loading
Chia sẻ
Chuyện kể của một con chó


Chuyện kể của một con chó

(A Dog’s Tale by Mark Twain, bản dịch của Kiều My)


“Điều này vượt xa bản năng. Đấy là sự tư duy, mà nhiều con người được may mắn sinh ra trên thế gian này lại thiếu thốn”

 

Chương 1

Cha tôi thuộc giống St Bernard, còn mẹ tôi thuộc loài Collie, nhưng tôi thì lại là một chú Presbyterian. Đấy là theo như lời mẹ tôi, chứ tôi chẳng phân biệt được những sự khác biệt tinh tế như thế. Với tôi thì đấy chỉ là một mớ những từ ngữ to tát vô nghĩa mà thôi. Mẹ tôi thì lại thích những từ ngữ ấy lắm; mẹ tôi thích sủa những từ ấy để thấy những con chó khác kinh ngạc vì ghen tỵ khi chúng phải ngạc nhiên rằng sao mẹ tôi lại biết nhiều đến thế. Nhưng thật ra thì đấy nào có phải là sự học hành nghiêm chỉnh gì đâu; đấy chỉ là sự khuếch trương mà thôi: mẹ tôi thường nghe lỏm được những từ này từ các phòng đọc sách hay từ phòng ăn khi mọi người tụ họp, hoặc cũng có khi là những dịp mẹ tôi được đi theo lũ trẻ con đến lớp học giáo lý ngày Chủ Nhật; và mỗi khi mẹ tôi nghe được một từ thật to tát thì mẹ tôi cứ lặp đi lặp lại thật nhiều lần để chờ đến dịp có những cuộc tụ họp của lũ chó con trong làng thì mẹ tha hồ đem ra khoe, làm cho cả lũ chúng phải kinh ngạc, kể từ chú chó bông nhỏ cho đến những con chó Mastiff oai vệ, và điều ấy làm cho mẹ tôi thật là hài lòng.

Nếu tình cờ khi ấy có một con chó lạ ở gần thì thể nào cậu ta cũng sẽ nghi ngờ, và nếu cậu ta có đủ dũng cảm thì chắc chắn cậu ta sẽ hỏi mẹ xem những từ ngữ ấy có nghĩa là thế nào. Và bao giờ mẹ cũng trả lời những cậu chàng. Những anh chàng này thường không bao giờ chuẩn bị cho sự thể như thế mà luôn chắc mẩm sẽ bắt nọn được mẹ tôi, thế nên khi bị mẹ tôi dạy cho một bài thì các cậu chàng luôn bị tẽn tò, thay vì kẻ bị tẽn tò phải là mẹ tôi. Những con chó khác thì chỉ chờ có vậy, và chúng hoan hỷ khi sự việc diễn ra đúng như mong đợi, và chúng lấy làm tự hào vì mẹ tôi lắm.

Chúng đã được chứng kiến nhiều lần những cảnh tương tự. Mỗi khi mẹ tôi dạy cho chúng một từ mới thật to tát thì chúng thường bị choáng ngợp vì sự khâm phục đến nỗi chúng chả bao giờ ngờ vực mảy may những gì được học; kể ra cũng rất dễ hiểu thôi, vì lẽ mẹ tôi bao giờ cũng trả lời chúng một cách thật là trôi chảy, cứ như thế đọc từ trong sách ra vậy. Vả chăng, chúng đâu có cách nào để kiểm tra xem những điều mẹ tôi nói có đúng hay không? Trong tất cả lũ chó chúng tôi, chỉ có một mình mẹ tôi là con chó được nuôi.

Dần dần, một bữa tôi đã lớn hơn, mẹ tôi mang về nhà một từ mới học được, đó là từ “phi-tri thức” (unintellectual), và mẹ tôi đọc đi đọc lại từ ấy trong tất cả những cuộc họp mặt của chúng tôi, gây ra bao nhiêu sự bực bội và tuyệt vọng. Cũng vào lúc ấy, tôi thấy trong tám lần họp mặt khác nhau của chúng tôi, thì mỗi lần mẹ lại đưa ra một lời giải thích mới mẻ cho cụm từ ấy, chứng tỏ cho tôi thấy mẹ tôi có nhiều chữ nghĩa hơn là văn hoá, nhưng tất nhiên là tôi chẳng nói gì.

