|
ĀRĀDHANĀ DEVATĀ Sagge kāme ca rūpe giri sikhara-taṭe c’antalikkhe vimāne dīpe raṭṭhe ca gāme taru-vana-gahaṇe geha-vatthumhi khette bhummā c’āyantu Devā jala-thala-visame Yakkha-Gandhabba-Nāgā tiṭṭhantā santike yaṃ Muni-vara-vacanaṃ sādhavo me suṇantu. Dhamma-ssavana kālo ayaṃ bhadantā. Dhamma-ssavana kālo ayaṃ bhadantā. Dhamma-ssavana kālo ayaṃ bhadantā.
Dịch nghĩa: Xin thỉnh Chư Thiên ngự trên cõi trời dục giới cùng sắc giới, trên đỉnh núi, bờ sông, nơi Thiên cung, trong quốc độ, giữa hư không, nơi làng mạc, rừng rú, trên cây cối, ruộng vườn, mặt đất, trong nhà. Các vị Dạ-Xoa, Càn-thát-bà, Long vương ngự trên bờ, dưới nước ở quanh đây, xin cung thỉnh. Lành thay, xin chư vị lắng nghe tôi tụng đọc lời dạy cao quý của Đấng Thanh Tịnh. Thưa Chư tôn giả, đây là thời khắc (thích hợp) để nghe Pháp. (3 lần)
Ngữ vựng: Sagga: cõi trời Kāma: dục giới Ca: và Rūpa: sắc giới Giri: núi Sikhara: đỉnh Giri-sikhara: đỉnh núi Taṭa: bờ sông C’antalikkha = ca + antalikkha: bầu trời hư không Vimāna: cung trời Dīpa: hòn đảo, ngọn đèn Raṭṭha: quốc độ Gāma: làng Taru: cây Vana: rừng lớn Gahaṇa: rừng rậm Geha (gehaṃ, geho): nhà Vatthu: đất vườn Khetta: ruộng Bhummā: mặt đất C’āyantu = ca + ayantu (ayāti): hãy đến Devā: Chư Thiên Jala: nước Thala: đất liền Visama: gồ ghề Yakkha: dạ-xoa Gandhabba: càn-thát-bà Nāga: long vương Tiṭṭhantā (tiṭṭhati): ở Santika: gần Yaṃ (ya): nào Muni: bậc ẩn sĩ, Phật Vara: cao quý Vacana: lời nói Sādhu: lành thay Me: của tôi Suṇāti: nghe Dhamma: Pháp Savana: sự nghe Kāla: thời giờ Ayaṃ: này Bhadanta: bậc đáng kính, tôn giả THỈNH CHƯ THIÊN Xin thỉnh Chư Thiên ngự trên cõi trời Dục giới cùng Sắc giới; Chư Thiên ngự trên đỉnh núi, núi không liền, hoặc nơi hư không; ngự nơi cồn bãi, đất liền hoặc các châu quận; ngự trên cây cối rừng rậm hoặc ruộng vườn; Chư Dạ Xoa, Càn Thát Bà, cùng Long Vương dưới nước trên bờ, hoặc nơi không bằng phẳng gần đây, xin thỉnh hội họp lại đây. Lời nào là kim ngôn cao thượng của Ðức Thích Ca Mâu Ni mà chúng tôi tụng đây, xin các bậc Hiền Triết nên nghe lời ấy. Xin các ngài đạo đức, giờ nầy là giờ nên nghe Pháp Bảo. (3 lần) *** Ba tòa thanh tịnh Bồ-Đề Mười phương thiên chúng hội về nghe kinh Pháp mầu diệt tận vô minh Pháp mầu độ khổ sinh linh vạn loài. Từ Dục giới vân đài sáu cõi Đến Thiên cung sắc giới hữu hình Chư Thiên đã tạo duyên lành Do theo phước quả, thiện sanh đến giờ Các Ngài ngự bến bờ, đồng ruộng Hoặc hư không, châu quận, thị phường Non xanh, rừng rậm, đất bằng Hoặc nơi quán cảnh, xóm làng gần xa Xin đồng thỉnh Dạ-xoa chư chúng Càn-thát-bà, Long chủng nơi nơi Đầm ao, thành quách lâu đời Hoặc là sông nước, biển khơi trùng trùng Pháp vi diệu, nghìn thân nan ngộ Đạo thậm thâm, kiên khổ khó vào Ngày tàn, tháng lụn qua mau Đắm si trần cảnh, đuối đầu tử sinh. Đây là giờ chuyển kinh Vô Thượng Đây là giờ đọc tụng Pháp Âm Lời vàng lý nghĩa cao thâm Xin chư hiền giả lắng tâm thọ trì. (Đoạn cuối tụng 3 lần, 1 lạy)
RATANATTAYAPUJĀ Imehi dīpa-dhūp’ādi sakkārehi Buddhaṃ Dhammaṃ Saṅghaṃ abhipūjayāmi mātā-pit’ādīnaṃ guṇavantānañca mayhañca dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dịch nghĩa: Đệ tử thành kính cúng dường đèn, hương, lễ phẩm các loại lên ba ngôi Tam Bảo. Nguyện cầu cho các bậc ân nhân, nhất là cha mẹ đệ tử được an lạc, lợi ích và tốt đẹp lâu dài.
