Trung Tâm Hộ Tông Trang Chủ
[Thư số 21]
[Thư số 22]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
Con thân mến,
Khi người ta nói “một tâm hồn thánh thiện trong một cơ thể tráng kiện” là người ta lý tưởng hóa đời sống quá, người Tây
phương ưa cái gì cũng hoàn hảo như thế đó. Trái lại người bình dân
Đông phương có khi thực tế hơn. Họ nói:“Một mái nhà tranh, hai quả tim vàng”. Hai vấn đề tuy không cùng một lãnh vực vậy mà vẫn
nói lên hai cái nhìn khác biệt về đời sống, người nói câu “Un esprit saint dans un corps sain” ắt cũng sẽ nói “hai
quả tim vàng trong một tòa cung điện”.
Như vậy người Đông phương chú trọng đến quả tim vàng hơn là
tòa cung điện, chú trọng đến tâm hồn thánh thiện hơn là một cơ thể
cường tráng. Họ có lý bởi vì quả tim vàng hay tâm hồn thánh thiện
thì cần gì phải có một điều kiện lý tưởng đến thế! Họ càng có lý hơn
vì thực tế đời sống bao giờ cũng có thăng, có trầm, có vinh, có
nhục, có được, có mất, có hơn, có thua, có thành, có bại, có vui, có
khổ, có lành mạnh, có bệnh tật, có trẻ, có già, có sinh, có chết
v.v... Nếu ta cứ mong cái gì cũng tốt cả thì làm sao ta chịu nổi sự
biến đổi vô thường?
Chính vì thế trong mười điều tâm niệm mới dạy: “Nghĩ tới thân không cầu vô bệnh vì thân không bệnh tất tham dục dễ
sanh”.
Thứ nhất khi ta cầu mong không bệnh là tâm hồn ta đã bệnh hoạn rồi.
Nếu tâm hồn ta lành mạnh ắt không cần đòi hỏi thân phải cường tráng.
Thứ hai nếu thân không bệnh thì quả là tham dục dễ sanh, như
người tham ăn mà không đau bao tử ắt sẽ tham ăn hơn nữa. Người nóng
nảy không đau gan thì còn ai chịu được. Vậy bệnh là thiên sứ của vô
thường, hay bậc thiện tri thức của ta đó. Người ta cứ xem bệnh như
kẻ thù mà không biết rằng nó là bạn thân. Khi đưa tay vào lửa nếu
tay không nóng, không phỏng ắt là nó sẽ cháy tiêu mà không hay biết.
Vậy nóng, phỏng là bạn của ta chứ sao gọi là thù. Vì thế ta còn phải
học hỏi nơi người bạn chí thân này nhiều lắm.
Khi con ăn một chất âm hàn nhiều quá con thấy đau bụng lạnh,
vậy là nó dạy con phải dùng một cái gì dương nhiệt để chế lại. Khi
con đi nắng bị nhức đầu vậy là nó dạy con lần sau phải đội vào một
cái nón v.v... Cho nên ta còn phải học hỏi nơi người bạn này rất
nhiều bài học giá trị. Nhưng nếu ta xem nó là kẻ thù, ta tiêu diệt
nó thì e rồi ta cũng phải chết theo, vì còn ai báo cho ta biết tử
thần sắp tới đâu!
Trong khi bệnh con thấy đau đớn, thế mà một bức thư Thầy lại
viết: “Đau chính là tu. Ôi đau đớn mới tuyệt vời làm sao!”.
Thầy nói vậy vì trong một cơn đau thập tử nhất sinh Thầy đã giác ngộ
lại chính mình, nhờ đó Thầy mới biết tất cả chân lý ở nơi mình, Thầy
đã thấy ra bản lai diện mục cũng chẳng là ai khác. Thầy nhớ có một
hành giả đến hỏi đạo, bị thiền sư đóng sầm cánh cửa khi ông ta vừa
bước chân vào, chân gãy, thiền sinh đại ngộ. Như vậy có tuyệt vời
không.
Bây giờ nếu con đau mà con an ổn được trong chính cơn đau thì
con còn tuyệt vời hơn khi con lành mạnh mà con lại bị đắm chìm. Con
không thấy như thế sao? Lão Tử nói: “Phù duy bệnh bệnh thị dĩ bất bệnh”. Ôi, bệnh chỉ là bệnh thì đâu có gì là bệnh!
Khi bệnh con biết con có bệnh. Khi đau đớn, con biết con có
đau đớn. Khi phải uống thuốc, con biết con uống thuốc... Mọi việc
đều trầm tĩnh an nhiên, rồi con sẽ học ra mọi lẽ, rồi con sẽ thấy
thật là tuyệt vời.
Thân ái chào
con.
[Thư số 23]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
Con,
Quả là thư trước của con bị lạc nếu không Thầy đã trả lời
rồi. Thầy rất thông cảm với tâm trạng của con lúc này. Đó chỉ là một
giai đoạn khủng hoảng tất yếu khi con lột bỏ những quan niệm cũ để
sống một đời sống mới. Ở ngoài đời cũng vậy, một cuộc cách mạng tất
yếu phải trải qua thời kỳ khủng hoảng với bao nỗi mâu thuẫn khó
khăn. Nhưng con hãy an tâm, chẳng qua là vì con đang mất chân đứng
cũ mà chưa lấy lại được thăng bằng trên bước chân mới mà thôi và rồi
việc gì cũng đâu vào đó.
Khi chưa biết đạo, người ta thấy núi là núi, nhưng sau thuần
đạo rồi người ta lại thấy núi cũng vẫn là núi mà thôi. Cũng vậy,
người đời làm cái gì thì kẹt vào cái đó, như con đã kẹt vào cái tu,
cái học. Sau khi được khai thị cho thì lại bỏ tu, bỏ học, bỏ hết tất
cả. Cuối cùng khi đạo đã thâm trầm thì té ra cũng tu, cũng học, cũng
làm tất cả, không bỏ thứ gì.
Lúc đầu làthủ (chấp trước), lúc giữa là xả (buông bỏ), sau cùng là bất thủ bất xả (không nắm mà cũng
không buông) như Lão Tử nói: “Vô vi nhi vô bất vi”. Vô vi
nhưng không việc gì không làm.
Vì vậy Thầy khuyên con trước hết hãy học hành lại như lúc
đầu, xem như đó là chuyện bình thường. Có thể con sẽ học siêng năng
hơn, có thể con sẽ ganh đua với chúng bạn, có thể con phải quyết chí
đỗ đạt cao v.v... Tuy vậy mà con vẫn thấy bình thường, không một
chút bận tâm như ngày xưa còn mê muội, còn tham đắm. Đáng lẽ với sự
thanh thản ấy con phải tiến hơn các bạn trên mọi mặt chứ không thể
sa sút được. Thầy e rằng trong lúc giao thời con còn quá nhiều phân
vân lưỡng lự nên nó đã làm cho con chưa lấy lại được khả năng của
con người ổn định.
Lúc Thầy học lớp 12 bị chi phối bởi ý nghĩ xuất gia, Thầy đã
bị sa sút nhiều trong việc học, và bị thi hỏng một keo, thế mà vào
tu Thầy lại học rất giỏi. Ở Phật Học viện, Thầy lãnh bằng danh dự
hạng nhất, ở trường London School Thầy dẫn đầu lớp học, ở đại học
Thầy dẫn đầu các môn mà Thầy học sau chúng bạn.
Chính nhờ sự sáng suốt, bình thản, an nhiên mà Thầy mới học
khá như vậy. Cho đến bây giờ thì Thầy mới hiểu rằng đạo không thay
đổi bất cứ một sinh hoạt nào của ta cả. Đạo chỉ soi sáng tâm hồn để
ta có thể sinh hoạt chân, mỹ, thiện hơn mà thôi.
Một người làm nông ngộ đạo sẽ không bỏ cày mà cày cấy với
năng suất cao hơn.
Một người đi học ngộ đạo, sẽ không bỏ học mà học hành giỏi
hơn.
Bây giờ ở tuổi con là đi học. Hãy học một cách sáng suốt,
trầm tĩnh là đạt được chỗ chân của đạo. Hãy học một cách chân
thành, bài nào thông suốt bài đó, môn nào chu tất môn đó là đạt được
chỗ mỹ của đạo. Hãy học với thiện ý giúp mình, giúp cha mẹ,
gia đình, xã hội v.v...là đạt được chỗ thiện của đạo.
Đạo là sáng suốt vững chắc, không thể là trạng thái buông
lung, hững hờ trước mọi sự. Trái lại mỗi mỗi hành động, mỗi mỗi ý
nghĩ, mỗi mỗi lời nói phải rõ ràng, minh bạch, phải đạt chỗ chân,
mỹ, thiện vô cùng giản dị của nó.
