Loãng xương: Câu hỏi thường gặp
1. Những ai sẽ bị loãng xương?
Tất cả chúng ta, đến lúc có tuổi (trên 65 tuổi) ai cũng bị loãng xương. Đây là hiện tượng loãng xương tiên phát còn gọi loãng xương người già hay loãng xương type II, một tất yếu của quá trình phát triển, lúc này các tế bào sinh xương (osteoblast) bị lão hóa, sự hấp thu calci ở ruột bị hạn chế và có sự suy giảm tất yếu các hormon sinh dục. Loãng xương tiên phát thường xuất hiện trễ, diễn biến chậm, tăng từ từ và ít có những biến chứng nặng nề như gãy xương hay lún xẹp các đốt sống.
Quá trình loãng xương sẽ xảy ra sớm hơn, tiến triển nhanh hơn, gây nhiều hậu quả nặng nề như gãy, xẹp đốt sống, gãy cổ xương đùi, gãy đầu dưới xương quay (xương cổ tay)... và được gọi là loãng xương thứ phát hay loãng xương type I khi có thêm các nguyên nhân:
Phụ nữ sau khi mãn kinh, hoạt động của buồng trứng ngưng lại, vì không có oestrogen nên các tế bào hủy xương tăng hoạt tính (oestrogen có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương). Khối lượng xương sẽ mất đi từ 2 - 4% mỗi năm trong suốt 10 đến 15 năm đầu sau mãn kinh.
Khối lượng xương của đa số phụ nữ 65 tuổi giảm từ 30 đến 50%, có người chỉ còn không tới 30% khối lượng xương. Chính vì vậy, ở phụ nữ tuổi 65 thường gặp các biến chứng nặng của loãng xương như gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi, gãy đầu dưới xương cẳng tay... hơn hẳn nam giới cùng tuổi.
Bất động quá lâu ngày do bệnh tật (chấn thương cột sống, phải bất động), do nghề nghiệp (những người du hành vũ trụ khi ở trong tàu vũ trụ đi ra ngoài không gian)... vì khi bất động lâu ngày các tế bào hủy xương tăng hoạt tính.
Bị các bệnh nội tiết: cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận, tiểu đường... và đặc biệt là suy giảm chức năng của các tuyến sinh dục (buồng trứng với nữ và tinh hoàn đối với nam). Bị bệnh suy thận mãn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây mất nhiều calci qua đường tiết niệu.
Mắc các bệnh xương khớp mãn tính khác đặc biệt là viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp.
Do sử dụng một số thuốc: chống động kinh (dihydan), thuốc chữa bệnh tiểu đường (insulin), thuốc chống đông (heparin) và đặc biệt là các thuốc kháng viêm nhóm corticosteroid (corticosteroid một mặt ức chế trực tiếp quá trình tạo xương, mặt khác làm giảm hấp thu calci ở ruột, tăng bài xuất calci ở thận và làm tăng quá trình hủy xương).
Bệnh loãng xương được ví như những tên ăn cắp vặt, mỗi ngày một chút, chúng lấy dần các khoáng chất quý báu trong ngân hàng xương của mỗi chúng ta. Lúc đầu, thường không có biểu hiện gì, nhưng khi có các dấu hiệu rõ ràng, khối lượng xương thường đã mất tới trên 1/3 (35%).
Hậu quả gãy xương do loãng xương thường khá nặng nề với sức khỏe người có tuổi vì xương đã bị loãng rất lâu liền, người bệnh phải nằm lâu ngày nên rất dễ bị bội nhiễm (viêm phổi, viêm đường tiết niệu, loét mục...).
Điều trị loãng xương thường khá tốn kém, đặc biệt khi đã có các biến chứng nặng nề như gãy xương, gãy lún cột sống... Hiệu quả nhất, kinh tế nhất là phòng bệnh, phòng bệnh từ khi còn nhỏ, từ khi còn trẻ, từ các thế hệ trước... để khối lượng khoáng chất đỉnh của bộ xương đạt con số cao nhất lúc tuổi trưởng thành, đồng thời duy trì một nếp sống và sinh hoạt lành mạnh, giảm tối đa các yếu tố nguy cơ của bệnh.