Ngữ vựng: Imehi (ima): với những (cái này) Dīpa: đèn Dhūpa: nhang, hương Adi: v.v……... Sakkārehi (sakkāra): với sự cung kính Buddhaṃ (Buddha): đến Phật Dhammaṃ (Dhamma): đến Pháp Saṅghaṃ (Saṅgha): đến Tăng Abhipūjayāmi (abhipūjayati): cúng dường Mātu: mẹ Pitu: cha Mātu-pitu: cha mẹ Guṇavantu: ân nhân, bậc có ân Đức Mayhaṃ (mama): đến cho con, của con Dīgharattaṃ: lâu dài Attha: tốt đẹp, tốt lành Hita: lợi ích Sukha: an lạc
DÂNG HƯƠNG Con xin dâng các lễ vật này, nhứt là nhang đèn để cúng Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo, ngưỡng cầu cho các bậc ân nhân, nhứt là cha mẹ con và con đều được sự tấn hóa, sự lợi ích, sự bình an lâu dài. (lạy) *** Trước Tam Bảo uy linh tối thượng Đèn trầm hương, tâm niệm chí thành Nguyện cầu Pháp giới chúng sanh Nhất là cha mẹ muôn phần phước duyên Mãi tấn hóa trên đường thiện nghiệp Mãi vun bồi hạnh phúc Như Chân Liên hoa nở thắm biển trần Khổ đau vắng lặng, tham sân đoạn lìa.
BUDDHARATANAPAṆĀMA Namo tassa Bhagavato Arahato Sammā Sambuddhassa. (3 lần) Dịch nghĩa: Kính lễ Đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.
Ngữ vựng: Namo (Namati): kính lễ Tassa (Ta): đó Bhagavato: Đức Thế Tôn Arāhato: bậc ứng cúng Sammā: chánh Sambuddho: Đấng Toàn Giác, Biến Tri Đẳng Giác
LỄ PHẬT Con đem hết lòng thành kính làm lễ Đức Bhagavā đó, Ngài là bậc Arahaṃ cao thượng, được chứng quả Chánh Biến Tri, do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy. (3 lần, 1 lạy) *** Cúi đầu đảnh lễ đấng Từ Tôn Bậc Chánh Biến Tri đáng cúng dường Con nguyện thân tâm thường thanh tịnh Làm lành, lánh dữ lợi quần sanh. (3 lần, 1 lạy)
TÁN DƯƠNG PHẬT Yo sannisinno vara-bodhi-mūle Māraṃ sasenaṃ mahatiṃ vijeyyo Sambodhim’ āgacchi ananta ñāṇo Lok’uttamo taṃ paṇamāmi Buddhaṃ.
Dịch nghĩa: Người đã ngồi dưới cội bồ-đề cao quý, đại thắng ma quân và đạt đến chánh giác, là bậc có trí tuệ vô biên và là đấng tối thượng trên thế gian. Con cúi đầu đảnh lễ Đức Phật ấy.
