Chóng mặt gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng người cao tuổi (NCT) chiếm tỉ lệ cao hơn cả. Chứng chóng mặt hay xảy ra lúc thức giấc trong đêm hoặc sáng sớm lúc mới ngủ dậy, đặc biệt khi thay đổi tư thế (nghiêng trái, nghiêng phải). Hiện tượng này có thể thoáng qua nhưng hầu hết lặp lại nhiều lần và kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Do rối loạn tiền đình
Chóng mặt khi thay đổi ở hầu hết là do rối loạn tiền đình. Tiền đình là một bộ phận quan trọng của tai (gọi là ốc tiền đình), nằm ở sau màng nhĩ thuộc ốc tai (hai bên) có vai trò trong việc giữ thăng bằng tư thế, dáng bộ và các phối hợp các động tác khác của cơ thể như cử động mắt, đầu và thân mình.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hội chứng tiền đình (HCTĐ) như: tuần hoàn kém (rối loạn tuần hoàn do thiếu máu, hoặc tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp), thời tiết thay đổi đột ngột và bất thường, ngộ độc độc tố hay ngộ độc hóa chất (hóa chất diệt cỏ, hóa chất diệt côn trùng DDT), ngộ độc thực phẩm (do hóa chất hoặc do độc tố vi khuẩn, vi nấm), viêm tai xương chũm mạn tính, dây thần kinh tiền đình bị tổn thương hoặc dùng một số thuốc như kháng sinh nhóm Aminoglycosis (Streptomycine), thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau. Bên cạnh đó có một số yếu tố khác như: tuổi tác càng cao, béo phì, thiếu máu (gây rối loạn tuần hoàn máu), thường xuyên ở trong tình trạng căng thẳng thần kinh (áp lực công việc, mâu thuẫn nội bộ, stress…), ngồi làm việc lâu trước máy tính, môi trường sống không thuận lợi (ô nhiễm, sống chật chội, nhiều tiếng ồn…), nghiện rượu, sinh hoạt tình dục không điều độ (quá nhiều) và thời tiết thay đổi liên tục, bất thường là một trong những yếu tố (hoặc có sự kết hợp) làm xuất hiện hội chứng rối loạn tiền đình.
Nhiều nhà chuyên môn cũng đề cập đến rối loạn tiền đình có thể do thoái hóa cột sống cổ, tổn thương dây thần kinh số VIII, do u não hoặc do rối loạn thần kinh trung ương (tai biến mạch máu não), hội chứng migraine cột sống thân nền, động kinh, xơ cứng rải rác…
Triệu chứng của rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình thường xảy ra vào lúc nửa đêm gần sáng, khi tỉnh dậy không ngồi lên được hoặc do thay đổi lạnh - nóng đột ngột (đang ở trong phòng có máy điều hòa, đi ra khỏi phòng), gây nên hoa mắt, chóng mặt, có thể kèm theo buồn nôn và nôn. Thường nôn khan, nôn ra mật xanh, mật vàng. Người lao đao, choáng váng, mất thăng bằng nếu cố dậy để đi có thể bị ngã hoặc dúi dụi xuống đất và có thể bị sang chấn, thậm chí gãy xương gặp ở NCT sức khỏe quá yếu. Đáng lưu ý nhất là cơn chóng mặt khủng khiếp, nhất là khi thay đổi tư thế, nghĩa là nghiêng người từ trái qua phải hoặc ngược lại là chóng mặt, buồn nôn, cho nên người bệnh chỉ muốn nằm im một tư thế, nhắm nghiền hai mắt. Hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn, nếu nhẹ thì thoáng qua, nếu nặng có thể kéo dài vai ba tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn nữa là vài ba ngày, nếu không được điều trị kịp thời.
Vì vậy, khi lên cơn rối loạn tiền đình, người bệnh nên chọn tư thế nằm cho thích hợp (nghiêng trái hay nghiêng bên phải hoặc nằm ngửa), tránh thay đổi tư thế. Nên tránh ánh sáng chói như ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn hoặc tránh tiếng động mạnh (nhạc, trống, máy hàn), bởi vì tất cả các loại đó đều làm cho người bệnh hết sức khó chịu và có nguy cơ bệnh tăng nặng thêm. Để chẩn đoán bệnh rối loạn tiền đình, người bệnh cần đi khám. Tùy theo sự mô tả của người bệnh về tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có định hướng trong việc cho làm thêm các xét nghiệm gì và những can thiệp gì về cận lâm sàng thích hợp, ví dụ xét nghiệm máu lúc đói để biết chỉ số cholesterol toàn phần, cholesterol thấp (LDL-C). Nếu nghi là xơ vữa động mạch có thể nội soi động mạch; nội soi tai, mũi, họng, xoang (bệnh về tai, mũi, họng, xoang). Nếu nghi là u não, những vấn đề về ốc tiền đình, tai biến mạch máu não thì có thể chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI).
Khi nghi ngờ bị hội chứng tiền đình nên làm gì?
Khi nghi ngờ bị bệnh rối loạn tiền đình thì nên đi khám ở chuyên khoa tai, mũi, họng hoặc chuyên khoa thần kinh. Đi khám bệnh sẽ biết được nguyên nhân rối loạn tiền đình. Trên cơ sở chẩn đoán tìm ra nguyên nhân sẽ giúp cho việc phòng bệnh dễ dàng và thuận lợi hơn. Nếu đã mắc chứng rối loạn tiền đình một lần rồi thì sẽ làm cho tần suất xuất hiện giảm dần đi và hy vọng sẽ khômg tái diễn. Nếu do bệnh về tai, mũi, họng, xoang, huyết áp thì cần điều trị bệnh một cách nghiêm túc. Nếu bị bệnh về thoái hóa đốt sống cổ thì cần điều trị theo đơn của bác sĩ khám bệnh trực tiếp cho mình. Thuốc tây y dùng để điều trị bệnh rối loạn tiền đình hiện nay rất đa dạng. Tuy vậy, dùng thuốc gì để điều trị cho có hiệu quả là việc làm của bác sĩ khám bệnh, người bệnh không tự chẩn đoán bệnh và không tự động mua thuốc để điều trị.
(TS. Bùi Khắc Hậu)
- Tác hại của việc thức khuya
- Chăm sóc bộ não
- Thuốc ho gia truyền
- Tết Đoan Ngọ cần có bánh tro, vì sao?
- Rượu Tỏi
- Cách trừ bệnh suyễn
- Ăn ít sống lâu, nhai kỹ sống thọ
- Nho khô
- Tự mình làm giảm nhanh cơn cao huyết áp
- Gừng ngâm dấm
- Sống khỏe và sống lâu
- Khử mùi lò vi sóng
- Dùng củ cải trắng nướng thay cho bột ngọt
- Nguy hiểm của chì trong đồ gốm sứ
- Bệnh xốp xương