loading
Chia sẻ
Cô bé khiến cả thế giới phải im lặng và 20 năm sau

  

Tại Hội nghị Trái đất năm 1992, có một cô bé 12 tuổi đã làm cả thế giới im lặng với bài phát biểu về môi trường của mình...

Bài phát biểu dài 6 phút của Severn Suzuki đã làm tất cả người xem sững sờ, lặng thinh và xót xa trước tình trạng của môi trường Trái đất. Hãy cùng tìm hiểu xem Severn Suzuki là ai và sau gần 20 năm, cô Suzuki và Trái đất liệu có thay đổi...

Severn Cullis Suzuki là ai?

Năm 1992, cô bé Severn Cullis Suzuki khi ấy mới 12 tuổi, đã có bài phát biểu hùng hồn trước hàng ngàn đại biểu các nước tại Hội nghị Trái đất của Liên Hiệp Quốc. Ít ai có thể ngờ rằng, một cô bé đang học cấp hai đã cùng bạn bè mình thành lập Tổ chức Trẻ em vì môi trường. Từ những việc nhỏ như bán bánh quy, nước chanh nhằm gây quỹ, cô bé đã quyên góp được 26.000 USD (tương đương 520 triệu VNĐ), làm lộ phí cho hành trình đến với Hội nghị Trái đất được tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil - cách nơi mình sống 8.000km.

  

Cô bé Severn Cullis Suzuki (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè mình tại Hội nghị Trái đất năm 1992.

  

Bài phát biểu của Suzuki đề cập đến những vấn đề mang tính trọng đại và cấp thiết về ô nhiễm môi trường, kéo theo sự tuyệt chủng của các loài động vật, tình trạng nghèo đói và sự vô tâm của các quốc gia… những vấn đề mà chúng ta khó lòng tin được đó là nỗi trăn trở của một cô bé 12 tuổi.

Bằng những dẫn chứng cụ thể, bài phát biểu của Suzuki đã khiến cho cả thế giới phải im lặng. Thậm chí, có những đại biểu đã bật khóc vì xúc động.

 


Suzuki thậm chí còn phát hành một cuốn sách về môi trường.

  

Từ lời nói đến hành động của những năm sau

Sau khi trở về nhà từ Rio de Janeiro, Suzuki vẫn tiếp tục các hoạt động tuyên truyền không mệt mỏi nhằm đem đến một cái nhìn đầy đủ về những gì con người có thể làm để thay đổi thế giới. Cô đã tham dự rất nhiều hội nghị để học hỏi, giao lưu và nêu lên hàng loạt quan điểm của mình về những điều cần sửa đổi, kèm hành động cần thực hiện. Bài phát biểu của cô tại các trường Đại học luôn được các sinh viên ủng hộ rất nhiệt tình và sau đó, cô luôn tổ chức những chương trình rất thiết thực để nâng cao tính hiệu quả của bài phát biểu.

 


Suzuki phát biểu trong một hội nghị tổ chức năm 2007.

  

Cô còn là người chủ trì cho một chương trình thiếu nhi có tên “Suzuki’s Natural Quest” (Nhiệm vụ thiên nhiên của Suzuki). Đối với cô, thế hệ những đứa trẻ như mình cách đây 20 năm chính là những đối tượng dễ thấu hiểu và có hành động thiết thực nhất đến môi trường. Những hành động tuy nhỏ đó sẽ dần trở thành những hành động lớn hơn trong tương lai.

Với các nhà chức trách, những người cô đã từng tin là mình lay động được họ, giờ đây cô cho rằng họ chỉ chịu thay đổi những việc làm của mình khi bị xã hội thúc ép. Vì vậy, hàng loạt những dự án mà nổi tiếng nhất là Skyfish Project, đã được thành lập. Đến với Skyfish Project, những ai có cùng cái nhìn như Suzuki có thể đưa ra ý kiến của mình về những hành động kêu gọi mọi người chống lại việc tàn phá môi trường tự nhiên.

Sự thay đổi về tầm nhìn sau gần 20 năm

Thế giới qua đôi mắt cô bé 12 tuổi ngày đó thật đơn giản. Suzuki từng tin rằng lời nói của mình sẽ có sức thuyết phục, có thể thay đổi thế giới khi chứng kiến phản ứng của các vị đại biểu có mặt tại hội nghị. Tuy nhiên, trải qua gần hai thập kỷ, chứng kiến sự thực diễn ra trước mắt, niềm tin về việc con người chung tay bảo vệ môi trường trong cô bắt đầu lung lay.

