Không bàn đến nội dung, điều đáng suy ngẫm ở đây là nhận thức của một em học sinh mới 15 tuổi về một vấn đề mang tính xã hội...
“Án tử hình không răn đe được tội phạm. Nó xâm phạm quyền được sống của một con người...” - Mới 15 tuổi, Laure Casselas đã được tháp tùng Ngoại trưởng Pháp đến một số nước nhờ bài thuyết trình xúc động này.
15 tuổi, mắt sáng, tự tin, Laure được các bạn ở lớp và cô giáo lịch sử trường trung học Henri 4 Beziers (Montpellier) chọn làm đại diện thuyết trình tại cuộc thi do Bộ Giáo dục cùng Bộ Ngoại giao Pháp tổ chức tháng 5/2013.
Vốn có giọng nói nhỏ nhẹ, nhưng với lý lẽ sắc bén, gương mặt biểu cảm, cô đã vượt lên 82 học sinh Pháp, chinh phục ban giám khảo trong đó có 2 bộ trưởng, giành giải nhất.
Laure Casselas bên hành lang hội nghị Thế giới bỏ án tử hình lần thứ 5, Madrid, Tây Ban Nha, tháng 6/2013. Ảnh: H.Anh
Gặp Laure cùng mẹ ở Madrid tháng 6 vừa qua tại hội nghị toàn cầu Bãi bỏ án tử hình - một trong những sự kiện mà cô bé có mặt cùng Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, cô chia sẻ sau giải thưởng này, cô bắt đầu định hướng được nghề nghiệp tương lai cho bản thân, là trở thành luật sư hoặc nhà ngoại giao. Mẹ của Laure thì hài lòng vì với những suy nghĩ chín chắn, nhân văn của cô con gái vốn ham thích viết lách, bà có thể yên tâm, không bị lo lắng như những bà mẹ Pháp khác khi thấy con cái suốt ngày chúi mũi vào Facebook...
Dưới đây là bài thuyết trình của Laure Casselas:
676, đó là số vụ hành hình trong năm 2011 trên toàn thế giới: 676 con người bị hành quyết một cách lạnh lùng bởi nền tư pháp của nước họ. 676, đó là sĩ số của 19 lớp của trường trung học của chúng ta. Bị treo cổ, bị bắn, bị chặt đầu, bị tiêm thuốc độc hay xử tử bằng ghế điện. Đó là hình ảnh mà bất kỳ con người nhạy cảm nào cũng không chịu nổi và bất kỳ con người có ý thức nào cũng không thể chấp nhận.
Chúng ta không thể chấp nhận. CÁC BẠN không thể chấp nhận. Án tử hình là không thể chấp nhận được!
Án tử hình không thể chấp nhận được vì nó không phải là một hành động vì công lý mà là một hành động trả thù.
Bạn có thấy nghịch lý khi trừng trị một tội ác bằng một tội ác khác? Thi hành án tử hình là xâm phạm quyền được sống của một con người, là tự cho mình quyền được định đoạt sinh mạng của người khác nhân danh công lý. Thiết chế tư pháp cần phải có sứ mạng là hòa giải các quan hệ xã hội, nhưng vị quan toà nào có thể đáng tin cậy khi ông ta cho rằng có thể hòa giải các quan hệ xã hội giữa con người bằng cách tuyên án tử hình? Ai có thể tin rằng thực thi một án phạt dã man có thể đảm bảo các quan hệ xã hội sẽ được lắng dịu?
Án tử hình không thể chấp nhận được vì nó là một hành vi tàn bạo. Nó không xứng với những người áp dụng nó vì họ đã áp cho kẻ bị tuyên án một sự tra tấn kép.
Trước hết, ở các nước dân chủ, trong mọi trường hợp đó là sự chờ đợi hầu như không dứt của tử tội trong các hành lang dẫn đến cái chết. Tử tội lúc đó phải đối mặt với sự tra tấn về tinh thần không thể chịu đựng nổi, vô nhân đạo, anh ta sống mỗi phút giây trong nỗi sợ hãi của cái chết đến gần, một cái chết được dự tính trước, nhưng bao giờ? Ngày mai? Một tháng nữa? Một năm nữa? Một sự bất trắc hoàn toàn có thể dẫn đến điên dại.
Sau nữa là nỗi khủng khiếp của chính hành vi hành quyết. Có lẽ bạn đã xem bộ phim "Cuộc hành quân cuối cùng". Đó là một câu chuyện hư cấu, nhưng khi ra khỏi rạp, ta không khỏi choáng váng vì đoạn mô tả quá dài quá trình hành quyết, những hình ảnh quá gần với thực tế, không thể chịu đựng được. Chúng đã cho án tử hình một bộ mặt thật. Một vài người nói rằng mọi sự sẽ diễn ra nhanh và tử tội không đau đớn lắm. Victor Hugo đã đặt câu hỏi này về máy chém: "Người ta không đau đớn, có chắc không? Ai bảo họ vậy? Có bao giờ họ tự đặt mình vào vị trí tử tội khi mà con dao nặng của máy chém rơi xuống, xả thịt, cắt đứt gân, bẻ gẫy các đốt sống cổ (...)". Ngày nay, các hình thức hành quyết có thay đổi nhưng câu hỏi kinh khủng ấy vẫn còn đó.
