loading
Các chùa Nguyên Thuỷ tại Tp.HCM
CHÙA GIÁC QUANG
Địa Chỉ: 47 Lương Văn Can
Phường 15, Q. 8
TP. HCM
Điện Thoại: 08. 3854 9247
Trụ Trì: Tỳ-khưu THIỆN ÐẠT

Chùa Giác Quang được xây dựng năm 1945, do hòa thượng Giác Quang chủ quản. Trước khi xuất gia, hòa thượng là một người rất có uy tín với xã hội, ngài từng đảm nhận những chức vụ Chánh Lục Bộ, Hương Hào, Hương Quản và Xã Trưởng. Mặc dù thành danh trên đường đời và có một mái ấm gia đình vô cùng hạnh phúc, nhưng ngài vẫn quyết định xuất gia kể từ khi Phật giáo Nguyên thủy du nhập Việt Nam năm 1939, Lúc đó, tiếng chuông chánh pháp đánh vang dội bốn phương trời phía nam, thấu tai thiện nam Dương Văn Thêm.

Thế rồi những ngày cuối tuần thiện nam đến chùa Bửu Quang học đạo do lời giới thiệu một người bạn. Lần đầu tiên trong cuộc đời của thiện nam mới gặp một người xuất gia theo Phật giáo Nguyên thủy, phong thái sung sướng và hoan hỷ, tướng mạo trang nghiêm, y phục chỉnh tề, lời nói hiền dịu. Tuy những vị Sa môn này chưa nói một lời nào về đạo pháp nhưng ông cảm thấy một bài pháp vô ngôn có giá trị luân lý rất cao. Những vị Sa môn đầu tiên mà thiện nam Dương Văn Thêm gặp là các vị Hòa thượng Hộ Tông và Hòa thượng Thiện Luật. Nhờ nhân duyên hạnh ngộ hai vị cao tăng của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam và đức tu của hai vị này, ông phát tâm tu học đạo pháp.

Ðể phát triển thêm đạo tâm của mình, sau cuộc hạnh ngộ hai vị Sa môn của Phật giáo Nguyên thủy, thiện nam quyết chí về Bình Ðông lập thất tu tập. Ở đây thiện nam vừa tu vừa giới thiệu bạn bè đồng nghiệp và những thân hữu, bạn hữu để biết Phật giáo Nguyên thủy. Trong số những người đó sau này cũng có vị xuất gia theo Phật giáo Nguyên Thủy như Hòa thượng Tinh Tuệ, Pháp Tâm, Giác Nhân, v.v. Sau nhiều đêm đắn đo, suy tư, Thiện nam họp bạn đạo để giao tịnh thất cho cư sĩ Tinh Tuệ trông nom và hướng dẫn bạn đạo tu hành. Ðể rồi một ngày nọ, năm 1940, thiện nam Dương văn Thêm được sự cho phép của hiền thê rời bỏ gia đình, quê hương yêu dấu và cuộc đời phú quý để sang Nam Vang tìm thầy học đạo và xuất gia. Hòa thượng tế độ đặt cho pháp danh là Giác Quang.

Trải qua 5 năm tầm sư học đạo và xuất gia ở đất nước chùa tháp, ngài Giác Quang nhìn thấy đất nước Campuchia Phật giáo Nguyên thủy quá thạnh hành, nhìn về quê hương biết các vị tiền bối đang chuẩn bị thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Ngài quyết định xin phép Thầy tế độ để về Việt Nam kết hợp các vị hòa thượng trong phái đoàn truyền giáo của Hòa thượng Hộ Tông để đóng góp phát huy Phật giáo Nguyên thủy.

Vì Phật giáo Nguyên thủy mới truyền về Việt Nam không được bao lâu nên chùa chiền rất hiếm. Muốn đào tạo tăng tài thì phải có chùa. Ðể góp phần kiến tạo chùa cho Giáo hội, Hòa thượng không màn cực nhọc cùng các bạn đạo ngày xưa vận động tịnh tài mua đất thêm xung quanh tịnh thất của Hòa thượng và dần dần xây dựng một ngôi chùa khang trang cho chư Tăng cư ngụ. Chùa do Hòa thượng có công sáng lập nên tất cả mọi người đề nghị đặt tên chùa là Giác Quang Tự và nó tồn tại cho đến bây giờ. Năm 1959, Hòa thượng và các Phật tử trùng tu lại ngôi chùa, xây dựng thêm cốc liêu, tạo thêm Phật cảnh để cho chư Tăng có đầy đủ chỗ cư ngụ và Phật tử có thêm Phật cảnh lễ bái cúng dường.

