Thỉnh thoảng các cơn đau lưng, đau chân, nhức mỏi cơ thể khiến bạn không muốn rời khỏi giường vào mỗi buổi sáng. Bổ sung một số thực phẩm có thể giúp bạn giảm đau, theo báo The Times of India.
Các loại ngũ cốc giàu ma giê, khoáng chất giúp giảm đau cơ bắp trong cuộc nghiên cứu ở động vật.
Gừng là một trong những “thuốc” giảm đau tốt nhất. Gừng chứa các chất gingerol, paradol, shogaol và zingerone, vốn là những thành phần giảm đau tốt. Uống trà gừng vào mùa đông để giảm các cơn đau, nhức mỏi cơ thể định kỳ.
Nghệ cũng là loại gia vị giảm đau hiệu quả. Đó là nhờ hợp chất curcumin có trong nghệ, làm giảm các cơn đau buốt.
Khi đề cập đến tác dụng chống đau, dầu ô liu được xem như một loại thuốc. Dầu ô liu rất giàu chất chống ô xy hóa polyphenol giúp giảm cơ chế gây đau trong cơ thể. Dầu ô liu là một thực phẩm tốt thay thế bơ, vốn giàu chất béo bão hòa có thể làm yếu xương và gây đau nhức. Nhưng nhớ dùng dầu ô liu cẩn thận vì mỗi muỗng canh dầu này cung cấp tới 120 calo.
Cá hồi rất giàu a xít béo omega 3 và vitamin D, chất giảm đau tốt. Loại cá giàu a xít béo omega 3 khác là cá thu, nhưng ăn cá thu không tốt đối với người có vấn đề về a xít uric. Vì vậy, tốt hơn nên lựa chọn cá hồi.
Hạnh nhân là nguồn dồi dào a xít béo omega 3 và các chất chống ô xy hóa giúp kiểm soát cơn đau.
Dâu tây chứa nhiều vitamin C, một chất chống ô xy hóa có đặc tính giảm đau tốt. Một số cuộc nghiên cứu cho thấy vitamin C có thể giúp mọi người cảm thấy đau ít hơn sau khi bị gãy xương hoặc trải qua cuộc phẫu thuật chỉnh hình.
Rau xanh, như cải bó xôi, rau dền không chỉ có hàm lượng sắt cao mà còn chứa nhiều vitamin K giúp duy trì xương và các khớp xương vững chắc. Một nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi nếu có nồng độ cao vitamin K trong máu thì ít có khả năng bị viêm khớp hơn so với những ai có nồng độ vitamin K thấp. Tuy nhiên, vitamin K có tác dụng đông máu, do đó, nếu bạn đang dùng chất làm loãng máu, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tăng lượng hấp thụ vitamin K.
Các sản phẩm từ sữa như sữa chua và phô mai có thể giúp giảm đau. Chúng chứa hai dưỡng chất củng cố xương là can xi và vitamin D. Vitamin D có thể làm giảm cơn đau mãn tính, theo kết quả nhiều cuộc nghiên cứu.
Resveratrol trong rượu vang, nho và nước nho ép thường có tác dụng giảm đau tương tự như aspirin, theo một số nghiên cứu. Bạn có thể bổ sung resveratrol cho cơ thể bằng cách dùng một ít rượu vang, ăn nho đỏ hoặc nhấm nháp nước nho ép.
Nhất Linh
Nóng trong người
Nóng trong người tưởng chừng là hiện tượng bình thường nhưng có những tác hại không lường, nếu không có phương cách giải quyết hiệu quả.
Hầu hết chúng ta, ai cũng một lần bị bệnh nóng trong, mà theo Đông y nguyên nhân là do tâm bị nhiệt. Nguyên nhân sâu xa hơn là chức năng tiêu độc của gan và chức năng bài tiết của thận suy giảm.
Chức năng tiêu độc của gan là một trong những chức năng quan trọng để chuyển hoá thức ăn. Khi ta ăn các chất đạm, béo, đường (có nguồn gốc động vật, thực vật)… bộ máy tiêu hóa của chúng ta phân hủy các chất đó thành các axit amin cơ bản rồi tổng hợp chúng lại thành các chất để duy trì hoạt động của cơ thể. Quá trình đó sinh ra các chất độc nên gan phải chuyển hóa các chất độc thành dạng vô hại và đẩy ra khỏi cơ thể theo 3 cách: đại tiện, tiểu tiện và mồ hôi.