Mẹ tôi có một chữ luôn thủ sẵn sàng trong tay như một thứ bảo bối để cứu nguy khi cần thiết, đấy là chữ “từ đồng nghĩa với” (synonymous). Chẳng hạn như khi mẹ tôi buột miệng lỡ lời để nhắc đến một chữ mà mẹ đã bỏ quên nhiều ngày trước một kẻ lạ mặt thì mẹ có thể làm cho anh ta choáng váng một vài phút; và khi anh ta có đủ can đảm ngắt lời mẹ tôi, yêu cầu mẹ tôi giải thích chữ ấy, thì tôi (kẻ duy nhất trong cuộc) có thể nhìn thấy ngực mẹ tôi run run – nhưng chỉ là một chút thoảng qua thôi nhé – rồi nó lại ưỡn ra ngay lập tức đầy kiêu hãnh và mẹ tôi sẽ bình tĩnh như vậy mà trả lời, “à, chữ ấy đồng nghĩa với chữ “nghĩa vụ”, hay đại loại một từ dài rắm rối như mạng nhện nào khác, rồi thản nhiên chuyển đề tài sang chuyện khác khiến cho kẻ lạ mặt kia phải vô cùng xấu hổ và nhục nhã, thế là cùng một lúc hàng trăm cái đuôi đồng loạt quẫy mạnh xuống sàn trong khi những khuôn mặt bừng sáng sung sướng.

Và sự thể cũng tương tự như với những câu văn vậy thôi. Mẹ tôi có thể vác về nhà một câu văn hào nhoáng nào đó nếu nó có tiếng kêu thật vang dội, và sẵn sàng nhai đi nhai lại hàng đêm, cũng như mỗi lần mẹ lại giải thích nó khác đi một chút – ví đó là cách duy nhất mẹ có thể làm, vì thực ra mẹ tôi chỉ quan tâm đến tiếng kêu loảng xoảng của nó mà thôi, mẹ tôi chả mấy quan tâm đến thực chất ý nghĩa của chữ đó là gì, và mẹ tôi cũng thừa biết rằng lũ chó còn lại không thể đủ tài để bắt bẻ mẹ tôi.

Vâng, mẹ tôi quả là rất đặc biệt! Mẹ tôi chả biết sợ cái gì, và mẹ tôi có một niềm tự tin vững vàng cũng chính nhờ sự dốt nát của mình. Mẹ tôi thậm chí còn nghe lỏm cả những chuyện tiếu lâm mà gia đình ông chủ và đám khách khứa tào lao trong phòng khách. Và thông thường, mẹ tôi lẫn lộn điểm cao trào của một chuyên tiếu lâm này sang một chuyện khác, và đương nhiên là nó chẳng ăn nhập gì cả; rồi khi mẹ tôi kể chuyện ấy ra thì mẹ tôi ngã lăn ra cười và sủa ầm ỹ rất vô nghĩa, trong khi tôi nhận ra là mẹ tôi đang tự hỏi không hiểu vì sao mà chuyện mẹ kể lại không còn chi  hài hước như khi mẹ tôi mới nghe nó lần đầu nữa. Nhưng cũng chẳng có gì là trầm trọng chuyện ấy cả; những chú chó khác cũng bò lăn  lộn ra mà cười, vì trong lòng chúng thầm cảm thấy xấu hổ vì không hiểu được điểm hài hước của câu chuyện, chúng chẳng hề nghi ngờ rằng thực ra lỗi lầm không thuộc về chúng, và chả có lỗi nào để chúng moi móc ra cả.

Lúc này chắc hẳn bạn đọc phải cho rằng mẹ tôi là một kẻ ngông cuồng và điên khùng; ấy thế nhưng mẹ tôi vẫn có rất nhiều ưu điểm quí giá, mà tôi cho là đủ để bù trừ cho những nhược điểm kia. Mẹ tôi có một trái tim thật nhân hậu, và chả bao giờ biết oán giận. Mẹ quên đi thật dễ dàng những điều đã làm mẹ tổn thương; và mẹ cũng dạy cho lũ con của mẹ cũng biết sống nhân hậu như thế. Cũng từ mẹ mà chúng tôi học được lòng dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với thử thách chứ không bao giờ chịu bỏ chạy. Mẹ dạy cho chúng tôi biết đối mặt với sự nguy hiểm đang đe dọa dù là bạn bè chúng tôi, hay là người xa lạ, dạy cho chúng tôi bằng giá nào cũng phải giúp đỡ nhưng kẻ khốn khó hết lòng. Hơn nữa, mẹ không chỉ dạy lũ chúng tôi bằng lời nói mà bằng cả hành động. Và đó chính là cách dạy dỗ hiệu quả nhất mà chúng tôi chẳng thể nào quên. Vâng, sao mà quên được kia chứ, những hành động dũng cảm của mẹ tôi, mẹ tôi là một chiến sỹ thật sự đấy nhé, và mẹ thật khiêm nhường về tất cả những điều ấy. Chúng tôi không thể nào không khâm phục và không bắt chước như mẹ. Kể cả một chú chó King Charles spaniel cũng không đáng khâm phục hơn đâu. Bạn thấy đấy, ngoại trừ vấn đề chữ nghĩa bằng cấp thì mẹ tôi có điều gì đó đáng quí trọng hơn rất nhiều.