2. Hậu quả của bệnh loãng xương
Gãy xương khi bị những chấn thương nhẹ là hậu quả cuối cùng của bệnh loãng xương. Gãy xương do loãng xương thường gặp ở các vị trí chịu lực của cơ thể như cột sống, thắt lưng và cổ xương đùi.
Với người có tuổi, thường có nhiều bệnh lý của tuổi tác đi kèm như tim mạch, huyết áp, tiểu đường... và đặc biệt với tình trạng loãng xương nặng (thiếu chất khoáng và protein của xương) thì việc liền xương thường rất khó khăn, đa số người bệnh phải nằm tại chỗ nhiều ngày, thậm chí phải nằm điều trị dài ngày trong bệnh viện.
Việc nằm tại chỗ dài ngày khi gãy xương không những làm tình trạng loãng xương càng nặng lên mà còn kéo theo nhiều nguy cơ rất bất lợi cho sức khỏe người có tuổi như bội nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, loét mục ở các điểm tỳ đè...
Đây cũng là một nguyên nhân chính gây tàn phế và giảm tuổi thọ cho người có tuổi (theo thống kê ở các nước phát triển có đến 20% người có tuổi bị gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đầu vì các biến chứng do nằm lâu nêu trên).
3. Khi bị loãng xương có chữa được không?
Bệnh loãng xương có thể được cải thiện nhờ một chế độ ăn uống sinh hoạt và thuốc men hợp lý. Các nghiên cứu theo dõi dài hạn cho thấy việc điều trị đã làm tăng được khối lượng khoáng chất của xương, giảm đau đớn, phòng ngừa được gãy xương, giảm các nguy cơ gãy xương... cải thiện chất lượng cuộc sống cho người có tuổi.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt:
Cần duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng, hợp lý phù hợp với nhu cầu của cơ thể trong từng giai đoạn, từng lứa tuổi, từng thói quen sinh hoạt.
Theo các nghiên cứu gần đây của Trung tâm dinh dưỡng T.p Hồ Chí Minh, chế độ ăn của dân ta nói chung rất thiếu calci. Sữa và các sản phẩm từ sữa (bơ, phomat..) giàu calci chỉ chiếm một vị trí rất khiêm nhường trong khẩu phần ăn của đa số dân ta và con số ít ỏi này cũng chỉ tập trung ở một số thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ở người có tuổi cần đặc biệt quan tâm đến các thành phần khoáng chất (đặc biệt là calci) và protid trong khẩu phần ăn vì ở người có tuổi khả năng ăn uống và hấp thu các chất dinh dưỡng và khoáng chất đều bị hạn chế. Chính vì vậy sữa là một loại thức ăn lý tưởng để cung cấp cả calci và protid cho người có tuổi. Lượng sữa cần thiết mỗi ngày từ 500 đến 1.000 ml (có thể là sữa tươi, sữa chua hoặc sữa pha từ sữa bột).
Cần duy trì một chế độ sinh hoạt đa dạng, năng động: vận động thể lực đều đặn, vừa sức, tăng cường các hoạt động thể lực ở ngoài trời. Việc vận động thường xuyên vừa có ích cho toàn cơ thể (hệ tim mạch, hệ hô hấp, hệ thống tiêu hóa...) vừa tác dụng tốt trực tiếp cho hệ thống xương cơ khớp, chống thoái hóa và chống loãng xương (do tăng cường hoạt động của tế bào sinh xương, tăng cường hấp thu calci và protid).
Đối với người lớn tuổi cần hết sức tránh bị té ngã vì khi xương đã bị loãng, gãy xương sẽ rất dễ xảy ra, khi gãy lại rất khó liền. Việc bất động để điều trị gãy xương không những làm cho loãng xương nặng thêm mà còn là nguy cơ của nhiều bệnh lý do nằm lâu khác.