Án tử hình không thể chấp nhận được vì nó không thể đảo ngược lại được.
Không ai có thể tránh được một sai phạm của tư pháp. Thời sự hàng ngày cho thấy chúng diễn ra mọi nơi. Tháng chín năm ngoái, ADN đã cho phép tha bổng một tử tội ở Louisiane (Mỹ) đã chờ đợi 15 năm để bị hành quyết. Theo thống kê thì đó là trường hợp thứ 18 ở Mỹ thoát tội chết nhờ vào xác minh ADN.
Các tử tội khác đã không có may mắn đó, tháng 11/2011, một thanh niên Đài Loan đã được minh oan, nhưng anh ta đã bị hành quyết 14 năm trước đó.
Tư pháp là một thiết chế của con người không thể là không có sai phạm. Nhưng ai có thể nhân danh công lý để tước đi mạng sống của một người vô tội?
Nên nhớ là những vụ án được dựng lên hay thiên vị còn phổ biến ở một số nước. Tuyên án tử hình khi biết rõ nguồn gốc sự việc, chỉ để thoả mãn các tham vọng cá nhân, để gạt bỏ các đối thủ chính trị là một hành động đơn thuần là khốn nạn.
Án tử càng không thể chấp nhận vì nó không có tính răn đe.
Có một điều chắc chắn: tử hình không hề răn đe được bọn tội phạm hành động, ngược với lý lẽ của những người ủng hộ tử hình. Tử hình được áp dụng cho các tội nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, phần lớn những tội đó lại không phải là có chủ đích trước mà diễn ra do thúc đẩy của cơn cuồng nộ của những con người bị xâu xé tới mức họ không còn có thể trong trạng thái biết suy nghĩ. Như vậy tử hình không có tác dụng nêu gương. Còn đối với các hành động đã được trù tính thì phần lớn là hành động của các tên tội phạm lớn hay kẻ bệnh hoạn, những kẻ tưởng là đã lường tính tất cả và không nghĩ rằng chúng sẽ bị bắt. Thật vậy, tỷ lệ tội phạm năm 2010 ở Mỹ gấp ba lần ở Canada đã bỏ tử hình. Và ngay ở Mỹ, các bang còn giữ tử hình đều có tỷ lệ tội phạm giết người cao hơn 50% so với các bang đã bãi bỏ án tử hình.
Án tử hình không thể chấp nhận được vì nó là một án phạt có tính chất phân biệt đối xử và chống lại một số tầng lớp dân chúng.
Các tử tội thường là những kẻ mất cân bằng xuất thân từ các tầng lớp nghèo khổ. Điều này có hai lý do. Đầu tiên, ta biết rằng tội phạm lớn hay nhỏ và tội ác thường liên quan đến những kẻ bị bỏ rơi, gặp khó khăn chồng chất, những kẻ không được học hành, thất nghiệp. Những người này một khi ra trước pháp luật thường quá nghèo khó. Đám nghèo khó này không có tiền để đảm bảo được bảo vệ, những luật sư sừng sỏ không dành cho họ. Và ta biết là trong các vụ án có thể dẫn tới tử hình thì tài năng của luật sư là tiên quyết. Hãy nhớ lại vụ án O.J. Simpson!
Cuối cùng, bản án tử hình là sự thú nhận thất bại của một xã hội đã không thể có các biện pháp phòng ngừa, đã không biết đồng hành và có lẽ đã không biết chạy chữa.
Bất lực để giải quyết vấn đề, ngành tư pháp đã chọn cách là triệt tiêu nó đi. Sẽ không có cơ may mới, không có khả năng để hối cải hay tái hoà nhập xã hội.
Vì tất cả các lý do đó, chúng ta không thể chấp nhận các toà án tiếp tục tuyên các án tử hình.
Ta không thể chấp nhận nó, CÁC BẠN không thể chấp nhận nó bởi tử hình là không xứng đáng, nó tước đi nhân cách của con người bị hành quyết, nó làm mất phẩm giá người đã đưa ra lệnh hành quyết.
Hãy làm cách nào đó để mỗi quan toà, mỗi toà án, mỗi nước còn tuyên án tử hình cảm thấy bị mất phẩm giá. Hãy viết ra điều đó, hãy thét lên điều đó: TỬ HÌNH LÀ ÁN KHÔNG XỨNG ĐÁNG!
Mong sao những câu nói đó sẽ vang ra khắp thế giới, để cho thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ bãi bỏ án tử hình trên toàn cầu.