loading
Các chùa Nguyên Thủy tại các tỉnh khác
THIỀN VIỆN VIÊN KHÔNG
Địa Chỉ: Khu 2, Ấp 4, Xã Tóc Tiên
Huyện Tân Thành
Vũng Tàu
Điện Thoại: 064. 3948 533; 0908 270 964 - Ni viện: 064. 3948 150
Trụ Trì: Tỳ khưu VIÊN MINH

 

 

Nét đặc thù của Rừng Thiền Viên Không

Một buổi chiều cuối năm 2004, tôi có dịp đi qua ngã ba Hội Bài, khoảng cây số 80 trên quốc lộ 51, Huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Vốn yêu thích núi rừng, tôi không bỏ lỡ cơ hội rẽ vào con đường thơ mộng uốn mình giữa hai dãy núi Tóc Tiên và núi Dinh, để được hít thở không khí trong lành của một môi trường sinh thái toát ra từ những khu rừng phòng hộ tràn đầy sức sống. Đặc biệt là khi qua khỏi Xã Hội Bài đến địa phận Xã Tóc Tiên, tôi phát hiện đàng sau tấm biển Qui Ước Rừng Phòng Hộ, một con đường lát đá ẩn hiện giữa rừng cây, uốn khúc quanh co, vòng theo chân một hòn núi nhỏ với những tảng đá dựng uy nghi, rồi lượn lại một khúc quanh giữa hai hồ nước đầy hoa súng tím, leo lên một con dốc rợp bóng tùng dương liễu, dẫn tôi đến một khu vườn xanh mướt thật bất ngờ…

Vẫn những con đường lát đá len giữa vườn cây nào điều, nào mít, nào nhãn, nào xoài… dẫn tôi sâu vào bên trong, và cao dần lên một đồi đá với những bậc cấp vừa giãn dị vừa trang nghiêm khiến tôi có cảm giác nhủ đang lạc vào một chốn thiền môn thanh thoát.

Tôi ngạc nhiên khi thấy nơi đây hình như có một phong cách gì đó rất khác lạ so với những ngôi chùa mà tôi từng biết đến, nó vừa toát ra một vẻ gì hết sức mộc mạc đơn sơ, vừa ẩn tàng một công phu vô cùng tinh tế. Lối kiến trúc, thờ phượng ở đây tưởng chừng quá bình dị, không một dấu vết cầu kỳ, hình như để hoà hợp vào sắc thái thiên nhiên của cảnh núi rừng. Những khóm cây cắt tỉa tinh vi càng làm tôn thêm vẻ hiền hòa của một mặt hồ tĩnh lặng, những tảng đá tự nhiên đứng bên đám cỏ xanh, được điểm xuyết với những khóm hoa trắng đỏ…bỗng trở thành những kiệt tác đầy tính nhân văn, mấy cội sứ già nghiêng bóng trên những bậc cấp bằng đá càng tạo thêm chiều sâu cho lối lên ngôi nhà lục giác toạ lạc giữa trung tâm khu vườn đá tảng, những thiền thất bằng gỗ màu nâu rải rác dưới chân núi ẩn hiện giữa rừng cây hay sau những tảng đá hùng vĩ bỗng cho tôi một cảm giác tĩnh táo và hoà nhập một cách lạ thường.

Cảnh trí thiên nhiên ở đây vừa hoành tráng vừa u tịch, cộng với sự bình dị một cách sâu sắc trong phong thái phối trí kiến trúc và vườn cảnh đã cho tôi một cảm giác thật an bình, thanh thoát. Có thể nói, đây là lần đầu tiên tôi biết đến một ngôi chùa mang tính văn hoá nhiều hơn là tính tín ngưỡng, trong chính sự biểu hiện của nó chứ không phải trong lý luận của ngôn từ.

Tôi quyết định xin được đàm đạo với vị chủ trì để tìm hiểu thêm về quá trình hình thành và phát triển ngôi thiền viện có bản sắc độc đáo này. Và tôi đã được một chú tiểu dẫn đến gặp ThượngTọa Viên Minh trong một thiền thất sàn bằng gỗ, phía trước có một trà thất trang nhã và cổ kính, ở cuối con đường đá cách khu trung tâm khoảng vài trăm mét, về bên trái. Sau khi trao đổi lý do diện kiến, chúng tôi vừa dùng trà vừa đàm đạo trong không khí cởi mở thoải mái.

 

 - Xin thầy vui lòng cho biết khu lâm viên nầy đã được thành lập từ lúc nào?Lấy tên là gì? 

 - Chúng tôi chỉ mới về đây trồng rừng và lập vườn cây ăn trái từ năm 1996, và đặt tên là Rừng Thiền Viên Không. 

 - Thế trước đây thầy trụ trì ở chùa nào? 

 - Tôi hiện vẫn là trụ trì chùa Tổ Đình Bửu Long, hệ phái Phật Giáo Nguyên Thuỷ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, một ngôi chùa được vinh dự nằm trong Công Viên Lịch Sử và Văn Hoá Dân Tộc của thành phố. 

