loading
Chia sẻ
IQ và EQ


Yếu tố quan trọng để có được thành công không phải là những kiến thức chuyên môn bạn được trang bị ở trường học, cũng không phải là chỉ số thông minh IQ, thậm chí không phải bí quyết kinh doanh hay nhiều năm kinh nghiệm. Yếu tố quan trọng nhất để đạt được thành công trong sự nghiệp đó là Trí tuệ xúc cảm - EQ.

Bắt đầu từ năm 1990, nhà tâm lý học Peter Salovey ở ĐH Yale và John Mayer ở ĐH New Hampshire đã đưa ra lý thuyết khá toàn diện về Trí tuệ xúc cảm (Emotional Quotient – EQ hay Emotional Intelligence - EI). Salovery và Mayer đã định nghĩa năng lực cảm xúc ở khía cạnh có thể kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của bản thân, của người khác và sử dụng những cảm xúc đó để định hướng suy nghĩ, hành động. Năm 1995, Daniel Goleman, nhà tâm lý học người Mỹ đã xác định cụ thể và hệ thống hơn trong tác phẩm của ông mang tên “Emotional Intelligence”. Theo đó trí tuệ cảm xúc bao gồm 5 thành tố sau:

1. Hiểu rõ chính mình:

Thành tố này nhằm đánh giá khả năng đọc được cảm xúc của mình, biết đâu là điểm mạnh để phát huy, đâu là điểm yếu cần khắc phục, đánh giá mức độ tự tin của mỗi người. Hiểu được những điều đang được cảm nhận ở hiện tại để vận dụng chúng, tạo thành những phản xạ vô thức khi ra quyết định hay hành động. Đây là thành tố quan trọng để đánh giá trí tuệ xúc cảm.

2. Kiểm soát bản thân:

Thành tố này đánh giá khả năng làm chủ và điều khiển cảm xúc, khả năng tạo ra và duy trì những cảm xúc tích cực. Nó còn đánh giá mức độ kiên trì, tạm ngưng việc tự thỏa mãn để theo đuổi mục tiêu. Đánh giá khả năng hồi phục sau khi bị những khủng hoảng tình cảm. Khả năng đánh giá mức độ chín chắn, khả năng thích nghi nhanh với những thay đổi của hoàn cảnh.

3. Động cơ thúc đẩy:

Thành tố này đánh giá khả năng tạo ra những đam mê trong công việc, cuộc sống. Đam mê được tạo ra thông qua việc hiểu ý nghĩa của cuộc sống, có đích sống rõ ràng giúp cho có được sự tận tâm, kiên trì, sáng tạo để vượt qua thử thách, vươn tới thành công.

4. Khả năng thấu cảm:

Thành tố này đánh giá khả năng hiểu được tâm trạng, ước muốn, nhu cầu và quan điểm của mọi người. Biết lắng nghe, luôn chân thành, cởi mở. Biết cảm thông và tôn trọng cá tính của người khác. Điều đó giúp cho có được sự hòa hợp với những người xung quanh, tạo ra những nhóm làm việc hiệu quả. Đây cũng là một yếu tố quan trọng của trí tuệ xúc cảm.

5. Kỹ năng xã hội:

Thành tố này đánh giá khả năng giao tiếp, khả năng truyền cảm hứng và gây ảnh hưởng đến người khác. Phát hiện khả năng và triển vọng của mọi người để giúp cùng phát triển. Điều đó giúp cho việc duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội.

EQ một phần là bẩm sinh nhưng cũng do giáo dục, rèn luyện mà có được. Việc giáo dục tình cảm phải được thực hiện từ khi trẻ còn nhỏ, hệ thần kinh chưa trưởng thành, có nhiều cơ hội tiếp nhận những cảm xúc mới. EQ không đối lập với IQ, mà mục đích của giáo dục là phát triển song song hai chỉ số này. Có những người được thiên phú cả hai, nhưng không ít người lại thiếu cả hai.

Khác với IQ đã xây dựng được một hệ thống trắc nghiệm, đo bằng con số cụ thể, EQ chưa có được một công thức tính toán riêng, vì trí thông minh xúc cảm là một phẩm chất phức tạp, biểu hiện qua những cái khó thấy như sự tự ý thức, sự thấu cảm, tính kiên trì, lạc quan, tính quyết tâm và khả năng hoạt động xã hội.


