Nhiều người từ khắp nơi nước Nhật đã tới tham dự những tuần lễ ẩn dật để học thiền, do Thiền sư Bankei (盤珪永琢,1622-1693) tổ chức.
Trong một buổi họp, một người đàn ông bị bắt quả tang ăn cắp. Thiền sư Bankei được báo cáo về việc đó kèm theo lời yêu cầu là kẻ phạm tội phải bị trục xuất. Nhưng Bankei đã bỏ lơ báo cáo này.
Sau đó người này lại bị bắt quả tang ăn cắp như vậy nữa, và Thầy Bankei lại vẫn không đả động gì. Việc này làm cho các học trò khác bất bình, họ cùng nhau làm thư thỉnh nguyện xin trục xuất người ăn cắp, và dọa nếu không họ sẽ bỏ đi.
Sau khi Thầy Bankei đọc thư thỉnh nguyện, thầy gọi mọi người đến gặp mặt.
“Các ông toàn là những người khôn ngoan”, Thầy nói với họ. “Các ông biết thế nào là phải thế nào là trái. Các ông có thể đi chỗ khác để học nếu các ông muốn, nhưng cái anh chàng khốn khổ này lại không biết thế nào là phải hay quấy. Ai sẽ là người dạy bảo cho anh ta nếu ta không làm điều đó? Ta sẽ giữ anh ta lại cho dù tất cả các ông bỏ đi.”
Ngay khi đó, những giọt nước mắt hối hận chan hòa chảy dàn dụa trên mặt của anh ăn cắp. Tất cả các thúc đẩy đòi hỏi để ăn cắp đã tan biến mất.
Câu chuyện xảy ra tại một trường học thiền, trong một khoá thiền định, cho nên ta phải hiểu thiền là gì. Vì lý do này mà ta tiến thật sâu vào thiền định... nếu không, ta bị mất đi cái mục tiêu chính của câu chuyện. Những mẩu chuyện như thế này không phải là những câu chuyện thường tình, nó có một nền tảng. Trừ phi ta hiểu thiền là thế nào, ta sẽ đọc...
Thiền sư Bankei tổ chức những tuần lễ ẩn dật để học thiền. Nhiều người từ khắp nơi nước Nhật bản đã đến tham dự. Trong một buổi họp một người đàn ông bị bắt quả tang ăn cắp.
Những người học trò đó có ở khắp mọi nơi, vì con người là có chủ tâm tiền bạc. Đừng nghĩ rằng kẻ ăn cắp là khác biệt với những người bị ăn cắp; mọi người ở chung trên cùng một chiếc thuyền. Cả hai đều là có chủ tâm tiền bạc. Một người có tiền, người kia không có... đó là sự khác biệt độc nhất. Nhưng cả hai đều chú tâm vào tiền.
Thiền sư Bankei được báo cáo về sự việc đó kèm theo lời yêu cầu là kẻ phạm tội phải bị trục xuất. Nhưng ông Bankei đã bỏ lơ báo cáo này.
Tại sao thầy lại bỏ lơ chuyện đó đi? Vì cả hai bên đều để tâm vào tiền.
Cả hai phía đều là kẻ cắp. Kẻ ăn cắp này lấy tiền của kẻ ăn cắp khác, chỉ có vậy thôi. Trên thế gian này, nếu ta vơ vét được cái gì là ta đã thành kẻ cắp, nếu ta có được món gì ta đã là người ăn trộm rồi.
Có hai loại ăn trộm hay ăn cắp trên thế gian này, một là có giấy phép của chính phủ và ngược lại, loại không có giấy phép mà tự làm lấy.
Ăn cắp bất hợp pháp và ăn cắp hợp pháp. Những người hợp pháp thì được kính trọng; còn những người không hợp pháp thì đương nhiên không được kính trọng chỉ vì làm trái nguyên tắc.
Những người khéo léo không bao giờ làm trái ngược nguyên tắc, họ khám phá ra nhiều đường lối để ăn cắp bằng cách lòn lỏi qua những luật lệ. Nhưng có một số không được khéo léo như vậy. Khi nhận thấy nếu tuân hành đúng theo những nguyên tắc họ sẽ không bao giờ có được gì cả, nên họ quăng bỏ mọi luật lệ và bắt đầu làm những việc bất hợp pháp. Nhưng tập trung, mọi người ai cũng điên đảo vì tiền. Và đó là lý do tại sao thầy Bankei bỏ lơ chuyện kiện cáo.
Sau đó người này lại bị bắt quả tang ăn cắp như vậy nữa, và Thầy Bankei lại vẫn không đả động gì.