Cô nhận ra điểm cốt lõi của vấn đề khi những đứa trẻ trong thế giới ngày này đang dần xa cách với thiên nhiên hơn: uống nước đóng chai, sử dụng những loại thực phẩm biến đổi gene, lái những chiếc xe đời mới “ngốn xăng”… Mọi việc cứ thể tiếp diễn ngay cả khi họ nhận thức được những vấn đề mà thế giới này đang phải đối mặt: mất cân bằng xã hội, sự nóng lên toàn cầu…

  

 

Sau gần 20 năm, Trái đất của chúng ta vẫn đang bị tàn phá hàng ngày: diện tích rừng ngày càng thu hẹp do nạn chặt phá rừng, mưa axit nguy hiểm do khí thải gây ra, lớp băng ở Bắc Cực đang tan chảy vì hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến mực nước biển dâng cao... Và con người vẫn chưa có giải pháp đủ hiệu quả để cứu lại những cánh rừng, con sông, ngọn núi và những loài động vật.

Theo quan điểm đã thay đổi cùng thời gian của mình, cô tin rằng việc cứu cả thế giới không thể chờ sự lên tiếng từ những nhà chức trách mà phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Mỗi người phải tự ý thức được trách nhiệm rồi tìm cách tự thay đổi các thói quen xấu của mình. Phương châm “chúng ta là những người tạo nên sự thay đổi mình cần” được cô áp dụng bao năm qua, thì giờ đây, cô tin rằng mọi người cũng có thể làm điều tương tự.

 


Trái đất ngày một nóng lên bởi lượng khí thải thoát ra từ các nhà máy và phương tiện giao thông quá lớn.

 

Những lời nói của cô bé Suzuki năm 1992 đã khiến cả thế giới phải im lặng. Mặc dù sau này, Suzuki phải thừa nhận rằng những gì mình nói đã không được thực hiện một cách trọn vẹn. Dù vậy, chưa bao giờ Suzuki có ý định đầu hàng hay cảm thấy chán nản. Những khó khăn trong công việc càng khiến cô cảm thấy quyết tâm trong việc tìm ra các giải pháp đấu tranh thiết thực hơn.

 

Liệu bạn có nhận ra đây từng là... một bờ biển?

  

Cô tin rằng nếu mỗi người tự ý thức thay đổi bản thân thì chắc chắn, thế giới cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Đã gần 20 năm kể từ ngày Suzuki đứng trên bục nói lên suy nghĩ của mình. Bài phát biểu của cô vẫn được truyền tay như một tấm gương cho những người trẻ dám đứng lên, cổ vũ tinh thần dám nghĩ dám làm cho thế hệ tương lai, vì một môi trường trong sạch.

 


 

Với những nỗ lực của mình, Suzuki xứng đáng là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

(Nguồn: Kenh14.vn)

  

Đoạn video gây xúc động thế giới:

    

 

Bản dịch:

Xin chào, tôi là Severn Suzuki thay mặt cho ECO – Tổ chức trẻ em vì môi trường.

Chúng tôi là 1 nhóm những người 12 – 13 tuổi đang cố gắng tạo nên vài thay đổi: Vanessa Suttie, Morgan Geisler, Michelle Quigg và tôi. Chúng tôi đã tự quyên tiền đi hơn 8000km đến đây để nới với người lớn các vị rằng, các vị phải thay đổi. Chúng tôi đến đây không có mục đích nào khác ngoài việc có một giải pháp cho tương lai của chính mình.

Đánh mất tương lai không giống như mất một chiếc ghế trong bầu cử hay trượt một vài điểm trên sàn chứng khoán. Tôi ở đây, lên tiếng cho các thế hệ mai sau, lên tiếng cho những trẻ em đang chết đói trên khắp thế giới mà tiếng khóc cầu cứu không được ai nghe thấy; lên tiếng cho vô vàn động vật đang chết dần trên trái đất này vì chẳng còn nơi nào để sinh sống.

Giờ tôi sợ phải bước đi dưới ánh mặt trời vì những lỗ thủng trên tầng ozone. Tôi sợ phải hít thở vì không biết trong không khí đang chứa những hóa chất gì. Tôi vẫn thường đi câu cá cùng ba ở Vancouver, quê hương tôi, cho đến vài năm trước khi tôi biết lũ cá đang đầy bệnh tật. Và giờ đây, ngày ngày chúng ta đều nghe những thông tin về việc các loài động thực vật đang dần tuyệt chủng và biến mất mãi mãi.

Tôi đã luôn mơ về những đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm nhiệt đới đầy các loài chim và bướm. Nhưng giờ tôi lại tự hỏi, liệu con cái chúng tôi có còn cơ hội được thấy chúng nữa hay không?

Hồi bằng tuổi tôi, các vị có phải lo lắng về những điều này không?

Mọi chuyện đang diễn ra rành rành trước mắt, nhưng các vị lại hành động như thể chúng ta vẫn còn đủ thời gian và các biện pháp hữu hiệu. Tôi chỉ là một đứa trẻ và không nghĩ ra được giải pháp nào, nhưng tôi mong các vị nhận ra rằng chính các vị cũng không!