Sau đây là những khác biệt cơ bản giữa IQ và EQ

 

Chỉ số thông minh - IQ

Chỉ số xúc cảm - EQ

Khả năng nhận thức

Khả năng cảm nhận

Ít thay đổi theo thời gian

Có thể làm tăng thêm cùng với thời gian

Chỉ ở một phần của bộ não

Ở nhiều khu vực trên bộ não

Cho biết những thành công trong quá trình sử dụng nhận thức của mình

Tiên đoán toàn bộ thành công trong cuộc đời

Chi phối khả năng thu nhận kiến thức của mình

Chi phối hành vi của mình và của người khác

Có sự ảnh hưởng nhỏ lên người khác

Có thể có ảnh hưởng lớn hơn lên những người khác

Thích hợp cho việc quản lý chuyên môn

Thích hợp cho việc quản lý mối quan hệ


 (Sưu tầm)

 

IQ là chỉ số thông minh trí tuệ, viết tắt của hai chữ Intelligence Quotient. EQ là chỉ số tình cảm, sự điều hợp khéo léo cảm xúc đưa đến tinh thần kiên trì, tự tin nhẫn nại, đầy khả năng thiết lập các mối quan hệ tốt với xã hội để chinh phục hoàn cảnh và con người, hầu mang lại kết quả thành công. EQ là chữ viết tắt của Emotional Quotient.

Cách đây hơn 2000 năm, Lưu Bang một kẻ trí thông minh trung bình, thường than rằng: “Quả thật ta không có tài bằng Hạng Võ, ta chỉ biết uống rượu thôi!” Uống rượu ở đây là nghệ thuật xử thế, thiết lập tình cảm tốt, chiêu hiền, đãi sĩ để lôi kéo về phe mình những kẻ có tài đánh giặc trị quốc như Trương Lương, Hàn Tín… Lưu Bang đã tiêu diệt Hạng Võ lập ra nhà Hán, như vậy nhờ chỉ số EQ cao, Lưu Bang đã thu phục dưới trướng nhiều kẻ có tài, có IQ cao để thành công trong việc mưu bá đồ vương của mình.

Ngày nay, các nhà tâm lý học đã đưa ra nhiều nghiên cứu cho rằng: chỉ số tình cảm EQ đóng một vài trò quan trọng hơn chỉ số thông minh IQ để đưa một người đến thành công, hữu ích cho đời.

Trong cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ giữa hai ứng cử viên George W. Bush, Thống đốc Tiểu bang Texas và Phó Tổng Thống Albert Gore Jr, nhà tâm lý học Steve Sailer, người chuyên nghiên cứu chỉ số thông minh IQ của các Tổng Thống Hoa Kỳ, đã tính toán từ điểm SAT (Scholastic Assessment Test, điểm thi Anh Văn và Toán Học cho các học sinh lớp 12 để vào đại học) cho rằng chỉ số IQ của ông Bush vào khoảng 125, thua kém chỉ số thông minh của ông Gore vào khoảng 135. Nhưng chỉ số tình cảm EQ của ông Bush cao hơn hẳn ông Gore khá nhiều, khi ông Bush đứng trước hàng triệu cử tri Hoa Kỳ, ông tự hài hước, chế diễu khả năng Anh ngữ của mình, không che giấu chỉ số thông minh IQ thấp hơn của mình, để dân chúng Hoa Kỳ nhận biết rằng, đây là người lãnh đạo tin được. Trong lúc đó, ông Gore hùng biện linh hoạt, không nhắc nhở gì đến người sếp cũ, Tổng Thống Bill Clinton. Dân chúng Hoa Kỳ biết rằng ông Gore quả thật thông minh hơn ông Bush, nhưng ông Phó Tổng Thống Gore này không thể tin được. Kết cuộc ông Gore đã thảm bại trong đường tơ, kẽ tóc, một kỷ lục suýt soát khít khao chưa từng có trong lịch sử tranh cử vào chức vụ Tổng Thống Hoa Kỳ.

Cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2004, cũng là một cuộc thử lửa giữa chỉ số thông minh IQ và chỉ số tình cảm EQ của Tổng Thống George W. Bush và Thượng Nghị Sĩ John F. Kerry. Ông Steve Sailer không thể tìm kiếm kết quả cuộc thi SAT của ông Kerry, nên ông Sailer lục tìm và sử dụng những tài liệu tại đại học Yale, nơi hai ông Kerry và Bush cùng tốt nghiệp, ông Kerry tốt nghiệp năm 1966 trước ông Bush 02 năm, năm 1968. Ngoài những tài liệu tại đại học Yale, ông Sailer còn lấy kết quả những kỳ thi chất lượng sĩ quan Hoa Kỳ của hai ông để dùng làm tài liệu tính toán chỉ số thông minh IQ của hai ông. Kết quả chỉ số thông minh IQ của Tổng Thống Bush là 125 cao hơn chỉ số thông minh IQ của Thượng Nghị Sĩ Kerry là 120. Giáo sư Linda Gottfredson, chuyên gia IQ của Đại Học Delaware cũng đồng ý cho rằng, cách tính toán nêu trên là khoa học, chính xác đáng tin cậy.

Trong lịch sử tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ, chưa có một nhân vật nào quyết tâm muốn làm Tổng Thống Hoa Kỳ như Thượng Nghị Sĩ John Kerry. Ông đã biểu lộ nguyện vọng đó từ khi còn là sinh viên trường luật và tất cả những hành động trong suốt cuộc đời của ông đều nhắm vào mục tiêu này. Trớ trêu thay, người làm mai mối cho ông Kerry cưới bà vợ tỷ phú giúp ông dồi dào ngân khoản trong cuộc vận động tranh cử vừa qua, lại là ông cựu Tổng Thống George H.W. Bush, cha của đương kim Tổng Thống George W. Bush, đối thủ của mình.

Nhiều nhà tâm lý học cho rằng, chỉ số tình cảm EQ của ông Bush cũng hơn hẳn ông Kerry, nhất là bà Teresa Kerry, vợ của ông Kerry có chỉ số tình cảm EQ thua xa bà Laura Bush. Teresa đã làm mất lòng dân chúng Hoa Kỳ khi bà khoe khoang mình là tỷ phú và gián tiếp cho rằng nội trợ không phải là một công việc làm tăng giá trị của người đàn bà.

Chỉ số IQ và EQ của Tổng Thống George W. Bush cao hơn Thượng Nghị Sĩ John F. Kerry, đã giúp ông và Đảng Cộng Hoà đoạt được thắng lợi vẻ vang trong lịch sử tranh cử Tổng Thống và Quốc Hội Hoa Kỳ, kiểm soát cả hai ngành hành pháp và lập pháp.

Chỉ số thông minh IQ có thể đo lường được bằng những cuộc thi trắc nghiệm, bằng những kết quả con số để so sánh. Tại Âu Châu năm 1905, nhà tâm lý học Pháp Alfred Binet đã soạn ra bài thi trắc nghiệm đầu tiên để cho điểm chỉ số thông minh IQ áp dụng trong các trường học và sau đó những cuộc thi trắc nghiệm chỉ số thông minh IQ cũng được đem ra thi hành cho cả những người mù chữ trong việc tuyển dụng tân binh. Những người có chỉ số thông minh IQ cao nhất được đưa đến các đơn vị tình báo. Tại Hoa Kỳ, lịch sử trắc nghiệm chỉ số thông minh IQ đã đưa đến nhiều cay đắng chua xót. Năm 1910, nhà khoa học Henry Goddard đã tuyên bố phải cấm những người có chỉ số thông minh IQ thấp không được sinh con. Do ý tưởng quá bảo thủ giống nòi này, tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ đã có hàng chục ngàn người bị huỷ hoại khả năng sinh sản và trong thập niên 1920, Cơ Quan Di Trú Hoa Kỳ đã cấm những người có chỉ số thông minh IQ thấp không được vào Mỹ định cư.