Thầy biết cả hai đều ở chung trên một chiếc thuyền; không có gì khác nhau. Ta sẽ phải ngạc nhiên khi biết một người thành công trong các hành vi phạm pháp, người ấy trở thành vị nể. Chỉ khi thất bại, họ mới trở thành kẻ phạm pháp. Những người ăn cướp thành công trở thành những vua chúa, và những ông hoàng thất bại trở thành những kẻ cướp. Vấn đề chỉ là: ai là người thành công. Nếu có quyền lực, ta trở thành một hoàng đế vĩ đại. Alexander là gì, là hoàng đế Alexander vĩ đại? Là một kẻ cướp vĩ đại? Nhưng ông ta đã thành công.
Những người gọi là chính trị gia phần lớn vì là thành công. Họ cố hủy diệt những kẻ ăn cướp khác. Họ có thể chống buôn lậu, chống phá rừng bất hợp pháp, hay chống lợi dụng các dự án của chính phủ, tài khoản chính trị hay gì thêm nữa. Họ có thể phản đối cái này hay cái nọ. Nhưng bên trong, họ lại là những kẻ buôn lậu lớn nhất, những kẻ cắp lớn nhất. Nhưng ít ra họ chứng tỏ là họ hành động một cách hợp pháp. Và họ đã thành công, có thể khi họ đang có quyền thế. Khi quyền thế mất hết, những mẩu chuyện thành công rực rỡ về họ rồi cũng sẽ biến đi. Khi quyền lực không còn bảo vệ được ta, tất cả mọi chuyện tốt xấu đều bị phô bầy. Khi biết một người làm thế nào để được giàu có, ta sẽ có thể không còn kính trọng người đó nữa. Thế nhưng nếu một người thật là giàu và có quyền thế, người đó có thể tìm mọi cách giữ cho người ta im lặng. Và vì mọi người có trí nhớ rất ít ỏi nên đương nhiên người ta sẽ quên đi. Và người đó mãi mãi là vĩ đại...
Đó là lý do tại sao Bankei bỏ lơ vấn đề ăn cắp đó. Thầy không để ý tới nhiều, thầy đã không có một mảy may để tâm vào. “Không sao cả, chuyện này là chuyện thường tình trên thế gian.” Chỉ người nào không chủ tâm đến tiền bạc mới bỏ qua chuyện đó.
Việc này làm cho các học trò khác bất bình, họ cùng làm thư thỉnh nguyện xin trục xuất người ăn cắp, và dọa nếu không họ sẽ bỏ đi.
Như thế có nghĩa là những người này không đến đây để học thiền gì cả. Nếu đến đây để học thiền, họ nên hiểu rõ một vài tiêu chuẩn như, không nghĩ tới tiền bạc, rời bỏ sự lệ thuộc vào những sở hữu riêng tư. Người nào đó lỡ lấy đi một vài đồng yen (tiền Nhật) đã không thành vấn đế, không là chuyện to lớn, không phải là chuyện sống chết. Là họ phải hiểu tâm trí hoạt động ra làm sao, là con người chú tâm về tiền bạc như thế nào.
Ta chống kẻ ăn trộm vì hắn lấy tiền của ta. Nhưng sao tiền đó lại là của ta? Ta đã phải lấy từ người khác bằng cách nào đó bởi vì không một ai mang tiền theo đến cái thế giới này, tất cả đều ra đời với bàn tay trắng. Tất cả những gì ta sở hữu, ta nhận là của riêng ta, nhưng không một cái gì thuộc về riêng ai cả. Nếu một người thực sự tới học thiền, đây sẽ phải là thái độ đúng của người đó, là không có gì là của riêng ai. Người đó bỏ bớt đi sự lệ thuộc vào vật dụng. Nhưng đám người này lại bận tâm vì tiền. Và khi tâm trí chỉ nghĩ tới tiền, thì đâu còn nghĩ được điều gì phải lẽ nữa.
Khi thấy Thầy Bankei không đả động gì tới anh ăn cắp, chắc họ phải nghĩ, “Ông Thầy này là loại gì đây? Ông ta có vẻ thiên vị anh ăn trộm.” Họ không thể hiểu tại sao thầy đã lơ là chuyện này. Ông Thầy làm lơ là chứng tỏ cho họ biết họ phải bỏ rơi cái tâm chủ tiền bạc đi. Đúng vậy, ăn cắp là xấu, nhưng tâm chủ tiền bạc cũng chẳng tốt chút nào.
