loading
Suy ngẫm
Những quy tắc trong cuộc sống (3)

 

Quy tắc 21

Hàng ngày, hàng giờ, cuộc sống đang trôi qua với một tốc độ chóng mặt. Và nó trôi qua ngày càng nhanh hơn. Một lần tôi hỏi một cụ già 84 tuổi rằng có phải cuộc sống sẽ chậm hơn khi ông đã già không. Ông ta đã giải thích với tôi một cách rõ ràng rằng không phải như thế.

Cuộc sống đang trôi qua nhanh hơn. Đôi khi tôi tự hỏi có phải chúng ta không lấy đà trước khi dậm nhảy, nếu bạn hiểu điều tôi muốn nói là gì - đó đại loại là những bước chạy trước khi xuất phát. Nhưng nếu bạn muốn cuộc sống của bạn sẽ thành công, hạnh phúc, mãn nguyện, có ý nghĩa, có nhiều chuyện phiêu lưu mạo hiểm và phần thưởng thì quy tắc này đơn thuần chỉ là hãy bắt kịp với cuộc sống. Và tôi chắc chắn bạn sẽ làm điều đó nếu không chắc hẳn bạn đang không đọc cuốn sách này.

Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể bắt kịp được với cuộc sống? Cách đơn giản nhất đó cũng là cách chúng ta bắt kịp với bất kỳ thứ gì khác mà chúng ta biết chúng ta cần phải làm. Chúng ta bắt đầu với việc đặt ra một mục tiêu, lập ra một kế hoạch, vạch rõ những việc cần làm để đạt được mục tiêu và sau đó bắt kịp với nó.

Hãy tưởng tượng rằng bạn là giám đốc dự án trong một công ty lớn và họ muốn bạn tổ chức một cuộc triển lãm. Bạn sẽ bắt đầu với việc làm rõ xem bạn muốn điều gì từ cuộc triển lãm đó, nó cần phải đạt được điều gì (ví dụ, bán được 100 món hàng, tặng quà miễn phí, hay quảng cáo để thu hút thêm 20 khách hàng). Điều này sẽ cho bạn một cái đích để hướng tới. Sau đó bạn sẽ vạch rõ kế hoạch của mình - đặt chỗ, sắp xếp nhân sự, in tài liệu, v.v… Với kế hoạch đã được lập, bạn sẽ tìm ra điều mà bạn cần và sau đó bắt kịp với công việc.

Cuộc sống cũng không khác là mấy. Nó là một dự án - mặc dù ở trên quy mô lớn và quan trọng hơn nhiều việc bán hàng ở triển lãm.

Tôi chắc chắn là bạn hiểu điều này. Bạn cần phải bắt kịp với cuộc sống, nhưng nó cũng rất dễ nuốt chửng bạn nếu bạn không có cho mình một mục tiêu (hay những mục tiêu) và một kế hoạch. Và mỗi ngày trôi qua sẽ trở nên u ám hơn nếu bạn không biết rõ bạn đang đi đâu và bạn đang muốn gì.

Nhân đây tôi cũng muốn nói rằng không có điều nào trong số những điều kể trên làm mất đi bản chất tự nhiên của cuộc sống nếu như đó là điều mà bạn đang lo lắng. Thực lòng mà nói tôi không coi cuộc sống như một dự án. Tôi coi nó như là một sự trải nghiệm, một việc đáng làm, đa dạng và phong phú, những kinh nghiệm bất ngờ và khá thú vị. Nhưng bạn cần phải để tâm đến nó một chút nếu bạn muốn có được điều tốt đẹp nhất từ nó. Nếu không, mỗi ngày sẽ càng trở nên mờ mịt và bạn sẽ dễ dàng thấy rằng bản thân bạn cũng đang phiêu bạt - trôi dạt theo dòng nước.

Tôi đã từng nghĩ rằng bất kỳ điều gì xảy ra cuối cùng rồi cũng sẽ tốt đẹp. Tôi là một người cổ hủ thích phiêu lưu mạo hiểm - tôi luôn sẵn sàng cho bất kỳ chướng ngại vật nào xuất hiện trên con đường của mình. Nhưng càng ngày tôi càng nhận thấy một điều vô cùng hữu ích, đó là hãy đặt ra cho mình một mục tiêu và làm việc để đạt được mục tiêu đó chứ đừng nên phó mặc cho số phận. Và như thế những điều tốt đẹp sẽ dễ dàng đến với chúng ta hơn.

 

Quy tắc 22

Hôm nay rất quan trọng. Hôm nay là ngày duy nhất bạn có với những điều có thực. Tại sao bạn lại không coi nó là một ngày quan trọng? Nó thực sự rất quan trọng. Vậy hãy ăn mặc như thể nó là một ngày rất quan trọng.

