loading
Chia sẻ
Trẻ con

Sáng nay ở Mầm Non Yêu Thương, bạn ấy (6 tuổi), đứng đầu này của ghế đi thăng bằng, đón từng em nhỏ (3&4 tuổi), đi từ đầu kia lại, bế và xoay vòng rồi mới thả em xuống. Các em nhỏ khoái chí, cười tít cả mắt. Được anh thả xuống xong là chạy vội lại đầu kia xếp hàng để đi thăng bằng tiếp. Và được bế xoay tiếp.

Mình “lỡ dại” khen mấy anh em, đặc biệt là khen bạn ấy.

Mình đi một đỗi hơi lâu rồi mới quay lại. Mấy anh em vẫn còn chơi trò đó. Lúc đó mới nhận ra sự “lỡ dại” của mình! Ngược với miệng cười khoái chí của các em, bạn ấy có vẻ buồn.

- T ơi sao con buồn vậy?

- (Im lặng - bồng tiếp - như robot)

- T ơi sao con không vui vậy?

- (Im lặng - bồng tiếp - như robot)

- Con mệt rồi phải không?

- (Gật gật)

- Con ơi, con mệt rồi thì con ngừng lại được mà.

- (Im lặng - bồng tiếp - như robot)

Mình vịn vai bạn để bạn dừng lại.

- T ơi nếu con mệt rồi con có thể nghỉ ngơi mà. Nè, con chỉ bồng các em khi con thấy đủ khoẻ và con vui thôi. Còn nếu con hết vui rồi, và con mệt rồi, thì con ngồi xuống nghỉ nha. Con ngồi xuống đây nghỉ đi.

- (Đứng thần ra. Chưa chịu ngồi. Kiểu như bị cuống vào một guồng quay không thể ngừng. Đôi khi, lời khen là một cạm bẫy. Sự vui vẻ hài lòng của người khác cũng là một cạm bẫy!)

Mình lặp lại câu vừa rồi. Bạn vẫn đứng thần ra. Mình thấy thương bạn quá, ôm bạn một cái. Chợt nghĩ, bạn to bự như vầy, suốt ngày thích chơi trò bồng và chiều các em nhỏ hơn trong trường. Thậm chí còn cõng được cả cô (trong đó có mình!). Thật ra tất nhiên mình biết bạn cũng thèm được bồng được ôm lắm (mà chắc không mấy ai bồng, vì bạn quá to bự). Vậy là mình cố hết sức bình sinh, bồng bạn lên.

- Cô bồng con một cái nha. Úi da, T nặng quá là nặng! Hahaha…

Xong rồi bạn mới chịu ngồi xuống nghỉ khi mình lặp lại đề nghị.

Rồi TEACHER (cách gọi cô giáo người nước ngoài của các bạn ở Mầm Non Yêu Thương) tới. TEACHER với bạn chào hỏi nhau vài câu. Trong đó có câu hôm nay con thấy sao. Bạn nói “ANGRY”! TEACHER hỏi tại sao nhưng bạn không nói. Rồi TEACHER và bạn chào nhau để đi vào lớp vì tới giờ dạy các em.

Mình ôm bạn.

- Sao con ANGRY vậy?

- (Không nói)

- Vì con bồng các em nhiều quá con mệt hả?

- (Gật gật)

Mình lại dặn bạn bữa sau con hãy chỉ làm khi con thấy thích & có đủ sức. Hết vui rồi hay mệt rồi, thì cứ dừng lại. Mình biết bạn dạ đó rồi có khi lại quên thôi. Vì xưa giờ, bạn thường muốn LÀM HÀI LÒNG mọi người, đặc biệt là với MẸ.

 

Cũng dễ hiểu. Khi một đứa con thấy mẹ mình không ai chăm sóc, nó tự đặt lên vai mình trách nhiệm PHẢI LUÔN LÀM MẸ VUI, LUÔN LÀM MẸ HÀI LÒNG. Điều đó là quá sức. Có đứa nhỏ nào mà vác nổi cái gánh LÀM MẸ VUI. Nên nó sẽ VỪA MUỐN VÁC (vì quá yêu mẹ) – VỪA GIẬN DỮ TỪ BÊN TRONG (vì không làm nổi). Ngay cả nếu người mẹ không có kỳ vọng gì về việc con phải làm mẹ vui, thì đứa con vẫn cứ muốn. Nếu người mẹ thật lòng kỳ vọng “Con là tất cả niềm vui của đời mẹ”, thì xác định luôn là GÁNH ĐÓ CÀNG NẶNG HƠN GẤP NGÀN LẦN.

