Vào một buổi tối thứ Sáu nọ, một nghệ sĩ trẻ nghèo đang đứng gần lối vào ga tàu điện ngầm như thường lệ và đang chơi đàn violin mà không để ý đến điều gì khác. Điệu nhạc thật đẹp đẽ, du dương và cảm động. Mặc dù người ta đang hối hả trở về nhà vào cuối tuần, nhiều người vẫn không kìm được việc rảo bước chậm lại khi đi ngang qua đó. Cứ một lúc, lại có người bỏ vài đồng vào chiếc mũ của người nghệ sĩ trẻ đặt trên nền đất.
Tối hôm sau, người nghệ sĩ trẻ lại xuất hiện trước lối vào ga tàu điện ngầm như thường lệ. Anh cởi chiếc mũ trên đầu và đặt nó lên sàn. Điều khác so với lần trước là anh lấy ra một tờ giấy lớn trong túi xách và cũng cẩn thận đặt nó lên sàn. Anh đặt lên tờ báo vài viên đá nhỏ mà anh mang theo. Sau khi xếp đặt mọi thứ xong xuôi, anh lại chơi đàn violin. Tiếng nhạc lần này nghe còn cảm động và du dương hơn trước đó.
Không lâu sau, một đám đông tụ tập xung quanh chàng nghệ sĩ violin trẻ tuổi. Người ta bị thu hút bởi những chữ lớn viết trên tờ giấy đặt trên sàn. Một số người thậm chí còn kiễng chân lên để xem. Trên tờ báo viết: “Ngày hôm qua, một quý ông tên George Sung đã bỏ nhầm một vật quan trọng vào mũ của tôi. Xin nhanh chóng tới nhận lại”.
Mọi người đều muốn biết vật được nói đến là gì. Sau nửa giờ, một người đàn ông trung niên hớt hải chạy đến trước chàng nghệ sĩ trẻ. Ông vỗ vai anh và hỏi một cách gấp gáp: “Ôi chao, đúng là anh rồi! Anh thực sự đã quay lại. Tôi biết anh là một người thành thực và anh chắc chắn sẽ quay lại”.
Chàng nghệ sĩ trẻ điềm tĩnh hỏi: “Ông có phải George Sung không?”
Người đó gật đầu rất nhanh. Chàng trai lại hỏi: “Vậy, ông đã quên mất vật gì?”
Người đàn ông đáp: “Chiếc vé số trúng giải của tôi, vé số trúng giải của tôi”.
Chàng nghệ sĩ trẻ bèn lấy chiếc vé số ra khỏi túi áo. Cái tên “George Sung” được viết trên tấm vé. Chàng nghệ sĩ trẻ cầm tấm vé số trong tay, giơ cao lên và hỏi: “Có phải nó không ạ?”
Người đàn ông gật đầu lia lịa, sau đó cầm lấy tấm vé và hôn nó. Rồi ông ta ôm chặt chàng trai, nâng anh lên và xoay anh hai vòng.
Câu chuyện là như thế này. George Sung là một nhân viên tại một công ty. Mấy ngày trước, ông đã mua một tấm vé số của ngân hàng. Trưa ngày hôm trước, ngân hàng công bố người trúng giải. Tấm vé của ông đã trúng 500 nghìn đô la! Sau khi đi làm về, tâm trạng của ông rất vui vẻ và ông cảm thấy tiếng nhạc thật tuyệt vời. Do đó, ông đã lấy tờ 50 đô trong ví và bỏ vào chiếc mũ. Nhưng ông lại sơ ý bỏ chiếc vé số trúng giải lẫn với tờ tiền.
Chàng nghệ sĩ violin trẻ là sinh viên của một trường cao đẳng nghệ thuật. Anh đã lên kế hoạch tới Vienna để học lên cao hơn. Chuyến bay của anh lẽ ra đã khởi hành vào sáng hôm ấy. Nhưng khi sắp xếp hành lý vào ban đêm, anh đã phát hiện thấy chiếc vé số trúng giải 500 nghìn đô la. Nghĩ rằng người mất nó sẽ quay trở lại để tìm, anh đã hủy vé chuyến bay buổi sớm để kịp tới trả lại đồ cho người bị mất.
Sau đó, có người hỏi chàng nghệ sĩ violin trẻ: “Anh cần tiền đi học. Để kiếm tiền vì điều đó, anh đã tới ga tàu điện ngầm mỗi ngày và chơi đàn. Tại sao anh không giữ tấm vé trúng giải 500 nghìn đô-la cho riêng mình?”
Chàng nghệ sĩ đáp: “Ngay cả khi không có nhiều tiền, tôi vẫn sống hạnh phúc. Nếu mất đi sự chân thật và tin cậy của mình, tôi sẽ không bao giờ hạnh phúc nữa, thậm chí dù chỉ một ngày”.
Đúng vậy! Nếu sự thành tín và chân thật biến mất trong thế giới con người, làm sao người ta có thể hạnh phúc đây? Chỉ khi sống thành thực với chính mình và mọi người, người ta mới có thể thật sự trải nghiệm được hạnh phúc thật sự.
Trong hành trình của nhân sinh, người ta có thể mất đi một số lợi ích vật chất khi họ hành xử một cách thành tín và chân thật. Tuy nhiên từ một góc độ khác, xác lập niềm tin vào sự thành thực là điều không để đo lường bằng tiền. Có được sự tin cậy là chìa khóa giúp người ta thành công trong cuộc sống.
(Sưu tầm)