Có một thiền sinh vào tham vấn với vị thầy của mình. Anh ta than phiền là sau nhiều năm dụng công tu tập anh cảm thấy bế tắt, vẫn không lãnh hội và thấy được đạo pháp.
Vị thầy im lặng lắng nghe rồi nhìn anh nói:
"Nếu con nghĩ rằng tu tập có nghĩa là mình phải cố sức tìm kiếm để đạt được được một điều gì đó, thì việc ấy rất sai lầm."
"Thưa thầy, con không hiểu ý thầy..." Người thiền sinh lộ vẻ bối rối.
Vị thầy đứng dậy bảo anh theo ông bước ra ngoài vườn. Cả hai đứng yên ngước nhìn lên cao, dưới một bầu trời đêm lấp lánh ngàn vì sao vụn vỡ.
"Con có thấy những vì sao ấy không?" Vị thầy hỏi.
"Dạ thưa có!"
"Con có thấy hết tất cả những vì sao ấy không?"
"Dạ thưa, con thấy hết tất cả những vì sao nào mà mắt con có thể nhìn thấy được..." Anh ta dè dặt trả lời.
"À, mà ta không biết con có nhìn thấy vì sao này không?" Vị thầy đưa tay chỉ lên bầu trời đêm.
Người thiền sinh trẻ nhìn theo hướng vị thầy chỉ và thấy có một ngôi sao sáng lấp lánh. Anh đáp:
"Dạ thưa con thấy."
"Và con có thấy vì sao nằm ngay sát ở cạnh bên nó không?"
Người thiền sinh cố nhìn một hồi, rồi đáp rằng không có một ngôi sao nào khác ở cạnh bên hết.
"Có chứ! Mà con đừng nên cố gắng gì hết, cứ nhìn lại đi rồi sẽ thấy." Vị thầy nói.
Người thiền sinh nghe lời và buông bỏ hết những cố gắng của mình, đứng yên nhìn lại một hồi. Và anh chợt khám phá ra là có một vị sao thật mờ ở ngay cạnh bên ngôi sao sáng kia. Và vì ngôi sao ấy rất yếu, nên nếu nhìn thẳng vào nó ta sẽ không thể nào thấy được. Mắt ta chỉ có thể thấy được vì sao ấy khi mình không cố gắng tập trung thẳng vào nó, mà hướng nhìn xích qua phía bên một chút.
“Dạ thưa thầy, con đã thấy vì sao mờ cạnh bên đó rồi!”
"Con biết không, sự tu học của con cũng giống như những vì sao trên bầu trời vậy. Càng cố sức tìm kiếm, ta lại càng vô tình làm ngăn trở cái thấy của mình. Nhờ không dụng công vô ích mà cái thấy của con được trọn vẹn hơn. Con có hiểu không?"
Người thiền sinh trẻ cảm thấy như tâm mình bừng vỡ trước lời giải thích của vị thầy. Nhưng làm sao thầy mình lại biết được là ngay cạnh bên vì sao sáng ấy lại có một ngôi sao khác mờ hơn ở kề bên?
"Con biết không, trên bầu trời này có hằng hà sa số những vì tinh tú," vị thầy đáp, "mà thật ra ta không biết chắc là hai người có thể cùng nhìn thấy chung một vì sao không nữa! Những vì sao có mặt, chúng nhiều hơn là những gì ta có thể nhìn thấy được gấp triệu lần. Vì vậy, ta biết chắc rằng mỗi ngôi sao đều có một vì sao khác cạnh bên, dù rất mờ ảo, và mình chỉ có thể thấy được nếu ta biết chuyển hướng nhìn sang bên một chút. Và đó cũng là một sự thật về cuộc sống, chúng ta thường chỉ nhìn thấy những gì mình muốn tìm kiếm, mà lại đánh mất đi những cái khác."
