Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 17-04-2022
Câu hỏi:
Kính thưa sư thầy, con có một thắc mắc về việc đọc chú đại bi, mong thầy từ bi giải đáp. Con có đọc trong 'Mật Tông vấn đáp' là chú có những lợi ích to lớn, nên cũng đi kèm với những tác hại. Có những người trì chú lâu ngày rồi hóa điên, bị tẩu hỏa nhập ma do tác dụng phụ của chú. Nên khi tu theo Mật tông, cần có thầy chỉ dẫn, nếu tự đọc sách thấy hay rồi làm thì lợi bất cập hại, như người mù chơi dao. Hiện tại con đọc Chú đại bi là chính, kèm với Chú chuẩn đề và Chú dược sư. Con muốn mình tiến bộ nhanh trên con đường tu tập nên kết hợp đọc chú thêm vào Thiền và niệm Phật. Con nghĩ 3 bài chú này là phổ biến nên việc đọc nó là vô hại. Còn những bài chú tối mật hơn, cần bắt ấn thì cần phải có thầy chỉ dẫn. Con xin hỏi là con đọc 3 bài chú như vậy ở nhà có hại không ạ? Con mong được thầy giải đáp và chỉ bảo ạ. Con xin cảm ơn thầy
Ngày gửi: 07-01-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy đã mấy hôm nay con muốn được trải lòng tâm sự và nói lời tri ân thầy. Cũng vì công việc con dạo này bận quá nên con chỉ tranh thủ được một lúc, chợt nghĩ như thế nào thì con viết như thế ấy, câu cú, ý tứ, tản mạn, lủng củng, mong thầy hoan hỷ lượng thứ cho con.
Thưa thầy đã có lần con cảm thấy bế tắc trong cuộc sống gia đình vì bị ám ảnh bởi bạo lực gia đình, nhưng thầy đã chỉ cho con thấy cha con là món quà vô giá mà pháp đem lại cho con trong cuộc đời này. Thực sự đúng là như vậy, mọi sự vận động của Pháp dù là thuận hay nghịch cũng đều giúp ta học ra bài học giác ngộ, giải thoát. Thuở bé con rất nghịch ngợm, không sợ trời, không sợ đất, nhưng khi lên tiểu học cha bắt đầu rèn giũa con rất nghiêm khắc. Con dần dần trở thành một con người ngoan ngoãn biết nghe lời đến mức sợ sệt mọi sự sáng tạo, tâm hồn con trở nên khép kín với xung quanh, ít đi chơi, thường chỉ quanh quẩn trong nhà và tập trung toàn bộ sức lực vào việc học tập, sự tập trung đó ở một mức nào đó cũng đã giúp con đạt được nhiều thành tựu trong học đường.
Hoàn cảnh như vậy khiến con trở thành người sống nội tâm, con tìm thấy sự hứng thú trong văn hóa truyền thống. Năm con lên lớp 6 lần đầu tiên đọc được bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, bài thơ đã gây ấn tượng rất lớn cho con về sự ngắn gọn, hàm súc, chính trực của cổ thi. Từ đó con thường xuyên học tập nghiên cứu, sưu tầm các danh ngôn bằng chữ Hán. Dần dần chữ Hán đã đưa con đến với thế giới Bách Gia Chư Tử với kinh điển của các trường phái Nho gia, Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia, Âm dương gia, Tung hoành gia, Tạp gia. Nho gia khiến cho con ấn tượng với tinh thần nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ trên con đường "cách vật, chí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" để trở thành con người "nội vi thánh, ngoại vi vương"; Đạo gia khiến cho con ấn tượng với tinh tần "kiến tố bão phác" vô cùng giản dị và phong cách ung ung tiêu sái; Pháp gia thì khiến cho con ấn tượng bởi tư duy sắc bén và phong cách mạnh bạo thẳng thật; Mặc gia thì khiến cho con ấn tượng với tư duy chi tiết, tinh thần khổ hạnh, kiêm ái, thượng đồng và hành hiệp trượng nghĩa; Tung hoành gia thì khiến cho con ấn tượng bởi mưu lược của những cá nhân có thể làm xoay chuyển cục diện Chiến Quốc;… Những luồng tư tưởng ấy đã giúp con trở nên trưởng thành rất nhiều nhưng cũng làm phát sinh tâm lý duy lý, e ngại, cầu toàn.
