loading
Sống khỏe
Bí ẩn địa y


Đổ một ít nước vào chiếc đĩa nhám (làm bằng đất sét nung) rồi đem sừng tê giác mài vào, nó sẽ cho ra một thứ nước trắng đục như sữa, thứ nước này uống vào có thể chữa khỏi nhiều thứ bệnh, thậm chí khi bị sốt cao có thể chữa khỏi tức thời... Đó là sự thật được nhiều người kiểm chứng. Nhưng vấn đề là sự thật nằm ở chỗ nào?

    

Sức khỏe con người sẽ tốt hơn khi được gần gũi với đất lành

  

Khoa học hiện đại đã có nhiều nghiên cứu  phân tích các chất trong sừng tê giác và khẳng định nó chẳng chứa các chất đặc biệt nào có thể “chữa bệnh” được,  mà chỉ gồm các thành phần chính là keratin, melanin và calci phosphat. Khảo sát mới đây nhất của các nhà khoa học Hoa Kỳ thuộc Đại học Ohio cho thấy các chất trong sừng tê giác không khác gì tóc, móng và các loại sừng khác. Vì vậy, Giám đốc Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế (CWI) Mark Jones đã rất có lý khi khuyên những người có ý định mua sừng tê giác: “Bạn hãy giữ lấy tiền và gặm móng tay của mình còn hơn” (Nguồn: “Sừng tê giác không phải là thuốc”, thiennhien.net, 26-5-2011).

Khoa học quả quyết sừng tê giác không chữa bệnh được, thế thì tại sao thứ nước trắng đục như sữa mài ra từ sừng tê giác lại có thể chữa được bệnh như đã nói ở đầu bài? Câu trả lời nằm ở… chiếc đĩa.

Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, người kế thừa những di sản y dược bí truyền của cung đình nhà Nguyễn, bảo rằng không cứ là sừng tê giác, mà đem sừng trâu sừng bò hay cục đá cục sắt mài vào chiếc đĩa kia, cũng sẽ cho ra thứ nước trắng đục như nhau và tác dụng chữa bệnh của nó cũng y hệt nhau.

Vâng, không phải sừng tê giác mà chiếc đĩa làm bằng đất sét trắng nung kia mới chữa được bệnh. Dược liệu ở đây chính là đất. Không phải ngẫu nhiên mà ngày xưa trong dân gian, các thầy lang đều khuyên phải mài sừng tê giác vào phần không tráng men ở dưới khu chiếc bát bằng đất nung hoặc mài vào một mảnh sành để lấy nước chữa bệnh, mài vào chỗ khác chẳng có tác dụng gì.

Ngay cả cuốn “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” được cho là của Hải Thượng Lãn Ông, bên cạnh mục nói về sừng tê giác, cũng đề cập tới 14 loại đất chữa được bệnh. Nếu so sánh y lý của sừng tê giác với y lý của các thứ đất ghi trong chính cuốn sách này, bạn sẽ thấy các loại đất chữa bệnh còn tốt hơn là sừng tê giác.

Đất không chỉ chữa được một số bệnh mà còn chữa được rất nhiều thứ bệnh, đó là sự tổng kết của nền y dược phương Đông. Các sách Đông y cổ chân truyền, nhất là sách “Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính” đều nói rất kỹ về tác dụng chữa bệnh của các loại đất. Nhiều bài thuốc Đông y xưa cũng như nay đều có đất làm phối vị, thậm chí có khi làm chủ vị, tuy nhiên do cái tên gọi văn vẻ của nó nên nhiều người (trong đó có không ít các thầy thuốc) không hề biết nó chính là đất.

Chẳng hạn, nếu bạn bị sốt cao do nhiễm trùng bàng quang hay hệ sinh dục (nam cũng như nữ), thầy thuốc có thể cho bạn uống “Lục nhất tán”. Đây là thứ thuốc có bán phổ biến ở các hiệu thuốc bắc. Uống “Lục nhất tán” sẽ hạ sốt ngay, nếu thầy thuốc biết phối vị hợp lý nó còn có tác dụng lọc độc gan, thận và lọc máu. “Lục nhất tán”, như tên gọi của nó, gồm 6 phần hoạt thạch và 1 phần cam thảo (cam thảo chỉ giữ vai trò điều vị). Hoạt thạch là gì? Đó chẳng qua là một loại đất sét trắng, có ở khắp nơi, từ núi đồi đến đồng ruộng.

