loading
Suy ngẫm
Thênh thang trên xứ non cao


Tôi sắp kể một chuyện phim, nhưng chưa kịp kể thì trong đầu vụt nhớ đến một chuyện khôi hài: một anh chồng nộp đơn xin ly dị vợ vì anh mê đọc truyện trinh thám mà chị thì cứ chờ anh mua sách về là lén xé ngay trang cuối khiến anh chẳng hề biết thủ phạm là ai. Tôi rất tán thành anh chồng vì không có cái tức nào hơn tức này, nhưng lại tủm tỉm nghĩ đến chị vợ: chị cần gì phải xé sách, cứ viết tên thủ phạm lên ngay trang nhất, thế chẳng đủ để ông tòa xử ly dị rồi sao?

Giữa người kể chuyện phim và người có thể xem phim, mối liên hệ đạo lý cũng từa tựa như thế: kể hết ngọn ngành tình tiết ra từ đầu đến cuối nào có khác gì viết tên thủ phạm lên đầu trang sách? Phải để cho người đọc cái thú xem phim chứ! Cho nên tôi tự hứa với lòng giữ trọn tình nghĩa vợ chồng son sắt, nhất quyết không ly dị với ai cả.

Đó cũng là lý do khiến tôi không bắt đầu ở chỗ bắt đầu mà bắt đầu ở đoạn giữa của phim, với một câu nói bâng quơ, chắc không mấy ai để ý, thốt ra từ miệng xinh đẹp của một cô gái Bhutan xinh đẹp. Cô nói về nước Mỹ với anh thanh niên Bhutan đang nuôi mộng đến Mỹ quốc, không phải để trách cứ gì, mà chỉ vì cô thương nước cô: "Hình như nhiều người ở nước ấy không biết đến cả tên của nước Bhutan!" Nước Bhutan của cô mà người ta không biết thì quả là bất hạnh. Bất hạnh hơn cả trẻ thơ chưa bao giờ nghe đến chuyện cổ tích thần tiên! Cô gái không thể tưởng tượng được có một anh thanh niên Bhutan dứt bỏ thiên nhiên tuyệt đẹp, núi non hùng vĩ, thôn xóm xinh xắn trải quanh triền núi Hy Mã Lạp Sơn này, để đi sinh sống nơi khác, mà nơi khác đó chẳng biết đến cả sự có mặt của cái xứ hiền hòa, an vui độc nhất trên trái đất này!

Cô và anh thanh niên là hai người lữ hành trong phim, một người thì muốn đi rất xa, đến một cõi mộng, một người thì chỉ biết hồn nhiên ở lại với núi non của mình, quê hương thực, không gì chia cắt được. Cùng với cô gái, ba người lữ hành nữa cũng đi, đi giữa mây núi Hy Mã, để thấy linh hồn của mình nhập một với mây ấy, núi ấy.

+"Khách lữ hành và nhà ảo thuật" là một cuốn phim của Bhutan kể chuyện đi và chuyện ở, chuyện mộng và chuyện thực, chuyện thèm khát và chuyện an vui, chuyện đuổi bướm viễn vông trong ảo giác và chuyện thiên thu nắm được trong bàn tay. Một chuyện thần tiên chập chờn giữa mơ ước huyễn và hạnh phúc thật kể trong khung cảnh bao la, tĩnh lặng của một con đường đèo cheo leo bò quanh triền núi chờ một tiếng xe suốt ngày chưa thấy bóng dáng.

