Nhận lời mời danh dự của Nhà nước Cộng hòa Liên Bang Myanmar, vừa qua, Ngài Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Pháp – Dhammarakkhita đã có chuyến thăm và đón nhận danh hiệu cao quý Aggamaha Pandita – Bậc Đại Thiện Trí Cao Thượng do Chính Phủ và Bộ Tôn Giáo Myanmar trao tặng. Chuyến đi này cũng là dịp để Ngài ghé thăm và đảnh lễ những bậc Thầy, những vị Trưởng lão đã từng đồng học, đồng tu với Hòa thượng trước kia, đã mấy mươi năm chưa có dịp gặp lại. Vì thế chuyến đi có rất nhiều niềm hoan hỉ, xúc động. Đây không chỉ là vinh dự cho Tổ đình Bửu Long, Thiền viện Viên Không nói riêng mà còn là niềm vui chung cho Phật giáo Nguyên thủy cũng như Phật giáo Việt Nam.
1. Ý nghĩa của các danh hiệu:
Những danh hiệu và giải thưởng cao quý này được Chính phủ và Bộ Tôn Giáo Miến Điện dâng tặng cho những Bậc tài đức và những người đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc hoằng dương Chánh pháp.
Năm nay, Hội đồng xét duyệt do các vị Đại trưởng lão hội Tăng già Myanmar trực tiếp xét duyệt đã lựa chọn ra được trên 150 vị để trao danh hiệu, trong đó có 104 vị tăng, cả trong nước và ngoài nước như Việt Nam, Sri Lanka, Thái Lan, Anh …
Những danh hiệu được dâng tặng cho Chư Tăng lần này như:
- Abhidhaja maha ratthaguru (Bậc Đại Quốc sư Cao thượng)
- Abhidhaja – Aggamaha saddhamma jotika (Bậc Xiển dương Chánh pháp Cao thượng)
- Aggamaha Pandita (Bậc Đại thiện trí cao thượng).
- Aggamaha Ganthavacaka (Đại Giảng sư cao thượng)
- Maha Ganthavacaka (Đại Giảng sư)
- Ganthavacaka (Giảng sư)
- Aggamaha Kammatthanacariya (Đại thiền sư cao thượng)
- Maha Kammatthanacariya (Đại thiền sư)
- Kammatthanacariya (Thiền sư)
- Aggamaha Dhamma Kathika (Đại Pháp sư cao thượng)
- Maha Dhamma Kathika (Đại Pháp sư)
- Dhamma Kathika (Pháp sư)
- Aggamaha Saddhammajotika (Bậc Đại xiển dương chánh Pháp cao thượng)
- Maha Saddhammajotika (Bậc Đại xiển dương chánh Pháp)
- Saddhammajotika (Bậc Xiển dương chánh Pháp)
Ngoài ra còn nhiều danh hiệu khác dành cho Tu nữ, Nam Nữ cư sĩ nhờ những thành tựu về hộ trì Giáo pháp, Hoằng pháp…
Tại Myanmar, danh hiệu Aggamaha Pandita (Bậc Đại thiện trí cao thượng) mà Ngài trưởng lão Hộ Pháp được trao tặng có thể được xem như danh hiệu Đệ nhị Tăng (danh hiệu đệ nhất Tăng chỉ dành cho các vị Tăng Thống – tương đương với danh hiệu Quốc sư). Đây là lần đầu tiên, một vị sư Việt Nam được trao danh hiệu này và cũng là trường hợp đặc biệt, phong tặng thăng bậc lên thẳng danh hiệu Aggamaha Pandita mà không cần qua các danh hiệu khác. Ngay với rất nhiều vị Đại trưởng lão nổi tiếng ở Miến Điện, đây cũng là điều hết sức hy hữu. (Ở Myanmar, một vị Aggamaha Pandita được nhận rất nhiều những quyền lợi đặc cách do Chính phủ trao tặng như cấp đất xây chùa, cấp chi phí sinh hoạt, miễn phí trọn đời đối với giao thông liên lạc trong nước…)
Đối với chư Tăng Việt Nam, Chính phủ Myanmar còn trao tặng danh hiệu cho hai Ngài trưởng lão khác là Ngài Đại trưởng lão Hòa Thượng Danh Nhưỡng và Hòa Thượng Thiện Tâm (đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam).
2. Chương trình tiếp đón và tổ chức Đại Lễ.
Ngày 16: Một số cán bộ Ban Tôn giáo Chính phủ có mặt tại Sân bay Yangon để đón chư Tăng nước ngoài. Sau đó, toàn đoàn lên xe đi thẳng về khu khách sạn cao cấp tại thủ đô Naypidaw (thủ đô mới của Myanmar). Riêng Ngài Hộ Pháp đến Myanmar từ ngày 11-3 vì phải lo một số Phật sự, nhưng Ban tôn giáo Chính phủ khi biết tin vẫn tổ chức Tiếp đón và bố trí nơi sinh hoạt rất chu đáo. Điểm đặc biệt tại Myanmar là nghi thức đón tiếp của chính phủ Myanmar đúng nghĩa là nghi thức của một Phật tử đối với Chư Tăng chứ không phải là nghi thức đón khách thông thường.
