[Thư số 11]
Ngày ........ tháng ........ năm ........
Con thương mến,
Thầy đã nhận được thư con và vui mừng thấy con đã trưởng
thành trong tinh thần Huyền Không mà Thầy muốn trao cho con làm hành
trang đi vào muôn hướng của cuộc đời.
Nói là hành trang, là tinh thần Huyền Không, thật ra thì
không có phương châm nào buộc con phải theo mà chính là lòng con cởi
mở để có thể theo bất cứ phương châm nào thích ứng với lẽ đời chân
thật. Chân lý là sự sống của vạn pháp và của thân tâm ta. Tất cả đều
trôi chảy, chẳng có gì ngưng đọng để ta phải bám víu, ngập ngừng. Nó
như một dòng sông mà ta phải hòa mình vào để lắng nghe từ bên trong
nhịp sống trôi chảy vô cùng.
Con thương mến,
Thầy chưa được nghe bản “Đóa hoa vô thường” của Trịnh Công
Sơn, để Thầy hỏi lại các anh chị con xem. Thôi bây giờ con tạm đọc
đóa hoa vô thường của Thầy vậy.
Hôm đó Thầy lại lên sơn thượng. Con đường dốc chênh vênh,
băng qua dòng suối nhỏ, dẫn vào Không động, đã từ lâu ít người qua
lại nên rêu cỏ phủ đầy. Sớm mai nắng chưa lên khỏi núi, sương còn
đọng trên cành, Thầy cũng không có việc gì vội vã, nên dừng lại nghỉ
chân dưới cội tùng già bên bờ suối vắng. Suối vẫn chảy róc rách, cây
chuyển nhựa thì thầm như nhịp thở ngàn đời của sự sống. Thầy cũng
thở mà tưởng chừng chỉ nghe tiếng lá tùng reo!
Yên lặng thay là nhịp sống, dạt dào vô tận!
Thầy đứng dậy, tiếp tục leo lên dốc núi và chợt thấy bên kia
cội tùng già một đóa hoa vàng mới nở!
Vi diệu thay là nhịp sống, dạt dào vô tận!
Lúc đó Thầy không thể làm thơ, cũng không thể vẽ, mà chỉ đứng
lặng nhìn. Mãi đến bây giờ khi viết cho con Thầy mới tạm ghi lại
những cảm xúc đó với ít nét đơn sơ:
Dốc
mòn lên sơn thượng
Một buổi sáng còn
sương
Bên cội tùng trăm
trượng
Đóa hoa nở lạ
thường.
Con ạ, một đóa hoa tất nhiên phải lạ thường, vì có bao giờ
hoa không mới mẻ lạ thường, phải không con? Nhưng con đừng tưởng nó
kỳ diệu khác thường đâu nhé, nó vẫn chỉ là đóa hoa dại mỏng manh,
nhỏ bé, bình thường. Có thể là nó quá nhỏ so với cội tùng cao lớn và
rất vàng so với đám cỏ thật xanh, nhưng nó cũng là “đóa hoa vô
thường” nếu con muốn gọi, hay tốt hơn con hãy để yên cho nó tự vô
thường.
Con ạ, lúc này Thầy ít làm thơ hơn là vẽ, thỉnh thoảng Thầy
vẽ một vài bức tranh thật nhỏ bé. Một cọng cỏ, một chiếc thuyền, một
cánh chim, một phiến đá, một mảnh trăng, một đám mây, một mái nhà cỏ
rạ v.v... đều có thể là bức tranh của Thầy không có gì phải cố gắng,
cái gì cũng chỉ là những nét phất phơ dung dị, điểm xuyết cho cái
không vô tận của bức tranh, của tâm hồn, của sự sống.
Thầy không biết vẽ bằng bàn tay thành thạo như các họa sĩ nên
Thầy vẽ bằng hồn. Tay của Thầy không có sẵn một kỹ thuật điêu
luyện nào, nhưng khi có hồn vào thì nó vung lên bất chấp tất cả, chỉ
còn vẽ, vẽ và vẽ mà thôi. Cũng có khi tay nó không chịu hợp tác, lúc
ấy Thầy đành để tâm hồn tự vẽ lấy mình.
Rất tiếc Thầy chưa thể gửi tranh cho con. Sau này Thầy sẽ tìm
cách gửi đi cho các Phật tử Huyền Không hải ngoại. Lúc bà Huyền Vi,
mẹ Huyền Chi đi, Thầy có gửi bà ba bức tặng Huyền Chi. Con liên lạc
Huyền Chi xin bản photo có được không ? Có khi bản photo đẹp hơn bản
chính đấy.
Thầy vừa đi Huyền Không về, ngoài đó các sư thúc con làm việc
siêng năng để tự túc sinh sống. Vất vả thế mà vui. Có lẽ đời sống
cần phải ướp chút mưa, sương, nắng, bụi v.v... để làm phong phú thêm
chất thơ và đạo, phải thế không con ?
Có những người không bao giờ làm thơ và không bao giờ biết
họa nhưng đời sống của họ đích thị là bài thơ muôn vần muôn điệu, là
bức họa muôn hình muôn sắc. Những người đó không là thi sĩ nhưng
chính là thi nhân lấy cuộc đời viết nên cung điệu.
Con là thi nhân vì con đang sống. Sống hồn nhiên, cởi mở, bao
dung, trong sáng... Sống hòa với cuộc sống thăng trầm, vui khổ,
tiếng khóc tiếng cười, đó là Huyền Không, bài thơ bất tuyệt Thầy
tặng cho con trên vạn nẻo đời.
Thân
ái chào con.
Thầy.
|
[Thư số 12]
Ngày ........ tháng ........ năm ........
Con thương mến,
Những ngày lưu lại Đà Nẵng Thầy thấy con siêng năng đi chùa,
học hỏi giáo lý và tinh tấn tu tập Thầy rất hoan hỷ. Giữa xã hội
loài người hiếm thay là người theo đạo, giữa những người theo đạo,
hiếm thay là người theo đạo chánh, giữa những người theo đạo chánh
hiếm thay là người hiểu đạo lý, giữa những người hiểu đạo lý hiếm
thay là người thực hành và giữa những người thực hành hiếm thay là
người thành tựu.
Người Phật tử thường hãnh diện mình theo chánh đạo, nhưng
thật ra ít người xứng đáng với chánh đạo của họ. Xứng đáng là khi
nào họ sống trong đạo lý, hay nói theo Kinh Phật là sống tùy thuận
Pháp (Dhammànudhammà patipanno viharati). Trong Kinh Anguttara
Nikàya Đức Phật dạy rằng: Dù một người suốt ngày học thuộc lòng Tam
Tạng, giảng nói Tam Tạng hay suy tầm nghĩa lý Tam Tạng thì vẫn không
phải sống theo pháp, nếu người ấy không tự mình sống an tịnh, không
tự ổn định nội tâm, không biết rõ mục đích tối thượng với trí tuệ.
Con đã siêng năng học đạo, tinh tấn tu hành thì phải học và
hành sao cho chín chắn, Thầy sẵn sàng giúp con khi con cần đến.
