loading
Sống khỏe
Các bộ phận cơ thể teo nhỏ khi già

  

Ai cũng biết là khi già đi, cơ thể chúng ta thấp lại. Nhưng điều mà nhiều người không biết chính là chiều cao không phải thứ duy nhất hao hụt do lão hóa, mà tim, xương mặt và các bộ phận khác cũng bị “teo nhỏ”. Dĩ nhiên, những thay đổi như thế thường song hành với các vấn đề về sức khỏe. Các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra mối liên hệ này cũng như cách giúp bạn tự bảo vệ cơ thể.

1. Xương sống

Từ tuổi 40 trở đi, hầu hết mọi người đều mất ít nhất 1cm chiều cao sau mỗi thập niên. Tuy nhiên, phụ nữ hao hụt chiều cao nhiều hơn nam giới do lượng hoóc-môn sinh dục nữ oestrogen, giúp bảo vệ sức khỏe xương, giảm đi nhanh chóng sau khi mãn kinh.

Thực tế là sau tuổi 35, xương chúng ta bắt đầu mất dần canxi và các khoáng chất thiết yếu. Vì khả năng củng cố cấu trúc xương của cơ thể chậm lại, mật độ xương sẽ giảm, khiến nó trở nên giòn hơn và dễ gãy, được gọi là bệnh loãng xương. Giảm chiều cao có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh loãng xương ở phụ nữ hoặc bệnh tim ở nam giới.

- Cách phòng ngừa: Để ngừa loãng xương, bạn nên có chế độ ăn lành mạnh và giàu canxi, gồm các chế phẩm từ sữa và các loại rau lá xanh, tăng cường hấp thụ vitamin D bằng cách phơi nắng sáng, thường xuyên tập thể dục và tránh xa rượu, thuốc lá.

2. Tim

Từ độ tuổi trung niên, cơ tim bắt đầu teo trung bình 0,3g/năm, làm ảnh hưởng đến khả năng bơm máu đi khắp cơ thể. Các chuyên gia ở Đại học Johns Hopkins (Mỹ) phát hiện tim mất nhiều thời gian hơn cho mỗi chu kỳ co bóp, khoảng từ 2 đến 5%/năm, mặc dù lượng máu được bơm ra khỏi tim giảm khoảng 9ml/năm. Điều này có thể làm huyết áp tăng cao, dẫn đến nhiều bệnh tim mạch.

- Cách phòng ngừa: Giống như bắp thịt, tim sẽ khỏe mạnh và không bị teo nếu được rèn luyện. Hãy thực hiện các bài tập có lợi cho tim bao gồm đi dạo, leo cầu thang, làm việc nhà, khiêu vũ hoặc sử dụng các máy tập thể dục trong nhà.

3. Não bộ

Khi mới sinh, não chúng ta nặng khoảng 400g và phát triển đầy đủ cho đến lúc trưởng thành thì được 1,4kg. Từ 20 tuổi trở đi, não bắt đầu teo lại, khoảng 10-15% cho đến cuối đời. Nhiều nghiên cứu cho thấy tiến trình này diễn ra nhanh hơn nếu có thói quen hút thuốc, uống rượu hoặc bị thừa cân, cholesterol cao hay mắc bệnh tiểu đường. Phần não trước và thái dương, khu vực kiểm soát suy nghĩ, lên kế hoạch và trí nhớ, bị thu nhỏ nhiều nhất.

- Cách phòng ngừa: Giữ cho trí não luôn năng động là điều quan trọng nhất, tiếp đến là ngủ đủ giấc và tránh lạm dụng các loại thức uống có cồn.

4. Gương mặt

Các nghiên cứu gần đây cho thấy xương mặt thật sự thu nhỏ khi chúng ta già, bắt đầu từ làn da và các cơ xung quanh chúng. Xương hàm là phần hao hụt nhiều nhất, nếu bạn mất một cái răng, phần xương hàm nâng đỡ nó cũng sẽ thu hẹp dần. Theo các chuyên viên, phụ nữ bị teo xương mặt sớm hơn, khoảng hơn 40 tuổi, so với ở nam giới là 50-55 tuổi.

- Cách phòng ngừa: Chăm sóc răng miệng thật tốt có thể giúp ngăn ngừa sâu răng và rụng răng làm xương mặt teo lại.

5. Bàng quang

Ở tuổi 25, bàng quang của một người trung bình có thể chứa khoảng 2 ly chất lỏng, nhưng đến độ tuổi 65, sức chứa của nó giảm chỉ còn một nửa, chức năng của nó vì vậy cũng giảm.

- Cách phòng ngừa: Tránh lạm dụng thức uống chứa chất caffeine hoặc cồn bởi chúng có thể kích thích bàng quang. Thường xuyên rèn luyện vùng xương chậu để tăng cường khả năng kiểm soát bàng quang.

6. Tuyến ức

Tuyến ức là bộ phận nhỏ nằm phía trên tim, chuyên xuất ra các tế bào T bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Tuyến ức phát triển suốt thời thơ ấu và đạt kích cỡ của một quả táo, nhưng bắt đầu nhỏ lại sau tuổi dậy thì, cho đến khi bằng một hòn bi lúc chúng ta trưởng thành. Đó là lý do khiến hệ miễn dịch của người lớn tuổi yếu dần, khiến họ dễ mắc bệnh hơn, nhất là ung thư.

- Cách phòng ngừa: Nghiên cứu ban đầu cho thấy chế độ ăn ít calorie có thể giúp nâng cao hệ miễn dịch.

(Theo Khoa học và Đời sống)

 

 

 
Trở lại     Đầu trang