụng kinh
kia mà! Tại sao chúng tôi không tiếp tục ở đây
nữa trong khi chúng tôi đã ở đây được mấy ngày
rồi? Chúng tôi có thể sẽ trở về bất cứ lúc nào
kia mà... Chúng tôi đến đây để thiền định rồi
bây giờ lại quay trở về thành phố. Tại sao chứ?
Thực ra người ta muốn gì ở chúng tôi?". Nhưng ở
hoàn cảnh chẳng đặng đừng này, tôi biết mình
không thể xử sự như ý nên cũng đành thôi. Chúng
tôi ra bến tàu rồi chờ đợi ở đó một lát. Ít phút
sau, một con thuyền chạy đến đưa chúng tôi rời
đảo Voi Thiêng để trở về Siraja.
Thế là, chúng tôi quay trở lại
ngôi chùa trong thị trấn Siraja mà không biết để
làm gì. Tôi về phòng của mình, sắp xếp hành lý
rồi ngồi đó chờ đợi. Tôi đã ngồi đó chờ đợi
nhưng không có gì xảy ra cả, ngoại trừ những âm
thanh ồn ào từ thành phố dội về chùa suốt cả
ngày đêm. Mà ở xứ Thái kể cũng lạ, cứ vào mùa
Giáng Sinh thì mọi người, bất kể là con chiên
Thiên chúa hay Phật tử đều vui chơi ca hát như
nhau cả. Những bài hát mừng Giáng Sinh như White
Christmas, Rudolph the Red-Nosed Reindeer đều
bằng tiếng Anh nên có lẽ vì vậy mà người ta,
phần đông là không hiểu được ý nghĩa của chúng,
cứ trổi giọng hát tới hát lui một cách vô tội
vạ. Từng đêm, từng buổi sáng, tôi cứ ngồi đó
lắng nghe và chờ đợi. Ngồi nghe mấy bài hát
Giáng Sinh mà tôi cứ nhớ ánh trăng trên đảo
Sichang, nhớ tới ngôi chùa cổ đổ nát, nhớ tới
Ngài Ajahn Mun rồi những giờ thiền định trên hòn
đảo thơ mộng đó nữa.
Nhưng có một điều không thể phủ
nhận là cũng chính trong những ngày này, tôi đã
học được cách lắng nghe, và nó gần như đã là một
thành quả tu học của tôi. Tôi nghe như trong bản
thân mình có chút gì đó đã được ổn định để tôi
có thể sống giao hòa trung thực với mọi sự chung
quanh. Bài hát Giáng Sinh Rudolph the Red-Nosed
Reindeer thật ra có một nội dung rất đặc biệt,
nhất là khi ta nghe nó qua vài lần. Nội dung của
bài hát này có một ý nghĩa răn đời chứ không chỉ
đơn giản là một nhạc khúc hát mừng lễ hội.
Chuyện lạ lắm, tôi đã thử bỏ đi những gút mắt
trong lòng mình rồi lắng nghe từng âm thanh của
cuộc đời chung quanh, đằng sau cái dư hưởng của
những náo nhiệt đó là cả một cảnh giới tịch mặc
vô cùng kỳ diệu. Rồi một điều hết sức kỳ diệu
khác nữa là chính cái cảnh giới im lặng mà tôi
vừa nói kia lại đã mở ra cho tôi cái khả năng
lắng nghe mọi sự. Ðó chính là cái cảnh giới
thinh lặng tuyệt vời được dành riêng cho "cái
thính giác ý thức", một thứ thính giác sâu thẳm
và mênh mông mà không một âm thanh nào có thể
nhiễu động. Ðồng thời trong chính cái thính giác
kỳ diệu này cũng hàm chứa một sự bao dung độ
lượng vượt ngoài thời gian tính.
Từng ngày rồi từng ngày trôi qua
vẫn không có ai đến gặp gỡ hoặc để đưa chúng tôi
đi đến nơi nào cả. Người ta không muốn tôi
thuyết pháp, tụng kinh, làm lễ, đi đâu và nói gì
hết. Có thể họ e ngại rằng chúng tôi chỉ quen
sống độc cư hoặc cũng có thể người ta nghĩ rằng
chúng tôi thích sống đạm bạc. Thậm chí tôi còn
nghĩ đến tất cả những tình huống có liên quan
cái gọi là tình đời, lòng người. Nhưng rồi sao
cuối cùng rồi tôi cũng vẫn cảm thấy hạnh phúc.
Tôi đã cố gắng nhớ lại tất cả sức mạnh từ tâm
của một vị Bồ Tát để học cách tri ân với mọi
người, dù thiên hạ thực ra có thế nào đi nữa.
Trong khi đó, những người đã thỉnh chúng tôi
quay lại thị trấn vẫn cứ tiếp tục có vẻ như muốn
quản thúc tôi, làm ngược lại mọi ý muốn của tôi,
kể cả cái ý muốn lắng nghe tất cả những gì
nghịch ý mà họ mang lại. Tôi thấy như ở bất cứ
nơi nào cũng đều có những đồng sự của họ và họ
vẫn lì lợm không thay đổi cách cư xử đối với
chúng tôi.
Phải nói rằng tôi đã có một bài
học từ Sichang, hòn đảo Voi Thiêng. Bản thân Ðức
Phật cũng giống như một con voi. Con voi ở đây
chính là biểu tượng cho một đại nguyện bất thối
hướng về cứu cánh giải thoát. Ðó cũng là cái
hình ảnh biểu tượng về lý tưởng sống của một vị
tỳ kheo trì hạnh đầu đà, một nếp sống được xây
dựng bằng những nghị lực chịu đựng - im lặng và
cô đơn thử nghiệm chính mình ở những góc trời
hoang dã, quạnh hiu. Càng được đi xa, tôi càng
thấy hạnh phúc vì ở những bến bờ trôi dạt đó,
tôi được cái quyền sống cô đơn và độc lập. Nói
một cách thơ mộng nhất, hễ nhắc đến lý tưởng và
cuộc đời của một hành giả đầu đà thì tự nhiên
tôi cứ nghĩ đến một người quản tượng đang trèo
lên lưng con Voi Thiêng. Và trong tưởng tượng
của tôi, anh quản tượng đó không phải chỉ là một
gã nài voi bình thường, mà ngược lại anh ta là
một người quản tượng có một sức mạnh thiền định
như ý, nội tâm của anh là một con voi và anh có
thể điều phục nó bất cứ lúc nào.
Ðiều khỏi phải nói là đời sống
của một tỳ kheo luôn có điều kiện để tu học một
cách nghiêm túc và nếu muốn, cũng có thể sống
một mình, nhưng xét trên quan điểm đời sống mà
nói thì không có ai có thể cắt đứt hoàn toàn mọi
quan hệ xã hội. Ðời sống là một đơn tử không thể
tồn tại mà thiếu sự tương quan. Cho dầu nếp sống
mà Ðức Phật đã qui định cho một vị tỳ kheo luôn
nhắm đến cái khả năng tự tại nhưng phải nói rằng
tôi đã học hỏi được rất nhiều qua những thử
thách trong đời sống tập thể: tăng chúng luôn
vạch ra cho tôi những con đường để tôi có thể
biết mình sẽ đi về đâu.
Tôi rời phòng mình và đi tìm đại
đức Gavesako. Ðại đức đang đọc một tờ báo. Ðại
đức đọc một dòng trong đó cho tôi nghe "Mỗi phút
trên thế giới có tới bốn đứa bé ra đời" - "Chớ
phải thiên hạ đều biết tu thiền cả thì hay biết
mấy". Tôi nhận xét:
Ðời tu có nhiều cái để nói lắm.
Có nhiều lúc chúng ta phải cần đến một nếp sống
khép mình, đôi lúc chúng ta phải biết sống cô
đơn và cũng có đôi lúc chúng ta phải cần đến một
bài hát Giáng Sinh!
-ooOoo-
|
Ðại
đức Munindo
Sống tỉnh thức
Tiểu sử:
Ðại Ðức Munindo (Keith Morgan)
sinh năm 1951, gia đình sống tại Missinswille,
Tân Tây Lan (North Island). Người trong nhà đại
đức hầu hết là mục sư Tin Lành.
Ðại đức bắt đầu biết đến đạo
Phật từ những ngày tháng còn học Tâm Lý Học ở
đại học Waikato. Năm 1972 khi sang Úc Châu, đại
đức đã gặp các vị tỳ kheo người Thái ở xứ này.
Sau đó, trong thời gian ở bang New South Wales,
đại đức đã tham dự một khóa thiền dưới sự hướng
dẫn của Ngài Ajahn Khantipàlo.
Năm 1973 đại đức rời Châu Úc
sang Indonesia để từ đó tìm sang Nhật Bản theo
đuổi pháp môn thiền Zen theo truyền thống thiền
tông của quốc gia này. Thế rồi đại đức lại đi
qua Bangkok để dạy Anh ngữ và tình cờ gặp được
Ngài Ajahn Sumedho cùng các vị sư người Tây
Phương tại chùa Bovornives. Chính tại đây đại
đức đã quyết định xuất gia sa-di rồi sau đó thọ
giới tỳ kheo với Hòa thượng Phra Somdet
Nànasamvara. Lúc này là năm 1974 và ngay mùa an
cư đầu tiên đại đức đã đến nhập hạ với Ngài
Ajahn Thate ở chùa Hin Mark Peng gần biên giới
Ai Lao.
Sau một cơn trọng bệnh phải nhập
viện ở Bangkok, đại đức đã gặp Ngài Ajahn
Sumedho rồi theo vị này về chùa Pah Pong rồi
xuất gia với thiền sư Ajahn Chah (năm 1975).
