loading
Chia sẻ
Thư ngỏ từ Mầm Non Yêu Thương

 

Mến chào Quý Phụ Huynh!

Trường Mầm Non Yêu Thương (MNYT) xin có đôi lời chia sẻ đến với Quý phụ huynh. Thư hơi dài nhưng sẽ hữu ích khi chúng ta đồng hành cùng nhau & tạo sự thống nhất ngày càng cao hơn trong việc dưỡng dục các bé yêu.

Sau đây là những quan điểm giáo dục mà ngay từ khi mới thành lập, MNYT đã hướng theo (và cũng vì nó mà trường ra đời), rất mong Phụ huynh hãy cùng hợp tác.

MNYT, nét đặc trưng hàng đầu là Cô giáo giao tiếp với bé bằng thái độ nhiệt tình, nhẹ nhàng và tôn trọng bé. Như vậy suốt một ngày ở trường, bé cảm thấy được thoải mái, gần gũi Cô, tự do và tự tin chơi đùa. Bé không phải dè chừng, sợ sệt, cảm thấy bị ép buộc điều gì. Nhờ đó góp phần hình thành nên một nhân cách tốt đẹp mai sau cho con, trong đó có sự tự tin, tự trọng, biết tôn trọng, tự do bộc lộ tình cảm, suy nghĩ & tính cách thật của mình, và hình thành tình cảm yêu thương chân thành. Điều này sẽ chỉ trở thành sự thật khi mà chính NGAY TRONG GIA ĐÌNH, bé cũng được nhận cách thức của yêu thương, tôn trọng, giống như ở trường. Vì vậy chính người lớn ở nhà cũng cần thống nhất với nhau tất cả đều không đánh đòn bé, không la mắng hay cấm cản, dọa nạt, ép buộc bé, dùng lời lẽ uy quyền của người lớn với bé. Ngược lại chúng ta thuyết phục, lắng nghe, thấu hiểu bé hơn và giúp đỡ bé chuyển hoá một cách đầy yêu thương & bao dung. Sự xung đột về quan điểm giáo dục của người lớn trong gia đình cũng cần được giải quyết một cách ôn hoà, êm đẹp. Ví dụ như mẹ đồng tình với phương pháp Yêu thương và làm theo nhưng Ba thì không hoặc Ông, Bà, Cô, Dì, Người giúp việc chưa làm được, thì chúng ta hãy tích cực trao đổi, tháo gỡ, lắng nghe nhau, và hơn hết là tích cực làm mẫu cách cư xử đầy ôn hoà, yêu thương để cho thấy được hiệu quả thực sự từ phương pháp Yêu Thương.

