Địa Chỉ: | Thôn Nham Biều Hương Hồ - Hương Trà Thừa Thiên - Huế |
Điện Thoại: | 054. 3550 138 - 0913 457 006 |
Trụ Trì: | Tỳ khưu Pháp Tông |
Chùa Huyền Không hiện nay là hậu thân của chùa Huyền Không ở Lăng Cô, Phú Lộc, bên chân đèo Hải Vân được Thượng tọa Viên Minh, sư Tịnh Pháp, sư Trí Thâm và sư Tấn Căn xây dựng vào năm 1973. Do hoàn cảnh đổi thay, vào năm 1978, chùa Huyền Không được dời về thôn Nham Biều, Hương Hồ, Hương Trà, TP Huế và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Diện tích chuà khoảng hơn 6000 m2.
Ðây là ngôi chùa Phật giáo Nam Tông khá nổi tiếng ở cố đô Huế từ cuối thập niên 1980. Vào viếng chùa, khách thập phương phải qua cầu Bạch Yến. Chiếc cầu này chư Tăng Huyền Không xin tài trợ của Hiệp hội Schmitz - Tây Ðức xây dựng nên, để nhân dân địa phương và du khách đến chùa đi lại thuận tiện.
Qua cầu, rẽ về trái khoảng 100m du khách sẽ thấy cổng chùa cao lớn, đắp nổi dòng đại tự CHÙA HUYỀN KHÔNG. Sân chùa lát gạch, rộng, thoáng mát. Nhìn vào chánh điện, lồ lộ một bức hoành phi sơn son thiếp vàng treo trên chánh môn, điêu khắc nổi hàng chữ Pàli: ABHISUNNÀTÀRÀMA. Chánh điện có diện tích 12m x 24m, cao khoảng 8 - 9 mét, lợp ngói măng âm - dương; đường nét mạnh mà không thô, trầm hùng và uy nghiêm. Hoạ tiết đơn giản mà cổ kính, tôn trí duy nhất một tượng Phật Thích Ca màu vỏ trứng sẫm, vẻ mặt thanh thoát và từ ái, tay phải đưa lên, tay trái đặt trên lòng bàn chân - với tư thế này Ðức Phật như đang đàm đạo cùng các đệ tử. Dáng dấp tượng có đường nét tương tự mô típ tượng của các xứ Phật giáo Nam Tông nhưng tính dân tộc và nhân bản được thể hiện rất cao. Bảo tượng cao 1,54m, đặt trên toà sen cao 1,5m. Một bảo lan bằng bê tông giả gỗ phân cách phần thờ phụng và lễ bái của Phật tử tạo nên một không gian trang nghiêm, tôn kính. Chánh điện trang trí đơn giản, thanh tịnh và trong sáng. Phật tử vào lễ Phật trong khung cảnh đó sẽ cảm thấy tâm hồn mình thảnh thơi, lắng dịu. Khi nghe lời kinh của chư Tăng lại càng hoan hỷ hơn, vì âm điệu kinh Pàli vang vọng nhẹ nhàng, trầm bỗng ngân nga như tiếng sóng biển dội vào bờ từng đợt, từng đợt.
Bên phải sân Phật điện là khu vườn cảnh bố cục tự nhiên có tên là Thanh Tâm viên: giữa những đồi cỏ lúp xúp có năm ba gốc dương liễu cổ kính, xương xẩu, tàn lá xanh rì, dăm bảy cụm lạc thạch là những lối mòn quanh co lát đá. Một mái lương đình ngói đỏ thấp thoáng sau mấy gốc hoa sứ lão trượng, cội thiên tuế tuổi tác gần thế kỷ, cặp thạch đăng xứ Phù Tang xa xôi biểu tượng thanh kiếm, chiếc khiên của một võ tướng Samurai qui phục cửa Thiền đang ngày đêm nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước của Hàm Nguyệt Trì.
Bên hông phải Phật điện là một kiến trúc thu hút sự chú ý của khách thập phương: Yên Hà Các. Vẻ đẹp của toà nhà này nằm ở các điểm: đường nét nhẹ nhàng, uyển chuyển; nhiều tầng mái; kết hợp nhuần nhuyễn hai loại vật liệu: bê tông và gỗ, mà đỉnh cao là các bộ cửa gỗ nhiều kiểu cách trang trí. Công trình này được xây dựng vào các năm 1999 - 2000, thay thế cho toà gác gỗ, mái tranh, vách nứa giàu tính nghệ thuật dân gian đã hư hỏng nhiều sau 15 năm tồn tại. Tầng trệt của toà nhà là phòng khách và phòng trụ trì; tầng trên dành tiếp khách Tăng lưu trú.
Khu vườn cảnh Hứa Nhất Thiên nối tiếp Yên Hà Các là nơi trưng bày các chậu bonsai; cạnh đó là giàn phong lan với hơn 500 giò lan nhiều chủng loại. Nổi bật trên mặt hồ nhỏ giữa vườn là chiếc phù kiều sắc đá xám, nơi du khách thích dừng chân chụp ảnh lưu niệm.
Bên trái Phật điện là nhà khách, tăng xá, nhà học... cũ kỹ, tạm bợ. Tương lai sẽ được xây dựng lại để đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của Tăng chúng ngày càng đông và hoà hợp hơn với kiến trúc của chính điện và Yên Hà Các.
Ðây cũng là Phật học viện của Phật giáo Nam Tông tại Thành phố Huế. Chùa đã trải qua những đời trụ trì:
- Thượng tọa Viên Minh (1973-1975)
- Thượng tọa Giới Ðức (1975-1989)
- Thượng tọa Pháp Tông (1989 tới nay).
- CHÙA HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG
- CHÙA KAMPONGNIGRODHA KOMPONG CHRÂY (Chùa Hang)
- CHÙA KEO MUNIVAMSA-THONDON (Khmer)
- CHÙA KH'LEANG (Khmer)
- CHÙA KIM QUANG
- CHÙA LÁNG CÁT RATANARANGSI (Khmer)
- CHÙA LINH PHÚ
- CHÙA MAHATUP (Chùa Dơi, Mã Tộc) (Khmer)
- Chùa Munirangsay
- CHÙA NAM QUANG
- CHÙA NAM SƠN (Giri Dakkhinasattharama)
- CHÙA NGỌC ÐẠT
- CHÙA PHÁP BẢO
- CHÙA PHÁP LUÂN (TUỆ TĨNH ĐƯỜNG LIÊN HOA)
- CHÙA PHƯỚC HẢI (Tân Hiệp)
- CHÙA PHƯỚC HẢI (Vũng Tàu)
- CHÙA PHƯỚC HỘ
- CHÙA PHƯỚC HUỆ (Ðịnh Quán)
- CHÙA PHƯỚC HUỆ (Long Thành)
- CHÙA PHƯỚC QUANG (Đồng Nai)