loading
Sống khỏe
Sức khỏe Tinh Thần

 

Một hôm tôi gặp một bệnh nhân người Algeria. Ông đến với tôi vì chúng tôi có thể nói với nhau một ít tiếng Pháp. Ông bị cao áp huyết, cao mỡ trong máu.

Khi bàn về điều trị, tôi khuyên ông bỏ thuốc lá. Ông cười, tỏ vẻ hiểu biết nhưng lại xin kể một chuyện vui vui. Ông nói: “Có người khuyên bạn rằng nếu anh không hút thuốc lá thì anh có thể sống đến 60 tuổi, nếu không uống rượu thì có thể sống đến 70 tuổi, nếu không “chơi bời” thì có thể sống đến 80 tuổi. Người bạn hỏi lại rằng nếu sống đến 80 tuổi mà không hút thuốc lá, không uống rượu, không chơi bời, thì sống để làm gì?” 

Tôi biết rằng ông đang ở giai đọan lưỡng lự giữa bỏ hút thuốc hay tiếp tục, nên tìm cách chống chế. Vì theo ông, ăn, ngủ, tình dục là những điều quan trọng; tìm cảm giác dễ chịu tự nó không xấu nhưng làm thế nào cho phù hợp với đời sống mới là điều cần phải cân nhắc, xem xét...

Con người là động vật có bộ não rất phát triển, do đó con người có thể nhận biết và suy nghĩ, nghĩa là có ý thức. Vì có ý thúc nên chúng ta vui, giận, buồn, yêu, ghét, và ham muốn.

 Sự ham muốn đầu tiên là muốn sống: bản năng sinh tồn là bản năng mạnh nhất, sau đó là bản năng sinh dục, nhờ vậy mà nhân lọai tồn tại. Nhưng con người không chỉ sống bằng bản năng. Loài vật sống thành bầy, săn mồi, sinh sản theo mùa, trôi nổi theo sự ngẫu nhiên của môi trường. Người nguyên thủy cũng ăn lông ở lỗ, nhưng nhờ biết suy nghĩ, làm ra dụng cụ nên săn bắt có hiệu quả. Từ khi tìm ra lửa, cuộc sống được nâng lên một bậc cao hơn,  người ta có thể sưởi ấm và không còn ăn thịt sống. Từ những bộ lạc du mục, quen phá rừng đốt rẫy, người ta dừng lại chung sức, xây dựng làng mạc, trở thành xã hội có tổ chức.

Khoa học kỹ thuật phát triển làm cho cuộc sống sung túc hơn. Văn học nghệ thuật phát triển làm cho người ta hiểu nhau hơn, biết chuộng cái hay, cái đẹp, xây dựng nên những phong cách cư xử khiến cho sự tiếp xúc giữa người với người được dễ dàng. Tìm sự thật, yêu cái hay cái đẹp, bênh vực lẽ phải, tìm sự hài hòa trong các mối quan hệ, bảo vệ sự sống là sinh họat tinh thần.  

Nhiều người cho rằng tinh thần và vật chất là hai yếu tố riêng biệt. Nhưng tinh thần và vật chất cùng ở trong một người. Ta có thể nhận thấy tác dụng giữa tinh thần và vật chất qua kinh nghiệm hàng ngày. Khi một người giận, mắt trợn ngược, nét mặt căng thẳng, thở dồn dập, nói to, áp huyết tăng, đường trong máu tăng; khi một người sợ, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, tay run rẩy, nói không ra hơi; khi một người bình tĩnh, thở đều hòa, tim đập chậm, áp huyết hạ. Khi cháu bé khỏe, cháu sẽ vui vẻ ăn uống, chạy nhảy... Khi cháu bị bệnh, cháu sẽ gắt gỏng, khóc vòi, kém ăn, khó ngủ.... 

Khoa học cũng chứng minh có sự tương quan giữa đời sống tinh thần và bệnh tật.

Đời sống tinh thần bao gồm thái độ đối với người và ngoại vật kể cả hệ thống tin tưởng và tôn giáo. Theo bác sĩ Koenig HG và  CSV (Handbook of religion and health: a century of research review. New York; Oxford University Press, 2000) hai phần ba trong số 1200 báo cáo cho thấy có sự liên quan giữa sinh hoạt tôn giáo với sức khỏe tinh thần và vật chất.