MNYT chủ trương dạy trẻ sống yêu thương và hòa bình, cũng như quan niệm trẻ dưới 6 tuổi chưa cần thiết phải thấy/ nghe/ hiểu về những gam màu tối trong cuộc sống (cái ác, cái xấu, đói nghèo, đau thương, tai nạn thảm khốc, chiến tranh, cướp bóc, v.v...). Ngược lại, cái thực sự cần cho trẻ ở lứa tuổi này là làm cho tâm hồn con tràn đầy, phủ kín bởi những điều như YÊU THƯƠNG, HẠNH PHÚC, VUI VẺ, SẺ CHIA, HÒA BÌNH, AN LẠC, ÔN HÒA, THA THỨ, TÔN TRỌNG, LÒNG TRẮC ẨN, v.v... Chính khi được cảm nhận, thẩm thấu, và ngập tràn những điều này trong tâm hồn mình, đứa trẻ sẽ có một cái nền thật vững chắc, đầy lạc quan, đầy yêu thương, đầy khoan dung để đối diện với những hoàn cảnh mới, những gam màu mới trong cuộc sống khi bé dần lớn hơn sau này (6 tuổi trở về sau). Đôi khi Phụ huynh sợ con mình sau này bị sốc nên “nóng vội” muốn con “va chạm” càng sớm càng tốt. Nhưng, móng nhà chưa chắc thì sao cả ngôi nhà vững? Rễ chưa bám sâu thì cây non sao chịu được bão? Con hãy còn cả một quãng đời rất dài về sau để “va chạm”, cái con cần lúc nhỏ là được định hình vững chắc một hướng đi cho tâm hồn, lưu vào tiềm thức để làm nền tảng sống trong mọi hoàn cảnh mai sau chứ không phải là “rèn giũa khi vẫn còn quá mỏng manh”. Trẻ sẽ rất hoang mang bởi chịu sự không đồng nhất của nhiều cách cư xử khác nhau từ thế giới người lớn. Vì vậy MNYT tha thiết mong Quý Phụ huynh hãy đồng hành bằng cách; cho con được cảm nhận YÊU THƯƠNG, HẠNH PHÚC, VUI VẺ, TÔN TRỌNG, SẺ CHIA, HÒA BÌNH, AN LẠC, ÔN HÒA, BAO DUNG, LÒNG TRẮC ẨN, v.v... càng nhiều càng tốt. Cần dẹp hết kiếm, súng và những trò bạo lực khác; những trò mang tính anh hùng (diệt ác, diệt gian) cũng chưa cần; dẹp luôn những game hay hoạt hình, phim mà ở đó có tranh giành, đánh đấm, đấu nhau, phục thù (dù là phe Thiện sẽ thắng phe Ác); khi đọc truyện cho con, hãy bỏ luôn hay làm giảm nhẹ những tình tiết và những từ ngữ của phe Xấu, phe Ác hay sự trả thù của phe Thiện (để sau này khoảng gần cuối Cấp Một hay Cấp Hai đọc dần vẫn chưa muộn vì lúc đó có thể phân tích kỹ hơn với con về thái độ và cách sống nên chọn sau mỗi truyện); hãy ưu tiên lựa chọn cho con xem, nghe những chương trình hay truyện, sách về Yêu thương, Tôn trọng, Hòa bình, Vui vẻ, Hạnh phúc, Gương tốt, Cách cư xử đẹp, v.v... (chẳng hạn Teletubies).

MNYT, từ Cô tới trẻ, đều không có thi thố, cạnh tranh. Bầu chọn giáo viên giỏi nhất, hay tuyên dương bé giỏi nhất tuần, hay phát phiếu bé ngoan. Điều này tuy cũng có chút tích cực mang tính động viên khuyến khích, nhưng đôi khi khiến chúng ta nghĩ tới những giá trị phù phiếm bên ngoài nhiều hơn. Điều mà MNYT muốn hướng tới là mỗi cá nhân được bộc lộ con người chân thật của chính mình, được vui sống khi làm điều mình yêu thích và thông qua đó lan tỏa hay phụng sự cho cuộc sống những điều tốt đẹp mà mình đang có, chứ không phải chú trọng xem ai giỏi hơn ai, hay ai giỏi nhất. Nó dễ dẫn đến những ước muốn chạy theo bệnh thành tích, lấy sự chiến thắng người khác làm niềm vui, nỗ lực phấn đấu nhưng vì để hơn được người khác, buồn khi thua và vui khi hơn, v.v... Tất cả điều đó nuôi dưỡng ý nghĩ về “được - mất - thắng - thua” trong con người, làm con người dễ rời xa sự BÌNH AN hay TỐT ĐẸP nội tại sẵn có của chính mình. Vì vậy, MNYT đề nghị Quý Phụ Huynh hãy chú ý những điều sau: đừng ngợi khen rằng con giỏi hơn bạn này bạn kia, hay chê con sao bạn làm được mà con chưa, hãy khen con “đã làm được rồi” hay ghi nhận “con đã rất cố gắng, rồi con sẽ làm được”, nếu con chưa cố gắng, hãy động viên con cố gắng, nói những mục tiêu về chính con, đừng so sánh với bạn; khi con biết so sánh và đòi cái gì đó mà bạn có, hãy giúp con hiểu là con có thực sự thích hay cần thiết có nó không chứ không phải vì bạn có mà mình phải có; khi con vui vì chỉ có một mình mình giỏi nhất hay làm được điều gì, còn các bạn khác thì chưa, hãy giúp con hiểu là chỉ cần con vui vì mình đã làm được hay mình đã cố gắng, và con hãy giúp đỡ hay mong cho bạn cũng được như con.