 

Chương 2

Khi tôi lớn lên thì người ta đem bán tôi và tôi chẳng bao giờ được gặp lại mẹ tôi. Bữa ấy mẹ tôi đau đớn lắm, và cả tôi nữa, hai chúng tôi cùng khóc; nhưng mẹ đã hết sức dỗ dành an ủi tôi và bảo tôi rằng chúng tôi được sinh ra đời vì một lẽ tốt đẹp và khôn ngoan và rằng chúng tôi phải biết tuân thủ thực hiện những nghĩa vụ của mình mà không kêu ca phàn nàn, chấp nhận cuộc sống mình được ban cho, sống hết mình cho kẻ khác và đừng bao giờ  để ý đến kết quả những việc mình làm, vì điều đó không phải là phần việc của chúng tôi.

Mẹ dạy tôi rằng, những người nào biết sống theo lẽ đó sẽ được ban thưởng thật tốt đẹp cho đời sống ở một thế giới khác, và dù cho loài vật chúng tôi sẽ chẳng được theo con người sang thế giới bên ấy, nếu chúng tôi biết sống cho xứng đáng thì đời sống ngắn ngủi của chúng tôi ở thế giới này cũng đã rất có ý nghĩa, chỉ riêng điều ấy thôi cũng đem lại  ý nghĩa cho đời sống ngắn ngủi của chúng tôi và đó chính là phần thưởng rồi.

Đấy là những điều mẹ tôi thu lượm được khi mẹ đi theo lũ trẻ con đến dự lớp giáo lý ngày Chủ Nhật, và những điều này thì mẹ tôi ráng sức để ghi nhớ nhiều hơn là những bài học khác; và thực là mẹ đã học kỹ càng bài ấy, cho chính bản thân mẹ và cho chúng tôi, những đứa con của mẹ. Và điều này chứng tỏ mẹ tôi thật khôn ngoan và sâu sắc, mặc dù có những lúc mẹ tôi bốc đồng và hơi khoác lác. Và thế là chúng tôi phải nói lời chia tay. Mẹ và tôi nhìn nhau qua hàng nước mắt; lời sau cùng mẹ nói với tôi – mẹ cố để dành đến lúc sau cùng mới nói để mong tôi ghi nhớ, tôi nghĩ vậy:

“Vì tình yêu mẹ, mỗi khi con nhìn thấy một kẻ khác gặp sự khốn cùng, con chớ có nghĩ đến bản thân mình mà hãy nhớ đến mẹ. Hãy hành động như con đã từng thấy mẹ làm”.

Ôi, bạn có nghĩ rằng tôi có thể quên được lời mẹ dặn ư? Không đời nào!

 

Chương 3

A, đó là một căn nhà tuyệt đẹp, căn nhà mới của tôi ấy mà! Một căn nhà tuyệt vời, đầy tranh ảnh và những trang trí sang trọng, đồ đạc đắt tiền, và không có nơi nào tối tăm cả. Mọi nơi đều tràn ngập ánh sáng với màu sắc dịu dàng, ngoài sân rộng thênh thang và khu vườn thì tuyệt diệu – hãy nhìn xem bãi cỏ xanh rờn, cây cối xum xuê và hoa lá sặc sỡ, không lời nào tả xiết. Mọi người đều coi tôi như người trong nhà, âu yếm tôi, không bắt tôi mang tên mới mà vẫn gọi tôi bằng tên cũ là cái tên tôi yêu quí vô cùng vì đó là tên mẹ tôi đặt cho tôi – Aileen Mavourneen. Mẹ tôi nghe được tên này từ một bài hát; và gia chủ tôi là ông bà Grays biết bài hát ấy, nên họ cũng cho rằng đó là một cái tên thật đẹp.

Bà Grays trạc ba mươi tuổi, thật là duyên dáng, dễ thương, bạn không thể hình dung được hết. Sadie lên mười tuổi, và cũng xinh đẹp giống mẹ cô bé, chỉ là bé hơn nhiều mà thôi. Cô bé có mái tóc hung đỏ tết chặt tới lưng và luôn mang một chiếc váy xoè ngắn; còn có một em bé mới lên một tuổi, mũm mĩm với má lúm đồng tiền. Em bé cũng thích tôi, và suốt ngày theo túm đuôi tôi, rồi lại ôm lấy tôi cười ròn tan một cách thật ngây thơ. Ông Grays khoảng ba mươi tám tuổi, người cao dong dỏng trông rất đẹp tuy hơi hói một chút trước trán, luôn luôn tinh nhanh, rất quyết đoán. Ông có vẻ là một người không bao giờ bị chi phối vì tình cảm, và khuôn mặt cứng cỏi, rắn rỏi như thể được mài bằng dũa sắt của ông dường như phát ra những tia sáng trí tuệ lạnh như thép vậy!

