loading
Sinh Hoạt Tôn Giáo
Chương Trình Thăm Viếng Của Các Ngài Tam Tạng Tại Việt Nam Mùa Dâng Y 2553

Nhận lời thính cầu của chư vị Phật tử gần xa, quý Ngài Tam Tạng ở Miến Điện gồm có: Ngài Trưởng Lão Kumārābhivaṁsa, Ngài Tam Tạng thứ VIII Ashin Vaṁsapālālaṅkāra, Ngài Tam Tạng thứ X Ashin Sundara, Ngài Tam Tạng thứ XI Ashin Indapāla sẽ đến thăm Việt Nam vào ngày 01/11/2009. Cùng đi với quý Ngài còn đó Đại đức Thiện Đức (Kusalaguna), Đại đức Hộ Giới (Silarakkhita) cùng một số chư Phật tử. Đoàn sẽ đến Sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 17h20 (5h20 PM) và sẽ kết thúc chuyến thăm viếng vào ngày 13/11/2009. 

Sau đây là chương trình thăm viếng của các Ngài Tam Tạng tại Việt Nam: 

01/11/2009 Đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 17h20 (5h20 PM) và về nghỉ lại tại Tổ Đình Bửu Long
02/11/2009 Gia đình cô Quý thỉnh trai tăng ở nhà
03/11/2009 Dự lễ dâng y tại Tổ Đình Bửu Long
04/11/2009 Phật tử thỉnh đi tham quan Vũng Tàu
05/11/2009 Dự lễ dâng y ở Siêu Lý
06/11/2009 Dự lễ dâng y ở Tổ Đình Bửu Quang
07/11/2009 Phật tử thăm viếng cúng dường - Dự lễ kiết giới Sīmā vào buổi tối tại chùa Kỳ Viên.
08/11/2009 Dự lễ dâng y tại Chùa Kỳ Viên và Thiền Viện Viên Không
09-13/11/2009 Đi Hà Nội, Hạ Long, Yên Tử, vv...
13/11/2009 Trở lại Miến Điện từ sân bay Nội Bài, Hà Nội

Ashin Kumārābhivaṁsa

Ngài Kumārābhivaṁsa sinh vào ngày 16/09/1929 tại thôn Ywa Be, xã Taung Tha, huyện Min-jan thuộc tỉnh Mandalay. Sau khi học xong lớp 9 trung học phổ thông, Ngài đã xuất gia sa-di. Thầy tế độ là Ngài Paṇḍicca tại chùa Hsin-min. Ở đây, Ngài Kumārābhivaṁsa đã thi đậu lớp sơ cấp (pathama-nge) và trung cấp (pathama-lat) Phật học do chính phủ tổ chức. Sau đó, Ngài học các môn Phật Pháp quan trọng khác như ngữ pháp Pāli Kaccāyana, chú giải Thắng Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-vibhāvinī), chú giải Pháp Tụ (Atthasālinī) và luật thơ kệ Pāli (Vuttodaya) với Ngài Sobhita, chú của mình, tại chùa Za-jan-kan Mye.

Ngài được thọ đại giới tỳ khưu vào năm 1949, và thầy tế độ cũng là Ngài Sobhita. Năm 1951, Ngài Kumārābhivaṁsa đến học tại đại học Pāli Dakkhiṇārāma nổi tiếng về sư phạm. Tại đây, Ngài sống dưới sự chỉ dạy của Ngài Medhiyābhivaṁsa, và đã thi đậu lớp cao cấp Phật học (pathama-ji) vào năm 1952.