Năm 1979, vì tình trạng sức khỏe
không được tốt, đại đức đã trở về Tân Tây Lan
dưỡng bệnh trong sáu tháng. Lúc này ở cả
Auckland và Wellington đều có chư tăng cư trú
với những cơ sở vững vàng.
Năm 1980, đại đức lại đi sang
Anh quốc để nhập chúng tại Chithurst. Ba năm sau
đại đức được cử đến Devon, miền Tây Nam nước Anh
để xây dựng một ngôi chùa. Hiện nay đại đức đang
sống tại Chithurst và giúp thượng tọa trụ trì
giáo dục các vị tân sư.
Bài viết sau đây là một thời
pháp đêm của đại đức Munindo tại Trung tâm Phật
Giáo Dhammaloka ở Perth trong dịp viếng thăm
chùa Bodhinyàna ở miền Tây nước Úc.
Sống Tỉnh Thức.
Tôi vô cùng sung sướng được gặp
lại đại đức Ajahn Jagaro sau tám năm trời không
gặp nhau. Chúng tôi đã cùng trao đổi về sự phát
triển ở các thiền viện cùng những hoạt động Phật
sự khác ở các cơ sở mà mình chịu trách nhiệm.
Chúng tôi hàn huyên với nhau mà chủ yếu cũng vẫn
là để tìm ra những đường hướng hoạt động Phật sự
sao cho ngày càng tốt hơn.
Ðiều thú vị nhất của chúng tôi
là đã thấy được những thành quả mà mình đạt được
trong ngay chính cuộc tu. Tôi còn nhớ rõ, trong
lễ thọ giới Sadi tại Thái Lan ngày xưa, tôi thật
tình đã không mấy thích thú với cái nghi thức
thọ trì quy giới bằng cách phải đọc theo thầy
Hòa thượng từng điều một. Tuy vậy, một cảm giác
gì đó thật kỳ lạ đã âm thầm xuất hiện trong lòng
tôi, để tôi cứ tin chắc rằng mình đã tìm được
một chỗ trao gởi đúng đắn.
Thiện cảm của tôi với Phật giáo
đã bắt đầu từ một cuốn sách đọc được ở trường
đại học. Phải nói rằng tư tưởng Phật giáo đã
chinh phục tôi ngay từ sau giây phút đó một cách
trọn vẹn, cứ như là một định phận. Tôi đã tìm
thấy ở quyển sách Phật đó một niềm vui hết sức
kỳ lạ, thứ cảm giác của một người vừa khám phá
ra điều gì đó mà mình không ngờ trước được. Về
điều này có lẽ không chỉ riêng tôi mà đối với ai
cũng thế.
Nhưng cái điều trớ trêu là thực
tế luôn khó khăn hơn lý thuyết, Ðức Phật dạy ta
nhìn thấu bản chất của đời sống, áp dụng trí tuệ
thấu thị vào đời sống, phát triển khả năng tỉnh
thức trong mọi hoàn cảnh của đời sống và chúng
ta cũng có vẻ như sẵn sàng làm đúng lời Ngài
dạy, chỉ khổ nỗi, cái khả năng tỉnh thức của
chúng ta thì lại không đủ để làm được cái gì cả.
Ðức Phật dạy chúng ta hãy có một cái nhìn như
thật về đời sống để đời sống không còn là những
vấn đề cực lòng cho mọi người nữa. Ðối với Ðức
Phật, chuyện đời chẳng là vấn đề gì hết bởi Ngài
luôn có thể nhìn thấy tất cả. Còn đối với chúng
ta, chúng ta không được như Ðức Phật nên dầu
cuộc đời có ra sao đi nữa, nó vẫn cứ là cái đày
ải chúng ta. Ðiều này không phải nằm ở cuộc đời,
mà chính là ở ngay trong cách nhìn của chúng ta
về cuộc đời. Thái độ phản tỉnh trước đời sống
luôn hết sức quan trọng. Mỗi khi tôi gặp phải
chuyện rắc rối, tôi vẫn thường tự cứu mình bằng
những suy nghĩ: Con đường của Ðức Phật là một
đạo lộ tự tại, thế tại sao con đường của mình
lại có quá nhiều rắc rối. Ở đây, mình có hai con
đường để tự chọn: Con đường của bản thân và con
đường của Ðức Phật. Thế nhưng tại sao ta lại
không chọn lấy con đường của Ngài để bỏ đi con
đường nhiêu khê của mình.
Có thể nói con đường tu học được
bắt đầu từ cái cảm giác khao khát chân lý. Muốn
tu học, chúng ta phải nhận ra được cái giá trị
và tính cần thiết của mọi sự hiểu biết về chân
lý. Chúng ta phải lập tức thực hiện ngay từ bây
giờ những gì là thật sự cần thiết chứ không thể
ngồi đó mà đợi chờ cho đến khi mình tắt thở, cho
đến khi mình thỏa mãn được cái thứ kiến thức lý
tính.
Ðôi lúc trong đời sống, chúng ta
vẫn thỉnh thoảng thích đối diện với những khó
khăn để khẳng định chính mình nhưng rồi chúng ta
lại không thể vượt qua nổi chúng. Tất cả vấn đề
thực ra nằm ngay ở khả năng mà chúng ta có được.
Chẳng hạn chúng ta tự cho mình đã có được cái
khả năng tỉnh thức và muốn áp dụng nó trong đời
sống. Nhưng cái yêu cầu ở đây không phải là
chúng ta chỉ sử dụng sự tỉnh thức trong đời sống
thường nhật như một phương tiện hành đạo, mà
chúng ta còn phải nghĩ đến việc hàm dưỡng nó
nữa: Từ những động tác đứng ngồi, chúng ta phải
luôn dàn xếp và ổn định nội tâm của chính mình
nữa.
Trong những ngày đầu tiên mới
đến Chithurst chúng tôi đã phải đối diện với
biết bao khó khăn. Trước mắt chúng tôi lúc đó là
một cánh rừng rộng một trăm hai mươi mẫu vừa
được cúng dường. Ở đó có một cái hồ nước và môt
ngôi nhà đổ nát. Với hai bàn tay trắng, chúng
tôi đã vô cùng bối rối trước lời đề nghị của các
giới chức địa phương rằng: "Phải biết sửa sang
trước khi sử dụng và không được đốt phá thay đổi
gì hết". Thế rồi công việc vừa ổn định xong thì
chính quyền địa phương lại lên tiếng không đồng
ý cách xử lý của chúng tôi trong khu rừng đó.
Thế nhưng cũng từ trở lực này mà chúng tôi đã có
được một khu rừng thật đẹp ở West Sussex với một
tăng phòng thật lý tưởng.
Ðiều may mắn là về cách làm
việc, chúng tôi đã học được kinh nghiệm từ lần
trước. Nhưng điều này cũng có nghĩa là chúng tôi
phải chờ đợi hàng tháng trời để chờ kết quả.
Chúng tôi đã cố hết sức nhưng mọi sự vẫn cứ có
vẻ bấp bênh, mong manh. Mỗi lần nghĩ về những
người có liên quan đến công trình thì chúng tôi
lại bực mình. Chúng tôi đã trải qua từng ngày
tháng bồn chồn, khẩn trương như những chiến sĩ
thành Troie. Pháp môn thiền định trong thời điểm
này quả là vô cùng cần thiết và hơn bất cứ ai
hết, đại đức Ajahn Sumedho được xem như là người
gương mẫu nhất cho chúng tôi trong thái độ sống
này. Chúng tôi đã phải nhờ đến sự trợ lực của
một khả năng nội tâm tỉnh thức và điềm tĩnh để
có thể đi qua được cái thời điểm đầy chướng
duyên này. Mà hành trang thì có gì đâu, nói cho
cùng thì chỉ là cái khả năng can đảm chịu đựng
thông qua sự tỉnh thức thường trực. Phải nhận
rằng sự bất an, lo lắng là một cảm giác hết sức
khó chịu. Ngày còn bé, mỗi khi gặp phải những
cảm giác như vậy, chúng tôi dĩ nhiên chỉ việc
tìm đến cha mẹ. Rồi khi lớn lên, gặp lúc bắt
buộc đối mặt với chuyện đời, chúng tôi phải học
cách tồn tại bằng chính những kiến thức của mình
về tất cả sự thật của đời sống. Như vậy là chúng
tôi đã thật sự trưởng thành bởi nếu không, thì
chúng tôi phải nhờ cậy đến biết bao thứ có thể
thay thế cho gia đình như đi tìm một người cộng
sự, những danh phận hay tiền bạc mà mình có
được, một niềm tin tôn giáo hay sự chỉ đạo của
một hệ thống triết học nào đó...
Trong khi đó đòi hỏi cao nhất
trong cuộc tu của chúng tôi phải là một khả năng
cảm nhận trọn vẹn và chín chắn về mọi trở lực
của đời sống để thấy chúng là chúng. Có điều là
quí vị cũng đừng quên rằng cái khả năng điều chế
nội tâm vô cùng quan trọng. Thiếu nó, ta không
thể có được những cảm nhận như thật. Trong những
ngày đầu ở Chithurst, khi phải bù đầu với hàng
chục bận rộn, chúng tôi vẫn cố gắng thực tập bài
học này để ghi nhận cái cảm giác bất an là bất
an nhưng phải nhìn nhận rằng tất cả công phu của
chúng tôi lúc đó chỉ là một thứ cố gắng kiên
cưỡng với đủ thứ áp lực đè nặng lên trên.