Về kiến trúc, từ năm 1959, chùa Giác Quang tương đối có một kiểu kiến trúc đặc biệt tiêu biểu cho kiến trúc của Phật giáo Nam tông thời đó.Vì hòa thượng xuất gia ở Campuchia nên hình thức ngôi chùa đôi nét cũng bị ảnh hưởng nhưng không mất đi tính dân tộc, chẳng hạn như mặt tiền chùa xoay về hướng tây nhưng chánh điện xoay hướng về phương đông, tượng Phật trong chánh điện đúc theo kiểu Campuchia. Chánh điện tuy nhỏ nhưng trang trí rất trang nghiêm. Chùa nằm trên khu đất khoảng một mẫu, nay tọa lạc tại số 47 đường Lương Văn Can, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa chia làm hai khu, khu mặt tiền là Chánh điện, giảng đường, Tăng xá, Nhà trù và trường học; khu mặt hậu là những liêu thất của chư Ni. Du khách từ cổng chánh bước vào bên tay phải là một trường Phật học, xây dựng ngay từ khi thành lập chùa với ý định dạy chữ Pàli và giáo lý cho chư Tăng và Phật tử, bề ngang khoảng 3m chiều dài khoảng 10m, phía trên trường có ghi ba dòng chữ bằng ba ngữ văn: Pàli-Miên, chữ Hán và chữ việt, nội dung đề là Trường Phật Học.

Ði vào 10 m nữa, bên tay trái là chánh điện. Chánh điện theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy là nơi chư Tăng công phu sáng và tối, cử hành các nghi lễ lớn và nhỏ như lễ xuất gia, trai tăng, thuyết pháp, lễ Phát Lồ v.v. Bên trong chánh điện thờ duy nhất một tượng Phật tổ, trang trí theo dạng tam cấp, tầng cao nhất là tôn trí Xá lợi Phật tổ, tầng thứ nhì tôn trí tượng Phật tổ, tầng thứ ba là đặt bát nhang để dâng hương cúng Phật hằng ngày. Trước tam cấp này là một bộ ghế sơn son, thếp vàng do quân đội Hoàng gia Thái Lan hiến cúng, sử dụng cho việc tôn trí những tượng Phật Thích Ca loại nhỏ bằng đồng, tư thế đứng, nằm, ngồi. Hai bên tam cấp là hai tủ kinh Tam Tạng, một tủ chứa đựng Tam Tạng bằng tiếng Anh, còn tủ khác đựng Tam Tạng bằng Pàli-Miên.

Sau chánh điện có một cửa hậu, cửa này thường chư Tăng vào hành lễ khi có những cuộc lễ lớn. Bức tường hậu chánh điện đồng thời là mặt tiền chùa Giác Quang có vẽ tượng Phật Thích Ca nhập Níp-bàn rất đẹp, khi chúng ta đi ngoài đưỡng Lương Văn Can là nhìn thấy tượng Phật, vì thế nên người ở đây thường gọi chùa này là chùa Phật Nằm. Hai bức tường hai bên của chánh điện treo nhiều bức ảnh về cuộc đời Ðức Phật Thích Ca. Trước sân chánh điện có tạo ba Phật cảnh để cho Phật tử lễ bái, một tượng Bồ tát khổ hạnh, tượng thứ hai Phật nhập Níp bàn, tượng thứ ba đức Phật an cư trong rừng một mình, xung quanh có chú khỉ và bạch tượng. Sau ba Phật cảnh này là Bảo tháp tôn trí Xá lợi tầng trên và tầng dưới thờ cốt của chư Tăng và Phật tử. Giữa khu đất là nhà giảng dành cho chư Tăng Ni và Phật tử dùng cơm hằng ngay đồng thời là nơi tiếp khách. Bên phía phải của nhà giảng có những liêu thất của chư Tăng cư ngụ. Khu vực cuối cùng của khu đất chùa Giác Quang thì có nhiều liêu thất của quý bà tu Nữ, quý bà tu học biệt lập ở khu đất này, hằng ngày chỉ vào giờ công phu chiều quý bà mới lên chánh lễ bái điện, hoặc những ngày lễ Trai tăng lớn.

Tóm lại chánh điện, giảng đường, bảo tháp đều có đường nét, nghệ thuật kiến trúc độc đáo của nó, nhẹ nhàng uyển chuyển, đơn giản, mộc mạc nhưng đa dụng và không kém phần quan trọng về mặt tâm linh. Thậm chí ngay cả chiếc lá Bồ đề đúc bằng xi măng đặt giữa giảng đường trên máy ngói cũng đã thể hiện phong cách rất sống động của giảng đường chùa Giác Quang.