Ồ, tôi không muốn nói tới việc ăn mặc theo cách mà mẹ tôi vẫn nói với tôi, “Hãy nhớ phải mặc quần áo lót sạch sẽ đấy nhé, con không bao giờ biết được khi nào con sẽ bị chiếc xe buýt chạy đè lên đâu”! Tôi rất thích điều này khi tôi còn là một đứa trẻ. Tôi đã không thể nhận thấy được những bộ đồ lót sạch sẽ thật sự quan trọng đến thế nào nếu bị tai nạn trên đường. Và tôi cũng đã thử tưởng tượng xem sẽ thế nào, nếu họ đưa bạn đến bệnh viện kịp thời và cởi chiếc quần rách dính đầy máu ra, họ sẽ nhìn xuống và há hốc miệng vì ghê rợn, “Đừng nhìn! Đứa bé này đang mặc chiếc quần lót từ ngày hôm qua - đưa nó ra khỏi đây”.

Có rất nhiều quy tắc nói về sự lựa chọn tỉnh táo, những quyết định tỉnh táo, những sự nhận biết tỉnh táo. Tôi biết được rằng những người dường như hoàn toàn làm chủ được một thứ gọi là cuộc sống, họ là những người hết sức tỉnh táo. Họ luôn hiểu rõ và có ý thức về mọi chuyện. Họ biết họ đang làm gì và đang đi đâu. Nếu bạn cũng muốn cuộc sống của mình không phải chỉ có những sự kiện ngẫu nhiên xảy ra với bạn, thay vào đó làm cho nó trở thành một cuộc sống với hàng loạt những thử thách thú vị và những kinh nghiệm bổ ích, phong phú, thì bạn cũng cần phải luôn tỉnh táo.

Và bạn làm điều này bằng cách đón chào mỗi ngày như thể ngày hôm đó rất quan trọng. Bạn thức dậy và bạn đi tắm rửa/cạo râu/trang điểm/chải đầu/đánh răng v.v… và về cơ bản thì bạn làm tất cả những việc đó để làm cho bạn trông xinh xắn hơn, cảm thấy thoải mái và thật dễ chịu. Sau đó, bạn mặc những bộ quần áo trông thật bảnh bao, sạch sẽ, gọn gàng, kiểu cách như thể bạn đang chuẩn bị đi phỏng vấn xin việc, đến một buổi tiệc sinh nhật hay chuẩn bị đi chơi. Nếu mỗi ngày bạn đều ăn mặc như thể đầy hứa hẹn, quan trọng và thật gọn gàng thì ngày hôm đó của bạn cũng sẽ diễn ra như vậy.

Mọi người sẽ phản ứng theo một cách khác với bạn nếu bạn ăn mặc như thể hôm đó là một ngày rất rất quan trọng - và bạn sẽ phản ứng theo một cách khác đối với những phản ứng khác biệt đó. Đó là đường xoáy ốc hướng lên trên. Tôi cần phải nhấn mạnh rằng ở đây chúng ta sẽ không nói một cách trang trọng, bạn không cần phải dè dặt và cảm thấy không thoải mái. Chỉ là hãy ăn mặc như thể ngày hôm đó rất quan trọng.

Tôi nghe thấy câu hỏi rằng còn ngày nghỉ cuối tuần thì sao, chắc chắn là chúng ta có thể nghỉ ngơi chứ? Tất nhiên, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên buông thả mình. Vào dịp cuối tuần, bạn sẽ đi thăm bạn bè và/hoặc gia đình (trừ khi bạn dành những ngày cuối tuần để ở nhà một mình) và họ cũng xứng đáng được nhìn thấy bạn trông thật tuyệt vời và như thể họ rất quan trọng đối với bạn. Ngay cả bạn bè bạn cũng không muốn nhìn thấy bạn nhếch nhác, luộm thuộm, lôi thôi, không được chăm chút. Nhưng điều này là nói về bạn. Nếu bạn chào đón mỗi ngày như thể nó rất quan trọng, nó sẽ mang điều kỳ diệu đến cho lòng tự trọng và sự tự tin của bạn.

Mọi người sẽ phản ứng theo một cách khác đối với bạn nếu bạn ăn mặc như thể hôm đó là một ngày rất quan trọng.

Nhưng tôi không muốn bạn tin tưởng vào bất kỳ điều gì. Hãy thử và chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Nếu trong vòng nửa tháng mà bạn vẫn không vui vẻ và cảm thấy mình hoàn toàn khác biệt thì bạn hãy quay trở lại làm theo cách cũ của bạn và mặc kệ quy tắc này. Nhưng tôi có thể đảm bảo rằng bạn sẽ cảm thấy rất tuyệt vời và sẽ đón chào mỗi ngày một cách hoạt bát hơn, năng nổ hơn và hạnh phúc hơn.

 

Quy tắc 23

Không, không phải là tôi định bắt đầu bài diễn thuyết về tôn giáo hay bắt đầu một quá trình truyền đạo để chào mừng bạn gia nhập một tôn giáo mới đâu. Điều tôi muốn nói ở đây đơn thuần chỉ là những người có hệ thống đức tin để giúp họ trong những thời điểm khủng hoảng và khó khăn sẽ làm được tốt hơn những người không có đức tin. Điều đó rất đơn giản.