Phật giáo đã phân định rõ ràng
hai thái độ tư tưởng cực đoan được xem là hoàn
toàn sai lầm. Ðó chính là thái độ mù quáng tin
tưởng hết mọi thứ hoặc điên cuồng phủ nhận tất
cả. Con đường dẫn đến chân lý phải là thái độ
trung dung, hài hòa và khách quan đánh giá mọi
sự theo đúng bản chất của chúng. Mà để thực hiện
điều này, trước tiên chúng ta phải làm chủ được
nội tâm mình để không bị tác động một cách tiêu
cực trong tất cả những gì mình cảm nghiệm được
bởi hãy nhớ rằng đó chính là một thái độ thua
cuộc. Mà trong đời sống, chúng ta thường rất dễ
bị rơi vào tình trạng này khi mọi sự đã được
chúng ta áp đặt lên nó một khái niệm về cái Tôi
rồi chẳng may chúng lại bị đổ vỡ, không được
thành tựu như ta đã trù tính. Hồi còn ở Thái
Lan, sau khi đã xuất gia được bốn năm rồi, tôi
vẫn còn phải trải qua một giai đoạn hết sức khó
khăn ngay trong chính cuộc tu của mình. Lúc còn
ở ngoài đời, tôi đã từng bị một tai nạn xe cộ,
nên suốt mấy năm sau đó, tư thế ngồi thiền đối
với tôi là cả một cực hình. Hai đầu gối của tôi
cứ vồng lên mà không thể nào chạm được tới cái
tọa cụ. Các bác sĩ ở Bangkok bảo rằng xương chân
của tôi có tí vấn đề nhưng khổ nỗi là không thể
làm phẫu thuật hay một liệu pháp lâm sàng nào
cả. Họ bảo tôi phải đi khám bệnh đôi ba tuần lễ
để thăm dò kết quả nhưng rồi sau hai tháng trời
với ba lần phẩu thuật, tôi vẫn đi lại một cách
khó khăn. Quanh tôi lúc đó là đủ thứ bông, băng
rồi nhiều y cụ khác. Ðã vậy thời tiết lại đang
bắt đầu vào mùa đông. Lúc đó tôi buồn lắm, tôi
nghĩ cuộc đời xuất gia của mình thế là coi như
đã hết, bởi đâu có một vị sư nào mà không thể
ngồi xếp bằng được đâu. Từ đó, cứ mỗi lần thấy
ai ngồi xếp bằng thì tôi lại cảm thấy khó chịu.
Tôi tự thấy tình trạng của mình thật đáng sợ và
đầu óc tôi cứ quay cuồng với những suy nghĩ:
"Mình không còn có thể ngồi xếp bằng như người
ta được nữa rồi, các bác sĩ đã thật sự bó tay,
luật nghi của hàng xuất gia làm sao có thể chấp
nhận được một người như mình". Tôi đã thực sự
đau đớn, đau đớn từ thể xác đến tinh thần. Tôi
đã sống trong một tình cảnh hết sức bi đát.
Thế rồi tôi được nghe tin thiền
sư Ajahn Chah vừa từ trên rừng xuống thăm
Bangkok. Tôi bất chợt có suy nghĩ kỳ lạ rằng nếu
tôi đến gặp Ngài thì rất có thể Ngài sẽ giúp đỡ
được cho tôi. Hình ảnh về Ngài đã sừng sững
trong tôi như một thần tượng. Rồi tôi lại đến
viếng Ngài như đã dự tính. Ngài nhìn tôi rồi hỏi
thăm sức khỏe. Tôi thưa lại với Ngài hết mọi
chuyện. Thế rồi với một nét mặt ngạc nhiên, Ngài
nói với tôi bằng một giọng nói thật cứng rắn:
"Sư nghĩ rằng mình không thể tiếp tục tu tập
trong tình trạng này phải không? Nếu bây giờ sư
đã nghĩ vậy thì có lẽ suốt đời sư cũng sẽ không
bao giờ tu tập được gì đâu!".
Phải nói rằng khi vừa nghe xong
câu nói này, ngay trong lòng tôi lúc đó như có
một sự hoán chuyển mãnh liệt. Tôi không thể nào
diễn tả được cảm giác đó. Rõ ràng là Ngài Ajahn
Chah trong câu nói khi nãy đã kín đáo cảnh báo
tôi một điều vô cùng quan trọng là tôi đã tự tạo
ra cho mình một chuyện rắc rối để cực lòng. Theo
cách nói của Ngài thì tất cả nỗi đau thật ra
chẳng là gì hết. Vấn đề là thái độ chối từ của
tôi đối với những đau khổ cũng như cách xử lý
vấn đề của tôi mà thôi. Ðiều này không chỉ là
câu lý thuyết suông. Khi có ai đó nhắc nhở cho
bạn biết phản tỉnh những gì mình đã làm thì chắc
chắn ai cũng có cái cảm giác như tôi lúc này
thôi, cho dù lúc đó có thể chúng ta cũng đồng
thời cảm nhận một cú sốc.
Thái độ buông bỏ cũng là một
chức năng của đời sống tỉnh thức để giúp ta giải
quyết những rắc rối cuộc đời. Với một khả năng
tỉnh thức đứng mức, những đau khổ trong đời sống
sẽ trở thành một bài học trí tuệ cho chúng ta.
Khi biết sống tỉnh thức và chánh niệm với một
thái độ nghiêm cẩn, chúng ta có thể chịu đựng
được mọi cảm nghiệm chua chát, đồng thời cũng
thấu suốt được biết bao vấn đề của đời sống còn
nhìn ngắm lại từng sinh hoạt của mình cùng cái
thế giới cảm quan thường nhật bằng một khả năng
thông minh tự do, chúng ta sẽ không có thái độ
chối từ một cách yếu hèn bất cứ cảm giác nào và
chúng ta lúc này đã thành ra một người học trò
xuất sắc giữa đường đời mênh mông.
Nếu khả năng cảm nhận của chúng
ta bị giới hạn, nội tâm bị khép kín thì điều tất
nhiên là trí tuệ cũng không được khơi nguồn.
Hoặc nếu chúng ta có thái độ hồi tưởng về những
cái cay đắng cuộc đời mà mình đã may mắn vượt
qua, với tâm trạng của một người vừa thoát nạn
thì xem ra chúng ta vẫn chưa học hỏi được gì về
cuộc đời, chưa tu tập đúng mức cái khả năng tỉnh
thức của chính mình. Tinh thần vô úy trước những
đau khổ của đời sống luôn đặt cơ sở trên khả
năng tỉnh thức. Trong cuộc tu của mình, chúng ta
phải từng ngày và suốt đời trau luyện khả năng
tỉnh thức để quân bình nội tâm và dàn xếp tất cả
những phúc loạn của nó.
Một khi đã có cái thói quen quan
trọng hóa những cảm nghiệm nghịch lý, những câu
chuyện đời bất trắc thì đối với những chuyện
vui, chúng ta đôi khi cũng có thể bị cực lòng.
Lần đó, ở Tân Tây Lan, tôi đã đến thăm một người
bạn thân vốn là một vị sư đã từng sống chung với
tôi ở Anh quốc. Vị này bây giờ là một bác sĩ ở
Chithurst. Anh bạn của tôi đã từng sống qua một
thời gian dài trên những dãy núi tuyệt đẹp ở
South Island. Theo lời mời của anh, hai chúng
tôi đã bỏ ra ít hôm đi chơi trên núi Alps. Tôi
chưa từng sống trên núi bao giờ cả, vậy mà bây
giờ lại cảm thấy vô cùng thích thú khi được rong
chơi ở miền núi non này trong những ngày thật
đẹp trời, khí hậu thật tốt và đặc biệt là đi bên
cạnh một người bạn thân. Ngoài những giờ phút
ngoạn cảnh, chúng tôi còn dành ra nhiều thời
gian để đàm đạo rồi ngồi thiền hết sức thú vị.
Trong những ngày chơi núi đó, có một buổi sáng
đầy ấn tượng mà cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ
hoài. Hôm đó, trời còn rất sớm, chúng tôi đã rời
khỏi túp lều dã chiến mà mấy hôm nay vẫn ở đó để
ngủ qua đêm. Chúng tôi lần xuống một dòng suối
đầy những đá. Những tia nắng mặt trời lấp lánh
trên các đỉnh núi phủ tuyết. Quang cảnh đẹp quá.
Tôi uống từng ngụm nước suối, hít thở cái không
khí trong lành chung quanh và gần như đắm mình
một cách vô thức trong bầu không khí huyền hoặc
đó. Thế rồi một cảm giác là lạ bắt đầu len lỏi
qua tâm hồn tôi, một thứ cảm giác khó gọi tên
chợt xuất hiện. Tôi lại lặng lẽ và len lén theo
dõi nó... bất chợt tôi có một ước muốn là làm
sao có thể giữ lại được nó trong lòng mình mãi
mãi. Rồi tư tưởng tôi lại đi xa hơn nữa, tôi
nghĩ đến ngày mình trở lại Anh quốc mà vẫn mang
theo được cái cảm giác hạnh phúc này.
Như vậy, một chút lưu luyến,
nuối tiếc đối với những niềm hạnh phúc cũng vẫn
có thể là một vấn đề nhức nhối khi chúng ta
thiếu mất ngay tự nội tâm mình cái khả năng nhìn
ngắm trung thực và thực tế. Như vậy là chúng ta
đã tự mắc phải một sai lầm, và đã sống trong
những ảo tưởng. Cái nguy hiểm của niềm hạnh phúc
là khiến chúng ta cứ lo sợ phải đánh mất nó và
từ đây chúng ta lại nẩy sinh ra cái hoang tưởng
là mãi mãi giữ được nó trong tay mình. Còn đối
với những đau khổ, cứ mỗi lần nhớ lại hoặc đang
trực diện với chúng thì ta lại nghĩ đến việc
trốn chạy. Ðây cũng là lý do tại sao trong bất
cứ sự tan vỡ nào cũng có sự đau khổ. Ngay cả cái
chết cũng là một trường hợp tan vỡ. Ðiều đáng
tiếc là thay vì nhìn thẳng vào sự đau khổ, người
ta thường có thói quen nhớ về nó bằng sự tức
tưởi rồi cứ nuôi một ảo vọng sửa đổi được nó.