Con hỏi Thầy ý nghĩa hai chữ Huyền Không, nhưng không dễ gì
nói hết vô lượng nghĩa của chữ này. Thầy chỉ gợi ý cho con một vài
nét để con dễ lãnh hội nhất, và dễ thể hiện nhất, rồi từ đó con tự
mở ra vô lượng nghĩa khác.
Huyền là hòa đồng. Thế nào là hòa đồng? Là trọn vẹn với chính
mình, với sự sống, với công việc, với tất cả các pháp. Khi con đi
trọn vẹn với đi là Huyền, khi con ăn trọn vẹn với ăn là Huyền, khi
con ngủ trọn vẹn với ngủ là Huyền, khi con nói năng, hành động, suy
nghĩ đều trọn vẹn với mình là Huyền. Nói cho kêu là thể nhập vạn
pháp.
Con có khi nào nhìn một đám mây trôi qua bầu trời, một đóa
hoa nở cuối vườn hay một cơn mưa mùa hạ một cách trọn vẹn không? đó
là Huyền.
Con có khi nào thể nghiệm các pháp đến và đi trong hoặc ngoài
con như dòng sông trôi chảy một cách trọn vẹn không? đó là Huyền.
Con có khi nào làm mọi việc dù nhỏ dù lớn, dù dễ dù khó tùy
nhân duyên việc ấy đến với con một cách trọn vẹn không? đó là Huyền.
Con có khi nào từ bỏ hay chấp nhận điều gì đó một cách trọn
vẹn không? đó là Huyền.
Vân vân và vân vân...
Nhưng thế nào là trọn vẹn? Bí quyết ấy Thầy dành cho con khám
phá một mình.
Còn Không là gì? Là đạm nhiên, trong sáng, là rỗng rang thanh
tịnh, là an ổn giải thoát, không nắm bắt cũng không từ bỏ một điều
gì cả.
Sống hay chết đối với con không có vấn đề gì, đó là
Không.
Được hay mất đối với con không có vấn đề gì, đó là
Không.
Thành hay bại đối với con không có vấn đề gì, đó là
Không.
Hơn hay thua đối với con không có vấn đề gì, đó là
Không.
Sinh hay diệt đối với con không có vấn đề gì, đó là
Không.
Có hay không đối với con không có vấn đề gì, đó là
Không.
Thiện hay ác đối với con không có vấn đề gì, đó là
Không.
Tịnh hay động đối với con không có vấn đề gì, đó là
Không.
Niết-bàn hay sinh tử đối với con không có vấn đề gì, đó là
Không.
Vân vân và vân vân ...
Tóm lại Huyền Không là hòa đồng với tất cả mà không có vấn đề
gì cả và không có vấn đề gì mà vẫn hòa đồng với tất cả.
Tuy nói vậy nhưng khi con đã lãnh hội và sống được tinh thần
Huyền Không thì con muốn nói sao cũng được, cái gì lại chẳng Huyền,
cái gì lại chẳng Không, Huyền Không vô lượng nghĩa mà.
Và tuy nói vô lượng nghĩa con đừng cố tìm vô lượng định nghĩa
bằng danh bằng cú. Vô lượng là ý Thầy nói có bao nhiêu pháp là có
bây nhiêu nghĩa Huyền Không vậy thôi.
T
Ngày nọ Thần Chết gặp một gã tiều phu. Thần bảo:
-
Thôi đừng đốn củi làm gì
nữa anh sẽ phải chết ngay bây giờ.
Gã tiều phu nhún vai nói:
-
Thì chết!
Rồi gã tiếp tục đốn củi. Thần chết lại bảo:
-
Bây giờ ta đổi ý bắt anh
phải sống đốn củi với số kiếp bằng lá cây trong rừng này.
Gã tiều phu lại nhún vai:
-
Thì sống!
Thầy gọi tên gã là Huyền Không.
T
Một hôm Thầy ra sau vườn, thấy chú tiểu đang bỏ
cuốc ngồi nghỉ, tay còn lấm đất bưng một bát trà. Thầy hỏi:
-
Con làm gì đó?
Chú tiểu nuốt ngụm trà đang uống dở và thưa:
-
Dạ, con uống trà.
Thầy gọi tên tiểu là Huyền Không.
T
Trời đã trưa, nắng gắt, Thầy đi bộ đã hơn 10 cây số vẫn chưa
về tới chùa, còn 3 cây số nữa, sợ trễ ngọ Thầy gọi một chiếc xích lô
Bác xích lô hỏi:
-
Thầy đi đâu?
-
Bác cho về chùa Huyền
Không.
-
Mời lên xe.
Thầy lên xe. Bác đạp thật nhanh mồ hôi nhễ nhại. Về đến chùa
vừa kịp ngọ Thầy mừng rỡ cám ơn:
-
Bác cho trả bao nhiêu?
Bác xích lô vừa lau mồ hôi vừa nói:
-
Bao nhiêu cũng được.
Thầy gọi tên bác là Huyền Không.
Bây giờ ngồi kể mãi với con như vậy biết bao giờ cho hết
những tên gọi Huyền Không.
À, mà con chưa đọc bài thơ “Gọi tên Huyền Không” của Thầy
sao? Thầy chép lại cho con đọc nhé:
GỌI
TÊN HUYỀN KHÔNG
1. Huyền Không Huyền Không
Gọi tên lần đầu
Chùa tranh nho nhỏ Đồi mây cỏ hoang
2. Huyền Không Huyền Không
Giọt máu tim ta
Yêu từng hơi thở
Ngày qua ngày qua.
3. Huyền Không Huyền Không
Dòng suối trong xanh
Chờ trăng qua ngõ
Giọt nắng long lanh
4. Huyền Không Huyền Không
Trời nước mênh mông
Yêu đàn chim nhỏ
Ngủ yên ngủ yên
5. Huyền Không Huyền Không
Mẹ ru lời kinh
Con ơi hãy ngủ
Sá gì tử sinh
|
6. Huyền Không Huyền Không
Xin chào vô cùng
Thuyền ta bỏ bến
Đi vào vô biên
7. Huyền Không Huyền Không
Xin gọi tên người
Cỏ, cây, rêu, đá
Muôn loài vô danh
8. Huyền Không Huyền Không
Đừng nhớ tên nhau
Cho tình yêu mãi
Ngàn sau ngàn sau
9. Huyền Không Huyền Không
Gọi lần cuối cùng
Vang từ vô thỉ
Vọng đến vô chung.
|
Thân ái chào
con. Thầy.
|
[Thư số 13]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
Con
thương mến,
Thư con viết
khá rành mạch chứng tỏ con có tiến bộ nhiều. Diễn tả rành mạch nội
tâm mình là kết quả của chánh niệm tỉnh giác. Một người thiếu sáng
suốt, thiếu tỉnh thức và tự tri không làm được điều đó.
Những điều con giải bày chứng tỏ con đã bắt đầu lãnh hội và
thể nghiệm được những gì Thầy đã hướng dẫn, Thầy mừng cho con.
Trong thư con có bốn điểm Thầy còn phải giải thích thêm:
1) Khi tâm trí con không bị chi phối bởi những dao động của
tình và lý như vui, buồn, mừng, giận, thương, ghét hay kiến chấp,
vọng tưởng, ý hệ v.v... thì đó không phải là trạng thái vô cảm giác.