Đừng đóng khung hạnh phúc
Bước vào một khu vườn, nếu như ta chỉ biết chú tâm tìm kiếm một loài hoa mà mình ưa thích, ta lại có thể vô tình không nhìn thấy và thưởng thức được những đóa hoa đẹp khác chung quanh. Hạnh phúc thật sự có mặt nhiều hơn những gì ta “thấy” là hạnh phúc. Và nhiều khi hạnh phúc cũng đang có mặt ngay bên cạnh những khó khăn của mình. Đôi lúc muốn thấy được hạnh phúc, ta phải biết buông bỏ cách nhìn theo thói quen xưa cũ của mình với những thành kiến và ý niệm sẵn có.
Ta không thấy, vì ta chỉ biết tìm kiếm những gì thích hợp với khuôn mẫu mà mình muốn tìm. Mà bạn nghĩ, hạnh phúc thật sự có một khuôn mẫu cố định nào chăng? Thật ra, nhiều khi khuôn mẫu ta đặt ra lại chính là cái nguyên nhân của khổ đau, nó đóng khung và giới hạn lại hạnh phúc của mình. Ta chỉ an vui và cảm thấy hài lòng khi sự việc xảy ra đúng theo một khuôn mẫu ấy. Vị thiền sư nhắc nhở chúng ta rằng, một cách để thấy được hạnh phúc là ta thôi dụng công tìm kiếm, chỉ cần đừng để những hạnh phúc đang có mặt bị lu mờ bỡi những ý niệm sằn có của mình mà thôi.
Đừng tìm cầu bằng ý
Tôi nhớ vào khoảng thập niên 80, người ta thường bày bán những bức tranh thuộc loại hình ảo ba chiều, 3D Stereograms. Đây là những tấm hình có chiều sâu mà bạn phải nhìn xuyên qua nó như một tấm gương, bạn mới có thể thấy được hình ảnh thật nằm ẩn dấu trong đó. Đứng trước một tấm ảnh 3D Stereograms, bạn cố sức nhìn nhưng không thấy gì hết, và càng cố sức tập trung nhìn cho rõ ta lại càng thất vọng. Nhưng vừa khi bạn buông thả tự nhiên, thôi không tìm kiếm gì trong đó nữa, thì tự nhiên hình ảnh nằm ẩn sâu trong ấy hiển lộ ra rất rõ rệt, và bất ngờ.
Nếu như bạn đang có một phiền muộn hay khó khăn nào, bạn hãy thử buông thả sự tìm kiếm hạnh phúc của mình đi, và trở về tự nhiên với những gì đang có mặt. Và nhờ không tìm kiếm nữa, thôi nắm bắt một ý niệm cố định nào về hạnh phúc, mà thật ra mình cũng chưa chắc biết rõ nó là gì, ta cho phép hạnh phúc thật sự được hiển lộ ra.
Đôi khi thực tại phải được tiếp xúc bằng tâm chứ không thể nắm bắt bằng ý. Vì những gì ta nghĩ là hạnh phúc chưa chắc đó là hạnh phúc. Khi tâm ta càng rộng mở, không mong cầu bao nhiêu, thì cái thấy của mình càng được trong sáng bấy nhiêu. Và bạn biết không, nếu ta dừng lại cho yên với một cái nhìn tự nhiên, thì bầu trời kia, dù ngày hay đêm, bao giờ cũng vẫn đang có hằng ngàn vì sao lấp lánh sáng đẹp diệu kỳ.
(Nguyễn Duy Nhiên)
- Những nguyên tắc cuộc đời
- Cậu bé đánh giày
- So be good and do good
- Có nhanh cũng đừng vội
- Cái thấy của chúng ta
- Đôi tai của tâm hồn
- Bác sĩ ơi, hãy mỉm cười
- Tô mì
- Vui - Buồn
- Ý thức và trách nhiệm ở xã hội Mỹ
- Trên máy bay
- Con Chim Trong Bàn Tay
- Câu chuyện về... hôm qua, hôm nay và ngày mai
- Dựa vào chính mình
- Chuyện kể từ trại giam