Đến năm lớp 11, con nghĩ không thể chỉ mãi lao đầu vào việc học mà không quan tâm đến sức khỏe, con nghĩ mình cần phải rèn luyện thân thể bằng một một môn thể thao nào đó phù hợp. Cuối cùng con chọn võ thuật cổ truyền vì môn này có thể tập khi ở cùng nhiều người nhưng cũng có thể tập khi chỉ có một mình. Từ đó cứ ngoài giờ là con đi tập võ, gần một năm chủ yếu là tập múa một bài quyền, bài Phi Long Quá Hải. Con đã rất nỗ lực để tập luyện kỹ thuật và nghiền ngẫm các khẩu quyết, yếu lĩnh bằng tất cả tâm trí. Nhưng không hiểu vì sao, mặc dù đã cố gắng đi được bài quyền nhanh và phát được đàn kình mạnh, nhưng trong tâm không có được cảm giác thanh thoát, sảng khoái, và tâm lý thì vẫn ngại dấn thân, ngại va chạm như cũ.
Sau khi lên đại học, con tham gia câu lạc bộ Vovinam. Vovinam đã giúp con tiến bộ rất nhiều với hệ thống kỹ thuật khoa học, toàn diện, đi tuần tự từ đơn giản đến phức tạp, từ biểu diễn đến tự vệ, từ tự về đến đối kháng, đặc biệt là từ khi đeo găng lên sàn đối kháng đã giúp con trở nên tự tin, dũng cảm hơn. Tuy nhiên căn bệnh cố hữu của con vẫn còn, con vẫn còn quá lý trí, quá nỗ lực, còn e sợ phường côn đồ hung hãn vô chiêu vô thức, tự thấy chưa thể đạt tới cảnh giới chí giản chí diệu của võ đạo.
Cho đến một trưa hè mưa như trút nước, con tự nhiên cầm cán chổi theo lối kiếm đạo Nhật Bản chém liền mấy nhát trúng liền mấy con muỗi đang bay, con ngạc nhiên vô cùng, nhưng khi cố gắng làm lại thì trật lất. Con nghĩ rằng cái gì đã diễn ra thì phải có cái lý diễn ra của nó nên vào những ngày lẻ con đi học thêm Kiếm đạo để tìm ra nguyên lý của sự đơn giản, ngắn gọn, chính xác. Con bắt đầu tìm hiểu về những trước tác kinh điển về kiếm thuật Nhật Bản, may mắn là các trước tác ấy đều được viết bằng Văn Ngôn. Con vô cùng ngạc nghiên khi thấy những kiếm khách trứ danh trong lịch sử Nhật Bản như Cung Bản Võ Tàng, Liễu Sinh Tông Cự,… đều được chỉ dẫn bởi các thiền sư mà đặc biệt là các thiền sư tông Lâm Tế, và tư tưởng thiền luôn luôn tràn ngập, thấm nhuần trong các kiếm phổ. Con đặc biệt ấn tượng với các tác phẩm Bất Động Trí Thần Diệu Lục, Thái A Ký, Ngũ Luân Thư, Liễu Sinh Kiếm Pháp Gia Truyền Thư, Nguyệt Chi Sao. Con chưa từng thấy tác phẩm nào nói về kỹ thuật mà đặc biệt là tâm pháp vận động thấm nhuần tinh thần Trực Chỉ và Thực Tế của Thiền Tông như thế. Từ những tác phẩm ấy, con bắt đầu bén duyên với Thiền Tông, từ Thiền Tông con lại bén duyên với Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, cuốn kinh nhỏ gọn, tinh túy và giá trị nhất mà con từng gặp.
Nhưng để hiểu được cuốn kinh ấy không ngờ lại phải hiểu nhiều Kinh, Luận và khó đột phá đến thế. Chẳng hạn để hiểu ngũ uẩn giai không thì lại phải biết trên lý luận và trên thực tế ngũ uẩn là gì, không là gì, trong cử động này đã ngũ uẩn giai không hay chưa,… nếu không thì ngũ uẩn giai không cũng chỉ là câu khẩu hiệu không liên can gì đến mình và kiếm đạo. Dần dần con nghe đến pháp thoại của các hòa thượng, có pháp thoại của thầy Thích Nhật Từ, sau đó là pháp thoại của thầy Thích Nhất Hạnh và khi nghe được nội dung pháp thoại Thực Tại Hiện Tiền trên Youtube thì con thực sự vỡ òa, xúc động! Không ngờ cái cao siêu vi diệu lại giản dị gần gũi đến thế và không ngờ cái giản dị gần gũi lại cao siêu vi diệu đến thế, con xin đỉnh lễ tri ân thầy.