Ðây chính là một thái độ sống chối bỏ sự thật.
Trong kinh Pháp Cú có một câu kệ
thật tuyệt vời:
- Cứ cho cái giả là thật
và ngộ nhận cái thật là cái giả thì người ta
vẫn tiếp tục sống trong cái giả.
Chỉ khi nào thấy được cái
thật là cái thật và cái giả là cái giả thì
người hiền trí mới đạt được cái thật.
Ðể có thể xác định được một cách
chính xác cái gì đó là thật hay giả, chúng ta
nhất thiết phải tự có cho mình một khả năng tỉnh
thức thật sự, Chúng ta phải cần đến một trí tuệ
phơi mở để có thể từ đó đón nhận được những tặng
vật của cả sự sống và cái chết một cách rốt ráo,
hết mình.
Thái độ "hết mình" ở đây có
nghĩa là sự cảm nhận đầy đủ và không phân biệt.
Chúng ta không thể chỉ đơn giản tùy thích cảm
nhận những gì mình muốn rồi chối bỏ những gì
mình ghét. Con đường tu học mà Ðức Phật đề nghị
ở chúng ta chính là thái độ chuyên tâm một cách
khách quan trong từng nhận thức của mình về đời
sống. Thái độ này sẽ đem lại cho chúng ta một
khả năng bén nhạy cần thiết, một trình độ trí
tuệ thật sự độc lập và tự do.
Trình độ tu học này là một phần
thưởng cao quý cho người tìm đạo giải thoát. Ðức
Phật đã gọi giáo pháp của Ngài là một hệ thống
giáo lý thiện thuyết (Svàkkhàta dhamma). Ðức
Phật luôn dạy chúng ta hãy thực hiện những gì
mình cảm thấy là cần thiết. Trong cuộc tu, chúng
ta không thể hành động với tinh thần cầu may. Ở
đây chúng ta có tất cả những pháp môn đào luyện
thân khẩu ý một cách rõ ràng. Pháp môn tu hành
của chúng ta bao gồm những học giới về sinh hoạt
và những thiền án để làm thăng hoa tâm linh.
Pháp môn thiền định dạy ta biết sống trung thực
với từng giây phút hiện tại. Tất cả những khó
khăn trở lực mà chúng ta gặp phải trên đường tu
của mình rồi cũng sẽ ổn thôi nếu chúng ta biết
khéo ứng dụng các pháp môn đối trừ. Bên cạnh
chúng ta luôn có những người bạn tốt, những pháp
lữ trong giáo hội tăng già, những người vẫn
thường có thể cùng chúng ta san sẻ nhiều thứ.
Ðại khái chúng ta luôn có thể thực hiện tất cả
những gì mà Ðức Phật vẫn mong mỏi ở những người
đệ tử.
Sự thật về đời sống luôn là một
điều hết sức thú vị và kỳ diệu. Nó đòi hỏi chúng
ta phải hiểu rằng đời sống là cái gì đó cần được
nhận thức chứ không phải chỉ đơn giản là một
định phận buồn tẻ để chúng ta âm thầm chấp nhận
vô điều kiện cho đến khi tắt thở. Bản chất của
đời sống là cái cần được nhìn thấy và hiểu biết.
Có đi qua được giai đoạn tự chuyển hóa bản thân,
chúng ta mới thấy rằng mình đã bắt đầu vượt qua
được cái bản năng sống lệ thuộc vào những cảm
giác buồn vui, đau khổ hay hạnh phúc. Rồi chúng
ta vẫn phải tiếp tục để nâng cao tầm nhìn của
mình, để thấy rằng trước giờ mình thật ra chưa
hề nhìn thấy được bản thân. Chúng ta nhất định
phải có được một nhãn quan mới mẻ về mọi sự trên
đời. Hai chữ Chân Lý trong chúng ta bây giờ đã
có một ý nghĩa hoàn toàn khác, chúng ta lúc này
không cần thiết dò dẫm, lần mò để xác định nó
nữa. Chúng ta chỉ đơn giản dấn thân, nhập cuộc
và lên đường với nó mà thôi.
Tất cả nỗ lực trong cuộc tu của
chúng ta chỉ nhắm vào mục đích tìm ra bản chất
của đời sống. Và chính chúng cũng giúp cho ta có
được những sinh phong tuyệt vời. Sự nóng giận
trước đây, bây giờ trở thành sự năng động và cứ
thế, những chướng ngại tinh thần khác như lòng
tham, đố kỵ, khoái cảm, đau buồn đều cùng lúc
trở thành những nhân tố cho cái Tri Kiến Như
Thật của chúng ta. Ðến lúc này thì chữ Pháp
(Dhamma) trong lời nguyện quy y đã có một ý
nghĩa vô cùng sâu rộng. Vì pháp ở đây, lúc này,
không chỉ có nghĩa là một trong ba ngôi báu, mà
còn chỉ cho tất cả những gì hiện hữu!
Như những gì vừa nói trên đây
thì phải chăng sự đón nhận trọn vẹn bản chất của
mọi hiện hữu là một thái độ cam tâm tiêu cực
trong đời sống?
Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta
có thể nói rằng nếu trí tuệ Thiền Quán mang một
tinh thần tiêu cực như vậy thì rõ ràng là chúng
ta chẳng còn gì để thực hiện thêm nữa trong đời
sống tinh thần. Ngược lại với nhận xét đó, trí
tuệ Thiền Quán là một phép sống vô cùng năng
động bởi nó luôn mang ý nghĩa trưởng dưỡng tất
cả khả năng của chúng ta trong việc đối diện với
bất cứ tình trạng hiện hữu nào mà mình đang sống
qua, một cách sinh tử và chuyên nhất. Trong sinh
phong này hoàn toàn không có gì mang tính tiêu
cực hay bị động, mà ngược lại, đây chính là một
phép sống vô cùng tích cực và năng động. Nếp
sống thấu suốt đó là một con đường tối ưu để
hành giả ghi nhận được trọn vẹn từng tình huống
thực tại. Ta có thể mượn lời của Lão Tử trong
Ðạo Ðức Kinh để giải thích, diễn tả nếp sống này
là "Vô vi nhi hữu vi, hữu vi nhi vô vi - Làm mà
như không làm gì cả, không làm gì cả nhưng thật
ra đã làm rất nhiều". Nói vậy có nghĩa là bất cứ
một cử động lớn nhỏ nào của chúng ta, dầu đối
với những công việc nhỏ nhặt nhất, cũng đều được
thực hiện một cách tỉnh thức và sáng suốt, dù
xem ra về hình thức thì lại có vẻ ngớ ngẩn hay
vô tâm. Ðây mới chính là phương tiện tối ưu để
dẫn đến một thành quả thật sự nhiều ý nghĩa. Mọi
cảm nghiệm của chúng ta ngay lúc này được kết
hợp thông suốt với một khả năng trí tuệ chín
chắn. Ở trình độ này chúng ta chỉ có thể nói
hoặc làm những gì thật sự là cần thiết. Nếu
không thấy có gì cần thiết thì chúng ta đừng làm
gì cả. Dĩ nhiên, nếu còn là phàm phu, chúng ta
cũng vẫn thường xuyên mắc phải những sai lầm,
nhưng chỉ cần kịp thời phát hiện được thì ta vẫn
có thể sửa chữa bằng cách không tiếp tục để mình
bị cuốn hút hay bị tác động bởi chúng nữa và chỉ
việc cảm nhận chúng một cách như thật. Ðây chính
là tâm điểm của pháp môn Thiền Quán.
-ooOoo-
|
Ðại
đức Puriso
Ánh
đuốc Phật-đà
Tiểu Sử:
Ðại Ðức Puriso (Bruce Evans)
sanh năm 1951 tại Melbourne, nước Úc. Lúc còn
trẻ, đại đức đã từng có duyên với nhạc nghệ và
cũng đã thực hiện được một cuốn băng. Ðược hướng
dẫn bởi một thiền sư Nhật Bản ở Melbourne, đại
đức quyết định sang Nhật để học Thiền. Trong
chuyến đi này, đại đức có ghé ngang Bangkok và
gặp được các vị tỳ kheo người Tây Phương. Nhưng
tâm hồn văn nghệ cũng như thói quen nghề nghiệp
đã khiến đại đức tuy có cảm tình nhưng vẫn cứ
chùn bước trước giáo lý Nam Tông, bởi theo giới
luật truyền thống thì một nhà sư không được chơi
nhạc. Ðổi lại, đại đức quyết định tham dự một
khóa thiền Tứ Niệm Xứ ở Nong Khai. Trong những
ngày tu thiền này, cây đàn Guitar của đại đức
mang theo bị đánh cắp. Sự kiện này khiến đại đức
bỏ ý định sang Nhật và cố gắng tìm cách thích
nghi với đời sống ở Thái Lan để có thể tiếp tục
ở lại đây .