Chế độ thuốc men:
Thuốc giảm đau chỉ dùng khi cần thiết, tùy mức độ có thể dùng các thuốc giảm đau đơn thuần (Paracetamol, Idarac...) hay dùng Calcitonine thuốc vừa có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương vừa có tác dụng giảm đau do hiện tượng loãng xương. Tránh dùng các thuốc kháng viêm giảm đau đặc biệt nhóm thuốc kháng viêm chứa Corticosteroides.
Cung cấp calci theo nhu cầu của cơ thể ở từng lứa tuổi, từng trạng thái cơ thể... để bổ sung cho những thiếu hụt mà khẩu phần ăn hàng ngày chưa đáp ứng đủ (ở người có tuổi, nhu cầu về calci tăng mà khả năng hấp thu calci ở ruột lại bị giảm sút, ở phụ nữ có thai, cho con bú, sau mãn kinh... nhu cầu calci đều tăng).
Cung cấp vitamin D hoặc chất chuyển hóa của vitamin D (Calcitriol - Rocaltrol) để tăng cường khả năng hấp thu và sử dụng calci của cơ thể.
Dùng các thuốc để ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương: Liệu pháp hormon thay thế (hormon sinh dục nữ cho phụ nữ sau mãn kinh), Calcitonine... theo chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.
Dùng các thuốc để kích thích hoạt động của các tế bào sinh xương: Các chất làm tăng đồng hóa (Durabolin, Deca-Durabolin), hormon sinh dục nam (cho nam giới nếu có thiếu hụt cần bổ sung), muối Fluoride... theo chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.
Để có kết quả, việc điều trị loãng xương cần toàn diện, liên tục và lâu dài. Thời gian điều trị bệnh loãng xương phải được tính bằng năm chứ không tính được bằng tháng (để đánh giá kết quả điều trị, thường phải sau 2 năm) nên chi phí thường quá cao so với mức sống hiện nay của đa số nhân dân lao động. Chính vì vậy việc phòng ngừa bệnh có ý nghĩa rất lớn, cả về mặt hiệu quả và kinh tế.
4. Có cách gì để phòng ngừa bệnh loãng xương?
Việc đầu tiên và quan trọng nhất là bảo đảm khối lượng khoáng chất đỉnh cuả bộ xương cao nhất lúc trưởng thành bằng cách:
Bảo đảm một chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho các bà mẹ khi mang thai (để em bé có bộ xương “vốn liếng” tốt nhất), khi cho con bú (để đủ calci cho sự phát triển của bộ xương ngay từ đầu).
Bảo đảm chế độ dinh dưỡng và vận động cho trẻ em để đạt mức phát triển cơ thể tốt nhất.
Duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, một nếp sống lành mạnh, năng động, kết hợp hài hòa giữa công việc hàng ngày, hoạt động thể lực, giải trí... ngay từ khi còn nhỏ, ngay từ khi còn trẻ, tránh các thói quen gây ảnh hưởng xấu tới chuyển hóa calci như: uống nhiều rượu, bia, cafe, hút thuốc, ăn kiêng quá mức, thụ động, ít vận động thể lực...
Từ tuổi 40, hoạt động của các tế bào hủy xương bắt đầu trội hơn các tế bào sinh xương vì vậy chúng ta nên tính toán cụ thể và bổ xung đủ lượng calci cần thiết bằng chế độ ăn uống hàng ngày và tăng cường các hoạt động thể lực ngoài trời.
Phát hiện và điều trị các bệnh kèm theo. Điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ các thuốc điều trị.
Nếu cần sử dụng lâu dài các thuốc chống co giật (Phenyltoin, Barbiturate...), bổ sung thêm vitamin D vì các thuốc này ảnh hưởng đến chuyển hoá của vitamin D.
Nếu cần sử dụng lâu dài Corticosteroid, bổ xung thêm calci, vitamin D và chất kích thích tạo xương vì Corticosteroid vừa ức chế trực tiếp sự tạo xương, vừa giảm hấp thu vitamin D, vừa tăng thải calci qua nước tiểu.
Ở phụ nữ mãn kinh một mặt tăng cường bổ xung calci, vitamin D, khuyến khích hoạt động thể lực và tập luyện ngoài trời, khuyến khích tham gia công tác và giao tiếp xã hội, mặt khác động viên và hường dẫn chị em áp dụng Liệu pháp hormon thay thế nếu có chỉ định và có điều kiện (điều kiện theo dõi, điều kiện kinh tế).