Ông Grays là một khoa học gia rất nổi tiếng. Tôi không hiểu nhà khoa học nghĩa là gì, nhưng tôi nhớ mẹ tôi biết cách gây ấn tượng như thế nào với chữ ấy. Mẹ tôi biết cách làm cho một chú rat-terier phải bực bội vì chữ ấy, và làm cho một con chó đua xe xấu hổ vì chả biết chữ ấy là gì. Nhưng đấy chưa phải là chữ hay nhất mẹ tôi biết; chữ hay nhất phải kể là chữ Laboratory (phòng thí nghiệm). Bằng chữ ấy thì mẹ tôi có thể làm cho cả một bầy chó phải phát rồ vì không hiểu được.

Phòng thí nghiệm không phải là một quyển sách, hay một bức tranh, hay là một chỗ để rửa tay. À, một chú chó reo lên, chỗ để rửa tay gọi là Lavatory (bồn rửa mặt) kia! Không, phòng thí nghiệm không phải là cái bồn rửa mặt; phòng thì nghiệm rất khác thường; nó chứa đầy các chai lọ,  có điện và những máy móc kỳ lạ; và mỗi tuần những nhà khoa học lại tụ họp ở đấy, sử dụng những thứ máy móc ấy, bàn bạc và thực hiện cái họ gọi là “cuộc thí nghiệm và phát minh”; và tôi cũng thường mon men đến đấy, quanh quẩn bên họ, nghe lỏm đôi chút để cố gắng học, vì tình yêu mẹ mà theo gương của mẹ tôi. Mặc dù đôi khi tôi thấy thật đau lòng khi nghĩ rằng mẹ tôi đang dần lìa xa thế giới này, còn tôi thì chẳng thu lượm được điều gì hữu ích cả; vì dù có cố gắng đến đâu chăng nữa, tôi cũng chả bao giờ hiểu được điều gì.

Những lần khác thì tôi nằm ngủ trong phòng bà chủ tôi, và bà ấy gác chân một cách thật nhẹ nhàng lên tôi, biết là tôi thích như vậy lắm vì đối với tôi đấy là một cử chỉ âu yếm. Đôi khi thì tôi lại lang thang cả tiếng đồng hồ trong vườn ươm cây, lăn lộn khắp nơi cảm thấy vô cùng sung sướng. Rồi cũng có khi tôi canh chừng bên nôi em bé, trông cho em ngủ để cô bảo mẫu đi ra ngoài lo những việc khác cho bé. Tôi cũng thường chạy vòng quanh sân và khu vườn cùng Sadie cho đến khi cả hai chúng tôi cùng mệt thỉu. Sau đó tôi thường lăn ra ngủ dưới bóng cây trong khi Sadie ngồi đọc sách. Cũng có lần tôi được đi thăm những con chó bên hàng xóm; không xa lắm đâu, bên hàng xóm có một con chó tóc xoăn giống Ailen rất xinh đẹp lịch lãm tên là Robin Aillene, và nó cũng là giống Prebysterian như tôi, còn ông chủ bên ấy là người Scotland.

Đám người làm của ông chủ tôi đều yêu quí tôi lắm, nên bạn thấy đấy, cuộc đời quả là rất dễ chịu đối với tôi lúc bấy giờ. Chẳng có chú chó nào hạnh phúc may mắn và đầy lòng biết ơn hơn tôi đâu. Tôi nói điều này thật sự chân thành, vì nó chỉ là sự thật: tôi luôn luôn hết sức cố gắng để sống cho xứng đáng, để vinh danh cho mẹ tôi cùng những lời dạy bảo của mẹ, cũng như để xứng đáng với tất cả những điều may mắn số phận dành cho tôi.

 

Chương 4

Rồi tôi cũng có một em bé, và cuộc sống của tôi trở nên hoàn hảo, hạnh phúc của tôi trở nên trọn vẹn. Con chó con của tôi thật là xinh xắn với mớ lông mịn màng như nhung, bộ móng xinh xắn bé tý xíu vụng về, nó khôn ngoan ngộ nghĩnh làm sao. Đôi mắt nó ngây thơ đầy sự âu yếm và khuôn mặt trẻ thơ của nó thật là trong trắng; lòng tôi tràn ngập niềm tự hào khi quan sát đám trẻ con trong nhà và cả mẹ chúng xúm xít quanh con tôi, vuốt ve say sưa và luôn miệng reo lên mỗi khi con tôi làm được điều gì đó thú vị. Cuộc đời dường như tốt đẹp đến không thể nào dám tin.

