Trung Tâm Hộ Tông Trang Chủ
Tìm Hiểu Phước Bố Thí Soạn giả:
Tỳ Khưu Hộ Pháp |
Mục Lục
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy.
(Bộ Saṃyuttanikāya - Sāgathavagga, kinh Kiṃ Dadasutta.) Ðức Phật trả lời câu hỏi của chư thiên trong bài kinh Kiṃ Dadasutta, như sau__
TÌM HIỂU PHƯỚC BỐ THÍ Soạn giả: Tỳ khưu Hộ Pháp Ðức Phật thí dụ về phước bố thí: Một căn nhà bị cháy, chủ nhân đem ra được khỏi nhà đồ vật nào, đồ vật ấy hữu dụng đối với chủ nhân; những đồ vật còn lại trong nhà bị thiêu hủy, chẳng ích lợi gì cho chủ nhân cả. Cũng như vậy, sắc thân này cũng ví như một căn nhà luôn luôn bị thiêu hủy do bởi 11 thứ lửa (tham, sân, si, sanh, già, chết, sầu não, than khóc, khổ thân, khổ tâm, thống khổ)không ngừng nghỉ, bậc Thiện trí biết vậy, nên sử dụng của cải nào đem ra bố thí, của cải ấy là nhân tạo nên phước thiện, thuộc của riêng mình, hỗ trợ cho thí chủ được sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. Nếu phước thiện bố thí ấy trở thành pháp hạnh bố thí ba la mật, thì hỗ trợ cho các ba la mật khác được thành tựu, để dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo – Thánh Quả và cuối cùng đạt đến cứu cánh Niết Bàn, giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, nhờ pháp hạnh bố thí ba la mật làm nền tảng. Thật ra, tất cả của cải trong thế gian này đều là của chung, song người nào có phước, thì người ấy được thừa hưởng một phần của cải ấy; đó là thừa hưởng quả của phước thiện mà chính mình đã tạo trong kiếp hiện tại và những kiếp quá khứ; thời gian được thừa hưởng lâu hay mau hoàn toàn tùy thuộc vào nhân phước thiện. Bậc Thiện trí hiểu biết rõ, của cải mà mình đang thừa hưởng có tính chất tạm thời, không bền vững, nếu sử dụng cho mình thì hết, để lâu ngày thì bị hư. Cho nên, bậc Thiện trí sử dụng của cải ấy đem bố thí để tạo nên phước thiện là thứ báu vật của riêng mình, không một ai có thể chiếm đoạt được, có tính chất bền vững lâu dài, theo mình như bóng theo hình, mọi nơi, mọi kiếp cho quả báu an lạc. Tạo phước thiện bố thí được thuận lợi chỉ có con người ở cõi Nam thiện bộ châu (trái đất) này; còn con người ở 3 châu khác (Đông thắng thần châu, Tây ngưu hóa châu, Bắc câu lưu châu), hoặc các hạng chư thiên ở cõi trời dục giới, chư phạm thiên ở cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới đang hưởng quả an lạc của thiện nghiệp do mình đã tạo, nên không có cơ hội tạo phước thiện bố thí; và các chúng sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) đang chịu khổ cực của ác nghiệp do mình đã tạo, lại càng không có cơ hội tạo phước thiện bố thí. Con người chúng ta có nhiều cơ hội tạo mọi phước thiện nhất là phước bố thí, không những đem lại sự lợi ích cho mình, mà còn hồi hướng đến cho thân bằng quyến thuộc: ông bà, cha mẹ, thầy tổ, bà con, bạn bè... cùng các chúng sinh đang sống trong cảnh khổ, họ đang mong đợi, trông chờ phần phước thiện mà bà con mình hồi hướng. Khi họ hoan hỉ phần phước thiện ấy, ngay tức khắc, giải thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh cảnh thiện giới: cõi người, cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc. Như vậy, con người chúng ta chớ nên bỏ lỡ cơ hội làm phước bố thí, bởi vì phước bố thí mà thí chủ đã tạo xong rồi, sẽ cho quả an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai, dầu tái sanh kiếp nào, là người hoặc chư thiên cũng hưởng được quả báu của phước bố thí ấy, được an lạc lâu dài. Thậm chí, dầu tái sanh làm loài súc sanh, thì loài súc sanh ấy cũng hưởng được quả báu ấy, kiếp súc sanh được an lạc hơn hẳn các loài súc sanh khác. Như chúng ta thường thấy có những con chó, con mèo, con ngựa, con voi... chúng được săn sóc chu đáo, có đầy đủ vật thực ngon lành, còn được trang sức đẹp đẽ nữa. Ðó là do quả báu của phước bố thí ở tiền kiếp mà chúng đã tạo. Con người chúng ta không nên dể duôi, nếu có cơ hội làm phước bố thí, thì đừng bỏ lỡ cơ hội tốt ấy. Nên hiểu biết rõ rằng không phải bố thí lúc nào cũng được phước thiện cả đâu! Nếu không hiểu biết cách bố thí, thì không được phước. Cũng như người nông dân không hiểu biết về cách trồng trọt, gieo giống, mùa màng, thời tiết... gieo hạt giống trên đất khô, cằn cỗi, hạt giống không sao nảy mầm được, còn làm cho hạt giống bị hư, cây không mọc, thì mong gì có hoa và quả! Vì vậy, thí chủ cần phải học cách bố thí thế nào để cho phát sanh phước thiện. Khi có được phước thiện, biết sử dụng để đem lại sự lợi ích cho mình và cho người khác, chúng sinh khác. Tập sách nhỏ này giúp cho quý độc giả, chư vị thí chủ tìm hiểu về sự bố thí để phát sanh mọi phước thiện nhiều hoặc ít, bậc cao hoặc bậc thấp v.v.... Tập sách "Tìm Hiểu Phước Bố Thí" này, bần sư đã sưu tầm các tài liệu, trích dịch từ trong Tam tạng, Chú giải để giúp cho quý độc giả tìm hiểu về bố thí để tạo nên phước thiện. Nhờ sự đóng góp của các đệ tử Vĩnh Cường đánh máy bản thảo, Rakkhitasìla antevàsika trình bày dàn trang và chư thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, nên làm phước bố thí tịnh tài để lo việc ấn hành tập sách này; nhất là gia đình Trần Văn Cảnh – Trần Kim Duyên, gia đình cô Dhammanandā,.... Bần sư rất hoan hỉ sự đóng góp công và tịnh tài của quý vị để cho tập sách này được ra đời. Bần sư cầu nguyện ân đức Tam bảo cùng phước thiện pháp thí thanh cao này, hộ trì cho quý vị và toàn thể thân bằng quyến thuộc của quý vị được giàu sang phú quý, thân tâm thường an lạc, tiến hóa trong mọi thiện pháp để tạo duyên lành trên con đường giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài; đồng thời hồi hướng đến những người ân nhân đã quá vãng, cầu mong cho họ hoan hỉ pháp thí này, để được giải thoát mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài. Xin hồi hướng phần phước pháp thí này đến tất cả chúng sinh, mong cho tất cả chúng sinh hoan hỉ phần phước thiện này để được giải thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài. Bần sư đã cố gắng hết sức mình để biên soạn tập sách này, song với khả năng có hạn, nên khó tránh khỏi những sai sót, kính mong chư bậc Thiện trí từ bi chỉ giáo, bần sư kính cẩn chấp nhận những lời phê bình xây dựng và xin chân thành tri ân sâu xa quý Ngài. Tỳ khưu Hộ Pháp |
[Ðầu trang][Trở về trang Thư Viện]
updated: 2008