Vậy điều chúng ta muốn ám chỉ khi nói tới hệ thống đức tin là gì? Điều này thật khó để có thể diễn đạt được. Theo tôi, hệ thống đức tin là những gì mà bạn nghĩ về thế giới, về vũ trụ và tất cả mọi thứ. Đó là điều mà bạn tin sẽ xảy đến với bạn sau khi bạn chết. Đó là điều gì đó hay người nào đó bạn cầu nguyện đến mỗi khi màn đêm buông xuống và mỗi khi bạn gặp rắc rối.

Những người làm chủ được một thứ rất đặc biệt gọi là cuộc sống, dường như là những người có thể chỉ ra được, ít nhất thì họ cũng hài lòng về bản thân mình, cái mà họ cho là đức tin. Và dường như họ chẳng gặp khó khăn gì để chỉ ra được đó là điều gì. Bạn có thể có đức tin vào một Chúa trời hay nhiều Chúa trời hoặc bạn cũng có thể tin vào một điều gì đó hay một người nào đó - có lẽ chúng ta đều là sản phẩm của một vài cuộc thí nghiệm kỳ lạ và huyền bí hay bạn có thể là một kẻ trần tục thuần tuý - điều đó không có vấn đề gì cả. Tôi cho rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ xảy đến với bạn và chỉ cần bạn có một hệ thống đức tin bạn sẽ làm tốt hơn những người không có. Người cứ luôn đi tìm kiếm cho mình một đức tin sẽ không thể có được một cuộc sống hạnh phúc.

Tôi biết bạn sẽ thắc mắc rằng: “Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không thể tìm được câu trả lời và không có một hệ thống đức tin? Khi đó tôi nên làm gì?” Tại sao lại như vậy, bạn hãy suy nghĩ tiếp những điều tôi viết và đừng nhanh nhanh chóng chóng gấp sách lại bởi vì đây là một quy tắc quan trọng. Đôi khi hãy gác điều đó sang một bên để nghĩ về nó và để chắc chắn rằng nó được đặt lên vị trí hàng đầu trong danh sách những mối quan tâm của bạn.

Tôi hy vọng bạn nhận ra rằng, ở đây, tôi không khuyên là bạn cần phải có hệ thống đức tin về cái gì. Bất kỳ cái gì cũng có thể trở thành hệ thống đức tin của bạn miễn là nó giúp được bạn vào những thời điểm khó khăn, trả lời những câu hỏi về cuộc sống của bạn, bạn có ý nghĩa thế nào với vũ trụ và vũ trụ mang đến cho bạn sự thoải mái như thế nào; sẽ không tốt nếu bạn có một hệ thống đức tin mà ngự trị ở đó là một vị thần lòng đầy căm thù và hung tợn đang quan sát từng cử động của bạn và làm cho bạn kinh hãi, buộc bạn phải khuất phục (tôi xin lỗi nếu bạn vừa trải qua một điều như thế, có lẽ bạn cần phải xem lại nó).

Chắc chắn bạn muốn xem xét xem liệu hệ thống đức tin của bạn có khiến cho bạn cảm thấy mình đầy tội lỗi hay bất hạnh hay không, có đòi hỏi bạn phải cắt một vài phần khỏi cơ thể mình hay không hoặc theo cách nào đó có làm méo mó hay thay đổi diện mạo của bạn hay không, khai trừ ai đó vì lý do chủng tộc và giới tính của họ, hay có cần bất cứ nghi lễ trang nghiêm nào để mang lại cho bạn sự thoải mái mà nó hứa hẹn hay không. Đối với một vài hệ thống đức tin lý tưởng thì không có bất kỳ người đứng đầu nào cần đến sự tôn sùng, tuân theo hay theo cách nào đó phục tùng, khuôn mẫu hay nghi thức. Đây là vấn đề cá nhân, nhưng đáng để nghĩ tới những gì mà khi có nó bạn sẽ trở nên tốt hơn.

Bạn không cần phải chứng minh hệ thống đức tin cho bất kỳ ai, không cần phải thanh minh cho nó hay thậm chí thể hiện nó, thuyết phục những người khác tin vào nó, hay nói chung bạn cũng không cần phải thuyết trình cho cả thế giới biết. Bạn có thể tự do có một đức tin riêng cho mình.

 

Quy tắc 24

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ đã làm điều này nhưng hầu hết họ đã nhầm. Có thể bạn nghĩ rằng mỗi ngày bạn vẫn luôn dành cho bản thân mình một chút thời gian nhưng tôi cược rằng bạn vẫn chưa làm điều đó.

Bạn thấy đấy, thậm chí cả trong những lúc chúng ta ở một mình, chúng ta cũng đều dành quá nhiều thời gian để lo lắng về những người khác, quan tâm đến gia đình, bạn bè và những người mà chúng ta yêu quý, do đó chỉ còn rất ít thời gian là hoàn toàn dành cho bản thân chúng ta.