Chờ xe giữa núi và mây là dịp khiến những người bộ hành đó gặp nhau. Người thứ nhất là anh thanh niên đã nói. Anh chán tỉnh lẻ, lên thủ đô tìm cách đi Mỹ vì nghe nói lương ở bên đó nửa ngày bằng lương của anh ở bên này một tháng. Hành lý mà anh không rời được trong lúc đợi xe là chiếc máy thu thanh và hàng chục băng nhạc rộn ràng của xứ ấy. Anh vừa trễ chuyến xe hàng duy nhất trong ngày, vì, chán quá, người nông dân Bhutan sao mà niềm nở thế, nghe anh đi, người thì mời bánh, người thì đùm bọc lương khô, người chào, người hỏi, phí mất thì giờ! Người thứ hai đến đợi xe sau anh là ông già bán táo; ông mang táo trong vườn ra thị trấn gần đấy bán. Ông trố mắt nhìn anh thanh niên tay chân bồn chồn như phỏng lửa. Xe chạy qua rồi? Thì gối đầu lên bao tải, lim dim mắt! Việc gì phải đi tới đi lui, hút thuốc liên hồi! Kìa, có người thứ ba đang nhanh nhẩu đi đến: một ông sư trẻ. Ồ, ông sư trẻ xứ Bhutan! Giá như ông sư trẻ ở đâu cũng giống ông này thì cuộc đời hạnh phúc quá! Ông hóm hỉnh, làm gì, nói gì cũng tự nhiên mà có duyên. Tuồng như ông có chất tếu trong người, tếu mà đạo vị! Gần ông, chắc ai có chuyện bực mình cũng hết bực, vì ông vui tính, linh hoạt, hồn nhiên như trẻ thơ kể cả khi ông thốt ra vài câu của người lớn. "Đi đâu?", ông hỏi người thanh niên. "Đi xa? Xa là đâu? Đến xứ trong mộng? Ấy ấy, Phật đã nói rồi, mơ mộng hão huyền sẽ đưa đến đau khổ đấy!" Hành lý của ông chỉ một tay nải và một cây đàn tỳ. Ông nhìn anh thanh niên hục hặc với con đường đèo vắng tiếng xe, cười cười dụ dỗ: "Chú ơi, chú càng hút thuốc xe càng vắng đấy, đến ngồi đây, tôi gảy đàn kể chuyện cho chú nghe. Chú đi đến xứ trong mộng phải không? Thì tôi cũng sẽ kể chuyện xứ trong mộng cho chú nghe ... hì hì, ai cũng có xứ trong mộng cả đấy!"

Ông dạo đàn. Đêm dần xuống. Một ngày vừa qua. Bên ánh lửa thắp lên ven đường, cạnh núi, ông sư kể:

 

"Có một nhà ảo thuật mở lớp dạy phép lạ cho người hiếu kỳ. Này, ngắt lá này sắc lên với lá này, uống nước vào các chú sẽ thấy người lâng lâng như bay bổng trong mộng. Này, ngắt lá này sắc thêm với lá này nữa, uống vào, chết người đấy! Một chàng trai lơ đãng ngồi nghe bài học, vì thật ra chú chẳng thích thú gì với chuyện lá cây: trai mới lớn, chú chỉ mơ đến miền nào có nhiều gái đẹp. Gái đẹp? Nào khó gì? Lá cây chỉ thổi một hơi là đưa chú đến ngay!"

 

Tiếng đàn của ông sư ru mọi người vào giấc ngủ. Ngày sáng lên. Thấy chưa, mới đàn một khúc, đêm đã qua rồi! Trông kìa, lại có ai đi tới. Một người, hai người. Ông cha và cô con gái đẹp. Núi non ơi, sao lại có người đẹp như vậy giữa núi non này! Chắc chỉ có thiên nhiên trong vắt của Bhutan mới sinh ra được một người đẹp trong vắt như thế! Ấy là cô thiếu nữ đã nói lúc đầu. Cô cùng đi với cha từ làng lên thủ đô để bán giấy dó làm bằng rơm. Hay thế, chàng thanh niên chẳng hề để ý đến ai bây giờ cũng biết giúp người đẹp leo lên xe khi xe đến. Câu chuyện của ông sư, chàng nghe với nửa vành tai, bây giờ có cô gái cùng nghe, hình như chàng cũng chăm chú. Cô gái thùy mị, ít nói, nghe chuyện đôi lúc hé miệng cười, cả mắt lẫn miệng đều xinh. Ông sư kể tiếp: chuyện đến đâu rồi nhỉ, à lá cây...