MNYT cho rằng trẻ nhỏ càng được cảm thấy tự do, thoải mái và được tôn trọng thì càng giảm những áp lực hay căng thẳng đến từ nội tại sự phát triển của con cũng như từ môi trường bên ngoài, nhờ đó mà tránh những ức chế dồn nén dài lâu trong tiềm thức. Chính vì vậy hãy để con được tự do và vui vẻ nhất có thể, trừ khi là điều đó gây nguy hiểm cho chính bé hay gây ảnh hưởng quá mức đến người khác. Trẻ ồn ào, hay leo trèo, khoái khám phá lục lọi, hay khư khư giữ lấy món mình thích, hay đôi khi bị kích động, hoặc có lúc xô cấu bạn, hay ầm ĩ khóc la, trẻ có lúc làm ngược nói ngược điều người lớn muốn, hay phải nói nhiều lần mới chịu làm (thậm chí không chịu làm) v.v... đều là những điều hết sức tự nhiên và rất đáng cảm thông ở trẻ tuổi nhỏ (nhất là dưới 3 tuổi). Hãy công bằng nhìn nhận, ngoài những biểu hiện đó, trẻ cũng thường xuyên có vô số những biểu hiện tích cực khác. Hãy ghi nhận tất cả những tích cực đó ở trẻ chứ không chỉ tập trung vào những đi ều ngược lại. Hướng dẫn, chỉ dạy để trẻ có hành vi phù hợp hơn là nhiệm vụ của người lớn, tất nhiên. Nhưng chúng ta lại không có quyền buộc trẻ phải làm theo được ngay và luôn, hoàn toàn không có quyền ép khuôn mẫu hành vi của người lớn vô một đứa trẻ. Chúng ta chỉ có quyền kiên nhẫn hướng dẫn, làm mẫu, làm đi làm lại, và... chờ đợi. Rồi “những ngày nông nổi” sẽ qua, đứa trẻ càng ngày sẽ càng học được cách cư xử phù hợp nếu chúng ta thực sự kiên trì đồng hành cùng con.

Khi con vượt qua tuổi mầm non, ý thức con cao hơn nhiều, lúc đó, tâm hồn tràn ngập yêu thương, tự tin, sự tự trọng và tôn trọng bản thân mình lẫn người khác mà chúng ta đã vun bồi nhiều năm trời chính là cái sẽ dẫn dắt con sống một cách có trách nhiệm, hiểu và tự giác làm những điều cần phải làm (chăm sóc bản thân, tôn trọng qui tắc, luật lệ, để ý đến lợi ích chung, hoàn thành nhiệm vụ, v.v...). Xin Phụ huynh hãy nhớ, tuổi nhỏ con càng được tôn trọng sự do thoải mái một cách chính đáng, lớn lên con càng biết tôn trọng qui tắc; ngược lại, càng bị cấm cản nghiêm khắc, sự ức chế ăn sâu vào tiềm thức càng khiến trẻ khi lớn lên mỗi ngày càng gia tăng sự bùng nổ, chống đối, thể hiện quyền tự do hay khẳng định mình đôi khi theo những cách nông nỗi (Con người có xu hướng tìm kiếm cái mình đang hay đã t ừng cảm thấy thiếu triền miên). Hoặc ngược lại, đứa trẻ đó không bao giờ dám sống thật là mình, luôn có nỗi sợ hãi mơ hồ bên trong, không thể làm chủ cuộc đời mình, chỉ dám nghe theo sự sắp đặt và đi ều khiển của người khác. Vì vậy, khi con còn nhỏ xíu, xin chớ nóng vội đổi lấy những “ngoan ngoãn hết sức”, những “trật tự, nề nếp, nghiêm túc, cẩn thận”, những “vâng lời vô kiện” (như một kiểu chín ép) để rồi đem đến cho con những dồn nén, ức chế mà con hoàn toàn không đáng phải lãnh nhận. Nhưng hãy lưu ý, sự tự do thoải mái của con luôn đi cùng v ới sự quan sát, đồng hành, hướng dẫn, thuyết phục, chỉ ra cái phù hợp và chưa phù hợp bởi người lớn, chứ không phải để con trở nên “hoang dại”, thậm chí ảo tưởng mình có quyền điều khiển tất cả người khác, hay không để ý đến những phiền toái gây ra cho người khác.

