Ca sĩ khuyết tật Thủy Tiên và Nghệ sĩ khuyết tật Nguyễn Thế Vinh hẳn không còn xa lạ với công chúng yêu nhạc Trịnh ở Tp.HCM. Hai nghệ sĩ đã trải qua một quãng đời đầy gian khổ, từ đó, họ đã vượt lên định mệnh để có thể đem lại niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống cho mình và mọi người như ngày hôm nay.
Đoạn video clip bài hát "Một Cõi Đi Về "của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chứa những hình ảnh thật cảm động và đáng khâm phục.
Giọng nữ là ca sĩ Thủy Tiên
Giọng nam là ca sĩ gốc Mỹ Richard Fuller,
Đệm ghita là nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh. Anh vừa thổi Harmonica vừa đệm đàn chỉ bằng một cánh tay trái.
Mời các bạn thưởng thức.
Ca sĩ khuyết tật Thuỷ Tiên: Vượt lên định mệnh
Tôi gặp Thuỷ Tiên tại cuộc Liên hoan tôn vinh những thanh niên khuyết tật thành đạt, với chủ đề "Hoa cuộc sống". Thuỷ Tiên xuất hiện tại liên hoan không chỉ với tư cách một điển hình tuổi trẻ khuyết tật vượt lên hoàn cảnh, mà còn là một ca sĩ.
Lâu nay, giọng hát của cô đã khá quen thuộc đối với khán giả ở TP HCM qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật từ thiện, tại các phòng trà, hội quán và cả trên sóng phát thanh, truyền hình.
Người ta biết cô là một ca sĩ khuyết tật chuyên hát nhạc Trịnh và hát rất hay, nhưng ít người biết, để có được tiếng hát ấy, để có được niềm đam mê được đứng dưới ánh đèn sân khấu hằng đêm, Thuỷ Tiên đã trải qua một quãng đời đau đớn và tuyệt vọng đến cùng cực...
Là con gái út trong một gia đình có 7 anh em, lên 3 tuổi, cô bé Tô Thị Thanh Thuỷ Tiên đã mồ côi cha. Người mẹ của 7 đứa con phải còng lưng tất bật tối ngày với từng mớ rau, con cá tại cái chợ cóc nằm trong một góc phố nghèo ở phường 24, quận Bình Thạnh, TP HCM, mới có thể kiếm đủ vài ba ký gạo mỗi ngày để duy trì cuộc sống.
Lên 7 tuổi, Thuỷ Tiên đã biết giúp mẹ bán hàng mưu sinh. Dù cuộc sống bộn bề vất vả, khó khăn, song cô bé vẫn rất chăm học và học giỏi. Cánh diều tuổi thơ chưa kịp đón gió thì bi kịch cuộc đời đã đổ ập xuống mái đầu non nớt. Thuỷ Tiên bị mắc một chứng bệnh hiểm nghèo.
Ban đầu bờ môi cô bé xuất hiện những nốt đỏ tấy, ngứa ngáy rất khó chịu. Mọi người tưởng Thuỷ Tiên bị bệnh nấm, nhưng càng bôi thuốc thì những vết tấy càng lan rộng. Mẹ Thuỷ Tiên đưa cô bé đến một thầy lang ở khu Lái Thiêu chữa trị. Những nắm thuốc được bào chế từ thảo dược của thầy lang càng làm cho bệnh tật nặng thêm lên.
Năm lên 8 tuổi, căn bệnh của cô bé chuyển sang lở loét. Vành môi xinh xắn như bị một con chuột quái ác gặm nhấm nham nhở, buốt thấu xương. Thuỷ Tiên đau mà không khóc được, vì càng khóc lại càng đau. Mỗi lần bị cơn đau hành hạ, cô bé chỉ biết dùng một cái khăn ướt đắp lên miệng rồi quằn quại trên giường, lăn trên nền nhà rên la một cách bất lực trong cổ họng.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chỉ đến khi đau đớn không chịu được nữa, Thuỷ Tiên mới được đưa đến bệnh viện. Kết quả xét nghiệm đã làm rụng rời hết thảy mọi người trong gia đình. Cô bé bị mắc bệnh xỉ tổ mả, một chứng bệnh rất hiếm gặp trên thế giới.
Những vết lở loét xung quanh miệng cô bé là dấu hiệu cho thấy bệnh đã diễn biến rất nặng, chuyển sang giai đoạn hoại tử. Để cứu mạng sống của cô bé, không còn cách nào khác phải phẫu thuật cắt bỏ những phần môi đã nhiễm bệnh.