Ðược nghe kể về thiền sư Ajahn
Chah, đại đức đến viếng chùa Pah Pong rồi thọ
giới tỳ kheo với Ngài (năm 1975). Năm 1982, đại
đức đã cùng với Ngài Jagaro trở về Úc để xây
dựng một ngôi chùa ở Perth. Sau đó đại đức trở
về Thái. Hiện nay đại đức đang trụ trì chùa Wana
Potiyahn (còn gọi là chùa Keurn), gần chùa Pah
Pong, miền đất giáp với biên giới Lào -
Campuchia. Ðại đức hiện cũng đang hoạt động để
phục hồi các khu rừng đang bị tàn phá tại đây.
Công trình này của đại đức đã được thông tin
rộng rãi trên các đài truyền hình ở Thái Lan .
Bài viết dưới đây được dịch lại
từ một thời pháp bằng tiếng Thái của đại đức
Puriso vào mùa an cư năm 1987 vào một đêm thiền
định tập thể vẫn được tổ chức hàng tháng vào hai
ngày Bố Tát cho Tăng Ni và Phật tử tại các thiền
viện ở miền Ðông Bắc Thái Lan. Nội dung của bài
viết chỉ gồm trong một câu thôi: "Khi ta mang
ánh sáng vào chỗ tối thì bóng tối sẽ biến mất.
Và ta chỉ cần biết vậy thôi, không cần tìm hiểu
xem cái bóng tối kia đã tồn tại ở đó bao lâu
rồi."
Ánh
Ðuốc Phật Ðà
Hôm nay, tất cả quí vị đã bỏ nhà
để đến chùa góp mặt trong pháp hội này, phải nói
đây là một cơ hội thật tốt để chúng ta tạm thời
gác qua hết những chuyện đời và quay về sống
phản tỉnh đối với bản thân. Nhưng tôi chỉ mới
nói rằng quý vị đang có một cơ hội tốt, còn quý
vị thì sao? Quý vị có ý thức được mình đang ở
đâu và làm gì hay không? Ði vào chùa để vãn cảnh
hay để tu học? Nếu để tu học thì quý vị đã bắt
đầu chưa? Các vị hãy luôn nhớ rằng, một khi đã
chấp nhận con đường tu học thì chúng ta nhất
định phải cố gắng thế nào đó để tự khẳng định
chính mình. Chúng ta không thể tu học như một
hình thức chiếu lệ mà ngược lại phải luôn nhìn
về phía trước để nhắm tới những tiến bộ. Chúng
ta phải biết tu học một cách có lý tưởng, áp
dụng Phật Pháp vào ngay chính đời sống của mình
để từng sinh hoạt của bản thân được thực hiện
dưới ánh sáng Phật pháp.
Ở đây, tôi có thể lấy ví dụ về
trường hợp chúng ta đang là người trau dồi chánh
niệm. Mỗi người hãy tự xét lại chính mình thử
xem, trong một ngày chúng ta có được bao nhiêu
giây phút sống trong chánh niệm, tỉnh giác?
Chúng ta hãy học phép trau dồi chánh niệm bằng
những giờ thiền định. Trước hết, ta có thể tập
trung sự chú ý của mình vào từng hơi thở, trong
đôi ba phút thôi, trước khi mình bị phóng tâm.
Rồi nếu như thời gian đôi ba phút đó là quá dài
thì chúng ta vẫn có thể ngồi yên lại đó cho thời
gian trôi qua cũng được .
Ðối với một hành giả, ngồi yên
lại trong một ý thức rõ ràng cũng đã là thiền
định. Khi đã giữ vững được tư thế ngồi rồi thì
chúng ta sẽ lại bắt đầu hít vào, thở ra bằng một
sự ghi nhớ cẩn thận. Chỉ chừng đó thôi cũng đã
là một phương thức phát triển khả năng chánh
niệm và một khi khả năng này được thuần thục thì
coi như chúng ta đã tự khẳng định được khả năng
tu học của mình mà ở đây là khả năng chánh niệm
.
Trong rừng thiền này, mọi điều
kiện vật chất đều quá hạn chế. Ở đây chỉ có một
phòng vệ sinh mà thôi. Vậy thì chúng ta phải tu
học ra sao để có thể thích nghi với hoàn cảnh
này? Chúng ta cũng thấy đó, những người có mặt ở
đây mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Ðó cũng là một
trong những thực tập căn bản cho chúng ta. Trong
rừng thiền luôn có người theo dõi chúng ta một
cách chặt chẽ. Trong những ngày tu học tập thể
này, từ buổi chiều, không ai trong số các thiền
sinh đã phát nguyện không nằm, lại có thể ngả
lưng. Lời nguyện đó là một quy tắc, ai cũng phát
nguyện thì dù có ra sao cũng phải tôn trọng cho
dù đau nhức đến mấy đi nữa. Ðây chính là khả
năng tinh tấn rất cần thiết cho con đường tu học
của mỗi người.
Thính pháp cũng là một pháp môn
có giá trị đặc biệt. Ta nghe pháp để có thêm
hành trang tu học. Một người chưa từng nghe gì
về Phật pháp thì làm sao có thể biết được mình
phải tu học như thế nào? Tư tưởng của chúng ta
vẫn có khuynh hướng phóng tán và bị câu thúc,
mắc níu vào trăm ngàn thứ chuyện đời, nhưng
chính nhờ nghe được Chánh Pháp, chúng ta có thể
đón nhận được những niềm vui kỳ diệu để dễ dàng
buông xuôi hết những gì là rác rưởi không cần
thiết. Nói vậy có nghĩa là nếu mỗi ngày chúng ta
đều sống thực hành theo Phật pháp thì bản thân
của chúng ta sẽ luôn được an lạc và con đường tu
hành cũng trở nên dễ dàng hơn. Trong khi đó với
một đời sống tách rời Phật pháp, chúng ta chỉ
thường xuyên cảm nhận những đau khổ. Có thể nói
tất cả những đau khổ trên đời đều đi ra từ một
sự chấp thủ và chấp thủ đó chính là sợi giây
trói buộc được nối kết lại bằng những khái niệm
về cái gọi là Tôi, Của Tôi .
Dân số trên thế giới ngày càng
đông đúc và quanh ta luôn có những người cần
được chia xẻ nhiều thứ. Nhưng trên thực tế đã có
được bao nhiêu người đã biết sống chia xẻ, đã có
bao nhiêu người được chia xẻ? Ai cũng muốn sống
gom thâu và nắm chặt bàn tay. Người ta xâu xé
nhau để được tồn tại, để mình và những người
thân được an toàn. Ngoài ra, họ không còn biết
đến gì nữa. Nói một cách khác, nhân loại đang bị
đau khổ một cách trầm trọng. Người ta bảo là
mình điều hành đời sống nhưng thực ra đời sống
đã điều hành trở lại họ. Tất cả những phức loạn
trên toàn cầu cũng từ đó mà ra. Thôi thì đủ thứ:
Bôi nhọ nhau, tranh cãi nhau, đánh nhau bằng đủ
mọi hình thức ... Nói cho cùng, hầu hết nhân
loại đã bị mù lòa cả rồi .
Giữa cảnh đời như vậy, chúng ta
phải làm gì cho mình? Chúng ta phải biết lắng
nghe Chánh Pháp và chuyên tâm thực hành những gì
mình học hiểu được. Chúng ta phải biết tháo bỏ
đi những đôi mắt kính chủ quan để có thể nhìn
thẳng vào cuộc đời với ánh sáng của Chánh Pháp
và đem ánh sáng ấy trở vào làm nguồn sáng cho
chính nội tâm mình. Khi ta mang ánh sáng vào
chỗ tối, bóng tối sẽ biến mất, còn chuyện bóng
tối đã tồn tại ở đó bao lâu thì không phải là
vấn đề để ta bận tâm, bởi lúc này nó đã được
giải quyết. Trong câu nói trên đây, ánh sáng
có nghĩa là trí tuệ hiểu biết mọi sự theo tinh
thần và đường hướng của chánh pháp. Ta vẫn nhắc
đến ánh sáng Phật pháp nhưng nói một cách cụ thể
đó là gì? Khi ta biết bỏ đi những ngộ nhận về
Tôi, Của Tôi rồi nhìn thấy đúng theo bản chất
của chúng thì chính sự nhìn thấy này là nhãn
quan trong ánh sáng Phật pháp .
Trong Phật giáo, chúng ta thường
nghe nhắc về tám ngọn gió đời là Ðược, Mất,
Khen, Chê, Vinh, Nhục, Hạnh Phúc, Ðau Khổ. Ðây
là những gì mà con người vẫn bị chi phối. Con
người gần như suốt đời cứ đi tìm những tài sản,
danh vọng và dĩ nhiên không ai muốn bị chê bai
hay bị mất mát một cái gì đó. Ðược cái mình
thích, chúng ta hạnh phúc, gặp cái mình ghét thì
chúng ta đau khổ. Bên cạnh những danh lợi thông
thường, còn có một thứ khác cũng có thể khiến
người ta phải cực lòng theo đuổi, đó chính là
cái vị trí tinh thần của mình trong mắt người
khác. Có những người không mấy thiết tha đến
chuyện gia tài sự sản, mà họ chỉ hứng thú trong
cái ước mơ có được một quyền lực, sức ảnh hưởng
và chi phối đối với người khác. Chẳng hạn như
các chính trị gia mà ta vẫn thường thấy, họ có
thể bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không tiếc, miễn
sao chiếm được một sức mạnh chính trị và một
chiếc ghế nào đó trên chính trường .
Nếu nhìn kỹ vào chuyện đời, thì
chúng ta sẽ nhận ra rằng tám khía cạnh trên đây
của đời sống thực ra chỉ là những gì được có mặt
từ một Cái Tôi ảo vọng. Sự tu tập theo đúng lời
Phật dạy chính là thái độ khước từ, chối bỏ Cái
Tôi nghiệt ngã đó. Cố tình xây dựng một bản ngã
thực ra là một nếp sống "ngược đời, trái đạo",
bởi tự trong bản chất của các pháp không hề có
một Cái Tôi nào cả và cuối cùng rồi, ngay trong
giờ phút tắt thở chúng ta đều phải buông bỏ lại
hết mọi thứ .