 

"Lá cây biến thành ngựa với anh chàng trai trên lưng, phi như bay, như tên bay, không cưỡng được. Đã gọi là đến xứ mộng, đến miền gái đẹp, thì làm sao mà cưỡng được, ai cưỡng nổi? Ngựa phi vào rừng sâu dày đặc, đêm tối âm u, sấm sét xé trời, chắc chỉ có dục vọng của con người mới sánh nổi thịnh nộ của trời đất. Cuối cùng, ngựa tung chàng trai xuống đất, nhưng may quá, trước mắt có ánh sáng leo lét của một căn nhà. Chàng gõ cửa, xin tá túc qua đêm. Người mở cửa là một ông già râu tóc lởm chởm. Băng bó vết thương, ngủ vùi đến sáng, thức dậy, chàng trai thấy ông già không phải ở một mình mà có thêm một cô vợ trẻ. Một cô vợ trẻ và đẹp!"

 

Xe leo dốc không nổi, đứng máy. Đoàn người lại ngồi chờ ven đường, chờ bác tài sửa xe. Anh thanh niên lân la hỏi chuyện cô gái: "Cô ở đây không buồn à?" "Không." "Nghe cha cô nói cô thi hỏng, phải về đây." Cô gái cười: "Tôi có một bí mật, không nói với ai." Nhưng rồi cô nói, như tuồng anh thanh niên đã trở thành người quen: "Tôi thi đậu vào đại học, nhưng tôi nói dối cha tôi, để về đây ở với cha, vì mẹ tôi vừa mất, tôi không muốn ông cô quạnh." Cô gái ăn nói bình thản, chuyện đậu hỏng dường như không làm cô bận tâm. Tối hôm qua, anh thanh niên nhìn cô nhen củi lửa nấu ăn ven đường: tay cô ấm áp, như từ đó sáng lên bếp lửa. Suốt hành trình, hình như cô chỉ nhíu mày một lần: đó là lúc cô bảo anh thanh niên đừng hút thuốc nữa, hút thuốc có hại. Mà lạ thật, cô nói chưa hết câu, anh thanh niên đã dụi tắt thuốc rồi. Anh này có muốn ngồi gần ai đâu, nhưng làm sao có thể ngồi xa bếp lửa được! Dường như anh đã bắt đầu cảm thấy giờ hẹn ở thủ đô bớt tính cách quyết liệt, dường như hành trình trên con đường núi vắng teo này không thiên thu bất tận như hôm qua. Không biết trong lòng anh, anh có nghĩ đến một con bướm đánh hơi thấy mùi hoa không. Nhưng hoa kia thì vẫn thế, vẫn xinh đẹp tỏa hương hồn nhiên.

Xe nổ máy. Mọi người lại lên xe. Ông sư kể tiếp:

 

"Chàng trai bỗng thấy hiện ra một cô vợ trẻ. Lặng lẽ, người đàn bà vào ra lui tới. Lặng lẽ, người đàn bà pha nước đun trà. Rừng sâu câm nín như thế nào thì người đàn bà câm nín như thế ấy. Rừng sâu bí ẩn, người đàn bà cũng bí ẩn. Tại sao một người đàn bà trẻ như vậy lại sống với ông già? Sống như đày đọa giữa âm ty tăm tối? Sống cam phận, chịu đựng như kẻ nô tỳ dưới uy quyền tuyệt đối của ông lão tiều phu? Rừng sâu ơi, tiều phu ơi, sao một vẻ đẹp thầm lặng có thể quyến rũ đến thế! Suốt hai ngày ở lại để băng bó vết thương, khách lạ và người đàn bà chỉ trao đổi với nhau vài lời bằng mắt. Rồi khách đi, nhưng rừng sâu chắn lối, lại đưa khách về. Ông lão đã lầm lì lại càng lầm lì quan sát hơn. Mặt ông sắc, mắt ông dữ. Ông nói, nhìn sâu vào ruột gan người đối diện: "Đừng bao giờ cưới vợ trẻ nhé! Tôi không đem cô này vào ở rừng sâu thì thiếu gì thằng nhãi ngoài chợ cuỗm mất!"