Nó không phải là trạng thái ngưng đọng hoặc thụ động như cơn nhập
định, xuất thần, giấc ngủ hay trạng thái bị thôi miên. Trái lại lúc
ấy là lúc tâm trí bén nhạy nhất mà người ta có thể gọi nó là trực
giác, bát-nhã (pannà) hay trí tuệ quán chiếu (vipassanà-nàna). Vì
tâm lúc ấy có đủ ba yếu tố: sáng suốt (tuệ), an tĩnh (định) và trong
lành (giới). Nếu để ý kỹ hơn con sẽ thấy tâm ấy còn có những trạng
thái phụ thuộc như linh động, thích ứng, ngay thực, tế nhị, nhẹ
nhàng, thoải mái v.v... chắc chắn đó không phải là bệnh tâm lý như
con nghĩ đâu. Trái lại, đó là liều thuốc tối thượng của tâm hồn, như
Hoàng Đế Nội Kinh (một cuốn sách Đông y được liệt vào hàng Kinh) đã
nói:
Điềm đạm hư vô chân khí tùng chi
Tinh thần nội thủ bệnh an tùng lai
Nghĩa là khi tâm hồn sáng suốt, định tĩnh và trong lành là
khi bệnh tật chóng tiêu tan và chân khí chóng hồi phục nhất.
Về phương diện sám hối cũng vậy. Khi tâm trí vọng động là tội
lỗi phát sinh. Khi tâm trí an tịnh là tội lỗi tiêu tan (tội từ tâm
khởi đem tâm sám, tâm được tịnh rồi tội liền tiêu) cho nên chỉ cần
thấu hiểu được tâm tính mình để tự ổn định là có ngay một tâm hồn
lành mạnh trong sáng.
Tóm lại, sáng suốt, định tĩnh, trong lành là yếu tố chữa bệnh
tâm thần chứ không phải là bệnh tâm thần như con nói.
2) Khi chờ đợi con thường tưởng tượng ra một cái gì tốt đẹp
để khỏi sốt ruột và căng thẳng, như vậy cũng tạm được nhưng quả
không phải là thượng sách. Vì nó chỉ tạm giải quyết vấn đề chứ không
giải quyết đến tận gốc. Cũng như khi bệnh con có quyền uống thuốc để
cho qua cơn bệnh, nhưng nếu bản thân con vẫn là nguyên nhân gây ra
các thứ bệnh thì con phải cứ uống thuốc hoài. Người chữa bệnh thực
sự phải tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện, bệnh trạng, kết quả v.v...
bệnh của mình và giải quyết ngay từ bản thân thì không những có thể
tự chữa được bệnh mà còn ngăn ngừa được bệnh nữa. Y học dạy ta phòng
bệnh hơn chữa bệnh mà muốn phòng bệnh ta phải hiểu biết bệnh ấy là
gì đã chứ, phải không con?
Sốt ruột, căng thẳng, bực mình không phải phát sinh ở sự chờ
đợi, chờ đợi chỉ là điều kiện (duyên) kích thích cho sốt ruột, bực
mình phát sinh. Vậy quan sát kỹ con sẽ thấy chính sốt ruột, căng
thẳng, bực mình là bệnh trạng phát xuất từ nguyên nhân nội tâm thiếu
ổn định, thiếu tu tập, một nội tâm hoang dã. Con phải tự khám phá sự
bực mình từ nguồn gốc của nó để thấy rõ nguyên nhân, và giải quyết
nó từ đấy. Chánh niệm tỉnh giác giúp con làm việc đó một cách dễ
dàng. Khi cơn bực mình phát sinh trước hết con hãy giảm trừ những
điều phụ thuộc để đối diện ngay với yếu tố chính. Sự chờ đợi là phụ
thuộc vì nó chỉ là điều kiện (duyên), đau khổ là phụ thuộc vì nó là
kết quả thụ động, chính sự bực mình (bệnh trạng) mới phát xuất trực
tiếp từ nguồn gốc (nguyên nhân) của nó là nội tâm. Với chánh niệm,
tỉnh giác rất tự nhiên con soi chiếu vào trạng thái bực mình ấy và
theo dõi cho đến khi nó diệt, nghĩa là nó trở về nguồn gốc chưa sinh
của nó. Ở đó con tìm lại được sự quân bình hay ổn định của nội tâm.
Trong Phật giáo người ta gọi hành trình này là Tứ Diệu Đế:
thấy khổ, thấy nguyên nhân phát sinh ra khổ, thấy khổ đi đến hoại
diệt và thấy yếu tố nào đưa khổ đi đến hoại diệt (khổ, tập, diệt,
đạo).
Trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử gọi đó là tiến trình “quy căn
viết tịnh, tịnh viết phục mạng, phục mạng viết thường, tri thường
viết minh” (trở về gốc của tâm gọi là tịnh, tịnh gọi là phục mạng,
phục mạng là thường, biết được tâm thường ấy gọi là minh).
Thấy bực mình, thấy bực mình trở về gốc, hay diệt, tức là
chữa được nó tận gốc.Như vậy đòi hỏi con phải đối diện với sự thật,
không trốn chạy, không giải quyết tạm thời.
3) Vấn đề thiền tuệ và thiền định Thầy có giảng giải trong
nhiều thư chắc con cũng có đọc rồi. Rất nhiều người lầm lẫn thiền
tuệ với thiền định. Sống thiền hay sống đạo theo thiền tông hoàn
toàn khác với nhập định. Định là tập trung tư tưởng vào một đối
tượng để đưa tâm vào một trạng thái an nghỉ (appanà) gọi là “ngoại
tức chỉ duyên, nội tâm tĩnh chỉ” (cắt đứt hoàn cảnh bên ngoài và bên
trong tâm ngưng lắng).
Thường người ta gọi chung thiền gồm cả định và tuệ, nhưng
thực ra Tuệ nghiêng về Quán còn định nghiêng về Chỉ. Trong Đạo Phật
cả Chỉ lẫn Quán đều được dùng. Nhưng phần đông nói tới tu thiền là
nói tới Chỉ (định) với những phương pháp tập trung tư tưởng làm cho
tâm tĩnh chỉ, có khi rơi vào trạng thái không còn hay biết gì nữa,
như vô tưởng định. Ngược lại, một số người khác đả kích thiền định,
chủ trương thiền là “kiến tánh thành Phật” mà thôi. Còn khi nói tới
Quán thì người ta lại hiểu theo nghĩa suy nghĩ về sự chết, về vô
thường, về sự khổ, về vô ngã, về bất tịnh v.v...
Thấy sự lệch lạc đó, nhiều thiền sư kêu gọi Phật tử trở lại
chỉ quán song tu, tức là tâm vừa sáng suốt vừa định tĩnh, trong đó
chỉ là định tĩnh bất loạn, và quán là sáng suốt thấy biết như thật.
Chỉ quán song tu cũng còn gọi là định tuệ song tu, theo nghĩa tâm
vừa có yếu tố định (an tĩnh) vừa có yếu tố tuệ (sáng suốt), chứ
không phải dành một thời gian để tu chỉ rồi một thời gian khác để tu
quán như người ta thường làm.
