loading
Các chùa Nguyên Thủy tại các tỉnh khác
CHÙA BỒ ÐỀ (Vũng Tàu)
Địa Chỉ: 25 Vi Ba, Phường 1
TP. Vũng Tàu
Điện Thoại: 090 645 916 - 090 870 371
Trụ Trì: Tỳ khưu CHÁNH MINH

Khoảng thập niên 60, phái đoàn hoằng pháp của HT. Hộ Tông và nhóm cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu kiến tạo Thích Ca Phật Đài hoàng tráng, có nhiều Phật tích để giới Phật giáo hành hương lễ bái cúng dường, tạo một tiếng vang khá tốt cho cả nước và giới Phật tử nhiều tông phái thời đó. Ngày lễ Khánh Thành năm 1963 có rất nhiều tôn giáo bạn và giới Phật giáo đến tham dự. Thế nên sau ngày lễ Khánh Thành Thích Ca Phật Đài, Phật Giáo Nguyên Thủy không những nổi tiếng ở Vũng Tàu mà còn cả trong nước và ngoài nước.

 Hòa trong niềm hoan hỷ đó, năm 1968, Nhóm Phật tử Vũng Tàu phát tâm trong sạch hiến cúng 7000m cho HT. Hộ Tông để kiến tạo một ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy nằm trên núi lớn Vũng Tàu. Địa thế cách mặt biển khoảng 200m, phương tiện lên chùa có thể bằng xe 2 bánh hoặc 4 bánh, khung cảnh êm ả, thanh tịnh xứng đáng cho các vị Sa Môn dừng chân sống đời độc cư thiền định. Lúc bây giờ HT chỉ cho xây một vài liêu cốc cho Ngài và Chư tăng tu thiền. Càng ngày thấy đạo tâm và lòng thành của Phật tử, nên Ht và chư tăng quyết định xây ngôi chùa để chính thức hoằng pháp.

 * Năm 1970, Ht trồng cây Bồ Đề tại đây, cây Bồ Đề lấy giống từ bên Ấn Độ. Cũng trong năm này HT chỉ đạo cho Đại chúng tiến hành xây dựng Chánh Điện chùa, vì mới trồng cây Bồ Đề nên ngài lấy Bồ Đề đặt tên cho bảng hiệu chùa. Và kể từ đó mọi người kêu là Bồ Đề Tịnh Xá.

 * Năm 1972, một số Phật tử nữ muốn xuất gia Tu Nữ theo truyền thống của Phật giáo Nguyên Thủy như: TN. Mộng Sa, TN. Tư Miên, TN. Tư Của, TN. Hai Tàu v.v… nên HT hoan hỷ tiếp  độ những người này xuất gia, và HT thành lập một Ni Viện có khoảng 9 phòng cho giới nữ có trú xứ tu học thiền định.

 * Năm 1981, Hòa Thượng viên tịch. Bồ Đề Tịnh Xá  tín nhiệm Đại Đức Võ Lâm quản lý, điều hành sinh hoạt và hướng dẫn Tăng Ni tu học theo giáo lý chơn truyền của Phật Thích Ca.

 * Năm 1985, Bồ Đề Tịnh Xá nằm trong khu giải tỏa, quy hoạch, thế nên Đại Đức Võ Lâm bàn giao lại cho địa phương, Giảng đường  và 3 Liêu Cốc và Đại Đức về chùa Nam Tông- Huyện Bình Chánh tu học với HT. Siêu Việt.

 * Năm 1986, Đại Đức Chánh Minh (người địa phương Vũng Tàu) biết tin việc giải tỏa và Quy hoạch Bồ Đề Tịnh Xá có thay đổi. Nên Đại Đức về vận động Ông Nguyễn Văn Trắng (con Tư Hoàng Cát) và Ông Nguyễn Văn Thời đệ tử thân tín của HT. Hộ Tông mượn lại Giảng đường và 3 liêu Cốc tu học.

 * Năm 1987, Đại Đức Chánh Minh nhận lời mời của Ban Tu Thư tạng Diệu Pháp về chùa Nam Tông để phụ làm việc với ban Tu Thư, có sự cố vấn của HT. Siêu Việt.

 * Năm 1994, HT. Siêu Việt tăng trưởng Phật giáo Nguyên Thủy có văn bản gởi các ban nghành trong Phật giáo và nhà nước giới thiệu Đại Đức Chánh Minh và sư Tịnh Hạnh về quản lý  Chùa Bồ Đề, lúc bây giờ Bồ Đề Tịnh Xá được đổi lại thành Chùa Bồ Đề để phù hợp với truyền thống PG Nguyên Thủy lúc này.. Đồng thời trong thời điểm này ông Nguyễn Văn Thời qua đời và nội nội chùa Bồ Đề có quá nhiều quan niệm khác nhau, nên nhân dịp này Công Ty Lâm Viên thu hồi  và niêm phong lại chùa và 3 liêu thất giao lại cho Ủy ban Nhân Dân Tp. Vũng Tàu quản lý. Trong tình thế khó khăn này, Đại Đức Chánh Minh chỉ còn lại liêu cốc của Đại Đức và Liêu cốc của ni viện, chùa không có. Đại Đức Chánh Minh vận động Phật tử cải tạo 2 liêu cốc làm chánh điện thờ phật để duy trì sinh hoạt tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Chư tăng và Phật tử. Đồng thời Đại Đức tu tạo một Phật cảnh, một bảo tháp thờ xá lợi Phật vào năm 1993. Mặc dù đây là công trình không quy mô, nhưng để đánh dấu và khẳng định sự hiện diện và hoằng pháp của Đại Đức tại thánh đại di tích của HT. Hộ Tông.

