Bạn có phải là người yêu quý và quan tâm đến sức khỏe của bản thân và người thân của mình hay không? Bạn có thấy xung quanh và ngay trong bản thân chúng ta đầy rẫy những nghịch lý mà ta đang sống chung và hít thở như không khí vậy?
Chúng ta có nhiều tiền hơn xưa, nhưng sức khỏe kém hơn.
Các hiệu thuốc và bệnh viện nhiều hơn, nhưng chúng ta vẫn không khỏe, mà càng phải đến những nơi đó thường xuyên hơn.
Chúng ta thấy nhiều công trình đẹp đẽ hơn, nhưng các bệnh viện thì càng quá tải và trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp hơn.
Con cái chúng ta được chăm sóc nhiều hơn, nhưng chúng dễ bị ốm và kém thích nghi hơn.
Chúng ta lo lắng và chuẩn bị rất nhiều điều cho tương lai xa xôi đến những thứ nhỏ nhặt hiện tại, nhưng lại rất ít chú ý đến điều quan trọng nhất là sức khỏe của chúng ta ngay bây giờ.
Chúng ta thờ ơ với sức khỏe của mình, để mặc cơ thể của ta lên tiếng báo động hết lần này đến lần khác qua những triệu chứng và cơn đau, nhưng đi tra dầu và sửa chữa ngay cho chiếc xe khi nó kêu cót két.
Khi cần trả tiền để giữ gìn và nâng cao sức khỏe, chúng ta mặc cả với chính cơ thể mình từng đồng, nhưng sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho các bác sĩ và chủ hiệu thuốc xa lạ để mong lấy lại sức khỏe đã mất.
Chúng ta sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho những tiện nghi sành điệu, hàng hiệu, đặc sản,... nhiều khi chỉ để tâm ta được thỏa mãn và hãnh diện với người khác, mà chẳng tự hỏi xem điều đó có thực sự mang lại sức khỏe, sự minh mẫn cho trí óc và bình an cho tâm hồn mình hay không.
Chúng ta không tìm hiểu để trân trọng, yêu quý và bảo vệ cơ thể của mình - một bộ máy vô cùng tinh tế và kỳ diệu của tự nhiên qua hàng triệu năm tiến hóa, mà tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào những người có danh hiệu bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, trưởng khoa,… mà kiến thức của họ mới chỉ như đứa trẻ trước sự bí ẩn kỳ diệu và vĩ đại của sự sống.
Bạn có nhìn thấy điều này không?
Nếu là tài sản quý giá, tiền bạc thì ta giữ trong két bảo mật trong ngôi nhà của ta, hoặc ở những nơi an toàn nhất.
Còn sức khỏe cơ thể - nơi trú ngụ của linh hồn, thì ta trao vào tay và phó thác cho những "nhà chuyên môn về y tế": Bác sĩ - Hiệu thuốc - Bệnh viện,... Ta phó thác cho những hãng kinh doanh đồ ăn nhanh, rượu bia, nước ngọt, nhà hàng, quán bia, cơm bụi,... Và cả những phương tiện truyền thông chỉ biết doanh số và lợi nhuận, những luồng gió dư luận khen, chê, tốt, xấu mà chẳng biết thực sự chúng thổi về đâu!
Chúng ta sửng sốt hoặc thờ ơ nghe tin những người quen bị bệnh nặng sắp từ giã cõi đời, nhưng không bao giờ nghĩ mình hoặc người thân thiết của mình cũng có thể như vậy.
Chúng ta biểu lộ vẻ thông cảm, an ủi, động viên và biếu quà cho những người đau bệnh, nhưng chẳng cảm nhận và rút ra được điều gì từ nỗi đau đớn mà họ đang phải chịu. Chúng ta mặc nhiên và dễ dàng chấp nhận một thực tế là mình chẳng giúp gì được, ngoài một chút tiền để dành trả cho bác sĩ và hiệu thuốc.
Chúng ta viếng đám tang những người thân, người quen như một thủ tục phải làm, nhưng không bao giờ nghĩ đến mình và những người thân yêu nhất cũng sẽ là nhân vật chính của một đám tang, vào một ngày nào đó.
Chúng ta vô tư hút thuốc lá, uống rượu bia, nhồi nhét những thứ độc hại vào cơ thể mình, mặc dù biết chúng độc hại. Chúng ta coi rượu bia là thước đo của sức khỏe và phong độ để hãnh diện và tự hào, sự vô tư bền chặt của tình bằng hữu!
