Sau đây là lời tác bạch của sư Thiện Đức, sư cô Liễu Pháp cùng một số hình ảnh của buổi lễ tại Bửu Long. Hình ảnh tại Thiền Viện Viên Không Ni, quý vị vui lòng vào facebook của Bhikkhuni Liễu Pháp, Cội Nguồn hoặc một số trang khác để xem hay được chia sẻ tại:VKN - 20th Anniversary - selected photos
Namo Ratanattayāya.
Thành kính đảnh lễ Phật Pháp Tăng Tam Bảo. Ngưỡng bạch Thầy quý kính, hôm nay nhân ngày khánh tuế lần thứ 76 của Thầy, tất cả chúng con thành kính đảnh lễ Thầy và dâng lên lời tác bạch.
Ngưỡng bạch trên Thầy quý kính, kính thưa chư đại đức Tăng Ni và Phật tử các giới. Hôm nay là ngày mồng 4 tháng 2 năm Kỷ Hợi, nhằm ngày 9 tháng 3 năm 2019, Thầy đã chính thức tăng thêm một tuổi, chúng con thành kính nhất tâm cầu nguyện Hồng Ân Tâm Bảo và những thiện pháp đã làm luôn hộ trì Thầy dồi dào sức khoẻ, tăng phúc tăng thọ, và hạnh nguyện viên dung.
Đối với Thầy, “bình thường tâm thị đạo”, việc sanh tử cũng là việc bình thường, nhưng đối với chúng con sự có mặt của Thầy trên thế gian là niềm vui lớn, là ánh sáng dẫn đường, là hiện thân của sự giản dị bao dung không bờ bến. Sống bên Thầy, vào dịp này, những kỷ niệm xa xăm tưởng như bị chìm sâu trong quên lãng lại trỗi dậy trong tâm trí của chúng con. Sống bên Thầy, chúng con học được thật nhiều điều từ thân giáo — bài pháp vô ngôn nhưng vô cùng ý nghĩa. Sống bên Thầy, chúng con cảm nhận được tình thương vô hạn đối với muôn loài, dù rất nhỏ, từ cành cây ngọn cỏ, con ong cái kiến. Sống bên Thầy, mọi cử chỉ hành động, lời nói và suy nghĩ được sáng soi bởi chánh niệm tỉnh giác, nhờ đó mà chúng con hiểu được Phật Pháp nhiệm mầu. Sống bên Thầy, chúng con học được thế nào là chân thật, khiêm nhường và an nhiên tĩnh tại trước trăm công ngàn việc, trước sự đổi thay và biến động của cuộc đời. Sống bên Thầy, chúng con có quá nhiều điều để học, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi đối với chúng con cũng đã quá diễm phúc lắm rồi và cũng chỉ bấy nhiêu thôi cũng để chúng con học suốt cả cuộc đời.
Nhớ lại những ngày đầu mới vào chùa học đạo, chúng con có duyên lành được Thầy giảng dạy giáo lý căn bản hằng tuần. Từng bài giảng của Thầy, với ngôn từ giản dị nhưng ý nghĩa sâu xa, trình bày rõ ràng cốt lõi của Phật giáo, khiến cho chúng con vô cùng ấn tượng. Trước đó, tuy đã từng học Phật mấy năm, nhưng vẫn mù mờ tăm tối với những mớ kiến thức thiếu bài bản, không bắt nguồn từ những lời dạy gốc của Đức Phật. Chính những buổi học giáo lý này đã soi sáng con đường mà chúng con đã chọn, như đã “chỉ đường cho người bị lạc lối, mang đèn sáng vào bóng tối để cho những ai có mắt thấy được sắc”.
Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền.
Tình thương của Thầy bắt nguồn từ tinh thần vô ngã vị tha. Thương yêu không cần sự đáp trả, giáo dưỡng không nghĩ đến sự đáp đền, đó là tình thương yêu thật sự vĩ đại và trong sáng biết bao. Tình thương vĩ đại không phải được biểu hiện bởi những gì to lớn, mà được biểu hiện bởi sự vắng bóng của cái ta. Vì vậy, Thầy không chỉ là bậc Ân Sư khả kính, mà còn là người Cha lành khả ái và người Bạn hiền phạm hạnh. Như Đức Phật đã dạy: “Thiện bằng hữu, thiện tri kỷ và thiện thân tình là toàn bộ phạm hạnh này”.