Từ ngày thành lập đến nay chùa Giác Quang trải qua các đời trụ trì:

- Hòa thượng Giác Quang
- Hòa thượng Tinh Tuệ
- Thượng tọa Giác Nhân
- Thượng tọa Giác Nhẫn
- Thượng tọa Bửu Trí
- Ðại đức Thiện Ðạt

Trong giai đoạn đầu, thời trụ trì của Hòa thượng Giác Quang, chùa rất thạnh hành. Lúc bấy giờ ngài thường xuyên liên lạc với Tăng đoàn Campuchia, giữ mối quan hệ Việt Miên chặt chẽ để mỗi khi có những cuộc lễ lớn như Tăng sự xuất gia, kết giới Sima thì ngài phải mời Tăng già Campuchia tham dự để cố vấn thêm, vì ngài mới xuất gia. Ðôi khi có những giới tử phát tâm xuất gia, ngài phải thỉnh sư từ Nam Vang về làm thầy tế độ. Theo luật Phật giáo Nam Tông, thầy tế độ cho giới tử xuất gia Tỳ kheo phải đủ 20 tuổi đạo và thông thạo kinh luật. Vì thế nên lúc đầu chư Tăng chùa Giác Quang rất vắng nhưng nhờ có chư Tăng Campuchia trú trụ nên đông đảo thiện nam tín nữ rất hoan hỷ.

Bên cạnh đó, ngài thường xuyên thuyết pháp giảng đạo vào những ngày lễ cho chư thiện nam tín nữ thông hiểu thêm về Phật pháp. Nhờ nghe pháp, Phật tử xin quy y rất đông và trở thành thiện tín chùa Giác quang. Trong số các thiện tín này có những người về sau xuất gia thành nhà sư như Hòa thượng Tinh Tuệ, ngài Cả Giác Nhân, Thượng tọa Pháp Tâm. Mặc dù bận rộn Phật sự của chùa như vậy nhưng ngài vẫn tích cựa đóng góp cùng với quý ngài trong phái đoàn truyền giáo của Hòa thượng Hộ Tông vận động và đệ đơn xin thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Khi được chấp thuận thành lập, với Ban Trưởng Quản GHTGNTVN, ngài được tập thể Tăng đoàn suy tôn vào chức vụ cố vấn GHTGNTVN.

Ðến thời trụ trì của Hòa thượng Tinh Tuệ và Thượng tọa Giác Nhân, chư Tăng rất đông đảo, khoảng 15 -20 vị trú ngụ tu học. Có thể nói có rất nhiều vị tăng tài của Giáo hội đã xuất thân từ chùa Giác Quang như Thượng Tọa Giác Minh, thượng tọa Tịnh Giác, v.v. Chùa Giác Quang đặc biệt có Ðại đức Giác Chơn, mặc dù không phải là trụ trì nhưng Ðại đức đóng góp rất nhiều công đức cho ngôi chùa này trong ba đời trụ trì. Ðúng ra sau khi Ngài Giác Nhân viên tịch, Ðại đức là người tiếp nối chức trụ trì nhưng có lẽ Ðại đức khiêm tốn nhường cho vị khác, và chỉ nhận giữ chức phó trụ trì. Ðại đức là người có công mua thêm phần đất bên phía trái của chùa, bề ngang khoảng 3 m, chiều dài khoảng 80 m, bây giờ nơi này làm tăng xá cho chư Tăng trú ngụ.

Ðời trụ trì của ngài Giác Nhẫn và ngài Bửu Trí không có gì nổi bật lắm vì tuổi tác quý ngài quá cao, chỉ làm bóng mát cho chư Tăng và Phật tử noi theo tu niệm, chứ không có phát huy thêm việc gì mới lạ, ngoại trừ duy trì những gì chùa hiện có.Tuy nhiên đến đời trụ trì của đại đức Thiện Ðạt có những bước đổi mới, mặc dù Ðại đức tuổi còn trẻ nhưng lãnh đạo ngôi chùa có nhiều điều tiến triển tốt đẹp. Chẳng hạn như các công tác đào tạo thêm giới tử cho xuất gia, cho chư Tăng trẻ học văn hóa, mởi khóa học Vi Diệu Pháp, giáo lý, kinh tụng cho chư Tăng và Phật tử, phát huy và gìn giữ những ngày sám hội lệ. Những kỳ sám hối đều có thỉnh nhiều vị pháp sư giảng đạo cho Phật tử, tổ chức những ngày đại lễ như Rằm tháng Giêng, rằm tháng Tư , tổ chức đầu đà sáng đêm để thiện nam tín nữ có cơ hội học pháp, và rằm tháng chín tổ chức dâng y Ka-thi-na đến chư Tăng và Phật tử tham dự rất đông. Ðặc biệt những khi đồng bào bị thiên tai bão lụt, Ðại đức thường tích cực tổ chức cứu trợ đến đồng bào.

Tóm lại, sau ngôi tổ đình Bửu Quang, chùa Giác Quang là ngôi chùa thứ hai của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Từ ngày thành lập đến nay, chùa là một địa điểm hoằng pháp rất mạnh mẽ và thu hút nhiều tín đồ cho Phật giáo Nam tông, và là nơi đào tạo chư Tăng có cả tài lẫn đức.

 
 
Trở lại     Đầu trang