Vì tâm thường dao động, căng thẳng và tiêu mòn sinh lực nên
chúng ta cũng cần phải tu tập chỉ tịnh (định) để lấy lại thăng
bằng,phục hồi nguyên khí, nhưng khi người ta đã biết cách định tuệ
song tu thì hình như ít ai còn quan tâm đến thiền định nữa.Thực ra
chánh định vẫn được Đức Phật khuyến khích vì nó có những lợi ích
như:
-
Chế ngự tâm tán loạn -
Được định tĩnh nhất tâm
-
Được hiện tại lạc trú
-
Phát huy năng lực thắng trí
-
Làm nền tảng cho trí tuệ
Tiếc rằng thiền định rất khó tu, cần theo đúng phương pháp và
có thầy hướng dẫn, bằng không có khi không những không ổn định được
tâm ý mà còn bị tẩu hỏa nhập ma nữa. Vì vậy có nhiều vị Thiền sư cấm
hẳn đệ tử tu chỉ tịnh theo lối tọa thiền nhập định.
Một hôm, Chí Thành bạch với Lục Tổ Huệ Năng:
-
Thầy con hằng chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán tịnh,
ngồi mãi không nằm .
Tổ nói:
-
Trụ tâm quán
tịnh là bệnh, chớ chẳng phải thiền, ngồi mãi thì bó buộc thân thể,
không lợi ích chi, hãy nghe kệ:
Khi sống ngồi không nằm
Chết rồi nằm chẳng ngồi
Gốc thiệt đầu xương thối
Làm sao lập công tội !
Đoạn trên Tổ Huệ Năng chê ngồi trụ tâm là chưa phải đạo, Ngài
còn gọi đó là bệnh vì nó làm ngưng trụ tâm, mất linh động và hoạt
dụng của một tâm sáng suốt. Mặc dù định cũng có lợi ích nhưng
nghiêng về định quá tâm dễ sinh thụ động, hôn trầm. Người tu tập tọa
thiền thường rơi vào hai cực đoan nguy hiểm, một là không định được
nên phải gia công tinh tấn nhiều, đưa đến tâm dao động, căng thẳng,
mệt mỏi. Hai là đạt được định thì dính mắc vào trạng thái tĩnh chỉ,
ngưng trụ, đưa đến tâm thụ động, hôn trầm, trì trệ. Đó là chưa kể
những sai lầm khác rất dễ đưa đến điên loạn, mất quân bình nội tâm,
và dễ bực mình với đời sống hàng ngày, với hoàn cảnh chung quanh
nữa.
Thiền tuệ hay tuệ quán Vipassanà thực ra cũng chính là định
tuệ song tu. Vì mặc dù không chuyên về định, thiền tuệ vẫn dùng đến
yếu tố định, nhưng không tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy
nhất để đưa tới tĩnh chỉ (nhập định) mà là chú tâm, nghĩa là tâm
định tĩnh vừa đủ để không bị phân tâm khi quán chiếu thực tại. Trong
thiền tuệ, chánh niệm thuộc về định, còn tỉnh giác thuộc về tuệ. Cả
hai không thể tách rời nhau được.
4) Tin Thầy và lệ thuộc vào Thầy là hai điều khác biệt. Có
những người tin mù quáng, tôn sùng vị Thầy của mình triệt để và hoàn
toàn bị lệ thuộc vào Thầy, như vậy chỉ có một phần lợi ích rất nhỏ.
Đức Phật đã từng tuyên bố rằng Ngài là người chỉ đường còn mỗi người
phải tự thắp đuốc lên mà đi. Nếu con tin Thầy vì con thấy những gì
Thầy dạy là đúng và khi thực hành những lời dạy ấy có đem lại lợi
ích thiết thực thì không ai có thể tước đoạt niềm tin ấy của con.
Cho dù một mai Thầy không còn nữa con vẫn không mất niềm tin và
những gì con thực hành vẫn đem lại lợi ích cho con mãi mãi. Bổn phận
của vị Thầy là giữ vững niềm tin nơi người đệ tử, và đồng thời không
để người đệ tử lệ thuộc vào mình. Giữ vững niềm tin không có nghĩa
là bắt đệ tử tin nơi mình, nhưng phải hướng dẫn đúng đắn để người đệ
tử tin tưởng vào chính họ. Không để đệ tử lệ thuộc vào mình không có
nghĩa là từ bỏ họ, mà giúp họ có thể tự đứng vững một mình.
Đã hiểu được những điều Thầy dạy, đã thực hành có kết quả
những lời dạy ấy thì con còn sợ gì một mai không còn Thầy nữa. Con
cứ yên tâm, chưa bao giờ Thầy bỏ rơi một người đệ tử và chẳng bao
giờ Thầy bắt một người đệ tử lệ thuộc Thầy.
Thân ái chào
con. Thầy.
|
[Thư số 14]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
CK con,
Nhận được thư con một tuần lễ rồi mà bây giờ mới viết thư cho
con được. Thường thư xa Thầy phải trả lời sớm vì sợ thư đi lâu, mất
công trông đợi. Coi lại thư con đề ngày 11- 8 thì đúng y một tháng.
Lúc này Thầy đang nhập hạ, từ rằm tháng 6 đến rằm tháng 9 ta,
do đó Thầy ít đi Bửu Long hơn. Công việc của Thầy rất nhàn, thỉnh
thoảng mới họp Giáo Hội, làm ít công việc văn phòng, còn chỉ đọc
sách, trả lời thư, tiếp khách, ngồi uống trà với đệ tử, làm non bộ
và vẽ tranh.
Thầy có một ước mơ tương tự như con, ước có một mảnh vườn,
một trà thất, một hồ sen liễu rủ, một con đường lát đá dẫn vào trà
thất, chung quanh trà thất Thầy dựng giả sơn và trồng ít khóm cây
kiểng cho tăng phần u nhã, bên kia hồ sen sau màn liễu rủ là một gác
chuông nho nhỏ dựng trên một gò đất có cỏ mướt xanh...
Thế rồi chiều chiều khi các con đi làm về, ghé lại trà thất
“nói một vài chuyện cát đá, pha trà, uống một chung nhỏ, ngậm một
viên kẹo và tưởng như cả tam thiên thế giới đều bình an như mình”
(đoạn này Thầy trích đúng nguyên văn thư con đó nghe!). Thầy thích
cái không khí bình lặng và thân tình ấy, vì Thầy đã chán ngán tổ
chức, tu viện, học viện, tùng lâm và ngay cả thiền viện nữa.
Con ạ, bây giờ thiền của Thầy thật là giản dị. Chỉ cần Thầy
trồng thêm ít luống rau, vài cây ăn trái sau trà thất, để rồi sáng
ra tưới bón một mình, hoặc cùng vài ba bạn đạo, giới tử gì đó, và
rồi khi rau đã tốt, các con đến vào một ngày nghỉ, hái rau, lặt lá,
đem ra hồ rửa và làm một bữa cơm rau thật ngon lành. Thầy nói: “Ý,
đứa nào nêm canh mà mặn thế này, ra vườn hái cho Thầy một trái chanh
coi!”. Thế là cả đám Thầy trò đều cười ồ lên thoải mái. Đó, bức
tranh thiền của Thầy là vậy đó.
