Nhiều người thường nghĩ rằng: “Đừng bao giờ mở miệng ra nói câu xin lỗi với người khác! Nói xin lỗi nghĩa là nhận lỗi về mình, là nhận mình sai, mình kém, mình yếu! Chỉ có kẻ ngốc mới nói xin lỗi!” Quả thật đúng với tâm lý của loài người nói chung!
Ngay từ khi còn bé, khi phạm lỗi sai, đứa trẻ bị phạt quỳ, bị la, bị đánh. Đi học mà làm sai thì bị trừ điểm, bị hạ hạnh kiểm, bị viết bảng kiểm điểm. Chao ôi là đủ các loại cực hình tra tấn! Chúng ta lớn lên trong một xã hội căm ghét lỗi sai.
Mọi người đều sợ lỗi sai! Và đó là lí do họ trở thành “mọi người”! “Mọi người” tập hợp thành “đám đông” và tạo nên “luật lệ” để duy trì sự thống trị của mình. Sản phẩm tuyệt vời nhất của “luật lệ” là “đám đông”!
“Đám đông” là nơi giết chết sự sáng tạo: “Ở đây không ai làm như thế cả!”
“Đám đông” là nơi cào bằng cảm xúc và ý kiến cá nhân: “Mọi người đều thích cái này!”
“Đám đông” là nơi giết chết sự khác biệt: “Con cứ làm giống các bạn là ổn!”
Tất cả những người tiên phong và lãnh đạo, họ chưa từng thuộc về “đám đông”.Họ lao lên phía trước với sự khát khao, hăm hở và tò mò. Họ vấp ngã, họ phạm lỗi lầm, họ gào thét, họ đau đớn để rồi khôn lớn. Và rồi họ lại tiến lên phía trước hăm hở kiến tạo và mộng mơ!
Bạn không thể không nhận ra họ: Thomas Edison, Gandhi, Einstein, Steve Jobs, Richard Branson, John Lennon… Bạn hãy kể tên của họ, tôi sẽ kể cho bạn nghe về những lỗi sai và những giấc mơ của họ!
“Đám đông” có thể xa lánh họ, nguyền rủa họ, công kích họ… Nhưng “đám đông” không thể bỏ mặc họ vì họ đã SỐNG! Họ thay đổi thế giới này!
Sai lầm không phải là ngu dốt! Lặp lại sai lầm của mình mới là ngu dốt!
Sai lầm là cách tuyệt vời nhất để học hỏi!
“Lỗi sai” là đứa con của “Tò mò” và “Dũng cảm”! Và đứa con của “Lỗi sai”, “Điềm tĩnh” và “Kiên trì”, đó chính là “Sự khôn ngoan”!
Vậy, cớ chi người ta lại sợ nhìn nhận lỗi sai của mình! “Tôi xin lỗi” là lời tuyên ngôn của kẻ mạnh!
Thật vậy, các bạn cần sức mạnh để vượt qua nỗi đau, để trả giá cho thất bại và để tiếp tục đi về phía trước. Sẽ dễ hơn để xin lỗi một người hơn mình, sẽ khó hơn rất nhiều để xin lỗi một người dưới mình. Chỉ những người có đủ sức mạnh để vượt qua cái tôi của mình mới có thể cúi đầu xin lỗi những người dưới mình.
Ngạn ngữ phương Đông có một câu nói: “Nếu bạn định cúi đầu, hãy cúi thật thấp!”
Đã bao giờ bạn nhìn thấy một ông bố cúi xuống xin lỗi con mình? Một ông thầy cúi xuống xin lỗi học trò? Một người sếp lớn cúi xuống xin lỗi nhân viên của mình? Đó là một người mạnh!
Cuối cùng là cách xin lỗi. Sẽ rất dễ để xin lỗi qua loa: “Ờ, tui xin lỗi! Xin lỗi mà! Vậy nhe!” Và rồi chúng ta cười trừ cho qua. Đó là cách xin lỗi rất xã giao và hời hợt! Một lời xin lỗi chân thành sẽ sâu sắc hơn nhiều.
Xin lỗi = Tự nhìn nhận + Lời hứa
“Ba xin lỗi vì ba về trễ! Ba biết con đã rất thất vọng khi chờ đợi suốt từ trưa tới giờ! Ba rất xin lỗi và ba hứa việc này sẽ không lặp lại một lần nữa!”
Lời xin lỗi chân thành giúp ta tự nhìn nhận lại mình, giúp ta đồng cảm và hàn gắn tổn thương với những người xung quanh, làm rõ cam kết và quyết tâm trưởng thành hơn của chúng ta. Lời xin lỗi chân thành là tôi bộc trung thành của những kẻ mạnh!
Hãy nhớ là đừng sợ những lỗi sai, đó là bạn đồng hành của những người tiên phong và lãnh đạo! Và lời xin lỗi chân thành là công cụ để hàn gắn những mối quan hệ và bồi đắp cho sự khôn ngoan của bạn.
(Sưu tầm)
- Thành công không có quy luật
- Sự tích chiếc khăn tang
- BANDITO - Đạo tặc
- CouchSurfing - Ở trọ miễn phí toàn thế giới
- Những gánh quà sáng xứ Huế
- Ngày cả thế giới trao nhau nụ cười
- Ông biết tôi là ai không?
- Từ bi với mình
- Những tác phẩm nghệ thuật sống động từ hoa
- Chuyến bay Delta 15
- Dành cho người dùng máy vi tính
- Ảo ảnh
- Khi trẻ con học
- Đừng chạy xe cho tới giọt xăng cuối cùng mới vào trạm
- Đèn bằng chai nước chiếu sáng hàng triệu căn nhà