loading
Chia sẻ
Dạy con

Dạy con

Đây là một nhà khoa học đã từng có những phát hiện quan trọng trong lĩnh vực y học, ông Stephen Gray. Phóng viên đã phỏng vấn ông, hỏi ông: “Tại sao ông lại có sức sáng tạo hơn người bình thường? Rốt cuộc thì phương pháp nào có thể khiến ông có sức sáng tạo siêu phàm như vậy?”. Ông nói sở dĩ bản thân ông có được những thành tích trong y học như vậy cũng là nhờ vào phương pháp giáo dục đặc biệt của mẹ ông.

Câu trả lời của ông khiến cho mọi người rất bất ngờ. Ông nói, “Đây là chuyện có liên quan đến phương pháp xử lý của mẹ tôi đối với tôi khi tôi hai tuổi. Có một lần tôi muốn tự mình lấy một chai sữa bò trong tủ lạnh, nhưng mà cái chai quá trơn, tôi cầm không chặt làm cái chai rơi xuống đất, sữa bò bắn tung tóe trên mặt đất, quả thực giống như một “đại dương” sữa vậy! Mẹ của tôi nhìn thấy, nhưng bà không la hét tôi mà cũng không hề trừng phạt tôi. Bà chỉ nói rằng: “wow, Robert, phiền toái mà con tạo ra thật đúng là cực kỳ giỏi, mẹ chưa từng nhìn thấy một vũng sữa bò nào to như thế này! Phải rồi, dù sao thì chai sữa cũng đã đổ rồi, trước khi dọn sạch nó, con có nghĩ rằng chúng ta nên chơi một chút với vũng sữa bò này không?

Tôi nghe thấy mẹ nói như vậy, quả thực vô cùng ưng ý, lập tức bắt đầu chơi đùa trong vũng sữa bò, mấy phút sau, mẹ nói với tôi: “Robert, bây giờ con hãy lau dọn sạch sẽ nó, đồng thời hãy mang những đồ chơi cất đúng vào vị trí ban đầu, vậy con định thu dọn như thế nào nhỉ? Chúng ta có thể dùng bọt biển, khăn hoặc là cây lau nhà để thu dọn, con muốn dùng dụng cụ nào đây?” Tôi trả lời mẹ rằng, “Con lựa chọn bọt biển.” Sau đó, tôi và mẹ cùng lau dọn sạch sẽ chỗ sữa đã bị đổ văng trên mặt đất.

Nhà khoa học nói đến đây, ngay cả phóng viên cũng phải ngưỡng mộ ông có một người mẹ thông minh, độ lượng và đáng yêu như thế. Nhà khoa học nói tiếp, “Chuyện này vẫn chưa hết đâu, chờ đến khi chúng tôi dọn dẹp xong, mẹ tôi lại bảo: ‘Robert, vừa nãy con làm thí nghiệm dùng hai bàn tay nhỏ bé để cầm chai sữa to đã bị thất bại rồi, bây giờ chúng ta đi ra sân sau, đổ đầy nước vào cái chai, xem xem con có cách nào để cầm nó lên mà không để nó bị rơi xuống không nhé?’ Tôi đã nhanh chóng phát hiện ra rằng chỉ cần dùng hai tay cầm lấy cổ chai, chỗ gần miệng chai thì cái chai sẽ không bị rơi xuống đất. (điều học được từ trong sai lầm và thất bại)”.

Đây thật là một tiết học quá tuyệt vời!”, phóng viên thốt lên.

Đúng vậy, từ đó trở đi, tôi hiểu rõ rằng tôi không nhất định phải sợ hãi bất kỳ sai lầm nào, bởi vì sai lầm thông thường là một cơ hội để học hỏi những kiến thức mới. Thí nghiệm khoa học cũng là như thế, cho dù thí nghiệm thất bại thì bạn vẫn học được rất nhiều điều trong đó”.