Khi đó con đã công tác trong ngành Tòa án. Trong một thời gian dài con phải đi biệt phái công tác đến một nơi rất xa xôi hẻo lánh, con thường xuyên phải đi xe máy hàng mấy chục cây số, có khi phải đi lại trong đêm qua những đoạn đường vắng toàn núi rừng sông suối. Trước đây khi lái xe, con thường rất tập trung về phía trước nhưng khi vào cua vẫn thường bị lực văng và không bắt kịp diễn biến trước mặt. Nhưng từ khi có pháp thoại thực tại hiện tiền làm bạn trên những chặng đường ấy con đã dám xả ly bản ngã mà hòa hợp, ăn khớp với quỹ đạo đường đi một cách ung dung tự tại. Nếu nghe các sách tâm lý học hay sách khoa học thì chắc là con sẽ bị mất tập trung, nhưng mỗi câu mỗi chữ của pháp thoại vang lên trong tai nghe đều làm con trở nên định tĩnh, trong lành, sáng suốt trong từng giây phút. Thực tại hiện tiền trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết, dù có ổ gà hay hòn sỏi cành cây hiện ra trước mắt cũng không còn làm con bất ngờ hay giật mình nữa, và những chặng đường dài trong đêm không còn trở thành nỗi sợ hãi hay gánh nặng mà trở thành những chuyến du lịch, trải nghiệm đầy mới mẻ. Thời gian lái xe và nghe pháp thoại đã làm hình thành ở con tinh thần "khẩu niệm tâm hành" mà Lục Tổ nói trong Đàn Kinh, khi mỗi câu mỗi chữ vang lên không phải từ bên ngoài mà vang lên tự sâu thẳm trong tâm với tất cả ý nghĩa đích thực của nó bao trùm lên khắp môi trường trong ngoài.
Thật may mắn là Kiếm đạo đã giúp con không bị lạc lối trong mộng ảo. Khi tiếp xúc và thực hành bất kỳ một pháp nào con cũng đều luôn gắn nó với động tác chém đơn giản nhất trong Kiếm Đạo là động tác Đường Trúc. Nếu như pháp ấy là chân thật thì nó phải giúp con nắm bắt đúng từng sát-na thực tại hiện tiền mà rút kiếm chém trúng hoặc đâm trúng hạt ngô, hạt đỗ hay bấc nến,... một cách tự tại. Đối với con thì khái niệm "Tập trung" trong tâm lý học hiện đại, khái niệm "Chí thành", "Nhân nhất năng chi, kỷ bách chi" trong Nho học, khái niệm "Thường hữu thường vô", "Đạo pháp tự nhiên" trong Đạo học,… cũng chưa đủ duyên để đánh thức tâm con thoát khỏi Vô Minh, nhưng đường lối giác ngộ, giải thoát của Phật giáo có thể giúp con giác ngộ, giải thoát trong nhát chém Đường Trúc.
Cũng nhờ luôn gắn Thiền với Kiếm mà con không bị rơi vào hai cực đoan là Không và Hữu mà thể ngộ Chân không diệu hữu, Diệu hữu chân trong trong mọi lúc mọi nơi. Dần dần con có thể hiểu rõ hơn bản thân mình trong mọi sinh hoạt, công việc. Tư duy pháp luật của con cũng trở nên sáng suốt, nhạy bén, linh hoạt hơn. Con cũng hiểu rõ hơn và xâu chuỗi được các công án, thoại đầu của các Tổ. Như khi thiền sinh hỏi đại ý của Phật pháp thì thiền sư liền đáp "trời xanh" vì trong mắt sư đang là "trời xanh", hoặc đáp "ba cân gai" vì trong tay thiền sư đang là "ba cân gai", hoặc hét một câu, hoặc đánh một cái, hoặc giơ ngón tay lên để đưa thiền sinh trở về với phút giây thực tại sống động đang là. Mọi sự xa vời, bí hiểm, phức tạp được các Tổ sử dụng cũng chỉ để phô bày dữ dội hơn sự gần gũi, minh bạch, đơn giản.
