Phải kiểm soát sự sợ hãi vì nghĩ mình sẽ chết; bình tĩnh để xem xét tin tức về hiện tượng đang xảy ra; trong những phút đầu tiên tuyệt đối không chạy theo phần lớn đám đông.
Từ đầu năm đến nay, thế giới đã chứng kiến 4 thảm họa chết người từ sự hỗn loạn và giẫm đạp lên nhau khi tìm cách thoát khỏi sự chen lấn của đám đông, tại những sự kiện hoặc lễ hội tổ chức trên thế giới.
Ngày 4/3 đánh dấu thảm họa đầu tiên khi ít nhất 71 người chết và hơn 200 người khác bị thương khi đang tham dự lễ hội tại ngôi đền Ram Janki, tỉnh Kunda, Ấn Độ. Đám đông trở nên hỗn loạn và giẫm đạp lên nhau để thoát thân sau khi cửa của ngôi đền bị đổ sập.
Một thảm họa khác xảy ra vào ngày 6/6 làm 14 người bị thương tại sân vận động Makulong, khi vé vào cửa được phát miễn phí để xem trận đấu giao hữu giữa hai đội bóng Nigeria và Bắc Triều Tiên. Đám đông hâm mộ chen lấn, giẫm đạp lên nhau để giành cho được tấm vé vào cửa.
Sự kiện gần đây nhất xảy ra vào ngày 24/7 tại thành phố Duisburg, Đức, trong Liên hoan âm nhạc điện tử mang tên “Đám rước tình yêu”. 21 người chết và hơn 500 người bị thương trong đám đông hỗn loạn chưa từng thấy.
Và hôm 22/11, có ít nhất 349 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương tại lễ hội nước ở Phnom Penh, Campuchia. Đám đông người tham dự lễ hội chen lấn, xô đẩy và giẫm đạp lên nhau thoát ra ngoài sau khi có tin cây cầu hẹp nối thành phố với một hòn đảo nhỏ nơi diễn ra lễ hội bị yếu và có nguy cơ sập.
Giẫm đạp nhau kinh hoàng tại thảm họa ngày 22/11 ở lễ hội nước PhnomPenh khiến ít nhất 375 (con số đến 18h chiều 23/11) người chết. (Ảnh: AFP)
Đây cũng là một trong những thảm họa kinh hoàng làm chết nhiều người nhất trong thế kỷ 21 (Vụ tồi tệ nhất giết chết hơn 1.000 người xảy ra vào ngày 31/8/2005 trên cầu Baghdad, Iraq).
Rõ ràng trong thế giới và xã hội hôm nay, con người đã và đang phải đối mặt với một loại thảm họa mới xuất hiện thường xuyên hơn, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn: Thảm họa chết người từ những đám đông.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta dễ dàng nhận thấy mức độ thường xuyên và nghiêm trọng tăng lên rõ rệt. Nếu trong thế kỷ thứ 19 chỉ có 5 thảm họa tương tự thì con số này đã là 22 trong thế kỷ 20. Và tính đến ngày hôm nay của thế kỷ 21, số vụ giẫm đạp chết người đã lên tới 29.
Điều này thực ra không có gì khó hiểu khi mà ngày càng có nhiều lễ hội, sự kiện được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới, cho những mục đích khác nhau như âm nhạc, thể thao, chính trị hoặc tôn giáo… thu hút sự quan tâm của hàng triệu người. Hơn nữa, con người của ngày hôm nay dường như cũng nhạy cảm hơn trước đây, với những nguy cơ, rủi ro liên quan đến an toàn và an ninh của bản thân cùng những người xung quanh.
Dưới đây là một biểu đồ về số người chết trung bình trong một đám đông hỗn loạn từ những sự kiện khác nhau, để chúng ta có một cái nhìn khách quan về loại thảm họa mới này.
Thống kê này được tổng hợp và phân tích từ 215 thảm họa, trong đó có 49 vụ liên quan đến các sự kiện thể thao, 25 trường hợp xuất phát từ sự kiện âm nhạc, 38 từ chính trị và 41 bắt đầu bởi các sự kiện tôn giáo. 60 vụ còn lại liên quan đến những sự kiện và nguyên nhân khác nhau.
Chú thích ảnh: Biểu đồ số người chết trung bình trong đám đông hỗn loạn. Nguồn: piphenom.fieldofscience.com
Qua phân tích trên biểu đồ chúng ta thấy rất rõ, số lượng người chết kỷ lục thuộc về các thảm họa có liên quan đến các sự kiện tôn giáo.