Mãi đến năm 1946, Hội Mensa, hội của những người có chỉ số thông minh IQ cao, được thành lập ở Anh Quốc, hội đưa ra rất nhiều bài thi trắc nghiệm cho nhiều hạng người, nhiều loại tuổi khác nhau và kết quả lượng giá cho điểm cũng khác nhau. Ví dụ, kết quả của bài thi nầy là 132, cũng có thể tương đương với điểm 148 của một bài thi khác. Những người được chấp nhận là thông minh xuất sắc được mời gia nhập Hội Mensa phải nằm trong 2% thí sinh giỏi nhất của cuộc thi cùng loại. Có nhiều kết quả các cuộc thi khác ngoài hội, cũng được Hội Mensa chấp thuận để làm tài liệu cứu xét cho điểm tương đương. Thể thức trắc nghiệm chỉ số thông minh IQ của Hội Mensa được đa số giáo sư tâm lý học chấp nhận đây là một phương pháp khoa học, đáng tin cậy hơn cả. Một trong rất nhiều bài trắc nghiệm do Hội Mensa đưa ra là một bài thi với 40 câu hỏi làm trong 40 phút đơn cử 3 câu hỏi tiêu biểu trong bài thi nầy:

1. Chọn một trong 5 con số cho sau mà bạn cho rằng đó là sự so sánh tốt nhất với hai chữ MẤT là TẤM và số phải so sánh 632.

a. 623

b. 362

c. 236

d. 336

e. 662 

(Câu trả lời là c)

2. Nếu bạn sắp xếp lại những chữ này “ANLDEGN”, bạn sẽ có tên của một:

a. Đại dương

b. Quốc gia

c. Tiểu bang

d. Thành phố

e. Con vật

(Câu trả lời là b=ENGLAND)

3. Chọn 5 số sau đây, số nào là hợp lý nhất đến tiếp sau hàng số này: 64, 16, 4, 1, 1/4…:

a. 1/20

b. 1/2

c.  1/8

d.  1/16

e.  1/3

(Câu trả lời là d.)

Những người có từ 90-100 điểm, chỉ số thông minh IQ trung bình

Những người có từ 89-71 điểm, chỉ số thông minh IQ thấp

Những người có từ 70 trở xuống, chỉ số thông minh IQ quá thấp

Những người có từ 110-147 điểm, chỉ số thông minh IQ, xuất sắc

Những người có từ 148 điểm trở lên, chỉ số thông minh IQ ưu hạng, xuất chúng được mời gia nhập Hội Mensa. Hiện Hội Mensa có trên 100 ngàn hội viên trong 100 quốc gia trên thế giới, họ từ 04 đến 94 tuổi, nhưng đa số từ 20-60 tuổi.

Trên hành tinh đông đảo hơn 7 tỷ người này, đa số có chỉ số thông minh IQ trung bình, một thiểu số quá thấp và số ít hơn nữa có điểm IQ từ 148 trở lên. Đầu năm 2004, Viện đại học ở Vienna, Áo Quốc, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu dựa trên chỉ số thông minh IQ trung bình của người dân mọi quốc gia. Viện đại học này đã đưa đến kết luận: Người Châu Á thông minh nhất, đứng đầu danh sách là người Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật và Singapore. Nghiên cứu của Viện đại học này chỉ có tính cách tổng quát, so sánh giữa năm lục địa. Tháng 7 năm 2011, một tài liệu được phổ biến sâu rộng cho rằng:

IQ trung bình của 1 dân tộc là 94 thì cứ 924 người có 1 người là thiên tài, tỷ lệ thiên tài là 0.1%.

IQ trung bình của 1 dân tộc là 100 thì cứ 261 người có 1 người là thiên tài, tỷ lệ thiên tài là 0.4%.

IQ trung bình của 1 dân tộc là 110 thì cứ 100 người có 2.3 người là thiên tài, tỷ lệ thiên tài là 2.3%.          