Học đạo quý vô tâm
Đạo chính là việc học của con. Khi con học, con nghĩ, con nói
minh bạch, không lầm lẫn là đạo. Khi con học với tâm sáng suốt là
chân, với tâm trong sạch là thiện, với tâm lặng lẽ là mỹ. Việc học
của con như vậy sẽ vô cùng giản dị và vô cùng uyên thâm.
Vậy ra con tưởng có một lý tưởng đạo nào đó ngoài công việc
hàng ngày, ngoài bổn phận làm người, ngoài uống, ăn, đi, đứng hay
sao?
Người ta thường tưởng rằng mình phải đâm bổ vào một lý tưởng
siêu thoát, một đạo lý cao siêu, một lối sống phi phàm ra ngoài thế
sự. Nhưng họ lầm to, họ chỉ càng trầm luân như những con thiêu thân
lao đầu vào ánh sáng.
Ngày nọ có một người Phật tử lật đật dựng xe đạp để vào chùa
nghe giảng siêu lý (Abhidhamma) đã không biết rằng chiếc xe đạp của
anh ta đè gãy một cành hoa bên tường chùa! Anh ta tưởng có cái gì
siêu lý ngoài việc dựng chiếc xe đạp sao cho đàng hoàng, trầm tĩnh,
sao cho đừng hại tới ai. Và cứ thế anh ta thả mồi bắt bóng, tìm cái
giả, bỏ cái chơn, tìm sinh tử bỏ niết-bàn mà cứ tưởng rằng mình sẽ
đến nơi siêu việt.
Con thương mến,
Hãy sáng suốt, hãy trầm tĩnh, hãy hiền hòa trong mỗi bước đi
của mình trên đường đời. Bỏ mất mỗi giây phút là bỏ mất tất cả, vì
thế tướng dụng trọn vẹn chính là mỗi bước đi, trong từng giây phút
thực tại hiện tiền.
Quá khứ không truy tầm
(Kinh nhất Dạ
Hiền Giả)
Nhưng pháp hiện tại là gì? Là khi con đang học hãy hoàn toàn
vào việc học. Khi con dựng xe hoàn toàn vào việc dựng xe v.v...
Không phải học mà bỏ bê, không phải dựng xe mà mơ siêu lý.
Con thương mến,
Đạo giản dị biết là bao phải không con? Nào, hãy bắt tay trở
lại việc học của con, không động, không rung chuyển, hôm nay nhiệt
tâm làm...
Khi nào rảnh con hãy mượn thư Thầy viết cho các bạn mà đọc
lại chứ con còn yếu lắm đó. Chào con thương
mến. [Thư số 24]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
HP con,
Thầy đã nhận được thư con viết trong kỳ coi thi vừa qua. Đáng
lẽ Thầy trả lời để gửi ra nhân TH và YT về Đà Nẵng nhưng rồi đến bây
giờ Thầy mới viết được.
Đọc thư con Thầy
vui lắm, thư con viết rõ ràng và chân thực chứng tỏ rằng con thành
tâm học đạo. Con đã trình bày rất thành thực về những niềm tin của
con trước đây, về những gì con học hỏi được qua lần tiếp xúc đầu
tiên với Thầy và qua bức thư ngắn Thầy viết cho các con.
Trước đây con cũng không hiểu sai khi suy nghĩ: “Đạo Phật là gì đó hết sức thiêng liêng cao quý... là nơi nhìn thấu
suốt mọi điều của cuộc sống đúng sai, thật giả... và con người trước tượng đài
uy nghiêm của Đức Phật không thể để điều ác lấn điều thiện, không thể có những
bóng dáng lừa đảo, dối trá trong ý nghĩ của mình...” và với niềm tin như vậy “đã
có lúc con nguyện cầu thành khẩn mong gia đình và tất cả những người thân quen
luôn luôn được bình an. Đó là lúc con cảm thấy con người sao quá bé nhỏ với
thiên nhiên, con linh cảm đến những điều bất trắc... và con đã gởi gắm bao điều
mong ước tốt lành cầu mong đấng vô hình che chở cho những người thân yêu...”
Ý nghĩ đó cũng thật là dễ thương dù có hơi mơ hồ huyền hoặc.
Chính ý nghĩ đó của chúng sinh đã làm xúc động lòng từ của chư Bồ
Tát, và các Ngài xuất hiện ở đời để chỉ bày con đường thoát khổ.
Đó là hình ảnh
Đạo Phật của những người đức tin, lý tưởng, thi vị, linh thiêng và
mơ mộng. Nhưng cũng chính niềm tin ấy đã xoa dịu biết bao nhiệt não
khổ đau của cuộc đời, đã đem đến cho đời ít nhiều an ổn, hạnh phúc
và hướng thượng.
Ngày nay khi con đã nhận chân được con đường thoát khổ, con
đã biết tự mình giác ngộ, tự mình chế ngự, tự mình chọn lựa thiện
ác, đúng sai... lúc đó một Đức Phật trong con vẫn uy nghiêm không để
điều ác lấn điều thiện không có bóng dáng lừa đảo, dối trá trong ý
nghĩ của con... Thì ra những mơ mộng lúc đầu trong niềm tin của con
cũng không sai mấy, bây giờ nó chỉ thực hơn, rõ hơn mà thôi, phải
không con?
Và rồi lúc đó con vẫn tiếp tục thấy chân lý thật là vô biên
đối với những tư kiến, tư dục nhỏ bé của con người, tấm lòng con sẽ
cởi mở bao dung thương yêu muôn loài... Con muốn bình an hãy đến với
mọi loài, con mong mọi người thấy rõ con đường thoát khổ.
Đó là hình ảnh
Đạo Phật của những người đang thoát xác Đức Tin để đi vào con đường
Trí Tuệ. Ở đây, Đạo Phật được thể hiện một cách rõ ràng thiết thực,
bằng những bước đi, những hơi thở, những cảm giác, những suy tư tràn
đầy chân lý sáng suốt - định tĩnh - trong lành. Giải thoát và bình
an nằm ngay nơi những hơi thở, những bước đi hiện thực đó, phải
không con? Nhưng muốn thể hiện chân lý và hạnh phúc như vậy phải
trải qua một quá trình tu tập từ tự tri, tự giác, tự chủ, tùy dụng
đến vị tha, nói chung là con đường tự giác giác tha.
1) TỰ TRI: Là giai đoạn tập quay lại với chính mình (Chánh
niệm) và tự soi sáng mình (Tỉnh Giác) trong từng hành động của thân
và khẩu, trong từng cảm giác khổ, vui... trong từng tình cảm ưa
ghét... trong từng ý hướng thiện ác thị phi... Có tự tri mới
khám phá ra được mọi khía cạnh, mọi vận hành, mọi trạng thái của
thân tâm, xưa nay bị phủ kín trong rừng vô minh ái dục. Có tự tri mới ”
không ngờ tự
tánh mình vốn tự đầy đủ, tự tánh có thể sinh muôn pháp, tự tánh vốn
tự thanh tịnh, tự tánh vốn không sinh diệt...”
2) TỰ GIÁC: Khi đã tự tri đúng pháp, con bắt đầu thấy rõ
những nguyên nhân vi tế, ẩn kín và sâu xa nhất của luân hồi sinh tử
và thanh tịnh niết-bàn. Nghĩa là con thấy rõ đây là khổ, đây là
nguyên nhân vi tế của sự khổ, đây là tịch tịnh giải thoát, đây là
con đường thể hiện tịch tịnh giải thoát ngay nơi mỗi động tịnh vi tế
của thân tâm con. Đức Phật dạy khi nào một người thấy được tự nơi
mình “đây là sinh, đây là diệt, đây là không sinh diệt” người
ấy chứng được pháp nhãn.
3) TỰ CHỦ: Khi thấy rõ mọi động tịnh, mọi vận hành, mọi trạng
thái, mọi khuynh hướng... nơi thân tâm, lại thấy sự sinh diệt và
không sinh diệt của chúng, con bắt đầu có thể chế ngự các pháp ấy
trong con, con làm chủ sinh tử luân hồi và đồng thời làm chủ thanh
tịnh niết-bàn, nghĩa là con không còn bị chúng sai sử và buộc ràng
nữa.
4) TÙY DỤNG: Khi thoát khỏi sự ràng buộc của các hoạt động
nội tâm và ngoại giới, con bắt đầu tùy nghi sử dụng các pháp đó nơi
con. Lúc đó con muốn hành động, nói năng, suy nghĩ thế nào đều như ý
mà không sợ sai trái... Mọi pháp tùy con sử dụng, đến đi vô ngại,
tiến thoái tùy nghi.
5) VỊ THA: Tất nhiên khi con đã sử dụng thân tâm một cách
nhuần nhuyễn, tròn đầy sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì mọi động
tịnh đều lợi mình, lợi người. Lúc đó con mới thực sự đem lại an lạc
cho đời, giúp đời mà không làm cho đời xáo trộn.
Người đời với đầy tật đố tự cao cũng nói tới vị tha, nhưng
khi còn bản ngã thì càng giúp đời càng làm cho đời đau khổ. Muốn
giúp đời, muốn đem lại an lạc cho đời con phải tu tập để tự mình
giác ngộ giải thoát và dẹp bỏ bản ngã trước đã.
