Sống trên trái đất này, con người chúng ta luôn bị ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, như PHONG-HÀN-THỬ-THẤP (gió, khí lạnh, nắng, ẩm thấp)… Ngoài ra, con người luôn có những tai nạn rủi ro rình rập, hoặc chịu nhiều khí thải độc hại của sự ô nhiễm môi trường thời nay mà sinh ra nhiều thứ bệnh.
Bệnh từ đâu mà phát sinh ra trong cơ thể chúng ta?
Và phải chữa như thế nào cho chóng khỏi?
Đó là những thắc mắc của nhiều người khi đang có bệnh.
Vậy hôm nay tôi cùng quý vị cùng thảo luận vấn đề này: bệnh từ đâu mà phát sinh ra?
- Vạn vật ở trên đời này (nói chung) con người (nói riêng) đều bị chi phối trong 4 trạng thái: SANH - TRỤ - HOẠI - KHÔNG! (SANH là sanh ra và trưởng thành. TRỤ là còn vững ở đời. HOẠI là bắt đầu hư suy, đang hư suy. KHÔNG là cuối cùng mất đi, không còn nữa); hoặc Sanh - già - bịnh - chết. Xưa nay không ai tránh khỏi quy luật đó, nhưng đã là con người khi có bệnh ắt phải tìm thầy tìm thuốc để đem lại sức khoẻ, sống thọ là điều tất nhiên!
Do tinh cha huyết mẹ tạo thành, cơ thể con người với hàng trăm tỷ tế bào tạo nên lục phủ ngũ tạng, xương khớp, da lông…, trong đó có TINH - HUYẾT - KHÍ - THẦN - TÂN DỊCH hình thành sự sống khoẻ sống vui, sống minh mẫn… (TINH là sinh dục phát triển, HUYẾT là hồng cầu, là máu, KHÍ là sức đề kháng, là sức lực, là sự trao đổi của oxy… THẦN là sự hiểu biết, nhớ nghĩ, suy đoán…, TÂN DỊCH là nước trong cơ thể làm cơ trơn sự hoạt động của cơ thể…).
Nhưng con người chúng ta phải chịu ảnh hưởng chi phối của thời gian, mỗi cái tích tắc, tích tắc của kim đồng hồ thì các tế bào trong cơ thể chúng ta luôn huỷ diệt.
Bù lại, nhờ sự ăn uống hằng ngày để Tỳ vị (cơ quan tiêu hóa) tiếp nhận và hấp thu vào cơ thể nhiều chất sinh năng, chất kiến tạo, chất dự trữ, các sinh tố như Proteins, Vitamine A, B, C,…và các chất khoáng tố như Phosphor, Natrium, Canxi, chất sắt… trong thực phẩm vì vậy chúng được bù đắp, thay thế vào những tế bào cũ đã mất đi, để được tái tạo (sinh ra) những tế bào mới, để duy trì lại sự sống khoẻ, sống vui…
Nhưng con người chúng ta đến độ tuổi 40, hoặc qua độ tuổi 40 không phải lúc nào cũng ăn ngon, ăn được. Bởi Tỳ vị đã đến lúc suy, nên sự hấp thu và tiêu hoá cũng trên đà suy giảm. 10 phần dinh dưỡng vào cơ thể Tỳ vị chỉ hấp thu hơn nửa, một nửa, hoặc dưới một nửa, còn lại nó bị đào thải ra ngoài qua đường đại tiện, từ đó dinh dưỡng không đủ phân phối, bù đắp, thay thế cho những tế bào kia đã và đang dần huỷ diệt. Vì thế, lục phủ ngũ tạng và toàn thân chúng ta phải chịu lão hoá từng phút từng giây, biến đổi theo thời gian (tóc bạc, da nhăn, mắt mờ tai điếc, gối mỏi, lưng còng…) nên mới sinh ra nhiều chứng bệnh.
Đời sống con người nhờ vào:
- Chức năng Tỳ vị hấp thu thức ăn để sinh ra dinh dưỡng rồi phân bố cho ngũ tạng, rồi ngũ tạng phân bố đem nuôi các chi nhánh của nó như sau:
- Tâm được Tỳ phân bố dinh dưỡng để có đủ chức năng làm lưu thông mạch máu. Nếu Tâm (tạm gọi tim) suy, làm mất ngủ, kinh mạch không thông, khí huyết sẽ trì trệ sinh ra chứng da thịt tê nhức, sự hoạt động cơ thể sẽ mất cân bằng…
- Phế được Tỳ phân bố dinh dưỡng để có đủ chức năng tiếp nhận phân phối khí oxy duy trì sự sống và hoạt động của cơ thể. Nếu Phế (phổi) suy, hô hấp kém, hít thở không điều hoà, thiếu khí sẽ sinh các chứng hụt hơi, thở khó, mỏi mệt…
- Can được Tỳ phân bố dinh dưỡng để có đủ chức năng nuôi gân, mắt… Nếu Can (tạm gọi là gan) suy không đủ nuôi mắt, nuôi gân…sẽ sinh chứng mắt kém, gân cơ co quắp, đau nhức, co duỗi khó khăn…
- Thận được Tỳ phân bố dinh dưỡng để có đủ chức năng sinh ra tinh, tinh sinh tuỷ, tuỷ nuôi cột sống, xương, khớp… Nếu Thận suy, tinh tủy thiếu không nuôi dưỡng được xương khớp, sẽ bị loãng xương, thoái hoá khớp, bấy giờ xương khớp biến dạng, khớp xương nhô ra mọi người thường gọi là “gai”. Gai chèn ép các dây thần kinh nhất là vùng cột sống cổ sinh nhức đầu, tê 2 tay; vùng cột sống lưng sinh chứng đau thần kinh toạ, tê liệt 2 chân v.v…
Ngày xưa thế hệ ông bà chúng ta bị cảm thì họ làm sao?