Theo Mathews DA và CSV (Religious commitment and health status: a review of the research and implications for family medicine. Arch Fam Med 1998; 7; 118-24) đời sống tâm linh có tác dụng trong việc:

Ngừa bệnh tâm lý và sinh lý. Người thường dự các lễ nghi tôn giáo, ít bị lo âu, trầm cảm, ít bị cao áp huyết, và sống lâu hơn. Có thể vì người hay dự các lễ nghi tôn giáo chú ý đến cách sống, không làm điều gì thái quá, cũng có thể họ thăm hỏi, nhắc nhở nhau giữ gìn sức khỏe tốt hơn

Giúp đối phó với bệnh tâm thần và cơ thể. Những người có lòng tin, từ sự tự tin ở bản thân, tin ở thầy thuốc, tin ở khoa học  hay tin ở tôn giáo sẽ an tâm do đó sẽ hợp tác với điều trị nên điều trị có kết quả tốt hơn.

Giúp sự bình phục. Người có tin tưởng sẽ có thêm nghị lực do đó sẽ cố gắng để phục hồi. Trầm cảm tuy là bệnh tinh thần nhưng làm giảm khả năng miễn dịch nghĩa là giảm sức chống lại sự xâm nhập của vi trùng. Cùng bị tai biến mạch máu não nhưng người buồn bã chán nản sẽ nằm một chỗ do đó sẽ không chịu tập luyện để khôi phục lại khả năng đã mất, lâu ngày sẽ bị biến chứng như lở loét ngoài da, nhiễm trùng từ vết loét... Ngược lại người có tin tưởng, sẽ phấn đấu, cố gắng ngồi dậy, tập đi vv…, do đó sẽ phục hồi tốt hơn.  Người đó cũng cẩn thận dùng thuốc đúng hơn, do đó sẽ ít bị tái phát hơn, nên sẽ sống lâu hơn. 

Y khoa coi các báo cáo về đời sống tâm linh và sức khỏe là những sự kiện cho thấy có liên hệ giữa tinh thần và bệnh tật và giải thích các sự kiện này một cách khách quan trên cơ sở khoa học.

Để giữ gìn sức khỏe tinh thần, mỗi người cần có cái nhìn thực tế về bản thân mình, cần chú ý đến các lãnh vực sau đây:

Cơ thể. Cần làm việc, ngủ, nghỉ đầy đủ, cần tập luyện cơ thể, ăn cân bằng các chất dinh dưỡng, khám sức khỏe định kỳ. Sự làm việc không những mang lại cho ta tiền bạc, nhưng còn giúp cho cơ thể vận động, là cơ hội để hợp tác với người khác và cho ta ý niệm về giá trị của sức lao động .

Tâm trí. Cần có thái độ lạc quan, yêu đời, cần thư giãn, tu thiền, bỏ qua những thất bại đau buồn trong quá khứ, cần biết ơn và biết tha thứ, không hận thù dằn vặt. Những người lớn tuổi mà tôi gặp đều vui vẻ, sống đơn giản, không mưu mô xảo quyệt, không dùng người khác làm phương tiện phục vụ cho bản thân mình.

Xã hội. Cần giao tiếp với người khác, hòa nhã, tôn trọng, không lấn át người khác, chia sẻ sự lo âu buồn phiền với thân nhân hoặc bạn bè. Sự cô độc làm cho ta suy thoái về vật chất và tinh thần. Khi nàng Kiều bị giam hãm ở lầu Ngưng Bích, than rằng: “Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu, giết nhau bằng cái Ưu Sầu, độc chưa?!”

Tâm linh. Cần họat động tinh thần tùy theo sở thích và khả năng như trồng hoa, nuôi súc vật, nghe nhạc, làm văn nghệ, nuôi dạy trẻ,  làm việc từ thiện, sống có mục đích, có niềm tin, hãy cầu nguyện nếu có tín ngưỡng.

Vật chất.  Cần có việc làm ổn định, có thu nhập vì sự an toàn vật chất giúp an tâm duy trì sức khỏe tòan diện.

Nói chung, ta cần có thái độ tích cực, dấn thân và luôn luôn tìm tòi học hỏi.

Ðể có một sức khỏe tinh thần tốt đẹp!

(Bác sĩ Nguyễn Văn Ðích)

 

 
Trở lại     Đầu trang