Trong việc thể nghiệm quá trình này chánh niệm tỉnh giác đóng
vai trò thực hiện. Và sáng suốt, định tĩnh, trong lành là yếu tố
hướng đạo đầu tiên cho đến cuối cùng.
Những điều Thầy nói trên không phải là một công thức mà chỉ
gợi ý để con dễ theo dõi tiến trình tu tập của mình mà thôi.
Chúc con tu
hành tinh tấn!
[Thư số 25]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
L mến,
Chà, trông L đường đường một đấng nam nhi như thế mà sao hơi
yếu đó nghe ! Ai lại đi mơ một cảnh Tịnh Độ ở ngoài cuộc đời nắng
lửa như một kẻ mê tín vậy. Lại còn mê ba cái ông du tăng trong Thiền
Luận nữa chứ ! Không biết các ông du tăng ngày xưa ra sao chứ cứ mà
làm biếng, vô trách nhiệm cái kiểu ông VT với một số du sĩ ngày nay
thì đáng được lãnh năm bảy chục hèo mới xứng.
Thầy lại thấy khác: dường như bây giờ mất rồi cái thời mà
những bậc tu hành lấy phiền não làm bồ-đề, tức là sẵn sàng chấp nhận
giáp mặt những phiền lụy với một sức mạnh chánh niệm tỉnh giác đầy
kiên định.
Đã đành rằng cuộc đời là nắng lửa nhưng nếu ai ước mong ở
ngày mai hay một nơi nào khác cái cảnh giới không còn nắng lửa thì
chính đó mới là khổ sầu to lớn nhất! Giống như một người trông đợi
một cái gì đó người ấy càng bồn chồn nóng nảy hơn là một kẻ đang
chăm chú một công việc nặng nề, có phải thế không?
Vậy bí quyết của giải thoát không phải là ước mơ hay chạy
trốn (bằng mọi hình thức) mà là phải đối mặt với chính cuộc đời. Còn
đau khổ là tại vì còn có cái ta để đau khổ, mà còn cái ta để đau khổ thì dù ở bất cứ đâu cũng vẫn cứ đau khổ như
thường. Người đời có câu nói rất thực tế là :
Gánh cực mà đổ lên non
Thế mà khi chúng ta vui lòng gánh lấy trách nhiệm, vui lòng
đỡ gánh cho người khác, vui lòng từ bỏ những dục vọng ích kỷ, cá
nhân v.v... thì chúng ta lại thấy tất cả đều là nhẹ nhàng. Người đã
thấy cái nhẹ nhàng đó sẽ đủ sức lấy phiền não làm bồ-đề. Chúa
nói:“Hãy vác thập tự giá mà đi vào nước Chúa”, thật ra, có
nghĩa là hãy làm tròn bổn phận với đầy đủ phiền não của nó một cách
sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì sẽ thấy bổn phận ấy, phiền hà
ấy thật nhẹ nhàng và thật dễ thương biết bao. Và chính ở đó chúng ta
hân thưởng được sự thanh tịnh giải thoát (vào Thiên đàng) giữa những
phiền não cuộc đời.
Giống như một người mẹ, có thể làm mọi việc khó khăn nhất cho
đứa con nhỏ bé của mình, dù phải trải bao nhiêu gian khổ, chỉ vì
ngay lúc đó bà ta đã quên mình đi trong tình thương yêu vô hạn. Nếu
mọi người đều biết quên mình đi trong tình thương yêu vô hạn ấy thì
cuộc đời sẽ trở nên thiên đàng ngay lập tức dù lúc đó vẫn là nắng
lửa dãi dầu.
Thầy có nghe một câu chuyện nho nhỏ dễ thương về tình bạn: có
một hôm, một người bạn rủ L đi uống rượu. Lúc đó có M.A ngồi chơi.
M.A đã cố ý (nhưng làm như vô tình) ngồi nán lại chơi với L tới
khuya, để giúp L thoát khỏi một sự cám dỗ không mấy tốt lành. Chỉ vì
thương bạn, vì muốn bạn mạnh khỏe mà phải hy sinh sức khỏe của mình
dù M.A vốn đã suốt ngày này qua ngày khác làm lụng cực nhọc để đỡ
cho mẹ mình một gánh nặng nuôi con.
L ạ, không phải là hạnh phúc, tịnh độ hay giải thoát cho cái
bản ngã của mình, mà chính phá bỏ bản ngã để làm những việc quên
mình lợi người, dù nhỏ nhặt đến đâu cũng ẩn chứa một thiên đàng
tuyệt diệu. Vâng, đau khổ để đem lại hạnh phúc cho người (bạn bè,
cha mẹ, anh em, xóm giềng và cho cả cỏ cây, sỏi đá) đấy chính là
thiên đàng tuyệt diệu.
Tuyệt diệu làm sao khi sư GĐ cố gắng lo lắng thêm một chút để
chư sư được nhẹ nhàng, và sư PT cũng vậy, sư TT cũng vậy v.v... Mọi
người đều gánh thêm một chút khổ đau để gánh người khác được nhẹ
nhàng. Ở đây Thầy cũng không thể điềm nhiên tọa thị mà phải cố gắng
thêm một chút để trợ giúp các sư... và cứ thế cuộc đời mở vòng tay
lớn trong tình yêu thương xả kỷ. Không có thiên đàng nào khác ngoài
sáng suốt, trong lành và tĩnh tại. Không có thiên đàng nào khác
ngoài những gánh nặng mà ta vui lòng gánh vác để đem lại cho đời một
niềm vui, một an ủi, một nụ cười.
Sư GĐ tặng L một số phong lan với dụng ý muốn giúp L biết
thương yêu và tập dần với những bổn phận, tập dần sự chú ý, sự chăm
chút, sự nhẫn nại... Nghĩa là tập chấp nhận những phiền não để nuôi
dưỡng bồ-đề. Tập thấy được tình thương yêu như tình yêu thương của
người mẹ đối với đứa con mình. Không có con đường giải thoát nào
khác đâu L ạ, hãy suy nghĩ cho mà xem. Tất cả những con đường khác
chỉ là phản ánh của lòng tư dục, tư kỷ mà thôi.
Một vị du tăng hành cước chỉ có lý khi đến lúc họ phải từ bỏ
những tích lũy, những đeo mang do lòng dục vọng chất đầy trên vai
họ. Nhưng đến khi thấy lại chính mình (ngộ), vị ấy lại chấp nhận
“gánh nước là diệu dụng, bửa củi là thần thông” và chui vào
nhà bếp để làm hỏa đầu quân hoặc mỗi ngày âm thầm quét lau Tàng Kinh
Các. Mới biết những kẻ ra đi, tìm kiếm, chỉ mới là giai đoạn của
người chưa thấy. Còn khi thấy rồi núi vẫn là núi, sông vẫn là sông,
phiền não vẫn là phiền não. Cuộc đời vẫn hoàn lại cuộc đời... và nếu
có cái gì khác chăng thì chỉ là một nụ cười sáng trong và nhẹ nhõm.
Thôi viết như thế đã dài, mong L tìm thấy trong đó đôi lời
nhắn nhủ với một tấm lòng.
Thân ái chào con. [Thư số 26]
Ngày ........
tháng ........ năm ........ T.U
con,
Thầy trả lời thư con hơi chậm, mấy lúc này Thầy không được
rảnh lắm. Có một số vấn đề còn tồn tại nơi con mà con cần phải có
thái độ dứt khoát, không phân vân nghi ngờ. Tính con có hai đặc điểm
rõ nét là lý trí và mặc cảm.
1) Về lý trí, nó là con dao hai lưỡi, vừa có thể đi với tuệ
để trở thành trí tuệ, vừa có thể đi với vô minh để trở thành tà
kiến, vọng thức. Phân vân nghi ngờ là mặt trái của lý trí. Đức Phật
dạy: “Đức tin nhiều hơn lý trí thì sinh tham, lý trí nhiều hơn đức tin thành ra nghi”.
Con có thói quen phân tích, suy diễn một số vấn đề rộng ra mà
theo Thầy chỉ cần thấy vấn đề một cách tổng quát giản dị, hoặc thấy
một số yếu tố có liên hệ đến tu tập là đủ. Khi đề cập một vấn đề Đức
Phật chỉ nói những khía cạnh cần thiết cho con đường giác ngộ giải
thoát mà thôi. Những điều cần phải nói như lá trong nắm tay còn
những điều dù biết cũng không cần phải nói thì như lá trong rừng. Có
như vậy mới lấy được lõi cây, không lấy vỏ cây.