Năm 1953, Ngài Kumārābhivaṁsa đã thi đậu một trong những kỳ thi khó nhất tại Miến Điện do hội Pariyatti-sāsanahita ở Mandalay bảo trợ tổ chức. Năm 1954, Ngài thi đậu kỳ thi Dhammācariya (pháp sư) của chính phủ. Trong kỳ thi này, Ngài đã thi đậu một lần 9 môn học - 3 môn chính và 6 môn phụ - nên Ngài được phong tặng danh hiệu ‘siromaṇi’. 3 môn chính bao gồm: (1) Luật Tạng bộ Pārājika, (2) Kinh Tạng bộ Sīlakkhandhavagga và (3) Vi Diệu Pháp Tạng bộ Dhammasaṅganī, kèm với Chú Giải (Aṭṭhakathā) và Phụ Chú Giải (Ṭīkā); 6 môn phụ là: (1) 4 bộ còn lại của Luật Tạng, (2) Mahāvagga của Trường Bộ Kinh, (3) Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara-nikāya), (4) Tương Ưng Bộ Kinh (Saṁyutta-nikāya), (5) Bộ Phân Tích (Vibhaṅga) của Tạng Vi Diệu Pháp, và (6) Bộ Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga) thuộc Tiểu Bộ Kinh, kèm với Chú Giải và Phụ Chú Giải. Lại nữa, Ngài thi tất cả các môn bằng tiếng Pāli và đã thi đậu 2 kỳ thi (1953, 1954) liên tiếp nên Ngài được phong tặng thêm danh hiệu ‘vataṁsaka’ với khuôn dấu vàng.

Ngay sau đó Ngài tham gia cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ sáu (1954–1956) tại thạch động nhân tạo Mahāpāsāṇa trên đồi Kaba Aye thuộc thủ đô Yangon. Là thành viên trong ban biên khảo, Ngài đã hiệu đính Tam Tạng, Chú Giải và Phụ Chú Giải trong suốt thời gian hơn 5 năm.

Vừa hiệu đính kinh thư để xuất bản, Ngài vừa tranh thủ thời gian học tiếp lớp 10 trung học và đã thi đậu vào đại học. Tiếp tục học chương trình đại học, Ngài đã hoàn thành khóa cử nhân phân khoa nghệ thuật tại trường đại học Mandalay. Sau đó Ngài học cổ ngữ Sanskrit, đặc biệt bộ ngữ pháp Pāṇinī, và văn học Veda với Ngài Sīlācāra.

Vào năm 1963 Ngài được đề cử làm trụ trì chùa Bamaw thuộc tỉnh Mandalay. Kể từ đó, Ngài chuyên tâm dạy Phật Pháp cho chư tăng trong học viện, và bắt đầu triển khai chương trình giáo dục Phật giáo cho trẻ em ở các vùng lân cận. Những năm trước đó, Ngài cũng dạy Phật Pháp tại trường đại học Pāli Dakkhiṇārāma; Ngài dạy ngữ pháp Pāli, Kinh, Luật, Vi Diệu Pháp kèm theo Chú Giải và Phụ Chú Giải. Ngài cũng là người sáng lập hội bảo trợ vật thực cho chư tăng trong khu vực Mandalay.

Khi chính phủ Myanmar khởi đầu dự án biên tập bộ từ điển Tam Tạng Pāli-Myanmar ngay sau cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ 6, Ngài được bầu chọn làm thư ký của ban biên tập Dakkhiṇārāma - 1 trong 5 ban biên tập được hình thành trong cả nước. Với vai trò đó, Ngài luôn sử dụng những tài liệu quan trọng từ các nguồn tiếng Anh, và các cổ ngữ Prakrit, Sanskrit và Ardhamāgadhi.

Ngoài ra, Ngài là tác giả và dịch giả của nhiều đầu sách liên quan đến ngữ pháp và kinh thư Pāli. Nổi bậc nhất là cuốn chú giải ngữ pháp Pāli Moggallāna bằng tiếng Miến, bản dịch từ tiếng Miến sang tiếng Pāli “Phương Pháp Thực Hành Thiền Tuệ” (2 tập) của Thiền sư Mahāsi và cuốn chú giải Therī-apadāna-dīpanī bằng tiếng Pāli mà từ trước đến nay trong chú giải Pāli chưa có.