Bờ môi xinh xắn của Thuỷ Tiên mất dần, mỏng dần, nhưng khi vết khâu vừa lên da non thì vết lở loét lại xuất hiện, lại phải gồng mình chống lại những cơn đau đớn cùng cực để các bác sĩ đưa những đường dao kéo. "Bây giờ nghĩ lại, em vẫn còn rùng mình kinh hãi. Thậm chí chỉ vô tình nhìn thấy dao kéo hoặc tiếng kim loại va vào nhau, em cũng đã nổi hết gai ốc" - cô nói.
Bước vào tuổi thiếu nữ, khi vấn đề nhan sắc được ý thức một cách rõ rệt, Thuỷ Tiên chỉ biết gục đầu vào tấm khăn để giấu đi những giọt nước mắt mỗi khi phải đối diện với chiếc gương soi.
Nhưng bi kịch hơn cả là tiếng nói của cô đã trở nên ngọng líu ngọng lô, do bờ môi đã bị biến mất gần như hoàn toàn sau 8 lần phẫu thuật. Những cố gắng tái tạo lại vành môi của các bác sĩ cũng chỉ giúp gương mặt cô bé bớt phần dị dạng.
Đã có lúc Thuỷ Tiên nghĩ đến cái chết để giải thoát, nhưng khi nghĩ về mẹ, cô lại không đành lòng. "Những lúc tuyệt vọng em muốn có một căn phòng đủ rộng và kín đáo, chốt chặt cửa lại để la hét cho vơi nỗi đau đớn và tủi thân, nhưng nhà nghèo, lấy đâu ra một không gian như vậy. Vật dụng duy nhất để em có thể thu mình vào trong đó là cái lu đựng nước loại lớn của mẹ. Em đã ngồi vào đó, cốt để cho tiếng khóc của mình không ai nghe thấy..." - Thuỷ Tiên nhớ lại.
Những lần gục đầu trong cái lu đựng nước, Thuỷ Tiên nghe rõ mồn một tiếng khóc của mình vọng bên tai. Và một ý nghĩ loé lên: Mình có thể luyện giọng nói nhờ cái lu này. Tự mình nói và tự mình kiểm nghiệm giọng nói trực tiếp.
Rất khó khăn và nan giải. Thuỷ Tiên dồn hết mọi khả năng có thể để phát âm từng từ một, từng âm tiết một. Có ngày tập mỏi cả miệng, đến khi ăn cơm không nhai được nữa.
Có lần cái lu ấy được mẹ đổ đầy nước. Thuỷ Tiên đành xả bớt đi một nửa để gục đầu vào đó luyện phát âm. Khổ cho người mẹ già, lượng nước trong lu bà phải rất vất vả mới kiếm được giữa mùa khô hạn, giọt nước quý như vàng. Bực mình, bà bắt Thuỷ Tiên nằm sấp xuống quất cho mấy roi vào mông. Khi hiểu rõ sự tình, con gái đang luyện giọng nói bằng cái lu nước, bà ôm chầm lấy con, nước mắt giàn giụa...
Trung bình mỗi ngày hai lần, mỗi lần hơn một giờ đồng hồ, Thuỷ Tiên luyện cách phát âm của một người không còn bờ môi trong cái lu ấy. Ròng rã gần hai năm trời, Thuỷ Tiên đã thành công. Tiếng nói của cô trở lại gần như người bình thường.
Mỗi lần buồn chán và tuyệt vọng, thay vì phải khóc nức nở, Thuỷ Tiên cất tiếng hát. Cô giấu mình vào cái lu và hát. Hát cho quên đi nỗi đau, hát cho nước mắt chảy vào trong. Hát cũng là cách luyện khả năng phát âm.
Nhà có một chiếc đài cũ kỹ, Thuỷ Tiên sưu tầm các băng nhạc về bật lên nghe và hát theo. Nhạc Trịnh là thứ Thuỷ Tiên say mê nhất. Nghe nhạc Trịnh, cô như được sẻ chia nỗi đau, sự tiếp sức của tình yêu cuộc sống. Một năm, hai năm, rồi ba năm... Thuỷ Tiên thuộc và hát thành thạo hầu hết các sáng tác của Trịnh Công Sơn...