Tốc độ mất xương sẽ cao nhất sau mãn kinh từ 5 đến 7 năm, vì vậy Liệu pháp hormon thay thế rất cần được áp dụng sớm để ngăn ngừa loãng xương sau mãn kinh. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất, mang lại hậu quả nặng nề nhất cho nhiều phụ nữ lớn tuổi.
5. Làm thế nào để biết điều trị có hiệu quả?
Bệnh loãng xương cần được điều trị toàn diện, liên tục và lâu dài. Có thể đánh giá kết quả điều trị cần dựa vào triệu trứng lâm sàng và sự cải thiện về tỷ lệ khoáng chất (BMD) và khối lượng bộ xương (BMC) so với trước khi điều trị:
Về mặt Lâm sàng:
Người bệnh bớt đau nhức.
Tăng khả năng vận động.
Giảm tỷ lệ bị gẫy xương (cổ xương đùi, cổ tay, xương sườn và cột sống).
Tăng tỷ lệ khoáng chất của xương: có thể được đo bằng các phương pháp:
CT scan (chụp cắt lớp điện toán), MRI (chụp Cộng hưởng từ hạt nhân) hệ thống xương để đánh giá mức độ loãng xương trước và sau một thời gian điều trị.
DEXA (quét và đo độ hấp thu Proton của xương) để theo dõi sự cải thiện của Tỷ lệ khoáng chất (BMD) và Khối lượng xương (BMC) sau một thời gian điều trị.
6. Bổ sung calci vẫn có thể bị loãng xương, vì sao?
Bổ sung calci là điều cần thiết để người phụ nữ giữ gìn sức khỏe, vẻ đẹp. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng calci chỉ có thể được cơ thể hấp thụ tối đa và hoàn thành được nhiệm vụ tái tạo xương, giảm nguy cơ mất xương và phòng ngừa loãng xương khi có sự hiện diện của vitamin D – loại sinh tố được mệnh danh là “vitamin mặt trời”.
Nếu được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất này sẽ có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa một số bệnh về xương như biến dạng xương, giòn, còi, nhuyễn hay loãng xương. Trên thực tế, có đến 50% phụ nữ sau tuổi 30 bị thiếu hụt calci và vitamin D.
Vitamin D và bệnh loãng xương
Vitamin D thường được xem là vitamin “trời cho” vì loại sinh tố đặc biệt này được cơ thể tổng hợp qua da nhờ tác động của ánh nắng mặt trời. Chính bởi vậy, nhiều chuyên gia y khoa và dinh dưỡng cho rằng vitamin D vừa là một loại sinh tố, lại vừa là một hormone.
Khoảng 90-95% vitamin D trong cơ thể con người được hình thành từ quá trình tổng hợp dưới sự tác động của ánh nắng mặt trời và chỉ khoảng 5-10% là do nguồn thực phẩm. Vitamin D hiện diện rất ít trong thực phẩm (chủ yếu có trong các loại cá giàu chất dầu như: cá hồi, cá tuyết, cá thu, cá trích…, trong một số loại nấm và rau có màu xanh đậm…).
Mặc dù chức năng chính của vitamin D không phải là bảo vệ xương, chống các loại bệnh về xương nhưng sinh tố này (khi được kết hợp với hormone tuyến cận giáp) có thể làm cho tỷ trọng canxi trong máu của con người ổn định.