Ngày 17: Chính Phủ Miến Điện tổ chức lễ cúng dường Trai Tăng. Những người được vinh dự trực tiếp dâng món ăn cho các vị Đại trưởng lão đều là những quan chức đứng đầu chính phủ Myanmar như Thủ tướng, Thống tướng, Bộ trưởng bộ Tôn giáo…
Ngày 18: Chương trình tham quan cả ngày các thắng cảnh và công trình quan trọng tại thủ đô mới Naypidaw.
Ngày 19:
- Buổi sáng: Tham gia buổi đại lễ khánh thành ngôi Tháp trung tâm mới xây dựng tại thủ đô Naypidaw.
- Buổi chiều: 15h00, đại lễ phong tặng danh hiệu chính thức bắt đầu hết sức trọng thể và long trọng. Khách mời tham dự bao gồm các cán bộ chính phủ cao cấp, Đại sứ các lãnh sự quán… Đến lúc này, đây là lần duy nhất trong toàn bộ chương trình, những người đi theo tháp tùng chư Tăng được phép tham dự nhưng chỉ với số lượng rất hạn chế và phải qua cửa kiểm soát an ninh hết sức chặt chẽ của quân đội, hoàn toàn không được mang theo bất kỳ thiết bị điện tử, máy ảnh, camera vào trong. Ở bên ngoài hội trường trung tâm, có rất nhiều vòng an ninh nghiêm ngặt do quân đội và cảnh sát Myanmar cùng phối hợp. Hội trường rất rộng lớn, sang trọng, phía trên và cao nhất của hội trường bày những chiếc ghế trang trọng cho Chư Tăng ngồi, còn lại tất cả quan chức cấp cao Chính phủ (kể cả Thủ tướng, thống tướng…) cùng những người tham dự đều ngồi xếp bằng trên thảm trải dưới nền nhà. Buổi lễ diễn ra đơn giản, không quá cầu kỳ, nhưng rất trang nghiêm. Hình ảnh đích thân các vị đứng đầu chính phủ Myanmar đến quỳ dâng những danh hiệu cho các vị Trưởng lão với sự tôn kính thể hiện trong từng động thái là một giá trị không thể nói lên thành lời của buổi lễ.
Sau lễ trao danh hiệu là lễ cúng dường. Một con đường trải thảm đỏ có mái bạt che dài gần 2km xung quanh chân Tháp mới được dựng lên để thỉnh Chư Tăng đi. Suốt chiều dài con đường là các “gian hàng” của các Bộ, Ngành và các Doanh nghiệp lớn của Myanmar, trên đó sắp sẵn các món tứ vật dụng để cúng dường Chư Tăng. Nếu khách du lịch tới đây không được giới thiệu trước có thể lầm tưởng đây là một hội chợ triển lãm bán hàng tầm cỡ lớn. Hoàn toàn không có cảnh chen lấn, ồn ào. Mọi sự cúng dường đều thành tựu bởi sự cung kính, sự hoan hỉ, trang nghiêm vô cùng. Hòa thượng Hộ Pháp do chân đau chưa hồi phục nên phải ngồi xe lăn. Xe ngài đi tới đâu, mọi người quỳ rạp đến đó cúng dường Ngài mà trong lòng những người đi theo cảm thấy thật hoan hỉ. Lành thay!!! Tâm hồn con người khi được ánh sáng Phật Pháp chiếu soi sẽ trở lên hiền thiện biết bao.
Trưa 20-3: Ban tổ chức đưa toàn đoàn về lại Yangon.
Và một số hình ảnh ghi lại (một số chụp lại từ đài truyền hình Myanmar)
- Khai giảng khóa học thiền tại chùa Tam Bảo, Đà Nẵng
- Lễ hội Huyền Không năm 2011
- Kỷ niệm 12 năm ngày thành lập Ni viện Viên Không
- Ngài Phó Tăng Thống hệ phái Amarapura của Tích Lan đến thăm Tổ đình Bửu Long
- Khai giảng khóa thiền mới tại Tổ đình Bửu Long
- Mừng thọ Hòa thượng Viên Minh
- Ngài Ashin Indobhàsa đến thăm Tổ đình Bửu Long
- Ngài Phó Tăng Thống Tích Lan sẽ đến thăm Việt Nam
- Lễ Thánh Hội - Rằm Tháng Giêng tại chùa Huyền Không, Huế
- Đêm hội Đầu Đà tại Tổ Đình Bửu Long và Rừng Thiền Viên Không
- Đưa tiễn Cố Tu nữ Diệu Phước (Bà Năm Lò-veng) về nơi an nghỉ cuối cùng
- Lễ viếng Cố Tu nữ Diệu Phước (Bà Năm Lò-veng)
- Cô Tu nữ Đặng Thị Năm (Năm Lò-veng) đã từ trần
- Đón giao thừa
- Hòa thượng Thiền sư Khippapanno Kim Triệu thăm Tổ Đình Bửu Long