Kinh Dịch nói: “Dị giản nhi thiên hạ chi lý đắc hỷ”,
hoặc Lão Tử dạy: “Cố tri chỉ kỳ sở bất tri chí hỷ”. Dị giản
và dừng cái biết lại chỗ không biết chính là khai mở con mắt tuệ,
không phải con mắt lý trí vọng thức. Thánh Kinh dạy: “Hãy trở nên như con trẻ”, hoặc Đức Phật khuyên thấy
cái thấy như thực đều với nghĩa dẹp bỏ lý trí vọng thức để trở về
cái biết như thực. Lão Tử nói “khí trí” hoặc “tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân” cũng đều với nghĩa ấy. Krishnamurti thì nói
làgiải trừ kiến thức, dẹp bỏ kinh nghiệm đều có
mục đích khuyên con người bớt phân biệt, bớt lý luận, bớt tưởng
tượng để cho cái thấy biết (tri kiến) trở nên sáng suốt trong lành.
Nếu không làm như vậy lý trí sẽ đồng nghĩa với khổ đau.
Để cân bằng lý trí và đức tin cần phải tu tập chánh niệm.
Chánh niệm sở dĩ được hầu hết các tông phái vận dụng hàng đầu vì nó
là pháp dẫn đầu các thiện pháp. Chánh niệm tức không thất niệm, còn
một tên khác là không phóng dật (appamàdo). Đức Phật dạy: “Một pháp có nhiều tác dụng trong các thiện pháp là không phóng
dật” (Appamàdo kusalesu dhammesu ayam eko dhammo bahu-kàro).
Giới chính là chánh niệm trên hành động của thân và khẩu, vì
vậy giới được gọi là điều học (sikkhàpadam). Không sát sanh có nghĩa
là chánh niệm để giữ thân không hành động sát hại sinh mạng. Không
nói dối có nghĩa là chánh niệm để giữ khẩu không nói lời không thật
v.v... Những người điên, những người đãng trí không thể giữ giới vì
không có chánh niệm.
Những pháp khác như chánh định cũng nhờ chánh niệm để tập
trung sự chú tâm, chánh tinh tấn cũng nhờ chánh niệm để thấy rõ pháp
cần phải làm, pháp cần phải bỏ, chánh tư duy không có chánh niệm sẽ
trở thành vọng tưởng v.v...
2) Về các mặc cảm, Thầy thấy dường như con đang bị một mặc
cảm nào đó chi phối sâu xa. Chính những mặc cảm này biến dạng từ tự
ti đến tự tôn, từ tình cảm thành lý trí do đó phát sinh những đắn
đo, phê phán, suy luận, tưởng tượng, thành kiến...
Mặc dù con nói con chịu được thiệt thòi khi sống theo đạo
đức, nhưng cả trong 3 bức thư lời lẽ của con vẫn đầy tính chất bất
mãn đến nỗi Thầy có cảm giác như khi con viết “người ngay mắc nạn:
càng ngay thẳng thật thà bao nhiêu càng gặp nhiều thiệt thòi, cay
đắng bấy nhiêu” ...con đang bị bất mãn chi phối một cách vô thức.
Hãy cảnh giác, đừng để những tư tưởng như thế gặm nhấm tâm
hồn con nữa. Những tư tưởng đến gần như thành kiến do mặc cảm tạo ra
ấy mới thật là nguy hiểm mà nếu không kịp thời chế ngự hoặc đoạn trừ
thì con không sao có thể tiến sâu hơn vào nội tâm an ổn, trong lành.
Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú: “Nó lăng mạ tôi, chiến thắng tôi, cướp giựt của tôi. Người nào còn ôm ấp những ý
tưởng tương tự thì lòng oán hận chẳng bao giờ nguôi”. Trước đây trên
đường học đạo con có thể đã hiểu lầm rằng tu hành sẽ được hưởng
phước báu như mạnh khỏe, giàu sang, danh vọng, địa vị, thiên sắc,
thiên lạc v.v... Điều đó không hẳn là sai nhưng cũng không hoàn toàn
đúng nếu như người tu hành xem đó là mục đích hay ít ra cũng là phần
thưởng cho sự tinh tấn của mình.
Con muốn an ổn giải thoát, hay muốn đạt được tịnh lạc thì
điều kiện tiên quyết là phải loại trừ hỷ tham, ái luyến đối với các
phần thưởng ấy. Có thể vì một lý do nào đó một người tu hành được
hưởng những thuận lợi hữu lậu trên, nhưng tuyệt đối phải cảnh giác
đừng để đắm chìm, đừng để tham trước, đừng dừng lại ở mục đích ấy,
trái lại thà chịu thiệt thòi còn hơn.
Có thể rằng người tu hành vì chưa thấy được lợi ích của phước
báu vô lậu nên vẫn còn luyến tiếc những phước báu hữu lậu, vẫn chưa
từ bỏ được sự hấp dẫn, khả hỷ, khả lạc, khả ý của phước báu hữu lậu,
vẫn còn tật đố đối với những người có phước báu hữu lậu. Nếu con
thực sự hiểu đạo thì đừng tỏ ra bất mãn với những thiệt thòi, đừng
tỏ ra phân vân nghi hoặc khi phải “lựa chọn giữa ngay thật và gian
dối” nữa.
3) Người tu hành đừng thấy hơn người khác. Thật ra thành quả
của sự tu hành chẳng có công lao gì cả. Chúng ta tự tập nhiễm những
thói hư tật xấu khiến rối loạn thân tâm nay ý thức được phải tự tu
sửa để tự ổn định mình như vậy đâu có gì đáng hãnh diện mà trái lại
đáng hổ thẹn là khác.
Tóm lại mặc cảm tự ti hay tự tôn đều có nghĩa là thuộc vào
giá trị bên ngoài. Phải quên bên ngoài để tu tập bên trong thì tự
nhiên tất cả mặc cảm, tất cả lý trí vọng thức đều dần dần lùi bước.
Chúc con đạt được sự an ổn chính mình trên hành trình tự tu,
tự giác
Thân ái chào con. [Thư số 27]
Ngày ........
tháng ........ năm ........ T.U
con,
Nhận thư con trong thời gian Thầy đang nhập thất để tĩnh
dưỡng tối đa nhân đầu mùa an cư kiết hạ. Đáng lẽ ra thất Thầy mới
viết cho con, nhưng Thầy không nỡ để con kéo dài tình trạng khủng
hoảng có thể đưa đến thối giảm tín tâm trên con đường học đạo.
Tín tâm là đầu mối của tinh tấn, giác niệm, định tĩnh, trí
tuệ, giác ngộ và giải thoát. Nếu tín tâm thối giảm thì toàn bộ tiến
trình giác ngộ giải thoát sẽ bị lung lay. Đó là điều Thầy không thể
không quan tâm.
T.U, con hãy bình tĩnh, Thầy sẽ giúp con hiểu tại sao con
đang bị khủng hoảng và làm thế nào để con có thể ra khỏi tình trạng
khủng hoảng này.
Trước hết con đừng sợ tình trạng khủng hoảng mà con đang trải
qua, vì đó là quá trình tất yếu. Trên quá trình tiến hóa, con người
tất yếu phải đi qua các giai đoạn khủng hoảng đểđi vào và thoát ra mỗi chặng đường cam go, khốc liệt, rồi cứ thế họ
tiến đến cứu cánh cuối cùng.
Con đã bước qua được chặng đường vật chất thô thiển như nghèo
khổ, bệnh tật, khó khăn... mà con đã từng đấu tranh và khắc phục
được chúng, trong khi những người khác đang loay hoay trong cơn sốt
thành bại, được mất, nghèo giàu, hơn thua, yếu mạnh... Như thế con
đã ra khỏi chặng đường bùn lầy đó. Thầy mừng cho con.
Rồi bấy lâu nay con đã tiến vào một chặng đường mới, đó là
chặng đường giá trị đạo đức. So với giai đoạn vật chất thì nó cao
thượng hơn, nhưng cũng chính ở đó con tìm thấy một tình trạng khủng
hoảng mới khi con phải phấn đấu, lựa chọn giữa hai con đường thiện
và ác, tốt và xấu, ngay thẳng và gian manh, chân thực và giả dối...
Con đã thấy rằng một bên là đỉnh cao, một bên là vực sâu, và con
cũng đã quyết định phải chọn đỉnh cao cho định hướng của đời con. Đó
là quyết định đúng và cao quý. Nhưng oái oăm thay trước mắt con
những giá trị đạo đức đó dường như đang lung lay và không thực! Rõ
ràng là những kẻ đạo đức, thực thà, chất phác đang bị thiệt thòi,
đang bị chà đạp và biếm nhẽ! Còn những kẻ bất lương, gian manh, dối
trá lại nghiễm nhiên được ưu đãi, được tâng bốc và kính nể!
Như vậy đạo đức, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi có thực hay
không? Nghi ngờ này khởi lên nơi con như một thử thách khiến con
phải lẩn quẩn trong vòng thiện ác thị phi và bị bế tắc lâu dài trong
đó. Khổ nỗi bây giờ làm thiện thì khó tin và làm ác thì cũng không
sao làm được! Suy nghĩ, đắn đo, phân vân, phấn đấu, thất bại, chán
nản, nghi ngờ, khủng hoảng, bế tắc!