Đạo Phật là đạo trí tuệ, và Thầy đã dùng trí tuệ soi sáng Đạo Phật bằng những ngôn từ đơn giản nhất để diễn tả những tôn chỉ cốt lõi nhất. Đạo Phật là Bát Chánh Đạo, là con đường Giới, Định và Tuệ — những vấn đề lớn trong tu tập đối với hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia. Tuy nhiên, Thầy đã đơn giản hoá những vấn đề lớn đó với những ngôn từ dễ hiểu dễ hành: Thận Trọng, Chú Tâm, Quan Sát. Giới là Thận Trọng, Định là Chú Tâm, Tuệ là Quan Sát. Nhờ Thận Trọng, Chú Tâm và Quan Sát mà mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ không có lỗi lầm, và mỗi thực tại Thân, Thọ, Tâm, Pháp được nhận dạng rõ ràng trong sáng nhất.
Học đạo quý vô tâm,
Làm, nghĩ, nói không lầm,
Sáng trong và lặng lẽ,
Giản dị mới uyên thâm.
Cho dù Phật sự đa đoan, việc chùa bề bộn, Thầy vẫn luôn an nhiên tĩnh tại giữa cuộc đời. Đó là bài học mà chúng con không biết bao giờ học hết. Từ khi chúng con bước chân vào chùa cho đến nay, ngôi Chùa Tổ Bửu Long này ngày càng đồ sộ trang nghiêm, nhưng không vì thế mà khiến Thầy giảm đi nội lực của sự xả ly. Làm vậy, thấy vậy, biết vậy, nhưng tâm không dính mắc. Ôi, sự thâm thuý của tâm đạo và trí đạo! Như ở đâu đó, Thầy cảm hứng:
Viết bài thơ trên cát,
Cơn sóng vỗ cuốn đi,
Vô tình đâu nhớ được,
Mình viết bài thơ gì.
Ngưỡng bạch Thầy quý kính, những Ân Đức cao cả của Thầy đối với chúng con và sự tu học của chúng con không thể nào dùng ngôn ngữ thế gian để diễn tả hết được. Nhân dịp khánh tuế lần thứ 76 này, chúng con thành kính đê đầu đảnh lễ dưới chân Thầy để bày tỏ lòng tri ân vô hạn; và thành kính cầu chúc Thầy sức khoẻ và trường thọ, mãi là tàn cây đại thụ để cho chúng con có bóng mát nương nhờ, là ngọn hải đăng khi chúng con chơi vơi trên biển cả, là thạch trụ vững chãi khi chúng con gặp phong ba bão táp giữa dòng đời.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
(Sư Thiện Đức)
-------------------------------------
Namo Ratanattayāya.
Kính bạch Thầy, vị ân sư kính quý của chúng con.
Hôm nay chúng con hội tụ về đây để mừng khánh tuế Thầy tròn 76 tuổi, và Ni viện Viên Không tròn 20 tuổi. Chúng con vui mừng thấy Thầy vẫn luôn mạnh khỏe, thư thái và vẫn còn tiếp tục làm việc không mỏi mệt. Thầy luôn là tấm gương sáng cho chúng con trong lối sống lành mạnh, chuẩn mực, thanh thoát, nhẹ nhàng. Giữa bao nhiêu công việc thuyết Pháp, dạy Đạo, xây dựng và giao tiếp, Thầy vẫn luôn "ung dung trong ràng buộc". Suốt gần 30 năm làm đệ tử của Thầy, chúng con chưa hề thấy Thầy nổi nóng hay giận dữ, la rầy, thậm chí chưa từng một câu nói nặng. Thầy luôn luôn điềm tĩnh, lắng nghe và phân tích, để chúng con nhận ra được mọi vấn đề, vượt qua mọi thử thách, và học ra những bài học quý báu của mỗi người từ cuộc sống .
Những ngày chúng con mới tập tễnh bước chân vào Ni viện, Thầy dạy cho chúng con từ những điều nhỏ nhặt như ăn làm sao, nói cách nào, viết kiểu gì, làm công việc sao cho đúng. Con còn nhớ khi Ni viện ra tập san Cỏ Lau, Thầy dạy chúng con Chân Thiện Mỹ trong từng bài viết: ý phải chân, mục đích phải thiện và văn chương ngôn ngữ phải mỹ. Thầy sửa cho chúng con từng cái dấu chấm câu, hay chọn vần thế nào để ngay cả một bài văn xuôi khi đọc lên nghe vẫn êm tai, dễ chịu. Con nhớ có lần Thầy nói, chỉ cần học với Thầy một thời gian, sau này các con đọc sách, dù là sách của những người nổi tiếng, các con vẫn có thể nhận ngay ra những chỗ không ổn nếu có. Ban đầu con cũng hơi nghi ngờ, vì mình nhỏ, hậu học sao có thể làm được điều này. Nhưng lạ thay, chỉ sau một thời gian ngắn, chúng con đã nhận ra điều đó. Lý do là, Thầy đã chỉ cho chúng con những nguyên lý, để từ đó chúng con nhận ra cái thực, và cái gì không phải thực, chỉ là ảo tưởng, tưởng tượng hay lý luận, xa rời hay trái ngược thực tế, sẽ không có tính thuyết phục, bởi như nhà thi hào Gueth đã nói : "Lý luận chỉ là màu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi."
