loading
Suy ngẫm
Chuyện một cành cây ở Bhutan

Một buổi chiều, trên đường từ cố đô Punakha về khách sạn ở thị trấn Wangdue, tôi bất ngờ nhìn thấy một cành thông khá lớn bổ ngang qua đường. 

Điều đáng nói là cành cây ấy lại uốn cong hình chữ V mà đáy của nó nằm ngay giữa tim đường, nếu không cẩn trọng khi ôtô chạy qua sẽ đâm vào đáy của đoạn cây uốn cong hình chữ V ấy. Và theo như logic thông thường, ở bất cứ xứ nào nhân viên công trình giao thông sẽ cưa ngay nhánh cây để đảm bảo an toàn. 

Nhưng người Bhutan đã không ứng xử như vậy. Ngay giữa tim đường, phía dưới đáy nhánh cây sà xuống ấy, họ xây một cái trụ tháp nho nhỏ vươn lên, vừa đỡ lấy nhánh cây không bị đổ, vừa chia con đường ra hai luồng cho xe cộ lưu thông hai bên. Cành cây không bị cưa cắt mà giao thông vẫn an toàn. Cái hình ảnh đối xử “lễ độ” với cành cây ấy cứ ám ảnh trong tôi rất lâu trên những dặm đường khám phá đất nước Bhutan xinh đẹp. Đôi khi chỉ cần một hình ảnh như thế, chiếc trụ nhỏ đỡ nhánh cây trên đường đủ nói lên nhiều điều về ứng xử với thiên nhiên và môi trường mà không cần phải kẻ vẽ hay hô hào quá nhiều panô và khẩu hiệu.

Cũng chính trong buổi chiều hôm ấy, khi lên tu viện Khamsun Yuley được xây ở phía bắc cố đô Punakha, chúng tôi đã gặp một hình ảnh tương tự: một cây thông cổ thụ cũng sà xuống cản lối lên tu viện vốn rất nhỏ và dốc, nhưng thay vì đi tránh lối khác, lối đi này lại được khoét sâu xuống để lọt vừa tầm vóc một người đi qua bên dưới thân cây. Phía trên gốc cây, ai đó đã trồng thêm vào một khóm hoa giấy, leo quấn quýt trên thân cây thông lão trượng, biến thành một chiếc cổng chào tự nhiên xinh đẹp và ấn tượng trên lối lên chùa. Trên dặm dài hành trình qua Bhutan, chúng tôi lại phát hiện thêm những niềm vui cây cỏ như thế, bình dị mà ấm áp.

Nhưng “lễ độ” với thiên nhiên không chỉ là câu chuyện ứng xử với những cành cây nghiêng ngả trên lối đi. Nhà vua Bhutan đã từng ra một sắc lệnh khi một cây rừng bị chặt đi người dân phải trồng lại ba cây khác thay vào đó. 72% diện tích đất nước được che phủ bởi rừng rậm là một con số cao vào hàng nhất thế giới, nhưng không bằng lòng với con số ấy, đất nước này vẫn luôn tìm mọi cách tăng độ che phủ của rừng và từ lâu nhà vua luôn là người tìm cách đưa diện tích rừng tăng lên mỗi năm. Dịp kỷ niệm lễ đăng quang của mình, thay vì người dân chờ đợi được xem những cuộc diễu hành huy hoàng và tráng lệ, nhà vua đã tuyên bố đó sẽ là ngày “lâm nghiệp xã hội”, những trường học cũng như cộng đồng dân cư được nghỉ lễ để đi... trồng cây! Và chính thiên nhiên đã đền đáp lại cho đất nước Bhutan những ân tình mà người dân đã đối xử với cây cỏ.

Trên đường từ thủ đô Thimphu về cố đô Punakha, không thể không dừng lại trên đỉnh con đèo Dochula với độ cao 3.050m. Không chỉ vì nơi đây có một công trình với 108 ngọn tháp (chortens) được xây để tưởng nhớ những tiền nhân đã mang đạo Phật đến xứ sở Bhutan, và may mắn nếu gặp ngày đẹp trời có thể phóng tầm mắt nhìn ra dãy Himalaya để chiêm ngắm những đỉnh núi phủ tuyết trầm mặc. Trên ngọn đèo này, vẻ đẹp thiên nhiên của Bhutan hiện ra đẹp lộng lẫy và rực rỡ nhất nếu bạn đến đây đúng vào những ngày xuân ấm nắng. Giữa điệp trùng chồi thông cổ thụ đang rực lên như hổ phách dưới sắc vàng của màu nắng xuân trong veo là những thảm hoa đỗ quyên bừng nở đỏ rực. Hốt nhiên trong cái khoảnh khắc ấy, giữa trời xanh, mây trắng và những đỉnh núi tuyết trầm mặc xa mờ, sắc hoa đỗ quyên giữa ngàn thông nguyên thủy tinh khôi thật sự mang tới cảm giác của một “cõi địa đàng trần gian” mà người ta thường ví von khi nhắc đến Bhutan. Địa đàng ấy là đây, trong tầm mắt chúng tôi ngay trên đỉnh đèo Dochula một buổi trưa lồng lộng gió và nắng!