Nhưng rồi con cứ yên tâm, “vật cùng tắc biến, biến tắc thông” mà. Một ngày nào đó khi đầy đủ nhân duyên con sẽ vượt ra
khỏi thiện ác thị phi để thấy ra một chân trời mới, một chặng đường
mới. Ở đây đạo đức sẽ không đòi hỏi điều kiện nào cả, nó chấp nhận
thiệt thòi, chà đạp và biếm nhẽ vì nó đã thoát thai để trở thành trí
tuệ với chân lý tuyệt đối và tối thượng, không phải nhân quả thiện
ác tầm thường. Giống như con sâu biến thành con nhộng.
Và khi con bước vào chặng đường mới này của trí tuệ con lại
phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng mới, như nhộng phải biến
thành bướm để bay vào khung trời cao rộng: đó là sự phân vân giữa
chân và vọng, giữa khổ đế với diệt đế, giữa tập đế với đạo đế.
Nếu con vượt qua chặng đường này con sẽ “parasangate” như trong câu chú cuối Bát Nhã Tâm Kinh: “Gate, gate,
paragate, parasangate, Bodhi svàhà” (vượt qua, vượt qua, vượt
qua bờ bên kia, hoàn toàn vượt qua bờ bên kia, đó chính là tuệ giác
!).
Đó, con thấy không, chặng đường nào cũng phải có hai bờ để
khủng hoảng và để vượt qua. Con đang vượt qua, vượt qua... tất nhiên
con phải kham nhẫn nhận chịu đớn đau và khủng hoảng. Vậy con hãy
tinh tấn, sáng suốt, định tĩnh, đừng để tín tâm thối giảm, đừng để
phóng dật trổ sinh.
Hãy tin ở con, không tin ở lý thuyết nhân quả tái sinh một
cách máy móc và kinh điển, không tin ở giá trị đạo đức nào tiên
định. Chân lý chỉ tìm thấy nơi con khi con sáng suốt, định tĩnh,
trong lành, giác ngộ và giải thoát. Có một số vấn đề về nhân sinh,
vũ trụ, đạo đức v.v... Đức Phật chỉ tạm dùng để giải thích cho người
mới học đạo, rồi sau những sự thật này cần phải được hành giả tự
thấy, tự chứng ở mức độ thâm sâu, vi tế và như thực chứ không nhắm
mắt tin theo một số khía cạnh nhỏ mà Đức Phật vì lòng từ bi tạm tùy
cơ ứng hóa để người tu học yên tâm tu niệm.
Thầy cũng có thể giải thích cho con một số khía cạnh về nhân
quả nghiệp báo nhưng thật là dài dòng vô ích. Riêng ở khía cạnh con
thắc mắc Thầy có ý kiến thế này:
1) Đối với người thiên nặng về vật chất thì đạo đức bị xem
thường, người này có thể làm điều ác để được mục đích lợi dưỡng. Và
khi người này gặp thời, nghĩa là thời mà đa số con người thiên nặng
vật chất thì người ấy được tôn trọng, được địa vị, danh vọng, uy
quyền. Nhưng con nghĩ thế nào khi họ không gặp thời nữa?
Giống như trên một đồng lúa, gặp thời con người lười biếng
thì cỏ được tốt tươi, lúa bị èo uột. Còn gặp thời con người siêng
năng thì lúa được tốt tươi, cỏ bị nhổ bỏ. Thời của nhân quả cũng
vậy.
2) Đối với người thiên nặng đạo đức thì vật chất bị xem
thường, người này có thể làm thiện để được phước báu tinh thần. Và
khi người này gặp thời, nghĩa là thời mà đa số con người thiên nặng
đạo đức thì người ấy được tôn trọng, được địa vị, danh vọng và uy
quyền. Trái lại thì cũng bị chê bai, khinh bỉ, chà đạp. Đời là vậy
có gì con phải ngạc nhiên!
Ngày xưa Khuất nguyên thấy đời đục cả chỉ một mình ông trong
nên ông khổ sở lắm. Có lần ông ra bờ sông Thương Lương đứng than thở
trò đời thì nghe một ngư ông hát:
Thương Lương chi thủy thanh hề khả dĩ trạc ngã
anh
(Nước sông Thương Lương trong thì ta giặt giải mũ, còn nước
sông Thương Lương đục thì ta dùng rửa chân).
Con cũng vậy, nếu con đặt trọng tâm của đời sống là giác ngộ
thì chính trò đời này đã phơi bày bản chất của nó cho con giác ngộ.
Nếu cuộc đời không có những nguy hiểm mà chỉ có những vị ngọt thì
khó có người giải thoát, phải không con? Còn nếu con đã là người
chấp nhận con đường đạo đức mà không gặp thời thì một là con phải
thật khiêm tốn nhu hòa, đừng để lộ đạo đức ra ngoài, “đức hậu tỷ như xích tử” (đức dày giống như trẻ sơ sinh), cứ hòa với mọi
người, thương yêu và hỷ xả cho họ, miễn đừng bị đồng hóa là được.
Nếu không được như vậy thì hai là con phải có khí phách cao ngạo một
tí, phải xem thường bình phẩm khen chê ở đời, phải xem thường những
thiệt thòi mà con phải chịu đựng. Con không nhớ câu nói của Chúa:
“Kẻ nào chịu thiệt thòi trên thế gian này, kẻ ấy được ưu tiên trên nước Thiên đàng” sao? Thế gian là quyền lợi vật
chất, còn thiên đàng là an lạc tinh thần. Nếu một người thực sự đạo
đức họ sẽ an bần lạc đạo như lời Chúa và các bậc Thánh hiền
dạy. Vì thật ra chưa nói đến tối thượng an ổn khỏi các ách phược của
một bậc hoàn toàn giải thoát, chỉ những an lạc tinh thần cũng đủ đền
bù biết bao thiệt thòi ở giữa thế gian đầy tranh chấp nhiệt não,
phải không con?
Thật là hay nếu con lắng sâu hơn nữa để nghe từ bên trong
những giá trị đạo đức đích thực, để bắt gặp một niềm an lạc tinh
thần mà không một quyền lợi nào trên đời có thể so sánh được. Người
nào đạt được thiền tịnh thâm sâu Đức Phật gọi là đã đạt được hiện
tại lạc trụ của các bậc Thánh. Lắng sâu cũng có nghĩa là vượt qua,
vượt qua cái vỏ bề ngoài của những tư tưởng, ý niệm hay hành động
đạo đức để hướng vào bên trong (Opanayiko), bên trong nữa... cho đến
khi con bắt gặp sự thâm sâu của thiền: sáng suốt, định tĩnh, trong
lành, giải thoát và biết mình giải thoát.
Có sá gì những phần thưởng bên ngoài của đạo đức, có sá gì
những thiệt thòi mà cuộc đời bắt con gánh chịu, hãy lắng sâu vào bên
trong bằng con đường Chánh Niệm Tỉnh Giác, hãy lắng sâu, lắng sâu
đến chỗ uyên áo của đạo.
Thân ái chào con. [Thư số 28]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
D.H con,
Bất kỳ ở đâu người Phật tử cũng chỉ làm tròn phận sự của mình
là không làm việc ác, làm việc lành và giữ tâm thanh tịnh. Cuộc đời
vô thường nay rày mai khác, khi thuận thì yên, không thuận thì khổ.
Nhưng biết làm sao với cái trò xuôi ngược của cuộc đời, bởi vậy tốt
nhất là tự giác để có thể an vui tự tại và đem lại cho những người
chung quanh cái cao đẹp của một người chơn chánh, hiền lương.
Làm một người Phật tử thật là dễ nhưng cũng thật là khó. Khó
là vì nó dường như đi ngược dòng đời. Đời thì tranh đấu, giành giật,
hơn thua... để đạt cái mục đích quyền thế, danh lợi... và mỗi người
bị cuốn hút vào hết đợt sóng này qua đợt sóng khác của cuộc bể dâu.
Còn đạo thì âm thầm tinh tấn để tự thắng mình, thắng tham lam, ích
kỷ, ngã mạn, kiêu căng, tật đố, si mê, thù hận, cố chấp v.v... cho
nên đi ngược dòng đời. Người ta tưởng tự thắng mình là việc làm ích
kỷ cá nhân, không chịu đấu tranh cho xã hội, và vì vậy người ta cho
là dễ dàng và tiêu cực. Nhưng cho đến khi nào thực sự đối diện với
mình mới thấy Đức Phật nói:“Attà have jitam seyyo” (Quả thật
tự chiến thắng mình là chiến thắng ưu việt) là đúng. Đức Chúa cũng
nói: “Tự chiến thắng mình hơn chiến thắng ngàn quân” bởi vì
có thắng những xấu xa đê tiện của mình thì lòng vị tha và những đức
tính cao quý mới phát triển và chỉ khi đó con người mới thực sự là
con người sống vì lợi ích của mọi người, con người vô ngã, vị tha.