- Họ nấu nồi lá xông, cho ra mồ hôi, tiếp đến họ ăn một tô cháo hành nóng với nắm lá tía tô, sau đó lau sạch mồ hôi, kế tiếp uống một thang (hoặc 1 gói bột) thuốc giải cảm…nhờ thế mà họ luôn khoẻ mạnh cho dến già, ít đau, ít bệnh.
Ngày nay thế hệ chúng ta bị cảm thì họ làm sao?
- Vì tất bật với cuộc sống trong thời buổi kinh tế, con người luôn hối hả với nhịp sống thời gian. Nhà kinh doanh thì luôn nghĩ đến những hợp đồng, những lợi nhuận lớn trước mắt mà không thể bỏ lỡ cơ hội, người công nhân nếu nghỉ 1 ngày sẽ bị trừ lương 3 ngày thế thì thời gian đâu mà xông hơi, sắc thuốc?
Trên đường đi làm họ tranh thủ ghé tạt vào tiệm thuốc mua vài viên giảm đau uống vội, 5-10 phút sau “hết bệnh”, đến công ty, phân xưởng họ tiếp tục bắt tay với công việc thường ngày mà không còn thấy bệnh là gì nữa.
Ôi thuốc gì mà hay thế?
Quý vị cũng biết đó, là những loại thuốc có tính chất làm giảm đau cấp thời, nó ức chế, chận đứng sự nhận biết đau của hệ thần kinh trung ương. Nhưng thực chất cái đau, cái gốc cảm nó vẫn còn đó.
Thế thì nó ở đâu ?...Ở đâu trong cơ thể chúng ta, mà chúng ta không thấy không biết?
Hôm nay bị cảm, ngày mai bị cảm rồi ta cứ tiếp tục uống thuốc giảm đau. Tháng này, tháng sau và tháng sau nữa. Năm này, năm sau và những năm sau nữa…cho đến một thời điểm nào đó “ngân hàng bệnh cảm” trong cơ thể chúng ta đã tích lũy một khối lượng tà khí kết sù, nhưng nó lại vô hình nên ta không thể soi thấy bằng máy hay nhìn bằng mắt được.
Chỉ đến lúc cơ thể chúng ta suy yếu (chánh khí suy, tà khí thịnh: chánh khí là sức đề kháng, tà khí là ngoại cảm từ bên ngoài xâm nhập vào trong cơ thể), cảm độc lâu nay ẩn sâu, thừa lúc cơ thể chúng ta suy yếu, nó bắt đầu trổi dậy và hoành hành làm ủng tắt kinh mạch (khí huyết không lưu thông được), rồi ta lại tiếp tục uống thuốc giảm đau nữa… cuối cùng gốc bệnh luôn sinh sôi trú ngụ, hoành hành trong cơ thể chúng ta nên mới sinh ra các chứng đau nhức là vậy!
Nhưng rồi quý vị sẽ thắc mắc: nói như trên là nói cho người lớn, còn trẻ con thì sao?
Trẻ con sinh ra đang tràn đầy sức sống sao lại có những em đã phải mang nhiều thứ bệnh, thậm chí có bé luôn lấy bệnh viện làm nhà?
Sách Hải thượng Lãn Ông có nói về bệnh TIÊN THIÊN và bệnh HẬU THIÊN.
TIÊN THIÊN là lúc còn trong bào thai ảnh hưởng di truyền của cha mẹ, hoặc người mẹ lao động quá sức, ăn uống thiếu thốn, mẹ nghiện rượu, thuốc lá, ma túy…
HẬU THIÊN là sau khi sinh ra bé chịu ảnh hưởng của môi trường, khí hậu, ăn uống, rủi ro…
Bệnh thì muôn hình vạn trạng, nhưng chung quy có 3 thể loại:
1. Thân bệnh: như đã nói trên do cảm nhiễm phong hàn…của thời tiết, do ăn uống, lao động, do chấn thương…mà sinh ra bệnh.
2. Tâm bệnh: do uất ức, buồn rầu, lo lắng …mà sinh ra bệnh.
3. Nghiệp bệnh: do nhân quá khứ mình lỡ gây ra nhiều điều bất thiện như sát sanh hại mạng… giờ quả báo ấy sinh ra bệnh.
Vậy thì:
- Thân bệnh: dùng Dược lý trị liệu (thuốc thang, châm cứu… chữa trị)
- Tâm bệnh: dùng Tâm lý trị liệu (tư vấn, giải bày, an ủi…)
- Nghiệp bệnh: dùng Thiện nghiệp trị liệu (khuyên tu, bỏ ác làm lành, chuyên tâm niệm Phật, hồi hướng công đức cho oan gia trái chủ…)
(Sưu tầm)
- Vài nét về cách chữa trị trong ngành Đông y
- Rau - Thuốc bổ
- Phương pháp trị vọp bẻ cấp tốc
- Tự chữa bệnh đau thần kinh tọa
- Tiềm thức của bạn
- Phương pháp thở làm hạ huyết áp sau 5 phút
- 10 cách đơn giản ngừa ung thư
- Ăn để phòng chống bệnh ung thư
- Ảnh hưởng của nắng trên cơ thể
- Làm Giảm Nhanh Cơn Cao Huyết Áp
- Stress - Hậu quả và cách đối phó
- Những khám phá thú vị về con người
- Tập thở và Vận động để trị đau nhức
- Mẹo vặt gia đình
- Điện thoại di động