Thầy đã từng xây dựng và sinh hoạt trong những viện Phật học,
tu viện, tòng lâm, và cả thiền viện nữa, nhưng cho đến bây giờ thì
Thầy chỉ ngồi xem non bộ, uống trà và viết thư cho các đệ tử ở xa.
Không biết những việc làm như vậy có gọi là thiền được không con nhỉ
? Hình như người ta có thói quen chỉ xem những gì khuôn phép, qui
tắc, bài bản, giờ giấc...mới gọi là thiền, còn Thầy thì chỉ sống và
chiêm nghiệm đời sống từng giây từng phút trong lặng lẽ tỉnh thức,
ai muốn gọi đó là gì cũng được. Tất nhiên con phải có một mảnh đất
nội tâm thật bình an để con có thể tịch tịnh niết-bàn, nhưng trên
mảnh đất đó con cứ trồng tỉa ươm bón những cây ước vọng của con cho
khu vườn tâm thêm phong phú, để con có thể thỏng tay vào chợ, sinh
tử thong dong. Công việc ươm bón đó phải chăng cũng là một vẻ trong
muôn vàn vẻ đẹp của thiền ?
Con mơ ước đến trà thất của Thầy, ăn một viên kẹo, uống một
chung trà, thế mà vẫn ung dung chạy ra xe buýt thật gấp để đi làm
cho đúng giờ ở tận Carbondale, và công việc của con trong sở vẫn
được làm một cách chu đáo, tận tâm, nhiệt tình và sáng suốt, thì mơ
ước đôi lúc giúp con thư giản thoải mái để khỏi trở thành chai lỳ và
máy móc trong công việc lập đi lập lại hàng ngày.
Ước mơ chưa hẳn là vọng động, vì có những ước mơ vĩ đại như
ước mơ tự giác, giác tha của những vị bồ tát đã đem lại biết bao
hạnh phúc cho cõi đời nhiệt não này, phải không con ? Nhưng cho dù
đó là vọng đi nữa mà con có đủ sáng suốt để thấy đó là vọng thì lúc
đó chính là chơn.
Thầy khuyên các con đừng vọng động vì Thầy muốn các con thấy
lúc không vọng động thế thôi. Thấy vọng và thấy không vọng một cách
như thực thì đều là chơn cả.
Lúc đầu người ta phải bỏ vọng tức thế giới khái niệm
(pannatti) để tìm cái không vọng tức thế giới chân tánh
(paramattha), nhưng chớ có dừng lại ở đó, phải tiến thêm một bước
nữa, là đi vào thế giới khái niệm tục đế để thấy vọng, sử dụng vọng
cho thật thiện xảo để lợi ích quần sinh. Bao giờ con thấy tất cả
vọng đều không vọng, lúc đó cả hai đều chơn, chơn không - diệu hữu
như người ta thường nói. À mà thôi, nói một hồi không khéo lại lạc
vào rừng kinh điển lý luận mất.
Con ạ, khi viết thư cho Thầy con nói
Illinois
đang
bước vào thu, lá vàng bắt đầu rụng, nhưng bây giờ ở quê nhà trời đã
giữa thu, mưa thật nhiều và thỉnh thoảng có gió lớn. Có lẽ ở miền
Trung chùa Huyền Không đang bị bão. Chắc là sư thúc và các sư đang
rầu vì vườn tược bị phá phách. Thầy nhớ lúc Huyền Không còn ở Hải
Vân, có một đêm trời bão lớn. Thầy không sao ngủ được trong một am
tranh bé bỏng, mong manh giữa những tiếng hú ghê hồn của bão tố,
tiếng cây rừng gãy đổ, tiếng đá lăn sau vách núi cộng với tiếng thét
gầm của biển cả tạo thành một thứ âm thanh cuồng nộ hãi hùng. Lúc đó
Thầy cũng thấy mình bé bỏng và sẵn sàng để gió cuốn đi...
Và rồi, con có biết không, bây giờ vô hình trung “cứ để mây
bay”, “hốt phùng thiên để nguyệt” v.v... đã trở thành thơ và họa của
Thầy, đó chính là chút mộng mơ đầy sáng tạo mà nghệ thuật thiền cống
hiến cho cõi đời ảo hóa.
Biết đâu hôm nào cao hứng Thầy sẽ vẽ cho con một bức tranh,
trong đó có mang ít nhiều dông bão của cuộc đời.
Nhưng thôi chuyện đó hãy còn chưa đến. Bây giờ Thầy ngừng
bút, chúc con học giỏi để cuối năm ra trường đi làm như ý nguyện,
chứ không làm lụng tất bật như hiện nay với đồng lương ít ỏi như
vậy.
Thân ái chào
con. Thầy. |
[Thư số 15]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
Con thương mến,
Thầy nhận được thư con. Nhưng mấy hôm nay bận nên đến bây giờ
mới viết cho con. Cũng như con Thầy đang soạn “giáo án” cho những
học trò của Thầy. Giáo án của Thầy viết từ cuộc sống, từ những hơi
thở ngắn ngủi, từ những ràng buộc trong đời...
Ung dung trong ràng buộc đó là nghệ thuật sống hạnh
phúc. Nhưng con có biết không, ung dung trong ràng buộc chính là
biết mình đang bị ràng buộc đó con ạ. Vì nếu ung dung
trong ràng buộc mà không biết mình bị ràng buộc thì tai hại biết
bao, phải không con? Ví như một đứa con nít ung dung chơi trong ngôi
nhà mục nát, có biết đâu nó sắp bị đè bẹp một khi ngôi nhà sụp đổ!
Biết mình bị ràng buộc và chấp nhận ràng buộc một cách can
đảm để giác ngộ cho mình và người nên gọi là ung dung trong ràng
buộc. Vì nếu muốn thoát ra ràng buộc để được tự do đó là một ràng
buộc lớn, phải không con?
Chấp nhận ràng buộc vì biết rằng tất cả đều ràng buộc, thoát
ràng buộc này rơi vào ràng buộc khác, rốt cuộc không lẽ cứ chạy trốn
hoài sao. Vậy tốt hơn ta cứ thích ứng với ràng buộc, thấy rõ nó và
ung dung trong nó.
Nhưng con ạ, chúng ta có thể ung dung được là vì thực ra tự
tánh của chúng ta vốn là chơn, vốn là ung dung giải thoát. Tự tánh
của ta và vạn pháp vốn rất trong sáng, vắng lặng, hồn nhiên và dung
thông tất cả. Nếu ai biết trở về với nguồn sống ấy nơi mình thì có
thể hóa giải tất cả ràng buộc, tất cả khổ đau, tất cả nghịch cảnh và
trả ta về với tự do tận mạch nguồn.
Rồi ra con sẽ thấy ràng buộc hay không ràng buộc đều do nơi
một ảo tưởng nào đó của tâm mình. Tâm mình rỗng lặng thì tất cả ràng
buộc cũng đều không.