Điều mà tôi đang nói tới không hề mang tính cách mạng, không khó khăn hay cực đoan. Trên thực tế điều này rất dễ dàng. Chỉ cần mỗi ngày bạn hãy bỏ ra một chút thời gian cho bản thân bạn. Có lẽ bạn chỉ cần bỏ ra mười phút và dành toàn bộ thời gian đó cho bản thân bạn. Điều này có ích kỷ không? Chắc chắn rồi. Tất nhiên nó ích kỷ nhưng cũng hết sức chính đáng - bạn là người chỉ huy, động cơ, động lực, là hòn đá tảng. Bạn cần có khoảng thời gian đó để phục hồi, làm mới, tiếp thêm sinh lực cho bản thân. Bạn cần khoảng thời gian đó để sửa chữa và hồi phục sức khỏe. Nếu bạn không cần khoảng thời gian đó, bạn sẽ không có được nguồn nhiên liệu sạch, động cơ của bạn sẽ bị xuống cấp và bản thân bạn cũng vậy.

Vậy chúng ta sẽ làm gì với khoảng thời gian đó? Câu trả lời là: hoàn toàn không làm gì cả. Và ý của tôi là không làm bất cứ điều gì. Đây không phải thời gian để bạn nằm trong bồn tắm, ngồi trong nhà vệ sinh, suy ngẫm, đọc báo hay để ngủ. Đây là chút ít thời gian dành cho bạn, thời gian để bạn nghỉ xả hơi, để ngồi yên lặng và hoàn toàn không làm bất cứ điều gì cả, chỉ hít thở thôi. Tôi thấy rằng mười phút ngồi trong vườn chỉ để hít thở thật kỳ lạ lại có thể làm tăng gấp đôi số phút đó trong ngày. Tôi ngồi ở đó, không nghĩ ngợi, không làm gì, không lo lắng, chỉ tồn tại ở đó để thưởng thức sự thích thú của việc mình đang sống.

Tôi phát hiện ra quy tắc này khi tôi còn là một thiếu niên. Tôi thấy nó thật vô giá vì nó là cách để giải thoát bản thân tôi khỏi những cảm giác lo lắng và hối hận. Mẹ tôi thường gọi to hỏi tôi: “Con đang làm gì đấy?” Và câu trả lời của tôi luôn là: “Không làm gì ạ”. Và mẹ tôi cũng luôn đáp lại rằng: “Vậy thì hãy vào đây và mẹ sẽ tìm một việc gì đó cho con làm”. Mẹ tôi cũng luôn nói với tôi: “Con sẽ không bao giờ đạt được điều gì nếu chỉ chúi mũi vào quyển sách đó”. Và câu nói của bà mà tôi thích nhất đó là: “Không ai cần phải suy nghĩ nhiều như con đâu”. Bạn trả lời câu nói đó như thế nào?

Tôi thấy rằng khoảng thời gian rảnh rỗi thực sự rất quan trọng và ngay khi tôi làm phức tạp nó lên thì tôi như vừa mất mát một điều gì đó. Nếu tôi uống một tách cà phê trong khoảng thời gian đó thì đó là một tách cà phê sai lầm và không còn chút thời gian nào cho riêng tôi nữa. Nếu tôi nghe nhạc, đó là những giai điệu sai lầm. Nếu tôi đọc sách báo thì tôi vừa đánh mất hoàn toàn chút thời gian ít ỏi dành cho tôi. Hãy giữ cho khoảng thời gian đó luôn đơn giản, mộc mạc và thuần tuý.

 

Quy tắc 25

Bạn cần phải lên kế hoạch cho bản thân. Kế hoạch cũng như là tập bản đồ, lời chỉ dẫn, mục tiêu, đường đi, biển chỉ đường, phương hướng, lộ trình hay một chiến lược. Nó nói lên rằng lúc này bạn đang đi đến đâu, đang làm cái gì và ở đâu. Nó tạo nên cấu trúc và hình dạng cuộc sống của bạn, sự cuốn hút và quyền lực.

Nếu bạn chấp nhận để cho cuộc sống chỉ mang lại cho bạn những thứ không có gì là mới mẻ thì bạn sẽ chỉ cứ thế băng băng dạt theo dòng chảy của cuộc sống. Vâng, đúng là không phải tất cả các kế hoạch đều thành công. Không phải tất cả các tập bản đồ đều dẫn đến kho báu. Nhưng ít nhất bạn sẽ chộp được cơ hội tốt hơn nếu bạn có bản đồ kho báu và một chiếc xẻng thay cho việc bạn bạn chỉ đào bới một cách hú họa hoặc như hầu hết những người khác, bạn chẳng hề chạm vào chiếc xẻng.

Một kế hoạch sẽ chứng tỏ rằng bạn đã để tâm một chút đến việc suy nghĩ về cuộc sống của bạn chứ không phải chỉ ngồi chờ chuyện gì đó sẽ đến. Hoặc lại như hầu hết mọi người, thậm chí không hề suy nghĩ về nó một chút nào, cứ thế mà tiếp tục cuộc sống của mình và luôn bị bất ngờ với những gì xảy ra. Hãy xác định những gì bạn muốn làm, lên kế hoạch cho nó và đưa ra những bước đi để bạn có thể đạt được mục tiêu của mình và tiến lên cùng với nó. Nếu bạn không lên kế hoạch cho dự định của mình thì dự định đó sẽ vẫn chỉ là một giấc mơ.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không có kế hoạch? Vâng, bản thân bạn sẽ thấy ngày càng nhiều cái cảm giác “ngoài tầm kiểm soát”. Nhưng nếu bạn có kế hoạch cho mọi việc thì chúng sẽ nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Một khi đã có kế hoạch, bạn hoàn toàn có thể có được hay tiếp cận được những bước đi hợp lý để hoàn thành kế hoạch đó. Một kế hoạch không phải là một giấc mơ. Nó là việc mà bạn có ý định làm chứ không phải là việc bạn muốn làm. Và lập kế hoạch có nghĩa là bạn đã suy nghĩ một cách thấu đáo để tìm ra phương pháp thực hiện điều đó.