Ngữ vựng: Yo (ya): người mà Sannisinna: đang ngồi Bodhi: tuệ giác, cây bồ đề Mūla: gốc cây Māra: ma Sasena: đoàn binh Mahati: lớn Vijeyya: chiến thắng Sambodhi: sự giác ngộ hoàn toàn Agacchati: đạt đến Ananta: vô biên Ñāṇa: trí (tuệ) Loka: thế gian Uttama: tối thượng Taṃ (ta): đó Paṇamati (ṇamati): đảnh lễ
TÁN DƯƠNG PHẬT Đức Phật tham thiền về sổ tức quán, ngồi trên Bồ đoàn, dưới gốc cây Bồ Đề quý báu và đánh thắng toàn bọn Ma Vương mà thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài là bậc tối thượng hơn cả chúng sanh, con đem hết lòng thành kính mà làm lễ Ngài. (lạy) **** Cội Bồ-Đề trang nghiêm thiền tịnh Thắng thiên ma, vạn chướng trùng trùng Con xin lạy đấng Đại Hùng Rọi Vô Biên Trí tận cùng thế gian. (lạy)
LỄ TAM THẾ PHẬT Ye ca Buddhā atītā ca Ye ca Buddhā anāgatā Paccuppannā ca ye Buddhā Ahaṃ vandāmi sabbadā.
Dịch nghĩa: Chư Phật nào (có mặt) trong quá khứ Chư Phật nào (có mặt) trong vị lai Chư Phật nào (có mặt) trong hiện tại Con thường xin đảnh lễ ba đời Chư Phật. Ngữ vựng: Ye (ya): những vị nào Atīta: quá khứ Anāgata: vị lai Paccuppanna: hiện tại Ahaṃ: con, tôi, đệ tử Vandati: lễ, lạy Sabbadā: tất cả, toàn thể
LỄ TAM THẾ PHẬT Chư Phật đã thành Chánh Giác trong kiếp quá khứ. Chư Phật sẽ thành Chánh Giác trong kiếp vị lai. Chư Phật đang thành Chánh Giác trong kiếp hiện tại này. Con đem hết lòng thành kính mà làm lễ Chư Phật trong tam thế ấy. (lạy) **** Từ quá khứ vô vàn Phật hiện Ở đương lai vô lượng Phật thành Hiện tiền Chư Phật độ sinh Con xin kính lễ, tâm minh nguyện cầu. (lạy)
BUDDHA GUṆA Iti’pi so Bhagavā: Arahaṃ, Sammā Sambuddho, Vijjā-caraṇa-sampaṇṇo, Sugato, Lokavidū, Anuttaro, Purisa-damma-sārathi, Satthā-deva-manussānaṃ, Buddho, Bhagavā’ti.
Dịch nghĩa: Đức thế Tôn ấy (có danh hiệu) như thế này: ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sỉ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Ngữ vựng: Iti’pi: như thế So (ta): đó Arahaṃ: A la hán, ứng Cúng Sammā: chánh Sambuddho: Đấng Toàn Giác, Biến Tri Đẳng Giác Vijjā: minh Caraṇa: hạnh Sampanno: đầy đủ (túc) Sugata: Thiện thệ (khéo đi không trở lại) Vidū: người biết Loka-vidū: Thế gian giải Anuttara: vô thượng Purisa: trượng phu Damma: điều ngự, chế phục Sārathi: người đánh xe Satthā: thầy Manussa: người
ÂN ĐỨC PHẬT Itipi so Bhagavā 1- Arahaṃ (Ứng Cúng). Đức Thế Tôn hiệu Arahaṃ, bởi Ngài đã xa lìa các tội lỗi nên tiền khiên tật thân và khẩu của Ngài đều được trọn lành. 2- Sammāsambuddho (Chánh Biến Tri). Đức Thế Tôn hiệu Sammāsambuddho, bởi Ngài đã thành bậc Chánh Đẳng, Chánh Giác, tự Ngài ngộ lấy không thầy chỉ dạy. 3- Vijjācaraṇasampanno (Minh Hạnh Túc). Đức Thế Tôn hiệu Vijjācaraṇa-sampanno, bởi Ngài toàn đắc 3 cái giác, 8 cái giác, và 15 cái hạnh. 4- Sugato (Thiện Thệ). Đức Thế Tôn hiệu Sugato, bởi Ngài đã ngự đến nơi an lạc, bất sanh, bất diệt, Đại Niết