Con thương mến,
Con hãy tập nhìn ngắm và lắng nghe tất cả với tâm trầm lặng,
hồn nhiên, cảm thông và trong sáng rồi cuộc đời sẽ ban cho con biết
bao là tự do và hạnh phúc, chính những ràng buộc cũng là tự do và
hạnh phúc.
Thầy chúc con hưởng được sự thanh bình thực sự trong suối
nguồn của tự tâm con.
Thân ái chào
con. Thầy.
|
[Thư số 16]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
Con thương mến,
Lần trước nhận được thư con Thầy trả lời ngay, Thầy viết rất
rõ ràng và giải thích cặn kẽ. Tiếc là con không nhận được thư ấy.
Nay nhân chị NN ra Thầy viết lại cho con.
Con là một Phật tử may mắn ngay từ khi vào đạo con đã gặp
những Thầy hay, bạn tốt truyền cho con tinh thần giác ngộ của Đạo
Phật. Đạo Phật có giá trị là khi nào nó đem lại cho con người một
đời sống giác ngộ. Một người học đạo chỉ đến chùa để cầu phước, van
xin khấn vái để được thế này thế kia theo ước vọng trong lòng họ,
vậy là Đạo Phật chỉ đáp ứng tham vọng. Người nghèo cầu được giàu,
người bệnh cầu được lành, người thường dân muốn được danh vọng,
người khổ muốn được vui... họ cầu Phật nếu được thì Phật linh, họ
cúng, nếu không được là Phật không linh, họ bỏ chùa. Còn một hạng
người thứ hai tìm học tất cả pháp môn của Phật, trở thành học giỏi,
thông minh, lý luận, vậy là Đạo Phật đáp ứng khát vọng tri thức.
Nhưng rồi khi tiếp xúc với đời sống họ lúng túng, sợ hãi, toan tính,
dối gian v.v... cuối cùng họ kết luận Đạo Phật chỉ là một mớ lý
thuyết.
Không, Đạo Phật có nghĩa là sự sống giác ngộ. Và giản dị làm
sao, khi con ăn biết mình đang ăn, khi đang đi, đứng, nằm, ngồi biết
mình đang làm như vậy. Khi sân biết tâm mình có sân, khi buồn biết
tâm mình có buồn, khi đau đớn biết mình đau đớn, khi vui thích biết
mình vui thích, khi chơn chính biết mình chơn chính, khi sai lầm
biết mình sai lầm. Đó là sống đạo, đó là sống hồn nhiên và trong
sáng.
Con không cần tính toán, so đo, lo nghĩ vì dù có lo toan con
cũng chẳng giải quyết được gì hơn. Con chỉ cần trầm tĩnh để mọi việc
được giải quyết một cách trực tiếp và bình thường. Đời sống thực sự
mới giản dị làm sao, thế mà con người cứ làm cho nó rắc rối và khó
khăn thêm trong khi cố tìm an ổn.
Hai người đi xe đạp ngược chiều vô ý đúng nhau, xây xát chút
đỉnh thế mà lớn chuyện mới kỳ. Họ nổi nóng gây gổ, xỉ vả rồi ấu
đả... cuối cùng phải bị dẫn tới công an xử phạt mất hết cả buổi, mất
công ăn việc làm, ở nhà cha mẹ, con cái trông đợi, v.v... Thế tại
sao họ không mỉm cười xin lỗi, phủi bụi, sửa lại dây sên rồi lên xe
đi làm công việc của mình nhỉ ? Sống biết mình là thế, là giản dị
biết bao, cuộc đời thế ra có gì rắc rối đâu, phải không con?
Thầy mong rằng con sẽ hiểu đạo, sống đạo, nghĩa là sống trung
thực với sự sống. Chúc con an
vui.
Thân ái chào
con. Thầy |
[Thư số 17]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
DT con,
Cách đây khoảng một tuần, Thầy có viết thư cho con, nhân nghe
D nói con bệnh. Hơn nữa lâu quá Thầy cũng trông thư con, muốn biết
con đã tiến bộ ra sao?
Trước khi C vào, Thầy có trả lời con một lá thư, trong đó
Thầy giải thích làm thế nào để nhiếp phục tâm sân hận, bằng cách
tránh nó hay bằng cách nhìn thẳng vào nó. Không biết con đã nhận
được chưa. Hay là thư đó của NT, nếu vậy con mượn NT để xem nhé. Bây
giờ Thầy nói thêm một chút.
“Khi giận con cố giữ tâm bình thản hoặc niệm Phật với tâm thư thả hoặc buột miệng hát lên...” Đều là những cách né tránh
thực tại. Né tránh cũng là một phương pháp tu trong trường hợp thích
ứng. Vì vậy con có thể áp dụng nếu con muốn, miễn là thành công.
Nhưng Thầy thích nhìn thẳng vào thực tại hơn, nghĩa là nhìn thẳng
vào cơn giận.
Như Thầy đã nói, có hai cách tu tâm, một là chỉ, hai là quán.
Chỉ là giữ tâm yên tịnh bằng cách tập trung tư tưởng vào một đối
tượng nhất định, như niệm Phật, đếm hơi thở v.v... để giữ tâm không
xao động. Hàng ngày lúc nào thuận tiện con có thể tập an chỉ tâm như
vậy trong 5, 10 phút hoặc hơn tùy theo điều kiện của con.
Còn quán là soi chiếu tâm, phần nhiều là lúc nó khởi động.
Như khi con giận là tâm khởi động, hãy chú tâm soi chiếu hành tướng
của nó “đây là cơn giận phát sinh”... “đây là cơn giận hiện hành”...
“đây là cơn giận lắng dịu”... “đây là cơn giận chấm dứt”... trong
một vài niệm như vậy con sẽ thấy không còn đâu là giận cả, bây giờ
chỉ còn lại hơi thở gấp, tim đập mạnh v.v... Đó chỉ là sự xáo trộn
còn lại trên thân sau tâm sân hận chứ không phải là sân hận. Con có
thể hít vào một hơi thật sâu, thở ra từ từ bằng miệng để điều hòa
nhịp tim lại, trong năm ba hơi thở là xong. Đó là cách làm chủ thân
tâm bằng soi chiếu, cùng với một vài phương tiện kỹ thuật giản đơn
mà hiệu nghiệm.
Thầy đã nói rất nhiều rằng không phải tránh khổ đau, phiền
não, không phải tránh tranh chấp, ganh tị... ở đời. Làm sao con
thoát dược khi bản chất cuộc đời là như vậy? Thật ra chính nhờ những
xô đẩy đó con mới biết cách tự điều chỉnh mình sao cho có thể tự tại
giữa những được mất, hơn thua, thành bại, xấu tốt... và biết bao
những mâu thuẫn khác ở đời. Nếu không có những xô đẩy đó con sẽ trở
thành yếu đuối không sao giác ngộ, giải thoát được.
Con bảo khi đọc thư Thầy thì đời có vẻ dễ sống, phiền muộn dễ
quên, khó khăn dễ vượt. Coi chừng, con nói oan cho Thầy đó nghe.
Thầy không bao giờ khuyên con quên phiền muộn, vượt khó khăn đâu.