Tôi đã từng có dịp quan sát đời
sống sinh hoạt của mấy con khỉ trong rừng. Chúng
thỉnh thoảng vẫn thích chơi cái trò mà ta có thể
tạm gọi là "lễ tôn vương của muông thú". Một con
khỉ trong bầy leo lên cái gò cao nào đó rồi nhìn
xuống như một ông vua đang ngự trên ngai. Lũ khỉ
còn lại quây quần bên dưới, rồi leo trèo lên
nhau và lại với tay níu kéo con khỉ đang ngồi
trên kia. Thường thì những con khỉ muốn được
"làm vua" như vậy đều là những con tinh nghịch
và quái quỷ nhất trong bọn. Chúng luôn muốn
chứng tỏ với bầy đàn cái "thần uy" của mình. Mà
thật ra thì mỗi lần được "làm vua" như vậy,
chúng đâu có được sung sướng gì, thậm chí còn
cực thân hơn mấy con khỉ khác nữa. Chúng phải
chống trả chật vật với cả bầy khỉ đang leo trèo
lên mình chúng và kéo lôi chúng xuống khỏi cái
gò kia. Như vậy xem ra thì mấy con khỉ không
được làm vua lại còn sung sướng hơn nhiều bởi
chúng có dịp vui đùa thỏa thích mà chẳng phải sợ
mất mát cái gì hết .
Câu chuyện trên đây về mấy con
khỉ rừng là cả một bài học cho chúng ta. Chúng
ta hãy biết học cách "tự thu nhỏ mình lại". Thái
độ sống đó không hề có nghĩa là một kiểu sống
tiêu cực, thua cuộc một cách thiếu thông minh.
Mà ngược lại, chúng ta hãy thu nhỏ mình lại bằng
một tâm hồn khiêm tốn, vị tha, nhường nhịn và
biết cảm thông .
Bốn giá trị tinh thần này có ý
nghĩa là nâng cao chúng ta lên khỏi cái dòng đời
thác loạn. Trong khi đó gần như rất hiếm có
người biết nghĩ đến các giá trị này để tự xây
dựng bản thân mình với một trình độ trưởng thành
thật sự, mà ai cũng cứ thích tự xây dựng cho
mình những tượng đài ảo tưởng. Ðức Phật gọi đó
là nếp sống đi ngược lại với tự nhiên .
Như vậy, có thể nói rằng bất cứ
con đường nào có thể giúp chúng ta loại bỏ được
những khái niệm về Cái Tôi và Của Tôi thì đều là
những pháp môn chính chắn, đều là con đường dẫn
đến tịnh lạc. Nói vậy có nghĩa là càng buông bỏ
được nhiều thứ thì chúng ta càng được hạnh phúc;
và mọi sự chấp thủ, ôm ấp chỉ là con đường dẫn
đến khổ đau. Cứ vậy mà nói, thì những ai chưa
từng có dịp làm quen với Phật pháp sẽ rất khó mà
chấp nhận được điều này. Bởi hầu hết chúng ta
đều có khuynh hướng ôm ấp, nắm giữ. Có nhiều thứ
trên đời được người ta cố thủ như thể chúng
chính là bản thân của họ. Thái độ nắm bắt mù
quáng đó gọi theo thuật ngữ Phật Giáo là "sự
chấp thủ". Trong khi đó, nếu với một tinh thần
xả bỏ thì chúng ta sẽ thấy được rằng những gì
mình có được thật ra chỉ là một thứ sở hữu mang
tính tương quan hết sức đơn giản và không hề có
một chất keo ràng buộc nào ở đó cả. Vạn sự luôn
tồn tại bằng vào những điều kiện trợ sinh nên
khi những điều kiện ấy không còn nữa thì mọi sự
sẽ tự biến diệt. Suy nghĩ về cuộc đời bằng cách
hiểu như vậy chính là sự suy nghĩ trong ánh sáng
Phật pháp. Thái độ suy nghĩ đó sẽ mang lại cho
chúng ta một nếp sống tinh thần mới mẻ và bình
yên. Chúng ta sẽ cảm nhận được từng sự rạn vỡ
của lòng chấp thủ để từ đây, nội tâm của chúng
ta cũng sẽ trở nên thanh thản, nhẹ nhàng hơn.
Việc chúng ta tìm đến tu học
trong rừng thiền này không chỉ đơn giản là một
cách lánh mặt tạm thời những gia sự phiền phức,
mà chúng ta phải xem đây là một "cuộc về nguồn"
đối với chính đời sống của mình để có thể nhìn
thẳng vào mọi chuyện đời, chuyện lòng một cách
rõ ràng hơn. Cũng những công phu tu học này,
nhưng nếu chỉ được thực hiện tại nhà thì chúng
ta có thể gặp phải ít nhiều khó khăn. Chỉ riêng
việc tọa thiền hay kinh hành thôi cũng là một
chuyện không dễ dàng. Trong khi đó, trong bối
cảnh của một tu viện hay một thiền đường thì chỉ
cần một sự dốc lòng đúng mức, ta luôn có thể
được thoải mái và thanh thản. Chẳng hạn những
khi ta bất chợt muốn được đi kinh hành một mình
thì vẫn có thể yên tâm làm theo ý mình muốn một
cách tự do mà không e ngại ai đó dòm ngó mình
bởi trong bất cứ thiền đường nào cũng vậy, việc
đi kinh hành của các thiền sinh luôn là một điều
hết sức bình thường nếu không muốn nói đó là một
trong những oai nghi cần thiết của bất cứ thiền
sinh nào. Trí tuệ giác ngộ là thuộc cảnh giới
nội tâm, nhưng bối cảnh thực tế để thực hiện nó
thì vô cùng quan trọng. Chẳng hạn như nếu ta đi
kinh hành giữa chỗ buôn bán, phố xá thì chắc
chắn rằng thiên hạ chung quanh sẽ cho ta là
người loạn trí, thậm chí họ còn có thể xúc phạm
đến ta nữa! Như vậy, những thiền đường, tự viện
luôn là những trú xứ lý tưởng để chúng ta có thể
sống thư giãn, thiền định, tham khảo kinh sách
hoặc tĩnh dưỡng tinh thần mà không sợ bị quấy
rầy bởi bất cứ cái gì.
Việc thọ trì các học giới dĩ
nhiên là một thứ công phu nhiều ý nghĩa bởi ít
nhất đây cũng là một pháp môn rất khó thực hiện,
nhất là đối với trường hợp bát quan trai giới.
Chỉ cần thọ trì nghiêm túc tám học giới bát quan
thôi, người Phật tử coi như đã có được nếp sống
của một bậc xuất gia, nhất là trường hợp họ có
cơ hội được lưu trú tại chùa, một không gian hết
sức an lành và cách ly trọn vẹn với tất cả những
tục sự đa đoan của đời sống cư sĩ. Có thể nói
rằng nếu sống qua được hai mươi bốn giờ đồng hồ
giữ tròn tám học giới thì xem như ta đã là một
nhà sư trong chừng ấy thời gian. Ngược lại, việc
thọ trì bát quan trai giới ngay tại gia đình thì
phải nói rằng mọi sự sẽ không được như vậy nữa.
Những ồn ào từ máy hát, ti vi, và khách khứa tới
lui ... đều là những trở lực bất lợi cho đời
sống nội tâm của chúng ta .
Hơn thế nữa, từng giây phút có
mặt trong một rừng thiền như thế này, chúng ta
sẽ có nhiều cơ hội thấm thía được những vấn đề
hết sức thú vị, chẳng hạn như về sự đau khổ.
Tinh thần và thể xác của mỗi người gần như luôn
có sự tồn tại của sự đau khổ. Bổn phận của người
hành giả chúng ta là thấu suốt bản chất của tất
cả đau khổ. Chúng ta phải học hỏi để biết được
cái gì đã gây tạo ra những đau khổ, hình thức
xuất hiện của sự đau khổ cùng tất cả những gì có
liên quan tới nó. Ðức Phật đã từng dạy rằng đau
khổ là cái cần được liễu tri nhưng hầu hết con
người chúng ta đâu có mấy ai muốn nhớ tới cái
khổ chứ đừng nói gì đến việc liễu tri hay nhận
thức nó. Gặp phải sự đau khổ, thường thì người
ta chỉ nghĩ đến một việc duy nhất là trốn chạy
nó mà không muốn nhìn thẳng vào nó. Những người
như vậy không phải là những người Phật tử. Người
Phật tử phải biết nhìn thẳng vào mọi vấn đề ngay
khi chúng vừa xuất hiện để có thể tìm hiểu nhân
tố nào đã gây tạo nên chúng .
Chẳng hạn như có một lần nào đó,
do tình cờ ta làm phiền lòng người khác rồi bị
họ phản ứng, ở đây có thể là một câu nói nặng
lời. Nếu chúng ta biết cách lắng nghe một cách
trung thực những gì họ nói, chúng ta sẽ nhận ra
ở đó một sự thật hết sức thú vị. Sự nổi giận của
con người chỉ đơn giản là thái độ phản ứng mang
tính chống trả, tự vệ và được đặt cơ sở trên
lòng sợ hãi, một nỗi sợ hãi hết sức sâu kín và
tiềm ẩn trong tận đáy lòng mỗi người. Nếu chúng
ta giữ được bình thản để đón nhận từng lời nói,
ta sẽ thấy rằng họ đã nói đúng theo những gì họ
muốn. Mọi rắc rối đến đây coi như đã tạm ổn, ít
nhất cũng là về phía chúng ta.