Trên là những điều liên quan tới dưỡng dục phần “tâm hồn” trẻ, dưới đây là đôi điều liên quan tới nuôi dưỡng “thể chất”.

Chuyện ăn, MNYT chủ trương để trẻ được tự nguyện và vui vẻ khi ăn, không thúc ép gây sợ hãi. Chính vì vậy, một ngày vài cữ ăn thì trẻ thường có 1 hay 2 cữ sẽ ăn được nhiều, còn lại là ít, hay có khi cả ngày ăn rất ít, vài hôm sau lại ăn khá hơn. Nếu chúng ta tôn trọng “cái bao tử” và “tâm tư” của trẻ thì nó sẽ diễn ra đúng như vậy. Trường hợp ở lớp trẻ không hào hứng ăn lắm mà bụng thực sự chưa có bao nhiêu, Cô sẽ ráng “dụ dỗ”, nhưng vẫn trên tinh thần là trẻ còn chịu hợp tác. Mong các Ba Mẹ cũng hãy làm vậy. Xét đến thể chất một đứa trẻ, xin hãy đừng chăm chú vô cân nặng và chiều cao, quan trọng hơn cả là con vẫn khỏe mạnh, là thần sắc tươi tắn, là sự năng động hoạt bát... Một em bé thiếu dinh dưỡng thực sự, sẽ không thấy được những điều vừa kể.

Việc tập cho trẻ ăn một cách tự lập (tự xúc ăn), tự giác, không ti vi, ipad, tập ăn chuyển sang thô, v.v... cần sự nỗ lực của gia đình rất nhiều (vì gia đình có điều kiện một kèm một), xin Phụ huynh chớ phó thác hết cho Cô giáo. Một khi ở nhà còn làm ngược với những gì Cô đang cố gắng thực hiện (còn ép ăn, còn ch ạy theo đút t ừng muỗng, còn ipad, tivi khi ăn, còn xay nhuyễn thức ăn), thì xin khoan kỳ vọng con thay đổi nhiều. Điều đó thật là lạ! MNYT không dùng quyền uy ép buộc, không trừng mắt hay quát nạt, không làm trẻ phải sợ mà tuân theo, nên không làm nên sự thay đổi đó một sớm một chiều, càng khó hơn nếu không có gia đình giúp sức phần lớn.

Ngoài ra, thực phẩm mà trường đang dùng cho trẻ chủ yếu là mua từ Xanhshop, đây là nơi duy nhất ở TP.HCM mà MNYT tin 100% về độ lành sạch của thực phẩm. Nhiều Phụ huynh của MNYT cũng đang dùng thực phẩm nơi đây cho gia đình, MNYT muốn giới thiệu để các Phụ huynh còn lại biết thêm một địa chỉ uy tín mua thực phẩm lành sạch cho gia đình và cho bé dùng buổi tối và ngày nghỉ ở nhà. Nó tuy đắt nhưng đem lại giá trị xứng đáng, tất cả vì sức khỏe dài lâu cho bé yêu mai sau. Hơn nữa, đó cũng là một cách chúng ta gián tiếp chung tay bảo vệ môi trường, ủng hộ các phương thức làm nông thuận tự nhiên (không hoá chất độc hại cho nguồn đất, nước và không khí) mà Xanhshop đang thực hiện.