Chức năng gan kém sẽ kéo theo thận phải làm việc nhiều hơn bình thường để bài tiết ra khỏi cơ thể. Khi cả chức năng tiêu độc và bài tiết của hai bộ phận này suy yếu cộng với sức khoẻ giảm sút, cơ thể dễ dàng bị phong (gió), nhiệt (nóng), thấp (ứ nước) sẽ gây ra trứng cá, mụn nhọt, mề đay, u bã đậu, lở ngứa, dị ứng...
Ngoài ra bệnh nóng trong còn do rất nhiều yếu tố: sử dụng nhiều loại thuốc trong giai đoạn điều trị bệnh; uống nhiều bia rượu, hút nhiều thuốc lá; ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn cay, nóng, chất béo, chất đạm, thực phẩm quá ngọt là các chất quá nhiều năng lượng; làm việc trong môi trường ô nhiễm và thời tiết nóng bức làm các tế bào hô hấp mạnh hơn nên sinh nhiệt trong người…
Hậu quả khó lường
Nhiệt độc tích tụ lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch trong cơ thể, làm dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa.
Nhiệt độc lâu ngày còn có nguy cơ thâm nhập phần huyết (gây chứng huyết nhiệt) có thể dẫn đến sốt cao, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, rối loạn thành mạch…
Thiếu tân dịch, mất nước quá nhiều còn có thể dẫn đến tiểu ít, rối loạn chất điện giải, urê huyết cao gây co giật, hôn mê, nặng nhất là nhiễm độc thần kinh có thể gây tử vong.
Điều trị trong – ngoài
Nóng trong người biểu hiện cả bên ngoài lẫn bên trong, do đó để giảm hiệu quả hiện tượng nóng trong người, người bệnh vừa phải sử dụng một số loại thuốc bên ngoài và kết hợp với các loại thuốc uống mới mong đạt hiệu quả cao. Một số thảo dược trong Đông y có vị đắng, tính mát (hoặc hàn) tác dụng thanh nhiệt, chống khô khát trong người, nhuận tràng, giải độc, mát gan như kim ngân, sài đất, cỏ mực, cúc hoa, sắn dây, huyền sâm, sinh địa, rau má, cỏ tranh, mã đề, râu bắp, râu mèo, rong biển… thường được sử dụng rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, chúng ta cần thường xuyên tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ và chạy để ra nhiều mồ hôi. Việc tập thể dục rất quan trọng vì các loại thuốc tiêu độc đều không thể tiêu hết độc. Tập thể dục vừa đẩy độc tố ra khỏi cơ thể vừa tăng cường chức năng toàn thân, tăng cường thể lực.
Yếu tố tinh thần hết sức quan trọng, chúng ta cần phải giữ tâm trạng thoải mái, tránh stress, ức chế lâu dài và hoạt động tình dục hợp lý để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Ngoài ra, chúng ta cần có chế độ ăn uống thích hợp, tránh thừa dinh dưỡng và các chất gây dị ứng để hạn chế tối đa việc phát sinh chất độc và tránh xa chất kích thích thần kinh như: rượu bia, thuốc lá, cà phê…
Ngoài ra, việc bổ sung một số loại thức ăn mát, luộc, hầm như: canh khổ qua, bí đao, bí đỏ, bầu, diếp cá, rau ngót, mã đề, rau má, rau đay, mồng tơi… và các loại hoa quả dưa hấu, dưa gang, cam, bưởi, thanh long… sẽ giúp bạn nhanh chóng có một cơ thể khỏe mạnh và làn da đầy sức sống.
Bài: Thiên An
(theo tư vấn của Bs Nguyễn Thị Hương, BV Nội tiết )
- 9 điều cần biết về nước uống
- Tác dụng giải độc của các loại đậu
- Vài phương pháp tự chữa trị chứng ù tai
- 7 loại thực phẩm tốt nhất cho gan
- Những điều nên biết về cây lô hội
- Bệnh do hàm lượng cholesterol cao gây ra và cách phòng ngừa
- Lợi ích sức khỏe từ giá đỗ
- Đau lưng dưới
- Sự cần thiết của việc uống nước trong ngày
- Tám hiểu lầm cần tránh khi ăn trái cây
- Vỏ hoa quả
- Thực phẩm biến đổi gen
- Phòng bệnh bằng đậu nành
- Chất độc “náu” chỗ nào trong thực phẩm
- 5 nơi con người sống thọ nhất hành tinh