(Theo NTDTV - Biên dịch: Mai Trà)

 

Ba bát mì

Một buổi sáng, bố làm 2 bát mì trứng, một bát mặt trên có trứng, một bát mặt trên không có trứng, đặt ngay ngắn trên bàn, rồi hỏi cậu con trai muốn ăn bát nào?

– Bát có trứng. Cậu chỉ vào bát và nói.

– Nhường cho bố đi, Khổng Dung 7 tuổi đã biết nhường lê, con 10 tuổi rồi.

– Khổng Dung là Khổng Dung, con là con, con không nhường!

Bố hỏi dò: 

- Không nhường thật à? 

Không nhường! Cậu bé kiên quyết trả lời, rồi lập tức cắn lấy một nửa miếng trứng, biểu thị bát mì đã thuộc về mình.

Người bố đối với động tác và tốc độ của cậu con hết sức kinh ngạc nhưng nhẫn nại hỏi lần cuối:

– Con không hối hận chứ?

– Không hối hận.

Và để biểu thị quyết tâm không gì lay chuyển, cậu ta ăn luôn miếng trứng còn lại.

Người bố lặng lẽ nhìn con ăn xong bát mì, ông quay sang bắt đầu ăn bát mì không trứng của mình, thì ra dưới đáy bát mì của người bố có hai cái trứng, cậu con cũng trông thấy rõ ràng.

Ông chỉ vào hai cái trứng trong bát mì, dạy cậu con rằng:

“Ghi nhớ, người muốn chiếm tiện nghi, sẽ không bao giờ chiếm được tiện nghi.”

Cậu con cảm thấy xấu hổ.

 

Buổi sáng chủ nhật khác, bố lại làm hai bát mì trứng, cũng là một bát trứng nằm bên trên và một bát bên trên không có trứng. Ông vô tư hỏi:

Con ăn bát nào? 

– Con 10 tuổi rồi, con sẽ kính nhường cho bố. Vừa nói vừa lấy bát mì không trứng.

– Không hối hận chứ?

– Không ạ!

Cậu kiên quyết trả lời rồi ăn rất nhanh, nhưng ăn gần hết cũng không thấy trứng đâu, còn người bố bắt đầu ăn bát mì của mình, điều không ngờ là bát mì của ông ngoài cái trứng nằm mặt trên còn có thêm một cái trứng nằm dưới đáy bát. Ông chỉ vào cái trứng nói:

“Ghi nhớ, người muốn chiếm tiện nghi có thể phải chịu thiệt thòi lớn.“

 

Trải qua vài tháng, bố lại nấu hai bát mì và hỏi con:

 Ăn bát nào vậy con?

– Khổng Dung nhường lê, nhi tử nhượng diện. Bố là bậc bề trên, bố chọn trước đi ạ.

– Vậy bố không khách sáo nhé.

Ông chọn lấy bát mì có trứng, cậu con lần này thần thái bình tĩnh không vội như hai lần trước, lấy bát mì không trứng mà ăn. Cậu ăn một lúc thì bất chợt phát hiện trong bát mì của mình cũng có trứng. Người bố ý vị thâm trầm nói với con:

“Ghi nhớ, người không muốn chiếm tiện nghi, cuộc sống sẽ không để cho họ chịu thiệt thòi.“

 

Chú thích:

1. Chiếm tiện nghi: chiếm lấy phần tiện lợi cho mình, tham lam không biết nhường nhịn san sẻ với mọi người.

2. Khổng Dung nhường lê: Khổng Dung là cháu đời thứ 20 của Khổng Tử, 7 tuổi đã biết nhường những quả lê ngon cho bố mẹ và anh em còn mình lấy quả lê nhỏ và xấu nhất. Chuyện này có ghi trong sách Tam Tự Kinh là sách vỡ lòng của trẻ con thời xưa.

3. Nhi tử nhượng diện: Nhi tử là con cái, diện là cái mặt. Ý nói con cái có lòng hiếu kính với người lớn thì biểu hiện ra bên ngoài phải có hình thức lễ nghi.

(Lâm Minh Triết biên dịch)

 

 
Trở lại     Đầu trang