Sau chương trình học 5 năm ở Ni viện, mà chỉ một mình Thầy đã dạy cho chúng con tất cả các môn: Kinh, Luật, Vi Diệu Pháp, Lịch sử, Pali, Triết học đông tây, tuy tên gọi đó chỉ là một lớp gia giáo, nhưng nội dung những gì Thầy trao truyền đủ cho chúng con tu học suốt cả một đời. Do đó, khi khóa học kết thúc năm 1997, huynh đệ chúng con đủ sức để đi theo con đường mình chọn. Những người yêu thích pháp học thì được Thầy tạo duyên cho đi du học, những người thích phụng sự thì theo Thầy đi thành lập rừng thiền Viên Không.
Năm 1998, chúng con đi du học, cũng là năm Thầy và các huynh đệ bắt đầu xây dựng Viên Không Tăng và 1 năm sau, 1999, khởi công xây dựng Viên Không Ni. 15 năm con đi xa, các chị em ở nhà như cô Pháp Vân, cô Như Thể, cô Như Liên, cô Liễu Tánh, cô Liễu Tuệ, cô Huyền Nghi đã dãi dầu mưa nắng, cuốc đất, trồng cây, xây nhà, làm đường xá, đem hết sức tuổi trẻ của mình để biến vùng đất hoang đầy cỏ dại và rắn rít, bò cạp thành một thiền viện thoáng đãng, xanh tươi, yên tịnh.
Cô trưởng Huyền Trung tuy không tham gia lao động, nhưng luôn tiếp tế thức ăn cho thầy trò trong những ngày đầu thiếu thốn và luôn là một hậu phương vững vàng cho Ni viện Viên Không.
Cũng cần nhắc đến các em vào tu ở Viên không trong thời gian xây dựng như Liễu Thuận, Liễu Không, Viên Phúc, Viên Đức, Hạnh Hiền, Hạnh An, Hạnh Trang, Hạnh Chơn, Ngọc Tịnh... Một số quay về đời sống thế tục, một số đi tu học nơi này nơi khác, nhưng con tin, dù bây giờ các em đang ở đâu thì những điều Thầy dạy dỗ vẫn là kim chỉ nam trong đời sống của các em để được "tùy sở trú xứ thường an lạc."
Một điều đáng quý là ở chỗ, được sự giáo dưỡng của Thầy, chúng con không hề có tâm ganh tỵ, đố kỵ giữa kẻ đi người ở. Người đi học thì ra công tu học, người ở nhà thì gắng sức dựng xây. Giữa chúng con luôn có sự đồng cảm, thương yêu và sách tấn lẫn nhau. Nếu ở một số nơi huynh đệ tương tàn để tranh nhau địa vị, thì chúng con chỉ xem việc lo cho chùa là cuộc chạy tiếp sức, người này lo xây dựng, người kia lo phát triển, người này làm giáo dục, người kia làm y tế... Khi Thầy gọi con về Viên Không Ni để mở lớp dạy học, thành lập Ni chúng, thì các chị của con sẵn sàng quay lại Bửu Long để cho con "rộng đường" tổ chức các hoạt động, chứ không hề có một khái niệm ta và của ta trong đó.
Với tinh thần "tùy duyên, thuận pháp, vô ngã, vị tha" mà thầy là một minh chứng sống, huynh đệ chúng con sống an vui, hòa hợp, đoàn kết, quan tâm lẫn nhau như trong một gia đình. Con vẫn thường tự nhủ, may mắn lớn nhất trong đời chúng con là gặp được minh sư, thiện hữu và biết được chánh pháp. Cuộc đời chúng con sau khi được gặp Thầy như đi trên con đường sáng, thanh thản, ung dung. Dù đó đây vẫn còn tham sân hờn giận, nhưng trong lòng không còn những oán kết đau thương.
Thầy là người đã soi đường cho chúng con bước, và vẫn luôn che chắn cho chúng con trước mọi hiểm nguy. Thầy chọn ngày sinh của mình làm ngày thành lập Ni viện, bản thân Thầy cũng cầm rựa khai hoang, cầm cuốc đắp đường, ăn mì gói, uống nước rừng, đổ từng giọt mồ hôi để phủ xanh đồi trọc, để hôm nay chúng con có một cơ ngơi gồm những mái nhà vững chãi, những vườn cây tươi tốt, những con đường êm ả. Dù trăm công nghìn việc, hàng tuần Thầy vẫn lên Ni viện để hướng dẫn, dạy dỗ chúng con. Thầy vẫn luôn khuyến khích Ni giới chúng con độc lập, tự tin, tu hành nghiêm túc để có được nội hàm, chứ không cần phải đấu tranh để được sự công nhận.