Ngài thường được các học giả xuất gia cũng như tại gia đến tham vấn những điểm khúc mắc trong ngữ pháp và kinh điển Pāli. Năm 1980 khi ban lãnh đạo Tăng già toàn quốc soạn thảo và bổ sung các điều luật và hiến chương Giáo hội, Ngài Kumārābhivaṁsa được bầu làm thư ký của ban soạn thảo. Để tán thán và tuyên dương công đức của Ngài đối với cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ 6 và các Phật sự nổi bậc khác, chính phủ Miến Điện dâng tặng danh hiệu Aggamahāganthavācakapaṇḍita (Bậc Đại Thượng Trí về Pháp Học) vào năm 1988. Ngưỡng mộ kiến thức uyên bác về văn chương và từ nguyên học, trường đại học Yangon cũng dâng tặng Ngài bằng tiến sĩ văn từ danh dự (D. Lit.) vào năm 2005.

Cho đến nay Ngài vẫn còn làm viện trưởng Phật học viện Bamaw tại Mandalay. Bên cạnh Phật sự giáo dục chư tăng trong học viện, Ngài còn dạy bộ Duyên Hệ (Paṭṭhāna) – bộ cuối cùng và khó nhất của Tạng Vi Diệu Pháp – cho các vị tham gia chương trình thi Tam Tạng.


Vài nét chính về Ngài Tam Tạng thứ VIII

Ashin Vaṁsapālālaṅkāra

Ngài Vaṁsapālālaṅkāra thông thuộc thấu suốt Tam Tạng vào năm 1999 và là vị Tam Tạng thứ 8 trong 11 vị Tam Tạng từ trước đến nay tại Miến Điện. Sinh vào ngày thứ tư, mồng 3 tháng 11 năm 1965, Ngài là con trai của cụ ông U Kyaw và cụ bà Daw Chin Myaing ở làng Khwet Khwin, thị xã Myin Mu, tỉnh Sagaing – một trung tâm Phật Giáo lâu đời thuộc miền trung xứ Miến.

Năm 1984 Ngài thọ đại giới tỳ khưu tại chùa Pajjotāyon, thị trấn Hman Kin thuộc cố đô Mandalay. Thầy tế độ là Ngài Nāgavaṁsa ở chùa Pajjotāyon thuộc thị trấn Mon-ywa, và thí chủ hộ độ xuất gia là gia đình ông U Pho Hmi và bà Daw Shwe Nyunt tại Mandalay.

Ngài Tam Tạng Vaṁsapālālaṅkāra đã theo học với nhiều danh Tăng lỗi lạc, như thầy tế độ là Ngài Nāgavaṁsa và các Đại đức giáo thọ ở chùa Pajjotāyon, Ngài đệ nhất Tam Tạng Mingun Sayadaw, và tiến sĩ danh dự văn từ Pāli – Ngài Kumārabhivaṁsa ở chùa Bamaw thuộc tỉnh Mandalay.

Sau khi hoàn tất học trình Pariyatti-sāsanālaṅkāra (trang trí học giáo) và học trình Dhammācariya (pháp sư), Ngài Tam Tạng Vaṁsapālālaṅkāra đã tham gia chương trình tuyển chọn Tam Tạng Pháp Sư do chính phủ Miến Điện tổ chức và bảo trợ. Trải qua 15 năm, từ năm 1985 đến năm 1999, Ngài đã thông thuộc (tụng thuộc lòng) và thấu suốt (thi viết kèm với Chú Giải và Phụ Chú Giải) Tam Tạng Pāli nên được chính phủ Miến Điện dâng tặng văn bằng và danh hiệu “Bậc Thông Thuộc Thấu Suốt Tam Tạng” (Tipiṭakadhara Tipiṭakakovida).

Là một bậc thông thuộc thấu suốt Tam Tạng sau 15 năm nỗ lực không ngừng, Ngài Tam Tạng Vaṁsapālālaṅkāra đã tiếp tục công việc hoằng Pháp của Ngài đệ nhất Tam Tạng Mingun Sayadaw với trọng trách thư ký trong ban lãnh đạo của trung tâm dạy và học Tam Tạng Mingun Tipiṭaka Nikāya thuộc tỉnh Sagaing.

Chính phủ Miến Điện dâng tặng cho Ngài văn bằng và danh hiệu “Bậc Tam Tạng Bảo Vệ Kho Tàng Pháp Bảo” (Tipiṭakadhara Dhammabhaṇḍāgārika) vào năm 2005.