Dĩ nhiên, như thế không có nghĩa là khi bạn đã lên kế hoạch thì bạn phải tuân thủ nó một cách triệt để. Kế hoạch đặt ra vẫn có thể được xem xét lại để hoàn thiện hơn hoặc thay đổi khi cần thiết. Kế hoạch không nên cứng nhắc. Hoàn cảnh thay đổi, bản thân bạn đã thay đổi, thì kế hoạch của bạn cũng phải thay đổi. Nội dung của kế hoạch không quan trọng, bạn hãy có kế hoạch trước đã.

Có kế hoạch sẽ giúp bạn có đường để thoái lui. Khi cuộc sống trở nên quá náo nhiệt chúng ta sẽ rất dễ quên đi việc chúng ta ở đây để làm gì. Có kế hoạch nghĩa là công việc đã được giải quyết ổn thỏa và bạn vẫn có thể nhớ được rằng: “Bây giờ mình đang định làm gì nhỉ? À, nhớ ra rồi, kế hoạch của mình là...”. Và bạn lại tiếp tục công việc theo hướng bạn đã vạch ra. 

 

Quy tắc 26

Điều này rất quan trọng. Khi chúng ta phải vật lộn với cuộc sống - và đó có thể là một cuộc vật lộn gay go - chúng ta cần giữ được trạng thái cân bằng. Những gì chúng ta làm và những gì chúng ta có được có thể cho đến giờ đã không còn nguyên vẹn như trước nữa và điều đó thật nực cười.

Chúng ta bị sa lầy trong những chuyện vớ vẩn, bị lạc trong những chi tiết nhỏ nhặt mà không đáng quan tâm và đến một mức độ nhất định nào đó cuộc sống của chúng ta có thể đã trôi qua mà thậm chí chúng ta không hề nhận thấy điều đó. Bằng việc gạt bỏ những gì thật sự không quan trọng chúng ta có thể đưa bản thân mình trở về đúng hướng.

Và cách tốt nhất để làm điều đó là luôn có óc hài hước, cười nhạo chính bản thân chúng ta, cười nhạo hoàn cảnh của chúng ta, nhưng đừng bao giờ cười nhạo những người khác, họ cũng đang lạc lối như chúng ta và không muốn mình bị cười nhạo.

Chúng ta bị sa lầy trong những thứ như lo lắng không biết những người hàng xóm nghĩ gì, quan tâm đến cả những chuyện linh tinh không phải của chúng ta, hoặc những việc mà chúng ta không làm: “Ồ không, hai tuần nay tôi chưa rửa xe và nó thật bẩn thỉu còn hàng xóm thì đã rửa xe của họ từ hôm qua nên điều đó khiến cho chúng ta trông nhếch nhác quá”. Nếu chúng ta luôn nghĩ là chúng ta đang trở nên như thế thì chúng ta nên cười nhạo điều đó. Cuộc sống là để sống, để hưởng thụ ánh nắng mặt trời và những điều lớn lao khác - đừng để mình bị rơi vào một tâm trạng tồi tệ chỉ vì bạn đã đánh rơi vài quả trứng ở siêu thị.

Cười nhạo bản thân bạn và những hoàn cảnh mà bạn thấy mình bị vướng vào có hai tác dụng tích cực. Thứ nhất, nó làm tan biến sự căng thẳng và giúp lấy lại sự cân bằng và thứ hai, nó có lợi cho thể xác cũng như có lợi về tinh thần. Tiếng cười có thể đưa đến sự giải phóng endorphin, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn cũng như cho bạn một viễn cảnh tốt đẹp hơn về cuộc sống.

Điều này không có nghĩa là lúc nào bạn cũng kể chuyện cười, hay đố những câu đố dí dỏm. Nó tạo cho bạn có nhiều khả năng hơn để nhìn thấy sự khôi hài trong bất cứ thứ gì cuộc sống đem đến cho chúng ta trong cuộc hành trình của mình - và tất cả mọi thứ đều luôn có chút gì đó hài hước. Một lần, tôi tỉnh lại sau khi bị ngất đi trong một vụ đâm xe nghiêm trọng. Tôi nằm trong phòng bệnh ở một bệnh viện và đang rất đau đớn. Khi bình phục, tôi đã đưa ra hai câu nói chọn lọc để miêu tả tình trạng của tôi. Và khi tôi đang nói điều đó, người y tá đã đến và mở rèm che chỉ để cho tôi nhìn thấy một bà xơ đang ngồi bên ngoài. Tôi đã rất xấu hổ và ngay lập tức xin lỗi bà ta. Bà ta nhìn tôi rất trang nghiêm, chớp mắt và nói một cách nhẹ nhàng: “Không sao, chính tôi cũng đã nói xấu bản thân mình”.