Thầy thường bảo con phải bình tĩnh đối diện với nó, học hỏi nó. Chỉ
cần con đừng sợ hãi thì khó khăn, phiền muộn thế mấy cũng như không.
Thầy rất thông cảm với con khi con phải đương đầu với bao
nhiêu phiền lụy của cuộc sống trên hành trình giác ngộ. Có những lúc
con sợ hãi cô đơn. Ai cũng thế cho đến khi nào chưa đứng vững một
mình. Nhưng bên cạnh con còn có Thầy và các bạn, sẵn sàng chia sẻ
với con. Nếu Thầy để con một mình thì việc gì Thầy phải quan tâm
hướng dẫn con. Chính con cũng thấy rằng luôn luôn vẫn có Thầy bên
cạnh những khổ đau sợ hãi của con, tất nhiên không phải để làm vơi
đi những khổ đau đó mà để giúp con có thêm lòng can đảm và giữ vững
niềm tin mà “vác thập tự giá” của mình. Con đừng sợ hãi phiền
não, con không nghe người ta nói phiền não tức Bồ Đề sao? Phát tâm Bồ Đề tức là con dám đón nhận mọi ưu phiền của
cuộc đời cho sự nghiệp giác ngộ.
Con đừng có ý tưởng tự ti, cảm thấy mình yếu hèn, tội lỗi,
không xứng đáng với Phật, không xứng đáng với Thầy. Con hãy dứt bỏ ý
tưởng ấy đi. Lòng từ bi của Phật, tình thương yêu của Thầy không đủ
lượng bao dung hay sao?
Tất nhiên con còn có những tình cảm, những ước vọng, những
thôi thúc rất yếu đuối. Nhưng Thầy không bảo con phải thành thánh,
phải tinh khiết, phải hoàn toàn. Thầy chỉ khuyên con nên lấy đó làm
chất liệu cho sự giác ngộ mà thôi. Hãy cám ơn những thứ đó đã giúp
con chất liệu trui rèn trí tuệ.
Con đừng tưởng Thầy là thánh, Thầy tinh khiết hoàn toàn.
Không, Thầy cũng như con với tất cả cảm giác, tình cảm, ước vọng,
thôi thúc của một con người. Thầy không cầu làm thánh, không cầu
tinh khiết, không cầu hoàn hảo, Thầy chỉ làm người tỉnh giác trước
sự bất toàn của đời sống.
Nếu đi con đường của Thầy, con không cần thêm gì, không cần
bớt gì, không cần bỏ gì, không cần đạt gì, con chỉ cần giác ngộ.
Nhưng giác ngộ là bản tính của con, con đâu cần phải tìm kiếm đâu
xa:
Thấy như thực thấy
Nghe như thực nghe
Xúc như thực xúc
Biết như thực biết
là bản chất sẵn
có nơi con. Cái gì làm cho không thấy được như thực, cái ấy là vọng.
Cái gì giúp con thấy được như thực, cái ấy là chơn. Vậy con không
cần tự ti, mặc cảm với cái này hoặc tự tôn, tự đại với cái kia. Cái
gì cũng có giá trị khi nó là thực, khi nó được nhìn qua cái nhìn
giác ngộ. Những gì con thấy là xấu xa, nó chỉ xấu xa khi mê, nhưng
nó trở thành tốt đẹp khi giác ngộ.
Vậy con đừng tự ti, đừng sợ hãi, hãy chỉ giác ngộ mà
thôi.
Chào
con. Thầy. |
[Thư số 18]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
Tâm Đạt con,
Hôm nay Thầy góp ý về pháp danh Tâm Đạt của con. Đúng ra Thầy
không nên nói vì pháp danh đó do một vị Thầy khác đặt, tất nhiên vị
ấy có chủ ý riêng làm sao Thầy biết được. Nhưng thôi, theo lời yêu
cầu của con, Thầy cứ giảng theo ý Thầy vậy. Con có đồng ý không?
Theo Thầy, đạt là đắc, là được, là tới mục đích rốt ráo.
Nhưng ở đâu là nơi rốt ráo của tâm?
Một khi quá khứ tâm không thể đạt, tương lai tâm không thể
đạt, hiện tại tâm không thể đạt, vậy tâm đạt chỗ nào?
Và khi mà: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” nghĩa là
nên sinh cái tâm không trụ vào đâu cả. Vậy tâm trụ chỗ nào?
Ngài Huệ Khả đến viếng Tổ đạt-Ma hỏi: “Xin Hòa Thượng an cái tâm cho tôi”. Tổ Đạt-Ma nói: “Ông đưa cái tâm đây
ta an cho”. Huệ Khả tìm tâm hồi lâu bèn thưa: “Bạch Hòa Thượng, tôi
không thấy tâm đâu cả”. Tổ nói: “Ta đã an cái tâm cho ông rồi đó”. Sau này Ngài Huệ Khả được Tổ truyền y bát.
Qua câu chuyện trên con thấy Tổ Đạt-Ma đã an cái tâm cho Huệ
Khả ra sao? Thôi, bao nhiêu câu hỏi đó cũng đủ cho con thấy tâm bất
khả đạt! Tâm không thể đạt được vì đạt chỗ nào thì chỗ ấy trở thành
trụ tướng (tướng ngưng trệ) và tất nhiên đưa đến sầu, bi,
khổ, ưu, não.
Thế thì con phải làm sao?
Thực ra chỉ đơn giản là nếu con muốn tâm đạt thì phải
đạt chỗ không đạt mới được. Người tu phần đông nghĩ rằng tâm
phải đạt đến chỗ tịnh, phải an trụ vào chỗ tịnh. Theo Thầy thì không
phải đạt, không phải trụ mà là thấy, thấy tịnh và động để
không bị rơi vào chỗ nào. Để khi đáng tịnh thì tịnh, khi đáng động
thì động.
Ngày nọ có người hỏi Đức Phật: “Có phải mục đích tu hành là để đạt được giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh, đoạn nghi
tịnh, đạo phi đạo tri kiến tịnh, đạo tri tịnh, tri kiến tịnh không?”. Đức
Phật trả lời: “Không”. Người kia ngạc nhiên: “Nếu mục đích tu hành không phải thanh tịnh thì để làm gì?”. Phật dạy:
“Thanh tịnh là trạm xe, mục đích tối hậu là vô thủ trước Niết-Bàn”.
Vô thủ trước, vô sở
trụ, bất khả đắc là những từ để chỉ tâm phải đạt tới chỗ
không đạt, nghĩa là tâm đã buông hết mọi chỗ nắm bắt, mọi sinh y,
mọi dục hỷ... chính vì vậy mà tâm lúc ấy được gọi là không, vô tướng, vô tác... Niết-bàn.
Khi tôn giả Mahàkotthita hỏi Ngài Sàriputta có phải mục đích
sống phạm hạnh là để đạt được cảm thọ hay không cảm thọ như đã hy vọng không, Ngài Sàriputta
trả lời: “Không”. Và Ngài nói tiếp: “Với mục đích để biết, để thấy, để chứng, để ngộ, để hiện quán đây là khổ... Đây
là nguyên nhân của sự khổ... đây là khổ diệt... đây là con đường diệt khổ mà
phạm hạnh được sống dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn”.