Từ khi trở thành Bậc Thông Thuộc Thấu Suốt Tam Tạng cho đến bây giờ, Ngài Tam Tạng Vaṁsapālālaṅkāra vừa đảm trách công việc đào tạo Tăng tài ở Phật học viện Mingun Tipiṭaka Nikāya vừa đi hoằng Pháp trong và ngoài nước.


Tiểu sử tóm tắt của Ngài Tam Tạng thứ X

Ashin Sundara

(Hiệu đính bản dịch trong trang web Trung Tâm Hộ Tông)

Ngài Tam Tạng Ashin Sundara là một vị danh Tăng xuất chúng trong giáo pháp Đức Phật (Sāsana Ājānī) sinh ngày thứ sáu, mồng 8 tháng 4 năm 1955. Thân sinh Ngài là cụ ông U Tha Don và cụ bà Daw Khin Phwa tại làng Chaut Taing, thị xã Myaing, thị trán Pakhokku thuộc tỉnh Magwe.

Vào năm 12 tuổi, Ngài xuất gia sa-di với Thầy tế độ U Kovida trụ trì chùa Ma-ji-cho và thí chủ xuất gia là cha mẹ Ngài.

Vào năm 15 tuổi, Ngài theo học chương trình Phật học căn bản tại chùa của Ngài Đại trưởng lão U Nandiya, là bậc thông thuộc về Abhidhamma và với Ngài U Jāgara tại chùa Tu Maung thuộc thị xã Amarapūra.

Vào năm 16 tuổi, Ngài đậu kỳ thi Pathama-nge (sơ cấp) của chính phủ.

Vào năm 17 tuổi, Ngài đậu kỳ thi Pathama-lat (trung cấp) của chính phủ.

Vào năm 18 tuổi, Ngài đậu kỳ thi Pathama-ji (cao cấp) của chính phủ.

Vào năm 19 tuổi, Ngài hoàn thành 2 trong 3 phần của Dhammācariya (pháp sư).

Vào năm 20 tuổi, Ngài thọ giới Tỳ kheo vào ngày 15/11/1974. Vị thầy tế độ là Đại Trưởng Lão U Kovida tại chùa Tu Maung thị xã Amarapūra. Thí chủ xuất gia là ông U Than và bà Daw Khin Hla.

Cũng vào năm đó, Ngài đỗ bằng Sāsanādhaja Dhammācariya (bằng pháp sư của chính phủ), bằng Nikāya-vinaya Dhammācariya (bằng pháp sư của hội Phật học phi chính phủ) và bằng Atthavisārada Mūla-abhidhammika (5 bộ đầu tiên trong 7 bộ của Tạng Vi Diệu Pháp), là nền tảng căn bản cho kỳ thi Tam Tạng sau này. Ngoài ra, Ngài còn đạt bằng Dighābhāṇaka (thông thuộc Trường Bộ Kinh), một trong mười phần của chương trình thi Tam Tạng.

Vào năm 23 tuổi, Ngài đỗ bằng Dighānikāya-kovida (thông thuộc thấu suốt Trường Bộ Kinh).

Vào năm 25 tuổi, Ngài thông thuộc Tạng Luật (Vinaya-dhara), và đạt bằng Dvipiṭaka-dhara (thông thuộc Nhị Tạng) trong kỳ thi Tam Tạng do Ban Tôn Giáo thuộc Bộ Tôn Giáo chính phủ tổ chức. Kể từ đó, Ngài bắt đầu dạy pháp hành (Paṭipatti) tại Thiền viện Sunlun.

Vào năm 29 tuổi, Ngài đỗ bằng Ubhatovibhaṅga-kovida (thông thuộc thấu suốt 2 bộ đầu tiên của Tạng Luật).

Vào năm 31 tuổi, Ngài đỗ bằng danh dự Sāsanadhaja Sirīpavara Dhammācariya.

Vào năm 34 tuổi, Ngài thông thuộc thấu suốt Tạng Luật (Vinaya-kovida), và đạt bằng Dvipiṭaka-kovida (thông thuộc thấu suốt Nhị Tạng).