Đất gì cũng chữa được bệnh. Ngay cả một cục gạch cũng là thuốc, đông y gọi là “Thổ chuyên”. Khi bàn chân bị tê dại mất cảm giác, đốt cục gạch đỏ lên, thả vào trong nước, hơ gót chân lên sẽ khỏi. Khi ăn vào khó chịu trong dạ dày, nướng cục gạch cùng với vỏ ốc bươu và muối hột, cho vào nước nấu sôi khoảng 5 phút, uống vào sẽ cắt cơn.

 

Theo Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính, đất là nền tảng của mọi sự sống, nền y dược cổ truyền của dân tộc ta từ xa xưa đã có khái niệm “địa y” với vô số những bí ẩn mà còn lâu khoa học mới khám phá hết được (cần lưu ý nghĩa của từ này:  địa là đất, y là sự sống, địa y là sự sống từ đất, khác với “Địa y” –lichenes - là tên gọi một nhóm sinh vật được hình thành từ sự cộng sinh giữa một số loài tảo và nấm).

Cùng với nền văn minh công nghiệp và quá trình đô thị hóa, con người ngày càng sống cách biệt với đất, người càng “văn minh” càng sống xa đất; con người phải dùng đầu óc để tìm hiểu mới trở lại gần gũi hơn với đất, trong khi rất nhiều loài động vật, theo bản năng, chúng luôn phải thường xuyên liếm đất, ăn đất để tự ngăn ngừa bệnh tật. 

Một con chó nuôi nhốt mỗi khi cho ra ngoài, hành vi đầu tiên của nó là gặm đất, ít người biết rằng nó gặm đất để tự điều hòa thân nhiệt và cân bằng thể trạng. Một con heo sổng chuồng ra vườn thường lấy mõm ủi đất, nếu gặp những mảnh ngói vỡ thì nhai ngấu nghiến, ấy là nó đang tự chữa bệnh. Những người có kinh nghiệm nuôi heo, nhất là nuôi heo nái, thường lấy đất sét trắng vứt vào chuồng, để khi cần thì heo có thể ăn. Khảo sát loài tê giác, các nhà khoa học đều khẳng định nơi sinh sống của chúng bao giờ cũng có bãi liếm đất. Các loài sư tử, hổ, báo cũng như các loài thú, loài chim khác, thậm chí đến cả các loài ruồi, cũng thường xuyên phải liếm đất hoặc ăn đất, đó là một trong những lý do giải thích vì sao những loài vật sống trong thiên nhiên không bao giờ bị dịch bệnh nếu môi trường sống tự nhiên của chúng không bị con người phá hủy.

Đất lành, đất dữ, vị trí chỗ đất này có thể ở tốt, chỗ kia ở có thể sinh bệnh, đều liên quan đến địa y. Con người phải dùng khoa phong thủy hoặc nhờ thầy địa lý để chọn nơi làm nhà, chọn nơi đào giếng, trong khi nhiều con vật tự nó cảm nhận được, bởi vậy mới có câu “đất lành chim đậu”. Riêng con chó có khả năng rất kỳ lạ trong việc phát hiện đất dữ đất lành, kinh nghiệm dân gian cho thấy chỗ nào chó không chịu nằm thì chỗ đó không nên làm nhà hoặc không đặt giường ngủ.

Tổ tiên chúng ta trong quá trình bảo tồn và phát triển nòi giống, qua hàng ngàn năm quan sát về thể nghiệm, đã tích lũy những tri thức rất phong phú về địa y. Những tri thức đó được áp dụng trong ăn, ở, mặc và phòng trị bệnh tật. Ăn uống với thức ăn từ ruộng đồng và nước giếng làng tốt cho sức khỏe hơn là thức ăn công nghiệp và nước máy, là do thức ăn thức uống đồng quê hàm chứa địa y, còn thức ăn thức uống công nghiệp địa y đã bị hóa chất khử mất. Trẻ em nông thôn đi chân đất chơi trên đường làng hoặc chân ruộng ít bệnh tật hơn trẻ em thành thị đi dày dép chơi trên nền bê tông.