Trong đời sống tu học của mình,
càng giới hạn những "sự cố" thì chúng ta càng
được yên lành. Nếu có một sự cố nào xảy ra ngoài
ý muốn, ta cũng vẫn phải can đảm đối diện với nó
bằng trí tuệ Phật pháp, với tất cả những khả
năng thoải mái và khách quan nhất. Nhưng để có
được một cái nhìn bằng trí tuệ Phật pháp thì
không phải là chuyện dễ dàng. Bởi hãy nhớ rằng
chúng ta vẫn còn đó quá nhiều những thói quen
mang tính bản năng. Chính cái bản năng này đã
khiến cho ánh sáng trí tuệ khó được thắp sáng
lên. Chúng ta đâu có chịu nhìn ngắm mọi sự theo
đúng bản chất của chúng mà lại thường có thói
quen tô vẽ, nắn bóp chúng theo cách nghĩ bản
năng cùng những giá trị mà mình vẫn áp đặt lên
nó.
Chúng ta phải từng bước học hỏi
Phật pháp để hoàn chỉnh bản thân mình cho ngày
một vững vàng và độc lập hơn. Chúng ta phải học
cách biến cái bản năng mù quáng thành ra cái bản
lãnh đầy ý thức. Phật pháp đã cho ta nhiều bài
học để sửa mình đó là Giới, Ðịnh, Tuệ. Giới và
Ðịnh là những phương tiện tinh thần giúp ta ổn
định tam nghiệp của bản thân (thân, khẩu, ý ).
Nếu tam nghiệp không được huấn luyện thì đời
sống của chúng ta cũng sẽ trở nên loạn động và
như vậy, ta không thể nhìn thấy được mọi sự đúng
như bản chất của chúng. Nói một cách khác, là
chúng ta không thể nhìn thấy các vấn đề theo
đúng tinh thần ánh sáng của Phật pháp. Chúng ta
cần thiết phải thọ trì một cách nghiêm cẩn những
pháp môn tu học mà Ðức Phật đã để lại cho người
tìm đạo. Ðó là học giới, các hạnh Ðầu Ðà để tiết
dục, một tấm lòng hào sảng, một bàn tay luôn
biết mở rộng để san sẻ cho tha nhân những gì
mình có. Ta có thể xem đây là những pháp môn để
tu học. Những pháp môn này luôn mang lại cho ta
một sức mạnh để vượt qua các trở lực trong đời
sống và cuộc tu, đồng thời chúng cũng có ý nghĩa
giúp ta thanh lọc nội tâm của chính mình nữa.
Bảo là vượt qua các trở lực
nhưng chúng ta vượt qua bằng cách nào đây? Ðể
trả lời câu hỏi này, tôi muốn lấy ví dụ về pháp
môn bố thí. Bất luận là ta đem đến biếu tặng cho
người khác một thứ vật chất nào đó hoặc hy sinh
cho họ đôi chút thời gian, công sức - tất cả
những hy sinh đó đều là những hình thức bố thí
và chúng cũng đều là con đường giúp ta vượt qua
các trở ngại tinh thần để thanh lọc nội tâm. Ta
đừng bao giờ có một tính toán chật hẹp rằng mình
hy sinh những thứ đó để được đi về thiên giới.
Cứu cánh đó thật ra không có gì để được đảm bảo
một cách tuyệt đối. Nếu ta bố thí mà vẫn có một
đời sống hư đốn thì đường xuống địa ngục đối với
chúng ta lúc này có thể sẽ gần hơn đường lên
thiên giới. Như vậy tốt nhất là chúng ta hãy
sống với một tâm hồn hào sảng không toan tính và
nên hiểu rộng ý nghĩa của công đức bố thí để
nhắm tới mục đích tẩy rửa tâm hồn. Thực ra,
chúng ta có thể nhìn thấy được kết quả của từng
hành động mà mình thực hiện ngay trong đời sống
hiện tại, chứ đâu phải đợi đến một kiếp sống
tương lai xa xôi nào đó. Nếu ta biết sống hy
sinh cho người khác bằng tất cả thành ý và chân
tình ngay trong chính giây phút thực hiện nghĩa
cử hy sinh đó, ta cũng đã cảm nhận được một niềm
hạnh phúc và an lành rồi. Ðây chính là thành quả
trước mắt của pháp môn bố thí mà ta cần phải
biết thưởng thức. Thái độ này xem ra còn hay hơn
cái tư tưởng tù túng của một người bố thí mà chỉ
biết ngóng đợi quả báo ở kiếp lai sinh .
Ðối với việc thọ trì các học
giới cũng vậy. Nếu chúng ta giữ tròn các học
giới bằng cách tất cả thành tâm, giữ giới trong
một tinh thần hồn nhiên và khiêm tốn, thì ta sẽ
cảm nhận được ở nội tâm mình một sức mạnh kỳ
diệu lắm. Tâm hồn của chúng ta lúc đó sẽ trở nên
dũng mãnh và kiên cố hơn. Với một tâm thái như
vậy thì công phu thiền định nào cũng được trợ
lực một cách hữu hiệu. Như vậy giới luật trong
sạch cũng là một đoạn đường mà chúng ta phải đi
qua trọng cuộc tu của mình .
Nói một cách rốt ráo thì những
điều được nhắc đến trên đây chính là cái giá trị
đào luyện ở các khu rừng thiền như thế này. Mỗi
rừng thiền đều luôn tạo điều kiện cho ta biết
cách tu học, áp dụng triệt để và hữu hiệu tất cả
khả năng cải hóa của chúng ta, để ta có thể nhìn
thấy được thành quả trước mắt của các nỗ lực tu
học. Chỉ cần ta dàn xếp được nội tâm mình thì
coi như cái phần thưởng cho mọi nỗ lực của chúng
ta đã được bày sẵn ra đó. Như đã nói, chúng ta
không nên tu học trong cái lý tưởng hướng vọng
về một thành quả xa xôi nào đó ở tương lai, bởi
vì ngay tại đây và bây giờ ta đã có thể nhìn
thấy nó rồi. Tất cả các thiện sự tự chúng đã là
một thành quả mà điều này có lẽ chẳng được mấy
người nhận thức nổi. Thậm chí, suy nghĩ của
thiên hạ có khi còn tệ hại hơn, có kẻ đã đem
ghép chung việc đi chùa với công chuyện làm ăn
của Phật tử thâm niên rồi ngây thơ và hàm hồ phủ
nhận tất cả ý nghĩa tinh thần trong việc đến
chùa tu học của những người mộ đạo. Phải nói
rằng đây là cả một sự ngộ nhận hết sức nghiêm
trọng. Bởi bất cứ giây phút nào ta thực hiện các
thiện hạnh thì cũng có nghĩ là ngay trong khoảnh
khắc đó người ta đang sống trong cảnh giới của
thiện hạnh. Quả báo của từng hành động lớn nhỏ
cũng luôn gắn liền với nó. Nhân và Quả ở đây
tương quan nhau một cách vô cùng mật thiết. Ðiều
này không chỉ là trường hợp cá biệt đối với ác
pháp hay thiện pháp. Có lắm lúc chúng ta thấy
nhiều người luôn sống tội lỗi nhưng không có vẻ
gì là bị đau khổ từ đời sống tội lỗi của họ. Rồi
ta lại nông nổi cho rằng các ác nghiệp không có
hậu quả. Phải nói đây là một cái nhìn vô minh .
Phật giáo vẫn dạy chúng ta rằng:
"làm thiện gặp lành, làm ác gặp dữ". Tiêu ngữ đó
không phải là lý thuyết suông hay một lời rao
giảng mang ý nghĩa răn đời như một giáo điều
bình thường để kêu gọi nhân loại thay đổi nếp
sống ngoài xã hội. Câu giáo lý đó thật ra có ý
nghĩa hết sức thâm trầm, sâu sắc là đưa người
Phật tử đến với cái trí tuệ khám phá đời sống.
Chính những hành động đã quy động nhân cách của
chúng ta. Chúng ta có là một tướng cướp, gái làm
tiền, kẻ lừa đảo, tên khát máu ..., tất cả đều
xuất phát từ từng hành động, ngôn ngữ và suy
nghĩ của chúng ta. Cho nên Ðức Phật đã dạy rằng
"Mỗi chúng sinh đều là chủ nhân ông tự chịu
trách nhiệm về những hạnh nghiệp của mình".
Dĩ nhiên, bên cạnh cái hậu quả
căn bản ngay trong hiện tại như vừa nói trên,
các nghiệp thiện ác còn để lại những hậu quả về
sau mà thời gian thì luôn bất định. Chẳng hạn
như khi ta đánh cắp của ai đó một số tài sản lớn
rồi tiêu xài sung sướng trong một thời gian nào
đó, cuối cùng khi sự việc bị phát hiện, tất cả
những cảm giác khoái lạc có được từ hành động
bất chính kia lúc này không còn nữa và bị thế
chỗ bằng những trừng phạt thích ứng. Ðó là chưa
kể đến cái ác báo trong kiếp lai sinh. Có tĩnh
tâm thiền định, ta sẽ thấm thía tất cả những gì
là quy luật nhân quả trong từng hành động lớn
nhỏ .
Lần đó, tại nước Úc, tôi và đại
đức Jagaro đến phi trường Perth và đang đợi làm
thủ tục hải quan, thì gặp được một người đàn
ông. Ông ta vừa uống xong một ít rượu nhưng điều
đặc biệt là qua cung cách chuyện trò thì lại có
vẻ như một nhà tư tưởng. Nhìn thấy chúng tôi,
ông đã lập tức đặt ra những câu hỏi về đạo Phật.