Vào năm 38 tuổi, Ngài đỗ bằng Mūla-abhidhammika: thông thuộc 5 bộ đầu tiên trong 7 bộ của Tạng Abhidhamma.

Vào năm 43 tuổi, Ngài đạt bằng Mūla-abhidhammika-kovida: thông thuộc thấu suốt 5 bộ đầu tiên của Tạng Abhidhamma.

Vào năm 45 tuổi, Ngài thông thuộc 2 bộ cuối của Tạng Abhidhamma, và đạt bằng Tipiṭaka-dhara (thông thuộc Tam Tạng).

Năm 48 tuổi, ở kỳ thi Tam Tạng lần thứ 56 vào năm 2004, Ngài đậu kỳ thi viết 2 bộ cuối cùng của Tạng Abhidhamma, và đạt bằng Tipiṭaka-dhara Tipiṭaka-kovida (thông thuộc thấu suốt Tam Tạng).

Sau khi hoàn thành xong Tam Tạng cả về tụng lẫn viết thuộc lòng kèm với Chú Giải và Phụ Chú Giải, Ngài Tam Tạng Ashin Sundara đã được phong tặng danh hiệu Tipiṭaka-dhara Tipiṭaka-kovida – Bậc cao thượng thông thuộc thấu suốt Tam Tạng. Chính phủ Myanmar kính dâng danh hiệu, cờ hiệu và một khuôn dấu tròn, bên trong có biểu tượng 3 lọng trắng cán vàng. Thêm vào đó, chính phủ cúng dường Ngài đất xây dựng, nước, gạo và điện cùng với 3 vé máy bay quốc nội thượng hạng cho Ngài và 2 người đi theo Ngài và, v.v…

Hiện nay, Ngài Tam Tạng Ashin Sundara đảm nhận 2 trọng trách lớn của Phật Pháp là dạy Pháp học và hướng dẫn Pháp hành. Ngài hiện là Thiền sư Viện chủ Thiền viện Sunlun ở phố 16/2, phường Thingangyun thuộc địa phận Yangon.


Tiểu sử tóm tắt của Ngài Tam Tạng thứ XI

Ashin Indapāla

Thông thuộc thấu suốt Tam Tạng vào năm 2004, Ngài Indapāla là vị Tam Tạng thứ 11 trong 11 vị Tam Tạng từ trước đến nay tại Miến Điện. Sinh vào ngày Chủ nhật, 17 tháng 7 năm 1960 tại thôn Ma Chi Chun, thị trấn Yan Bye, huyện Chauk Phyu thuộc tiểu bang Rakhine ở miền Tây Bắc Miến Điện, Ngài là con trai đầu của cụ ông U Ngwe Tin Aung và cụ bà Daw Pe Sein. Tiểu bang Rakhine là một trong những nơi mà Phật giáo du nhập vào rất sớm.

Lên 10 tuổi, vào ngày 13/11/1970, Ngài Indapāla xuất gia sa-di; thầy tế độ là Ngài Myaut Chaung Sayadaw ở thôn Ma Chi Chun, và thí chủ hộ độ xuất gia sa-di là bà nội của Ngài, Daw Ei Myat U.

Ngày 26/05/1981, Ngài Indapāla thọ đại giới tỳ khưu tại Phật học viện Min Chaung thuộc tỉnh Bago. Thầy tế độ là Ngài Nāginda,và thí chủ hộ độ xuất gia tỳ khưu là gia đình ông U Thein Aung và bà Daw Me Me Khin ở thành phố Bago.