Ông tưởng có thể dấu vợ trẻ trong rừng sâu! Ông cũng nuôi mộng đấy! Ông định làm ảo thuật thì có kẻ làm ảo thuật cao hơn ông! Ông nhốt vợ trong lỗ kim, tưởng thế là an toàn; con voi non kia sẽ chui vào lỗ kim dễ như bỡn!...”

 

Dường như xe có ngừng lại ở đâu đó nữa, đổi qua xe khác. Dường như cả đoàn có lúc phải đi bộ khá xa, anh thanh niên ái ngại, hào hiệp đề nghị mang hành lý giúp cô gái. Dường như hành trình đã kéo dài hai ngày hai đêm. Tội nghiệp ông già bán táo không nghe được hết câu chuyện. Trong một lúc chờ xe khác, bỗng xe đến mà chỉ có một chỗ. Anh thanh niên gấp gáp lên thủ đô như vậy mà vui lòng đề nghị nhường chỗ cho ông bán táo! Đâu phải anh chàng ham nghe nốt chuyện! Tủm tỉm, ông sư nói nhỏ vào tai chàng: "Này, chú ơi, coi bộ cô ấy chịu chú rồi đấy nhé." Hai ngày qua rồi sao? Nhanh thế! Cũng như chàng trai trong rừng sâu, chui vào lỗ kim, ôm gái đẹp trong tay, ngây dại, chẳng còn biết đã ở trong nhà ông lão tiều phu bao nhiêu con trăng rồi.

 

"Như ngây như dại, chú bềnh bồng trong vui thú. Thú vui càng thầm lén càng say sưa. Nhưng kìa, sao ông tiều phu lại mài dao trong góc vườn? Sao mắt ông đỏ ngầu tức khí? Sao người đàn bà bỗng trở nên khó hiểu? Đang thầm lặng, sao dữ dội? Sao bỗng nhiên ra lệnh cho chàng trai: "Anh phải giết nó trước khi nó giết chúng ta?" Giết người! Giết người! Đầu óc quay cuồng của anh con trai bỗng xoáy quanh bài học trót học lơ đãng ngày trước: ngắt lá này sắc lên với lá này... "

 

Không, không được đâu, tôi phải chấm dứt ở đây, tôi phải giữ lời hứa, tôi không thể viết tên thủ phạm lên trang đầu cuốn sách hay ở cuối chuyện phim. Không, tôi phải để dành cho ông sư và cây đàn của ông kể đoạn kết của câu chuyện thần tiên. Mà xe cũng đã ngừng lại rồi để chuyển qua xe khác chỉ có hai chỗ. Hai cha con cô gái đã xuống xe. Tôi cố tìm một thoáng bâng khuâng trên nét mặt dịu dàng của cô, nhưng không thấy. Cô vẫy tay chào ông sư và anh thanh niên, miệng vẫn cười xinh. Người thoáng một chút bâng khuâng có lẽ là tôi. Cô gái làm tôi yêu xứ Bhutan của cô quá chừng. Cô làm tôi yêu núi non. Tôi muốn chờ xe với cô. Chờ cả đời cũng được. Tôi nói thế không sợ ông sư cười đâu, không sợ ông cười tôi cũng đang nuôi xứ mộng. Bởi vì tôi thấy ông đến nói nhỏ câu gì với riêng cô trước khi lên xe, ông nói:" Đừng đi đâu cả cô nhé, ở lại làng nước với cha, cô nhé." Ít nhất cũng có một chuyện thật, một xứ thực: quê hương của cô gái. Ít nhất cũng có một hạnh phúc không phải giả: sống với cô gái hai ngày đường.

Cho nên khi lên xe đi tiếp với anh thanh niên, ông sư trẻ của tôi hóm hỉnh gảy đàn kể chuyện khác: "Ngày xưa, có anh thanh niên bỏ non nước thần tiên để tìm đến một xứ mộng. Giữa đường, anh gặp một cô gái thùy mị, xinh xắn ..."