Từ Thiền Tông con hiểu hơn tâm pháp Kiếm Đạo, từ Kiếm Đạo con thực hành tốt hơn kỹ thuật Vovinam và giải quyết tốt hơn các vấn đề trong cuộc sống và công việc. Trước đây con đã từng rất thích cái xảo trong cách múa kiếm của người Trung Hoa, sau đó con nhận ra sự tuyệt vời của cái tinh trong kiếm đạo Nhật Bản; sau đó con không chỉ nhận ra cái "tinh" trong cái "tinh" mà còn nhận ra cái "tinh" trong cái "xảo" của kiếm thuật Trung Hoa, dù múa may quay cuồng như thế nào thì chung quy cũng chỉ là tổ hợp của những đòn bổ, chặt, chém, vót, vớt, đâm, hoa. Con đã có dũng khí đối đầu với cái vô thức vô chiêu và cách đánh liều mạng côn đồ vì sự vận động của cái tâm Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Nhân, Thiên còn nhiều sơ suất, lậu hoặc lắm so với với tâm Tứ Thánh. Vì tâm mình như thế nào thì sẽ phản chiếu toàn bộ thế giới xung quanh, trong, ngoài như thế ấy, nên cũng là một đòn chém thôi nhưng có khi là Địa Ngục Kiếm, Ngạ Quỷ Kiếm, Súc Sinh Kiếm, A Tu La Kiếm, Nhân Kiếm, Lục Dục Thiên Kiếm, Tứ Thiền Thiên Kiếm, Tứ Không Thiên Kiếm, Ma Kiếm, Thanh Văn Kiếm, Duyên Giác Kiếm, Bồ Tát Kiếm, Như Lai Kiếm. Nhưng khi tâm mình đã sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì mình không còn ham mê đấu đá, tranh giành nữa, cái tinh thần đích thực của "Vô địch" là "Không đối địch với ai" và cũng không có "Ta" cũng không có "Người" để đối địch nhau nữa, mình chỉ muốn thông qua "Kiếm" để thể nghiệm cái thực của "Đạo", thông qua "Đạo" để thể nghiệm cái thực của "Kiếm".
Ban đầu con chỉ thấy Kiếm không thấy Đạo, sau đó con chỉ thấy Đạo không thấy Kiếm, còn bây giờ thì con thấy Kiếm với Đạo là một, và tinh thần Kiếm Đạo cũng thích dụng với mọi cử động đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, suy nghĩ, sinh hoạt, giải quyết công việc,…. Thực tại hiện tiền cũng giúp con hiểu rõ Tứ Tất Đàn, vượt qua ranh giới các tông phái. Từ Thiền tông cho đến Tịnh độ tông, Chân ngôn tông, Hoa nghiêm tông, Duy thức tông,… cũng đều chung một vị mặn của giáo pháp mà năm xưa đức Phật chỉ bày, tuy khác về phương tiện nhưng đều cùng cứu cánh, không nên làm những việc không thiết thực như chỉ trích phương tiện của người khác vì duyên khởi của mỗi người không giống nhau thì làm sao bắt báo ứng của mọi người giống nhau được, chỉ nên làm việc mình, miễn sao không rời xa thực tại thân, thọ, tâm, pháp đang là. Mà con cũng nhận ra giá trị thực tiễn trong những kiến thức toán học, vật lý, hóa học,.. thời phổ thông, như lý thuyết về điều kiện căn bằng của vật có chân đế và lý thuyết về cân bằng phiếm định giúp con lăn lộn mượt mà hơn, đi đứng vững chãi hơn,… Khi học thạc sỹ con cũng dễ tiếp thu triết học và các kiến thức khoa học hơn.