Bàn. 5- Lokavidū (Thế Gian Giải). Đức Thế Tôn hiệu Lokavidū, bởi Ngài đã thông suốt Tam Giới. 6- Anuttaro (Vô Thượng sĩ) Đức Thế Tôn hiệu Anuttaro, bởi Ngài có đức hạnh không ai bì. 7- Purisadammasārathi (Điều Ngự Trượng Phu). Đức Thế Tôn hiệu Purisadammasārathi, bởi Ngài là đấng tế độ những người hữu duyên nên tế độ. 8- Satthā-devamanussānaṃ (Thiên Nhơn Sư). Đức Thế Tôn hiệu Satthā-devamanussānaṃ, bởi Ngài là thầy cả Chư Thiên và nhân loại. 9- Buddho (Phật). Đức Thế Tôn hiệu Buddho, bởi Ngài Giác ngộ lý Tứ Diệu Đế và đem ra giáo hóa chúng sanh cùng biết với. 10- Bhagavā’ti (Thế Tôn). Đức Thế Tôn hiệu Bhagavā, bởi Ngài đã siêu xuất Tam Giới tức là Ngài không còn luân hồi lại nữa. (lạy) *** Hồng danh Phật: nhiệm mầu ỨNG CÚNG CHÁNH BIẾN TRI, MINH HẠNH trọn đầy Ơn đức THIỆN THỆ cao dày Bậc THẾ GIAN GIẢI chỉ bày chơn tâm VÔ THƯỢNG SĨ đoạn mầm ách phược Bậc Trọn Lành: ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU TRỜI, NGƯỜI quy phục Đạo-Sư PHẬT, THẾ TÔN hiển Chơn Như độ đời. (lạy)
BUDDHA-ATTAPAṬIÑÑĀ N’atthi me saraṇaṃ aññaṃ Buddho me saraṇaṃ varaṃ Etena sacca-vajjena Hotu me jaya-maṅgalaṃ.
Dịch nghĩa: Không có sự nương tựa nào khác cho con, Đức Phật là nơi nương tựa quý báu Do lời chân thật này Hãy là hạnh phúc thù thắng cho con.
Ngữ vựng: N’atthi (na + atthi): không có Me: cho con, cho tôi Saraṇa: sự quy y, nơi nương tựa Añña: khác Etena (eta): do…..này Sacca: chân thật Vajja: lời nói Hotu: hãy là, xin cho Jaya: thắng Maṅgala: hạnh phúc Jaya-maṅgala: hạnh phúc thù thắng
LỜI BỐ CÁO QUY Y PHẬT BẢO Chẳng có chi đáng cho con phải nương theo, chỉ có Đức Phật là quý báu, nên con phải hết lòng thành kính mà nương theo, đặng cầu sự an lạc đến cho con, y như lời chơn thật này. (lạy) *** Chẳng có nơi nương nhờ cao trọng Bằng Phật Đà vô thượng chí tôn Chúng con quy ngưỡng một lòng Y lời chân thật, cầu mong an lành. (lạy)
BUDDHA-KHAMĀPANA Uttam’aṅgena vande’haṃ Pāda-paṃsuṃ var’uttamaṃ Buddhe yo khalito doso Buddho khamatu taṃ mamaṃ.
Dịch nghĩa: Con xin cúi đầu đảnh lễ bụi trần cao quý dưới chân Đức Phật. Tội nào con mạo phạm đến Đức Phật, cúi xin Đức Phật tha thứ cho con.
Ngữ vựng: Uttaṃ’aṅga (uttama+aṅga): cái đầu Vande’haṃ (vanda+ahaṃ): con đảnh lễ Pāda: cái chân Paṃsu: bụi, vi trần Var’uttama (vara+uttama): cao thượng Khalita: lỗi lầm Dosa: sân, tội Khamati: tha thứ Mamaṃ (mama): cho con
SÁM HỐI PHẬT BẢO Con đem hết lòng thành kính cúi đầu làm lễ vi trần dưới chân Đức Phật, là Đấng Chí Tôn Chí Thánh. Các tội lỗi mà con đã vô ý phạm đến Phật Bảo, cúi xin Phật Bảo xá tội lỗi ấy cho con. (lạy) **** Gieo năm vóc vi trần đảnh lễ Những lỗi lầm vô ý gây nên Cúi xin Ân Phật vô biên Cho con sám tội tiền khiên từ rày. (lạy)
DHAMMARATANAPANĀMA Aṭṭh’aṅgik’āriya-patho janānaṃ Mokkha-ppavesāya ujū ca maggo Dhammo ayaṃ santi-karo paṇīto Nīyāniko taṃ paṇamāmi Dhammaṃ.