 

Phim chiếu đã lâu, đoạt giải thưởng của khán giả trong Liên hoan phim Á châu  tại Deauville (Pháp) năm 2004, tại sao hôm nay tôi lại kể? Quảng cáo không công cho DVD chăng? Đâu phải! Tại vì Bhutan vừa trở nên thời sự! Cho đến gần đây, thế giới hãy còn cười mũi, chế nhạo đề nghị của nước này lấy hạnh phúc làm thước đo phát triển. Thay vì lấy tổng sản lượng quốc nội làm chỉ tiêu và đặt ba chữ GDP để thờ trên bàn thờ phát triển, Bhutan ngược ngạo phản biện: giàu nghèo mà làm gì nếu phát triển kinh tế không đưa đến hạnh phúc? Thay vì đo bằng GDP (Gross Domestic Product), ta hãy đo bằng GNH, Gross National Happiness! Ba chữ lạ hoắc GNH bây giờ bỗng lọt vào mắt xanh của Bộ Ngoại giao Nhật, của báo Mỹ, của đại học Mỹ. Bhutan đề nghị đo hạnh phúc trên bốn tiêu chuẩn: phát triển đồng đều trong xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng một chính thể có trách nhiệm. Nói gì bốn cho nhiều, chỉ một trong bốn tiêu chuẩn ấy, nếu thực hiện được, đã phước ba đời rồi.

Kể chuyện phim, tôi đâu có ý lân la qua chuyện kinh tế. Nhưng phim năm ngoái và GNH năm nay gợi lên chuyện hạnh phúc mà các nước giàu càng ngày càng biết rằng chẳng ai đem tiền ra mua được. GDP của Bhutan là 500 triệu đô la. GDP của Nhật là 4400 tỷ. Một giọt sương bên cạnh bát nước đầy! Nhưng người Nhật có hạnh phúc hơn ông già bán táo trong phim không? Các kinh tế gia tiếng tăm của Nhật tuyên bố trong hội thảo của Bộ Ngoại giao: nước Nhật phải bớt quan tâm đến mức tăng trưởng GDP để học hỏi quan niệm hạnh phúc của Bhutan. Cũng thế, một đại biểu Canada hỏi thẳng trong hội thảo ở Mỹ: ở đầu thế kỷ 21 này, ai còn dám tự hào "Bạn phải cười đi vì bạn đang đứng giữa Disneyland"? Cuốn phim đưa người xem đi vào cái nhìn hiền triết thời sự ngày nay mà Mathieu Ricard đã dự báo từ mấy năm trước. Ông nói: “Buthan nghèo, nhưng không khổ, không có người ăn xin, nhà nào cũng có ruộng vườn, có trâu bò, có khung dệt, đủ ăn, đủ mặc, giáo dục, y tế miễn phí.”

Bhutan là nước nghèo duy nhất trên thế giới có rừng còn nguyên vẹn, là nước nghèo duy nhất trên thế giới hạn chế du lịch đến mức tối đa, là nước duy nhất trên thế giới cấm săn bắn, đánh cá. Bhutan không biết chen chúc: non một triệu dân sống rải rác trên một dải đất dài 500 cây số, phong cảnh tuyệt đẹp, với một thủ đô không quá 30 ngàn người. Nếu muốn, Bhutan có thể trở thành như bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng nếu muốn, không nước nào có thể trở thành Bhutan. Không ở đâu trời đất còn nghe tiếng nông dân hát ngoài đồng trong mùa gặt. Trong thế giới càng ngày càng phức tạp, Bhutan lựa chọn sống đơn giản. Người dân không có gì trong tay bởi vì họ có cả thế giới. Họ không tìm kiếm gì, bởi vì tất cả đều ở đấy rồi. Bởi vậy, người trong phim không vội vã. Không vội vã, nên họ tự do. Và tự do là hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến từ bên trong. Cám ơn Bhutan đã dám sống độc đáo với sự thật ấy.

(Cao Huy Thuần)

 

 

 

 

 

 

 

 
Trở lại     Đầu trang