Nhưng nhiều khi đạo hạnh của con vẫn chưa đủ để đương đầu với những vấn đề của tư duy và thực tiễn, thực tại hiện tiền của con vẫn chưa đủ vững chãi và không dao động. Có lúc con đã hỏi thầy trạng thái chết não tương ứng với tâm nào trong thập pháp giới, trong Lục đại duyên khởi có phải Thức đại không bình đẳng mà phụ thuộc vào Ngũ đại kia hay không, hay vũ trụ đã từng có một thời kỳ chỉ gồm vật vô tri dần dần mới cấu tạo nên các dạng vật chất có đặc điểm của sự sống,… Đó là vì đạo hạnh của con chưa đủ nên muốn sự trợ duyên từ thầy để tháo gỡ những vấn đề đặt ra từ chủ nghĩa khoa học, chủ nghĩa duy vật. Con xin tri ân thầy vì luôn nhẫn nại, từ bi với những câu hỏi của con và đưa con trở về với thực tại đang là, con xin thành kính tri ân thầy.
Càng hiểu sâu sắc về không gian, thời gian và bản chất của sự tồn tại, đặc biệt là qua các cuốn sách Lược sử thời gian, Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ của Stephen Hawking con càng thấy không gian và thời gian chỉ là ảo ảnh tương đối, thời gian có thể co ngắn dãn dài, không gian có thể uốn cong, cái gọi là sự sống với các đặc tính sinh trưởng và sinh sản chỉ là khái niệm của chúng ta đặt ra,… mọi hiện tượng đều là vô ngã, vô thường, vô thủy, vô chung do trùng trùng duyên khởi huyễn hóa giả hợp thành, rốt cuộc tất cả chỉ thực sự có như nó đang là trong từng sát-na thực tại hiện tiền. Có thể với những tiến bộ vượt bậc của khoa học hiện đại, chúng ta đang từng bước tiếp cận những khía cạnh nhất định của sự thật và sự tiếp cận ấy thực tế đã mang lại cho chúng ta rất nhiều ứng dụng thiết thực, nhưng chưa bao giờ có một lý thuyết nào có thể mô tả được chính xác toàn bộ thực tại. Thậm chí các lý thuyết về nhiệt động lực học, thuyết lượng tử, thuyết tương đối và các lý thuyết khác trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học, toán học, văn học, thiên văn, địa lý, lịch sử cũng chưa đủ để chúng ta phản ánh và nắm bắt được toàn bộ thực tại của một bông hoa, một hạt bụi hiện lên trước mắt chúng ta. Và ở khía cạnh này thì Như Lai quả thực là đấng giác ngộ và bậc đạo sư Tối Tôn Tối Thượng. Các lý thuyết của Thế Gian có thể đúng ở nơi này, sai ở nơi khác, đúng vào lúc này, sai vào lúc khác nhưng con đường giác ngộ, giải thoát siêu việt không gian, thời gian của Như Lai thì không bao giờ sai cũng không bao giờ gây chướng ngại cho bất cứ thứ gì mà chỉ luôn đưa tất cả mọi thứ về với sự thật, không phân biệt thứ đó là trường phái khoa học, triết học, tôn giáo hay nghề nghiệp nào.
Giờ thì con không còn cảm thấy ngạc nhiên khi ở Nhật Bản các thiền sư trở thành thầy của các kiếm khách và tư tưởng Thiền Tông trở thành kim chỉ nam cho Kiếm Đạo. Con cũng hiểu vì sao Kiếm thánh Miyamoto Musashi viết trong bài tựa cuốn Ngũ Luân Thư: "Từ đó ta sống mà không bị trói buộc trong một khuôn khổ nào. Từ đạo của kiếm ta thực hành nhiều tài nghệ khác mà không cần thầy dạy. Để viết cuốn sách này ta không sử dụng đến sách vở của Phật gia, kinh điển của Nho gia cũng như binh pháp của các Binh gia đời trước. Ta cầm bút lên để giải thích chân ý của kiếm phái Nhị Thiên Nhất Lưu được phản ánh từ chính tự nhiên".
