Sắt đâu chỉ là tên gọi của một loại kim loại, sắt còn là một loại vi chất rất cần thiết cho cơ thể con người, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi đến trường. Vì sắt có ảnh hưởng nhanh nhất, trực tiếp nhất đến khả năng học tập của trẻ. Câu cửa miệng hàng ngày của chị Huyền (Tân Bình) với con là “Học đi!”, trong khi đó, bé Hà con chị lại suốt ngày than buồn ngủ, khả năng tập trung rất kém, hay hoa mắt, chóng mặt. Chị Huyền cứ ngỡ con lười biếng nhưng có biết đâu thực ra bé đang bị thiếu máu do thiếu sắt, một căn bệnh vốn rất phổ biến ở trẻ tuổi học đường
Khi "ống nước rỉ"
Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ em tuổi đi học bị thiếu máu thiếu sắt lên đến 33%, đặc biệt là các em gái đang tuổi dậy thì. Cũng dễ hiểu, vì một trong những nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt là nhu cầu sắt tăng cao khi cơ thể lớn nhanh, dậy thì, hay hành kinh kéo dài. Sắt vốn tham gia vào sự hình thành và phát triển của hồng cầu, tổng hợp hemoglobin nên khi thiếu sắt, cơ thể cũng bị thiếu máu.
Khoảng 20% - 25% các em gái ở tuổi dậy thì có biểu hiện thiếu máu do thiếu sắt.
Vì thế, nếu không được cung cấp đủ chất sắt trong chế độ ăn, hoặc trẻ nhỏ không được bú sữa mẹ, hoặc trẻ ăn bột rau củ quá lâu, không có các loại thực phẩm nguồn gốc động vật thì cơ thể trẻ sẽ có biểu hiện thiếu máu, thiếu sắt. Cũng vậy, nếu vì lý do nào đó như giảm độ toan dạ dày, có hội chứng kém hấp thu hoặc bị tiêu chảy kéo dài dẫn đến tình trạng hấp thu sắt kém, trẻ cũng sẽ bị thiếu sắt.
Thiếu máu do không được cung cấp đủ sắt, do kém hấp thu hoặc do cơ thể có nhu cầu sắt cao đã đành, một số trường hợp “đau thương” hơn, đã cung cấp đủ sắt nhưng vẫn thiếu máu bởi những “kẻ ăn bám” như giun móc, giun kim, hoặc bị loét dạ dày - tá tràng, bị polyp ruột, chảy máu cam... Tình trạng chảy máu từ từ này như ống nước bị rò rỉ khiến cơ thể luôn ở tình trạng thiếu máu.
Học dốt do... thiếu sắt
Thiếu máu khiến trẻ thèm ngủ như bé Hà nói trên đã đành. Nghiêm trọng hơn, thiếu máu ảnh hưởng rất lớn đến khả năng học tập của trẻ. Trẻ hay mệt mỏi, tiếp thu bài chậm và kém tập trung, học rất lâu nhớ mà lại chóng quên. Vì thiếu máu do thiếu sắt dẫn đến lượng Hb giảm, khả năng vận chuyển oxy cung cấp cho cơ quan cũng hạn chế, não thiếu oxy, trẻ thậm chí có thể ngủ gật trong giờ học, đầu óc lơ mơ không thể chú ý đến bài giảng. Nhìn chung, trẻ thiếu máu do thiếu sắt sẽ bị ảnh hưởng cả về trí tuệ lẫn thể chất.
Không chỉ giảm khả năng học tập như đã nói, trẻ cũng mau mệt khi chơi đùa hoặc tập thể dục. Thậm chí nếu thiếu máu nặng và kéo dài, trái tim nhỏ bé của trẻ phải nỗ lực hoạt động để đảm bảo oxy cung cấp cho các cơ quan, lâu dần sẽ cảm thấy khó thở, tức ngực, thậm chí suy tim, móng tay móng chân có khía, viêm lưỡi, mất gai lưỡi.