Phật giáo đích thực không phải là tôn giáo để cầu nguyện mà
tự mình phải thể hiện đời sống tự giác, giác tha. Cầu nguyện có thể
có nhưng với mục đích giúp con người thắng được lòng ích kỷ, ví dụ
khi ta cầu nguyện: “Nguyện cho tất cả chúng sanh an lạc, bất tranh” (Sabbe sattà averà hontu sukhità hontu). Và cho đến khi
nào có tâm hồn như vậy người ta mới có thể thật sự vị tha, còn không
thì vị tha chỉ là chiêu bài cho cuộc đấu tranh quyền lợi để dành lấy
cho mình một chỗ đứng an toàn.
Nhiều người Phật tử đã biến chân lý của Đức Phật thành mê tín
dị đoan để phục vụ cho những khát khao đầy trần tục của họ, và chính
họ đã làm mờ đi con đường chơn chánh mà đáng lẽ họ phải thực hành để
tự mình hoàn thiện.
Chân, Mỹ, Thiện không đến với những người cầu xin chư đại
bồ-tát ban bố cho mà đến với những người tự mình sống trong giới, định, tuệ, tự biến hành động, lời nói và ý nghĩ của mình thành
chân, mỹ, thiện. Bao lâu trí, tâm và thân chưa được sáng
suốt, định tĩnh, trong lành thì tất cả khẩu hiệu cao đẹp chỉ là
chiêu bài vô nghĩa. Ví dụ khi người ta nêu khẩu hiệu “Lương y như từ
mẫu” thì có nghĩa là các Thầy thuốc đang tắc trách bởi vì nếu đã như
từ mẫu thì còn phải nói làm gì khẩu hiệu đó. Vì vậy đạo là hành động
hợp với chân, mỹ, thiện chứ không phải là cầu xin ở thánh thần, cầu
xin tức là chưa có mà cái toàn thiện thì đã sẵn có ở mỗi người, chỉ
cần tự mình phát huy ra thì thể tướng dụng tự tròn đầy.
Tất cả những đạo lý mà Đức Phật dạy đều nhằm phát huy chơn
tánh của mỗi người đến chỗ bản nguyên tốt đẹp nhất, như Tứ niệm Xứ,
Tứ Chánh Cần, Tứ Thần Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát
Thánh Đạo, Thập độ, Tứ Vô Lượng Tâm v.v... chỉ cần hiểu đúng và hành
đúng những đạo lý đó thì đem lại biết bao an lạc cho đời.
Thầy chúc con thể hiện tốt con đường Đức Phật đã dạy và chứng
nghiệm được những kết quả hiện tiền.
Thân ái chào
con. [Thư số 29]
Ngày ........
tháng ........ năm ........ T.D con,
Thế là con đã thi xong, bây giờ tốt hơn là nghỉ dưỡng sức, cứ
thấy con ngồi học với cái vẻ lo lắng Thầy không đồng ý chút nào.
Việc học chủ yếu ở chỗ biết dùng thời giờ hợp lý và biết cách chú
tâm. Nếu con phân vân bởi ý nghĩ có đậu hay không, nếu không đậu thì
phiền lòng cha mẹ hay xấu hổ với bạn bè v.v... thì con đâm ra lo
lắng, rồi cố gắng quá mức và kết quả là dù đậu hay hỏng thì con cũng
phải suy nhược thần kinh.
Đáng lẽ có dịp Thầy phải góp ý với ba mẹ con là không nên
khuyến khích con cái bằng cách buộc nó phải kỳ vọng ở một sự thành
đạt vinh hiển trong cuộc đời. Phải để cho nó thoải mái học hành, còn
tương lai tùy thuộc nơi nhân cách chứ không phải nơi bằng cấp hay
địa vị. M.A chẳng hạn, Thầy thấy nó thất bại trên đường khoa cử công
danh nhưng trái lại về nhân cách và kinh nghiệm sống thì thật là
đáng ca ngợi. Ba
mẹ con đã tặng cho con nhiều ưu ái và đặt nơi con nhiều kỳ vọng đến
nỗi Thầy phải lo ngại và khi con đi khám với kết quả là suy nhược
Thầy biết mình đã đoán đúng. Nhiều khi Thầy muốn khuyên con bỏ qua
một bên mà đi chơi cho thoải mái một chút, nhưng Thầy biết con không
dám làm như vậy trong khi mọi người dường như đang chờ đợi ở con một
cái gì, và thế là Thầy đành chịu thua.
Con hãy đọc truyện “Ông vua cởi truồng” trong cuốn
Vũ Nữ It-Zu, và con sẽ thấy một cách giáo dục sai lạc của cha
mẹ, Thầy giáo, nhà trường, xã hội v.v... đối với con em như thế nào.
Người ta toa rập với nhau để bóp chết nhân cách và sự sáng tạo của
trẻ bằng cách uốn nó thành những hình nộm vừa tầm vóc với những ước
mơ của họ.
Chẳng phải vì độc ác mà người ta làm như vậy, người ta vẫn vì
tình thương, vì tương lai của con cháu. Chỉ tiếc họ thiếu hiểu biết
nên không thấy rằng để đổi lấy cái tương lai đó - cái bóng dáng bản
ngã lý tưởng của họ - người ta vô tình tước đi nơi con em bản chất
đích thực của một con người. Thầy không phủ nhận tình thương nhưng
tình thương như vậy có thật đem lại điều gì lợi ích không?
Thật tình Thầy không có ý chỉ trích, cũng không phải để con
oán trách người lớn mà chỉ muốn nói lên một sự thật để con có thể tự
mình phục hồi và phát triển bản chất tự do sáng tạo của mình.
Dù là trong đạo Thầy cũng không vạch định một cái đích với
những giáo điều khuôn sáo để kỳ vọng con phải noi theo và thành đạt.
Thầy chỉ khơi cho con cái cảm hứng để tự mình chiêm nghiệm và nhận
chân lẽ sống mà không cần phải lẩn tránh nó cũng không bị nó buộc
ràng. Và từ đó, như một đóa hoa, nhân cách, trí tuệ và tự do sẽ chớm
nở giữa những thăng trầm của cuộc sống.
Có những người bị cha mẹ, nhà trường, tôn giáo nặn thành mẫu
người đức hạnh, hiền hòa, nhỏ nhẹ, văn hoa, lịch sự hoặc kiêu hùng
v.v... đủ để trở thành con người giấy sơn phết ra trò... Nhưng chỉ
để làm mồi cho lửa. Thế mà thực tế cuộc đời lại là lửa đấy con ạ.
Không có một kiểu cách giả tạo nào có thể chịu được nó ngoài cái
nhân cách chân thật phát sinh từ sự sáng suốt, định tĩnh, trong lành
đủ để thấu hiểu và ngự trị đời mình.
Con và Thầy đã chứng kiến tận mắt những con người xem ra rất
tề chỉnh thế mà đùng một cái hoàn toàn trở thành lố bịch. Khổ một
nỗi họ không thấy như thế là lố bịch mà cứ tưởng rằng cái tôi tề chỉnh của mình bị người đời xúc phạm. Giống như một diễn viên
sân khấu, quen đóng vai ông lớn nào đó, được khán giả hoan hỉ tán
thưởng, rồi tưởng ngoài đời mình cũng là ông lớn thật thì làm sao
không rước lấy tai họa, phải không con?
Bản ngã của một người được hình thành bởi sự giáo dục của gia
đình, trường sở, tôn giáo, xã hội v.v... cộng với sự tập thành do
thói quen, tình cảm, lòng ham muốn và sự ngu muội của mỗi cá nhân,
khiến họ trở thành những “kẻ xa lạ” như Albert Camus
nói. Xa lạ là xa lạ với chính bản chất đích thực của mình. Cho đến
khi con người thật hoàn toàn tê liệt thì kẻ xa lạ cũng
đã chiếm ngự hoàn toàn, lúc đó ta hoàn toàn nô lệ cho kẻ chiếm ngự
ta. Ta giả làm ông thánh, người hùng hay nghệ sĩ v.v... còn con
người thật thì muôn đời chẳng bao giờ còn cơ hội để làm thánh, anh
hùng hay nghệ sĩ nữa!
Muốn cứu thoát mình khỏi những ảo vọng hình thành bản ngã,
như Thầy vừa sơ phác, con người phải làm lại từ đầu bằng cách tự
tri, có tự tri mới có tự giác, có tự giác mới có tự chủ, có tự chủ
mới bắt đầu phục hồi bản chất tự do sáng tạo của mình. Đó là con
đường giác ngộ mà ta thường gọi là Đạo Phật. Đạo Phật đích thực chứ
không phải cái tôn giáo mang tên nó với đầy rẫy những giáo điều mà
những kẻ mê tín thêm thắt vào.