Dịch nghĩa: Con đường Thánh gồm 8 chi của người là con đường trực tiếp dẫn đến giải thoát. Pháp ấy làm cho thanh tịnh và siêu thoát. Con đảnh lễ Pháp hướng đến giải thoát đó.
Ngữ vựng: Aṭṭha: 8 Aṅgika: gồm...phần (chi) Ariya: thánh Patha: con đường Jana: người Mokkha: giải thoát Pavesa: dẫn đến Uju: thẳng, ngay thẳng Magga: đạo, con đường Santi: an tịnh Kara: làm cho Paṇīta: siêu việt, giải thoát Nīyānika = niyyānika: hướng đến giải thoát
LỄ BÁI PHÁP BẢO Các Pháp đúng theo đạo Bát Chánh, là con đàng đi của bậc Thánh Nhân, là con đàng chánh, dẫn người hữu chí nhập Niết-bàn được. Pháp Bảo là Pháp trừ diệt các sự lao khổ và các điều phiền não, là Pháp chỉ dẫn chúng sanh thoát khỏi cái khổ sanh tử luân hồi, con đem hết lòng thành kính mà làm lễ Pháp ấy. (lạy) **** Bát Thánh Đạo: Con đường chánh giác Đưa chúng sanh vượt thoát bờ mê Con nay một niệm quay về Quy y Pháp Bảo: Bồ-Đề tự tâm. (lạy)
LỄ TAM THẾ PHÁP Ye ca Dhammā atītā ca Ye ca Dhammā anāgatā Paccuppannā ca ye Dhammā Ahaṃ vandāmi sabbadā.
Dịch nghĩa: Giáo Pháp nào (có mặt) trong quá khứ Giáo Pháp nào (có mặt) trong vị lai Giáo Pháp nào (có mặt) trong hiện tại Con thường xin đảnh lễ ba đời Pháp bảo.
LỄ TAM THẾ PHÁP Các Pháp của Chư Phật đã có trong kiếp quá khứ. Các Pháp của Chư Phật sẽ có trong kiếp vị lai. Các Pháp của Chư Phật đang giáo truyền trong kiếp hiện tại này. Con đem hết lòng thành kính mà làm lễ các Pháp trong tam thế ấy. (lạy) **** Từ quá khứ vô vàn Diệu Pháp Ở đương lai vô lượng Pháp Mầu Hiện tiền Phật Pháp thâm sâu Thuyền Từ phương tiện bắc cầu độ sanh. (lạy)
DHAMMA GUṆA Svākkhāto Bhagavatā Dhammo: Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opanayiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhī’ti.
Dịch nghĩa: Pháp đã được Đức Thế Tôn khéo khai thị là Pháp thiết thực hiện tiền, không bị hạn chế bởi thời gian, là Pháp đến để thấy, có khả năng hướng thượng, bậc trí tự mình liễu giải.
Ngữ vựng: Svākkhāta (su+akkhāta): đã khéo tuyên thuyết Akkhati: giảng giải, khai thị,tuyên thuyết Sandiṭṭhika: thiết thực hiện tại, thực tại hiện tiền Akālika (a+ kālika): vượt qua thời gian, phi thời gian Ehipassika (ehi+passika): hãy đến mà thấy (tự chứng) Passati: thấy Opanāyika:( upa+ nayika) hướng thượng, dẫn đến Niết Bàn Paccattaṃ: mỗi người, từng cá nhân Veditabba (vedeti): nhận thức, liễu giải Viññū: người biết, người trí
ÂN ĐỨC PHÁP BẢO 1- Svākkhāto Bhagavatā dhammo nghĩa là Tam Tạng Pháp Bảo của Đức Thế Tôn đã khẩu truyền y theo chánh pháp. 2- Dhammo là Pháp Thánh có 9 hạng: "4 đạo, 4 quả và 1 Niết Bàn". 3- Sandiṭṭhiko là Pháp mà Chư Thánh đã thấy chắc, biết chắc bởi nhờ kiến tánh, chẳng phải vì nghe, vì tin kẻ nào khác, nghĩa là tự mình thấy rõ chơn lý. 4- Akāliko là Pháp độ cho đắc quả không chờ ngày giờ, là khi nào đắc đạo thì đắc quả không chậm trễ. 5- Ehipassiko là Pháp của Chư Thánh đã đắc quả rồi, có thể ứng hóa cho kẻ khác biết được. 6- Opanayiko là Pháp của Chư Thánh đã có trong mình do nhờ phép Thiền Định. 7- Paccattaṃ veditabbo viññūhi: là Pháp mà các hàng trí tuệ nhất là bậc Thượng Trí được biết, được thấy tự nơi tâm. (lạy) **** Pháp Bất Diệt: Cha lành khéo dạy Lìa danh ngôn, hý luận, nghĩ bàn Vượt thời gian, vượt không gian Thiết thực hiện tại, hoát nhiên tỏ tường. Pháp hướng thượng, đến rồi thấy rõ Lìa si mê, xả bỏ vọng trần Trí nhân ngộ tánh chân nhân Tự mình chứng nghiệm Pháp Thân Diệu Thường. (lạy)
DHAMMA-ATTAPAṬIÑÑĀ N’atthi me saraṇaṃ aññaṃ Dhammo me saraṇaṃ varaṃ Etena sacca-vajjena Hotu me jaya-maṅgalaṃ.
