loading
Sống khỏe
Tác dụng giải độc của các loại đậu

Mùa hè nắng nóng, các loại đậu, đỗ như đỗ xanh, đỗ đen, đỗ đỏ được tiêu thụ mạnh bởi người dân mua về nấu cháo, nấu chè ăn giải nhiệt. Theo Đông y, các loại đỗ này còn có tác dụng giải độc, nếu biết kết hợp dùng theo nguyên lý của Đông y thì còn hỗ trợ chữa được bệnh.

BS Phạm Thúy Hòa, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đứng trên quan điểm dinh dưỡng, mùa nào dùng đậu đỗ cũng tốt bởi đây là thực phẩm giàu đạm và vitamin nhóm B. Chính giá trị dinh dưỡng giúp cho cơ thể tăng sức đề kháng. Đậu đỗ cung cấp kali, natri, bồi phụ các vitamin cho cơ thể. Vào mùa hè, ăn bát chè đậu đỗ có kèm chút muối có tác dụng giải nhiệt (khi nấu chè có kèm vài hạt muối sẽ giúp cơ thể cân bằng điện giải)...

Theo BS Cao Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Thừa kế ứng dụng Đông y, Hội Đông y Hà Nội, người dân đã sử dụng đậu đỗ như một món ăn nhuận tràng và giải độc. Các loại đậu đỗ nói chung đều tốt. Tùy vào mục đích (giải độc, chữa bệnh ở tạng phủ nào) mà sử dụng loại đậu phù hợp. Ví dụ, đỗ xanh giải độc ở gan, giải độc thận dùng đỗ đen, giải độc ở tâm tỳ dùng đỗ đỏ, giải độc ở phế dùng đậu ván trắng... 

Nói một cách cụ thể hơn, người gan nóng sẽ dùng đậu xanh, người đi tiểu nóng hay đi đái rắt, đái buốt, dùng đỗ đen; Người nổi rôm nhiều thì có thể dùng kết hợp đỗ đen và đỗ trắng. Dùng sống hoặc nấu canh sẽ có tác dụng tốt hơn. Đặc biệt, trường hợp ngộ độc nóng, người say rượu, dùng đậu ván trắng giã lấy nước cho uống sống rất tốt. Còn nếu trời nắng nóng, người bị chứng khô miệng, dùng đỗ đen, đỗ xanh đều tốt.

Có một điều cần lưu ý, vỏ các loại đậu đỗ mới có tác dụng chính trong việc giải độc. Vì thế, khi ăn, không nên bỏ vỏ (không đãi vỏ). Nếu đậu đỗ đã đãi vỏ thì chỉ còn là món ăn dinh dưỡng, còn tác dụng giải độc và giải nhiệt sẽ gần như mất. Ngoài việc dùng đậu đỗ nấu chè ăn giải nhiệt, dùng đỗ xanh, đỗ trắng nấu canh với sấu sẽ thành món ăn rất bổ mát (hợp với người can hỏa và tính chất giải độc cao). 

Trong 100g đậu đỗ cung cấp khoảng 350Kcal năng lượng (tương đương với gạo); Lượng chất béo, nhìn chung là thấp (chỉ khoảng từ 1 - 3g) trừ đậu tương cung cấp 18g; Lượng protein trong đậu đỗ (khoảng từ 20 - 25g), cao gấp 3 lần so với gạo. Đặc biệt, hàm lượng protein trong đậu tương lên tới 34 - 40g. Đậu đỗ giàu vi chất dinh dưỡng cần thiết như: vitamin nhóm B, vitamin C, kẽm, canxi, sắt.

 

 
Trở lại     Đầu trang