loading
Sống khỏe
Cảnh báo hiểm họa từ chụp X quang, tia phóng xạ

  

Hơn 20% số ca bệnh được chỉ định chiếu chụp là không cần thiết, trong khi điều này lại gây nguy hiểm lớn cho sức khỏe của con người, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế vừa cho biết.

Ngày 27/10, Giám đốc về an toàn và giám sát bức xạ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Renate Czarwinski, cho biết, các bác sĩ ngày càng có xu hướng lạm dụng việc chiếu, chụp phóng xạ để chẩn đoán bệnh, từ chụp X-quang xương đến máy chụp quá trình trao đổi chất, chẳng hạn như MRI-PET..

Mặc dù các chiếu chụp này là cần thiết và có giá trị chẩn đoán bệnh cao, song các nghiên cứu của IAEA cho thấy việc lạm dụng chiếu chụp bằng phóng xạ để lại những di chứng nguy hiểm đối với con người.

Theo IAEA, ngay cả ở các nước phát triển có trình độ y tế cao, hơn 20% số ca bệnh được chỉ định chiếu chụp có thể là không cần thiết. Chỉ định chụp thừa có thể lên đến 45% trong những ca đặc biệt, và có thể tới 75% đối với những kỹ thuật đặc biệt.

Theo giáo sư Jim Malone, Đại học Trinity của Ireland, giới khoa học toàn cầu đang hợp tác chặt chẽ với IAEA trong chiến dịch cảnh báo việc lạm dụng chiếu chụp này để tăng cường bảo vệ sức khỏe người bệnh. Ông cho biết, nhiều bác sĩ trên thế giới hiện không hiểu đúng về các hiểm họa của việc lạm dụng phóng xạ, khi việc này có hại nhiều hơn có lợi đối với sức khỏe người bệnh. Theo ông, chỉ khi nào thực sự cần thiết mới nên chỉ định chụp chiếu.

Trước vấn đề này, IAEA mở cuộc vận động trên toàn cầu thông qua thực hiện sáng kiến 3A: Nâng cao nhận thức về hiểm họa phóng xạ (Awareness); Đảm bảo sự đúng đắn và thích đáng của việc chiếu chụp (Appropriateness); Kiểm tra hiệu quả của các quá trình chiếu chụp (Audit).

“Đây là một việc khó khăn đòi hỏi nỗ lực nhiều năm và cần nhiều nguồn ngân sách. Nhưng nếu chúng ta không hành động, giá phải trả về mạng sống và sức khỏe con người sẽ rất lớn”, ông Renate Czarwinski nhấn mạnh.

Các nghiên cứu y học hạt nhân mới đây cho biết, cùng với sự gia tăng của việc lạm dụng phóng xạ trong y tế, tỷ lệ bệnh nhân ung thư liên quan đến việc chiếu chụp cũng sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới. Vì vậy, cần thuyết phục các bác sĩ chẩn đoán, các kỹ thuật viên chỉ chiếu chụp khi việc này thực sự có lợi cho người bệnh, đồng thời giúp các nhân viên y tế nâng cao khả năng chẩn đoán và chăm sóc bệnh nhân.

(Nguồn: vnexpress.net)

 
Trở lại     Đầu trang