Sự mặc cảm về bản thân khiến Thuỷ Tiên sống thu mình. Rời trang sách tuổi học trò, trong lúc những người bạn cùng trang lứa, đứa thì vào đại học, đứa vào khu công nghiệp làm công nhân, Thuỷ Tiên chỉ biết "một cõi đi về" của mình từ nhà cho đến cái chợ cóc mà người mẹ đã còng lưng gánh nỗi ưu tư mấy chục năm rồi.
Thế giới tâm hồn của Thuỷ Tiên chỉ là cái lu đựng nước, đựng trong đó cả tấn bi kịch tuổi thơ và những lời ca như con chim còn nằm trong vỏ trứng...
Một ngày nọ, sau khi hát với thế giới của mình, Thuỷ Tiên bắt gặp một người con gái trạc tuổi mình từ đâu tìm đến. Đó là một thiếu nữ xinh đẹp, vóc dáng như người mẫu. Cô gái giới thiệu tên là Lệ Uyên và muốn được làm quen với Thuỷ Tiên.
Lệ Uyên có người quen ở gần nhà Thuỷ Tiên. Khi đến chơi nhà người quen, tình cờ Lệ Uyên nghe được câu chuyện về một người con gái tập hát trong lu nước. Một chút tò mò xen lẫn sự thương cảm, mến phục, Lệ Uyên tìm đến.
Uyên đang làm việc tại một công ty ở Khu chế xuất Tân Thuận, là người rất mê nhạc Trịnh và hát khá hay. Lệ Uyên là thành viên của Hội Những người hát nhạc Trịnh. Tối thứ bảy hàng tuần họ lại tụ tập về Hội quán Nhạc Trịnh tại Khu du lịch Bình Quới, hát cho nhau nghe. Thành viên của hội có cả những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng.
Sau mấy lần đến thăm bạn, Lệ Uyên động viên Thuỷ Tiên hãy can đảm bước ra khỏi sự mặc cảm, hoà nhập với cuộc sống. Số phận nghiệt ngã với mình, nhưng mình không được nghiệt ngã với chính mình. Lệ Uyên đưa Thuỷ Tiên đến với Hội quán Nhạc Trịnh và động viên Thuỷ Tiên lên hát.
Lần đầu tiên đứng dưới ánh đèn sân khấu, Thuỷ Tiên như muốn không gian tối sầm lại, để mọi người đừng nhìn thấy mình, chỉ nghe mình hát mà thôi. Thuỷ Tiên hát, nước mắt chảy tràn tình khúc. Hát mà như đang kể chuyện đời mình.
Khi lời ca vừa dứt cũng là lúc cô bật khóc nức nở. Cả Hội quán lặng im. Thuỷ Tiên trở thành hội viên Hội Những người hát nhạc Trịnh bằng ấn tượng như thế.
Tại hội thi hát nhạc Trịnh tổ chức sau đó ít lâu, Thuỷ Tiên gây bất ngờ lớn khi vượt qua hàng trăm ca sĩ để giành giải nhất. Cô nổi danh từ đó. Những chương trình ca nhạc từ thiện hoặc chương trình dành cho người khuyết tật, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn,... các đạo diễn thường xuyên mời Thuỷ Tiên tham gia.
Sự góp mặt của cô trên sân khấu và truyền hình, không chỉ mang tiếng hát phục vụ khán giả, mà quan trọng hơn, đó là một bằng chứng sống động về một con người đã chiến thắng nỗi đau, bệnh tật để vươn lên bằng ý chí, nghị lực và trên hết là bằng sự sẻ chia của một tình bạn cao cả và cảm động.
Mỗi lần Thuỷ Tiên hát, Lệ Uyên đóng vai trò là người phối bè. Họ biểu diễn rất ăn ý trên sân khấu và thân thiết với nhau trong cuộc sống như ruột thịt. Lệ Uyên trở thành nguồn sức mạnh của Thuỷ Tiên, động viên, tiếp sức cho bạn.
Để giúp Thuỷ Tiên có cuộc sống ổn định, Lệ Uyên xin cho bạn vào làm việc tại Khu Chế xuất Tân Thuận với công việc kiểm hàng. Ban ngày làm việc, buổi tối họ đi hát ở Hội quán, phòng trà và tập luyện để tham gia các chương trình biểu diễn khi có lời mời.
Thuỷ Tiên chỉ hát nhạc Trịnh và biểu diễn rất thành công các ca khúc "Một cõi đi về", "Đừng tuyệt vọng", "Xin cho tôi tình yêu", "Diễm xưa"...