Việc thiếu hụt calci và vitamin D thường gây ra những rối loạn xương, đặc biệt là chứng loãng xương và nhuyễn xương ở phụ nữ. Hơn thế, vitamin D còn được coi là một loại hormone, có mặt hầu hết các tế bào. Do đó, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới các bệnh về xương khớp, vitamin D còn ảnh hưởng đến hàng loạt các chứng bệnh thời hiện đại khác, bao gồm cả các bệnh về tim mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, các bệnh truyền nhiễm, viêm nhiễm, nhiễm trùng hay bệnh lao phổi…
Phòng thiếu hụt vitamin D
Vì vitamin D được sản xuất từ ánh nắng mặt trời, người ta thường lầm tưởng rằng ở những nước nhiệt đới (như Việt Nam) thì không có vấn đề thiếu vitamin D. Nhưng sự thật thì ngược lại: một tỉ lệ lớn dân số trên thế giới, kể cả các nước nhiệt đới, thiếu vitamin D. Tại Thái Lan và Malayxia, tỷ lệ thiếu hụt cũng là 50% dân số. Còn ở Nhật Bản - đất nước mặt trời mọc - tỉ lệ thiếu vitamin D có thời kỳ lên đến 80-90%!
Việt Nam hiện chưa có một nghiên cứu nào đánh giá về tình trạng thiếu vitamin D trong cộng đồng. Tuy nhiên, với cách “giữ gìn nhan sắc” phổ biến của nhiều chị em phụ nữ hiện nay là… tránh nắng bằng cách sống và làm việc trong những văn phòng kín mít, di chuyển bằng ôtô, dùng áo chống nắng kín mít, kem chống nắng... thì tỉ lệ thiếu hụt vitamin D (đi cùng tình trạng thiếu calci) rất có thể xảy ra.
Chưa kể, phụ nữ Việt Nam có rất ít thời gian chăm sóc sức khoẻ cho bản thân. Bữa ăn vội vàng hàng ngày để kịp công việc bận rộn dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là Calci và Vitamin D.
Cách tốt nhất, theo các chuyên gia y tế, là phụ nữ từ 35-50 tuổi cần phải phòng ngừa loãng xương bằng cách: Đi kiểm tra mật độ xương định kỳ 3-6 tháng/lần, có chế độ năng vận động, tập luyện ngoài trời và dùng các chế phẩm bổ sung hàng ngày để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể.
Trong trường hợp không thể áp dụng các phương pháp tổng hợp vitamin D tự nhiên, bạn cần lựa chọn các sản phẩm bổ sung cả calci và vitamin D hơn là chỉ bổ sung calci đơn thuần để đảm bảo khả năng hấp thụ của cơ thể.
7. Vì sao nữ hay bị loãng xương hơn nam?
Lý do dẫn tới hiện tượng này chính là sự khác biệt về đặc điểm giải phẫu và sinh lý của hai giới. Đó là một phần quan trọng trong bản báo cáo “Mãn kinh, liệu pháp hoóc môn thay thế và loãng xương” do Tiến sĩ Takeshi Aso, Đại học Y - Nha khoa Tokyo (Nhật), trình bày.
Theo Tiến sĩ Takeshi Aso, 3 nguyên nhân chính khiến nữ dễ bị loãng xương hơn nam là:
- Nam giới có khối lượng xương lớn hơn nữ giới. Vì vậy, khi mất cùng một lượng xương, nữ sẽ chóng bị loãng xương hơn nam.
- Nam giới có nhiều cơ hơn, mà các cơ này lại đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa xương. Chúng tạo ra áp lực liên tục lên hệ xương, giúp kích thích quá trình tạo xương.
- Vào tuổi xế chiều, nồng độ testosterone (hoóc môn giúp củng cố hệ xương) trong huyết thanh ở nam giới chỉ giảm từ từ chứ không nhanh như nữ giới.
(Tổng hợp từ: Bạn cần biết về loãng xương)
- Bệnh loãng xương - những điều nên biết (1)
- Ngủ trưa: bao nhiêu phút thì “vừa”?
- Trái Sung chữa tan Sỏi Mật, điều ít ai biết
- 10 triệu chứng chớ nên phớt lờ
- Sự kỳ diệu của quả bơ
- Vài điều thú vị về quả dưa leo
- Xoa bóp bàn chân có lợi cho sức khỏe
- Thức uống ngừa bệnh
- Cảnh báo hiểm họa từ chụp X quang, tia phóng xạ
- Hột đu đủ trị gai cột sống
- 5 thói quen có hại cho sức khỏe
- Tác dụng chữa bệnh của hành tây
- Thực phẩm và Hạt phóng xạ
- Bệnh ung thư
- Chánh niệm trị liệu