Một vấn đề quan trọng nữa liên quan đến thể chất là vận động & được ra ngoài trời. Ở MNYT các bé được vận động rất nhiều, được ra sân chơi hàng ngày, khi đi dã ngoại cũng thường tìm đến những nơi cho bé có thể hòa mình vào thiên nhiên. Nhưng không chỉ ở trường, ở nhà Phụ huynh cũng cần cho trẻ được vận động nhiều, cùng các cơ hội được chơi ngoài trời. Trẻ con đư ợc vận động nhiều & đư ợc kết nối với thiên nhiên nhiều thì sẽ càng vui vẻ, khỏe mạnh, mau lớn (theo nghĩa cứng cáp lên chứ không đồng nghĩa với mập lên). Đi dạo buổi chiều hay cuối tuần, đi hồ bơi, nông trại, chạy chơi công viên, tham gia các trò vận động ngoài trời, v.v... tốt hơn nhiều so với việc bật ti vi hay ipad lên cho con đắm mình trong đó. Điều này làm cha mẹ hiện đại như chúng ta rất dễ bị sa vào, xin các Phụ huynh hết sức chú ý. Nếu chúng ta không tránh được chuyện này, thì xin hãy hiểu cái giá kèm theo của nó: có thể con sẽ dễ nổi nóng, cáu gắt, khó chịu, ăn vạ hoặc thường gây hấn với bạn (cắn, nhéo, giành giật, v.v...), hay khóc lóc, nghịch ngợm hơn, ít giao tiếp, ít nói hay chậm nói, stress cáu bẳn do bị tùng túng, thiếu thiên nhiên hay thậm chí thiếu sự chơi đùa cùng với người thân, v.v...

Cuối cùng, xin cảm ơn những tin yêu của Quý phụ huynh đã luôn dành cho MNYT. Xin hãy tiếp tục đồng hành, hợp tác, chia sẻ với MNYT để đem đến cho bé yêu của chúng ta một tuổi thơ êm đềm, vui vẻ và ý nghĩa nhất có thể, đó chính là nền tảng lớn nhất cho nhân cách tốt đẹp của con mai sau. Những mong mỏi của cha mẹ rất quan trọng với con. Do đó chúng ta hãy bớt mong mai sau con tài giỏi hơn người, hay có được cuộc đời mà chúng ta “vẽ sẵn” cho con. Có chăng là hãy hỗ trợ và chúc phúc cho con, sao cho có thể được tự tin và tự do sống đúng thật là chính mình, tự tin học hỏi qua từng trải nghiệm trong cuộc sống, bất kể nó là như thế nào, và trong hoàn cản nào, thì cũng có thể thực sự tận hưởng được hành trình cuộc đời của riêng mình với nền tảng phẩm chất đã được bồi đáp từ thơ bé. Thông qua đó, cũng là đồng thời con sẽ làm lan tỏa niềm cảm hứng và phụng sự cho con người, cho cuộc sống.

Quý Phụ Huynh là những bậc Phụ Huynh đặc biệt! Hãy thử nghĩ lại động cơ nào khiến Quý Phụ Huynh đến trao gửi bé yêu tại MNYT? Hãy tiếp tục vừa đồng hành & cam kết sẽ phối hợp thực hiện những gợi ý ở trên, vừa tận hưởng những trải nghiệm tuyệt vời trong việc làm Ba Mẹ của các thiên thần nhỏ, vì những điều đặc biệt cho chính mình và cho con của mình.

Thay mặt tập thể Mầm Non Yêu Thương

Nguyễn Ngọc Trinh (Thạc sĩ Tâm Lý Học Giáo Dục – Chuyên Gia Tâm Lý Trẻ Em)
 


 
Trở lại     Đầu trang