Những ngày Thầy ở Huyền Không thật là tuyệt diệu, ngày ngày
tự do, lao động và sáng tạo. Tự do, sáng tạo ngay trong chính những
kỷ luật vi tế nhất mà mỗi người tự ý thức để ngự trị mình từng giây
từng phút. Ai tưởng tự do là vô kỷ luật, phóng túng, người ấy trả
giá bằng chính cái ý tưởng luôn luôn bị mất tự do. Nhưng ai tự khép
mình vào một thứ kỷ luật rập khuôn nào đó để đóng vai cho ra trò thì
người ấy tình nguyện làm nô lệ cho “kẻ xa lạ” muôn
đời.
Nhưng con thấy đó, không phải ai đến Huyền Không cũng hưởng
được không khí tự do vi tế ấy nếu họ không có được tâm thái như vậy.
Nếu họ đạt được thì họ đã tự do bất cứ nơi nào, bằng không thì dù ở
thiên đàng họ cũng là người khổ sở. Lục Tổ Huệ năng nói rằng nếu
người ta không thanh tịnh ở cõi đời thì có lên cõi Tây Phương cũng
chẳng thể nào thanh tịnh hơn. Còn Đức Phật đã dạy: “Ai thanh tịnh người ấy thấy các pháp đều là thanh tịnh”.
Vậy hạnh phúc hay tự do đều tùy thuộc ở con, đừng hy sinh nó
và cũng đừng đánh mất mình trong cạm bẫy của một ngày mai hứa hẹn.
Nhân cách, trí tuệ và tự do phải có bất cứ lúc nào, không tùy thuộc
vào tương lai hay quá khứ.
Thầy chúc con mạnh khỏe và thật nhẹ nhàng.
Thân ái chào con. [Thư số 30]
Ngày ........
tháng ........ năm ........
H.C con,
Thầy đã nhận được thư con qua chị HN, và nhất là được xem một
số hình con chụp chung với chị LT và các sư.
Rất tiếc là qua thư từ Thầy không làm được công việc của một
nhà phân tâm học để giúp con giải tỏa một số stress do quá trình
phấn đấu nội tâm của con gây ra. Nhưng Thầy nghĩ rằng quá trình sống
đạo giữa cuộc đời phức tạp tất nhiên lúc đầu không sao tránh khỏi
những khó khăn nhất định nào đó. Con có quyền vận dụng cách tu tập
tùy ý miễn là phải tự tin, trầm tĩnh và sáng suốt.
Thầy nói tự tin là vì không nên sợ hãi khi thấy mình phải đối
diện với những mâu thuẫn nội tâm. Mặc dù con người thì đều có bản
năng, tình cảm, tính dục và mâu thuẫn dồn nén như nhau. Nhưng giữa
chúng ta, những người sống đạo, với người không sống đạo khác xa
nhau lắm. Một bên là mê mờ, một bên là tỉnh thức. Hãy tin vào sự
tỉnh thức của mình như vị Thầy dẫn đường luôn luôn có mặt bên ta. Sở
dĩ những người bạn của con đang bị biến chứng của dồn nén là vì họ
chỉ sống với bản năng, tình cảm, ý chí và lý trí mà chưa bao giờ
tỉnh thức, chưa bao giờ thắp lên ngọn đuốc của trí tuệ để soi sáng
chính mình. Chúng ta cũng như họ thôi, nhưng nếu chúng ta thắp sáng
chính mình thì không phải là biến chứng của dồn nén mà lại là giác
ngộ giải thoát và diệu dụng đấy con ạ.
Thế tại sao con phải sợ. Một vị thiền sư nói rằng “Đừng sợ vọng khởi chỉ sợ không giác kịp”, nghĩa là chỉ sợ không sáng
suốt, tỉnh giác mà thôi. Con đừng nghĩ rằng Thầy có một phương pháp
phi thường nào đó đầy bí ẩn hay rất phức tạp khó khăn để trở thành
một con người siêu việt, chung qui pháp hành hàng ngày của Thầy chỉ
là sáng suốt, định tĩnh, trong lành trong mọi sinh hoạt của đời sống từ ngoại giới đến nội tâm, từ hành động đến ý nghĩ để không
tự mình nhận chìm mình vào trong thế giới huyễn hóa do mình tạo ra.
Con thích thiền định? đó là một ý hướng tốt nhưng cũng có thể
là một trong những mâu thuẫn đưa đến dồn nén của con hiện nay. Thiền
định phải hiểu và hành đúng mức bằng không sẽ là con dao hai lưỡi:
một là thăng hoa thành diệu dụng, hai là dồn nén và sinh ra biến
chứng tâm thần.
Thiền định là một mức sống tâm linh cao nhưng nó có nhiều
hướng tùy theo người thực hiện nó. Nói chung có ba hướng (mục đích):
-
Để giữ gìn sức khỏe (như hattha yoga, thiền dưỡng
sinh, luyện đan, khí công v.v...)
-
Để đạt được một số trạng thái tâm linh: hỷ lạc,
xuất thần v.v... (như ràja yoga, tu tiên, thiền xuất hồn...)
-
Để đạt được một số khả năng, pháp thuật, hoặc thần
thông (như một số phái thiền của Mật tông, chú thuật, thôi miên
v.v...)
Những mục đích trên dù tốt hay xấu cũng không phải là mục
đích chân chính của Đạo Phật. Vì vậy mà Thiền tông đã loại thiền
định ra ngoài xem đó như đá đè cỏ, hoặc mài gạch thành gương, không
bao giờ thấy tánh.
Nhưng Đức Phật vì hiểu rất rõ tính chất của thiền định nên
Ngài không loại trừ nó. Ngài chỉ cảnh giác rằng đừng quá đam mê, đắm
chìm trong đó mà thôi. Ngài vẫn đặt nó vào trình tự của đạo vì đối
với Ngài phương tiện này nếu khéo sử dụng vào mục đích chân chính sẽ
là lợi ích lớn cho hành trình giác ngộ giải thoát.
Thiền định trong Đạo Phật không chấp nhận ba mục đích nêu
trên nhưng xem đó như là kết quả phụ tùy. Chánh định có ba mục đích
khác :
1) Làm lắng dịu và hóa giải những vọng động che lấp tâm khiến
tâm mê mờ, mất khả năng và khó sử dụng. Đây là yếu tố Chánh Tinh Tấn
trong thiền định.
2) Trở về chính mình, không hướng ngoại, không để ngoại cảnh
lôi cuốn và chi phối. Đây là yếu tố Chánh niệm trong thiền định,
thường đi đôi với tỉnh giác.
3) An chỉ nhất tâm, giải thoát khỏi ngũ dục (sắc định) hoặc
giải thoát khỏi sắc tưởng (vô sắc định) nhờ vậy tâm được buông xả,
nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, ổn định và kiên cố.
Sở dĩ chúng ta bị phiền não, khổ đau, căng thẳng, dồn nén là
do tâm bị lôi cuốn ra ngoài quá nhiều (thất niệm), sinh ra phóng
dật, vọng động (thiếu tinh tấn), không giữ được quân bình thư thái,
an ổn (thiếu định). Vì vậy thiền định trước tiên là trở về với chính
mình (chánh niệm), thắp sáng chính mình (tỉnh giác), để phát hiện sự
sinh diệt của các vọng động (5 triền cái), chế ngự, ổn định chúng
(tinh tấn) và an chỉ ở đó (chánh định). Khi người ta có tham vọng
tập trung tư tưởng vào một đối tượng nào đó với mục đích đạt được
một sở đắc thì đó chỉ là một hình thức khác của tham lam, muốn được
an lạc, chạy trốn đau khổ, hoặc muốn có một uy lực siêu việt, và như
thế chỉ tạo mâu thuẫn và dồn nén, có thể thay đổi bộ mặt nhưng không
thay đổi bản chất của tính dục. Vì vậy bước đầu dùng tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác để khám phá ra tánh tướng (bản chất và
hiện tượng) của các vọng động (triền cái) hay nói theo phân tâm học
là các khuynh hướng của tính dục, tức là ta làm được công việc
hữu thực hóa vô thức mà các nhà phân tâm học dùng để chữa trị
các chứng bệnh tâm thần do sự mâu thuẫn dồn nén giữa các khuynh
hướng tính dục mang lại. Như vậy thiền định đúng là cách tốt nhất để
hóa giải và thăng hoa các dồn nén, ngăn ngừa tiến trình vô thức hóa
của ẩn ức.
Con hãy tự chiêm nghiệm (lắng nghe, soi chiếu) sự sinh diệt
của các vọng động che lấp tâm dưới 5 hình thức:
1. Tham dục: tâm ham muốn, đam mê, đuổi bắt sắc tướng,
âm thanh, mùi vị và sự xúc chạm của thân tạo ra cảm thọ lạc.
2. Sân nhuế: tâm bất mãn, bực bội, bứt rứt, nôn nóng
đối với những cảm thọ khổ.