Câu chuyện của Thuỷ Tiên đầy nước mắt, nhưng ngồi với chúng tôi, Thuỷ Tiên không khóc. Dường như những đớn đau, bi luỵ đều đã đi qua, như bóng đêm hun hút phía sau lưng. Cô nói rằng, nếu không có Lệ Uyên, có thể giờ đây thế giới tâm hồn của cô vẫn chỉ là... cái lu đựng nước.
Còn Lệ Uyên thì không nói gì về mình. Trong ánh mắt và suy nghĩ của cô, Thuỷ Tiên là một người bạn tốt, đã vượt qua những nỗi đau và mặc cảm, tự ti để khẳng định mình.
(Phan Tùng Sơn)
Nghệ sĩ khuyết tật Nguyễn Thế Vinh: 1 tay, chơi 2 nhạc cụ!
Trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại khu du lịch Văn Thánh, có một nghệ sĩ nghiệp dư nhưng lại tạo sự chú ý đặc biệt, đó là Nguyễn Thế Vinh.
Vóc người nhỏ thó, da ngăm đen và bị cụt mất một tay, thế mà anh lại độc diễn cùng lúc hai nhạc cụ guitar và harmonica với sự hòa điệu hết sức độc đáo, làm khán giả vô cùng ngạc nhiên và thán phục...
Với hai nhạc phẩm Một cõi đi về và Ngụ ngôn mùa đông, anh đã làm ngây ngất những ai có mặt trong đêm nhạc “Cõi tình - Trịnh Công Sơn”. Đây cũng là chương trình lớn đầu tiên anh được tham gia (sau khi trở thành thành viên của hội quán Hội Ngộ) và ngay lập tức tạo được một tình cảm đặc biệt nơi công chúng yêu nhạc Trịnh.
Sau mỗi ca khúc của Vinh, mọi người lại vỗ tay không ngớt và dành cho anh những bó hoa tươi thắm nhất. Có ai đó còn thốt lên rằng: “Lại xuất hiện thêm một “quái kiệt” mới trong làng âm nhạc thành phố!”. Quái kiệt hay không còn phải chờ thời gian thẩm định thêm. Chỉ biết rằng trong giờ phút ấy, ai tinh mắt sẽ nhận thấy những giọt lệ đang lặng lẽ lăn ra từ khóe mắt Vinh.
Anh xúc động tột cùng vì lâu nay anh tập chơi đàn cốt để thỏa mãn đam mê âm nhạc, để gửi gắm tâm sự cuộc đời chứ đâu ngờ lại có thể đem niềm vui đến cho người khác.
Tuổi thơ bất hạnh
Quê của Nguyễn Thế Vinh vốn là một vùng đất nghèo ở Bắc Bình, Bình Thuận. Ba Vinh mất trong chiến tranh. Ba năm sau ngày ba mất, mẹ của Vinh cũng buồn khổ mà chết khi anh mới tròn 7 tuổi. Bốn anh em nheo nhóc mồ côi được ông bà ngoại đem về cưu mang.
Sau mỗi buổi học về, Vinh lại dắt đôi bò của hợp tác xã đi chăn để phụ giúp ông bà. Trong một buổi chiều xui rủi, Vinh bị ngã từ trên lưng bò xuống và gãy tay. Nếu như được đưa vào bệnh viện băng bó kịp thời thì chẳng có chuyện gì lớn, đằng này Vinh lại được đưa đến một thầy lang và không biết ông ta chữa trị như thế nào mà sau đó ít hôm cánh tay phải của Vinh bị hoại tử, phải cắt bỏ. Hai chữ “độc thủ” đeo bám đời Vinh từ đó.
Bôn ba tìm kế sinh nhai
Hè năm lên lớp 4, sau khi da thịt đã lành lặn, Vinh bắt đầu tập viết bằng tay trái. Sau một tuần miệt mài và quyết chí tập luyện, Vinh đã viết được tuy hơi chậm hơn trước đây và sẵn sàng cho năm học mới.
Thời gian đầu Vinh gặp rất nhiều khó khăn vì phải gò viết bằng tay trái, nhưng với ý chí vượt khó của một cậu bé đầy nghị lực, Vinh vẫn học rất chăm và luôn đạt kết quả cao trong học tập.
Dù còn một tay nhưng Vinh vẫn tiếp tục phụ chăn bò cho gia đình đến hết lớp 7... Thấm thoắt vậy mà cậu bé một tay ấy cũng học hết lớp 12.