Bởi vậy, thỉnh thoảng, mình lại nói với mẹ bạn ấy, “Chị đi chơi đi nha, coi phim, spa, làm gì đó mà chị cảm thấy vui, đi đâu đó mà chị cảm thấy thích”. Nhưng lần nào cũng là, “Thôi không thích đi đâu hết cô ơi! Đi làm mệt, xong chỉ có muốn ngủ thôi, chẳng muốn làm gì khác.” Sau đó thể nào mình cũng vớt vát kiểu, “Đi làm mãi rồi, lâu lâu tự đóng cửa nghỉ 1 bữa cũng không sao đâu chị, tự cho phép mình tận hưởng sự nghỉ ngơi, hay vui chơi…” dù lần nào cũng chỉ là “Thôi – chị không thích!”. Thương!

Quay lại với bạn đang ANGRY. Mình trò chuyện một hồi. Rồi có một em nhỏ tới rủ bạn chơi banh. Bạn sà xuống liền để chơi (chắc vì chiều em là chính). Và mình biết thực ra cái bạn cần hơn là được “cứ là trẻ con”, được chiều chuộng một tí, thay vì cứ lòng vòng đi làm hài lòng người này người kia. Nếu không trọn vẹn là trẻ con khi còn là trẻ con, thì mai mốt cũng khó lòng “trưởng thành thật sự” khi là người lớn. Bên trong sâu thẳm đâu đó, có thể sẽ luôn cảm thấy thiếu thốn.

Sau khi mình “xúc tiến” cho em nhỏ đi chơi với bạn ở chỗ khác, mình lại trò chuyện với bạn tiếp. Và mình nói với bạn về tình yêu thương to lớn mà Ba bạn dành cho bạn (người mà ngay từ nhỏ bạn đã chưa được gặp bao giờ). Sau đó mình còn giả bộ đóng vai Ba bạn, dang tay rộng khi gặp bạn, ôm bạn, nói Ba yêu và thích con, nhớ con thiệt nhiều. Mình tin là đứa trẻ có thể vẫn có được tình yêu của Ba dành cho mình ở trong trái tim, dù có đang xa cách đến thế nào, dù sự thật là Ba yêu nhiều hay ít hay không biết đến sự tồn tại của con (như trường hợp của bạn). Mọi lý do đều không thể ngăn cản việc đứa trẻ được cảm nhận tình yêu của Ba ở trong trái tim, nếu nó cho phép điều đó xảy ra! Đứa trẻ sẽ an vui hơn rất nhiều – thậm chí thấy đủ đầy, với tình yêu quan trọng đó!

Không có tình yêu của Ba, đứa trẻ gồng mình “làm người lớn”, có tình yêu của Ba, đứa trẻ thả lỏng và lại trở về đúng là trẻ con.

Sau đó mình thấy bạn vui lên. Bạn muốn được chiều chuộng (thiệt là mừng!). Con muốn trái banh. Cô tìm banh. Con muốn banh to, không phải banh nhỏ. Cô tìm banh to. Thôi con không muốn banh to nữa, con muốn cái này (một khối đồ chơi). Được. Thôi giờ con muốn cây đàn này, con đổi cái này lấy cây đàn. Được, cho con chơi hết cả hai đó. Thôi con chỉ lấy một cái thôi. Lấy hết cả hai đi, nếu con thích, con được chơi tất cả. Thôi con chọn cây đàn thôi. Được. Người hay cho đi (với sự lo lắng sâu xa nào đó bên trong), lại thường ngại ngần khi đón nhận…

Khi đứa trẻ chỉ hướng ra bên ngoài, nó lo lắng tìm cách làm hài lòng người khác (hoặc sẽ là lôi kéo sự chú ý bằng nhiều cách khác nhau như là NGOAN NGOÃN, hoặc ĂN VẠ, hay NHÕNG NHẼO, hoặc HUNG HĂNG, hay BỊ BỆNH, v.v…).

Khi đứa trẻ quay vào bên trong, là khi nó được phép cảm nhận mình đang cảm thấy gì, đang muốn gì. Quay vào bên trong trước - và đủ đầy từ bên trong trước – thì khi hướng ra bên ngoài, lúc ấy mới vui hơn, nhẹ nhàng hơn, không gồng, không lo lắng quá, không cố quá sức, không phải tới mức thốt ra từ ANGRY nữa!

Vậy nên. Dù nó thật khó đối với con, mong sao con cứ là trẻ con trước đi nhé! Biết mình muốn gì trước đi nhé! Vui với niềm vui của con trước đi nhé! Lúc đó, trái tim nhân hậu của con vốn dạt dào lại càng dạt dào hơn - lan toả hơn - tạo ra sức mạnh lớn lao hơn cho con (chứ không làm con mệt - hay phải cảm thấy giận nữa).

(Nguyễn Ngọc Trinh - viết ở Mầm Non Yêu Thương)

 

 
Trở lại     Đầu trang