Chúng tôi đã trả lời cho ông một cách nhiệt
tình. Khi chúng tôi đang nói, ông đột nhiên hỏi
một câu:
- Có phải là các vị luôn tôn
kính Ðức Phật?
- Vâng, điều đó dĩ nhiên rồi!
- Người ta đã kể cho tôi nghe
rằng Ðức Phật là một con người cao khiết luôn có
một đời sống gương mẫu, chẳng hạn như sẵn sàng
hy sinh bản thân cho người khác và được cả thế
giới tôn kính như một bậc hiền giả vĩ đại. Nhưng
cuối cùng rồi thì Ngài cũng qua đời phải không?
- Ðúng như vậy!
- Các vị có đồng ý với tôi là
những kẻ tàn bạo như Hitler chẳng hạn, tàn sát
biết bao người, gây đau khổ cho hàng triệu người
trên thế giới rồi cuối cùng cũng chết đi phải
không?
- Ðúng như vậy!
- Vậy thì đâu có sự khác biệt
nào trong cái chung cuộc của những người đại
hiền với những kẻ đại ác?
- Ðúng là cuối cùng rồi thì ai
cũng phải chết cả - Tôi thong thả trả lời ông ta
- Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi sự giống
nhau. Ðức Phật luôn hiểu rất rõ về cái chết. Cả
đời của Ngài là những ngày tháng hoàn toàn tỉnh
thức để thấu suốt về hai tiếng Sinh Tử. Trong
những giây phút cuối cùng trên giường chết, Ðức
Phật vẫn bình thản và tỉnh táo, không phân vân
nghi hoặc, cũng không tiếc nuối hay sợ hãi. Ngài
là một người đã có được đời sống Như Thật, sống
đúng với chân lý một cách hoàn thiện nhất . Còn
Hitler hay những kẻ giống như ông ta thì theo
một cách nào đó, chẳng hiểu được gì về cái chết.
Hitler đã sống trong sợ hãi và thác loạn. Hạng
người đó coi như đã bị mù lòa trước bóng tối của
những đau khổ và tất cả những gì là chân lý
trong đời. Ðó cũng là lý do khiến Hitler mù
quáng lao vào tất cả những tội ác kinh khủng
nhất. Hitler sống trong khủng hoảng rồi cũng
chết đi trong ngộ nhận và bóng tối. Cuộc đời của
Hitler chỉ có bóng tối và lỗi lầm. Như vậy, con
người luôn giống nhau ở điểm là đã trót sinh ra
thì phải có ngày nhắm mắt xuôi tay nhưng hoàn
toàn khác nhau ở cách sống và cách chết. Người
thì luôn sống và chết trong sự hiểu biết, có kẻ
lại chỉ có thể sống và chết mà không có nổi một
nhận thức nào hết ...
Câu chuyện nhỏ trên đây là cả
một vấn đề vô cùng quan trọng mà tất cả những
người tu Phật nhất thiết phải thấm thía nó bằng
trọn vẹn khả năng của mình. Chúng ta đã có hiểu
gì về ý nghĩa của chữ "Phật"? Phật có nghĩa là
sự hiểu biết hoặc Người Hiểu Biết. Ðạo Phật là
một hệ thống giáo lý đòi hỏi ở các giáo đồ cái
khả năng Hiểu Biết, hiểu biết về bản chất Như
Thật của vạn sự, vạn vật.
Tuệ giác của Ðức Phật và chư vị
Thánh đệ tử, nói cho cùng, chính là sự hiểu biết
tận tường về bản thân mình. Nếu muốn trở thành
một người Phật tử đúng nghĩa thì điều bắt buộc
là chúng ta phải học cách nuôi lớn khả năng hiểu
biết đó ở chính mình. Sự hiểu biết này không hề
giống như bao thứ kiến thức thế tục thông thường
khác vốn chỉ là một mớ hỗn độn những dữ kiện
thông tin cùng các lập trường tư tưởng chữ
nghĩa. Tôi nhắc lại, sự hiểu biết cần có ở đây
chỉ đơn giản là sự hiểu biết về chính bản thân
mình.
Trong bất cứ phút giây nào xây
dựng được ở nội tâm mình công phu tu tập đó thì
coi như ta đang trồng một cây Bồ đề ngay trong
chính tâm hồn mình. Tất cả những phiền não trở
lực rồi cũng sẽ thành ra những thứ phân bón vun
xới cho cội cây Bồ đề đó, cội cây của trí tuệ
giác ngộ. Chúng ta rồi cũng có thể tận dụng các
phiền não để làm đối tượng tri nhận cho đời sống
tỉnh thức. Qua từng biến dịch của từng dòng tư
tưởng ta sẽ thấy rõ được đặc tính của những tham
lam, sân hận và si mê.
Chẳng hạn như khi một cơn giận
dữ xảy đến, ta hãy trung thực ghi nhận sự xuất
hiện của nó mà đừng bao giờ tự dối lòng bằng một
suy nghĩ khác hay một câu nói nào đó rập khuôn
theo kinh điển: "Ðâu phải tôi đang giận dữ, cái
tâm trạng đó đơn giản chỉ là một thứ rác rưới,
một con mèo hoang thôi mà!". Trong những cơn
giận dữ, chúng ta thường khi tự đánh mất nhận
thức về nó bởi vì cứ mãi lo bận tâm hướng về cái
đối tượng đã chọc giận mình mà ít khi chịu nhìn
ngắm lại nội tâm bản thân. Ðó cũng là một cái
thói quen xấu của chúng ta. Luôn nhìn ra mà
chẳng mấy khi chịu nhìn vào!
Ðức Phật đã từng dạy rằng tất cả
những đối tượng ngoại vi thật ra chẳng có ý
nghĩa gì, điều quan trọng là chúng ta phải tự
biết cách đón nhận và xử lý nội tâm mình bằng
một trí tuệ quán sát. Chúng ta hãy học cách nhận
diện và nhìn ngắm từng thứ phiền não khi chúng
đi qua lòng mình, xem mình có cảm giác gì trước
sự xuất hiện của chúng. Làm được điều đó, có
nghĩa là ta đã nhìn thấy được mọi sự qua ánh
sáng của Phật pháp. Vấn đề xem ra cũng không có
gì là khó hiểu và xa vời cho lắm: Khi ta hiểu
được một cách chính xác cái bản chất gây khổ của
các phiền não thì ta cũng dần dần giải quyết
được chúng. Nhưng đến đây, thì chúng ta lại phải
trả lời một câu hỏi khác: tại sao tất cả chúng
ta vẫn biết các phiền não là cội nguồn của đau
khổ mà vẫn tiếp tục ôm giữ nó?
Câu trả lời cũng đơn giản thôi:
Nói thì dễ mà làm thì mới khó. Nhưng chẳng sao
hết, vì những thời pháp thoại sẽ giúp đỡ chúng
ta các hướng dẫn và nâng bước cho chúng ta vào
đường tu. Cho dầu hành trình đó có gian khổ đến
mấy nhưng trong từng phút giây nỗ lực đưa mình
ra khỏi những ràng buộc của nội tâm thì chúng ta
cũng đã là những Phật tử đúng nghĩa rồi .
Mấy ngày qua, trời không có mưa.
Ði kinh hành khắp rừng thiền, tôi cứ thấy như
cây cối ở đây đang dần dần muốn chết khô. Nhưng
hôm nay trời đã mưa trở lại. Các vị có thấy
không, lũ ếch nhái cứ nhảy tới lui và kêu vang
như hạnh phúc lắm vậy. Trong rừng thiền này có
mấy vũng nước cạn cho bọn chúng tha hồ rong chơi
và rất có thể ngay trong lúc này chúng chỉ đơn
giản tin tưởng rằng mấy vũng nước đó sẽ mãi mãi
đầy tràn mà đâu hề biết là chỉ nay mai thôi, khi
trời không còn mưa nữa, những ngày nắng sẽ kéo
dài và chúng rất có thể sẽ bị chết đi khi mấy
vũng nước kia bắt đầu khô nứt.
Cuộc đời của chúng ta đâu có
khác gì lũ ếch nhái đó. Khi những điều kiện sống
thoải mái chưa bị xâm phạm thì ai cũng có thể
thấy mình tràn trề hạnh phúc. Rồi đến lúc mọi sự
đổi thay, thì chắc chắn nếp sống của chúng ta
cũng bị thay đổi theo. Chúng ta có hiểu là từng
người trên thế giới này phải luôn sống lệ thuộc
vào thiên nhiên nhưng có mấy ai đã nhận ra điều
đó. Hầu hết chúng ta cũng giống như đám ếch nhái
bé nhỏ kia thôi. Tâm sinh lý của con người cũng
là một phần trong tạo hóa thiên nhiên. Chúng ta
đi ngược lại với thiên nhiên cũng có nghĩa là
chúng ta đang tự hủy diệt chính mình. Chúng ta
không ai có thể sống chối bỏ qui luật thiên
nhiên mà ngược lại phải biết sống hài hòa với
nó. Chống lại thiên nhiên là đồng nghĩa với tự
sát .
Ðến đây thì tôi xin kết thúc
thời pháp thoại. Tôi hy vọng rằng một số điều
tôi đã đề cập có thể được quí vị ứng dụng. Hay
ít nhất các vị cũng có thể lấy đó làm một đề tài
để trở về tự kiểm nghiệm rồi nếu được, áp dụng
chúng vào cuộc tu của bản thân bằng chính trí
tuệ của mình./.
-ooOoo-
|
Tiếp theo |