3. Hôn trầm thụy miên: tâm thụ động, thiếu hăng hái,
không quyết tâm, không chịu khởi tâm hướng đến hành xứ (đề mục, đối
tượng hay công án thiền), lơ đểnh hoặc quên lãng hành xứ, xuất hiện
rõ nét nhất là buồn ngủ, dã dượi, uể oải, tiêu cực.
4. Trạo hối: tâm nghĩ tưởng (suy nghĩ và tưởng tượng)
quá khứ, vị lai, phóng ngoại, quá phấn khích. Nếu tham dục phóng
ngoại trên các đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc thì trạo hối
chạy theo pháp trần (hồi tưởng quá khứ, tưởng tượng tương lai, ý
tượng, ý niệm, tư tưởng và sự hối tiếc). Nếu như hôn trầm thụy miên
là thụ động tiêu cực, thì trạo hối lại quá tích cực dao động. Vì vậy
nó chính là tâm viên ý mã.
5. Nghi: tâm không yên, hoang mang, bất định, phân
vân, thiếu xác tín, thiếu trầm ổn, không biết an trú nơi đâu.
Khi bắt đầu thiền định con chọn một hành xứ (đề mục) nên chọn
một hành xứ trên chính mình, chẳng hạn hơi thở. Con ngồi ngay ngắn
nhưng thư giãn, thoải mái, buông xả nghỉ ngơi hoàn toàn, giống như
khi con làm xong một việc gì, tự cho phép mình buông xả nghỉ ngơi
thoải mái vậy. Khi thấy thân tâm đã thư giãn thoải mái, con bắt đầu
hướng tâm đến hơi thở (từ chuyên môn gọi là tầm), kèm theo
một sự chú tâm, gắn bó vào hơi thở như là đối tượng độc nhất (thuật
ngữ thiền gọi là tứ). Con để ý sẽ thấy nếu tầm được
khởi đúng mức thì không có hôn trầm thụy miên, như vậy hôn trầm thụy
miên đã được hóa giải, thăng hoa thành một chi thiền. Nếu tứ
được khởi đúng mức thì tâm duy trì, đứng vững trên đối tượng (hành
xứ) và nghi đã được hóa giải, thăng hoa thành chi thiền thứ hai. Nếu
hai chi thiền tầm và tứ được ổn định thì liền phát sinh một số trạng
thái hỷ như nổi ốc khắp toàn thân, nhẹ nhàng như bay lơ lửng,
cảm thấy lắc lư rất đều đặn như đưa võng hoặc ngồi trên thuyền, cảm
thấy mát lạnh dễ chịu như khi nóng mà được trầm mình trong nước,
thấy ánh sáng trước mặt hoặc bao quanh mình. Nếu có những trạng thái
khác những trạng thái trên, chẳng hạn thấy một cảnh tượng đẹp đẽ
hoặc ghê rợn là không đúng. Cảm thọ hỷ phải là những phản ứng trên
thân do ly dục hoặc do định tâm đem lại. Nếu không chỉ có thể là:
1. Ảo tưởng hoặc ảo giác đối với người quá tham vọng và giàu
tưởng tượng.
2. Một hình thức chiêm bao xuất hiện từ vô thức do dồn nén.
3. Một lực tác động từ bên ngoài đối với người mê tín ( người
ta gọi nôm na là điển nhập).
Thiền định phải loại bỏ 3 loại ấn chứng giả này, nếu không có
thể đưa đến bệnh tâm thần hoặc là thiền bệnh.
Khi ấn chứng hỷ đúng đắn phát sinh thì sân nhuế được hóa giải
và thăng hoa thành thiền chi thứ ba. Nó giúp cho hành giả hưởng được
hỷ duyệt của thiền định và duy trì thiền định lâu dài không chán
nản, không khó chịu như lúc đầu.
Dần dần lắng dịu và đi đến một trạng thái an lạc thư
thái, hành giả cảm thấy như khi đói mà được một món ăn vừa ý, thỏa
mãn, no đủ. Hỷ (piti) khác với lạc (sukha): một bên có cảm thọ mạnh
làm cho thân tâm phấn chấn, một bên có cảm thọ khinh nhu làm cho
thân tâm lắng dịu để bước vào ổn định. Khi ấn chứng an lạc này phát
sinh thì trạo cử được hóa giải và thăng hoa thành thiền chi thứ tư,
tâm không dao động (trạo hối) nữa.
An lạc làm lắng dịu tâm và đưa vào ổn định, lúc đó trạng thái
nhất tâm, kiên định và cảm thọ quân bình (xả) phát sinh, tâm
được hoàn toàn an chỉ. Khi định xả phát sinh thì tham dục được hóa
giải và thăng hoa thành thiền chi thứ năm.
Như vậy với tinh
tấn, chánh niệm, tỉnh giác, con có thể thực hiện được ba mục đích của thiền định: sáng suốt trở về với chính mình để thấy rõ sự
sinh diệt của các triền cái, hóa giải các triền cái, và thăng hoa
thành các thiền chi (yếu tố của tâm định). Định như vậy mới phát
sinh trí tuệ, mới được đặt vào trình tự của con đường giác ngộ giải
thoát.
Có một trường hợp hành giả có thể lấy tâm không làm
hành xứ (tâm không là trạng thái tâm sáng suốt định tĩnh trong lành
chứ không phải vô tâm trống rỗng), ngồi buông xả hoàn toàn không
nghĩ ngợi gì cả, không chú tâm vào một đề mục hữu tướng nào (nhưng
thật ra có chú tâm vào tâm không). Thiền như vậy nếu trình độ
tâm và tuệ đã cao thì hay, nhưng nếu tâm và tuệ còn kém thì sẽ rơi
vào một thiền bệnh khá nguy hiểm là trầm không trệ tịch, tức
bị kẹt vào không, chấp không, tưởng vô tâm trống rỗng là cứu cánh,
vì vậy mà một số vị Tổ phái Trúc Lâm Yên Tử phải cảnh cáo: “Mạc vị vô tâm vân thị đạo, vô tâm do cách nhất trùng quan” (đừng bảo
vô tâm là chính đạo, vô tâm còn cách một ngăn rào). Có người đạt
được vô tâm tưởng là kiến tánh lại càng là thiền bệnh nặng hơn. Cho
nên các thiền sư phải cảnh cáo “thức đắc bổn tâm bổn tánh, chính thị tông môn đại bịnh” (thấy mình đã đạt bổn tâm bổn tánh chính
là đại bịnh của thiền).
Tốt hơn con không nên lấy đề mục tâm không làm hành xứ
trừ phi con dùng nó như một lối thư giãn nghỉ ngơi (relaxation) thì
được. Còn thiền định thì nên lấy hơi thở làm hành xứ là tốt nhất,
nhớ là chỉ theo dõi hơi thở tự nhiên, không cố gắng điều khiển hơi
thở như yoga, khí công gì cả. Và nhớ đừng vẽ vời thêm bất cứ gì bên
cạnh hơi thở gần gũi và giản dị của mình.
Nếu ứng dụng những yếu tố tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác và
chánh định thì con nên thực hiện thế này:
1) Lúc động, tức lúc sinh hoạt bình thường: tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác nhiều hơn, định ít hơn.
2) Lúc tịnh, tức lúc có điều kiện ngồi thiền thì chánh niệm, tỉnh giác, định nhiều hơn, tinh tấn ít hơn.
Tuy nhiên nếu không đủ điều kiện thì không nên cố gắng định
tâm một cách gượng gạo, đừng dùng ý chí quá nhiều. Tốt hơn chỉ nên
ngồi dưỡng thần (nhưng cũng phải đúng theo nguyên tắc thiền định nói
trên).
Kiểm tra thành quả con đừng y cứ trên sở đắc những trạng thái
mà chỉ nên xem lại:
-
Đã thấy rõ và chủ động được 5 triền cái và 5 thiền
chi chưa?
-
Có lìa bớt những lôi cuốn, ràng buộc, đam mê trong
5 trần (ngoại cảnh) không?
-
Có đoạn giảm được các ác pháp như tham, sân, si,
ngã mạn, ích kỷ, tà kiến không?
-
Có thấy được các diễn biến sinh diệt trong tiến trình tâm - sinh
- vật lý không?
Bởi vì con nhớ rằng chữ Thiền (Jhàna) có nghĩa là soi sáng
hay đốt cháy phiền não; là ly huyễn, là nhật tổn (càng ngày càng bớt
ngã chấp và bất thiện pháp) chứ không phải là “tôi đã được trạng
thái này, tôi đã đắc trạng thái kia” để làm giàu cho bản ngã, để
thỏa mãn tham vọng của tính dục.
Nếu trong khi hành có biến chuyển gì con nên cho Thầy biết
sớm. Chúc con an
vui.
Thân ái chào con. Ðầu trang | Lời nói đầu | 01 - 10 | 11 - 20 | 21 - 30 | 31 - 42 | -ooOoo- |
[Trở
về trang Thư Viện]
updated: 2007