Dịch nghĩa: Không có sự nương tựa nào khác cho con, Giáo pháp là nơi nương tựa quí báu Do lời chơn thật này Hãy là hạnh phúc thù thắng cho con.
LỜI BỐ CÁO QUY Y PHÁP BẢO Chẳng có chi đáng cho con phải nương theo, chỉ có Pháp Bảo là quí báu, nên con phải hết lòng thành kính mà nương theo, đặng cầu sự an lạc đến cho con, y như lời chơn thật này. (lạy) **** Chẳng có nơi nương nhờ cao trọng Bằng Đạo Vàng Vô Thượng Chí Tôn Chúng con quy ngưỡng một lòng Y lời chân thật, cầu mong an lành.
DHAMMAKHAMĀPANA Uttam’aṅgena vand’ehaṃ Dhammañca du-vidhaṃ varaṃ Dhamme yo khalito doso Dhammo khamatu taṃ mamaṃ.
Dịch nghĩa: Con xin cúi đầu đảnh lễ hai loại Giáo Pháp cao thượng (pháp học và pháp hành).Tội lỗi nào con đã mạo phạm đến Pháp bảo, cúi xin Pháp bảo tha thứ cho con.
Ngữ vựng: Du (dvi, dve, dvā): 2 Vidhaṃ (vidha): gồm có...lần (hạng, thứ, bậc, loại)
SÁM HỐI PHÁP BẢO Con đem hết lòng thành kính, cúi đầu làm lễ hai hạng Pháp Bảo là Pháp Học và Pháp Hành. Các tội lỗi mà con đã vô ý phạm đến Pháp Bảo, cúi xin Pháp Bảo xá tội lỗi ấy cho con. (lạy) **** Gieo năm vóc vi trần đảnh lễ Những lỗi lầm vô ý khởi sanh Cúi xin Pháp Học, Pháp Hành Cho con sám tội tâm thành từ đây.
SAṄGHARATANAPANĀMA Saṅgho visuddho vara-dakkhineyyo Sant’indriyo sabba mala-ppahīno Guṇehi nekehi samiddhi-patto Anāsavo taṃ paṇamāmi Saṅghaṃ.
Dịch nghĩa: Tăng là bậc thanh tịnh, xứng đáng thọ nhận cúng dường, lục căn vắng lặng, đã đoạn tận tất cả ô nhiễm bất tịnh, đã chứng đạt nhiều Đức tính vô lậu. Con xin đảnh lễ Chư Tăng ấy.