Đoạn trên Ngài Xá-Lợi -Phất một lần nữa xác nhận mục đích của
Đạo Phật không phải đạt được một trạng thái tâm nào, mà chỉ để thấy,
để biết, để chứng, để ngộ, để hiện quán những sự thật ở đời. Mà
chứng, ngộ, hiện quán... tức là vô thủ trước, vô sở trụ, bất khả đắc.
Nói thì nghe rắc rối nhưng thật rất giản dị, con có thể thực
hiện một cách dễ dàng:
Khi tâm con có tham, hãy biết (thấy, chứng, ngộ, hiện quán)
tâm có tham, không dừng lại (đạt, trụ, thủ trước) nơi tham.
Khi tâm con không có tham, hãy biết tâm không có tham, không
dừng lại nơi không tham.
Khi tâm con có sân, không sân, có động, có tịnh, có ràng
buộc, có giải thoát, v.v... con đều biết thật có như vậy và không
dính mắc, không trụ trước vào tâm ấy.
Như vậy là không đạt hay đạt chỗ không đạt, nghĩa là không
dính mắc vào đâu, là tâm thong dong tự tại.
Thấy, biết tâm mình ở mọi nơi là hiện quán, là chứng ngộ. Tâm
mình không dính mắc vào nơi nào là an nhiên giải thoát.
Nhưng con đừng tưởng không dính mắc nơi nào là tâm không
không đâu nhá. Không không là dính mắc vào không rồi.
Dính mắc vàokhông còn nguy hại hơn dính mắc
vào có ở trạng thái này hoặc trạng thái kia tùy
nhân duyên sinh khởi “tùy cảm nhi ứng tùy ngộ nhi an” mà,
nhưng chính nhờ không dính mắc vào đâu mới có vô lượng tướng dụng,
vô lượng lợi ích cho mình và người.
Nói thì nghe như lý luận chơi nhưng ai có thực sống mới thấy
thật là dễ dàng, đơn giản và thiết thực vô cùng.
Tâm Đạt con, bây giờ tâm con phải đạt thế nào ?
Thầy.
|
[Thư số 19]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
Con,
Thư của con bị mưa ướt lem nhem hết, nhưng Thầy vẫn đọc ra,
đọc còn dễ hơn mấy thư trước của con nữa đó, con biết tại sao không?
Tại vì một lý do rất dễ hiểu là lần này có lẽ vì gấp nên con viết tự
nhiên không nắn nót như trước. Đó, con thấy không, tự nhiên lúc nào
cũng vẫn hay hơn phải không con?
Thầy rất thông cảm với cuộc chạy đua của con, và Thầy biết
rằng chẳng bao lâu con sẽ trở nên một tay chạy đua bản lãnh. Bản
lãnh không phải vì chạy mau hơn ai mà bản lãnh trong trí tuệ biết
thế nào là một cuộc chạy đua: “chạy đua là như thế!”, “thành, bại,
hơn, thua của một cuộc chạy đua là như thế!”... với một nụ cười mãi
mãi trong tâm.
Hãyđam mê cuộc đời đến tận căn để,
hãy khinh bỉ cuộc đời đến tận mây xanh. Đam mê
và khinh bỉ phải cùng hiện hữu một lúc ở bất cứ đâu, không phải để
chúng mâu thuẫn nhau, cũng không phải để chúng cân bằng với nhau, mà
để chúng đem đến cho ta một nụ cười vô ngại!
Con ạ,
Cho Thầy gửi lời thăm những cơn mưa buốt giá mùa đông bên
đường qua An Cựu hay phố vắng Đông Ba... Nơi mà ngày xưa Thầy đã gửi
lại những ngày tháng vui buồn của thời thơ ấu.
Tất cả đều trôi qua dù là một cuộc vui hay một nỗi khổ, dù là
một đêm Đông hay một ngày Hạ... Thầy cũng xin cám ơn tất cả. Vì tất
cả đã dạy cho Thầy có một nụ cười. Hãy sống, không cần xót xa, không
cần tiếc nuối, không cần hy vọng, với đôi bàn tay và trái tim mở
rộng để đón nhận những ngày mới đến với ta và phất tay chào những
ngày đã lùi vào dĩ vãng.
Sống cũng như việc làm của cái bao tử, thu nhận những món ăn
nào đắng, cay, ngọt, mặn... biến chế, rồi cuối cùng bài tiết hết,
nếu không bài tiết được bằng cách này hay cách khác để ứ đọng thì
sinh bệnh. Chúng ta sống tiếp nhận một ngày với những vui, buồn,
mừng, giận... Nhưng chỉ còn lại trong trí tuệ một nụ cười thôi, còn
tất cả đều phải bài tiết vào dĩ vãng, nếu còn vướng mắc cái gì thì
chắc là phải khổ. Như bao tử cho ta sự sống, cuộc đời cho ta nụ cười
trí tuệ, cho nên chỉ có trí tuệ mới thực là sự sống của con người:
“Duy tuệ thị nghiệp”.
Trí tuệ chính là tự tánh của con khi con có thể mỉm cười hồn
nhiên với tất cả.
Con, Thầy định kể chuyện Sài Gòn cho con nghe, nhưng vì Sài
Gòn cũng chẳng có gì để nói. Có lẽ nó cũng như Huế, nhưng thay vì
ngoài đó lạnh, trong này nóng, ngoài đó yên lặng, trong này ồn ào,
ngoài đó có sông Hương, trong này có bến Bạch đằng, nhưng không nơi
đâu hấp dẫn bằng chính sự sống mà con đang chứng nghiệm, phải không
con ?
Thân ái chào
con. Thầy. |
[Thư số 20]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
Con,
Thầy có nhận được thư con, nhưng lúc này Thầy ít khi ở chùa
nên chưa trả lời chắc con trông lắm.
Con ạ, sống trên đời con sẽ thấy đối nội và đối ngoại đều
quan trọng cả. Đối nội thì mình phải trong sáng, hồn nhiên, bình
lặng. Đối ngoại thì mình phải thương yêu, giúp đỡ, hòa thuận với mọi
người. Không nên quá vì mình cũng không nên quá vì người. Cả hai đều
cần cả. Hơn thế nữa khi có tâm hồn trong sáng mới có thương yêu và
mới thấy giá trị của tình yêu thương.
Khi thương yêu đừng nên thiên chấp, khi được thương yêu đừng
nên thủ trước. Khi trở về với mình đừng nên vị ngã, khi quên mình đi
đừng để vong thân.
Phật có ba đức: Trí đức là sáng suốt, biết mình, biết người.
Tịnh đức là trong sạch, trầm lặng. Bi đức là xả kỷ vị tha, nghĩa là
thương yêu cứu giúp chúng sanh.
Sống được hài hòa con sẽ thấy mọi thứ đều giá trị, vì vậy con
chớ khinh suất một sự việc gì dù xấu, dù tốt, dù nhỏ, dù lớn ở trên
đời.
Thôi, Thầy dừng bút, chúc con mạnh giỏi.
Thân ái chào
con. Thầy. |
Ðầu trang
| Lời nói đầu |
01 - 10 |
11 - 20 |
21 - 30 |
31 - 42 |
-ooOoo-
|