Ngài Indapāla đã học Chánh Tạng Pāli, Chú Giải (Aṭṭhakathā) và Phụ Chú Giải (Ṭīkā) với nhiều danh tăng học thức uyên bác như Ngài đệ nhất Tam Tạng Mingun Sayadaw, Ngài Kumāra (nhà chú giải) ở Phật học viện Pajjotāyon thuộc thị trấn Myaung Myat, Ngài Kumārābhivaṁsa (tiến sĩ danh dự văn từ Pāli, D. Lit.), Ngài Suriya (tiến sĩ Pāli) ở Phật học viện Min Chaung thuộc tỉnh Bago và Ngài Nanda (tiến sĩ Pāli) ở Phật học viện Pajjotāyon, Myaung Myat. Ngài Indapāla tham gia chương trình thi Tam Tạng sau khi học xong các lớp Phật Pháp: Pathama-nge (sơ cấp) vào năm 1976, Pathama-lat (trung cấp) vào năm 1977, Pathama-ji (cao cấp) vào năm 1978, và Dhammācariya (pháp sư) vào năm 1980. Dưới đây là quá trình học và thi Tam Tạng của Ngài.

- Năm 1984, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 36, Ngài thông thuộc 2 bộ đầu tiên trong 5 bộ của Tạng Luật (Ubhatovibhaṅga-dhara).

- Năm 1985, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 37, Ngài thông thuộc 3 bộ sau cùng của Tạng Luật, và đạt bằng Vinaya-dhara (thông thuộc Tạng Luật).

- Năm 1988, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 40, Ngài thông thuộc (tụng thuộc lòng) và thấu suốt (viết thuộc lòng kèm với Chú Giải và Phụ Chú Giải) 2 bộ đầu tiên của Tạng Luật (Ubhatovibhaṅga-kovida).

- Năm 1990, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 42, Ngài thông thuộc thấu suốt 3 bộ sau cùng của Tạng Luật, và đạt bằng Vinaya-kovida (thông thuộc thấu suốt Tạng Luật).

- Năm 1992, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 44, Ngài thông thuộc Trường Bộ Kinh (Dīgha-bhāṇaka), với kết quả xuất sắc, và đạt bằng Dvipiṭaka-dhara (thông thuộc Nhị Tạng).

- Năm 1993, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 45, Ngài thông thuộc thấu suốt Trường Bộ Kinh (Dīghanikāya-kovida), và đạt bằng Dvipiṭaka-kovida (thông thuộc thấu suốt Nhị Tạng).

- Năm 1996, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 48, Ngài thông thuộc 5 bộ đầu tiên trong 7 bộ của Tạng Vi Diệu Pháp (Mūla-abhidhammika).

- Năm 1999, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 51, Ngài thông thuộc thấu suốt 5 bộ đầu tiên của Tạng Vi Diệu Pháp (Mūla-abhidhammika-kovida).

- Năm 2001, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 53, Ngài thông thuộc 2 bộ sau cùng của Tạng Vi Diệu Pháp. Lần này Ngài được chính phủ Miến Điện dâng tặng văn bằng thông thuộc Tam Tạng (Tipiṭaka-dhara), với quạt đỏ, cờ 3 lọng trắng và ấn dấu.

- Năm 2004, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 56, Ngài thông thuộc thấu suốt 2 bộ sau cùng của Tạng Vi Diệu Pháp, và được chính phủ Miến Điện dâng tặng văn bằng thông thuộc thấu suốt Tam Tạng (Tipiṭaka-dhara, Tipiṭaka-kovida), với quạt vàng, cờ 3 lọng trắng và ấn dấu.

Song song với các kỳ thi sơ cấp, trung cấp, cao cấp, pháp sư và các kỳ thi Tam Tạng do chính phủ tổ chức, Ngài cũng tham gia các kỳ thi do các hội Phật học phi chính phủ bảo trợ, và đã đạt nhiều học vị khác liên quan đến Tam Tạng, Chú Giải và Phụ Chú Giải.

Để duy trì và phát triển Pháp học (Pariyatti-sāsana), Ngài Tam Tạng Indapāla đã: - Sáng lập kỳ thi Phật học cho tất cả tăng ni tại thị xã Yan Bye. - Sáng lập Phật học viện Tipiṭaka Thein Lin tại thành phố Mandalay.

- Sáng lập Phật học viện Tipiṭaka Pale Yaung Shein tại thành phố Yangon.

- Là thành viên trong ban lãnh đạo tại Phật học viện Mingun Tipiṭaka Nikāya – nơi đào tạo Ngài trở thành bậc thông thuộc thấu suốt Tam Tạng.

 
Trở lại     Đầu trang