Chúng ta tự đầu độc chính tâm trí mình bằng cách hào hứng tìm kiếm và nhồi nhét vào tâm trí mình những tin gây sốc, vụ án, tệ nạn, những thứ mà chính chúng ta căm ghét, giận dữ…
Nhiều người trong chúng ta mua vui, giải trí từ những việc làm mà ta luôn phải tìm cách giấu kín trước những người mà ta tôn trọng, hoặc phải xấu hổ với lương tâm của mình (nếu chưa tự lừa dối mình rằng điều đó là đúng đắn).
Chúng ta vẫn hối hả ngày đêm trong vòng xoáy kiếm tiền, say sưa tích lũy của cải, hãnh diện về những tài sản và danh vọng của mình. Càng có nhiều, chúng ta càng muốn nhiều hơn.
Đôi khi chúng ta không quan tâm những việc ta làm có hại cho xã hội và những người xung quanh hay không, và không cần biết hậu quả. Vì chúng ta nghĩ rằng, nếu có thì những người xa lạ khác chứ không phải ta và người thân yêu của ta, sẽ phải gánh chịu những thứ tồi tệ đó!
Bạn đang bức bối vì điều gì?
Ô nhiễm vì khói bụi, rác, nước thải quanh nhà bạn?
Nạn tắc đường và tai nạn giao thông rình rập trên mỗi nẻo đường?
Bệnh viện quá tải, giá thuốc "cắt cổ", bác sĩ vô trách nhiệm?
Thực phẩm ngày càng đắt đỏ và ô nhiễm hơn luôn đe dọa sức khỏe của gia đình, con cái bạn?
Tệ nạn xã hội đang rình rập làm hư hoại những đứa con của bạn?
Những mối quan hệ phức tạp, đố kỵ, ghen ghét ở nơi làm việc?
...
Những thứ này đang hàng ngày, hàng giờ hủy hoại sức khỏe và lấy đi những giá trị cao quý của cuộc sống mà đáng lẽ bạn phải có.
Chúng ta không thích những điều đó xảy đến với mình.
Nhưng đôi lúc chính chúng ta cũng góp lửa thêm vào, hoặc hưởng lợi từ những điều đó!
Bạn có tự hỏi: đó là sự vô trách nhiệm, thờ ơ, hay sự bất lực của chính chúng ta?
Điều quan trọng hơn, sự vô trách nhiệm đó đang ngày càng trở thành thường xuyên hơn - đến nỗi trở thành một thói quen và lan ra cả cộng đồng (rồi từ cộng đồng lại len lỏi và ngự trị trong chính ngôi nhà của ta), và làm cho đời sống của chúng ta ngày càng ô nhiễm, ngột ngạt và bức bối hơn nữa.
Chúng ta cứ tưởng (và hy vọng) rằng những điều xui xẻo, vận hạn chỉ đến với những người khác, mà không thể đến với mình, cha mẹ và con cái mình.
Hoặc chúng ta luôn lo lắng, sợ hãi về những điều xấu sẽ xảy đến, nhưng lại chỉ lo tích lũy tiền bạc để đối phó với chúng. Vì chúng ta vẫn nghĩ có nhiều tiền là có thể mua được tất cả!
Hoặc nhiều người lại đi lo cầu cúng ông bà, làm mâm cao cỗ đầy lễ Phật, dâng sao giải hạn mong tránh được tai qua nạn khỏi, mà không biết rằng Luật Nhân - Quả phủ trùm vũ trụ. Người đang sống không dám nhận trách nhiệm làm chủ và định đoạt cuộc đời mình, mà lại hy vọng dựa dẫm, phó thác cho những người đã khuất núi?
Với sức khỏe, chúng ta cứ thờ ơ và lạnh lùng để cơ thể của mình báo động và kêu cứu hết lần này đến lần khác, bằng những cơn đau âm ỉ, hoặc thoáng qua.
Chúng ta muốn khai thác cơ thể mình như thể với một kẻ nô lệ không công, hoặc cỗ xe miễn phí, mà chỉ cần đổ cho nó ít thức ăn, thậm chí cả những thứ độc hại - nếu đó là những thứ ưa thích của ta.
Bởi vì ta thấy nhiều người xung quanh cũng làm như vậy!
Cho đến khi, bệnh tật và tai họa đổ ập trên đầu ta, trong ngôi nhà của ta, lên bố, mẹ, vợ, chồng, con cái của ta.
Ta đau khổ, ta kêu cứu, ta cầu khẩn, ta đổ lỗi, ta hối hận và tiếc nuối.
Ta cho đó là điều xui xẻo, là số phận, là định mệnh của ta. Đúng thôi, vì chính ta tạo ra số phận đó, bằng những sự lựa chọn và hành động của ta hàng ngày, hàng giờ.