Các vị không biết cách vá lại các lỗ thủng trên tầng ô-zôn.

Không biết cách mang cá hồi về lại những dòng suối đã ngưng chảy.

Không biết cách làm sống lại các loài vật đã tuyệt chủng.

Và các vị cũng không thể biến những cánh rừng giờ đã hóa sa mạc xanh tươi trở lại.

Một khi không biết cách phục hồi, xin các vị đừng làm nó tệ hơn nữa!

Các vị ở đây có thể là đại biểu chính phủ. Doanh nhân, nhà tổ chức, phóng viên hay chính trị gia, nhưng thật ra các vị là bố mẹ, là anh chị, là cô chú, và tất cả các vị đều là những người con.

Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng chúng ta đều là một phần của đại gia đình hơn 5 tỷ người, thực tế là của hơn 30 triệu giống loài. Biên giới hay chính phủ không thể thay đổi được điều đó.

Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng chúng ta đều có phần trách nhiệm và nên hợp tác hành động hướng về một mục tiêu chung.

Giận dữ không làm tôi mù quáng và dù sợ hãi, tôi cũng không ngại nói với cả thế giới những gì mình nghĩ.

Ở nước tôi, chúng tôi thải ra quá nhiều rác. Chúng tôi mua rồi lại vứt đi, cứ mua rồi lại vứt đi. Vậy mà các nước giàu có vẫn không chia sẻ cho người nghèo. Ngay cả khi thừa thải, chúng ta vẫn không muốn chia sẻ, chúng ta sợ phải cho đi một chút của cải.

Chúng tôi sống một cuộc sống sung túc ở Canada, chẳng thiếu nước, thức ăn hay nhà ở. Chúng tôi có đồng hồ, xe đạp, máy tính, Tivi… Nhưng hai ngày trước, ngay tại Brazil này, chúng tôi đã sốc khi sống cùng với những đứa trẻ đường phố. Một bạn đã nói với tôi thế này: “Ước gì mình thật giàu có. Nếu như vậy, mình sẽ cho tất cả những trẻ em đường phố thức ăn, quần áo, thuốc thang, nhà ở, cả tình thương và sự cảm thông nữa.” Một đứa trẻ đường phố chẳng có gì trong tay lại sẵn sàng chia sẻ với người khác, tại sao chúng ta, những người có tất cả lại tham lam đến thế?

Tôi không thể không nghĩ đến việc những đứa trẻ này chỉ trạc tuổi tôi, chỉ vì sinh ra ở những nơi khác nhau thôi mà cuộc sống lại khác biệt nhiều đến thế! Tôi đã có thể là một trong số những đứa trẻ sống trong một khu nhà ổ chuột ở Favellas, Rio; tôi đã có thể là một đứa trẻ dang chết đói ở Somalia, một nạn nhân chiến tranh ở Trung Đông hay một kẻ ăn xin ở Ấn Độ…

Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, nếu tất cả số tiền dùng để cung phụng chiến tranh được dùng cho việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề môi trường, chấm dứt đói nghèo, đi đến 1 hiệp ước thì thế giới này sẽ đẹp đến nhường nào!

Ở trường học, ngay từ lớp mẫu giáo,  các vị đã dạy chúng tôi cách cư xử đúng mực. Các vị đã dạy chúng tôi không được đánh nhau, phải cố gắng tìm ra giải pháp, phải tôn trọng mọi người, biết sửa chữa lỗi lầm do mình gây ra, không làm hại các sinh vật khác, phải biết chia sẻ chứ đừng tham lam,… Vậy tại sao các vị lại làm những việc mà chính các vị đã dạy chúng tôi không nên làm?

Xin đừng quên lý do các vị tham gia hội nghị này. Các vị làm việc này vì ai? Lớp trẻ chúng tôi là con cháu của các vị. Chính các vị là người quyết định con cháu mình sẽ lớn lên trong một thế giới như thế nào.

Lẽ ra bố mẹ sẽ an ủi con cái rằng: “Mọi chuyện sẽ ổn thôi”, “Chưa phải là ngày tận thế đâu” hay “Bố mẹ sẽ làm những gì tốt nhất có thể”… Nhưng giờ đây tôi không nghĩ rằng các vị còn có thể nói vậy với chúng tôi nữa. Chúng tôi có còn nằm trong danh sách được ưu tiên của các vị?

Cha tôi luôn nói với tôi: “Con là những gì con làm chứ không phải những điều con nói”.

Vâng, những gì các vị làm khiến tôi khóc hàng đêm. Các vị luôn nói rằng các vị yêu thương chúng tôi, tôi xin các vị, hãy hành động đúng với những gì đã nói.

Xin cảm ơn!

 

 
Trở lại     Đầu trang