Từ năm 2013, khi con bắt đầu về Viên Không để xây dựng Ni chúng, dù gặp nhiều khó khăn nhưng con luôn vững tin vì biết rằng luôn luôn có Thầy ở bên cạnh chúng con để dìu dắt, nâng đỡ. Những lúc các em nhỏ bức xúc khi có những trở ngại hay mâu thuẫn, xung đột trong cá nhân hay trong nội bộ, các em thường gặp hay nhắn tin cho Thầy để xin được chỉ dạy. Dù biết có những lúc trong Ni Viện có những xáo trộn hay không ổn định, Thầy không bao giờ la rầy hay can thiệp, mà Thầy còn nói: "Nếu con có bản lĩnh, cứ để cho xáo trộn, xung đột mà không cần phải tìm cách giải quyết. Cứ để cho pháp vận hành, từ từ mỗi người sẽ tự nhận ra vấn đề, và tự điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình". Bản thân con đã từng được Thầy dạy và con cũng đang vận dụng nguyên lý đó để điều hành Ni viện.
Hiện nay Ni viện có 12 tỳ-kheo ni, 12 sa-di ni, và 10 tu nữ, tổng cộng 34 vị đang tu tập. Vừa rồi Sư cô Tịnh Thành mới qua đời vì bệnh, và hôm nay cũng là 49 ngày từ ngày sư cô ra đi. Vì vậy mà sư cô Liễu Tuệ đã trở về trước thời hạn sau một thời gian đi hành thiền ở Ấn Độ và Miến Điện. Với kinh nghiệm tu tập và làm việc của mình, sư cô đã giúp con rất nhiều trong việc quản chúng. Con hy vọng rằng dưới sự hướng dẫn của Thầy, trong một môi trường rất thuận tiện cho sự tu tập, Ni chúng Viên Không sẽ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, là trú xứ an ổn cho những người nữ muốn xuất gia trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, đúng như ý nguyện của Thầy khi khởi đầu xây dựng rừng thiền Viên Không .
Con nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Thầy cùng Sư Thúc Hộ Pháp luôn mạnh khỏe, an vui và thuận duyên trong mọi Phật sự, luôn là cội tùng vững chãi, là nơi nương tựa cho hàng đệ tử chúng con.
Con kính tri ân chư tôn đức Tăng Ni, và niệm ân quý Phật tử đã đến tham dự buổi lễ trọng đại này của Ni viện chúng con. Kinh chúc quý vị thân tâm thường an lạc.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
(Sư cô Liễu Pháp)
- Chương trình đêm đầu-đà Rằm tháng Giêng (2019 - 2563) tại Tổ đình Bửu Long
- Tổ Đình Bửu Long Kính Mừng Thầy Nhân Ngày Ngày Giáo Việt Nam
- Hình Ảnh Đại Lễ Dâng Y Kathina 2018 Tại Tổ Đình Bửu Long
- Chương trình Đại Lễ Dâng Y Kathina PL.2562 - DL.2018 tại Tổ đình Bửu Long
- Một số hình ảnh Lễ Húy nhật lần thứ 16 Ngài cố Trưởng lão Hộ Nhẫn
- Lễ Húy Nhật Đại Trưởng Lão Hộ Tông lần thứ 37 tại Tổ đình Bửu Long
- Chương trình Lễ húy nhật lần thứ 37 Cố Đại Trưởng Lão Hộ Tông tại Tổ đình Bửu Long
- Lễ Hủy nhật Đại Trưởng lão Giới Nghiêm lần thứ 34
- Hình ảnh ngày Dâng Y tắm mưa và Tụng Giảng Kinh Chuyển Pháp Luân PL.2562 tại Tổ đình Bửu Long
- Khóa giảng thiền thứ 18 tại Tổ đình Bửu Long
- Tụng và giảng bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana Sutta) tại Tổ đình Bửu Long - Ý nghĩa ngày Rằm tháng Sáu theo Phật giáo Nguyên Thủy
- Hình ảnh đêm Đầu-đà Rằm tháng Tư tại Tổ đình Bửu Long
- Lễ Xuất Gia Sadi cho hai giới tử tại Tổ đình Bửu Long
- Chương trình đêm Đầu-đà Rằm Tháng Tư (2018-2562) tại Tổ đình Bửu Long
- Hình ảnh Lễ Hội Huyền Không năm 2018