Thế rồi tiết trời chuyển sang Đông. Một ngày kia tôi phải trông em bé trong phòng. Nghĩa là tôi ngủ ở trong ấy ấy mà. Em bé thì ngủ trong nôi được kê bên cạnh giường chính phía gần lò sưởi. Nôi em bé là loại có màn phủ bên trên, và bạn có thể nhìn xuyên qua màn được. Cô bảo mẫu đã ra ngoài chỉ còn hai chúng tôi say sưa ngủ. Bỗng dưng một thanh củi nổ đánh tách một cái từ trong lò sưởi và một tàn lửa văng lên từ trong lò sưởi bắn lên màn em bé rồi bắt đầu cháy to hơn. Tôi hẳn đang thiếp đi thì tiếng khóc thét của em bé làm tôi giật mình thức dậy. Và trời ơi, màn của em bé đã bắt cháy lên đến tận trần nhà! Trước khi tôi kịp nhận ra phải làm gì, thì tôi nhẩy xổ lên để chạy ra khỏi phòng; nhưng chỉ một chớp nhoáng sau đó, lời mẹ dặn tôi đã văng vẳng bên tai tôi, thế là tôi quay trở lại ngay lập tức bên giường em bé. Tôi ráng sức thò mõm vào qua làn lửa, ngoạm ngang lưng em bé để lôi được em bé ra ngoài và cả hai chúng tôi lê lết ra khỏi phòng ngủ của em, rồi cả hai chúng tôi cùng ngã lăn ra trong làn khói đặc kịt như mây. Tôi lấy hết sức ngoạm lấy em bé lần nữa và lôi ra khỏi cửa phòng cái sinh vật bé nhỏ đang gào thét ràn rụa trong nước mắt, và lết ra được đến cửa phòng khách trong lòng tràn ngập niềm tự hào, thì bỗng nghe thấy tiếng thất thanh của ông chủ tôi, “Cút đi, con chó khốn nạn”, và tôi bỏ rơi em bé để vội vã vùng chạy thoát thân.

Nhưng ông nhanh hơn tôi nhiều, ông đã kịp túm lấy tôi, vụt tôi tới tấp bằng chiếc roi mây. Tôi tìm mọi cách chui hết xó này đến xó kia để trốn những đòn roi, nhưng trong lúc chẳng may thì một đòn trời giáng vụt vào chân trước tôi và tôi ngã khuỵu xuống. Cái roi đã giơ lên lần nữa nhưng chưa kịp đổ xuống thì tiếng thất thanh của cô bảo mẫu kêu xé lên, “Buồng em bé cháy rồi!” và ông chủ tôi vội vàng chạy lại phía đó, tha cho cái chân còn lại của tôi chưa bị đánh!

Chân tôi thật đau đớn nhưng tôi chẳng có thời gian trì hoãn được, ông chủ có thể quay lại bất cứ lúc nào, nên tôi bằng mọi cách lết đi với ba cái chân còn lại về phía cuối phòng, nơi có một cái cầu thang nhỏ bắt bên trên một cái kho để lỉnh kỉnh những hộp cũ ít ai để ý. Một cách nào đó tôi chui được vào kho đồ, và trốn tiệt ở trong một nơi tôi cho là kín đáo nhất. Thật là dớ dẩn khi mà ở trong đó rồi tôi vẫn sợ hãi đến mức run lên bần bật, đến nỗi tôi im thít không dám kêu lên tiếng nào, mặc dù nếu kêu lên được một chút thì tôi sẽ đỡ đau hơn đấy. Nhưng tôi đành chấp nhận chỉ ngồi liếm láp cái chân bị đau và làm thế thì cơn đau cũng dịu đi phần nào.