Giờ đây họ không ở đó để học thiền nữa. Nếu thực sự họ tới để học thiền, cách đối phó với rắc rối này đúng ra phải hoàn toàn khác hẳn. Họ phải thông cảm hơn cho người ăn cắp này, thông cảm hơn cho lòng tham tiền của anh ta. Nếu họ là những người hành thiền thực sự, đúng ra họ phải gom góp thêm vào ít tiền và mang cho anh ta. “Anh làm ơn cầm số tiền này thay vì ăn cắp.” Đó mới đúng là dấu hiệu cho biết những người này tới đây là để học thiền, để được chuyển hoá. Nhưng bây giờ họ lại làm đơn thỉnh nguyện đòi hỏi phải đuổi kẻ ăn cắp. Không những thế, họ còn dọa là nếu anh ta không bị đuổi thì họ sẽ đồng loạt bỏ đi. Không ai có thể dọa dẫm một vị thầy như Bankei.
Có nhiều điều phải được thông hiểu. Khi Thầy nói, “Các ông là những người khôn ngoan,” ông ta chỉ nói đùa nhưng lại đánh cho họ thật đau. Thầy không nói họ là khôn ngoan đâu, mà chỉ đơn giản nói họ thật là ngu ngốc. Thế nhưng những người ngu ngốc lại tự cho là họ khôn ngoan. Thực sự khi nghĩ mình là khôn ngoan đã là một điều kiện căn bản của sự ngu ngốc rồi.
Người khôn ngoan không nghĩ mình là khôn ngoan.
Kẻ ngu ngốc lúc nào cũng cho mình là khôn ngoan.
Bây giờ tất cả đều là ngu ngốc hết. Họ không tới đó để sở hữu tiền, họ không tới đó để nhận tiền. Họ tới đó để học hỏi một cái gì tốt đẹp hơn hay cao cả hơn, nhưng họ lại quên hết những điều đó. Thực tế, kẻ ăn cắp này đã cho họ một cơ hội để nhìn thấy sự kiện đó. Nếu họ là những người hành thiền thật sự họ đã phải tới nói cám ơn anh ta, “Anh đã cho chúng tôi một cơ hội để nhìn thấy chúng tôi bám víu vào tiền bạc nhiều như thế nào. Anh đã làm phiền nhiễu chúng tôi biết bao nhiêu. Làm chúng tôi hoàn toàn quên hết cả sự thiền định.”
“Các ông biết thế nào là phải thế nào là trái. Các ông có thể đi chỗ khác để học nếu các ông muốn, nhưng cái anh chàng khốn khổ này lại không biết thế nào là phải hay quấy. Ai sẽ là người dạy bảo cho anh ta nếu ta không làm điều đó? Ta sẽ giữ anh ta lại cho dù tất cả các ông bỏ đi.”
Nhìn thấy điểm này không, cái ngược ngạo, cắc cớ ở đó. Hãy nhớ rằng, cái đúng của sự đúng lý không bao giờ thật đúng. Những người nghĩ họ là đúng hầu hết là những người ngu ngốc. Cuộc đời quá phức tạp và cuộc đời thật tinh tế khiến ta không thể quyết đoán một cách dễ dàng là ta đúng và người khác là sai. Thực sự, một người có một ít hiểu biết sẽ thấy họ không bao giờ rơi vào cái bẫy của sự đúng lý.
Họ bây giờ đang có trí tuệ bao la, họ nghĩ là họ biết. Nhưng họ không nhìn thấy lòng vị tha của thầy. Họ không nhìn thấy tâm thiền định của thầy. Thầy Bankei là một trong những thiền sư cao cả nhất trong phái Thiền (Zen). Họ không thấy ai đang đứng trước mặt họ, họ chống đối lại và đe dọa thầy.
Con người ta thật ngu ngốc, trải qua bao nhiêu thế hệ, họ đã làm đủ mọi điều ngu xuẩn. Và những chuyện ngu xuẩn nhất lại được làm mỗi khi có một bậc Giác ngộ nào hiện diện. Bởi vì ta không hiểu, không thể nhìn thấy ai đang đứng trước mặt ta. Ta cứ tiếp tục hành sử như một đứa bé thơ dại hay một đứa trẻ con; cứ tiếp tục nói chuyện vô nghĩa.
Cho nên Thầy Bankei đã nói: “Vậy các ông cứ đi đi, dù cho tất cả các ông có bỏ đi hết tôi cũng sẽ giữ anh này ở lại đây.”
Người nào cho họ là đúng, đôi khi lại khó dạy bảo hơn người nghĩ là họ sai lầm. Dạy bảo một kẻ có tội dễ hơn là dạy một người thánh thiện.
Dạy một người mà thâm tâm người đó nghĩ là mình đang làm chuyện sai lầm thật là dễ, bởi vì người đó sẵn sàng học hỏi thêm. Tự họ họ muốn dứt bỏ sự sai lầm này.
Người mà cho là “Tôi đang làm đúng” là không muốn từ bỏ tình trạng này, người đó hoàn toàn yên vui trong tình trạng đó. Không thế thay đổi người đó được.
(Kim Morris dịch dựa theo bài viết của Achema – Malaysia – 2009)