Nếu bạn quan sát tất cả các mặt trong cách cư xử của con người, bạn có thể thấy sự khôi hài trong tất cả những cách cư xử đó. Hãy học cách để tìm ra mặt khôi hài trong tất cả mọi thứ. Đó là phương pháp tốt nhất để ngay lập tức giảm được căng thẳng và làm tan biến những nỗi lo âu và sự hồ nghi.

 

Quy tắc 27

Mỗi hành động mà bạn thực hiện, mỗi quyết định mà bạn đưa ra, mọi thứ mà bạn làm đều có ảnh hưởng ngay tức thì tới những gì xung quanh bạn - và với cả bản thân bạn. Và đây là một điều rất quan trọng. Có thứ được gọi là số mệnh. Đó là chiếc giường của chính bạn và bạn chắc chắn sẽ nằm trên đó.

Những hành động của bạn sẽ chỉ ra cuộc sống của bạn nhìn chung đang diễn ra một cách vui vẻ hay tồi tệ, êm ả hay giống như thể là chiếc xe đã bị rơi mất bánh. Nếu bạn ích kỷ và độc đoán, điều này sẽ ảnh hưởng ngược trở lại bạn. Nếu nhìn chung bạn là một người nhân ái và chu đáo, bạn sẽ nhận được phần thưởng - và không phải là ở trên thiên đường (hoặc kiếp sau hay bất cứ những gì bạn tin tưởng) mà ở ngay đây, ngay lúc này.

Hãy tin tôi. Bạn làm bất kỳ điều gì và bạn làm điều đó như thế nào thì bạn cũng sẽ nhận lại chính những điều đó. Đây không phải là một sự đe dọa, mà chỉ đơn thuần là một sự quan sát. Người nào làm việc tốt sẽ nhận được những điều tốt đẹp. Kẻ nào làm việc xấu sẽ bị quả báo.

Tôi biết là chúng ta có thể chỉ tay vào những người không tự mình làm mọi việc và nói rằng họ vẫn rất hèn nhát. Nhưng ban đêm họ không ngủ. Họ không có ai thật sự yêu thương họ. Trong lòng họ rất buồn, cô đơn và sợ sệt. Những người luôn đi chia sẻ tình yêu và lòng tốt của mình sẽ nhận được phần thưởng là những gì họ đã cho đi.

Cũng giống như một ngạn ngữ cổ: “Gieo gió gặt bão”, bạn nhận được chính những gì mà bạn làm. Hãy nhìn vào khuôn mặt của những người luôn muốn chia sẻ niềm vui và bạn sẽ thấy những nét vui sướng và cả những nụ cười. Nhìn vào khuôn mặt của những kẻ chỉ thích đi ức hiếp người khác, chỉ làm theo ý mình và những kẻ ngạo mạn, hay đòi hỏi hoặc xấu xa, bạn sẽ nhìn thấy ở họ những nếp nhăn của sự đau khổ, sợ hãi và lo lắng mà đáng nhẽ đó phải là vẻ mặt của sự thanh thản. Những nếp nhăn này sẽ không thể che lấp được bằng kem trang điểm, bằng việc làm cho da rám nắng, hay phẫu thuật thẩm mỹ. Họ nhận được chính những gì mà họ đã làm và bạn có thể thấy điều đó trong mắt họ. Và tất nhiên cả trong những hành động của họ nữa.

Vậy bạn hãy thận trọng trong việc hành động. Bạn làm điều gì, bạn sẽ nhận lại chính điều đó. Luôn luôn có số mệnh. Gieo nhân nào được quả ấy. Tốt hơn là bạn hãy đứng lên và coi như bạn đã làm đúng ngay từ đầu. Hãy luôn làm những điều đúng đắn. Bạn biết những điều đó là gì. Sau đó khi bạn nằm vào chiếc giường mà bạn vừa chuẩn bị, bạn không những có thể ngủ ngon vào ban đêm mà bạn còn có thể ngủ cho cả giấc của ngày hôm qua.

 

Quy tắc 28

Có lần một người nào đó đã nói rằng nửa số tiền mà anh ta dùng vào việc quảng cáo là lãng phí nhưng anh ta không biết đó là nửa nào. Tất nhiên, ý của anh ấy là nếu bạn không thể nói được đó là nửa nào thì bạn vẫn phải sử dụng toàn bộ tấm vé số và phải hoàn toàn nhận thức một điều là không phải tất cả chúng sẽ mang lại phần thưởng cho bạn.

Cuộc sống cũng gần giống như vậy. Đôi khi cuộc sống dường như rất bất công. Bạn đã cố gắng rất nhiều nhưng bạn không nhận được bất kỳ điều gì cả. Bạn luôn tỏ ra lịch sự với mọi người nhưng dường như tất cả mọi người lại đối xử thô lỗ với bạn. Bạn đang rất lo lắng về một công việc đầy khó khăn nhưng mọi người lại nhởn nhơ với nó.