Khoảng suốt nửa giờ đồng hồ, trên cầu thang thình thịch tiếng chân chạy lên chạy xuống nhốn nháo, rồi tiếng la ó ầm ỹ, xong lại im ắng. Sự tĩnh lặng ấy thật là an ủi cho tâm hồn xáo động của tôi làm tôi bớt sợ hãi đôi chút; và bạn biết đấy, sự sợ hãi còn ghê gớm hơn nỗi đau đớn thể xác nhiều lần. Thế rồi một tiếng kêu làm tôi rụng rời cả chân tay – họ đang gọi tên tôi, tìm tôi! Tiếng gọi từ xa vọng lại, nhưng chẳng vì thế mà bớt đáng sợ đi phần nào, và ôi, đó là âm thanh khủng khiếp nhất mà tôi được nghe thấy lần đầu tiên trong đời! Người ta kêu tên tôi khắp nơi, trên gác, dưới nhà, ngoài vườn. Người ta chui cả vào hầm rượu và đi xa lắm rồi lại vòng trở về nhà, và tôi có cảm giác như mọi người dứt khoát không từ bỏ ý định tìm tôi cho bằng được. Rồi sau cùng cuộc tìm kiếm cũng ngưng lại khi chẳng còn tia sáng nào lọt qua cửa sổ nữa.

Và khi ấy, trong sự tĩnh lặng thánh thần này nỗi khiếp sợ của tôi cảm thấy nguôi ngoai phần nào và tôi thiếp ngủ đi. Giấc ngủ đã đem lại cho tôi sự nghỉ ngơi cần thiết, nhưng dù sao tôi cũng vẫn thức giấc trước bình minh. Tôi cảm thấy phần nào thoải mái hơn và bắt đầu suy tính cho một kế hoạch. Tôi nghĩ ra một kế hoạch khôn khéo, đấy là tôi sẽ nhẹ nhàng bò xuống trốn sau cánh cửa hầm rượu và sẽ tranh thủ lúc anh người nhà đến mở cửa hầm rượu khi đem rượu đi ướp lạnh thì thì tôi sẽ chạy vọt để đi trốn. Rồi tôi sẽ trốn ở bên ngoài suốt cả ngày, và sẽ bắt đầu cuộc hành trình của tôi khi trời tối. Còn việc bỏ đi đâu ư? Bất cứ đâu cũng được miễn là người ta không nhận ra tôi và mang trả tôi trở lại cho ông chủ. Tôi gần như cảm thấy vui trở lại; thế nhưng tôi vụt nhớ ra, sao nhỉ? Cuộc sống sẽ ra sao khi không có con tôi?

Ôi, thế là cả một niềm tuyệt vọng dâng trào! Tôi nhận ngay ra rằng sẽ chẳng thể nào có một kế hoạch gì cho tôi. Tôi sẽ phải ở lại nơi này, phải ở lại, chờ đợi và chấp nhận bất cứ điều gì có thể xảy ra – vì đó không phải là phần quyết định của tôi – mẹ tôi đã dạy như thế. Và đang trong lúc tôi mung lung suy nghĩ  như vậy thì tiếng người gọi tôi lại vang lên từ khắp các xó xỉnh. Tất cả nỗi đau đớn của tôi vụt trở lại, ông chủ sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi đâu, mặc dầu tôi nào có hiểu vì lẽ gì ông tức giận và nghiêm khắc với tôi đến thế, nhưng thôi, tôi chỉ chấp nhận rằng đấy hẳn là một điều mà một con chó như tôi không bao giờ hiểu được, nhưng hẳn phải là điều kinh khủng với con người.

Người ta gọi, gọi mãi, tưởng như suốt mấy ngày đêm. Lâu đến nỗi tôi đói và khát đến phát điên, rồi tôi nhận ra tôi càng lúc càng yếu đuối đi như muốn lả. Bạn biết đấy, những lúc thế này người ta thường ngủ rất nhiều và tôi cũng vậy. Một lúc tôi giật mình tỉnh dậy vì sợ hãi thì tiếng gọi như ở ngay cạnh tôi vậy. Và đúng như thế, đấy là tiếng gọi của em Sadie, em ấy đang khóc. Tên tôi tuôn ra từ miệng cô bé, lộn xộn, vỡ vụn ra và cô bé mới tội nghiệp làm sao. Rồi tôi quá đỗi sung sướng đến nỗi không còn tin được vào tai mình khi nghe cô bé kêu lên, “Ôi, hãy về đi chó cưng, về với chúng tôi đi và tha thứ cho chúng tôi, ôi buồn biết bao vì không có…” Thế là tôi vỡ oà lên với một tiếng kêu tràn ngập lòng biết ơn, và chỉ trong nháy mắt Sadie đã vọt qua những hộp gỗ liểng xiểng tối tăm trong kho để chạy đến bên tôi kêu toáng lên sung sướng: “Tìm thấy rồi! Đã tìm thấy rồi!”