Bạn có dịp hiếm hoi nào ở bênh cạnh và lắng nghe những người đang sắp từ giã cõi đời? Bạn có biết họ mong ước điều gì nhất? Có phải họ ao ước kiếm được nhiều tiền hơn? Có được chức vụ và danh vọng lớn hơn? Được nhiều người biết đến và nổi tiếng hơn?
Hay họ khát khao được sống thêm vài ngày khỏe mạnh?
Hoặc mong ước thiết tha để lại một điều gì thực sự có ý nghĩa cho cuộc đời?
Bạn đang nắm trong tay những điều đó. Nhưng có lẽ bạn sắp đánh mất, nếu bạn vẫn làm như những gì mà hôm qua bạn vẫn làm, như đa số mọi người xung quanh chúng ta vẫn làm một cách mê lầm.
Như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: Điều làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại chính là con người. "Bởi vì con người dùng sức khỏe để tích lũy tiền bạc, rồi lại dùng tiền bạc để mua lại sức khỏe. Con người mải sống với quá khứ và lo cho tương lai mà quên mất hiện tại, đến nỗi không sống cho cả hiện tại lẫn tương lai.
Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết
Nhưng rồi sẽ chết như chưa từng sống bao giờ!"
Hãy suy nghĩ lại về những gì đang xảy ra xung quanh bạn, trong tâm trí bạn!
Sức khỏe, Hạnh phúc và Ý nghĩa cuộc sống nằm trong tay bạn. Tất cả phụ thuộc vào sự thức tỉnh và hành động của bạn, ngay từ bây giờ!
Vậy chúng ta cần phải làm gì?
Chúng ta có nên thụ động trông chờ vào sự cải thiện của hệ thống y tế, giáo dục, vào lực lượng quản lý thị trường, vào hệ thống quy hoạch giao thông, môi trường, rồi bao nhiêu hệ thống khác nữa…? Và khi không thỏa mãn thì chúng ta chỉ biết lên tiếng than vãn, chê bai, chỉ trích?
Con đường cải biến thế giới thật đơn giản, như một câu nói của một bậc vĩ nhân: “Đừng giận dữ và chiến đấu với bóng đêm, hãy thắp lên một ngọn lửa dù nhỏ”.
Trước hết, mỗi người hãy tự tìm biện pháp để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và gia đình mình. Bạn phải là người gìn giữ lấy một trong những tài sản quý nhất của chính mình - sức khỏe. Đừng nên trao nó vào tay người khác.
Hãy biết tinh lọc những gì tốt đẹp vào trong tâm hồn mình và trao truyền cho thế hệ con cái chúng ta. Ở mỗi vị trí công việc trong cuộc sống, chúng ta đều có thể ảnh hưởng đến những con người, môi trường xung quanh bằng chính tư tưởng, lời nói và hành động của mình. Đó sẽ là những ngọn lửa nhỏ, nhiều ngọn lửa sẽ thắp sáng cho một cuộc sống mới.
Hãy làm một con người theo đúng chữ “NHÂN”, như lời Khổng Tử đã dạy: “Điều mình không muốn thì đừng đem nó cho kẻ khác, điều gì mình muốn thì nên giúp người đạt được”.
“Gieo gì gặt nấy”, điều đặc biệt hơn là khi gieo 1 sẽ gặt được gấp 10 lần. Nhiều người cùng gieo hạt giống tốt thì sẽ có mùa bội thu. Nếu bạn là người đầu tiên gieo hạt, bạn sẽ là tấm gương, đừng lo không có ai làm theo bạn, vì bạn sẽ vẫn là “CON NGƯỜI”.
Nếu bạn thấy những thông tin này có ích, hãy chia sẻ và gửi tặng cho những người mà bạn yêu quý như một món quà, để thông điệp này có thể truyền đi mãi, cho một xã hội mạnh khỏe, sáng suốt và nhân ái hơn!
(Hữu Hiệp)
- Cứ tưởng mình già
- Những bệnh không nên ăn đậu phụng
- Cách làm trứng (vịt, gà) muối
- Bệnh loãng xương
- Mắt và Computer
- Những thói quen có hại
- Hạn chế nguy hiểm khi dùng điện thoại di động
- Bạn làm gì khi ở trong thang máy đang rơi?
- Những quan niệm sai lầm khi chế biến trứng
- Cái Sướng Của Người Lớn Tuổi
- Những món ăn kỵ nhau
- 24 Triệu Chứng Bệnh Không Nên Coi Thường
- 6 cấm kỵ khi dùng bột ngọt
- Làm gì khi điện thoại bị rơi vào nước?
- Đậy nắp bồn cầu khi giật nước