Ngữ vựng: Visuddha: thanh tịnh trong sạch Dakkhineyya: đáng thọ trí Santi: tịch tịnh, an tịnh Indriya: căn (lục căn ) Sabba: tất cả Mala: ô nhiễm Pahīna: trừ diệt Guṇa: ân Đức, Đức tính Neka: nhiều Samiddhi: thành Patta (pāpuṇāti): đạt Āsava: lậu hoặc An-Āsava: vô lậu
LỄ BÁI TĂNG BẢO Chư Thánh Tăng đã được trong sạch quí báu là bậc đáng cho người dâng lễ cúng dường, vì lục căn của các Ngài đã thanh tịnh, lòng tham muốn đã dứt trừ, là Tăng đã thoát ly trần tục, con xin hết lòng thành kính mà làm lễ Chư Thánh Tăng ấy. (lạy) **** Tăng là bậc từ hòa, nghiêm tịnh Dứt trần lao, Đạo quả viên thành Lục căn vắng lặng vô sanh Ứng Cúng Cao Thượng: nhân lành thế gian. (lạy)
LỄ TAM THẾ TĂNG Ye ca Saṅghā atītā ca Ye ca Saṅghā anāgatā Paccuppannā ca ye Saṅghā Ahaṃ vandāmi sabbadā. Dịch nghĩa: Tăng già nào (có mặt) trong quá khứ, Tăng già nào (có mặt) trong vị lai, Tăng già nào (có mặt) trong hiện tại, Con thường xin đảnh lễ ba đời Tăng bảo.
Chư Tăng đã đắc Đạo cùng Quả trong kiếp quá khứ. Chư Tăng sẽ đắc Đạo cùng Quả trong kiếp vị lai. Chư Tăng đang đắc Đạo cùng Quả trong kiếp hiện tại này, con đem hết lòng thành kính mà làm lễ Chư Thánh Tăng trong tam thế ấy. (lạy) **** Từ quá khứ vô vàn Tăng Chúng Ở đương lai vô lượng Thánh, Hiền Ơn sâu Tăng Bảo hiện tiền Con xin kính lễ, gieo duyên Niết-Bàn.
SAṄGHA GUṆA Su-paṭipanno Bhagavato Sāvakasaṅgho. Uju-paṭipanno Bhagavato Sāvakasaṅgho. Ñāya-paṭipanno Bhagavato Sāvakasaṅgho. Sāmīci-paṭipanno Bhagavato Sāvakasaṅgho. Yad’idaṃ cattāri purisa-yugāni, aṭṭha purisa-puggalā. Esa Bhagavato Sāvakasaṅgho: Āhuṇeyyo, Pāhuṇeyyo, Dakkhiṇeyyo, Añjali-karaṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassā’ti.
Dịch nghĩa: Chư Thanh văn đệ tử của Đức Thế Tôn là bậc thiện hạnh. Chư Thanh văn đệ tử của Đức Thế Tôn là bậc trực hạnh. Chư Thanh văn đệ tử của Đức Thế Tôn là bậc ứng lý hạnh. Chư Thanh văn đệ tử của Đức Thế Tôn là bậc hoà kính hạnh. Nghĩa là 4 đôi:Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, tức 8 chúng: Tu-đà-hoàn đạo, Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm đạo, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm đạo, A-na-hàm quả, A-la-hán đạo, A-la-hán quả. Chư Thanh văn đó là bậc đáng kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng chấp tay lễ bái, bậc vô thượng phước điền của thế gian.
Ngữ vựng: Su: thiện, tốt, diệu Paṭipanna: hành theo, sống theo, hạnh Sāvaka: Thanh văn Uju: ngay thẳng, chính trực Ñāya: ứng lý, như lý, chánh lý Sāmīci: như pháp, hoà kính Yad’idaṃ: nghĩa là Cattāri: 4 Yuga: đôi Puggala: chiếc,cá nhân Esa (eta): đó, ấy Āhuṇeyya: đáng kính trọng Pāhuṇeyya: đáng tôn kính Dakkhiṇeyya: đáng cúng dường Añjali-karaṇīya: đáng lễ bái, đáng chấp tay Anuttara: vô thượng Puñña: phước ÂN ĐỨC TĂNG BẢO 1- Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho: Tăng là các bậc Thanh Văn đệ tử Phật, các Ngài đã tu hành chín chắn y theo Chánh Pháp. 2- Ujupaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho: Tăng là các bậc Thanh Văn đệ tử Phật, các Ngài đã tu hành chính chắn y