 * Năm 2006, cơn bão số 9 Durant thổi vào Tp. Vũng Tàu, chùa Bồ Đề hư hại 98% chỉ còn lại duy nhất Bảo tháp và pho tượng Phật cảnh là vô sự.

 Sau cơn bão, nhà nước trao tặng những  địa điểm bị cơn bão gây thiệt hại, ủy ban Phường 1, Tp. Vũng Tàu trao cho Đại Đức 3.000.000 đồng. Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài nước hay tin chùa Bồ Đề bị cơn bão thiệt hại, bằng tất cả tấm lòng gởi tịnh Tài về cúng dường cho đại đức để xây dựng lại ngôi tam bảo.

 Được phép của địa phương, cuối năm 2006 khởi công xây dựng chánh điện chùa Bồ Đề với chiều dài: 10m, ngang: 6m, xây dựng trong vòng hơn 1 tháng hoàn thành vào ngày 11 tháng 12 năm Bính Tuất. Vào ngày 15 tháng 01 năm Đinh Hợi khánh thành chánh điện chùa Bồ Đề có sự tham dự của HT. Thanh Minh (viện chủ Thanh Minh Thiền Viện, Q. Phú Nhuận), Thượng tọa Thiện Pháp (Ủy viên Ban Từ Thiện TW. GHPGVN), Thượng tọa Thiện Nhân (giảng sư Ban hoằng pháp TW. GHPGVN), Thượng tọa Bửu Chánh (phó ban trị sư Phật giáo tỉnh đồng Nai) và đông đảo Chư tăng, Tu nữ đại diện các chùa Phật giáo Nguyên Thủy - Nam tông và đông đảo chư Phật tử đến tham dự. Kinh phí xây dựng cho công trình trên khoảng 250 triệu đồng.

 Ngày 20 tháng 4 năm Đinh Hợi, khởi công xây dựng giảng đường, với chiều ngang: 10m, dài 15m và trùng tu tất cả các liêu cốc bị thiệt hại trong cơn bão số 9. Đồng thời Đại Đức kiến tạo một pho tượng Phật Thích Ca đứng  xoay mặt xuống biển cả mênh mông cao 8m. Khánh thành nhân dịp đại lễ dâng y kathina vào ngày 16 tháng 9 năm Định Hợi, trong buổi lễ có nhiều Chư tăng và Phật tử đến tham dự. Kinh phí xây dựng những công trình trên khoảng 500.000 triệu đồng. Những ngày lễ ở chùa Bồ Đề:

-   Mùng 1,2,3 đón xuân theo truyền thống dân tộc

-  15 tháng giêng: lễ Phật hứa với ma vương 3 tháng Níp bàn. Đại hội Thánh tăng

-  15 tháng Tư; Đại lễ Tam hợp (Đản Sanh, Thành Đạo, Níp bàn)

-  15 tháng 7: Vu lan- mùa báo hiếu

-  16 tháng 9: Đại lễ dâng y Kathina

-  Mỗi ngày chủ nhật có tổ chức lớp giáo lý Vi Diệu Pháp

 Đại Đức Chánh Minh thế danh Nguyễn Thành Châu sinh năm 1953 tại Vũng Tàu. Xuất gia Sa di năm 1984 với HT. Phạm Kim (brahm Suvanna) trụ trì chùa chandaransey, Q. 3, Tp. HCM. Xuất gia tỳ Khưu năm 1985 với HT. Phạm Kim và 2 vị yết ma: Đại Đức Danh Sol và Đại Đức Trí Nguyệt.

 Hiện nay, Đại Đức là Giảng sư ban hoằng Pháp TW, Phó ban Hoằng Pháp Tp. Vũng Tàu, Ủy viên ban dịch thuật kinh điển (Viện nghiên cứu Phật học VN). Đại Đức đã trước tác và biên soạn hơn 10 quyển kinh Phật quan trọng nhằm đóng góp cho nền văn hóa Phật giáo VN nói chung và Phật Giáo Nguyên thủy nói riêng. Và còn một số quyển sách đang biên soạn và sắp in như quyển; Luận giải kinh Sa môn, Đường vào Thắng Pháp, duyên Hệ, 45 hạ của Đức Phật v.v…

 
 
Trở lại     Đầu trang