Bạn vẫn phải làm hết tất cả mọi việc bởi vì bạn không biết phần công việc nào sẽ mang lại thành công. Tôi biết điều đó là không công bằng nhưng cuộc sống không phải như thế. Những nỗ lực của bạn cuối cùng rồi cũng sẽ được đền đáp nhưng có thể bạn sẽ không bao giờ biết được nỗ lực nào của bạn đang được đền đáp - hay vì điều gì mà bạn được đền đáp - và những nỗ lực nào của bạn không được đền đáp.

Chúng ta hay nghĩ rằng đôi khi chúng ta rất may mắn khi được đền đáp cho những nỗ lực trước đó của mình mà thậm chí chúng ta hầu như đã quên mất. Chúng ta vẫn phải tiếp tục tiến lên. Bạn không thể khai báo cho người khác biết bạn đã vấp phải một hay hai sự thất bại bởi vì bạn không biết là thất bại nào thì bị tính đến và thất bại nào thì không. Tôi cho rằng những thất bại đó giống như số ếch mà bạn cần phải làm quen trước khi bạn tìm ra chàng hoàng tử (hay nàng công chúa) của mình, hay bạn cần phải mở một đống đầy những con trai để tìm ra một viên ngọc.

Nhưng dù bạn làm bất cứ điều gì, bạn cũng đừng đánh mất lòng nhiệt huyết của mình chỉ vì nghĩ rằng mọi thứ dường như sẽ không có kết quả. Chỉ bằng cách luôn nỗ lực thì cuối cùng bạn mới được đền đáp - và bạn sẽ không bao giờ biết được rằng nỗ lực nào sẽ được đền đáp nhiều nhất.

Hầu hết những người có khả năng cân bằng tốt và hạnh phúc cũng sẽ nói với bạn rằng đôi khi bạn phải làm một việc gì đó mà không chờ đợi phần thưởng - ngoại trừ một phần thưởng ngay tức thì cho việc chúng ta đã phải làm việc quá bận rộn và như thế bạn sẽ không rơi vào trạng thái phiền muộn. Luôn luôn tìm kiếm thành công, sự đền đáp, phần thưởng… có thể sẽ làm giảm niềm hạnh phúc của chúng ta nếu những điều đó không đạt kết quả. Đôi khi bạn cũng có thể làm những điều hoàn toàn chỉ là vì bạn thấy thích thú khi làm chúng. Tôi thích vẽ những bức tranh nhỏ bằng màu nước - những bức tranh phong cảnh nhỏ nhỏ. Một lúc nào đó sẽ có một người đi tới và gợi ý rằng tôi nên mở một cuộc triển lãm để trưng bày chúng hoặc đem chúng đi bán. Và mỗi khi tôi làm điều đó không thành công tôi liền bỏ vẽ trong một thời gian. Và đến khi bụi bặm đã phủ đầy lên chúng tôi lại quay trở lại chỗ chúng và tôi rút ra một bài học cho bản thân rằng tôi sẽ không cố gắng để bán chúng hay trưng bày chúng nữa. Trong cuộc sống của tôi chúng không dùng để kiếm ra lợi nhuận và với tôi chúng vô cùng quý giá. Không, bạn không được phép xem chúng.

 

Quy tắc 29

Hãy sẵn sàng để mỗi ngày bạn luôn dũng cảm. Tại sao? Bởi vì nếu không bạn sẽ trở nên chậm chạp, tẻ nhạt, sống khép mình và trở nên khô héo. Tất cả chúng ta đều có những nơi trú ngụ của riêng mình và ở đó chúng ta cảm thấy an toàn, ấm áp và khô ráo.

Nhưng cho dù là bây giờ hay là sau này đi nữa chúng ta cũng cần phải bước ra khỏi nơi trú ngụ của mình, đương đầu với những khó khăn thử thách và cả những sự sợ hãi, kích động. Theo cách này bạn sẽ giữ được sự trẻ trung và cảm thấy hài lòng về bản thân mình.

Nếu bạn quá gắn bó mà không chịu bước ra khỏi nơi trú ngụ của mình, cơ hội dành cho bạn sẽ ít dần đi, hay một điều gì đó sẽ xảy đến và lấy đi mất cơ hội của bạn. Số mệnh, hay bất cứ cái gì đang điều khiển mọi thứ, không cho phép chúng ta được quá tự mãn với bản thân và nó sẽ đá cho chúng ta một cú thật đau để thức tỉnh chúng ta. Nếu đôi khi chúng ta biết mở rộng những cái kén bao bọc mình thì cú đá đó sẽ không thể ảnh hưởng nhiều đến chúng ta - chúng ta luôn sẵn sàng với nó - chúng ta sẽ đối phó với nó dễ dàng hơn.