 

Chương 5

Những ngày sau đó thì thật quá đỗi tuyệt vời. Bà chủ, Sadie và cả những người giúp việc – họ gần như thờ phượng tôi vậy. Họ hầu như chẳng thấy có chiếc giường nào cho đủ êm ái với tôi; còn đồ ăn thức uống thì hầu như họ chẳng nề hà món gì dù có trái mùa đi chăng nữa; và ngày nào cũng có khách khứa, hàng xóm kéo đến để nghe chuyện kể về hành động dũng cảm của tôi, à, đấy cũng là chữ mẹ tôi gọi là “nông nghiệp” (agriculture). Tôi nhớ có lần mẹ tôi đã  nhắc đến chữ ấy, nhưng không giải thích cho tôi “nông nghiệp” nghĩa là gì, mà chỉ nói rằng chữ ấy đồng nghĩa với chữ “intramural incandescence”; và có tới hàng chục lần bà chủ tôi cùng Sadie kể lại cho người khách về sự tích tôi đã vượt qua nguy hiểm để cứu em bé như thế nào, bằng chứng là cả hai chúng tôi đều có những vết bỏng trên người. Thế là đám khách khứa xúm lại quanh tôi vỗ về và trầm trồ, và bạn có thể nhìn thấy dễ dàng những ánh mắt đầy tự hào của bà chủ tôi cùng em Sadie. Khi những người khách hỏi vì sao tôi lại đi khập khiễng, thì bà chủ có vẻ xấu hổ và vội vàng tránh sang chuyện khác. Và khi người ta săn hỏi quá đáng về điều ấy thì tôi thấy bà chủ và Sadie dường như sắp khóc.

Như thế cũng chưa đủ đâu, còn có cả bạn bè của ông chủ nữa, có tới khoảng hai mươi người danh tiếng, đến thăm và đưa tôi vào phòng thí nghiệm, bàn luận về tôi như thể bàn luận về một phát minh vậy. Một người trong số họ tuyên bố rằng đấy thật là một điều kỳ diệu ở một giống vật vô tri, rằng đây là biểu hiện hoàn hảo nhất của bản năng, nhưng ông chủ tôi cực lực phản đối: “Điều này vượt xa bản năng. Đấy là sự tư duy, mà nhiều con người được may mắn sinh ra trên thế gian này lại thiếu thốn”, rồi ông cười lớn nói thêm, “Cứ như tôi đây, tôi thật là đồ bỏ đi, và tất cả trí thông minh siêu phàm trời ban cho con người, tôi lại chỉ luận ra được một điều duy nhất là con vật đã mất trí và sẽ làm hại con tôi, nhưng trong khi đó thì sao, con vật đã biết tư duy, vì nếu không có nó hẳn con tôi chết mất rồi”. Người ta cứ tranh cãi bàn luận mãi và tôi trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận ấy. Ước gì mẹ tôi biết được tôi đã vinh dự đến nhường nào. Hẳn mẹ tôi sẽ tự hào lắm.

Rồi thì họ chuyển sang bàn luận chuyện nhãn khoa, họ tranh luận với nhau về việc liệu có một vết thương nào ở não bộ có khả năng gây mù cho người ta được hay không. Thế rồi họ tranh luận mãi về điểm này và không sao thống nhất được, nên sau cùng họ cho là phải giải quyết cuộc tranh luận bằng một cuộc thí nghiệm. Sau đó họ chuyển sang nói về việc trồng cây mà chuyện này thì tôi rất quan tâm. Lý do nguyên là vì vào mùa hè tôi và Sadie đã cùng nhau gieo một vài hạt xuống đất. Tôi giúp Sadie đào những cái hố ấy mà, và ngày tháng qua đi thì ở đó mọc ra một bụi cây, và sau đó lại trổ cả hoa nữa. Thật là kỳ diệu phải không bạn? Mặc dù tôi không sao có thể biết được làm cách nào điều đó xảy ra nữa kia. Thế nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, và tôi ước sao mình có thể biết nói, để tôi có thể chỉ cho mọi người điều kỳ diệu mà tôi biết và tôi cũng sẽ tranh luận hăng say nhiệt tình như mọi người. Nhưng những chuyện bàn bạc về nhãn khoa thì quả là nhạt nhẽo quá, vì thế nên khi mọi người quay trở lại đề tài đó thì tôi đã ngủ thiếp đi rồi.

Chẳng mấy chốc thì mùa Xuân tới, tiết trời tuyệt đẹp và bà chủ dễ thương cùng lũ trẻ con đến chia tay với tôi để đi chơi tới một người bà con ở xa. Ông chủ thì chẳng bao giờ thật sự làm bạn với chúng tôi, nhưng tuy nhiên thỉnh thoảng chúng tôi cũng đùa rỡn với nhau, và thời gian cũng dễ chịu trôi qua. Những người giúp việc thì thật tử tế nên chúng tôi sống bên nhau rất dễ chịu, và cùng nhau mong ngóng ngày trở về của bà chủ.