Thiếu máu còn khiến cơ thể giảm sức đề kháng, do bạch cầu bị giảm khả năng tạo kháng thể và khả năng thực bào tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Trẻ bị thiếu máu vì thế cũng dễ bị bệnh vặt và là đối tượng ưa thích của các dịch bệnh. Việc thiếu máu còn khiến trẻ chậm lên cân, thậm chí cân nặng không hề thay đổi một thời gian dài. Chiều cao của trẻ cũng chậm hoặc ngưng phát triển. Trẻ dễ có tầm vóc nhỏ hơn tuổi, nói kiểu dân gian là “bị đẹt”.
Thiếu máu do thiếu sắt ảnh hưởng lớn đến khả năng tập trung của trẻ.
Ăn đúng, ăn đủ
Thức ăn là nguồn cung cấp sắt cho cơ thể. Sắt được hấp thu ngay ở dạ dày, ruột non, tá tràng và hổng tràng. Sắt ở thức ăn thường ở dạng F+++ nhưng cơ thể chỉ hấp thu F++. Sự vận chuyển sắt nhờ một protein trong tế bào. Sắt có nhiều trong các thực phẩm như thịt, gan, cá, trứng, huyết, rau xanh và các loại đậu. Vì thế, nên cho trẻ ăn thức ăn đa dạng, có đủ thịt cá, nhiều rau xanh…Việc hấp thu sắt ở thức ăn phụ thuộc vào lượng sắt có trong thức ăn. Khả năng hấp thu sắt cũng thay đổi tùy theo thức ăn, nói chung dưới 1% từ nguồn gốc thực vật và 10-25% đối với một số thức ăn từ nguồn gốc động vật.
Cần chú ý đến các yếu tố giúp tăng hấp thu sắt nguồn gốc thực vật như vitamin C. Một ít trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, sơ ri, măng cụt… sau bữa ăn sẽ giúp tăng đáng kể khả năng hấp thu sắt từ bữa ăn trước đó. Ngược lại, có nhiều yếu tố làm giảm hấp thu sắt nguồn gốc thực vật như sữa, lòng đỏ trứng, phô-mai, nước trà (chè). Nên tránh dùng các loại thực phẩm này trong hoặc ngay sau bữa ăn. Nhiều phụ huynh có thói quen cho con uống một cốc sữa sau bữa ăn. Nên thay thế ly sữa này bằng một ly nước ép cam hoặc bưởi, hiệu quả hấp thu chất sắt sẽ tăng lên nhiều. Nếu thấy trẻ có biểu hiện thiếu máu như da xanh, niêm mạc lợt, dễ mệt mỏi, hay chóng mặt, ù tai, học hành sút kém, ba mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để được khám, làm xét nghiệm về sắt và được tư vấn dinh dưỡng càng sớm càng tốt.
Nhu cầu sắt
- 3-12 tháng tuổi: 0,7mg/ngày.
- 1-2 tuổi: 1mg/ngày.
- Tuổi thiếu niên, dậy thì: từ 1,8-2,4mg/ngày.
- Trưởng thành nam: từ 0,9mg/ngày.
- Tuổi dậy thì và có kinh: từ 2,4-2,8mg/ngày.
Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt:
- Cung cấp thiếu sắt.
- Mất máu mãn tính (chảy máu đường tiêu hóa, nhiễm giun móc).
- Nhu cầu sắt cao (do trẻ phát triển nhanh, trẻ đẻ non, dậy thì, tim bẩm sinh có tím).
- Do hấp thu sắt kém.
(Bs. Nguyễn Thị Hồng Thê)
- Nhìn da chẩn đoán bệnh
- Cảnh giác với nước uống có gaz
- 5 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của trái xoài xanh
- Cẩn thận khi sử dụng bình xịt côn trùng
- 17 mẹo bảo quản rau quả luôn tươi ngon
- Đậu đỏ
- Quả bí rợ
- Chóng mặt khi thay đổi tư thế, bệnh gì?
- Tác hại của việc thức khuya
- Chăm sóc bộ não
- Thuốc ho gia truyền
- Tết Đoan Ngọ cần có bánh tro, vì sao?
- Rượu Tỏi
- Cách trừ bệnh suyễn
- Ăn ít sống lâu, nhai kỹ sống thọ