Sách “Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính” cũng chỉ rõ người đi chân đất khỏe mạnh hơn người đi giày. Nhưng vua quan và quân lính tất nhiên không thể đi chân đất được. Bởi vậy để khắc phục sự ngăn cách với đất, đôi hài của vua chúa cũng như quân đội nhà Nguyễn bao giờ cũng có lổ thông xuống dưới để bàn chân có thể hô hấp với đất, đó cũng là một trong những bí mật quân sự của tổ tiên chúng ta.

Trị bệnh thấp khớp có thang “Độc hoạt tang ký sinh”, tuy nhiên sách trên còn hướng dẫn thêm: Người bệnh phải không mang giày dép đi trên đất 2 ngày, đến ngày thứ 3 dậm chân trên đất bụi, lấy đất quyện với mồ hôi bàn chân đó pha với thang thuốc trên, uống vào mới trị dứt điểm được.

Dân gian thường dùng tổ tò vò nướng lên cho vào nước uống để chữa bệnh. Theo sách “Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính”, tổ tò vò gọi là “Y ông” (người làm thuốc”), có thể chữa được các bệnh thương hàn, ban, thủy đậu, hạ sốt và các bệnh thời khí của trẻ em. Cũng theo sách này, tác dụng chữa bệnh chủ yếu của tổ tò vò chính là… cục đất ruộng. Đất ruộng chữa bệnh còn hữu hiệu hơn các loại đất khác. Đất sét ruộng là 1 trong 10 vị của thang “Thập thần” bí truyền của cung đình nhà Nguyễn.

Bí quyết y thực của cung đình nhà Nguyễn còn có một thứ gia vị làm từ đất ruộng. Lấy một cục đất ruộng (tất nhiên phải là ruộng không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu), cho vào chảo gang hoặc nồi đất nướng tới khoảng 70oC trong 15 phút, chia cục đất làm 2 phần, một phần bỏ vào 1/2  lít nước, lóng lấy nước trong; phần kia cho vào bọc vải. Nước lóng ra từ đất này có thể dùng nấu canh cá đồng với lục bình (hoa và lá non), điên điển, so đũa, sam bay hay các loại rau dại khác, thêm một ít mè giã dập. Món canh này không những ăn rất ngon mà còn ngừa trị được các bệnh về tiêu hóa, làm sáng mắt và cân bằng kinh kỳ cho phụ nữ. Đất trong bọc vải thì đem ngâm chung với dưa muối, thứ dưa muối này ăn rất tốt cho sức khỏe, có thể ngừa trị các bệnh thời khí.

Kinh nghiệm cho thấy càng sống gần với đất càng ít bệnh tật. Địa y tuy được phát tán rộng rãi trong không gian, nhưng càng xa đất thì địa y càng bị “loãng”. Ngày nay, chúng ta đều biết con người cũng như động vật không thể thụ thai được trên tàu vũ trụ nhưng khoa học chưa giải thích được nguyên nhân vì sao. Phải chăng trên không gian cơ thể người và động vật không còn sự tương tác với địa y nên không thể phát triển sự sống? Có lẽ đây là một đề tài thú vị cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.

Địa y hình thành trong sự tương tác của muôn loài và phát tán mọi chốn mọi nơi trong không gian để duy trì, thanh lọc, phát triển sự sống. Thiên nhiên không sinh ra bất cứ một thứ gì thừa thãi, mỗi con vật đều có vai trò cân bằng địa y. Nước ta có hổ, có tê giác, có voi, có chó sói … nghĩa là sự sống ở đây cần có những con vật đó. Với tư cách là “vua đầm lầy”, tê giác giữ vai trò chi phối nhiều mắc xích quan trọng của sự sống. Tiêu diệt đi bất cứ con vật nào cũng đều làm cho địa y ở đó mất cân bằng, sự sống bị thoái hóa, thậm chí bị đe dọa, tiêu diệt tê giác sự sống càng bị “xuống cấp” nghiêm trọng hơn…

(Hoàng Hải Vân)

 

 
Trở lại     Đầu trang