Một bữa kia, những người bạn khoa học của ông chủ lại tới, và họ nói, “Bây giờ là lúc làm thí nghiệm đây” và họ mang con tôi vào phòng thí nghiệm. Thế là tôi cũng lết theo với ba cái chân còn lại của mình, và trong lòng cảm thấy tự hào vì mối quan tâm dành cho con tôi. Họ bàn luận rất lâu và lúi húi thí nghiệm, rồi đột nhiên con chó con của tôi kêu thét lên, thế rồi họ bỏ nó xuống sàn nhà và tôi thấy nó loạng choạng bước đi, với cái đầu be bét máu. Thế rồi ông chủ tôi vỗ tay đánh đét kêu lên, “Đó, tôi đã thắng rồi, nó mù hoàn toàn rồi!” Những người bạn của ông đáp lại, “Đúng vậy! Ông đã chứng minh được lý thuyết của ông, và nhân loại đau khổ sẽ phải chịu ơn ông từ đây”. Thế rồi họ vây quanh ông, bắt tay ông thật nhiệt thành và hết lời ca ngợi ông.

Nhưng tôi chẳng còn nghe và thấy gì sau đó nữa vì tôi đã chạy ngay lập tức tới con tôi, ôm lấy nó, liếm cho nó hết máu, và ấp đầu nó vào lòng tôi mà rên lên, bởi tôi biết rằng trong cơn đau nó sẽ tìm được sự an ủi khi cảm nhận được sự ấp ủ của mẹ nó, mặc dù lúc này nó đâu còn nhìn thấy tôi nữa. Thế rồi nó ngã đổ sụp xuống, cái mũi tím bầm của nó chúc xuống sàn nhà và nó cứng đơ không còn động đậy nữa.

Khi ấy ông chủ ngưng cuộc bàn luận, ông rung chuông gọi người giúp việc và sai, “Mang nó đi chôn ở cuối vườn”, rồi sau ông trở lại cuộc tranh luận. Thế là tôi bám gót người giúp việc ra vườn, trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm vì tôi biết con tôi không còn đau đớn nữa, chắc là nó đã ngủ rồi. Chúng tôi đi về phía thật xa cuối vườn, nơi chúng tôi thường nô rỡn với lũ trẻ con, chị bảo mẫu và cùng với cả con tôi nữa, dưới bóng mát của cây sồi. Ở đấy người giúp việc đào một hố sâu, và tôi nghĩ ông ấy sẽ trồng con tôi xuống đó. Như thế chắc sẽ mọc lên từ đó nhiều con chó con đẹp đẽ khác, và bà chủ cùng lũ trẻ con chắc sẽ nhạc nhiên thích thú lắm. Thế nên tôi tìm cách giúp người giúp việc, nhưng cái chân què của tôi không làm được nhiều nữa rồi. Khi người giúp việc làm xong công việc, ông xoa đầu tôi nói qua hàng nước mắt, “Ôi, con chó tội nghiệp, con đã cứu sống con của ông ấy đấy”.

Tôi đã canh chừng cái hố suốt hai tuần lễ mà chẳng có chú chó con nào mọc ra cả. Đến giờ tôi cảm thấy sợ hãi. Tôi cảm thấy có điều gì thật khủng khiếp. Tôi không biết đó là cái gì, nhưng sự sợ hãi làm tôi cảm thấy ốm trong người và không thể ăn được, mặc dù những người làm luôn nấu cho tôi những món ăn thật ngon. Họ luôn luôn âu yếm vỗ về tôi. Có người còn đến thăm tôi vào buổi tối, vừa khóc vừa dỗ dành, “Ôi, con chó tội nghiệp, đừng buồn nữa và trở về nhà với chúng tôi đi, đừng làm chúng tôi đau khổ nữa”. Như thế tôi càng cảm thấy sợ hãi hơn nữa vì tôi càng chắc chắn hơn nữa rằng điều gì đó thật kinh khủng sắp xẩy ra. Và càng lúc tôi càng yếu, đến mức đứng cũng chẳng vững nữa. Lúc ấy, những người làm đứng ngó mặt trời khi chiều lạnh xuống dần và nói nhiều điều tôi không hiểu hết nhưng nó làm trái tim tôi lạnh giá. “Tội nghiệp lũ nhỏ, chúng chả biết gì. Ngày mai chúng về, điều đầu tiên chúng hỏi sẽ là con chó đã cứu em bé của chúng đâu rồi. Ai trong số bọn mình sẽ có đủ cam đảm để bảo chúng rằng con chó ấy sắp chết rồi”.

(Nguồn: Mark Twain)


 
Trở lại     Đầu trang