Nhưng điều này còn hơn thế. Mở rộng phạm vi an toàn sẽ khiến bạn cảm thấy hài lòng về bản thân. Nó khiến bạn trở nên tự tin hơn. Hơn thế nữa bạn có thể làm điều đó một cách rất nhẹ nhàng. Bạn không cần phải lái tàu lượn, đi trên than hồng hay làm chuyện ấy với một người lạ chỉ để kiểm tra phạm vi an toàn của mình. Nó có lẽ cũng đơn giản như việc tình nguyện làm một điều gì đó mà trước đấy bạn chưa bao giờ làm và bạn cảm thấy hơi lo lắng một chút. Đó có thể là thử chơi một môn thể thao mới hoặc có một sở thích mới. Có thể điều đó cũng bao gồm cả việc tham gia vào một việc nào đấy. Đó có thể là tự mình làm một việc mà trước đó bạn mới chỉ làm một lần ở công ty hay nói thẳng ý kiến của mình về những việc mà bình thường bạn luôn giữ im lặng.

Mở rộng phạm vi an toàn sẽ khíến bạn cảm thấy hài lòng về bản thân.

Chúng ta đặt ra rất nhiều giới hạn cho bản thân để hạn chế chúng ta, kìm nén bản thân chúng ta. Chúng ta nghĩ chúng ta không thể làm điều đó, chúng ta không cảm thấy hạnh phúc với điều đó. Chấp nhận thử thách mở rộng phạm vi an toàn của mình sẽ đưa chúng ta vượt lên chính mình, bắt chúng ta phải luôn học hỏi và trưởng thành. Bạn sẽ không thể trở nên lạc hậu nếu bạn luôn trải nghiệm.

 

 

Quy tắc 30

Có thể bạn không thích câu trả lời nhưng ít nhất bạn cũng biết được câu trả lời đó là như thế nào. Hầu hết những vấn đề xảy ra trên thế giới này đều có thể giải thích được. Nếu chúng ta cho rằng, không, tôi sẽ không làm chuyện tồi tệ đó. “Nó khiến cho bạn và tôi trở nên lố bịch”.

Và kết quả là chúng ta cho rằng chúng ta biết điều đó nhưng thực ra chúng ta không hề biết gì cả, chúng ta tưởng những lời buộc tội sai lầm là có thực nên mọi thứ vẫn tồi tệ, chúng ta nghĩ rằng những người khác rất thích kế hoạch của chúng ta nhưng trên thực tế thì họ không hề thích kế hoạch của chúng ta chút nào và nó bị cho vào sọt rác. Tốt hơn là ngay từ đầu bạn hãy đặt ra những câu hỏi và bạn sẽ biết được điều bạn cần biết đó là gì.

Câu hỏi giúp làm sáng tỏ vấn đề. Câu hỏi buộc người ta phải hành động, điều đó có nghĩa là họ cần phải động não suy nghĩ - và suy nghĩ luôn là điều rất có ích cho tất cả mọi người trong mọi công việc. Câu hỏi giúp người ta sáng tỏ trong những suy nghĩ của mình. Câu hỏi cần phải có câu trả lời và câu trả lời đòi hỏi vấn đề phải được xem xét kỹ càng để đưa đến một kết luận hợp lý.

Như một người thông thái và thân thiết đối với tôi từng nói: “Bạn càng hiểu rõ đức tin, hành động, khát vọng và mong muốn của những người khác, bạn càng có khả năng đối đáp lại họ một cách đúng đắn, thay đổi suy nghĩ của bạn những khi cần thiết và nói chung là bạn sẽ thành công”.

Câu hỏi giúp người ta sáng tỏ trong những suy nghĩ của mình.

Việc đặt ra những câu hỏi sẽ cho bạn thời gian để suy nghĩ, để được nghỉ xả hơi. Việc này tốt hơn là việc bạn luôn nôn nóng vì nghĩ rằng mình đã hiểu vấn đề, tốt hơn là bạn nên đặt vài câu hỏi để tìm ra sự thật. Bạn sẽ được trang bị tốt hơn để phản ứng lại một cách hợp lý, bình tĩnh, và chính xác.

Bạn có thể nói chuyện với những người thực sự nắm luật chơi; họ là những người luôn đặt câu hỏi trong khi những người khác lại đang phản ứng lại, đang hoang mang, hiểu sai vấn đề, kiêu căng, mất tự chủ và nói chung đang cư xử một cách tồi tệ.

Hãy luôn tự hỏi bản thân, hỏi xem tại sao bạn nghĩ rằng bạn đúng hay sai. Hỏi bản thân bạn xem tại sao bạn lại đang làm một việc nào đó, tại sao bạn lại muốn những thứ khác, tại sao bạn lại làm theo phương pháp đó. Hãy hỏi bản thân bạn một cách kiên quyết và nghiêm khắc bởi vì có thể sẽ không có ai làm điều đó cả. Và bạn cần điều đó. Tất cả chúng ta đều cần. Nó giữ cho chúng ta không tự cho rằng chúng ta biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta.

Tất nhiên có những khi chúng ta không nên đặt câu hỏi, dù đó là câu hỏi về ai khác hay về bản thân. Chúng ta phải biết khi nào nên im lặng. Quả thực, phải mất nhiều thời gian chúng ta mới học được tất cả những điều này và chắc chắn sẽ phạm sai lầm. Còn câu hỏi nào nữa không?

 

 
Trở lại     Đầu trang