Dân tộc Do Thái có chỉ số IQ là 110

Gần đây, các giáo sư ở Đại Học San Diego đã khám phá ra một điểm lý thú: chỉ số thông minh IQ cao của một người không tuỳ thuộc vào thể tích trọng lượng của não bộ. Lâu nay ta thường nghĩ rằng người càng thông minh càng có bộ não to, thật ra không phải như vậy. Chỉ số thông mình IQ của một người tuỳ thuộc vào số lượng mạng kết nối giữa những tế bào thần kinh trong não bộ. Số lượng mạng kết nối càng nhiều, đặc biệt các tế bào não bộ chỉ được liên kết độc nhất theo một chiều thẳng hàng, nên chỉ số thông mình IQ càng cao, nhờ có nhiều khả năng suy nghĩ với tốc độ thật nhanh.

Trong khi đó, chỉ số tình cảm EQ là mạng kết nối giữa trăm ngàn tế bào thần kinh liên kết với vô số tế bào khác và tác động lên nhau, nên các nhà tâm lý học cho rằng nhờ thế con người mới có nhận định đầy đủ tình thế, biết được cảm giác bản thân và của người khác để đưa đến những hành động đứng đắn hợp lý giải quyết vấn đề.

Những người lãnh đạo một quốc gia hay một công ty lớn đều là những người có chỉ số tình cảm EQ cao, họ nhạy bén trong khả năng điều hành quản trị và nhất là sử dụng nhân tài đúng chỗ, đúng lúc để đem kết quả tốt nhất về cho quốc gia hoặc công ty của mình.

Cách trắc nghiệm để lượng giá chỉ số tình cảm EQ ra đời trễ muộn hơn. Ngày nay, cũng có rất nhiều bài thi, nhiều loại trắc nghiệm khác nhau để cho điểm chỉ số tình cảm EQ. Dựa trên sự nghiên cứu khoa tâm lý của hai giáo sư John Mayer và Peter Salovey, một loại bài thi gồm 50 câu hỏi làm trong 25 phút đã được một số công ty áp dụng để tìm hiểu một số tình cảm EQ của một ứng viên xin việc. Xin đơn cử ba câu hỏi mà bạn phải hết sức thành thật trả lời đúng với bản thân bạn, không thêm bớt:

1. Bạn biết rất rõ những ưu điểm và những khuyết điểm của bản thân bạn?

     a. Không   b. Có 25% .    c. Có 50%    d. Có 75%    e. Có 100%

2. Bạn có nhạy bén trong sự hiểu biết tình cảm, cách suy nghĩ của kẻ khác?

3. Dầu trong hoàn cảnh bấp bênh không chắc chắn và đầy áp lực, bạn có dám lấy những quyết định rõ ràng để vượt qua?

Thang điểm chỉ số tình cảm EQ cũng lấy điểm 100 làm mốc trung bình. Các nhà tâm lý học đồng ý cho rằng:

68% dân chúng có điểm tình cảm EQ trung bình từ 85-115

16% dân chúng có điểm tình cảm EQ thấp từ 84 trở xuống

14% dân chúng có điểm tình cảm EQ cao từ 116-130

2% dân chúng có điểm tình cảm EQ cao tối ưu từ 131 trở lên

Gần đây nhất, một chuyện vui lý thú về chỉ số IQ và EQ đã xảy ra ở Anh Quốc, nơi đầu tiên nghiên cứu sâu rộng về sự thông minh của con người.

Theo báo Mirror, số đầu tháng 2, 2011, cô bé Amie Thackeray 14 tuổi cùng với cha ruột đã tranh luận với nhau trong một thời gian dài về trí thông minh. Amie cho rằng mình thông minh hơn cha, còn cha cô nhất quyết bảo rằng ông ta thông minh hơn con gái. Người đàn bà đứng giữa, vừa là vợ, vừa là mẹ hoảng hốt sợ sệt, sự cãi lộn quyết liệt có thể làm tan nát hạnh phúc êm ấm gia đình. Bà phân vân bối rối, cuối cùng đành phải nhờ đại học Sheffied phân xử bằng cách làm bài trắc nghiệm chỉ số IQ trong 2 giờ. Kết quả cô Amie đạt được 162 điểm và cha cô bẽn lẽn với số điểm 132.

Dầu Amie được xem như đứa trẻ thông minh nhất Anh quốc trong đầu năm 2011, nhưng có lẽ điểm EQ của hai cha con này chỉ đạt được điểm dưới trung bình!

(Huy Lục Bùi Tiên Khôi)

 

 
Trở lại     Đầu trang