Điều này có thể giải thích rằng, số lượng người tham gia tại một sự kiện tôn giáo lớn hơn rất nhiều so với những sự kiện khác. Hơn nữa, khả năng nhận định và phân tích các tình trạng nguy hiểm ở những người đang tham dự sự kiện tôn giáo cũng phần nào hạn chế bởi khung cảnh của sự kiện, bởi sự tập trung tinh thần và tín ngưỡng vào các hoạt động chính.
Sự tập trung này phần nào làm mất đi khả năng nhận thức những mối nguy và rủi ro xung quanh. Nên khi có một trục trặc, thậm chí chỉ là một tin đồn thất thiệt về một sự việc, những người tham gia sự kiện dễ dàng rơi vào trạng thái của sự hoảng sợ quá mức. Họ như “bừng tỉnh” để trở về với thế giới thực và phản xạ bản năng với những nguy hiểm xung quanh.
Vậy điều gì thực sự đã diễn ra trong những đám đông hỗn loạn đó và nguyên nhân nào đã trực tiếp gây ra những cái chết cho những nạn nhân? Chúng ta sẽ phân tích các nguyên nhân để có những giải pháp và hành động chính xác nếu không may ở trong những hoàn cảnh tương tự.
Có 3 nguyên nhân dẫn đến những cái chết trong đám đông hỗn loạn và giẫm đạp lên nhau. Đó là:
1. Sự ngạt thở (đây là nguyên nhân hàng đầu).
2. Sự chèn ép quá mức (khi đám đông xô đẩy nhau).
3. Sự giẫm đạp (khi nạn nhân bị ngã và bị người khác giẫm đạp lên người).
Qua phân tích những thảm họa xảy ra gần đây, chúng ta nhận thấy rằng hầu hết nạn nhân tử vong là do các nguyên nhân kể trên. Có rất ít tài liệu và báo cáo cho thấy có nạn nhân tử vong vì những sự kiện thực sự gây ra thảm họa như cháy, nổ…, vì thực tế nguyên nhân này sẽ được các nhà chức trách giải quyết kịp thời trước khi có hậu quả. Nếu có thì thường con số thương vong không lớn.
Chúng ta lưu ý nguyên tắc đầu tiên để có thể tự cứu mình trong những hoàn cảnh tương tự: Đó là kềm chế sự sợ hãi Bạn nên nhớ rằng, nhà chức trách luôn chuẩn bị sẵn các phương tiện để đối phó với sự kiện không mong muốn xảy ra. Đó là yêu cầu bắt buộc trong công tác chuẩn bị tổ chức một sự kiện có đông người tham gia.
Chúng ta biết rằng: Người ta thường chết vì hậu quả của sự sợ hãi, chứ ít người chết vì nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi.
Để tăng khả năng kềm chế sự sợ hãi trong một đám đông hỗn loạn tại một sự kiện, bạn cần chuẩn bị những điều sau đây khi quyết định tham gia sinh hoạt trong đám đông:
- Quyết định loại sự kiện bạn sẽ tham gia (bạn nên lưu ý đến những phân tích về số người chết liên quan đến sự kiện trong phần đầu bài viết).
- Xem xét yếu tố sức khỏe của bản thân. Ví dụ nếu bạn bị hen suyễn, bệnh tim mạch, hoặc đang có vấn đề về cơ, xương, khớp hay có vết thương đang được điều trị, thì tốt nhất là không nên tham gia sự kiện.
- Xem xét về địa điểm tổ chức sự kiện: trong nhà hay ngoài trời. Nếu sự kiện tổ chức trong nhà thì bạn nên quan tâm đến việc thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Nếu sự kiện tổ chức ngoài trời, nên quan tâm đến không gian cũng như định vị các vị trí (tòa nhà, công viên…) nơi bạn có thể thoát hiểm khỏi khu vực diễn ra sự kiện trong trường hợp khẩn cấp. Điều này giúp bạn dễ dàng nhận ra hướng thoát hiểm khi đang ở trong đám đông.
- Không nên mang những vật sắc nhọn trong người khi tham gia sự kiện. Những vật dụng sắc nhọn có thể làm bạn bị thương khi bị đám đông chen lấn, xô đẩy.
- Bạn nên mang theo điện thoại di động và cố gắng duy trì liên lạc với người thân, bạn bè qua điện thoại nếu đang bị kẹt trong đám đông. Cũng nên nhớ sạc pin điện thoại trước khi đi đến sự kiện.
- Không nên mang theo trẻ em khi tham dự những sinh hoạt có đông người tham gia.
Còn khi đang kẹt cứng trong đám đông và đám đông ngày một trở nên hỗn loạn hơn, khó kiểm soát hơn, bạn phải làm gì?
Bạn nên nhớ, nguyên nhân chính gây ra cái chết cho những nạn nhân là sự ngạt thở. Vì vậy, hãy bình tĩnh và kềm hãm sự sợ hãi. Hãy ngẩng cao đầu hơn để lấy thêm không khí.