 - Khi về đây thành lập khu lâm viên nầy thầy có dự tính chương trình gì không? 

 - Đơn giản là chúng tôi chỉ muốn có một nơi yên tĩnh, gần gũi thiên nhiên, phù hợp với nếp sống thiền. Ở các nước Đông Nam Á, Phật Giáo Nguyên Thuỷ phát triển rất mạnh, nhất là mặt thiền học, họ có nhiều rừng thiền qui mô rộng lớn có thể đáp ứng nhu cầu tâm linh cho quần chúng nhằm đem lại sự quân bình đời sống vật chất và tinh thần trong thời đại công nghiệp và kinh tế thị trường đầy căng thẳng như hiện nay. Vì vậy chúng tôi cũng có tâm nguyện thành lập một rừng thiền tương đối qui mô cho mục đích nói trên. 

 - Thầy đã có định hướng cụ thể nào cho mục đích nầy chưa? 

 - Nếu được Giáo Hội và Chính Quyền cho phép chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng một thiền viện trong rừng thiền nầy. Như anh đã thấy, khuynh hướng kiến trúc ở đây là lấy thiên nhiên và môi trường sinh thái làm chính, nên khi xây dựng thiền đường, thiền thất, trai đường v.v. chúng tôi luôn luôn tôn trọng nguyên tắc: Không phá hỏng bối cảnh thiên nhiên, nhất là đá và rừng. Rừng chúng tôi trồng chỉ để tạo cảnh quan và môi trường chứ không để khai thác. Chúng tôi có sử dụng đá làm đường nhưng phần lớn là mua ở bên ngoài, thỉnh thoảng chỉ chẻ những tảng đá nằm ở vị trí cản trở hay dư thừa mà thôi. 

 - Với dự án trên thầy đã có bao nhiêu đất và đã thực hiện được gì? 

 - Chúng tôi đã hợp đồng trồng và bảo vệ rừng với Dự An Rừng Phòng Hộ Bà Rịa Vũng Tàu khoảng 30 ha trên sườn núi Bao Quan, thuộc Xã Tóc Tiên, hiện nay rừng được chúng tôi bảo vệ và chăm sóc rất kỹ lưỡng. Ngoài ra chúng tôi còn có khoảng 10 ha đất nông nghiệp đã được trồng cây ăn trái đủ loại. Mấy năm qua chúng tôi chỉ mới tạo dựng được khu vườn cảnh, đường sá, và một ít kiến trúc cho những nhu cầu cần thiết nhất mà thôi. Nếu xây dựng thiền viện thì cần phải có những kiền trúc qui mô hơn. 

 - Thành công nhất hiện nay của rừng thiền Viên Không chính là khu vườn cảnh. Thầy có bí quyết gì trong sự phối trí vườn cảnh với kiến trúc khiến chúng tôi khi mới bước chân vào đây đã cảm nhận được ngay một không khí an bình, thanh thoát?

 - Trong nghệ thuật thiền Đông Phương, chính tâm hoá khí, khí hóa hình, nên Kinh Phật có câu “ tâm bình thế giới bình”.Tâm bình, vườn thiền bình tạo ra một không khí an bình mà ai cũng có thể cảm nhận, chia sẻ và hoà nhập được. 

 - Hiện nay nhiều công ty du lịch đang có xu hướng phát triển mảng du lịch sinh thái mang tính chất tĩnh tâm cho những du khách không thích những khu vui chơi quá sôi động. Rừng thiền của thầy có ảnh hưởng như thế nào với những đối tượng này? 

 - Hầu hết các ngôi chùa có cảnh quan thiên nhiên đều vô tình trở nên những điểm du lịch sinh thái và tâm linh, chính vì vậy mà các công ty du lịch đang có ý tưởng triển khai mô hình nầy. Đã có không ít công ty du lịch đến nhờ tôi tham mưu cho họ thành lập những tĩnh tâm viên trong khu du lịch của họ.Ở đây khách hành hương vẫn thường đến tham quan, phần đông đều có cùng cảm nhận như anh là tìm thấy nơi đây một không khí bình dị, an nhiên và thanh thoát, một liều thuốc di dưỡng tinh thần, phục hồi sinh lực quí giá giữa cơn lóc thị trường công nghiệp hiện nay trên thế giới. Và đây chính là tâm nguyện cống hiến của rừng thiền chúng tôi cho vẻ đẹp văn hoá truyền thống dân tộc trong phát triển đi lên của đất nước chúng ta.

Tôi từ giã Rừng Thiền Viên Không với một cảm tình sâu đậm. Chắc chắn tôi sẽ trở lại đây nhiều lần nữa để được hưởng không khí trong lành và cảm nghe lòng mình nhẹ nhàng thanh thoát.

Nguyễn Thanh Trí

Một số hình ảnh của Thiền viện Viên Không:

Các chùa Nguyên Thủy tại các tỉnh khác khác
 
 
Trở lại     Đầu trang