Tu đạo không phải là bỏ cái này lấy cái kia hay đắc cái này đắc cái kia, mà là ở ngay nơi "Đương xứ tức chân", "Lập địa thành Phật". Nhưng "Đương xứ tức chân" không phải là hiện tại lạc trú hay phóng túng trong hiện tại, đánh mất quá khứ, đánh mất tương lai như Chủ nghĩa hiện sinh. Chính nhờ định tĩnh, trong lành, sáng suốt, trọn vẹn với thực tại hiện tiền mà chúng ta không những có được hiện tại mà còn có được kết quả của quá khứ và nguyên nhân của tương lai, thực tại hiện tiền sẽ là những viên gạch ráp nên cuộc sống chân thực, tích cực, viên mãn như nó là. Có câu nói "Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn, Thiện duyên nan ngộ, Phật quốc nan sinh". Những điều khác thì con chưa biết, nhưng được biết đến thầy, được nghe pháp thoại của thầy, được thầy trực tiếp chỉ điểm qua website này, thực sự là duyên lành hy hữu mà con gặp được trong đời này. Con xin tri ân thầy, kính chúc thầy luôn mạnh khỏe để chỉ điểm cho chúng con không bị tấp vào bờ, không bị chìm đắm, không tự mục nát trên dòng sông pháp.
Ngày gửi: 04-10-2021
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy,
Hằng ngày trong thời công phu con đều có đọc Bát Nhã Tâm Kinh. Gần đây con hiểu khi mình tu nếu có chú tâm quan sát với tâm trong sáng tĩnh lặng và thấy biết rõ thực tại hiện tiền như nó đang là thì cũng giống như lời dạy trong Bát Nhã Tâm Kinh mình sẽ vượt hết mọi khổ ách. Con cảm nhận như cũng giống nhau.
Bạch Thầy con xin sám hối nếu hiểu sai.
Kính mong Thầy chỉ dạy thêm cho con.
Con kính tri ân Thầy.
Ngày gửi: 10-07-2020
Câu hỏi:
Thưa Thầy cho con hỏi ạ.
Tất cả là một, một là tất cả và sắc tức thị không, không tức thị sắc có tương đương nghĩa không ạ?
Ngày gửi: 31-05-2019
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ Sư Ông!
Có cụm từ: "Phiền não tức bồ đề" con không hiểu kính xin Sư giải thích giúp con và cụm từ trên có liên quan gì đến Bát Nhã Tâm Kinh "sắc tức thị không, không tức thị sắc" không ạ?
Con cảm ơn Sư Ông ạ.
Ngày gửi: 13-12-2018
Câu hỏi:
Kính thưa Quý Thầy,
Con là Cư Sĩ tại gia, tự tìm hiểu về Phật Pháp nên không hiểu biết nhiều về con đường tu tập cho phù hợp. Do một vài nhân duyên con đã tụng niệm, trì chú Bát Nhã Tâm Kinh và đi học thiền Vipassana (Phương Pháp Thiền Sư GoenKa). Sau này con thấy Thiền Vipassana và việc Trì tụng Bát Nhã Tâm Kinh đi theo hai trường phái khác biệt (dù đã được Thầy Thích Viên Minh chỉ rõ trong cuốn Thực Tại Hiện Tiền là: một bên lý, một bên sự bổ khuyết cho nhau) nên con trở nên bối rối vì không biết nên tiếp tục hành trì như thế nào vì cả hai con đường con đều thấy tốt đẹp và hướng thiện. Con kính mong Quý Thầy Thiện Tri Thức từ bi chỉ dạy cho con!
Ngày gửi: 26-06-2018
Câu hỏi:
Kính Thầy,
Ngũ uẩn giai không thì con hiểu rõ nhưng sắc tức thị không, không tức thị sắc thì con hoàn toàn không hiểu. Kính mong Thầy giúp con.
Ngày gửi: 04-11-2017
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Con thường nghe Pháp thoại của Thầy, nhưng chưa có cơ duyên được trực tiếp nghe Thầy giảng. Con có thắc mắc sau mong được Thầy chỉ bảo:
Trong "Bát-nhã tâm kinh", bài kinh mà con thường tụng và chiêm nghiệm để mong hiểu được lẽ nhiệm mầu của Phật pháp mà răn mình, hoàn thiện mình. Nhưng chợt hôm qua con nhận ra một sự mâu thuẫn trong bài kinh. Phật vừa dạy "... vô trí diệc vô đắc" thì sau đó lại dạy tu theo bát-nhã sẽ "đắc a-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề". Vậy cũng là một "hứa hẹn" về sở đắc! Phải chăng Đức Phật biết "lòng tham" của con người khó thoát (ngay cả tham đắc đạo) nên cũng phải dạy vậy để khuyến khích người tu học?
Con xin Thầy giảng giải giúp con. Con thành kính cám ơn Thầy.