Bạn cũng cần biết rằng, khi 6 hoặc 7 người cùng đẩy về một phía thì lực đẩy có thể lên đến gần 500 kg. Lực này đủ để bẻ cong một thanh sắt hoặc làm đổ một bức tường. Những nạn nhân tử vong thường được tìm thấy ở tư thế đứng. Thậm chí khi đám đông được giải tán, họ chết khi vẫn đang đứng như vậy. Những nạn nhân này thường chết vì bị gẫy xương sườn hoặc vỡ nội tạng bên trong cơ thể do bị chèn ép. Xương sườn gãy và vỡ nội tạng do lực ép trực tiếp lên cơ thể từ phía trước và phía sau. Vì vậy khi di chuyển trong đám đông, tư thế tốt nhất là di chuyển ngang để lực ép của đám đông lên cạnh bên cơ thể bạn.
Để tăng khả năng sống sót khi bị kẹt trong một đám đông bắt đầu hỗn loạn vì một biến cố nào đó, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Bình tĩnh để xem xét thông tin về sự việc đang xảy ra (sự chính xác của thông tin, loại sự việc: cháy, nổ, sập công trình...).
- Trong những phút đầu tiên, tuyệt đối không chạy theo phần lớn đám đông. Khả năng bạn bị kẹt lại trong đám đông lớn hơn rất nhiều so với cơ hội thoát ra được khi có cùng lúc nhiều người chạy về một hướng.
- Quan sát xung quanh tìm những vị trí bạn đã định vị sẵn (như tòa nhà, công viên... hay cửa thoát hiểm gần nhất) và tìm cách di chuyển về hướng đã định vị.
- Quan sát xung quanh để tìm những nhân viên cứu nạn hoặc những người tham gia sự kiện mà họ biết nhiều thông tin hơn bạn. Thông thường, trong đám đông hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau thì rất ít người chú ý xung quanh. Họ thường chỉ nhìn về hướng phía trước nơi họ sẽ chạy đến. Có rất nhiều người biết hướng thoát nạn tốt nhất nhưng không ai nghe họ trong những trường hợp như vậy. Cũng có khi những người này đang ở vị trí cao hơn bạn (trên cây, bờ tường…) và từ vị trí này họ quan sát tốt hơn và xa hơn. Hãy cố gắng nhìn họ và theo chỉ dẫn của họ.
- Hãy tìm cách liên lạc với người thân và yêu cầu cung cấp thêm thông tin nếu họ đang ở một vị trí khác.
- Lưu ý những hậu quả của sự kiện trực tiếp (khói, khí độc từ vụ hỏa hoạn). Bạn hãy quan sát hướng bay lên của khói để xác định hướng đi cho mình.
Nếu bạn chắc chắn đang kẹt cứng trong một đám đông, bạn đừng cố gắng đi ngược lại dòng người. Điều này làm bạn mất sức và sẽ dễ bị tấn công bởi người khác và bạn sẽ bị ngã. Nếu bạn bị ngã trong một đám đông hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau thì khả năng tử vong rất lớn. Tốt nhất bạn hãy di chuyển cùng dòng người, hãy để lực của người khác đưa bạn đi, bạn đừng cố gắng cắt ngang hoặc đi ngược lại. Di chuyển ngang cùng dòng người và quan sát xung quanh tìm cơ hội thoát hiểm.
Cuối cùng, bạn hãy ghi nhớ rằng, chỉ có một cách duy nhất giúp bạn thoát khỏi thảm họa, đó là: Sự bình tĩnh. Hãy để sự bình tĩnh đưa bạn đến sự phán đoán và hành động chính xác nhất.
Điều quan trọng là bạn phải thoát khỏi sự xô đẩy của đám đông chứ không phải địa điểm đang xảy ra sự kiện nếu có.
(Định Trần)
- Đậu bắp, vị khắc tinh của bệnh tiểu đường
- Bệnh Gout
- Cách trị ho đơn giản nhưng hiệu quả
- Măng tây - Ai mà ngờ
- Vận động thế nào để giảm mỡ trong máu?
- Những Số Hên Trong Y Học
- Thái độ trước sự hóa già
- Công dụng của củ nghệ
- Cây Aloe Vera
- Cây sả trị bệnh ung thư
- Khoai Lang: Dinh Dưỡng Tốt Cho Người Bị Bệnh Tiểu Đường
- Dấu hiệu cảnh báo các bệnh hiểm nghèo
- Thuốc chống tai biến
- Dòng chảy xa bờ - Cẩn thận khi tắm biển
- Nên ở đâu trong trận động đất?