theo Thánh Pháp. 3- Ñāyapaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho: Tăng là các bậc Thanh Văn đệ tử Phật, các Ngài tu hành để Giác Ngộ Niết-Bàn, là nơi an lạc dứt khỏi các sự thống khổ. 4- Sāmīcipaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho: Tăng là các bậc Thanh Văn đệ tử Phật, các Ngài đã tu theo phép Giới Định Tuệ. 5- Yadidaṃ cattāri purisayugāni: Tăng nếu đếm đôi thì có bốn bậc: - Tăng đã đắc Đạo cùng Quả Tu-Đà-Hườn. - Tăng đã đắc Đạo cùng Quả Tư Đà Hàm. - Tăng đã đắc Đạo cùng Quả A Na Hàm. - Tăng đã đắc Đạo cùng Quả A La Hán. 6- Aṭṭha purisapuggalā: Tăng nếu đếm chiếc thì có tám bậc: - Tăng đã đắc Đạo Tu-Đà-Hườn. - Tăng đã đắc Quả Tu-Đà-Hườn. - Tăng đã đắc Đạo Tư Đà Hàm. - Tăng đã đắc Quả Tư Đà Hàm. - Tăng đã đắc Đạo A Na Hàm. - Tăng đã đắc Quả A Na Hàm. - Tăng đã đắc Đạo A La Hán. - Tăng đã đắc Quả A La Hán. 7- Esa Bhagavato sāvakasaṅgho: Chư Tăng ấy là các Bậc Thinh Văn đệ tử Phật. 8- Āhuneyyo: Các Ngài đáng thọ lãnh bốn món vật dụng của tín thí, ở phương xa đem đến dâng cúng cho những người có giới hạnh. 9- Pāhuneyyo: Các Ngài đáng thọ lãnh của tín thí, mà họ dành để cho thân quyến cùng bầu bạn ở các nơi, nhưng họ lại đem đến dâng cúng cho các Ngài. 10- Dakkhiṇeyyo: Các Ngài đáng thọ lãnh của Tín thí, tin lý nhân quả đem đến dâng cúng. 11- Añjalikaraṇīyo: Các Ngài đáng cho chúng sanh lễ bái. 12- Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa: Các Ngài là phước điền của chúng sanh không đâu bì kịp. (lạy) **** Bậc Diệu Hạnh: Thinh Văn Đệ Tử Bậc Chánh Chơn: Pháp Lữ Tăng-Già Bậc Mô Phạm cõi ta-bà Thân tâm Trực Hạnh lìa xa luân hồi. Thánh Đạo, Quả: bốn đôi, tám chúng Đệ tử Phật, Ứng Cúng tôn nghiêm Cung nghinh, kính lễ một niềm Ân Đức cao cả, phước điền dày sâu. SAṄGHA-ATTAPATIÑÑĀ N’atthi me saraṇaṃ aññaṃ Saṅgho me saraṇaṃ varaṃ Etena sacca-vajjena Hotu me jaya-maṅgalaṃ. Dịch nghĩa: Không có sự nương tựa nào khác cho con, Tăng Bảo là nơi nương tựa quý báu; Do lời chân thật này, Mong rằng con có được hạnh phúc thù thắng.
LỜI BỐ CÁO QUY Y TĂNG BẢO Chẳng có chi đáng cho con phải nương theo, chỉ có Đức Tăng là quí báu, nên con phải hết lòng thành kính mà nương theo, đặng cầu sự an lạc đến cho con, y như lời chơn thật này. (lạy) **** Chẳng có nơi nương nhờ cao trọng Bằng Tăng-già vô thượng chí tôn Chúng con quy ngưỡng một lòng Y lời chân thật, cầu mong an lành.
SAṄGHAKHAMĀPANA Uttam’aṅgena vande’haṃ Saṅghañ ca duvidh’ottamaṃ, Saṅghe yo khalito doso Saṅgho khamatu taṃ mamaṃ. Dịch nghĩa: Con xin cúi đầu đảnh lễ hai bậc Tăng cao quý (phàm tăng và thánh tăng). Tội lỗi nào mà con đã mạo phạm đến Tăng bảo, cúi xin Tăng bảo tha thứ cho con.
Ngữ vựng: Duvidh’ottamaṃ: du+vidha+uttamaṃ: hai bậc cao quý.
SÁM HỐI TĂNG BẢO Con đem hết lòng thành kính, cúi đầu làm lễ hai bậc Tăng Bảo là Phàm Tăng và Thánh Tăng, các tội lỗi mà con đã vô ý phạm đến Tăng Bảo, cúi xin Tăng Bảo xá tội lỗi ấy cho con. (lạy) **** Gieo năm vóc vi trần đảnh lễ Những lỗi lầm ngã mạn, kiêu căng Cúi xin chư Thánh, Phàm Tăng Cho con sám tội, ăn năn từ rày. (lạy) |