Sau khi tốt nghiệp THPT, vì không muốn phụ thuộc gia đình nên Vinh quyết định vào TP.HCM tìm kế sinh nhai. Trong thời gian tá túc “ké” mấy anh sinh viên ở cơ sở D Trường ĐH Kinh tế (sau lưng nhà hát Hòa Bình), được mấy anh khuyến khích, động viên, Vinh quyết định học tiếp và mượn sách vở của các anh để ôn thi.
Năm 1989, Vinh trúng tuyển vào ĐH Kinh tế TP.HCM. Để có tiền ăn học, Vinh đã phải dành dụm số tiền học bổng ít ỏi hằng tháng và làm đủ thứ nghề từ vá xe đạp, dạy kèm cho đến giữ xe chung cư...
Tuy học quản trị kinh doanh nhưng Vinh lại rất mê ngành điện tử. Anh đã học lóm nghề này từ một người bạn và mua sách vở mày mò học thêm. Vậy mà không ngờ chính nghề điện tử này lại gắn bó với anh đến tận bây giờ (hiện anh đang là thợ sửa chữa điện thoại di động và có hẳn một cửa hàng riêng ở Gò Vấp).
Ba năm cho một ngón đàn
"Năm học lớp 6, mặc dù bị cụt một tay nhưng khi thấy người cậu chơi đàn guitar, mình rất mê. Hễ có dịp là mình lấy đàn ra tìm cách đánh thử. Khi thì kẹp phím vào cùi tay cụt để gảy, khi thì gảy thử bằng chân... nhưng tất cả đều thất bại" - Vinh nhớ lại.
Mãi đến ba năm sau Vinh mới nghĩ ra cách để có thể chơi đàn với tay trái duy nhất của mình: dùng ngón trỏ để gảy và các ngón còn lại bấm phím. Thời gian đầu anh chỉ tập bấm từng nốt một, tập một cách mày mò, kiên trì vì chơi đàn như thế rất khó và hầu như chưa thấy ai chơi như vậy bao giờ. Dần dà Vinh cũng đàn được một số bài hát và chừng đó cũng cảm thấy sướng lắm rồi.
Tuy nhiên đàn từng nốt như thế thì chưa thể gọi là đàn nên sau khi vào đại học, Vinh dành dụm tiền đi làm thêm - được 60.000 đồng - và mua một cây đàn guitar mà đến nay anh vẫn còn nhớ ngày mua là 14-6-1990.
Có đàn, Vinh bắt đầu tập bấm hợp âm, từng đêm tỉ mẩn mày mò khổ luyện tập từng hợp âm một. Mỗi hợp âm như thế Vinh phải tập cả tháng trời, khi đã nhuần nhuyễn mới tập tiếp hợp âm khác. Cứ thế anh âm thầm luyện ngón đàn trong ba năm và thành công ngoài mong đợi. Các ngón tay Vinh giờ đây dường như đã độc lập với nhau và anh có thể đàn một cách rất bài bản, chỉ với một bàn tay!
Song song với chơi guitar, Vinh còn chơi tốt harmonica từ khi học lớp 10. Sau này anh nảy ra ý định "sao mình không thử hòa âm harmonica với guitar nhỉ?". Thế là anh lại lao vào cuộc chơi mới vừa đánh guitar vừa thổi harmonica.
Để hai tiếng đàn và kèn này hòa âm đồng bộ với nhau thì đây lại là một giai đoạn tập luyện kỳ công nữa của Vinh. Cuối cùng, với lòng kiên trì và quyết tâm, Nguyễn Thế Vinh đã chơi được cùng lúc hai nhạc cụ, với một sự kết hợp tuyệt vời mà nhiều người không hiểu tại sao anh có thể làm được.
(Hồng Sơn)
- Dấu phẩy
- Chùa Kuthodaw – “cuốn sách” lớn nhất thế giới
- Lời nói
- Khu vườn "siêu cây" - Kỳ quan mới của Singapore
- 10 lối đi kỳ quặc nhất thế giới
- Hạnh phúc: Có và Không
- EURO mùa thi
- Giống bắp quý
- Các em chẳng có gì đặc biệt
- Nguoitoicuumang.com: Địa chỉ của những mảnh đời bất hạnh
- Terry Fox - Marathon Hy vọng
- 8 con đường lộng lẫy và độc đáo nhất Thế giới
- Hột xoàn với phép cộng
- Lỗi không tại bác sĩ
- Ấm áp cơm 2000 đồng