Ngày gửi: 05-01-2016
Câu hỏi:
Kính bạch thầy! Con thường xem mục hỏi đáp, nghe một số bài pháp thầy giảng và đọc một số sách thầy viết. Thời gian vừa qua con được dự trà đạo, được nghe thầy giảng pháp, giải thích và khai thị trong giờ trà đạo. Con không thuộc nhiều kinh điển, chỉ có thuộc bài Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh, rất tâm đắc và ngộ ra câu pháp thầy giảng là trở về trọn vẹn trong sáng, thận trọng chú tâm quan sát...! <p>
Con xin trình pháp cùng thầy. Con thật sự hạnh phúc và may mắn có được duyên lành gặp được bậc thầy thiện tri thức, thấy ra sự thật khi nghe giảng pháp! Con đã lột xác và phá đi bức tường vô minh bao lâu nay. Con có duyên lành được thầy chỉ dạy nên con đã thấy được sự thật của vạn pháp. Tất cả các pháp là tịch tịnh, chỉ có tâm chúng ta lăn tăn bị động mà thôi. Chỉ cần chúng ta trở về trọn vẹn trong sáng, thận trọng chú tâm quan sát mọi hoạt động của thân và tâm thì sẽ thấy thường trực an lạc ngay tại đây và bây giờ chứ không phải đâu khác. <p>
Mà cách để nhận và thấy ra sự thật nhất chính là hành thiền định tuệ, tịch tịnh, tịnh mà không tịnh. Thấy chỉ có thấy, biết chỉ có biết, nghe chỉ có nghe. Rồi tánh biết và thấy tự nó sẽ biết và thấy hết tất cả vạn pháp một cách chân thật! <p>
Con đã thấy và ngộ ra như vậy rồi mà con vẫn còn dính mắc, chưa chịu buông bỏ xả ly đến mức không còn gì để xả ly thầy ạ! Con vẫn còn dính mắc trong đường công danh, danh lợi, vậy thì làm thế nào thầy? <p>
Kính bạch thầy nhận xét chỉ dạy. Con thành kính tri ân thầy!
Ngày gửi: 09-08-2015
Câu hỏi:
Mô Phật! Con thành kính đảnh lễ Thầy! Kính bạch Thầy. <p>
1. Con đã đọc phần Thầy giảng bài kinh Bát Nhã trong cuốn Thực Tại Hiện Tiền. Con hiểu được như sau: <p>
- Sau khi tiếp xúc với trần cảnh, chúng ta thận trọng, chú tâm, quan sát thì lúc đó chiếu phá được ngũ uẩn, nghĩa là "sắc, thọ, tưởng, hành, thức" không tập khởi và tích trữ. <p>
- "Sắc bất dị không". "Sắc" là 6 căn, 6 trần đang tồn tại trong thế giới khách quan. Còn "Không" có hai nghĩa: <p>
Một, "Không" là do mắt không có ý đồ của bản ngã muốn tiếp xúc với trần thì không có nhãn xúc và nhãn thức tập khởi nên có sắc mà cũng như không. <p>
Hai, "Không" là dù căn trần có tiếp xúc nhưng do không hình thành khái niệm phân biệt chủ quan (không vô minh, tà kiến, tưởng tượng) nên trong thấy chỉ thấy sắc như thị mà không hình thành tướng sắc nào. Do vậy mà "sắc chẳng khác không". <p>
- "Không bất dị sắc". "Không" ở đây là "Thực tánh Vô tánh". "Sắc" là sắc pháp, chỉ là tánh duyên khởi nên cũng "không tự tánh". Do vậy, cả hai mặt thực thực tại của sắc đều có tánh không như nhau, nên "không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc". <p>
2. Con nhận ra rằng có những hình ảnh, cảm xúc trong quá khứ hiện về, khi đó con không cần đè nén, hay ủng hộ hòa vào ký ức mà tự chúng sẽ hiện lên rồi biến mất rất nhanh. Con nghĩ mình nên tỉnh giác để thấy rõ những điều này, không nên có ý định lấy vọng tưởng đè vọng tưởng. <p>
Con kính mong Thầy hoan hỷ chỉ giúp con về những điều trên con đã hiểu đúng chưa? <p>
Con thành tâm tri ân Thầy nhiều lắm vì Thầy đã giúp cho chúng con thêm ánh sáng trí tuệ.