loading
Suy ngẫm
Hoa sen và bùn

 

Người ta thường nói đến giá trị của khổ đau là để nâng cao giá trị của hạnh phúc. Cũng như hay lấy bùn để tôn xưng sự tinh khiết của hoa sen - "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Vì vậy hoa sen thường được dùng làm biểu tượng cho những gì cao quý - thỏng tay vào trần mà không nhiễm bụi trần. Giá trị của bùn (hay bụi trần) ở đây là làm cho hương thơm của hoa sen càng có giá trị. Đừng phủ nhận bùn khi nói đến hoa sen. Bài học đạo đức "giác ngộ" ở đây đã rõ.

Nhưng “Thị pháp trụ pháp vị”, mỗi pháp đều có một vị trí, một “đang là” của chính nó, không thể so sánh với bất cứ gì khác. Hoa sen có "vị" của hoa sen, bùn có "vị" của bùn. Mùi thơm của hoa sen hay mùi hôi của bùn là do cảm quan của loài người, chứ sen hay bùn... chẳng nói gì cả. Chúng chẳng nâng giá trị gì cho nhau. Do nhân duyên mà sen mọc trên bùn: sự vận hành của Pháp!

Vậy “khổ đau” có "vị" của khổ đau, “hạnh phúc” có "vị" của hạnh phúc, giá trị hoàn toàn như nhau nếu chúng "đang là", chứ không phải nhờ khổ đau mới thấy giá trị của hạnh phúc hay hạnh phúc chỉ được nhận diện trên cái nền của khổ đau... Sao không thấy hương sen, mùi bùn, hạnh phúc, đau khổ... như thật và thế thôi?

Thật ra, biết và chấp nhận giá trị của khổ đau hay những gì gọi là “mặt trái” cũng đã rất tích cực. Nó giúp giảm thiểu vừa lòng, nghịch ý, tham cầu, chống đối… khi tương giao với mọi sự. Nhưng nếu không vượt thoát khỏi… mệnh đề “A kéo theo B” thì mãi vẫn còn trong phân biệt, dù rất vi tế. Mà “đương xứ tức chân” nên mới có thể nói "Ta bà là Tịnh độ" đúng nghĩa, chứ không phải ngầm chỉ Ta bà là… background của Tịnh độ - nhờ có “hậu cảnh” Ta bà mà “chính cảnh” Tịnh độ tỏa sáng!

(LT)

 
Trở lại     Đầu trang