 

Giữ “lá phổi” cho đất nước

Hôm đầu tiên từ sân bay Paro về thủ đô Thimphu, chúng tôi cũng bất ngờ gặp ven đường một hình ảnh quen thuộc, gợi nhớ những ngôi nhà chúng tôi đã gặp trên rẻo cao Tây Bắc, Việt Bắc ở nước ta. Đấy là người Bhutan cũng dựng những ngôi nhà của mình theo phương pháp “trình tường”. Hóa ra một đất nước giàu rừng nhiều gỗ như Bhutan nhưng giờ đây gỗ được dùng rất hạn chế trong xây dựng. Những ngôi nhà với lối kiến trúc Bhutan đều từa tựa như các “dzong” (tu viện). Sau khi dựng móng bằng đá, tường sẽ được “trình” bằng các khuôn gỗ, đất được lèn chặt vào khuôn và nén kỹ, chỉ có khung cửa sổ làm bằng gỗ được đặt gọn vào tường.

Và thật kỳ diệu, cho dù chỉ trình tường bằng đất nhưng những ngôi nhà chúng tôi gặp ở Bhutan đều có độ cao 2-4 tầng lầu. Sau này gặp anh Tashi, một người bạn vừa quen ở Bhutan, khi chúng tôi hỏi có mâu thuẫn gì không trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, cụ thể ở đây là gỗ rừng và việc những cư dân đang có nhu cầu làm nhà ở trước sự phát triển nhanh chóng của các đô thị như Thimphu, Paro, Punakha..., anh cho biết chính phủ đang khuyến khích dân xây dựng nhà cửa bằng những vật liệu khác thay vì từ gỗ như truyền thống. Gạch đá, ximăng được nhập từ Ấn Độ cũng đang thịnh hành thay cho những ngôi nhà bằng gỗ. Bài học gìn giữ những cánh rừng trên đất nước Bhutan được nhà vua Jigme Singye Wangchuck rút ra từ kinh nghiệm đau thương của đất nước Nepal “hàng xóm”. Những cánh rừng ở Nepal bị đốn trụi đã mang đến tai ương với lũ lụt và hạn hán triền miên. Bởi thế, để không “giẫm lên” vết chân Nepal, người Bhutan đã làm cho xứ sở của mình trở thành quốc gia có độ che phủ của rừng cao nhất thế giới!

Nhưng chuyện “cột trụ môi trường” ở Bhutan đâu chỉ là chuyện vĩ mô với những cánh rừng, Bhutan còn xứng đáng là quốc gia duy nhất trên thế giới không có cư dân hút thuốc lá! Trước ngày đi Bhutan, những bạn bè cùng thiết kế chuyến đi đã nhắc đi nhắc lại rằng nếu nhỡ một ai trong chúng tôi nghiện thuốc lá thì nên nghiên cứu kỹ “luật cấm thuốc lá” của Bhutan. Tuy cấm với cư dân đất nước nhưng du khách đến Bhutan vẫn được mang theo tối đa chừng một cây thuốc (200 điếu), có điều số thuốc lá này phải trải qua nhiều thủ tục rất nhiêu khê cộng với đóng thêm một khoản tiền thuế rất cao để mang được thuốc lá vào. Nhưng mang vào là một chuyện, hút được thuốc lá ở Bhutan lại là một chuyện khác. Bhutan cấm hút thuốc nơi công cộng, và nơi công cộng theo luật Bhutan là nơi đó có... hai người trở lên.

Nếu môi trường ở Bhutan tuy khó khăn nhưng vẫn được bảo vệ một cách tuyệt đối thì việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống lại đòi hỏi những nỗ lực gian khó hơn, bởi trong một thế giới phẳng khi mà Internet và truyền hình vệ tinh đã phủ sóng trên những triền núi Himalaya, nỗi âu lo về sự xâm thực của văn minh với văn hóa truyền thống không phải là điều gì quá lạ lẫm!

(Trích đoạn Bhutan - "Cõi Niết-bàn" bên triền Himalaya)

 

 
Trở lại     Đầu trang